Thư của Chu Văn Sơn

Ý Nhi

Mặc dù Chu Văn Sơn là nhà phê bình quan tâm đến thơ tôi nhiều nhất*, hiểu và cảm thông với thơ tôi sâu sắc nhất, tôi không có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng Sơn. Những lần gặp gỡ hiếm hoi cùng Bảo Ninh, Giáng Vân, chúng tôi lại nói với nhau những chuyện khác, ngoài văn chương.

Thật may mắn khi tôi còn giữ được mấy bức thư của Sơn viết vào những năm chín mươi, khi tôi vừa chuyển vào Sài Gòn. Chính trong những bức thư riêng tư này, Chu Văn Sơn lại “trò chuyện” rất nhiều về Thơ, về Phê bình, về những dự định, những mong mỏi của mình. Đọc lại những bức thư, tự nhiên tôi có ý muốn được chia sẻ với mọi người, muốn bạn bè và những người quan tâm đến văn học hiểu thêm về một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc, chân thực – nhà phê bình Chu Văn Sơn – người vừa từ giã chúng ta.

image

Thư 30/12/1990: Phê bình lý luận hiện nay cũng buồn, mà buồn nhất là mảng phê bình thơ, chị Ý nhi nhỉ. Em cũng thấy buồn về chuyện này. Nhưng em vẫn trung thành với thơ. Em vẫn lặng lẽ theo dõi và đã viết được một số chân dung tác giả tâm đắc. Có điều là những cái tâm đắc ngoài này không công bố nổi, chị ạ. Hiện nay em đang nghị về thơ thập kỷ tám mươi. Em rất muốn biết những ý kiến của chị về sự vận động của thơ ta trong mươi năm qua. Các nhà “Thơ mới” đã cũ mèm rồi nhưng các nhà thơ mới đã mang lại một cái gì thật sự mới, nhất là về thi pháp chưa? Và theo chị, cái đáng nói nhất là gì? Cả về phương hướng, thi pháp và đội ngũ. Chị có thể viết cho em được không. Em hiện nay đang sống trong mặt bằng giá cả Hà Nội, chật vật lắm chị ạ. Có nhiều lúc thấy thơ, văn vô duyên quá. Chật vật đến vậy mà vẫn “bám” lấy thơ, lấy văn, có nhiều lúc thật mệt mỏi… Em mong chị viết được nhiều hơn, khỏe hơn và nay mai lại có những “Người đàn bà ngồi đan” nữa

Thư 14/12/1992: …Trước khi chị gửi cho em Gương mặt và Mưa tuyết, em cũng ghi, cũng photo và cắt được các bài công bố rải rác, cả cái phỏng vấn trên Nha Trang tết năm ngoái. Em vẫn gửi gắm hy vọng vào tâm huyết và bút lực của chị trong cuộc đổi mới thơ hiện nay. Em cố gắng để hiểu chị và chia sẻ với người khác những điều mình hiểu, mình cảm. Bài viết vừa rồi của em có thể chưa đánh giá được đầy đủ. Nhưng cảm nhận trung thực của em lúc ấy là như vậy. Chị hãy thông cảm cho em nhé.

Em chưa vào Sài Gòn lần nào, cứ nghe những người ngoài này vào, thì thấy không khí trong ấy không thuận lắm cho thơ phải không. Em không được tường lắm. Nhưng nếu có điều đó, em hình dung chị phải chống lại với nó rất căng. Dẫu sao chị cũng nghe thêm một cảm nhận nữa của em về những gì chị viết ở Sài Gòn nhé: Em có cảm giác cái không-gian-Ý Nhi chị tái tạo rất đậm trong Người đàn bà ngồi đan đang bị mất đi đấy. Hai tập này ít không gian quá. Cái không gian “một chiều lạnh” và “độ đường không cây” tạo nên một không gian, một khí quyển vừa se thắt vừa da diết của Người đàn bà ngồi đan đến hai tập sau bị nhạt đi nhiều. Có nghĩa là cái “nỗi xao xác” rất Ý Nhi không tụ nữa mà đang có nguy cơ bị khuếch tán. Tư tưởng đậm hơn nhưng vì không gian bị nhạt đi, nỗi niềm riêng không còn khắc khoải lắm nữa nên câu thơ mất cái ám ảnh của Người đàn bà ngồi đan.

Em rất mê cái giản dị, cái “thơ như không” của phần thơ sau này. Nhưng giá nó ám ảnh hơn thì chắc hai tập vừa rồi sẽ lại có địa vị của Người đàn bà ngồi đan. Em có nói đến cái dịu dàng, cái nhẹ nhàng-tinh trong-buốt giá. Hình như phải “buốt giá” nhiều hơn nữa chị ạ. Chẳng biết cảm nhận của em có chính xác không nhưng em cứ thấy như thế. Cái cảm giác “mất không gian” cũng đến với em từ hồi viết bài. Nhưng em chưa muốn viết, em muốn kiểm tra lại và muốn trao đổi riêng với chị mà. Có điều gì không phải, chị lượng thứ cho em… Từ giờ đến khoảng tháng 7-8/93 có lẽ em sẽ xong một đầu sách “Cõi thơ Hàn Mặc Tử” – nội dung là chuyên luận – nhưng em sẽ viết phóng một chút, chẳng biết có thể coi là “Thế giới văn học” ** được không. Nếu em muốn công bố và cũng hi vọng ít nhiều vào thu nhập từ cuốn này để sống đỡ chật vật hơn, chị khuyên em nên làm thế nào? Cuốn này em đã chuẩn bị từ hồi còn ở Quy Nhơn, em viết với một say mê lạ lắm, và em cũng nghĩ mình hiểu Hàn, thậm chí “kiêu” hơn: chẳng ai hiểu Hàn trúng như mình. Một niềm tin gần giống như hồi em viết “Cây trước nhà xao xác giữa ngày yên” ấy. Chị cứ hình dung em chủ yếu là cắm cúi làm việc, ít giao du nên những chuyện xuất bản, in ấn em hầu như “mù tịt”. Nên em rất chờ lời khuyên của chị…

Thư 25/4/1993:

Em chưa vào Sài Gòn lần nào, cũng không có ai máu mủ, nghĩ về Sài Gòn em nghĩ đến chị nhiều và chờ đợi những gì chị viết. Vừa rồi em đọc chùm trên Người Hà Nội của chị lại thấy rất lắng, lại thấy một cái gì thật xa vắng, trong như lọc mà đã ngấm mọi nỗi đời, cảm giác có ở em khi đọc văn Nguyễn Minh Châu. Chị đã ký thác được cái cô đơn theo lối ”như không”, có mà không, không mà có. Không phải cái nhẫn nại “lau ráo lệ” dằn lòng của Người đàn bà ngồi đan. Một cái gì cao hơn, trong hơn những nỗi se xót ở đấy… Tóm lại là em thấy đúng cái cảm giác “dịu dàng, tinh trong, buốt giá”. Đúng thế, nếu thiếu một nét nào trong ba phẩm hạnh ấy, nó lập tức trở thành văn xuôi, may mắn lắm là những câu văn xuôi đẹp. Cái dịu dàng như không của giọng điệu, cái tinh trong như không của dáng điệu và cái buốt giá của một niềm cô đơn đã “tôi” vào mọi nỗi đời.

Có phải chuyến ra Hà Nội trước tết của chị, cái lạnh của xứ Bắc, cái không gian trữ tình từng đào luyện nên cái hồn buốt giá của thơ chị, đã đem lại cái lắng như thế. Em không hiểu kỹ nhưng ngờ như thế.

…Nói chung, bọn em đang cố gắng để vượt lên, để còn có thể sống được với văn chương, với thơ ca. Có điều, những dự định quan trọng đối với em cứ còn dang dở. À, riêng cuốn Thạch Lam, có lẽ khoảng đầu tháng 6 em sẽ gửi bản thảo cho chị.

…Trước tết, em có định viết một bài về thơ hiện nay, nghĩ đi nghĩ lại, em lại thôi. Tất cả những điều ấy em dồn vào tập chân dung các nhà thơ cùng lứa với chị, như có lần em đã khoe với chị đấy. Tập sách đã có 11 chân dung. Em định dừng lại ở con số ấy nhưng còn mấy cái trong đó em chưa thỏa mãn, nhất là về chị, anh Thanh Thảo, anh Nguyễn Duy, anh Nguyễn Khoa Điềm… Hiện tại em ít “đăng đàn”, phần vì đời sống chật vật nó làm phân tán nhiều…

Thư 7/1994:

Em vẫn đang nghĩ ngợi cho một cái dài hơi hơn. Và sau khi lao vào dạy thêm, hứng thú viết lách cũng có phần bị cắt xén. Em viết ít hơn. Vả lại, em cũng ít ồn ào. Em thích cái thận trọng, lặng lẽ của các vị Dương Bích Liên, Nguyễn Hiến Lê… những người mà chị đã say mê. Tất nhiên làm được như họ, đối với em, hoàn toàn không dễ. Gần đây em đọc Nguyễn Hiến Lê nhiều hơn và thấy thực sự kính trọng nhân cách và tài năng của con người tuyệt vời này. Cứ nhìn những con người ấy, thấy đời sống văn nghệ của ta phù phiếm, bèo bọt kinh khủng.

Đúng như chị nói, văn chương hiện nay đang vô vị, nhạt nhẽo. Mà thơ thì quá nhiều thơ dởm, thơ giả. Một thứ thơ chân cảm thôi, chưa nói gì đến hay, cũng hiếm hoi quá. Thảng hoặc lắm mới có được một vài bài tâm đắc.

Đời sống văn nghệ Hà Nội những ngày này còn buồn nữa. Những cây bút mới nổi hoặc tự mãn, tự đắc, hoặc cạn nguồn đều chững lại. Nhiều người rút vào làm ăn. Cảm giác chung là nó đang kiệt dần, những kéo dài, những gắng gượng để đổi thay mà chưa mấy khởi khắc. Nó thiếu một tinh thần nhân văn đủ mới, đủ mạnh để tạo ra một sức bật mới…

Sài Gòn 21/4/2019.

Ngày đưa tiễn Chu Văn Sơn

*Chu Văn Sơn viết bốn bài phê bình về thơ Ý Nhi: Cây trước thềm xao xác giữa ngày yên, Sự giải tỏa bằng thơ, Đến với từng bong tuyết, Thơ Ý Nhi – Lời nguyện cho nỗi yên hàn.

**Tủ sách Thế giới văn học do Nhà xuất bản Hội Nhà văn chủ trương.

Comments are closed.