Cuộc cách mạng cộng sản của Việt Nam: quyền lực và những giới hạn của ý thức hệ (kỳ 4)

Vũ Tường (2017). Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology. Cambridge: Cambridge University Press.

Nguyễn Trung Kiên dịch

CHƯƠNG 3

SỰ HÌNH THÀNH TIỀN ĐỒN CỦA CHIẾN TRANH LẠNH TẠI ĐÔNG DƯƠNG, 1940-1951

Thập niên 1940 đã bắt đầu không thuận lợi cho chủ nghĩa cộng sản Đông Dương. Chính quyền thuộc địa đã bắt được gần như toàn bộ dàn lãnh đạo trung ương vào đầu năm 1940. Việc Pháp bị Đức xâm lược vào giữa năm 1940 hóa ra lại là cơ hội để Xứ ủy Nam Kỳ khởi nghĩa vũ trang một cách sai lầm ở đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 11 năm đó. Cuộc khởi nghĩa ngay lập tức bị dập tắt và Xứ ủy Nam kỳ của Đảng bị triệt phá.[273] Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ này, Đảng đã thành công trong việc nắm chính quyền và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Mặc dù người Pháp vẫn kiểm soát khoảng một nửa đất nước, VNDCCH đã đạt được sự ủng hộ đáng kể của quần chúng và được hàng chục quốc gia, bao gồm cả Liên Xô và Trung Quốc cộng sản công nhận.

Nhiều yếu tố đã góp phần vào việc thay đổi hoàn toàn vận mệnh của những người cộng sản. Xứ ủy Bắc kỳ của họ vẫn tồn tại sau đàn áp của thực dân Pháp và tạo thành hạt nhân của một ban lãnh đạo trung ương mới, bao gồm Nguyễn Ái Quốc khi ông trở lại vào năm 1941. Cuộc đảo chính của Nhật chống lại thực dân Pháp tháng 3 năm 1945 tiếp tục làm suy yếu sự kiểm soát thuộc địa và cho phép Đảng mở rộng ảnh hưởng. Sự khai thác các nguồn tài nguyên đầy tàn nhẫn của Nhật đã tạo ra một nạn đói ở miền Bắc Việt Nam vào giữa năm 1945. Ước tính khoảng một triệu rưỡi đến hai triệu người đã chết đói.[274] Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, các cuộc bạo loạn và nổi dậy hàng loạt đã diễn ra tại các thị trấn và thành phố lớn của Việt Nam trong một sự kiện được mệnh danh là “Cách mạng Tháng Tám” trong lịch sử Việt Nam. Những người cộng sản đã lên nắm quyền nhờ sự bất mãn của quần chúng nhân dân và chủ nghĩa dân tộc đang lan rộng.[275] Tuy nhiên, người Pháp đã sớm quay trở lại để giành lại thuộc địa của họ. Bất chấp những lời kêu gọi nhiều lần của Hồ Chí Minh, Washington từ chối công nhận chính phủ của ông, và Moscow cũng vậy. Chiến thắng của những người cộng sản Trung Quốc trên lục địa Trung Quốc vào cuối năm 1949 và sự trợ giúp của Trung Quốc sau đó đã giúp VNDCCH vượt qua bế tắc trong cuộc chiến tranh với người Pháp.

Một trong những huyền thoại lâu đời nhất về Chiến tranh Việt Nam liên quan đến luận điểm “đánh mất cơ hội”, quy trách nhiệm cho Hoa Kỳ về quyết định của VNDCCH đi theo phe Liên Xô vào năm 1950.[276] Theo luận điểm này, Chiến tranh Việt Nam có thể tránh được nếu Tổng thống Truman công nhận về mặt ngoại giao đối với chính phủ của Hồ khi nó được thành lập vào cuối năm 1945. Một huyền thoại tương tự về “cơ hội bị đánh mất” của Hoa Kỳ tại Trung Quốc từ lâu đã bị bóc trần, và bằng chứng trong chương này hy vọng có thể khiến huyền thoại về Việt Nam này tan biến.[277] Đặc biệt, Hồ và các đồng chí của ông đã thể hiện lòng trung thành với Liên Xô và Trung Quốc cộng sản trong suốt thập niên 1940 ngay cả khi không có liên lạc hay hỗ trợ, khi các lực lượng Liên Xô tan rã dưới sự tấn công của Đức, và khi Hồng quân của Mao bị cô lập ở miền Tây Bắc Trung Quốc. Bị những người anh em quốc tế của họ bỏ lại một mình vào cuối năm 1945, họ tìm đến Hoa Kỳ, và để vận động trong nước, họ nhấn mạnh sự đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, những cống hiến của họ cho cách mạng thế giới vẫn còn nguyên vẹn, dù bây giờ đang được che giấu cẩn thận. Trong các cân nhắc chiến lược của họ, Hoa Kỳ là một nhân tố quan trọng nhưng không bao giờ là nhân tố duy nhất. Mặc dù nóng lòng muốn có được sự công nhận ngoại giao từ các nước khác, họ đã cổ vũ Stalin khi ông đối đầu với Hoa Kỳ tại Berlin. Với tình hình chính trị đầy biến động của Pháp và với chiến thắng của cộng sản sắp xảy ra ở Trung Quốc, họ đã mơ tưởng về một mặt trận cách mạng kéo dài từ Paris đến Đông Dương qua Moscow và Bắc Kinh. Nhờ sự hỗ trợ của Mao, họ đã làm mọi cách để thuyết phục một Stalin vốn không quan tâm thừa nhận Việt Nam vào phe Liên Xô. Đó là cách mà Liên Xô và Trung Quốc cộng sản bị sa lầy ở Đông Dương. Giống như ở Triều Tiên, nhân tố phụ đã kiểm soát nhân tố chính.

Do đó, những người ủng hộ luận điểm “cơ hội bị đánh mất” đã chính xác khi cho rằng các nhà cộng sản Việt Nam không phải là con rối của Moscow hay Bắc Kinh. Tuy nhiên, một nghịch lý khó hiểu đối với những nhà nghiên cứu đó là các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đồng thời vừa có tư tưởng độc lập vừa trung thành với Moscow. Câu trả lời cho nghịch lý phải được tìm thấy trong quan điểm của họ về thế giới, được nhìn nhận dưới dạng các thuật ngữ mang tính nhị nguyên chứ không phải mang tính lưỡng cực. Liên Xô là quốc gia xã hội chủ nghĩa duy nhất trên Trái Đất trước năm 1945, nhưng phe xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Mặc dù các nhà cộng sản Việt Nam coi Liên Xô là trung tâm của phe xã hội chủ nghĩa, vị trí của Liên Xô được xem như là một điều kiện lịch sử nhất định. Sự lãnh đạo của Liên Xô không đồng nghĩa với sự thống trị của Liên Xô, và vị thế đàn em của Việt Nam trong phe xã hội chủ nghĩa không bao hàm sự thấp kém hay yếu kém. Trên thực tế, độc lập dân tộc và bản sắc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam sẽ củng cố lẫn nhau, bởi cách mạng Việt Nam là một bộ phận cấu thành của cách mạng thế giới. Nước Việt Nam độc lập được kỳ vọng sẽ tồn tại và phát triển trong gia đình các nhà nước xã hội chủ nghĩa, và CHỈ trong gia đình đó.

Hiểu được thế giới quan nhị nguyên của họ là điều cần thiết để giải thích tại sao các nhà lãnh đạo VNDCCH lại hoan nghênh Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, chiến tranh chính là điều họ mong đợi. Nó chứng minh niềm tin của họ về sự phân chia cơ bản trong chính trị quốc tế giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, giữa những người cách mạng và phản cách mạng. Nó cho phép họ tự hào thể hiện những bằng chứng cách mạng của mình và bắt tay ngay vào việc hiện thực hóa những tham vọng cấp tiến của họ. Cho đến lúc đó, cuộc cách mạng vẫn hứa suông với người nông dân; Chiến tranh Lạnh cuối cùng đã cho phép các nhà cộng sản Việt Nam thực hiện cải cách ruộng đất được ấp ủ từ lâu nhưng luôn bị trì hoãn.

CHIẾN TRANH ĐẾ QUỐC CHỦ NGHĨA, HÒA BÌNH XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Hội nghị Trung ương lần thứ tám do Nguyễn Ái Quốc triệu tập vào giữa năm 1941, người với tên gọi bây giờ là “Già Thu” và sẽ sớm lấy tên khác: Hồ Chí Minh.[278] Tại Hội nghị Trung ương này, Quốc được đề nghị đảm nhận vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) nhưng ông đã từ chối. Theo Trường Chinh, Quốc nói rằng với tư cách là một quan chức của QTCS, ông có thể bị điều động đi công tác nơi khác theo lệnh của QTCS và không thể giữ chức vụ tổng bí thư của Đảng.[279] Quốc đề nghị Trường Chinh đảm nhiệm vị trí này, và Chinh đã ngheo theo. Giống như vào năm 1930, Quốc lại không nắm bắt cơ hội để đích thân lãnh đạo ĐCSĐD khi ông đang có cơ hội thực hiện điều đó.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương này có vẻ lạc quan về sự phát triển của thế giới. Khi đó rõ ràng là Chiến tranh thế giới thứ Hai có quy mô lớn hơn và có sức tàn phá lớn hơn Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Đối với các lãnh tụ ĐCSĐD, cả hai đều là cuộc chiến tranh giữa các thế lực đế quốc để tranh giành thuộc địa và thị trường, nhưng quy mô lớn hơn của Chiến tranh thế giới thứ Hai cho thấy mức độ xung đột lớn hơn giữa chúng. Quan trọng hơn, Chiến tranh thế giới thứ Hai xảy ra sau sự ra đời của Liên bang Xô-viết: “một quốc gia xã hội chủ nghĩa chiếm một phần sáu diện tích thế giới, có vị thế kinh tế và chính trị rất quan trọng và là trụ cột của hòa bình và quê hương của giai cấp vô sản thế giới”.[280] Trong cuộc chiến tranh này, một số quốc gia yếu kém như Trung Quốc đã có thể chống lại sự xâm lược của phát-xít. Giai cấp vô sản thế giới lần này cũng được tổ chức tốt hơn nhiều dưới sự lãnh đạo của QTCS. Những khác biệt này có nghĩa là cuộc chiến này sẽ là cơ hội tốt cho phong trào cách mạng thế giới để tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc. Do đó, nghị quyết dự đoán rằng, nếu Chiến tranh thế giới thứ Nhất khai sinh ra Liên Xô, thì Chiến tranh thế giới thứ Hai sẽ tạo ra nhiều cuộc cách mạng thành công và là bà đỡ cho nhiều nước xã hội chủ nghĩa hơn nữa. [281]

Cuộc chiến tranh tiếp tục củng cố quan điểm của các lãnh tụ ĐCSĐD về một thế giới bị phân đôi. Trong nghị quyết của Hội nghị Trung ương, sự tương phản giữa Liên Xô và thế giới tư bản chủ nghĩa một lần nữa được mô tả một cách sinh động: “trong khi cả thế giới bị bọn đế quốc lôi kéo vào một cuộc tàn sát dã man, thì chỉ có Liên Xô được hưởng hòa bình”.[282] Nghị quyết này giải thích, nhờ “khôn ngoan và kiên quyết” trong chính sách theo đuổi hòa bình, Liên Xô đã có thể mở rộng biên giới của nó và ngăn chặn chiến tranh lan rộng sang Đông Âu. Liên Xô hiện có “quân đội hùng mạnh nhất thế giới được trang bị đầy đủ vũ khí tối tân”. Nó đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động xâm lược nào của chủ nghĩa đế quốc và đã giúp đỡ vô tư các “quốc gia nhỏ” như Trung Quốc để chống lại chủ nghĩa phát-xít. Mặt khác, trong phe đế quốc, Hoa Kỳ một lần nữa được mô tả là kẻ xảo quyệt kiếm lợi từ chiến tranh; nó không chiến đấu mà bán vũ khí cho cả hai bên để họ tàn sát lẫn nhau.

Việc phân tích chính trị trong nước của nghị quyết thể hiện nhiều sắc thái thay vì đưa ra cách xử lý các vấn đề quốc tế. Thay vì một bức tranh đơn giản của “ĐCSĐD đối địch phần còn lại”, nghị quyết coi ĐCSĐD là một trong những đảng chính trị chống lại phát-xít Nhật, và cũng thảo luận ngắn về các đảng chính trị thân Nhật.[283] Nghị quyết có một phần về “vấn đề dân tộc”, chỉ ra cách các dân tộc ở Đông Dương đã bị người Pháp chia rẽ và quay ra chống lại nhau. Để đánh bại người Pháp và người Nhật, tất cả các dân tộc Đông Dương phải đoàn kết lại vì chỉ một hoặc hai dân tộc sẽ không đủ sức mạnh. Là nhóm dân tộc lớn nhất, dân tộc Việt Nam nên dẫn dắt và giúp đỡ các dân tộc khác. Khi đã đạt được độc lập, các lãnh tụ ĐCSĐD tin rằng các nhóm thiểu số nên được trao quyền tự quyết. [284]

Phân tích về giai cấp trong nghị quyết cho thấy sự đánh giá cao về những thay đổi xã hội và chính trị có lợi cho cuộc cách mạng. Dưới sự khai thác tàn bạo của Nhật Bản đối với các nguồn tài nguyên ở Đông Dương: “thái độ của nhiều tầng lớp” đối với cách mạng đã thay đổi.[285] Giai cấp công nhân, nông dân và tư sản dân tộc đều trở nên ủng hộ cách mạng hơn. Ngay cả địa chủ, phú nông và nhiều nhà tư sản cũng trở nên trung lập hoặc thông cảm hơn là thù địch. Việc sử dụng “thái độ” thay vì “quyền lợi” chỉ ra cách tiếp cận linh hoạt hơn trong phân tích về giai cấp. “Thái độ” có thể lôi kéo được; “quyền lợi” gắn liền với cơ cấu kinh tế và tương đối cố định. Trên cơ sở phân tích mới này, Đảng ủy quyền thành lập một mặt trận bình dân lấy tên là Hội Việt Nam Độc lập, hay Việt Minh, để huy động sự ủng hộ của mọi tầng lớp cho nền độc lập của dân tộc.

Đây không phải là lần đầu tiên ĐCSĐD quyết định đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích giai cấp. Một động thái chiến thuật tương tự đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu vào cuối năm 1939 (xem Chương 2). Yếu tố mới ở Hội nghị Trung ương lần thứ tám là những lời biện hộ cho sự thay đổi chiến thuật này. Cụ thể, nó cho rằng giải phóng dân tộc không nhất thiết làm trì hoãn cuộc cách mạng xã hội vì hai lý do. Thứ nhất, một khi ĐCSĐD đã nắm được quyền lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, thì ĐCSĐD có thể dễ dàng hướng phong trào này sang phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, phong trào Đông Dương không chắc là phong trào duy nhất trên thế giới. Vào thời điểm nó thành công: “thế giới sẽ [hỗn loạn] như một nồi nước sôi”. Tình hình đó sẽ tạo điều kiện cho ĐCSĐD tiến lên để phát động một cuộc cách mạng vô sản và tạo ra một Đông Dương xã hội chủ nghĩa.[286]

Sau khi Đức xâm lược Liên Xô vào cuối tháng Sáu năm 1941, hỗ trợ Liên Xô trở thành một hoạt động chính trong chương trình nghị sự của ĐCSĐD.[287] Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám giải thích rằng ủng hộ Liên Xô đồng nghĩa với việc giành lại nền độc lập của Đông Dương, bởi nếu Liên Xô thắng trong cuộc chiến tranh, nó sẽ giúp giải phóng Đông Dương khỏi ách thống trị của Pháp và Nhật. Đảng chỉ đạo các đảng viên tuyên truyền phổ biến về vấn đề này để vận động quần chúng ủng hộ Liên Xô, thành lập các nhóm “Những người bạn của Liên Xô” và quyên góp cho Hồng quân Liên Xô. Quân đội bản địa dưới chính quyền thuộc địa cũng cần được giáo dục về vấn đề này vì một ngày nào đó họ có thể bị chính phủ Pétain cử đi chiến đấu chống Liên Xô.

Trên cương vị là tổng biên tập, người viết bài chính, người vẽ tranh minh họa và người in ấn của tờ ‘Việt Nam Độc Lập’, tờ tuần tin của Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc tập trung vào việc trau dồi ý thức dân tộc và tình cảm chống thực dân cho người đọc, nhưng ông không bao giờ bỏ quên Liên Xô.[288] Để nâng cao sự ủng hộ đối với Mátxcơva, tờ tin này đã đăng các bản tin thường xuyên về cuộc chiến tranh nhằm phóng đại thành công của Liên Xô trong chiến đấu đồng thời quảng bá về thiên đường Xô-viết cho độc giả Việt Nam. Một bài báo về cuộc chiến tranh này đã viết như sau: “Nga là một quốc gia cách mạng. Ở đất nước này, mọi người được hưởng tự do, bình đẳng [và] hạnh phúc. Ở bên ngoài, quốc gia này không bắt nạt các quốc gia khác mà giúp đỡ các quốc gia bị áp bức. Đức là một quốc gia theo chủ nghĩa phát-xít, nghĩa là nó cực kỳ tàn ác và chỉ muốn xâm lược các nước khác. Ở đất nước này, người dân sống cuộc sống đầy khó khăn. Nếu nước Đức chiến thắng, cả nhân loại sẽ bị bắt làm nô lệ. Chỉ khi Nga chiến thắng, thế giới mới có thể chứng kiến những ngày huy hoàng”. [289] Trong một bài báo khác, nó đưa tin rằng: “[trong] 5 tháng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Đức đã bị thương vong 4,5 triệu người, trong khi Nga chỉ hi sinh 1,4 triệu người… Tại nhiều thành phố của Đức, hầu hết binh lính chỉ mới 15 hoặc 16 tuổi. Các sĩ quan chỉ mới 17 hoặc 18 tuổi vì các sĩ quan và binh sĩ lớn tuổi đều đã bị chết hoặc bị thương”. [290]

Trong một bài báo có tựa đề “Nước Nga là loại nước nào?” chúng ta có thể thấy một phiên bản khác của lời kể của Trần Đình Long ở Chương 1, nhưng lần này câu chuyện hướng tới những người Việt Nam thất học.[291] Như bài báo này tuyên bố, Nga là quốc gia lớn nhất trên thế giới. Hai mươi năm trước, những người dân Nga đã bị buộc phải ‘đi phu’, nộp thuế, và đã bị “bóc lột, áp bức, nghèo và ngu dốt như [người Việt] ”. Nhờ “đoàn kết và đấu tranh” của nhân dân Nga, hoàng đế bị lật đổ vào năm 1917, và kể từ đó nhân dân được hưởng “bình đẳng, tự do và hạnh phúc”. Hiện tại, người lao động Nga chỉ làm việc bảy giờ một ngày, cứ sau năm ngày làm việc lại có một ngày nghỉ, có một tháng nghỉ phép mỗi năm và “mức lương hậu hĩnh”. Nông dân có tất cả đất đai mà họ cần và có thể mượn máy cày và máy gặt từ nhà nước. Một nông dân nhận được ít nhất 5 kg gạo [sic] mỗi ngày; mọi người đều có nhiều quần áo và thực phẩm hơn những gì hoj cần. Nhiều phụ nữ đã được ‘làm quan’, bác sĩ, phi công; họ được hưởng tất cả các quyền mà đàn ông có. Trẻ em, không phân biệt trai hay gái, phải đến trường ít nhất là cho đến khi 16 tuổi. Trường học được miễn phí. Nhà nước chăm sóc trẻ em và người già, và chỉ định các bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân. Người dân được tự do bầu ra các trưởng ấp, trưởng làng và người đứng đầu đất nước. Nếu không hài lòng với những quan chức này, người dân có thể sa thải họ. “Không ai bị áp bức, không giống như ở đất nước của chúng ta”.

Mặc dù các lãnh tụ ĐCSĐD từ lâu đã tìm cách giới thiệu thiên đường Xô-viết cho người Việt, sự ảnh hưởng của bài báo này là ở chỗ nó được công bố vào thời điểm mà nền độc lập và đoàn kết dân tộc được coi như là ưu tiên số một của cách mạng Việt Nam, khi xe tăng Đức đã áp sát cửa ngõ Moscow, và khi không có liên hệ nào giữa QTCS và ĐCSĐD. Bài báo thể hiện cam kết sắt đá của tác giả đối với Liên Xô cũng như tài năng của ông trong việc tuyên truyền cho những người thất học. Chất lượng cuộc sống cực kỳ cao ở Liên Xô (đặc biệt là so với Việt Nam) đã tạo cho hình ảnh Liên Xô một vầng hào quang thần thoại; nhưng các chi tiết làm cho nó đáng tin cậy. Những khái niệm nước ngoài (nhà nước, máy cày, máy gặt) được xen kẽ với những khái niệm quen thuộc (đi phu, gạo, làm quan, lý trưởng, chánh tổng), khiến cho câu chuyện thần thoại trở nên mới lạ nhưng vẫn dễ hiểu đối với người Việt Nam bình thường.

NHỮNG THÁCH THỨC VỀ HỌC THUYẾT VÀ TUYÊN TRUYỀN

Cuộc tấn công Trân Châu Cảng tháng 12 năm 1941 đã bất ngờ mở ra khả năng quân Đồng Minh xâm lược Đông Dương. Các lãnh tụ ĐCSĐD tiếp tục đặt cược vận mệnh của Đông Dương vào Liên Xô và cách mạng thế giới.[292] Thế giới vẫn bị chia thành hai phe, nhưng giờ đây đã bị bao trùm bởi hai mặt trận: mặt trận phát-xít và mặt trận chống phát-xít. Anh và Hoa Kỳ hiện là đồng minh với Liên Xô trong cùng một mặt trận chống chủ nghĩa phát-xít, nhưng họ không được tin tưởng hoàn toàn. Các lãnh tụ ĐCSĐD kêu gọi công nhân Anh và Hoa Kỳ gây áp lực lên giới tư bản ở nước họ để họ chống chủ nghĩa phát-xít đến cùng; nếu không, hai nước này có thể đầu hàng phát-xít và thay vào đó quay sang chiến đấu với Liên Xô.

Tuy nhiên, khả năng quân đội Quốc Dân đảng (QDĐ) Trung Quốc, Anh và Hoa Kỳ tiến vào Đông Dương đòi hỏi ĐCSĐD phải sẵn lòng giúp đỡ hơn đối với các chính phủ đó. Đối với chính phủ QDĐ, các lãnh tụ ĐCSĐD kêu gọi hợp tác trên tinh thần bình đẳng tương trợ; chính phủ QDĐ Trung Quốc cần hiểu rằng các lực lượng của họ ở Đông Dương không phải để chinh phục nó mà để giúp chính họ.[293] Đối với người Anh và người Mỹ, ĐCSĐD đề xuất “nhân nhượng liên hiệp có điều kiện”. Nếu họ giúp đỡ cách mạng Đông Dương, Đảng sẵn sàng dành cho họ những đặc quyền nhất định ở Đông Dương. Nếu họ giúp De Gaulle khôi phục hệ thống thuộc địa ở Đông Dương, ĐCSĐD sẽ tố cáo họ và tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập. Đảng cảnh báo các đảng viên của nó rằng họ không nên nuôi dưỡng ảo tưởng rằng các nước đó sẽ cho Việt Nam tự do một cách vô vị lợi. Nó cũng đảm bảo với các thành viên của mình rằng sự hợp tác với người Anh và người Mỹ không có nghĩa là Đảng “phục vụ lợi ích của chủ nghĩa đế quốc”, mà sự hợp tác này là cần thiết để đánh bại những tên phát-xít.

Khi cuộc chiến tranh trở nên ác liệt vào năm 1942, liên quân Liên Xô-Hoa Kỳ-Anh đã được chính thức thành lập.[294] Để đối phó với tình hình quốc tế mới, các lãnh tụ cấp cao nhất của ĐCSĐD đã nhóm họp và đưa ra những thay đổi trong chính sách.[295] Nghị quyết của cuộc họp này cho thấy sự bất an của họ đối với hiện tượng mới dường như mâu thuẫn với thế giới quan nhị nguyên của họ. Ở mọi cấp độ, sự phân chia mang tính nền tảng trong suy nghĩ của họ vẫn được giữ nguyên: “hệ thống xã hội chủ nghĩa đại diện cho ‘thế giới mới’ đang chống lại hệ thống phát-xít vốn là phần đồi bại và man rợ nhất của ‘thế giới cũ’.” [296] Câu hỏi cũ vẫn ám ảnh Đảng: Tại sao đế quốc Mỹ và Anh liên minh với Liên Xô chống chủ nghĩa phát-xít? Tại sao họ không giúp Hitler tiêu diệt Liên Xô? Đối với những câu hỏi này, nghị quyết đưa ra hai câu trả lời. Đầu tiên, các nhà tư bản Hoa Kỳ và Anh muốn đánh bại Đức để chiếm lại những gì Đức đã chiếm của họ. Thứ hai, quần chúng tại Anh và Hoa Kỳ phản đối và yêu cầu các chính phủ của họ chống lại chủ nghĩa phát-xít. [296] Trong sự liên minh của chính họ với Liên Xô, các chính phủ tư bản chủ nghĩa đã được chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích đế quốc nhưng cùng lúc đó đã phải “nhìn nhận” lợi ích hợp pháp nhất định của “nhân dân” trong quốc gia của họ và thuộc địa của họ. Trong mọi trường hợp, điều này có thể xảy ra vì “các chế độ dân chủ tư sản ở những nước này vẫn tồn tại và người dân đang đấu tranh để đòi hỏi [nền dân chủ] lớn hơn”. Thực tế này cho phép các nước này được gọi là “dân chủ” và là một phần của mặt trận chống phát-xít do Liên Xô lãnh đạo. Cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít của họ không còn là cuộc chiến tranh đế quốc mà là “cuộc chiến tranh tiến bộ”.

Nghị quyết nhấn mạnh rằng quần chúng tại Anh và Hoa Kỳ nên tiếp tục đấu tranh cho đến khi chính phủ của họ mở mặt trận thứ hai ở châu Âu để chia sẻ gánh nặng với Liên Xô. Nghị quyết dự đoán, khi cuộc chiến này kết thúc, “nước Anh và Hoa Kỳ dân chủ tư sản” sẽ trở nên rất khác và dân chủ hơn nhiều.[298] Họ sẵn sàng cộng tác với Liên Xô để “tổ chức nền hòa bình thế giới”. Trong mọi trường hợp, nếu giai cấp thống trị tư bản Hoa Kỳ và Anh không giữ lời hứa, họ sẽ bị Liên Xô và cách mạng thế giới lật đổ.

Nhìn chung, văn kiện này có vẻ lạc quan về những phát triển mới của nền chính trị thế giới. Lãnh đạo ĐCSĐD không thể giải thích thật chính xác những diễn biến mới với các công cụ ý thức hệ của họ, nhưng họ đã khéo léo trong tìm câu trả lời mà không cần bỏ thế giới quan “hai phe đối đầu” của mình. Đáng chú ý là, các chính sách tiến bộ mà các nước đế quốc thực hiện được quy cho người dân của họ, chứ không phải cho “các giai cấp thống trị” hay các chính phủ. “Bản chất phản cách mạng của các nhà nước đế quốc” vẫn không thay đổi.

Trái ngược với hình ảnh các chính phủ Anh và Hoa Kỳ bị thúc đẩy bởi lợi ích của đế quốc nhưng buộc phải đáp ứng các yêu cầu phổ biến, Liên Xô lại xuất hiện như một cường quốc nhân đạo trên thế giới. Liên Xô đã rút lui trong những tháng đầu sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Đức “một phần vì không sản xuất đủ vũ khí ngay lập tức và một phần vì muốn kéo dài chiến tranh”.[299] Nó không thua mà chỉ chờ sự củng cố của mặt trận dân chủ quốc tế và cả các phong trào cách mạng ở các nước khác sẵn sàng chớp thời cơ. Nói cách khác, Liên Xô chấp nhận thiệt hại về mình vì lợi ích của cuộc cách mạng thế giới. Trong số các nhiệm vụ khác, lãnh đạo ĐCSĐD kêu gọi các Đảng viên làm tốt hơn nữa công tác vận động quần chúng ủng hộ cuộc kháng chiến của Liên Xô. [300]

Vào giữa năm 1943, việc giải thể QTCS đã đặt ra một thách thức khác về mặt lý luận và tuyên truyền đối với các lãnh tụ ĐCSĐD. Việc Đảng tuyên bố quyền lãnh đạo cách mạng Đông Dương một phần phụ thuộc vào sự liên kết của Đảng với QTCS. QTCS cũng từng được miêu tả là nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng thế giới. Để trấn an các đảng viên của mình, những người chắc hẳn đã thắc mắc tại sao QTCS lại tự giải tán vào thời điểm quan trọng của chiến tranh và cách mạng như vậy, Đảng giải thích rằng Liên Xô cần “chung tay với một bộ phận tương đối tiến bộ của giai cấp tư sản quốc tế” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít của họ.[301] Hành động này nhằm chống lại hai tình huống có thể xảy ra. Việc đầu tiên liên quan đến việc Hoa Kỳ, Anh và các nước phe Trục thành lập một mặt trận đế quốc chung để tấn công Liên Xô; và thứ hai liên quan đến Hoa Kỳ và Anh sát cánh, cứu lực lượng của họ và thống trị thế giới khi các cường quốc phe Trục và Liên Xô đã tiêu diệt lẫn nhau. Thông báo này đảm bảo với các Đảng viên rằng ĐCSĐD vẫn đứng vững và kêu gọi họ loại bỏ nghi ngờ và chống lại những chỉ trích về Liên Xô của những người Việt theo chủ nghĩa Tờ-rốt-kít và các nhóm khác.

Vì cuộc xâm lược Đông Dương của Đồng Minh dường như sắp xảy ra vào tháng 11 năm 1944, tạp chí ‘Cứu Quốc’ của Việt Minh đã xuất bản một số đặc biệt về “vấn đề hải ngoại”.[302] Vấn đề này hướng đến các nhóm người Việt lưu vong khác nhau ở miền Nam Trung Quốc; nó kêu gọi các nhóm đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Việt Minh để chào đón các lực lượng Đồng Minh vào Việt Nam để chống lại quân Nhật. Trong ấn phẩm này, các lãnh tụ ĐCSĐD vẫn giữ thái độ thận trọng đối với QDĐ Trung Quốc và các nước tư bản phương Tây như thường lệ. Tạp chí khuyến cáo độc giả không nên đặt trọn niềm tin vào lời hứa tại hội nghị Moscow của Anh và Hoa Kỳ rằng tất cả những gì họ muốn là giải phóng các dân tộc châu Á khỏi ách thống trị của Nhật Bản. Các lãnh tụ ĐCSĐD cho rằng nếu người Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng khi quân Đồng Minh tiến vào Đông Dương, thì những lực lượng này sẽ không ngần ngại thực hiện kế hoạch ngầm của họ là chiếm đóng Việt Nam. Họ sẽ thiết lập một chế độ bù nhìn hoặc giúp người Pháp phục hồi hệ thống thuộc địa.

Tuy nhiên, vào giữa năm 1945, các văn kiện của Đảng cho thấy thái độ thân thiện hơn với Washington và Trùng Khánh. Một văn kiện của Đảng vào tháng 4 năm 1945, sau khi Nhật Bản lật đổ ách thống trị của Pháp ở Đông Dương, ghi nhận Hội nghị San Francisco và các cuộc họp Hot Springs.[290] Hoa Kỳ và QDĐ Trung Quốc được ca ngợi vì có “lập trường tiến bộ” đối với các thuộc địa cũ của Pháp, trái ngược với “sự do dự của Anh” và “sự ngoan cố của Pháp”. Trung Quốc đã được “dân chủ hóa”: chính quyền Trùng Khánh đã được cải tổ và các cuộc đàm phán giữa QDĐ và ĐCSTQ đã đạt được một số thành quả. Philippines bây giờ được hưởng “quyền tự chủ”. Thái độ thân thiện này có thể xuất phát từ việc gia tăng các cuộc tiếp xúc giữa Hồ Chí Minh và Toán Con Nai (OSS) của Hoa Kỳ ở miền Nam Trung Quốc vào thời điểm đó. Tuy nhiên, khi tình hình trở nên tuyệt vọng, thế giới quan nhị nguyên của các lãnh tụ ĐCSĐD vẫn không thay đổi.

Trước ngày Nhật đầu hàng, nghị quyết của một cuộc họp quan trọng của Đảng tại Tân Trào, do Hồ chủ trì, không đưa ra phân tích dài dòng mà là một cuộc thảo luận ngắn gọn, gạch đầu dòng về các vấn đề chính sách đối ngoại.[304] Nghị quyết chỉ ra rằng nhờ chiến tranh, Liên Xô mở rộng biên giới còn Trung Quốc và các nước khác được giải phóng. Các nhà nước phát-xít bị tiêu diệt, dẫn đến hệ thống tư bản chủ nghĩa trên thế giới yếu hơn. Chiến tranh không dẫn đến một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới nhưng nó đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho một cuộc cách mạng đó bằng cách truyền bá “các nền dân chủ mới” trên toàn thế giới.

Văn kiện này ghi nhận hai khía cạnh nổi bật của tình hình Đông Dương. Một mặt là thái độ khác nhau đối với các thuộc địa giữa Hoa Kỳ và QDĐ Trung Quốc, và mặt khác là thái độ của Pháp và Anh, mà sẽ có lợi cho cách mạng Đông Dương. Tuy nhiên, vì đối kháng với Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ cũng có thể cho phép Pháp trở lại Đông Dương. Tại sao Washington và London phải, hoặc sẽ, đối nghịch với Moscow (lưu ý rằng vào thời điểm đó họ vẫn đang hợp tác để chống lại chủ nghĩa phát-xít) vẫn chưa được giải thích. Liên Xô sẽ phải làm gì với Đông Dương, hoặc tại sao Liên Xô quan tâm đến Đông Dương cũng được giả định tương tự mà không được giải thích. Nền tảng của phân tích này là nhận thức cố hữu về một thế giới bị chia rẽ và giả định rằng vận mệnh Đông Dương nằm trong tay Liên Xô ngay cả khi sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Minh đang ở đỉnh cao. Hoa Kỳ, Anh và QDĐ Trung Quốc là những đối tượng thao túng, không bao giờ được đối xử như những người bạn thực sự như Liên Xô.

VỀ TÁC GIẢ

Vũ Tường là Trưởng Khoa Chính trị học của Đại học Oregon (Hoa Kỳ) từ năm 2008. Ông cũng thỉnh giảng tại Đại học Princeton và Đại học Quốc gia Singapore. Nghiên cứu của ông tập trung vào các đề tài: chính trị học so sánh về sự hình thành nhà nước, các vấn đề về phát triển, chủ nghĩa dân tộc, và các cuộc cách mạng, đặc biệt là tại vùng Đông Á. Ông cũng là tác giả của cuốn ‘Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia’ [Các con đường phát triển ở châu Á: Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia] (Cambridge University Press, 2010).

Comments are closed.