Những tin tức về một ngôi làng (kỳ 2)

Tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

5.

những tin tức về làng tôi là thế, luôn mang tính chất hồi cố, nhớ lại, chuyện của ngày hôm trước, năm trước, chuyện của thế kỷ trước, hay nghìn năm trước, vừa rõ ràng, chân xác, vừa mơ hồ, phiêu diễu, những tin tức như thế là còn nhiều, quá nhiều là khác, đọc là thấy chúng như một thứ tiểu thuyết, hay tiểu truyện, hay thậm chí là tiểu luận được gửi vào hình dạng văn chương luôn co giãn, thúc ép, khơi gợi, cuối cùng là dẫn đến cuộc bùng nổ (tất yếu xảy ra) làm vỡ toang thứ đại tự sự hào nhoáng đang cố che đậy những khuyết tật lịch sử chết người của một miền đất.

6.

làng vẫn chờ đợi những tin tức tốt lành đến từ phía thế giới rộng lớn, luôn chờ đợi, một ánh mây buổi sớm mai, sáng ra thấy phương đông có màu mây khác lạ, hoặc toàn mây vàng, hoặc toàn mây đỏ, những tín hiệu của mưa nắng luôn là những tin tức gây chấn động, nắng hạn và mưa bão, những thứ có làm chao đổ mảnh nhân gian nhỏ bé, từ lúc lập đất cho đến lúc tôi có thể viết được địa chí, làng tôi vẫn là mảnh nhân gian nhỏ bé nhưng lại luôn giấu trong nó toàn bộ những hoài bão loài người vẫn sở hữu, muốn nhìn thấy, chỉ một ngày thôi, một ngày sáng thức dậy không còn phải lo toan chuyện cơm áo, ở làng tôi, người lớn, sáng mở mắt ra là bắt đầu lo toan, một nhịp điệu tàn nhẫn tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở làng tôi, sáng ra, người cha vác cây cày ra ruộng trong nghĩ ngợi luôn có sẵn những hình ảnh được lưu giữ tự thuở cha ông, chẳng phải chuyện dời núi lấp biển, mà bồ thóc còn đủ ăn bao nhiêu tháng, hay con bò cái kéo cày chừng nào đẻ, con bò cái mà đẻ thì thiếu vai cày, cuộc đời nhỏ tựa con giun, con giun xoay xở ở bên dưới mặt đất, những người cày ruộng ở làng tôi thì xoay xở ở bên trên mặt đất, tôi hàm ơn những nghĩ ngợi của các bậc cao thâm về cuộc chuyển động của thế giới, những triết học về tồn tại của các vị mô tả được những giọt nước mắt trần thế, nhưng cho đến lúc tôi có thể viết được địa chí của làng, những người cày ruộng ở làng tôi vẫn là những con giun đang xoay xở ở bên trên mặt đất, dẫu có vẻ đang được thế giới đương đại trang bị cho những kiến thức của văn minh đương đại, đi cày, và ngày ngày nghe thấy những chuyện của thế giới, cách nghe thấy như thể không nghe thấy cũng không được bởi ngày ngày là có bao nhiêu những tin tức được loan truyền qua bao nhiêu phương tiện hiện đại, có vẻ như đang rành chuyện người khác, còn chuyện của mình, những số phận, những cuộc đời, không phải được định đoạt bằng định mệnh như nhiều người tưởng lầm, mà bằng những tương quan khốc liệt, bi thảm, và tro than, con người và đất đai của tự nhiên, con người và những thể chế của xứ sở, con người và cái thế giới có vẻ như là đang bày ra rõ ràng trước mắt nhưng thật ra là không thể hiểu nổi, lịch sử đôi khi lại ngưng lại, chậm lại, ở một vài nơi nào đó như trò đùa tàn nhẫn, làng tôi là một ví dụ, con người trong thế giới như thể một cuộc chơi kỳ cục, thế giới có vẻ như đang thu nhỏ lại trong chữ nghĩa để dễ nhìn thấy, giống như bưổi ấu thơ của tôi, thế giới là toàn bộ những gì tôi nghe thấy được ở trong làng, đêm, mẹ tôi lại dẫn tôi ra hiên hè ngồi nhìn những ngọn lửa của những người đốt than đêm trên núi Mun, bấy giờ thì thế giới đối với tôi đã được nới rộng cho đến tận dãy núi phía nam làng, lửa của cha con đấy, mẹ tôi nói, giọng mệt mỏi, nhưng tôi nào chú ý đến chuyện ấy vì đang háo hức được nghe mẹ kể chuyện cổ tích, cha con vào núi thì hóa thành ngọn lửa phải không mẹ, tôi nói theo cách thích thú của một đứa trẻ đang rơi vào câu chuyện cổ tích, tôi đang nghĩ về những chuyện đương đại của làng tôi thì sực nhớ câu chuyện cổ tích về cha tôi.

7.

có vẻ như tôi đã chuẩn bị những bài học lịch sử cho mình từ lúc tôi còn là một đứa bé lên chín, chín tuổi tôi vẫn chưa được đi học chữ vì còn phải giúp cha tôi chăn dắt mấy con bò cày, ở trong làng, những đứa cùng tuổi tôi đều phải chăn bò, khởi đầu sự nghiệp chúng tôi là những ngày tháng vi vút của một anh mục tử lòng trống trơn như trang giấy trắng, bấy giờ chiến tranh đang xảy ra trên đất nước tôi, cuộc chiến tranh do thực dân Pháp gây ra, có điều là xảy ra ở đâu đó thật xa, còn làng tôi vẫn bình yên, ở làng tôi thấy người lớn lo đào hầm để chuẩn bị tránh máy bay Pháp oanh kích, con trai tới tuổi thì vào lính, mỗi lần nghe người lớn bàn luận về các cuộc chiến tranh xưa nay trên thế giới, những cuộc chiến có tên là bộ binh, hay kỵ binh, đối với chúng tôi bấy giờ tựa chuyện cổ tích, khi hiểu ra cuộc chiến kỵ binh là cỡi ngựa đánh nhau chúng tôi thích thú vô cùng, người ta cỡi ngựa thật đánh nhau còn chúng ta cỡi ngựa cỏ đánh nhau có được không, được chứ sao không, chúng tôi đưa ra vấn đề, rồi toàn thể đám chăn bò ở trong làng đi đến quyết định phát động một cuộc chiến kỵ binh, một trò chơi mới mẻ dựa trên thứ kiến thức mơ hồ học được từ người lớn, ngựa kết bằng cỏ, ngựa cỏ, niềm đam mê vốn sẵn có của chúng tôi bỗng được nâng lên thành câu chuyện quan trọng, cuộc chơi của chúng tôi có vang dội hay không là tùy thuộc vào đám ngựa cỏ, mùa xuân, lũ chim dộc gọi tình trên những cây thị tàng lá sum suê ở trong làng, mùa xuân là mùa động tình của chim dộc, lũ chúng tôi phát động cuộc chiến vào mùa xuân năm trước và dự định mùa xuân năm sau thì bùng nổ, người hùng kỵ binh sẽ xuất hiện vào mùa xuân năm sau, ai, người hùng kỵ binh sẽ rơi vào tay đứa nào trong lũ chúng tôi, niềm háo hức của chúng tôi chẳng kém lũ chim dộc động tình, em hãy về với tôi đi một mai làm vang dội xóm làng, tôi có thể mô tả tâm trạng tôi lúc bấy giờ là như thế, tôi mơ về bầy ngựa cỏ sẽ làm cho tôi trở thành người hùng của cuộc chiến, về khoản phân bố cây cỏ thực vật cho làng tôi thì có vẻ như thiên nhiên biết trước có ngày bọn chăn bò chúng tôi sẽ dùng đến cỏ đế, giống cỏ thân cọng cao thẳng mọc khắp nơi, cỏ đế mọc ở hai bên bờ sông Tượng, con sông phát nguyên từ núi Mun, cỏ đế mọc thành từng đám chen trong rừng Mun, đám chăn bò chúng tôi ngày ngày cứ việc thả bò vào rừng Mun để lũ bò gặm cỏ còn lũ chúng tôi thì túa ra đi lấy cỏ đế để thắt ngựa chiến, mỗi đứa trong chúng tôi đều có căn cứ riêng, hoàn toàn bí mật, để cất giấu ngựa chiến của mình, không một ai trong làng biết chúng tôi đang phát động một cuộc chiến phải nói là hết sức qui mô, khi bắt đầu đi lấy cỏ đế thắt ngựa chiến thì chúng tôi bắt đầu xem nhau là đối thủ trong cuộc cạnh tranh một mất một còn, ai, người hùng kỵ binh sẽ thuộc về ai, câu hỏi luôn nung nấu lòng tôi, tôi luôn mơ về ngày tôi chiến thắng, thấy tôi có vẻ đang giấu diếm niềm vui nào đó, mẹ tôi theo gạn hỏi, tôi nói dối rằng mùa xuân năm nay cỏ ở rừng Mun rất tốt, đôi bò cày nhà mình mập trông thấy rõ, mùa xuân, đám cỏ đế trổ bông tạo thành những đám cờ hoa trắng rừng, thấy cờ hoa là thấy cỏ đế, bông cỏ là để làm bờm ngựa và đuôi ngựa, những con ngựa chiến rất oách luôn kích thích nghĩ ngợi của tôi, lúc ăn cũng nghĩ về ngựa, lúc ngủ cũng nghĩ về ngựa, cuộc sống thiếu thốn và đầy bất trắc lúc bấy giờ như chẳng thể tác động lên cuộc đời những anh chăn bò lãng tử, mùa xuân năm sau cuộc chiến sẽ bùng nổ, đâu phải để đánh nhau, ngựa cỏ thì làm sao cỡi để đánh nhau, mà để coi đứa nào có nhiều ngựa nhất, đứa có nhiều ngựa nhất là người hùng của cuộc chơi có vẻ vĩ đại nhất trong cuộc đời mục tử chúng tôi, nhưng cuộc chiến của người lớn đã cắt ngang cuộc chơi của chúng tôi, chiến tranh đã lan tới làng tôi, bom đạn đốt cháy xóm làng, đốt cháy đồng ruộng, núi rừng, có rất nhiều đứa trong bọn chăn bò chúng tôi trúng đạn chết, trong khi tôi khóc lũ bạn thì biết thêm rằng chiến tranh của người lớn đã thiêu hủy tòan bộ bầy ngựa cỏ chúng tôi đã cất giấu ở rừng Mun.

8.

rồi những cuộc tình tuổi hoa niên lung lạc tôi, những cuộc tình tưởng tượng, có lẽ bắt đầu từ hình ảnh những người con gái cùng tuổi tôi ở trong làng, đi ra đi vào gặp nhau, không hề có một thứ ngôn ngữ khác biệt nào xen vào những chào hỏi hằng ngày, nhưng thứ năng lực tình cảm trời cho một anh con trai làng giúp tôi tưởng tượng ra được một thế giới hoa mộng có tiếng hát của con chim sơn ca, có những lời thề non hẹn biển giữa buổi trăng tròn, tôi sẽ suốt đời bên em, cứ thấy chập chờn trong niềm cảm xúc thành thật một khung trời chưa rõ nét như trong màu sương sớm đầy ảo ảnh của buổi ban mai thấy có ai đó bước đi, những cuộc tình duy lý của tuổi hoa niên bắt tôi dừng lại nơi đầu làng để lắng nghe tiếng gù tình của lũ chim cu mùa giao phối trên các lũy tre làng, hay để ngửi mùi hoa mua hay hoa duối nơi các bờ rào trong làng, như dấu tích nghìn năm của đất đai cha ông để lại, có vẻ dừng chân ở đó lâu lắm, ở chỗ đầu làng, để nghĩ ngợi, và nhìn ngắm trong tưởng tượng, về một thứ ngày mai cũng cũ kỹ bụi bặm như cuộc đời cha ông tôi, nhưng những cuộc tình duy lý lúc bấy giờ lại khiến cho anh con trai làng, là tôi, không hề để ý, hoặc không thèm để ý, hoặc sự thật là không hề biết có một cuộc đời rộng lớn ở chung quanh mình, ở đó, tại các nơi có các nền văn minh của thời đại, con người đã trò chuyện được với quá khứ, con người đã thay cho các vị thần soạn thảo các bộ luật mới của trần gian, và ở các nơi ấy, con người cũng đang thù hận nhau, những thù hận không còn giống chút nào với những tháng năm còn mông muội, bấy giờ, đứng trước thế giới, tôi cũng không hơn mấy một con nai đứng trước những núi rừng trùng điệp ở phía nam làng tôi

9.

lũ chim bằng có vẻ mỏi cánh hết, hay có vẻ chết hết, bầu trời trên đầu tôi vắng bóng những cuộc bay hoành tráng của những thế kỷ vĩ nhân, tôi đi cày ruộng mười năm, mười năm tôi cùng lũ bò đi chân đất trên ruộng đồng làng, không phải qui ẩn, thời thế giới náo nhiệt đến cả những khe suối của bọn cua cá nơi các rẻo cao lấy đâu ra nơi qui ẩn, hóa ra những năm tháng đi cày ruộng tôi lại biết được nhiều thứ, tôi biết vì đâu cứ vào giữa trưa thì hoa tới giờ nở tưng bừng trên các bờ ruộng đồng làng, cứ vào giờ ấy, đám hoa mọc hoang nơi bờ ruộng đồng làng vội vã khoe sắc thắm của chúng, hoa tới giờ đẹp và sang trọng như người con gái đài các vốn sống chốn kín cổng cao tường, cứ vào giữa trưa chúng vội vã khoe mình với thế giới và vội vã tàn, giờ của tỏa sáng và chết, tôi biết vì đâu vào những lúc mặt trời sắp tắt bầu trời trên đầu tôi cứ ửng lên thứ màu buồn bã như đang có cuộc chia xa, thì chẳng phải ngày sắp ra đi hay sao, một khoảnh khác của thời gian sắp diễn ra, chẳng ai biết những gì sẽ xảy ra, chẳng phải đêm là biểu tượng của những khó khăn trong tìm kiếm, tôi đứng giữa đồng làng, trong thứ thời khắc chuyển giao của trời đất, những luống cày mới vỡ lúc ban chiều nhuộm nắng hoàng hôn trông giống như nước da ông cụ sắp tuổi trăm, nhưng lũ bò cày thì sắp được trở về nhà nghỉ ngơi, ánh mắt chúng cứ ánh lên niềm tươi trẻ, bấy giờ tôi không thể nói ra hết những nghĩ ngợi như thế, nhưng cũng biết vì đâu tôi cứ cảm thấy như mình sắp đánh mất điều gì đó, và tôi cũng biết vì đâu vào những đêm bầu trời trên đầu trong vắt thì trong trí tưởng tượng của mình tôi lại có thể nhìn thấy được nơi ăn chốn ở của mưa nắng, hay những câu chuyện kể của mẹ thời thơ ấu của tôi vẫn còn ám ảnh đứa con trai bà đã biết cầm cày trên ruộng và luôn nghĩ tới chuyện nắng mưa, trong lúc đang nghĩ về chuyện mưa nắng của trời thì một vật thể quen thân tạt qua nghĩ ngợi của tôi: con chim vạc kêu sương, thì cứ coi là qui ẩn cũng được, bởi vào lúc ấy những đứa con trai cùng lứa tuổi tôi ở những ngõ ngách khác của mặt đất có thể đang ngồi nơi giảng đường nào đó để học về cách tiếp cận thế giới chẳng giống chút nào với những bài học trong những câu chuyện kể của mẹ tôi, có vẻ như một cách sắp đặt có vẻ đùa giỡn của tạo tác, đặt con ốc đá nơi khe suối trên dãy núi phía nam làng tôi, và đặt tôi nơi ngôi làng đêm đến có con chim vạc kêu sương

10.

và về sau, em không còn đến với tôi nữa, lũ chim vạc đêm đến chẳng còn thời gian để kêu sương, như một niềm vui, hay như một cách thức tiếp cận thế giới, hay như những lời thành thật khi đứng trước cuộc sinh tồn của một loài chim trời những trăm triệu năm qua vẫn luôn như thế, đêm đến thì cứ bay qua bay lại trên bầu trời làng tôi thả những tiếng kêu, chậm rãi, vô cùng thân ái, như thể những nỗi niềm, và tôi thì cùng em đi lại trên con đường làng, những câu chuyện có vẻ bất tận, cuộc hành trình như không còn chỗ để dừng, cho đến khi nghe con chim vạc kêu ở trên đầu, có khi là một đêm tháng ba, lúa thì con gái mơn mởn mùi trinh khiết, em nói ở trong làng em đã để ý tôi từ lâu, tôi nói tôi cũng biết ở trong làng có người con gái để ý tôi từ lâu, những cuộc chuyện trò giữa tôi và em cũng giống những cuộc chuyện trò của lũ chim vạc, chỉ là buông những lời ít ỏi, một cuộc tình khởi lên ở cái làng quê sơn lâm cùng cốc cũng giống như bỗng nghe có tiếng vạc kêu sương, đột ngột, nhưng là của cuộc vĩnh hằng, và về sau thì em không còn đến với tôi nữa, còn lũ chim vạc đêm đến không còn thời gian để kêu sương, người làng tôi bỗng đi về hai phía, bỗng rẽ về hai phương trời khác biệt, thật ra, chẳng ai muốn thế, có người nói là do ngọn gió chướng bỗng thổi qua làng làm rối rắm cả những cách thức nghĩ ngợi của mọi người, quả tình lúc bấy giờ xứ sở tôi đang rơi vào những trang sử buồn bã, đêm, lũ chim vạc khổ sở bay qua bay lại trên bầu trời làng tôi, không phải để kêu sương, chuyện đó chẳng còn ý nghĩa đối với lũ chim, con người là đang hiểu lầm nhau, đang thù địch nhau, đang rình rập giết hại nhau, đêm, lũ chim vạc vẫn khổ sở bay qua bay lại trên bầu trời làng tôi, có vẻ như chúng cũng biết có người con gái đã để ý tôi từ lâu đã chết trong cuộc sát hại nhau của con người, đêm, tôi nghe trong tiếng vạc như ẩn chứa điều kỳ dị nào đó của lịch sử, nghe chim vạc kêu mà như nghe vạc khóc

11.

những tin tức về làng tôi là thế, luôn mang tính chất hồi cố, nhớ lại, chuyện của ngày hôm trước, năm trước, chuyện của thế kỷ trước, hay nghìn năm trước, và tôi cũng không đủ sức để sắp xếp chúng theo thứ tự tháng năm, bởi trong trí nhớ tôi, quá khứ như một thứ hổ lốn biết ăn biết thở, đôi khi chúng làm tôi vô cùng rối rắm, nếu không nói là làm cho tôi như trở nên mù lòa trước thế giới

12.

nhưng trước khi làng tôi có thứ cửa ngõ thực sự mở ra thế giới thì ông ấy cũng là một thứ cửa ngõ mở ra thế giới với cung cách của một nhà thông tấn đã về già với trí nhớ trông giống như một kho lưu trữ hồ sơ đã bị lũ mối mọt gặm nhấm gần hết, ở làng tôi người ta gọi ông ấy là ông năm Hanh, nhưng những người Pháp thực dân thì gọi là henri Hanh khi ông ấy bị sung vào đám lính thợ (bị bắt từ thuộc địa Đông Dương) đi cứu nguy mẫu quốc trong thế chiến thứ hai, ta bắt đầu ở xứ sở ấy là một con rận nằm trong nhà tù cũ ở mạc xay (Marseille), bao giờ ông ấy cũng bắt đầu như thế khi kể chuyện thế giới cho tôi nghe, buổi ấy, đối với tôi, cũng như đối với hết thảy đám con trai làng cùng lứa tôi, ông ấy quả là một con người vĩ đại, bởi từ trước giờ đã bao giờ thấy người nào có thể kể được những câu chuyện như thế, nhờ bác mà lũ tôi mới có thể bước vào thế giới, tôi nói, bước cái con khỉ, năm mươi ngày lênh đênh trên biển, một thằng cày ruộng đi tàu thủy giống như đem ném một cục đất xuống biển, ông ấy tả cảnh say sóng cho bọn tôi nghe theo phép phúng dụ, về sau, khi đã có chút vốn liếng kiến thức về thế giới, tôi vô tình đọc được một tư liệu về việc người Pháp thực dân hồi thế chiến thứ hai bắt nông dân đất nước tôi đi làm lính thợ trong các công xưởng ở Pháp để phục vụ chiến tranh, năm mươi ngày lênh đênh trên biển cả, tàu cập cảng Marseille, đám lính thợ được thảy vào cái nhà tù cũ đã được sửa sang lại ở Marseille để chờ đưa đi các công xưởng, khi Pháp thua Đức và bị hất cẳng ở Đông Dương, nước Pháp đói, đám lính thợ ở các công xưởng được đưa đi trồng lúa ở Camargue, một vùng đồng bằng rộng lớn gồm các đầm phá mặn, ao hồ bị chia cắt bởi các cồn cát thuộc hạ lưu con sông Rhone, là con rận trong nhà tù cũ ở mạc xay (Marseille) người ta đưa ta đi đúc súng ở tu lu (Toulouses) rồi đi cày ruộng ở ca ma (Camargue) cái thế giới ông năm Hanh thường kể cho bọn tôi nghe gồm có muỗi, vắt, ngựa, với hoa oải hương ở vùng đất hoang hóa Camargue, tiếng búa chát tai ở cái xưởng đúc súng đạn bên bờ con sông Garonne, và thành phố Marseille như chốn ở của các ông vua trời thất thế xuống trần gian, dường tất cả những năm tháng khốn khổ ở xứ người chỉ còn đọng lại chừng ấy trong thứ trí nhớ đã hoàn toàn xuống cấp của ông, bởi có lúc ông bảo những thứ đó là của nước Pháp Lang sa, nhưng đôi khi ông bảo tất cả những thứ đó là ở phía bên kia dãy núi phía nam làng tôi, lũ bây cứ đi hết dãy núi ấy sẽ gặp lũ ngựa ca ma (ngựa Camargue thuở ấy là loại ngựa nổi tiếng ở Pháp) con người đi làm lính viễn chinh cho người Pháp thực dân thay cho người làng tôi cũng là người đầu tiên trong làng sắm cái radio, ông năm Hanh lệnh con cháu bán bớt lúa gạo, xuống tỉnh, rinh một cái đài bán dẫn về đặt ở trong nhà ông, một thứ cửa ngõ thực sự mở ra thế giới cho người làng tôi, buổi ấy, ban ngày mọi người lo làm lụng, tối đến là kéo hết tới nhà ông năm Hanh để nghe đài, thực ra cũng chỉ nghe hiểu được hai ba phần trăm gì đó những gì được phát ra từ chiếc đài bán dẫn, sự thật, mọi người tới đó là để nhìn ngắm, nghĩ ngợi về thứ vật thể biết nói như một thứ vĩ đại kỳ cục của nhân loại, người làng tôi gọi cái đài bán dẫn của ông năm Hanh là ông ra đi ô, đôi khi gọi tắt là “ông ấy”, đến lúc ấy tai ông năm Hanh hầu như không còn nghe được mấy, còn trí nhớ thì đã xuống cấp từ lâu, sắm nó là để cho bà con ta nhìn thấy cái xứ sở chết tiệt ta đã sống vất vưởng ở đó, ông đã nói ra cái lý do sắm chiếc đài bán dẫn cho mọi người nghe, cứ mặt trời sắp hụp xuống núi là ông mở sẵn radio để đấy, một hôm, một người làng đến sớm, có bản tin đang phát, 10 tiểu đoàn quân Pathet Lào đã đánh chiếm Mương Phanh và sắp tiến vào cánh đồng Chum, là chuyện nước Lào, nhưng người làng ấy tưởng có quân Pathet Lào nào đó sắp tiến vào đồng làng mình, ông ra đi ô nói có giặc đến bà con ơi, người ấy chạy khắp làng hô hoán, cả làng đổ xô tới nhà ông năm Hanh, radio đã chuyển sang những tin tức khác, trời đất ơi, tới nước này “ông ấy” còn giấu làng ta sao, mọi người cứ gào lên, đêm ấy làng tôi thức trắng để chờ giặc, ông năm Hanh chết, con cháu ông quyết định chôn cái radio theo ông, người làng tôi lại mù tịt trước thế giới, có điều là mọi người lại nghe được lời nói cuối của ông ấy như một thứ vật thể lạ luôn cựa quậy trong nghĩ ngợi của mình: rơ xuy on nôm mi xê ráp (je suis un homme miserable/ta là một thằng người khốn khổ)

13.

nhưng ông hương Quì thì không phải chết, mà là sụm xuống một cách bình yên, có nghĩa, triều đại ông hương Quì phụng vụ gần mười năm đã sụp đổ, người đứng đầu triều đại đã bị giết, chức trưởng làng của ông hương Quì không còn, nhưng con người ông ấy vẫn còn nguyên, có nghĩa, ông vẫn còn sống trong ngôi nhà của ông, không bị tù đày, không bị nguyền rủa, vào cái đêm mùa đông năm quí mão, cả làng tôi yên ngủ, và sáng hôm sau, khi thức dậy mọi người mới biết ông hương Quì đã mất chức trưởng làng, tôi thức dậy lúc quá nửa đêm, nghe con mắt phía bên phải cứ giật liên tục, nghĩ mãi chẳng đoán được điềm gì, nhưng theo kinh nghiệm ông bà thì biết là chẳng lành, ông hương Quì nói với người làng vào cái buổi sáng những nhà có sắm ra đi ô đều mở hết cỡ, những nhà không có ra đi ô cũng nghe được, người đi ngoài đường cũng nghe được, không phải tin tức về các trận đánh đang diễn ra trong nước, không phải tin tức về chuyện trồng khoai trồng lúa ở trong nước, không phải tin tức về các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ở châu Phi châu Mỹ, mà là tin về một triều đại đã bị lật đổ, vào lúc bốn giờ sáng thì lực lượng phòng vệ phủ tổng thống đã đầu hàng quân cách mạng, bản tin nói, ở cái làng quê thâm sơn cùng cốc, những tin tức hằng ngày cần biết là có thứ phân bón ruộng nào mới được sản xuất hay không, hay thứ giống lúa nào đang được thế giới công nhận là có sản lượng cao nhất, cho nên khi nghe tin chính phủ đang cai trị mình đã sụp đổ thì ai nấy như trên trời rơi xuống, tôi cũng như trên trời rơi xuống, không biết dòng máu cày cuốc trong tôi đậm đặc đến mực nào, hăm mấy tuổi đầu (với lại cũng là đứa có chữ nghĩa trong làng) mà dường như đầu óc tôi chẳng có chút nghĩ ngợi nào về chính trị, với tôi, bấy giờ, cứ thấy lịch sử nó chưng hửng thế nào ấy, cứ thấy có vẻ gì đó như chuyện bịa đặt, mới hôm qua thôi, tôi vẫn còn nhìn thấy cái cơ ngơi của triều đại ấy, tất cả, vẫn êm đềm trải ra dưới bầu trời mùa đông hơi buồn bã một chút, nhưng quả tình, trong nghĩ ngợi của tôi (và chắc hẳn trong nghĩ ngợi của những người khác trong làng cũng thế) là không có chút mảy may gọi là có nghĩ đến sự sụp đổ của triều đại mình đang sống với nó, dù trước đó, kẻ bàng quan mấy cũng biết rõ chuyện lục đục giữa những người Phật giáo và nhà cầm quyền, biết là có sự xung đột, mâu thuẫn, không kém phần trầm trọng, nhưng quả tình, một kẻ chẳng có chút hơi hướng chính trị nào trong tư duy, như tôi, việc một triều đại bề ngoài thấy đang vững vàng một cách đường hoàng thế bỗng dưng sụp đổ thì không khác chuyện trong mơ, cứ cho đây là lần đầu tiên trong đời, cuộc cách mạng do các vị tướng lĩnh khởi xướng ở đất Sài Gòn đã khiến tôi phải chủ ý đến đoạn đời còn lại của một vị hương chức của làng như một nạn nhân của cuộc lật đổ, ông hương Quì, xin hỏi là bác có thấy buồn không, tôi đã thử hỏi ông hương Quì lúc đến nhà thăm ông ấy với tư cách là người láng giềng, cái mùa đông năm quí mão lẽ ra phải là rất ảm đạm đối với con người bừng con mắt dậy thấy mình tay không, nhưng không phải, tôi thấy ông hương Quì vẫn vui vẻ bình thường, như hồi nào, chỉ hơi bất ngờ một chút thôi, chứ buồn chi, ông hương Quì nói, thằng cha hương Quì là gặp may đó, người làng tôi bắt đầu bình luận về ông trưởng làng vừa bị cất chức, làm trưởng làng mà không thèm vô Cần lao nhân vị, cũng không ép ai trong làng vô Cần lao nhân vị, cũng không bắt đám con trai con gái trong làng phải bận đồng phục xanh cho Phụ nữ liên đới hay cho Thanh niên cộng hòa (những tổ chức xã hội dân sự của triều đại đã sụp đổ) bảy mươi mấy năm sống qua nhiều thời kỳ lịch sử, trong đó, gần mười năm, thời còn vua, làm hương bộ của làng, và gần mười năm làm trưởng làng cho triều đại vừa đổ ngay trước mắt mình, ông hương Quì như có vẻ điềm tĩnh hơn trước, bác đương nghĩ gì vậy, một lần sang nhà ông hương Quì chơi thấy ông nằm tòn teng trên chiếc võng mắc chỗ nhà trống nhìn lũ chim quành quạch đang nhảy nhót trên bờ giếng, nên hỏi thử, chỗ ông hương Quì nằm cách bờ giếng chừng năm sáu bước chân, lũ chim quành quạch cũng giống như chú là cũng muốn hỏi tôi đang nghĩ gì, ông hương Quì vui vẻ nói, thực tình, bấy giờ tôi rất kính trọng ông ấy, tôi biết rất nhiều người thù ghét triều đại vừa đổ, nhưng lại không thù ghét ông hương Quì, người từng phụng vụ cho triều đại ấy, ngày ngày tôi vẫn nhìn thấy ông hương Quì nằm trên chiếc võng chỗ nhà trống lặng lẽ nhìn ra con đường làng chạy ngang qua trước ngõ, hay là ông ấy vẫn nằm dòm chừng cái triều đại đã đánh sập cái triều đại ông đã bỏ công sức ra phụng vụ gần mười năm

(Còn tiếp)

Comments are closed.