Tương Lai
Thì ra vào tuổi 84, trong tôi vẫn còn đọng lại những ấn tượng trong ký ức về ngày tựu trường để rồi không tránh khỏi những hoài niệm vấn vương buồn vui xen lẫn. Mang máng nhớ lại những ý tưởng tuyệt vời trong “Nghệ thuật làm ông” của Lev Tolstoi để hiểu ra rằng, vang bóng một thời của chính mình giờ đây được tái hiện và ấp ủ trong những đứa cháu nội ngoại đang là nguồn sinh lực bất tận và cũng là khát vọng thầm kín của chính mình.
Những gì mình chưa làm được rồi chúng sẽ làm. Những gì mình ao ước có dáng dấp của ảo tưởng thì rồi chúng sẽ biến thành hiện thực. Vì làm sao mà không có một thoáng ảo tưởng làm chất xúc tác cho những bay bổng của một nguồn mạch tư duy nghiêm túc để phóng ý tưởng bay cao, bay xa về phía trước? Hình như khi để cho dòng tư duy của mình truy đuổi theo những khát khao phát hiện và khám phá đều không thoát khỏi một chút lãng mạn không tưởng nào đó. Chẳng phải Cao Bá Quát từng nhìn dòng sông Hương lặng lẽ trầm mặc lại như “Một thanh gươm dựng giữa trời xanh” (Trường giang như kiếm lập thanh thiên) đó sao? Nhà thơ từng bộc lộ với bạn: “Ở đời có người chí lớn như chim hồng hộc bay trên tầng mây xanh. Có người thanh cao ở ẩn như như chim hạc đen ngủ một mình bên sườn núi. Còn đáng khinh là loại người như những con hoàng điểu chỉ tìm chỗ kiếm ăn. Ta không phải là những con hoàng điểu ấy”. Quả thật “Nếu không thấy ba đào hùng tráng, Thì biết sao được tấm lòng muôn dặm” (Bất kiến ba đào tráng, An tri vạn lý tâm) trong bài thơ viết về sông Hồng!
Buồn thay cho một tư tưởng luôn luôn là là sát mặt đất, với những toan tính cụ thể hằng ngày, không chịu và không dám cất cánh mạo hiểm bay lên không trung có phần choáng ngợp và khó lường những hiểm nguy có thể xảy ra, thì để bù vào việc không khám phá và sáng tạo được gì, có thể tự an ủi là sẽ không bao giờ bị nhuốm màu không tưởng! Chính vì thế mà cách đây hơn mười năm, vào ngày khai giảng năm 2008, cháu tôi vào lớp Một, tôi đã gửi gắm nỗi niềm thầm kín đó trong bài viết cùng tên đăng trên báo “Thế Giới Mới”. Tôi muốn nhân ngày các cháu tôi tựu trường mà chép lại đây như một tâm tình gửi vào “thế sự” từng “để gió cuốn đi” rồi không biết có vô tình đậu lại ở đâu đó không:
“Cháu tôi vào lớp một
Đây là một “sự kiện trọng đại” trong sinh hoạt gia đình. Cô cháu phải vừa dỗ em vừa chuẩn bị bữa sáng để cháu kịp ăn chứ không như ở lớp mẫu giáo cháu được ăn ở trường.
Cha cháu dậy sớm hơn thường lệ để còn chuẩn bị đưa cháu đến trường. Mẹ cháu trước khi đi làm đã phải vạch ra một thời gian biểu rất cụ thể và nghiêm cẩn cho cháu khi ở trường về: lúc nào chơi đàn, lúc nào chơi với em, lúc nào tập viết, lúc nào nghe bà đọc truyện… Và bà là người có trách nhiệm giúp cháu thực hiện thời gian biểu đó, sao cho cháu của bà vừa thực thi được nhiệm vụ của cậu học sinh lớp một, vừa có thể “sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ” (Nguyễn Khắc Viện). Quả là không đơn giản!
Mà làm sao đơn giản được khi đây là mở đầu của một giai đoạn mới, giáo dục gia đình vẫn cực kỳ quan trọng nhưng dù sao cũng đã phải lùi về tuyến hai để nhường tuyến một cho nhà trường nhằm cùng thực thi chức năng cao cả của giáo dục là hình thành nhân cách của con người, một con người có khả năng tư duy và hành động với tư cách là một chủ thể trong cộng đồng xã hội.
Càng không giản đơn khi cháu đang sống trong thế kỷ XXI, “thế kỷ của sự khai thác những tiềm năng cực lớn của bộ não”. Trong thế giới đó, mỗi cá nhân đối diện với cả thế giới và cả thế giới thách thức mỗi cá nhân. Chẳng thế mà tạp chí Time tổ chức bình chọn xem ai là nhân vật tiêu biểu nhất của năm 2006, đã chỉ ra: Nhân vật số một của năm chính là một tấm gương phản chiếu hình ảnh của mỗi cá nhân khi soi mình vào đó.
Chính vì thế, khi con người được giáo dục để sống được trọn vẹn tính chủ thể của mình, dám là mình, họ sẽ biết cách tự học tập, rèn luyện như thế nào để trở thành một con người hữu ích trong xã hội. Cho nên, tôn trọng tuổi thơ của trẻ em, biết cách làm cho chúng thấy đến trường là một niềm vui, thích thú được học, chứ không là một chuỗi dài những áp đặt nặng nề, nhồi nhét, khiến trẻ luôn lo sợ, khép nép, mất tự tin. Đây là một hướng phấn đấu không đơn giản chút nào. Nên lưu ý đến khuyến cáo của Rousseau – nhà “khai sáng” Pháp: “Ai làm điều mình muốn mà vừa sức mình thì hạnh phúc. Ai làm điều mình muốn mà vượt quá sức mình thì không hạnh phúc”. Dạy và học vừa sức, đó là cả một nghệ thuật, một khoa học để làm cho học sinh của chúng ta có được hạnh phúc khi đến trường.
Hiểu được trẻ em, thương yêu trẻ em, dạy học sinh với trái tim thương yêu, đấy là bí quyết đưa đến thắng lợi của sự nghiệp giáo dục. Hy vọng các cô giáo dạy lớp một sẽ dạy các cháu bằng trái tim thương yêu để các cháu nên người”.
Cũng phải nói thêm là, nguồn cảm hứng thôi thúc tôi nảy ra ý tưởng viết bài này là do đột nhiên thức dậy hồi ức tuổi thơ của một thời xa vắng về “Những tâm hồn cao thượng”, cuốn sách tôi tìm thấy trong trong chiếc cặp học trò của chị tôi thuở xa lắc xa lơ ấy.
Xin được trích chép lại đây hai câu chuyện từng gây xúc động mãnh liệt trong tôi thuở ấy:
HỌC ĐƯỜNG
“Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.
Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới ba vạn đứa trẻ cũng như con đi “chầu” lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ: xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẻm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng: chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi “xe trượt” trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.
Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.
Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ: ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.
Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cứu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát.”
LÒNG YÊU NƯỚC
Đầu bài thi của con sáng nay là: “Tại sao anh yêu xứ sở của anh?” Con đã cảm động về chuyện “Chú lính đánh trống” hôm trước, tất con đã làm bài một cách dễ dàng.
Tại sao anh yêu xứ sở của anh? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy; vì nguồn máu trong mạch của tôi đều là của người; vì trong khu đất thánh kia đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng; vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn sống chung với tôi, cảnh đẹp của tạo hoá bao bọc chung quanh tôi, tóm lại tất cả những sự vật mà tôi trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tất cả những cái gì mà tôi quí, nhất nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả.
Bây giờ con còn bé, con chưa thể hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi con du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng dựa bao lơn tàu con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy trào lệ cảm ở lòng con dâng lên và miệng con vuột ra những tiếng kêu mừng rỡ.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục tự nhiên con đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước mạnh mẽ và tôn đại hơn nữa, nếu một ngày kia, nước địch vô cớ giày xéo vào đất ta; lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu “dũng cảm”, nào mẹ tiễn con hẹn lúc “khải hoàn”.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy những đội quân vất vả trở về với những khúc ca chiến thắng.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá cờ ba sắc bị bắn tả tơi đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều phô cao trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, người ta ném hoa mừng và hô những lời chúc tụng.
“Enricô ơi! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Vì một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây thay vì đón con lúc đi học về bằng những tiếng cười vui vẻ, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ tím mặt mà thác cho rồi!
Cha con.”
Hai câu chuyện này nằm trong 60 câu chuyện của tác phẩm tuyệt vời dành cho tuổi học trò của tác gia người Ý Edmond De Amicis.
Còn ở Việt Nam thì cũng có một tác phẩm xúc động như thế, không của một nhà văn mà là một nguyên thủ quốc gia viết cho các em học sinh chỉ mấy ngày sau Tuyên ngôn Độc lập 2.9 1945 khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Xin chép lại đây:
“Thư gửi học sinh trong ngày khai giảng 9/1945
Các em học sinh,
Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi.
Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn.
Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.
Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp.
Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.
Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà.
Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang.
Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn.
Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu.
Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Ðối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân.
Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.
Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ.
Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.
Chào các em thân yêu
Hồ Chí Minh”
Những lời chân thành mộc mạc xúc động lòng người ấy trong bức thư của người vừa đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã lùi vào dĩ vãng để thay vào đó ngày khai giảng năm nay, 5.9.2019 các học sinh phải nghe những lời vô cảm vô hồn trong “Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020”.
Đây là ‘tổng chủ” gửi cho “ngành” giáo dục để nhắc nhở thực hiện Nghị quyết đảng: “Năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên”. Trong cái não trạng đã đặc quánh mớ lý luận ôi thiu, ông Trọng không thể nào có nổi một tình cảm thật, lời lẽ thật với các cháu nhỏ học sinh, chủ thể của ngày khai giảng ngoài mấy câu đầu lưỡi “thân mến”, “tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất”.
Cũng thật may, lần lượt mở những trang báo “online” chính thống, kể cả những “siêu báo” ra ngày 5. 9. 2019 và sau đó một ngày – 6.9.2019, chỉ thấy lác đác vài tờ báo trích đăng bức thư vô cảm vô hồn nói trên, lý do tại sao thì cũng chẳng rõ. Và e là không phải ngẫu nhiên mà một tờ báo nọ có lượng độc giả khá lớn đã dám đưa một hình ảnh chân thật về hình ảnh lễ khai giảng tại trường trường Tắk Pổ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cô giáo đang đọc “Thư Tổng Bí thư – Chủ tịch Nước gửi ngành giáo dục” trước các cháu nhỏ học sinh cấp 1, phải ngồi đất bên cạnh các cháu khác đã may mắn chiếm được cái ghế gỗ để “quán triệt” và “thấm nhuần” lời răn dạy của ngài với “ngành giáo dục”!
Loáng thoáng nhìn và đọc trên tivi, soi lại trên “online” những hình ảnh hoành tráng về những nhân vật thuộc hàng “tam tứ trụ” và rồi những chức sắc cao ngất ngưỡng khác đến những chức sắc cấp tỉnh với những lời…, e xin miễn bình luận: “bên cạnh học văn hoá, các thầy cô cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh”…, “Dạy chữ rất quan trọng nhưng việc dạy làm người còn quan trọng hơn”… Cứ như “dạy làm người” không nằm trong học văn hoá?
Có nhà giáo đã bình luận rằng: “Có lẽ “ngài” này “bị cái anh Bộ trưởng GD-ĐT ngu ngơ kia xui dại, vì anh ta tuyên bố “Năm học mới ưu tiên ‘dạy người’. Một câu nói chứng tỏ anh ta chẳng hiểu gì về giáo dục! Thật xấu hổ và tội nghiệp cho nền giáo dục nước nhà”. Rồi lại đến ông chủ tịch tỉnh UBND tỉnh nọ nhắn nhủ: “Hãy học để làm người tốt chứ đừng nghĩ chỉ học để lấy tri thức”… “Các em hãy là những tấm gương tốt để mọi người có thể soi vào cùng làm theo”… Rồi đánh trống, rồi thổi kèn, rồi múa rồng, múa lân ở những trường đóng nơi đô hội… Thì cũng được thôi và cũng vui vui với các cháu học sinh ở tuổi vô lo, vô nghĩ, nhưng tuyệt đối không một quan chức nào nghĩ rằng, vào đúng ngày khai giảng có ý nghĩa với thế hệ trẻ, tương lai của đất nước này thì tổ quốc thân yêu đang bị kẻ thù uy hiếp. Não trạng của các ngài bị tê liệt hay đóng băng cả rồi sao mà không một thoáng nghĩ đến kẻ thù đang vào tận ngõ rồi? Bọn xâm lược Trung Quốc đang đưa tàu chiến đến Bãi Tư Chính và vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam – quốc gia duy nhất có quyền đánh bắt cá và khoan dầu trong khu vực này. Chính nơi đây các kỹ sư và công nhân ta với sự yểm trợ dũng cảm và can trường của chiến sĩ và sĩ quan hải quân Việt Nam vừa lắp đặt giàn khoan dầu khí nặng 14.000 tấn, lớn nhất từ trước tới nay, để tiếp tục khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của tổ quốc. Cùng với việc đó hoạt động của giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản cho dự án Nam Côn Sơn cũng tiếp tục. sẽ được kéo dài đến ngày 15 tháng 9 thay vì kết thúc vào ngày 30 tháng 7.
Nên nhớ rằng mỏ khí đốt Cá Voi Xanh có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và theo tính toán của một chuyên gia nước ngoài thì có thể thu được đến 60 tỷ USD và chính đây là lý do khiến đôi mắt cú vọ của lũ xâm lược Bắc Kinh nhòm vào để tiến hành mưu toan ăn cướp. Tàu cần cẩu Lam Kình đã tiến vào cách tỉnh Quảng Ngãi 90km, tàu Hải cảnh Trung Quốc Haijing 3511, được trang bị pháo hải quân đa năng 76mm, đang lượn lờ cách khu vực bờ biển phía đông nam Việt Nam 190 hải lý. Chỉ trong vòng khoảng một tuần, nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 của Trung Quốc đã tiến sâu thêm 30 km vào vùng biển của ta và sáng sớm ngày 1/9,chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155 km. Cần biết rằng, Lam Kình là chiếc tàu cẩu lớn nhất thế giới và hoạt động được ở khu vực nước sâu, có năng lực nâng hạ các thiết bị đặc biệt nặng và các giàn khoan dầu. Lam Kình đã tham gia vào nhiều dự án, trong đó bao gồm các dự án lắp đặt một số giàn khoan dầu lớn nhất thế giới, đặt đường dẫn dầu cũng như lắp đặt các cấu trúc ngoài khơi. Điều này nói lên tham vọng đen tối và hành động trắng trợn của bọn xâm lược đã quá rõ ràng. Ấy thế mà tất tật, từ “tổng chủ” chóp bu cho đến mọi nhân vật đến răn dạy nhân ngày khai giảng đều câm như thóc không nửa lời nói với lớp trẻ về hiểm hoạ giặc ngoại xâm!
Dù dốt nát, lú lẫn cỡ nào cũng không thể tệ đến thế.
Sao họ có thể quên khi vẫn leo lẻo rao giảng phải học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà không biết được rằng trong Thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên trong một nước Việt Nam độc lập tháng 9.1945, Hồ Chí Minh đã ân cần nhắc nhở: “[…] chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”.
Không cần nhiều lời, chỉ cần ngài Nguyễn Phú Trọng nếu có tật giật mình không dám nhắc lại lời của Hồ Chí Minh, thì hãy chỉ nhắc một câu của người cha trong cuốn sách của nhà văn nước Ý xa xôi kia cũng được: “Enricô ơi! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Vì một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây thay vì đón con lúc đi học về bằng những tiếng cười vui vẻ, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ tím mặt mà thác cho rồi!”
Thế đó. Liệu có phải đang theo gương “tổng chủ”, các ngài đều phải dồn sức vào “đại cục”? Vậy thì, có cái “đại cục” nào lớn hơn “quốc gia hữu sự” nữa đây hỡi các ngài? Chống Trung Quốc xâm lược là điểm quy chiếu tốt xấu, cao cả thấp hèn của một nhân cách, yêu nước hay phản quốc của một công dân. Đó là lằn ranh đỏ của mọi quyết sách hướng vào đại cục vào lúc này. Không nghĩ đến “đại cục” ấy vì mải dồn sức cho “cái cục lớn” thối hoắc của cuộc chiến “nhân sự” đi vào hồi gay cấn với sự chi phối của các nhóm lợi ích xoay quanh chiếc ghế quyền lực trước thềm đại hội 13 ư?
Vậy thì, khi đã mất hết lòng tự trọng dân tộc, tiêu chí số một của người Việt Nam, khi đã không còn liêm sỉ trước sự xúc phạm láo xược của kẻ thù truyền kiếp, ươn hèn nấp vào cái chiêu bài “giữ ổn định, tránh đụng độ” từng lung lạc một số người nhẹ dạ, thì chỉ chuốc lấy sự xa lánh, tởm lợm của dân. Còn đâu mà “quy trình”, “quy hoạch”! Vậy thì, lấy đâu ra những lời huênh hoang: “Nhìn lại nhiệm kỳ này, đoàn kết thống nhất nội bộ rất tốt, lòng dân tin tưởng – đó cũng chính là bài học kinh nghiệm quý” mà Trọng vừa phát biểu tại cuộc họp Tiểu ban Văn Kiện (Chinhphu.vn. 6.9.2019). Huênh hoang cỡ ấy thì chỉ có kẻ ‘tự nhốt mình trong cái lồng quyền lực” mới nói như thế, nghĩ như thế, tự lừa dối mình và lừa dối người như thế. Vậy thì, trách làm gì, nói làm gì về thư của “tổng chủ” gửi ngành giáo dục nhân ngày khai giảng 5.9.2019 vì làm sao có thể khác được! Quả là việc rỗi hơi, vô duyên!
Tốt nhất là nên kết thúc bằng bốn câu thơ của Hồ Xuân Hương xem ra là tiện nhất:
Dắt díu nhau lên đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói nói không nên
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền
________
Chú thích: Bọn dốt nát kéo nhau vãn cảnh chùa, đề bậy chữ nghĩa lên tường nhà chùa, Hồ Xuân Hương ngứa mắt, bèn dạy lũ chúng bằng mấy câu thơ trên.
Ngày 7.9.2019