Thuật ngữ chính trị (19)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

41. Collective Goods – Hàng hóa công (còn gọi là Public Goods) Hàng hóa công cộng là hàng hóa mà nếu cung cấp cho một người nào đó trong xã hội (hoặc trong bất kỳ tổ chức nào đó), thì cũng phải cung cấp cho tất cả thành viên; không thể bị giới hạn cho một nhóm nhất định, ngay cả khi các chỉ các thành viên của nhóm đó mới là những người trả tiền mua nó. Ví dụ, khó có thể chỉ cho công dân sẵn sàng trả thuế quốc phòng được hưởng những lợi ích của công tác quốc phòng; và, tương tự, chương trình chống ô nhiễm bảo vệ tất cả mọi người, chứ không chỉ bảo vệ những người ủng hộ nó. Một số hàng hóa tập thể về nguyên tắc có thể mang tính chọn lọc. Ví dụ, thế kỷ XIX, các đội cứu hỏa ở London là các công ty tư nhân, chỉ tham gia cứu hỏa tại những cơ sở đã đóng phí mà thôi. Sự phát triển của các công ty an ninh tư nhân tại trong thành phố ở phương Tây, theo một nghĩa nào đó, là hàng hóa tư nhân và do đó mang tính chọn lọc. Tuy nhiên, khi nhà nước cung cấp dịch vụ, hàng hóa công không thể có tính chọn lọc theo cách này được nữa.

Trong kinh tế học, hàng hóa công cộng hay dịch vụ công cộng là hàng hóa và dịch vụ mang hai tính chất: không cạnh tranh và không thể loại trừ; theo đó, không thể không cho cá nhân sử dụng hàng hóa công cộng và việc một cá nhân sử dụng loại hàng hóa này không làm ảnh hưởng đến giá trị và tính có thể sử dụng của nó đối với cá nhân khác. Đặc điểm xác định hàng hóa công cộng là việc tiêu dùng của một cá nhân không thực sự hay có khả năng làm giảm giá trị sẵn có để nó được tiêu dùng bởi cá nhân khác.
Một vài ví dụ về hàng hóa công cộng bao gồm không khí, tri thức và thông tin, an ninh quốc gia, hệ thống kiểm soát lũ lụt, hải đăng, đèn đường. Một số loại có thể là hàng hóa công cộng với một số điều kiện nhất định. Ví dụ, đường sá là hàng hóa công cộng cho đến khi chưa bị tắc đường, làm cho chúng không có tính cạnh tranh. Tri thức và thông tin có thể chuyển đổi thành loại hàng hóa bán công bởi các đạo luật sở hữu trí tuệ, ngăn chặn, không cho người khai thác và sử dụng chúng. Những hàng hóa công cộng sẵn có ở khắp mọi nơi đôi khi được gọi là hàng hóa công cộng toàn cầu.
Nhiều loại hàng hóa công cộng tại một số thời điểm dễ bị khai thác, sử dụng quá mức dẫn tới những ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực, tác động đến tất cả mọi người sử dụng; ví dụ, ô nhiễm không khí và tắc đường. Các vấn đề của hàng hóa công cộng thường có liên quan chặt chẽ tới vấn đề “người đi nhờ”, trong đó những người không chịu gánh vác chi phí cần thiết để duy trì hàng hóa công cộng vẫn có thể tiếp tục tiếp cận và sử dụng hàng hóa đó. Các cơ chế loại trừ bao gồm bản quyền, bằng sáng chế, phí ùn tắc, và truyền hình trả tiền.
Đã có nhiều cuộc tranh luận và tài liệu bàn về việc làm thế nào để xác định tầm quan trọng của các vấn đề liên quan tới hàng hóa công cộng trong nền kinh tế, cũng như để tìm ra những biện pháp khắc phục tối ưu.
42. Collectivism – Chủ nghĩa tập thể. Chủ nghĩa tập thể là quan điểm nhấn mạnh sự phụ thuộc giữa con người với nhau và tầm quan trọng của tập thể chứ không phải là của từng cá nhân riêng lẻ. Những người ủng hộ chủ nghĩa tập thể tập trung vào cộng đồng hoặc xã hội và tìm kiếm các cách sắp xếp ưu tiên sao cho các mục đích của cả nhóm luôn được xếp cao hơn các mục tiêu của từng cá nhân. Ảnh hưởng về mặt triết học của chủ nghĩa tập thể là quan điểm cho rằng cái toàn thể quan trọng hơn tổng của tất cả những cái riêng lẻ. Cụ thể, xã hội quan trọng hơn, có nhiều ý nghĩa hay giá trị hơn là toàn bộ các cá nhân tạo ra xã hội ấy. Chủ nghĩa tập thể được mọi người coi là đối lập với chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa tập thể có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như Chủ nghĩa cộng đồng, Chủ nghĩa dân tộc, Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản… Chủ nghĩa này có hạn chế là không nhìn thấy được hoàn cảnh cụ thể của mỗi cá nhân mà đưa ra biện pháp “vừa sâu vừa rộng”. Nghĩa là vừa đảm bảo lợi ích chung vừa phù hợp với hoàn cảnh của mỗi cá nhân.
43. Colonialism – Chủ nghĩa thực dân. Chủ nghĩa thực dân là chính sách hoặc hành động giành quyền kiểm soát về chính trị toàn bộ hoặc một phần một quốc gia khác, chiếm đóng khu vực đó và đưa người định cư tới và khai thác về mặt kinh tế Mẫu quốc là nước tuyên bố chủ quyền đối với những thuộc địa này và bổ nhiệm quan toàn quyền cai trị.
Chủ nghĩa thực dân thường dùng để nhắc đến một giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX khi những người châu Âu tiến hành xây dựng các thuộc địa của mình tại các lục địa khác. Những lý do để thực hiện chính sách thực dân trong thời kỳ này bao gồm: Hưởng lợi về kinh tế, mở rộng uy quyền của mẫu quốc, trốn tránh sự ngược đãi tại mẫu quốc, cải đạo cho người dân bản xứ sang tín ngưỡng của những người thực dân.
Một số người ủng hộ chủ nghĩa thực dân cho rằng họ giúp đỡ những dân bản xứ bằng cách “khai hóa văn minh” dân thuộc địa bằng Giáo lý Kitô và nền văn minh. Tuy nhiên, sự thật về chủ nghĩa thực dân thường là sự nô dịch, chiếm đất.
Kể từ cuối thế kỷ XX, hệ thống thuộc địa của Chủ nghĩa thực dân về cơ bản đã sụp đổ, nhưng việc các cường quốc phương Tây can thiệp vào nội bộ nước nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra. Một thuật ngữ mới được đặt ra là “Chủ nghĩa thực dân mới”, nhằm mô tả chỉ việc các cường quốc tư bản chủ nghĩa sử dụng các chính phủ bù nhìn, xâm thực văn hóa để kiểm soát những nước khác, chứ không kiểm soát trực tiếp như chủ nghĩa thực dân cổ điển trước đây.
44. Committees – Ủy ban. Ủy ban là nhóm người thường xuyên hội họp để đưa ra quyết định hoặc kế hoạch cho nhóm hoặc tổ chức lớn hơn mà họ là người đại diện. Theo ngôn ngữ chính trị và kinh doanh, các ủy ban là nhóm những thành viên được cử ra để thảo luận hoặc ban hành quyết định. Họ có trách nhiệm tiến hành công tác chuẩn bị hoặc nghiên cứu một số vấn đề, hoặc xử lý các vấn đề chi tiết theo đường lối đã được toàn bộ tổ chức chấp thuận. Lý do chính cho công việc thành lập ủy ban là thảo luận chi tiết tốt nhất nên dành cho các nhóm nhỏ, ít ngươi; thêm nữa, các thành viên ủy ban là những người có chuyên môn và có nhiều thời gian hơn cho những chủ đề cụ thể hơn là các thành viên khác của toàn bộ tổ chức. Thiết chế mà ủy ban là bộ phận dưới quyền thường có quyền hành rộng hơn hẳn quyền hành được giao cho cho bất kì ủy ban nào; cách làm như thế tạo điều kiện cho phân công lao động và chuyên môn hóa nhiệm vụ.
45. Common Good – Lợi ích chung. Lợi ích chung là mục tiêu của chính sách là mang lại lợi ích của mọi người và mỗi người trong một xã hội. Nó có liên quan đến các thuật ngữ như lợi ích công cộng, ý chí chung và, một cách phức tạp hơn, hàng hóa công. Khó khăn nhất trong việc áp dụng thuật ngữ này là sự kiện có rất ít thứ mang lại lợi ích như nhau cho tất cả mọi người và mọi người đều phải trả giá như nhau. Ví dụ điển hình là tránh ô nhiễm hoặc công tác quốc phòng. Khái niệm có thể thiết thực hơn trong khái niệm so sánh. Một chính trị gia tuyên bố rằng ông ta làm việc vì lợi ích chung, chứ không phải vì quyền lợi của một bộ phận nào đó trong xã hội, ngay cả khi quyền lợi đó là chính đáng, có thể được nhiều người tin tưởng hơn. Trên thực tế có không có lý do vì sao lại như thế. Hoàn toàn có thể cung cấp một cái gì đó, ví dụ, các công viên quốc gia; đấy là lợi ích chung, nhưng chi phí cho việc đó được phân chia một cách không công bằng nếu so sánh với quyền lợi của một nhóm đặc biệt nào đó, ví dụ, những người canh tác trên những mảnh đất đó.
46. Common Law – Thông luật. Thông luật là tên gọi của hệ thống và thực hành luật pháp ở Anh và xứ Wales, hầu hết Bắc Mỹ và những nước khác từng là thành phần của Đế quốc Anh. Đó là hệ thống pháp luật hình thành và phát triển sau khi người Norman chinh phục Anh quốc, dựa trên cách giải thích phong tục của địa phương do tòa án đưa ra, dựa trên quyết định của tòa án và nhà vua trong những vụ án quan trọng và những đạo luật ít khi được ban hành các luật pháp hoàng gia. Bản chất của thông luật là quá trình phát triển của các nguyên tắc pháp lý trong các phán quyết của tòa án trong những vụ án cụ thể. Chính những phán quyết này cũng là sự phát triển hoặc diễn giải lại các quyết định đã có từ trước trong các vụ án được coi là “tiền lệ bắt buộc”. Đây là hệ thống pháp luật do chính các thẩm phán tạo ra trong quá trình xét xử. Thông luật khác với hệ thống luật dân sự – luật được ban hành một cách có chủ ý, một hệ thống hoàn chỉnh, do cơ quan lập pháp ban hành. Qua phần lớn lịch sử pháp lý của nước Anh, thông luật được bổ sung bằng hệ thống khác, gọi là luật công lý; đấy là những vụ án được quyết định trên cơ sở công lý đạo đức; hệ thống này được áp dụng vì phạm vi của thông luật là những vụ án trước đó và số lượng không nhiều “án lệ” mà người ta có thể dựa vào, cho nên bị coi là quá giới hạn, khó có thể đưa ra được công lý chắc chắn. Khi phạm vi của thông luật mở rộng, và luật công lý ngày càng trở thành quy tắc, thế kỉ XIX hai bộ luật này hợp nhất làm một.
Trong thế kỷ XX, lý tưởng dân chủ ngày càng được nhiều người chia sẻ, tư tưởng về luật do các thẩm phán đưa ra trong quá trình xét dường như không còn phù hợp. Quan điểm này và việc ban hành nhiều đạo luật mà nhà nước hiện đại đòi hỏi đã làm giảm bớt sáng tạo độc lập của ngành tư pháp. Ví dụ, đầu những năm 1960, Viện Nguyên lão tuyên bố rằng thẩm phán không được nghĩ ra tội hình sự mới. Tuy nhiên, một số lĩnh vực của pháp luật Anh, đặc biệt là luật hợp đồng và dân sự, không được hệ thống hóa, và chỉ có thể tìm được các nguyên tắc bằng cách xác định các tiền lệ quan trọng. Trong những lĩnh vực này và một vài lĩnh vực khác các thẩm phán vẫn có không gian to lớn trong việc xây dựng luật mà không cần chờ quốc hội ban hành luật. Hơn nữa, việc giải thích ý nghĩa của luật thành văn thường là công việc đầy sáng tạo và tác động thực sự luật thành văn có thể phụ thuộc nhiều vào những điều mà các thẩm phán nói trong một vụ án liên quan đến nó hơn phụ thuộc vào ý định ban đầu của nghị viện. Thông luật ở các nước khác ở mức độ nào đó khác với thông luật của Anh, nhưng trong các vụ khó xử người ta cũng thường xuyên tham khảo quyết định của tòa án Anh. Hoa Kỳ và một số nước khác, như Australia thường làm như thế. Sự kiện này làm cho người ta hi vọng rằng trong tương lai sẽ có một loại thông luật quốc tế. Có nhiều động lực theo hướng này, đấy là do mức độ quan trọng của các trường hợp được giao cho trọng tài chứ không đưa ra tòa, các giao dịch quốc tế phức tạp liên quan đến một số nước đòi hỏi phải có giải pháp thống nhất. Do đó, luật quốc tế “tư nhân” là rất quan trọng cho những vụ kiện tụng thương mại, chỉ có thể thực sự phát triển như một hình thức của thông luật, vì không có cơ quan ban hành pháp luật.

Comments are closed.