Phố vẫn gió (kỳ 2)

Lê Minh Hà

Chẳng phải ông bà Thái Hằng con yêu con ghét gì. Chỉ vì bố mẹ nó cái lúc ông bà chia phòng lại đang ở rất xa Hà Nội. Tận trên Tây Bắc. “Đường lên Tây Bắc xa xôi nếp nhà sàn thấp thoáng….” “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa suối sâu đèo cao…” Cứ như lời mẹ Thái Hằng thỉnh thoảng ôn cố tri tân thì hồi bố mẹ nó đi Tây Bắc miền sơn cước này vẫn y sì đúc cảnh và người như trong những bài hát thời kháng chiến. Đủ chuyện, từ chuyện đổi gà tới chuyện mua cá đồng hạng, to nhỏ như nhau kêu đắt kêu rẻ thì người bán bảo sao chúng mày không đi chợ sớm ai đi chợ sớm thì lấy được cá to. Mẹ Thái Hằng kể rồi cười như không còn nhớ nữa những hắt hiu và bơ vơ cái ngày cầm quyết định của tổ chức rời phố lên mạn ngược. Có một thời thật kì quái. Người ở tứ phương học hành xong thì được phân công công tác tại Hà Nội. Mà chắc gì họ muốn. Tự dưng bị nhấc ra khỏi đất quê, trụ lại ở cái nơi cái gì cũng đắt đỏ hơn, nhà cửa buổi đầu không có, người thì trí thức gầm cầu thang người trí thức nằm bàn trước khi chính thức làm chủ một căn phòng cơ quan chia. Trong khi đó dân Hà Nội cầm tấm bằng đại học lại bị đưa đi lên rừng xuống bể. Bố mẹ Thái Hằng là một trong những người Hà Nội đi xa ấy. Bố nó để không phải đi Tây Bắc đã ép mình lấy mẹ nó, giáo viên cấp hai, hi vọng được theo vợ ở lại Hà Nội. Thường thì cán bộ giáo viên học trung học cao đẳng là do địa phương quản lí, như mẹ nó sẽ do sở Giáo dục Hà Nội phân công công tác, lấy chồng là có cơ hợp lý hóa gia đình. Ai ngờ người ta đưa cả hai vợ chồng giáo học tây tiến. Hồi mới quen nhau, nghe tên chị em nhà nó toàn Thái, Thái Hoàn, Thái Hằng, thằng em đẻ năm Mỹ chơi B52 ở miền Bắc tên là Thái Bình, tôi lại tưởng bố mẹ nó gửi khát khao gì của đời mình vào con cái. Hóa ra tên đệm của cả ba chị em nó chỉ là nhắc nhớ thời bố mẹ nó dạy học tận khu tự trị Thái Mèo. Thái Hoàn là Thái Mèo hoàn Thái Mèo, hết hạn công tác miền núi mà không cách nào chuyển về dạy ở Hà Nội cho gần gụi gia đình. Thái Hằng – Thái Mèo vĩnh viễn, là nỗi tuyệt vọng vì nghĩ mình đi khai hóa miền tây rồi sẽ phải mãi mãi ở đó mà hướng về Hà Nội. Mãi thì rồi nỗi nhớ cũng thành quen, nữa là nơi đất ở. Thằng Thái Bình đẻ giữa Hà Nội sau khi bố mẹ nó chuyển được công tác, mẹ nó định đặt là Thái Hoài cho có trước có sau với cái nơi đã từng đêm nằm năm ở nhưng nghe có vẻ nữ tính quá nên lại thôi, rồi nhân thể hiệp định Paris được kí kết, đại gia đình lại được sống bình thường nên bà nó bảo gọi là Bình. Nghe nó kể sự tích tên chị em nhà nó chả biết nên cười hay mếu.

Đến cái ngày bố mẹ nó đưa con cái về lại Thủ đô thì mọi người trong nhà đã an cư cả rồi. Nhà Bảo chị gái đã về nhà chồng, bố mẹ nó trấn phòng lớn, phòng nhỏ phần nó, phòng ngoài vốn là phòng khách, theo lệnh bà nó giờ phải chia chác lại với nhà Thái Hằng. Mẹ Bảo phận dâu cả, cải tạo công thương nghiệp hãi mà nín lòng theo chồng trao lại nhà làm nơi ở cho cả đại gia đình, vẫn hậm hực từ hồi hòa bình lập lại, nay khôn ngoan thưa trước với bà nó rằng thì là mà, ý cuối là để chú thím với các cháu ở phòng ngoài cho rộng rãi. Chính ra thì mỗi nhà nên ở một phòng nhìn xuống phố và phòng ngoài làm phòng khách cho tất cả. Nhưng nghe lời bàn rất có vẻ đủ lý đủ tình, lại nhớ ở đồng rừng mênh mông rút lại cũng vẫn phải chui vào một mái nhà, ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu, bố Thái Hằng gật. Thế nên thành chuyện. Sau đôi ba ngày cả đại gia đình quấn quýt với nhau, rồi ai về nhà nấy, phòng mình, với nghề mình, đồng lương của mình, nếp sống của mình. Cái bếp ngày xưa thường chỉ có bà Thái Hằng vào ra chỉ bảo người ở thì nay biến thành bếp chung cho bốn gia đình. Nhà cái Thái Hằng ăn ngủ trong tiếng chân đi giọng nói ánh mắt của toàn thể gia đình thằng Bảo và khách khứa nhà đó. Chán đời nhất là 20.11. Cả hai nhà đều lắm khách. Khách của nhà Thái Hằng luôn phải mất tự nhiên khi kính biếu chút gì cho ông thầy bà thầy bố mẹ Thái Hằng. Những đụng chạm chân cẳng nơi vòi nước, những nhòm nhỏ vào bát canh đĩa cá đĩa thịt của nhà nhau bắt đầu giữa hai gia đình trên gác, đúng hơn là giữa hai bà con dâu rồi lan ra giữa bầy con. Nói thật, nghe hai bà chị em dâu mẹ Bảo với mẹ Thái Hằng đánh võ mồm với nhau bằng ngôn ngữ của nhà gia giáo vô cùng thú vị. Chỉ hơi choáng khi họ lẩm bẩm văng tứ tung một mình. Nhưng đến lúc họ cất cao giọng đối đáp và độc thoại cốt cho cả nhà kia nghe thì tiếng lầm bầm trở thành cực kì có lí, thành một bản phối hợp với tai người thường tích cực hơn những giai điệu cổ điển lúc vọng từ phòng chú Thái Hằng lên lúc vẳng từ phòng thằng Bảo ra. Cứ thử hình dung mà xem: một giọng nữ cao giảng giải đạo đức theo kiểu nghe thì nghe không nghe thì thôi như truyền giáo trên nền một giọng nữ khác trầm trầm đúng một tông đồ điên đồ khùng điên điên khùng khùng điên…Hay phết. Những cuộc cãi cọ kiểu này có khi chính là tiền thân rap của Việt Nam.

Ở khu tập thể nhà tôi sống thì khác. Chỉ cần một nhà ra giọng là lập tức bão nổi lên rồi khắp sân. Cái kiểu chửi nhau cho chính mình nghe ở nhà Thái Hằng trở thành vô cùng nhàm tẻ nếu so sánh với những cuộc đụng độ ở khu tôi. Trong khi mẹ nó với mẹ thằng Bảo cãi nhau một cách công khai và có giáo dục ở trên gác, hai ông bố và mấy anh chị em của hai nhà toàn im lặng, việc ai nấy làm, tự tách mình, bằng mọi cách để mình như không tồn tại. Ông chú độc thân và bà cô goá chồng chẳng biết có nghe thấy hết không, nhưng không bao giờ can thiệp. Có mỗi một lần đâu như hai bà lên giọng quá mức thế nào đó, bà cái Thái Hằng rời cái sập ở phòng ngoài tầng dưới đi vào, vịn cầu thang nói vóng lên. Thái Hằng kể cho tôi nghe dọc đường đi học về. “Bà tao nói đúng một câu nhá. Một câu. “Các chị đã định nói to thì to hẳn tôi nghe với. Chứ tiếng được tiếng mất tôi già cả nghe không thấu hết.” Bố tao với bố thằng Bảo lần đâu tiên ra giọng với hai bà. “Nghe mợ nói chưa”. Mẹ tao với mẹ thằng Bảo tắt đài lập tức.” Vừa kể Thái Hằng vừa cười phì phì. Nó vốn đanh đá, cứ nghe mẹ bị bà bác mát mẻ hàng ngày nó điên lắm. Nhưng đáo để như nó hay mềm tính như chị Thái Hoàn nhà nó thì cũng thế mà thôi, đố dám mở miệng chen ngang cuộc cãi vã. Ở khu tôi ý à, chỉ cần một bà bắt nạt con một bà hay bọn ranh cà nhau ở vòi nước công cộng xem. Dại mặt ngay. Vì nhiều đứa trẻ cùng lứa với tôi rất can đảm, chửi lại lập tức, bà bà tôi tôi mày tao chí tớ lập tức. Rồi mẹ nó sẽ nhào ra, rồi con cái hai nhà giáp lá cà. Huỵch. Ối. Tổ sư cha con đĩ đánh con bà tiên sư bố con đĩ con tụt quần bà. Chát. Một cái xô lăng ra, nước bắn tung toé. Này con con bà chúng mày này. Choang. Xoảng. Quần áo đang giặt dở bay phần phật trong tay bọn trẻ rồi cùng hạ xuống cống. Vòng người xung quanh lúc tiến gần lúc giãn rộng tùy theo cường độ xung đột giữa hai phe. Choang choang. Xoảng xoảng. Huỵch. Bốp. Tiếng cười như phá làm nền cho cuộc thét gào. Chỉ tới khi hai ông chủ hai nhà từ quán chè chén đầu cổng khu tập thể hộc tốc chạy về túm tóc vợ bạt tai con thì cơn cuồng nộ được nuôi dưỡng bởi sự hể hả thỏa thuê của những người chứng kiến mới xẹp. Khi mà đời sống dẫu đã hết đạn bom của Mỹ nhưng từ cái loa truyền thanh nói có giờ lại vang vang toàn chiến ca “đoàn quân lại đi đi về biên giới cũng từ biên giới về…”, những cuộc đánh nhau chửi nhau đó thật sự là nghệ thuật giải trí đỉnh cao cho dân tình trong khu tập thể, không so sánh được với buổi phát thanh ca nhạc theo yêu cầu thính giả sáng chủ nhật nhưng cũng tương đương với chương trình dân ca và chèo lúc giữa trưa hay chương trình tiếng thơ đêm thứ bảy lúc đã buồn ngủ díp cả mắt. Nên sau đó sẽ có những bình luận kiểu “cái Phương oắt xà lai mà đánh nhanh đánh gọn mẹ nó chửi nhạt bà gì vợ ông Khòa chửi hay hơn y như bà già nhà quê mất gà.” Bà chửi nhạt chỉ mấy chiều sau lên một cơn đau bụng khủng khiếp rồi chết vì viêm tụy và bà vợ ông Khòa sẽ là người ôm người ốm ngồi trên một cái xích lô tã tới bệnh viện trong khi bố nó cuống cuồng guồng cái xe đạp cởi truồng không phanh không chuông theo sau. Cũng chính bà vợ ông Khòa từ bệnh viện về bệu bạo báo tin cho chị em cái Phương rằng mẹ chúng nó chết rồi rồi lục chạn lấy đôi đũa sạch đẹp vớ con dao gọt thành đôi đũa bông cắm trên bàn thờ người chết mà hàng xóm vừa lập giúp. Ầm ĩ nhưng không ấm áp sau đó như thế này là những cuộc cãi nhau trong số nhà của Béo, giữa con riêng của bác Thiều Như và con riêng của bác Khánh. Nó bùng nổ bất ngờ tới nỗi lần đầu tiên tôi không kịp quay đầu xe tránh mặt. Dù không mê anh Phan để cưa không đổ thì ẩy cho đổ, tôi cũng không hề muốn chứng kiến một chuyện mà sau đó anh ấy sẽ phải xấu hổ dù không có lỗi. Nói chung trí thức thường thế. Họ luôn thấy mất mặt vì không kiểm soát được mình khiến họ giống như những người họ gần gũi yêu mến nể nang nhưng không thực lòng kính trọng. Trong số nhà của Béo, nơi tập trung toàn những người có chữ nghĩa vai vế của xã hội, chỉ có duy nhất một người nói tục. Là bác Nắng cần vụ của gia đình bác Thiều Như. Chửi thằng cháu đích tôn tha từ quê ra Hà Nội đã đành, bác ấy hay văng tục còn vì tật nói nhịu. Cứ vui là văng. Cả với ông chủ bà chủ. Bác Thiều Như nghễnh ngãng coi như không nghe không thấy không đỏ mặt. Còn bác Khánh thì rất lạ, nghe bà giúp việc đi chợ mua được thứ ưng ý về cơm nước vui vẻ kể lể văng cả cái bộ phận đàn bà không có với mình, bác vẫn hoàn toàn nghiêm trang, chỉ đôi mắt vẫn như cười, vẫn như mọi lúc.

Bác Nắng và thằng cháu đích tôn cần phải chuyển về khu tập thể của tôi. Với khả năng nói tục trình cao, đảm bảo bác sẽ được yêu mến kính trọng và bác sẽ vô cùng thoả mãn. Thằng Khương cũng vậy. Nó sẽ có bạn, có môi trường cạnh tranh tự nhiên, tha hồ đi rông, đánh đấm. Tôi tin là hai bà cháu sẽ thoải mái hơn ở với gia đình bác Thiều Như dù mọi căn phòng ở khu tập thể đều không đẹp bằng căn phòng hai bà cháu bác ở, chỉ tám mét thôi nhưng là phòng trong biệt thự, bếp núc riêng, đường gờ bờ tường khung cửa thuộc về một đẳng cấp kiến trúc khác. Nhưng nếu như thế, nếu bác Nắng và thằng Khương trở thành hàng xóm nhà tôi thay vì nhà Béo thì sẽ không có chuyện sau này cư dân ở đó vừa ghen tị vừa ngại, nói toẹt ra là sợ thằng Khương. Rồi sẽ đến một ngày Khương trở thành ông chủ nhớn trong số nhà toàn những vai vế thiên hạ ấy. Nhưng đấy là khá lâu sau khi bác Nắng bán lại cho chủ cũ căn phòng nhỏ cửa thông ra gầm cầu thang hai bà cháu từng ở để họ toàn quyền với cả tầng dưới ngôi biệt thự mà chia nhau cho dễ. Sau không biết bao lần gây chiến và đàm phán căng thẳng, vì nó lan rộng, chi phối cả những thành phần không liên quan trong gia đình bác Thiều Như và bác Khánh.

Một cặp vợ chồng thật kì. Vì đã nghễnh ngãng, bác Thiều Như chẳng mấy khi câu nọ câu kia với hàng xóm. Đến chơi với Béo, tôi luôn thấy một bà già dật dờ dưới sân. Thời gian đã xoá đi nhiều điều và trong kí ức tôi bác Thiều Như luôn hiện hình với kiểu chắp tay sau đít đầy quan dạng, tóc rụng gần hết vẫn chia đôi tết thành hai bím như đuôi chuột rồi cuộn chung kẹp hờ thành cái vòng sau gáy. Trừ đôi ba ngày nóng phát rồ, lúc nào bác Thiều Như cũng mặc một bộ đồ vải mỏng màu sáng và khoác hờ một cái áo len, không phải áo len tự đan chít bụng mà là áo len kiểu cách giản dị trăm phần trăm của tây. Trước khi đất nước thống nhất, trước khi những thứ vải mỏng tang đẹp thôi là đẹp nhưng giặt đôi ba lần là rách như vải kate được buôn từ Nam ra Bắc, ở Hà Nội làm gì có chuyện đàn bà mặc đồ bộ và lại có một cái áo khoác len đẹp thế chỉ để diện trong nhà, thế nên nhìn bà già đi guốc mộc mặc quần trắng lờ vờ dưới sân, thấy là lạ. Bà áo len xù xù ngay cả lúc thiên hạ vẫn phong phanh nhưng nom không thấy ngốt. Bà toát ra một vẻ lạnh lẽo làm giảm nhiệt tất cả khiến không mấy ai dám to tiếng lúc ở quanh quanh đó, dù là bà nghễnh ngãng. Béo kể tôi mới biết bà già này làm to thế, là thủ trưởng của cả bố Béo một thời. Chắc cái vẻ quan dạng của bà và vẻ biết điều của hàng xóm là quán tính cư xử từ thời nảo thời nào.

Bác Khánh biết điều với bà vợ hay ngược lại, tôi không biết. Chỉ thấy hai bác chẳng bao giờ nói chuyện với nhau trước mặt mọi người. Luôn luôn chỉ có một người ríu rít cùng hai ông bà, là chị Phương con chung của bác Thiều Như và bác Khánh. Chị lúc đó mười bảy tuổi, sắp thi đại học. Rồi sau này chị sẽ đóng một vai trò quan trọng trong gia đình: thiết lập một khu phi quân sự ở tầng dưới, nơi mà anh chị của chị đều lăm le chiếm lĩnh khi có thể. Y như hai bờ sông Bến Hải của cả đất nước một thời. Nhưng lúc này thì bác Thiều Như luôn có một vẻ nửa tinh nửa điếc, bảo an nhiên cũng được, mà bảo ơ hờ cũng được. Thật thì bác được quyền cư xử thế. Lúc đó cái bìa Tôn Đản mà bà già này và bố Béo có to chuyện lắm. Nó đảm bảo cho người ta quyền sống, sau này thì tôi biết, y như ở một nước phương tây phát triển, có khi còn hơn vì biên độ miễn phí của nó. Chủ nghĩa xã hội mà các nước như nước mình đang cố công xây dựng hơn nửa thế kỉ nay sẽ không thành một cái gì xa vời, khó tưởng tượng nếu ta so sánh nó với chủ nghĩa tư bản.

Bà Thái Hằng trạc tuổi bác Thiều Như nhưng khác hẳn bác ấy. Ở bà có cái tinh tường của một bà chủ chứ không phải là bà thủ trưởng cao cấp ở một cơ quan nào. Mà vẻ ngoài bà cũng khác. Không bao giờ tôi thấy bà Thái Hằng mặc một cái áo kiểu nữ cán bộ, cắt dáng đuồn đuỗn, cổ cài khuy kín mít và hai bên vạt là hai cái túi to đùng. Bà già ngồi ở nhà nhưng ăn chơi hiếm thấy. Áo cánh phin nõn hay lụa tơ tằm bà toàn tự cắt, mẹ Thái Hằng xung phong may nhưng bà chê đường may bằng máy nhìn cứng và bà tự khâu tay, gấu áo khâu giấu mũi không thấy cả điểm kim dũi. Mùa đông bà mặc áo bông trần, gấm đã mất đi độ óng ánh nhưng vẫn thật mặt. Quần lụa hay láng buông chùng kín gót. Mái tóc bà dợn sóng, búi lộn ơ hờ. Không có cái chiều đông đi chợ với Thái Hằng ra tới cửa bị bà gọi giật dặn mua cho quả chấp thì tôi không biết bà điệu một cách kĩ càng thế. “Mày tưởng bà tao mua chấp gội đầu à? Gội đầu thì bảo người ta cắt cho một miếng thôi chứ mấy. Bà tao tích chấp để uốn tóc đấy?” “?” Mắt tôi chữ A thay cho dấu hỏi chỉ gõ được ở đây. “Mày tưởng nhà tao nhiều người tóc quăn là thừa hưởng bà tao à? Từ ông tao đấy. Bà tao tóc thẳng, tóc người ta bảo là tóc mây, sợi to. Nhưng tóc bà tao luôn dợn sóng là vì bà dùng chấp làm cho cứng mái lại, bà bảo từ hồi trẻ bà đã chải thế. Buồn cười. Cứ bảo tóc quăn thì khổ mà đàn bà con gái ai cũng phải làm cho tóc quăn quăn mới yên.”

Xoắn tít thì chẳng đẹp. Đàn bà không đẹp mèng ra cũng khổ cái khổ đàn bà xấu thì không có quà như đàn bà văn sĩ nào giật tít. Tóc bà Thái Hằng chỉ dợn sóng. Kiểu tóc đó làm cho bà Thái Hằng có một vẻ đẹp vừa thân thiện vừa xa cách. Nó là vẻ đẹp mà chỉ những phụ nữ trung lưu sinh ra và lớn lên ở Hà Nội từ trước hòa bình lập lại năm 54 mới có được và cũng chỉ họ mới có thể biểu hiện ra tự nhiên như thế qua tất cả những gian nan thăng trầm của thành phố này ở cái thời cả nước hết giục nhau đi khai phá miền tây lại thúc xẻ dọc Trường Sơn. Thật là khó phân tích được vẻ đẹp đó. Nhưng dễ dàng cảm ra. Nó ẩn hiện ở bông hoa thêu rơi bên tà áo, ở cách chải tóc, ở dăm ba phân dài hơn của ống quần dăm ba phân ngắn hơn của ống tay áo, ở cách nhặt mớ rau, cách bày con cá rán, cách làm một nồi thịt kho tàu, cách lo cơm nước hàng ngày ngay trong thời bao cấp nhọc nhằn vẫn phải đủ miếng mặn miếng nhạt tùy thời tiết, cách cầm đũa và miếng cơm, cách đi đứng nói năng. Bà Thái Hằng có đầy đủ những nét vẻ ấy, làm tôi bị quyến rũ, cũng làm tôi sờ sợ. Bác Thiều Như và những người đàn bà già trẻ trong khu tôi chưa bao giờ làm tôi có cảm giác này. Trừ một người thế nào cũng sẽ chiếm một đoạn trong ghi chép này của tôi mà lúc trẻ con tôi đẩy bà tụt luôn vào đám các bà các cô hàng xóm sống với nhau vừa thân thiết vừa chán ghét. Nói chung, quan hệ dân cư trong một khu tập thể của một cơ quan luôn luôn như thế. Nó là một cái làng mới được lập bởi một cơ chế mới, mà người làng vừa muốn thành người ở phố thật vừa không muốn từ bỏ những thói quen ăn ở mình mang theo từ cái làng riêng tít mù tắp của mình. Nó xa lạ với cách sống của bà con hàng phố, cũng khác với cách vô số cư dân sống ở những khu cao tầng thành quả của ngành xây dựng thời bao cấp về sau như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Giảng Võ, Trung Tự, Thành Công. Ở đó, người ta thành hàng xóm nhưng không nhất thiết là đồng nghiệp. Đỡ được bao nhiêu thời gian để vừa gây sự vừa chiều lòng nhau vì những chuyện đã đang và sẽ xảy ra tại nơi làm việc như ở khu tập thể của tôi. Nhưng phải rất nhiều năm sau, lớn lên, rời nơi ấy mãi mãi tôi mới hiểu ra điều ấy. Chắc không ít người như vậy. Nếu mà ngay từ buổi đầu chúng tôi đã khôn như bây giờ tôi đang thì làm sao chúng tôi có thể có cùng nhau bao niềm vui con trẻ như thế, vô tư lự cả lúc ục nhau, đồng thuận làm những điều ngu ngốc chỉ được tha thứ nhờ còn được coi là ôn con.

So với bọn trẻ con bây giờ thì chúng tôi lúc còn bị gọi là ôn con là nhãi ranh ngây ngô hơn rất nhiều. Làm sao chúng tôi hình dung được đến một ngày nhà nhà chật cứng thiết bị điện và điện tử, trẻ con thờ ơ bấm chuyển kênh ti vi rồi xoay qua chơi game trên đủ kiểu máy móc xinh xẻo như đồ chơi đắt ngang với một gia tài thời ông bà chúng ngày xưa và tệ nhất là những thứ đồ đấy liên tục lên đời còn bọn trẻ sẽ chỉ hào hứng coi như mình được đổi đời nếu có máy mới. Làm sao chúng tôi hình dung được là trẻ con quyền to thế. Niềm vui của chúng tôi khi bé nhiều khi bắt đầu từ chuyện người lớn quên không thực thi quyền của mình. Thường xuyên và đơn giản, chúng tôi vui với cái xe đạp một đứa được ông bố dễ tính cho mượn một lúc buổi trưa cuối tuần khi ông ăn xong ợ xong vỗ bụng lên giường đánh một giấc khò xùy đến xế chiều không cần biết thùng gạo vơi dần làm vợ cứ từng lúc lại thấy nỗi lo cắn cho bụng dạ nhói một cái. Một cái kẹo Hải Hà, một hòn bi cái, một con quay tự xoáy, một mẩu bút chì ngoại mòn còn bằng ngón tay cũng đủ để hối lộ đứa đang vênh váo với cái xe đạp bố cho mượn với điều kiện phải lau sạch bóng từng cái nan hoa. Đứa nào hối lộ thành công sẽ run run nhận lấy ghi đông xe từ tay bạn, trèo lên đạp một vòng, đít nhấp nha nhấp nhổm không với được tới cái yên xe. Còn cả lũ à à chạy theo, mong chờ lòng tốt bất thần khai mở ở đứa bạn. Chỉ có một đứa bao giờ cũng đứng ở góc sân nhìn theo thèm thuồng. Thằng Xuân. Nó biết thừa là chẳng bao giờ đến lượt. Tội tại bố mẹ nó. Ba nó, ông Sở, dân miền Nam tập kết có một cái xe đạp nam màu xanh ngọc lúc nào cũng bóng loáng, đầy đủ chuông phanh và cả đèn. Mẹ nó mói đâu ra mấy cái cành hoa nhựa xanh xanh đỏ đỏ buộc loằng ngoằng trước tay lái xe, lại còn trang bị thêm cho ông chồng một cái radio chạy pin chẳng biết cũ hay mới, bọc ngoài một cái túi vải tự khâu theo kiểu xà cột. Cứ nghe thấy tin chiến sự hay dân ca và nhạc cổ truyền rõ tiếng dần ngoài cầu thang là cả tầng biết ông Sở đang nâng niu bê cái xe lên gác. Nhìn mẹ nó hôm nào có việc đi đâu lệch người trên cái xe của chồng, bên hông lủng lẳng cái túi vải đựng âm thanh lúc nào cũng rè rè, cực tức mắt. Không bao giờ ba thằng Xuân cho nó mượn xe mặc dù tuần nào nó cũng phải cùng mẹ đánh bóng mấy cái nan hoa. Cái mốt ba mẹ nó theo đuổi hồi ở nơi sơ tán chúng tôi thấy đầy. Ban đêm mùa hè ngồi trên dốc bến hóng mấy cái thuyền gọi cá dưới sông mà thấy đường đê loang loáng ánh đèn, rồi tiếng đài xa xa gần gần to to nhỏ nhỏ, biết ngay ông cán bộ xã đang đi đâu có việc. Cho đến ngày thống nhất đất nước, cả nhà nó về Nam, ba mẹ thằng Xuân vẫn trung thành với cái mốt buồn cười ấy. Ít ngày sau, đôi ba người từ trong Nam ra thăm lại khu tập thể kể chuyện ba nó không đưa vợ con vào Sài Gòn mà về quê, nhà nó quay ra làm ruộng, mẹ nó phải gánh gồng còn ba nó thì làm công tác ở xã, tự dưng tôi cứ nghĩ không biết ba mẹ nó có thay đổi theo bà con trong đó không hay vẫn một mình một mốt. Tự dưng tôi thương thương thằng Xuân, cái tình thương mà ngày xưa vì ghét bố mẹ nó chúng tôi chưa bao giờ biết là có để dành cho nó. Tôi sẽ càng thương nó khi tôi biết về con đường ba nó đã đi từ Nam ra Bắc và ngược lại, sau hai mốt năm trời, trọn vẹn một cuộc chiến tranh. Hóa ra nhà thằng Xuân họ hàng với nhà cái Tố Linh lớp trưởng lớp tôi. Ba Tố Linh, sẽ là đại sứ ở một nước Đông Âu mới là ông Sở thật. Ba nó nhà khá, từ Tam Kì vào Huế học rồi về quê tham gia kháng chiến. Lúc có tên trong danh sách tập kết, ông nội Tố Linh sợ con xa nhà thì khổ nên ba nó cũng chần chừ. Ba thằng Xuân ở giữ trâu cho nhà nội Tố Linh, khoẻ và chăm, hiền và cục, chữ nghĩa nhờ kháng chiến được gần đầy lá mít. Ông nội Tố Linh thương, cho đội tên con trai đi tập kết. Thế là thành ông Sở. Chuyện bỗng dưng buồn cười muốn khóc là ba Tố Linh chần chừ chán lại muốn đi, lấy tên mới là Khanh xuống tàu tập kết. Lúc thôi chức vụ phó vụ trưởng gì đó ở bộ Ngoại giao chuẩn bị đưa vợ con đi làm chân đại sứ ở một nước khác, biết nhà tôi ở đó, ba Tố Linh hỉ hả kể chuyện ông từ Sở biến thành Khanh. Nghe, tôi vừa thương thằng Xuân lúc đó đã về quê gánh gồng theo ba mẹ, vừa ghen tị rồi đâm ghét ghét cả ba cả con cái Tố Linh. Khi đó, trước mặt chúng tôi là một kì thi đại học trượt nhiều hơn đỗ, vì Hà Nội và nói chung cả nước lúc bấy giờ đâu có nhiều trường đại học từ quốc gia lan ra hàng tỉnh như bây giờ, thật khó để chống lại nhu cầu vừa làm thân vừa tị hiềm với một đứa bạn số phận tuyệt vời như số phận Tố Linh: con một, đời sống gia đình chẳng có gì giống với đời sống gia đình công nhân viên chức lèng tèng và cái chính là nó sẽ học đại học ở nước ngoài không cần cắm cổ học cho kì đỗ như chúng tôi.

Chú Sở vì nhớ mùi đất đai trâu bò hay vì muốn vẻ vang ở quê nhà trong một tư thế mới mà lại quyết định mang vợ con về làng ngay trong năm 1975 thay vì làm người nhà nước nhận chức nhận nhà ở một thành phố nào đó trong Nam, hồi đó thì ngon xơi lắm với người đi tập kết trở về bất kể trình độ lùn tới đâu? Cả khu tập thể xì xào và bao nhiêu cảm thương dồn hết vào mẹ con thằng Xuân khi mẹ con nó ra Bắc thăm bên ngoại rồi tiện thể tạt về thăm hàng xóm láng giềng. Mẹ nó gầy sắt, đen đủi trong bộ quần áo màu lòng tôm vải nom mỏng mà cứng cứng. Thằng Xuân mười bốn tuổi, cao ngòng nhưng mắt nó tối và rụt rè còn hơn cả ngày xưa. Quà mẹ con nó mang ra là mấy miếng đường phổi ăn thơm thơm là lạ. Xuân chẳng nói gì và cả lũ chúng tôi đâm bối rối, tụt hết hứng hỏi chuyện nó về miền Nam vừa giải phóng, miền đất mà phải rất lâu sau người ta mới có thể vào ra bình thường không cần giấy giới thiệu của cơ quan hay công an phường. Tôi chỉ thôi thương Xuân từ dăm năm trở lại đây, khi biết nó đã trở thành chánh văn phòng tỉnh ủy tỉnh quê nó, đâu như vừa chòi lên phó chủ tịch tỉnh kiêm phó hay bí thư gì đó tỉnh ủy. Dù gì thì cũng con dân tập kết, học dốt nhưng về làng ba mẹ nó ốp học nốt phổ thông, rồi thì làm công tác Đoàn, loay hoay thế nào cái thời chúng tôi lệch người xin chuyển nơi công tác từ nông thôn về thành thị, xong rồi chỉ còn sức đi làm ở cơ quan rồi về nhà làm bố mẹ tử tế của từ một cho tới hai con thì thằng Xuân còn ra Hà Nội học trường Đảng cao cấp mới khiếp. Làm bí thư huyện đoàn, rồi phó chủ tịch huyện, rồi bí thư tỉnh đoàn, rồi gác cửa cuối cùng của tỉnh ủy, rồi phó chủ phó bí, oách phết. Và cái chính là nó không thể nghèo. Những như tôi bò qua xứ người làm công dân nước tư bản thì khoản đất đai nhà cửa xe cộ tiền bạc cũng ăn nhằm gì với người như nó ở nhà. Ở cái vị trí đội bằng đầu đạp bằng đít khinh khỉnh ngó ngang này chắc nó phải khôn phải thạo đời lắm lắm. Nhưng cái ngày tôi gặp lại nó sau khi anh em nó theo ba mẹ về quê thì Xuân đã mất hết chất Hà Nội trông còn cả tẩm hơn cả mấy đứa trẻ nhà quê vùng sâu vùng xa. Nên cũng không biết thằng Xuân đã đi được xe đạp chưa. Hồi còn ở khu tập thể, chẳng đứa nào cho nó tập xe ké. Xe nhà thì ba mẹ nó giữ y như bây giờ chủ dự án giữ đất hộ nông dân. Khác mọi nhà, đi đâu về là ba mẹ nó bê tọt xe vào phòng, không bao giờ dựng ở hành lang chung. Thế nên cái lúc chúng tôi ưa rồng rắn lên mây qua mọi tầng tìm cách tháo van xe các nhà, không đứa nào có cơ hội làm cho lốp xe nhà nó xịt.

Cái trò đó giúp bọn trẻ con trong khu tập thể đi qua bao nhiêu buổi trưa buồn chán, chẳng còn biết làm gì ngoài mong ước có một hai hào kéo nhau lên Hàng Vôi hay Tràng Tiền ăn kem que bất kể mùa nóng hay mùa lạnh. Ăn kem mùa nóng ngon, nhưng kem ngon nhất phải là vào những ngày hanh hao. Lạ thế. Khi mà hành lang vắng thông thống gió rải đồng lang thang từ ngoại ô vào phố và gió lúc đó chưa nặng mùi nhà vệ sinh thiếu nước nằm ở hai đầu hành lang. Heo may. Mùa thu. Đôi ba đóa sen còn sót lại trên đầm, mùi hoa, mùi lá sen rạc dần đi từ ngoại ô theo heo may vào phố không biết sao làm cho lòng dạ con trẻ cứ nao nao, và sau này, khi lớn lên tôi còn luôn cảm giác như ân hận. Về một điều gì đó mãi vẫn chần chừ chưa kịp làm. Điều gì đó cứ len lỏi bên cạnh rất nhiều điều có hình thù rõ ràng mà ta ngại ngần rồi buông đó, nhưng nếu việc qua rồi thì chặc lưỡi là xong nỗi tiếc. Một trong những sự làm tôi tiếc nuối ấy tôi im im không bao giờ hé miệng với Thái Hằng dù kiểu gì thì nó cũng biết. Đấy là chuyện tôi để ông chú nó đứng góc phố chờ tôi mấy tiếng đồng hồ. Một lần duy nhất.
Rồi hai nhăm năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau.

Chú Thái Hằng thật ra hơn bọn tôi có bảy tám tuổi gì đó. Nhưng ở cái tuổi còn đang học phổ thông thì một người đã xong đại học ra đi làm với bọn tôi là già rồi. Con gái tôi còn gọi là chị, con trai tôn vinh là chú cho an toàn. Đừng nói đó còn là chú của bạn.
Tôi gặp chú Khôi lúc mười bốn tuổi, vừa vào cấp ba, ngồi cùng bàn với Thái Hằng và biết nhà nó cách nhà mình có mấy vòng quay bánh xe đạp. Lần đầu tới nhà nó, đi qua phòng ngoài bà nó là người tôi chạm mặt đầu tiên, người thứ hai tôi thấy chính là chú Khôi. Ông chú hai mốt tuổi đang chờ phân công công tác mà có hẳn một phòng riêng tầng dưới, cửa sổ nhìn ra phố và thông với phòng bà nội nó trấn ngự. Để con trai út tự do, bà đóng chặt cửa giữa hai phòng, gọi người đục tường làm một cái cửa ra sân nằm chênh chếch cầu thang lộ thiên thông lên phòng nhà Thái Hằng. Lần nào tới nhà bạn tôi cũng phải kín đáo nhìn đống guốc dép rất mốt để bừa bãi trước thềm phòng chú nó. Vào ra nơi đấy là những con gái con trai trẻ trung bạn phổ thông bạn đại học của chú Khôi.

Ông chú học tiếng Anh ở đại học ngoại ngữ, hoàn toàn không thời thượng so với tiếng Nga chia động từ toàn ôm em ốp ép đã đi hết đà phổ cập ở các trường phổ thông ngoài Bắc. Nhưng có vẻ dân tiếng Anh khác dân tiếng Nga nhiều. Thiếu cái tự tin có thể thành phởn chí của dân tiếng Nga vốn nhiều cơ hội xuất ngoại sang Liên bang Xô viết gồm vô khối các nước cộng hòa hơn ta ở chỗ tiếng Nga không còn là ngoại ngữ mà là tiếng chính thống, dân tiếng Anh trầm hơn, nhưng câu chuyện của họ nghe chừng tân tiến hơn. Nhạc họ nghe không phải là Triệu triệu bông hồng đang đổ lên thành phố xơ xác thời hậu chiến một niềm tin sũng sĩnh vào tình yêu và ao ước cháy bỏng có Ái Vân hay ít nhất là quần đỏ áo trắng Ái Vân mặc tung tăng trên sân khấu Nhà Hát Lớn. Giữa thành phố nhọc nhằn và đồng bóng trong những thứ cảm xúc trên mây như thế, thứ nhạc mà chú Thái Hằng cùng bạn bè nghe chiều chiều trong căn phòng dưới gác nhà nó khuấy động theo một kiểu khác. Demis Roussos xao xuyến và vẫy gọi. Da diết Bee Gees. Thắt gan thắt ruột Simon & Garfunkel. Và …

Đấy là âm nhạc của một thế giới khác. Người nghe thứ âm nhạc đó cũng là người của thế giới khác. Nói thực, nếu ông chú Thái Hằng đừng có hơn chúng tôi tới bảy tám tuổi, xung quanh đừng có một đống bạn diện như diễn viên, đẹp và sang nõn, gặp nhau thì nói một thứ hổ lốn tiếng Việt tiếng Anh tiếng Pháp, nếu các chị bạn chị Thái Hoàn nhà nó không dùng dằng bước một trên cái cầu thang mà cửa phòng chú nó nhìn chếch ra, mọi thứ sẽ khác. Các chị gái xinh đẹp và chịu chơi đó đã làm tôi miễn nhiễm trước chú Khôi vì cảm giác mình bé nhỏ mình ngớ ngẩn mình cần phải vặn cổ cảm xúc thập thò trước một thế giới không thuộc về mình. Tôi sẽ không khốn khổ đến mấy năm, không tim đập chân run khi thấy bóng anh họ Thái Hằng và đờ đẫn khi nghe tiếng đàn violon thằng Bảo tập. Đến lúc hồn về lại rồi, phải nói thực là tiếng violon khi người ta tập khó chịu lắm, nó cứa trung tâm thần kinh, càng khó chịu hơn vào những trưa hâm hấp mà nắng chỉ ơi ơi, chói chói. Bây giờ, già rồi, trong đầu tôi, khi nhớ tới những ngày tháng hay lại qua số nhà ấy chỉ còn vang vọng tiếng guitar của chú Khôi, và giai điệu một bài hát khi đó chúng tôi không biết, thắt hết cả lòng đơn giản vì quá hay chứ không hẳn vì vọng lại từ quá khứ.

Don’t forget to remember me
And the love that used to be
I still remember you
I love you
In my heart lies a memory to tell the stars above
Don’t forget to remember me my love

Sau này Thái Hằng kể cho tôi nghe chú Khôi học khoa Anh vì không vào nổi khoa Nga do lí lịch có chỗ kèm nhèm. Nhà nó có người đi Nam. Tiếng Nga lúc đó là đầu bảng. Nào ai ngờ Liên bang Xô viết phộp phạp thế đùng cái gục, rồi tan, và tiếng Nga, ngoại ngữ hàng đầu ở Hà Nội và có lẽ không chỉ ở Hà Nội mười năm sau chiến tranh bị mất đất, suy sụp, không có người theo học. Còn may, khi đó thứ tiếng chú Khôi học làm mưa làm gió và những người vốn nói tiếng Nga như ca tiếng Việt vẫn còn đường thoát, chuyển qua học tiếng Anh rồi về vỗ bảng dạy trẻ con, không đến nỗi bị xô tuột xuống các thứ bậc thấp trong xã hội như nhiều thế hệ dạy tiếng Trung trước đó. Còn trẻ con học tiếng Anh của các thầy cô đổi nghề này nói có đúng tiếng Anh không thì là chuyện khác. Chúng nó sẽ còn cơ hội học lại khi lên các cấp cao hơn, cùng lắm lên đại học đi vài ba đường cơ bản lại là thi lấy chứng chỉ A B của các trung tâm ngoại ngữ tốt. Bi kịch học nữa học mãi này làm sao so được với bi kịch học lại vì mất dạy của các giáo viên tiếng Trung một thời. Mẹ bạn tôi, khi tiếng Trung bị thiến khỏi chương trình giảng dạy đã phải cắp sách đi học lại cùng bọn tôi thời đại học. Không ai nghĩ người đàn bà khô khô ngồi cuối giảng đường là giảng viên đại học mà nếu ta với Tàu không đánh nhau khi đó khéo chúng tôi phải gọi là cô xưng em. Nhưng vì ta với Tàu đánh nhau, dân văn chương khỏi học tiếng Hán. Hay không! Mẹ bạn tôi âm thầm đi học cùng chúng tôi mấy học kì, cả lớp tưởng cán bộ bôn sệt cơ quan cho đi chuyên tu để chuyển vùng chuyển chức, thường có bằng đảng viên nhưng chuyên môn thì chán chả buồn nói. Tốt nhất là xa ra cho an toàn khỏi bị lên lớp về chuyện ăn mặc nói năng. Có mỗi tôi hôm nào đến lớp cũng rụt rè chào cô. Rồi không thấy cô đi học nữa. Cô phát điên rồi, không kịp chờ đến ngày hai nước hữu hảo, biên giới thông thương và tiếng Trung lại lên ngôi. Cũng không kịp chuyển qua học tiếng Anh. Tiếng Anh khi đó mới chờn vờn bên ngoài đời sống của trí thức, chưa óng ánh màu sắc a dua như giờ.

Chính vì ít người học mà dân Hà Nội học giỏi lí lịch dở hơi như chú Khôi chẳng vất vả gì đường phân công công tác. Trong lúc mấy cô bạn cùng cấp ba của chú méo mặt toan tính bỏ bằng vì bị phân công đi tỉnh xa tít mù tắp nghe bài „Ước mơ xanh“ „ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim mai đây làm cô giáo“ mặt nhăn như bị rách thì chú Khôi đàng hoàng về làm phiên dịch ban đối ngoại ở một bộ, đong hết các suất đi Tây Âu cùng thủ trưởng. Chẳng thường xuyên xuất ngoại như dân học tiếng Nga cùng cơ quan, nhưng một năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga, chú Khôi không thường đi Pháp, toàn đi các nước Bắc Âu, một chuyến là thừa sức chơi một Peugeot máy. Hình dung mà xem: đàn ông, chưa tới ba mươi, mùa đông quần bò bu dông mùa hè áo phông quần sooc vè vè trên xe máy của Phốp. Chú cái Thái Hằng đấy. Hơn đứt thằng Bảo ở vẻ đàn ông tự lập tự cường, hơn cả ở sự chú bỏ không thèm động tới cây mã vĩ chuyển qua guitar thùng cho nó phủi. Tôi không mê chú như bạn chị Thái Hoàn và chắc là cả bạn của tôi với Thái Hằng mà quay quay đờ đẫn vì thằng Bảo cháu chú thì không phải vì tôi ít tuổi, cái chính là vẻ đàn ông của chú ức hiếp tinh thần bình đẳng ở tôi – đứa con gái sống thu mình, hoang mang không biết sẽ đi qua tuổi trẻ của mình thế nào ở một thành phố không còn gì sau mấy chục năm vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa đánh nhau, mà vẫn quyến rũ và thắt buộc.

Chú Khôi không biết anh Phan khi anh còn sống cùng gia đình mẹ và bố dượng ở cái biệt thự bà tôi bị trưng thu dù từng mấy lần cùng trường sau mấy lần đi sơ tán về. Cũng lạ, thành phố khi đó vừa rộng vừa bé, chưa có tới mấy quận huyện can vào như giờ và nhà anh Phan với nhà chú Khôi rất gần nhau, chỉ là cuối phố này đầu phố kia, cả nhà đang ở lẫn nhà cũ đã bị hiến. Ở đấy chú được sinh ra, rồi ít lâu sau được bồng bế ra khỏi đó vĩnh viễn, chuyển về số nhà mà ông nội Thái Hằng chọn để an cư. Chú không nhớ gì căn biệt thự to đùng ở góc phố trồng toàn loài hoa chả mấy ai biết phom dáng thơm mùi thơm sền sệt nếu đứng ngay dưới gốc hỉnh mũi lên mà hít nhưng cứ động nói tới mùa thu Hà Nội là thiên hạ đồng thanh ngợi ca. Bố thằng Bảo và bố Thái Hằng từng sống ở đó nhiều năm, song họ có nói về ngôi nhà đó thì độc chỉ có một giọng chán chường. Chỉ có hai người anh chị khác của chú Khôi mà mãi sau này tôi mới biết thì nhớ ngôi nhà đó, nhớ quặn lòng. Đấy là vì họ không trải qua một quá trình làm quen với sự mất nó từ từ, dần dần, trong tâm tưởng.

Ngôi nhà xưa của cụ Phán tôi mà anh Phan sống cùng gia đình bà mẹ sẽ là cái bar đầu tiên đáng kể nhất của Hà Nội sau mấy chục năm vắng bóng, vào lúc Hà Nội oằn mình đi qua thời hậu chiến, xoá bao cấp và phớn phở tắc tắc phình phình sau khi Mỹ dỡ lệnh cấm vận. Ngồi ở đó, uống nước cam, thế thôi, vì ghét rượu, tôi thấy mình tự tách mình lang thang đẩy cửa phòng nọ phòng kia trong ngôi nhà, tưởng tượng xem mẹ ngày xưa bà ngoại ẵm bò toài ở phòng nào, sau này sau hòa bình lập lại anh Phan từng ở phòng nào. Những khi đó tôi lại nghĩ mình với chú Khôi thật dễ đồng cảm, nếu như chú hàng ngày đạp qua ngôi nhà xưa, không nhớ gì mà vẫn biết lẽ ra đó là nơi mình sẽ sống. Nhưng khi nghĩ thế, chú Khôi vẫn còn đang ở rất xa, xa đến nỗi bà nội Thái Hằng đã không chờ được chú, cũng như những người con khác đã rời bà đi từ trước đó khi đất nước mình chia hai. Còn anh Phan thì đi chán cũng lại quay về Hà Nội, danh chính ngôn thuận là ở số nhà của Béo, trên phố…

Vào đó, tôi cứ có cảm giác ngôi nhà đang lắc lư tự sắp xếp lại. Đầu tiên là từ góc nhà để xe đạp cuối sân. Bà vụ trưởng thấy nhà để xe thường xuyên trống gọi ngay mấy anh cháu tới ngăn một góc sát với căn bếp của gia đình. Đầu tiên bà và con cái để xe và nó vẫn thường xuyên trống hoác. Rồi bỗng một chiều tới nhà Béo tôi ngơ ngác thấy cái góc đó đã có tường ngăn cửa giả cẩn thận và bà vụ trưởng quần lụa rách cắt ống vén tới bẹn ngồi trước cửa nhặt rau. Bếp nhà bà chuyển ra đó, còn bếp cũ liền kề thì bà cho đục cửa sổ biến ngay thành phòng riêng cho chị con gái làm ở phòng y tế cơ quan bộ. Rồi chị sẽ xây nhà ở cái chỗ sau này phần lớn cư dân sống trong biệt thự mơ ước. Nhưng đó là chuyện của dăm năm sau. Lúc này mẹ chị còn đang vừa làm vừa nghe ngóng binh tình hàng xóm. Chả ai thích thú gì trò khôn vặt của bà, nhưng cũng chả ai ra lời. Nhưng đến cái lúc bà moi đồ cũ ra chất ở trước cửa phòng nhà bà trên cái phần hành lang chung của nhà Béo thì có chuyện. Tủ tạp – thứ đồ gỗ đặc trưng cho tiện nghi các cơ quan nhà nước một thời bà xin về kê đó. Trên nóc tủ bà chất từng túi căng phồng hình như là ruột chăn bông. Trong tủ bà nhét gì có giời biết. Vấn đề là nhét thế để làm gì thì cả tôi và Béo hỏi nhau mãi vẫn không ra. Hình như đó là những thứ sẽ chẳng khi nào bà hàng xóm nhà Béo cần đến nữa vì trước cánh cửa tủ bà còn chất thêm ghế gãy và đủ trăm thứ bà dằn, có một cái chổi đót xơ xác và một chồng rế đen sì theo đúng nghĩa chổi cùn rế rách để trên. Nhà Béo lắm khách ra khách, đáng nói nhất là một ông Phó Thủ tướng hoạt động cùng bố nó từ thời còn bóng tối nhà ở phố bên, mấy ông đồng cấp hay đàn em cũng chẳng xoàng, chức tước cũng tương đương chồng bà hàng xóm. Nhưng khách Tây của mẹ nó còn đáng nói hơn. Mẹ Béo làm cũng to ở một cơ quan văn hóa, đi tây còn nhiều hơn người ta về quê, cứ lâu lâu lại thấy khách mũi lõ tới. Gì thì gì, dù nhà Béo không ở toàn bộ căn biệt thự, nhưng nhà nó cũng xứng đáng đón khách tây thật, xứng đáng từ cái cổng sắt, cây sấu già trong sân tới cái cầu thang trở đi. Vậy mà bây giờ chềnh ềnh ngay đầu cầu thang là cái đống đồng nát của nhà láng giềng – nơi sẽ có rất nhiều chuột nhắt di cư tới rúc ra rúc rích và thỉnh thoảng lao vụt qua cửa nhà Béo lúc người ra người vào. Chiều cao của đống đồ thải cứ được nâng dần và lũ chuột chẳng cần chờ cửa nhà Béo mở, trèo phắt qua bức tường gỗ dán ngăn ngang hành lang chia tách nhà Béo với nhà ông vụ trưởng.

Khỏi nói mẹ Béo cáu thế nào. Hình như đã có cuộc đàm phán trong nhà ông vụ trưởng giữa hai người đàn bà và chắc là bế tắc nên vấn đề được đưa ra công luận. Buổi chiều tôi tạt vào nhà Béo sau giờ thi môn cuối cấp 3, vừa bước tới cầu thang đã nghe tiếng Nghệ An Hà Tĩnh va đập chủng choẳng trên hành lang nhà nó. Bà vụ trưởng đã vào cái tuổi bụng phồng mông tóp vẫn quần lụa lửng, kiểu cách tí nữa, thêm túi thêm giải rút khóa kéo là thành cái quần ngố tiện dụng của ranh con bây giờ, áo ba lỗ khâu từ phần ống cắt ra từ chính cái quần rách ấy, cơ ở hai cánh tay sệ xuống lõng thõng bên nách khi bà chống nạnh. Nói chung là mẹ Béo thất thế. Thứ nhất là không to mồm bằng, thứ hai là không thể đem cái đẹp mình theo đuổi đối đầu với tinh thần thực tế của bà hàng xóm, cái tinh thần mà khi phát ngôn ra rất dễ nhận được sự cảm thông đồng thuận từ những người điều kiện khó khăn hơn đang chờ cơ tự phát triển, thứ ba: mẹ Béo không thể đem cái bất tiện khi có khách của mình ra để nói, cũng không mượn được thế chồng. Đời nào các ông to như bố Béo lại buông lời trong một hoàn cảnh tầm thường và buồn cười thế này, mặc dù tôi biết bố nó cũng cáu ngang mẹ nó. Điều cuối cùng làm mẹ Béo thất bại hoàn toàn là không thấy ông vụ trưởng ra lôi vợ vào mắng cho mấy mắng như lẽ ra phải thế. Ông già rồi, sắp hưu rồi, con cái thu xếp tống được hết vào cơ quan bộ rồi, bố Béo khó tác động được tới đường công danh của ông và con ông mà không sợ mang tiếng khi mâu thuẫn hai nhà đã thành công khai ra thế này. Là một trí thức xuất thân từ gia đình địa chủ tăm tiếng vì có đến mấy nhà chí sĩ và nhà Cách mạng đã hi sinh và tại vị đồng thời là thi nhân vắt từ chữ Hán chữ Nôm qua Quốc Ngữ ở một vùng quê Nghệ An, mẹ Béo chắc quá hiểu khả năng tiến lùi trước tình thế bà hàng xóm xuất thân bần cố đang bày tỏ với những người quan tâm vì tò mò và vì nghĩa vụ.
„À vâng vâng thì thế nào tôi cũng… tôi muốn thế này làm gì chẳng qua nhà đông con chật chội thiếu chỗ vâng thì thế anh đâu được như bên anh chị ấy hơn những mấy phòng lại có gần hết hành lang lại còn nhà tắm nhà vệ sinh vâng vâng bên đó đồ đạc để đâu chả được thôi ông vào phòng đi ông thì biết cái gì việc nhà việc cửa vâng vâng anh ạ ông nhà tôi bảo quăng hết nhưng mình nghèo trông tất vào lương chứ có trông mong gì được đi tây đi tàu đâu vứt đi nhỡ cần thì mói đâu ra… chị Chung thông cảm… vâng vài ba hôm nữa tôi thu vén cho xuống bếp hết…“

Câu cuối bà vụ trưởng nói với ông trưởng phòng hành chính bị mẹ Béo điện thoại gọi tới. Về mặt chiến lược mẹ Béo đã sai lầm nhớn. Ông trưởng phòng hành chính làm được gì nếu mâu thuẫn lại xảy ra giữa mấy bà vợ các thủ trưởng của ông. Kết quả duy nhất ông thu được là lời hứa của bà vụ trưởng, một lời hứa không bao giờ bà giữ. Để đống đồ thải không lổn nhổn trong mắt người cùng tầng, bà vụ trưởng lôi đâu ra một cái chiếu thủng đem phủ lên trên đống đồ. Chuột làm cho cái chiếu đấy tướp ra trong mấy ngày và nó sã xuống, rơi sát chân cái đống lẽ ra nó phải che. Một giải pháp tình thế mẹ Béo nuốt tức tối mà im lặng được thực hiện: bà hàng xóm thuê đóng một bức bình phong bằng gỗ dán cánh khép cánh mở đặt ngay trước đống đồ, kéo thẳng ra thành một bức tường chính thức ngăn đôi phần hành lang chung giữa hai nhà theo chiều dọc. Hành lang ngôi biệt thự đó rộng, rộng tới nỗi nhà Béo kê bàn ăn ngay hành lang nhìn ra ban công bố nó trồng đủ loại hoa. Vậy là cố định được sự ngăn chia hành lang, nhà bà vụ trưởng có thêm một diện tích tương đương nửa căn phòng mẹ tôi được cơ quan cấp, mỗi tội hẹp, chẳng biết dùng như thế nào khi mà người ta đã có hẳn hai phòng tương đương năm mươi mét vuông rồi.

Cái diện tích đó mà vào tay cư dân trong khu tập thể tôi thì khỏi phải nói. Mỗi phòng vỏn vẹn có mười bốn mét vuông, độc thân thì bốn ông cho tới hai ông một phòng tùy mức lương. Ông nào trai tơ lấy vợ thì buổi đầu vợ chồng cũng cứ quắp nhau trên cái giường một ở một góc. Cách tốt nhất để được chia nhà hay tăng diện tích từ một góc phòng lên nửa phòng là đêm đêm vợ chồng giáp lá cà ứ hự thật to theo kiểu đầy ý tứ. Đảm bảo ba ông cùng phòng sẽ từ thương người như thể thương thân chuyển qua nổi xung, gây áp lực với cơ quan để hoặc chuyển mình đi phòng khác hoặc chuyển vợ chồng nhà kia đi.

Thường sau đó các cặp vợ chồng sẽ được chia chung một phòng và khi con cái tòi ra năm một họ sẽ đấu tranh vũ trang đấu tranh chính trị với nhau hàng ngày hàng tuần đúng theo cái kiểu họ đã làm khi bắt đầu gây dựng cuộc sống riêng tư. Cho tới ngày tôi lớn lên thì phần lớn phòng trong khu tập thể đều thuộc về các gia đình. Các nhà đông con bắt đầu bành trướng, khi mà chiến tranh đánh phá kết thúc và lũ con từ nơi sơ tán về lại Thủ đô. Đi tiên phong là các nhà tầng một. Tận dụng ưu thế sát đất, các ông chồng đánh độc cái quần đùi xoay trần ra rón rén phá khung cửa sổ để có thể chui ra chui vào rồi xây một cái bệ xi măng liền kề. Đó sẽ là nơi cả nhà ngồi ăn, ông bố bà mẹ ngồi uống chén chè ba hào với hàng xóm láng giềng và lũ con thì quây quần chơi tú lơ khơ, chơi chuyền hay ô ăn quan. Cái diện tích tiện dụng như phòng khách nhà Béo hay nhà Thái Hằng này là mơ ước của các nhà tầng trên như nhà tôi. Bọn tôi quen với cái bệ xi măng nhà bạn hơn cả phòng ở thật của nhà chúng nó. Rồi dăm ba năm nữa, khi khu bếp chung đun củi bị sửa sang biến thành nhà ở cho những cán bộ công nhân tán gia bại sản vì bom hồi 1972, người ta sẽ chụp lên trên cái bệ đó một mảnh giấy dầu, quây nó lại biến thành nơi đặt cái bếp dầu gia công khói khét lẹt. Phòng chính mất cửa sổ hắt sáng thông khí, độc cửa thông ra hành lang chung chạy giữa tầng trở thành một cái hang tối om om ngay giữa trưa nắng, ngày gió Lào và gió nồm bí bức ngang nhau.

L.M.H

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.