Nhà nước công an trị – Một góc nhìn qua truyền hình từ Anh Quốc

Ngô Quốc Phương

Hôm 31/01/2023, kênh truyền hình Anh Quốc ITVx công chiếu một phim tài liệu với tên gọi "The Stasi: Secrets, Lies and British Spies" (tạm dịch: Stasi: Bí mật, Dối trá và Gián điệp Anh).

Phim dài 58 phút do nhà báo Julie Etchingham, người dẫn chương trình nổi tiếng của ITV, dẫn dắt, đưa ra nhiều chi tiết về cơ quan an ninh, mật vụ, tình báo hoạt động tại quốc nội và hải ngoại khét tiếng về kiểm soát chính trị (bên cạnh nhiều lĩnh vực khác) của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) trước đây với mạng lưới mật vụ, gián điệp và chỉ điểm, cộng tác viên mà theo đài này đã vươn ra khắp thế giới trong suốt 40 năm.

Trong khi các thông tin chi tiết về Stasi hay Bộ An ninh Quốc gia này của chính quyền Đông Đức cũ có thể dễ dàng được tìm kiếm trên mạng Internet (chẳng hạn trên Wikipedia, các trang hồ sơ mạng, các từ điển chính trị học và các nơi khác, v.v.), phim tài liệu do nhóm của phóng viên Julie Etchingham thử tìm hiểu về việc Stasi đã tuyển dụng, hoạt động, thâm nhập trực tiếp, gián tiếp vào Anh Quốc trong thời gian Chiến tranh lạnh xảy ra như thế nào.

Các tìm hiểu (findings) bước đầu cho thấy, một kênh tuyển dụng mà Stasi sử dụng là tiếp cận, tuyển dụng những người tới Đông Đức thời đó để học tập, nhất là các du sinh trẻ tuổi, tìm kiếm, khai thác những ai vì lý do tư tưởng hệ có thể sẵn sàng cộng tác làm cộng tác viên, chỉ điểm, nhân viên, tất nhiên có kèm theo lời hứa về điều kiện "trả công", chẳng hạn, như một trường hợp, được hứa cho một căn hộ ba phòng ngủ tại CHDC Đức khi đó.

Một con số được nhắc đến trong phim là theo Stasi, trong số cứ 10 du sinh nước ngoài, có khoảng 1 người (1/10) đồng ý cộng tác/làm việc cho Stasi.

Khi đoàn làm phim hỏi một cựu sinh viên thời trước, mà nay đã là một quan chức làm việc trong ngành lập pháp tại Anh, người này nói theo kinh nghiệm của mình rằng, đó có thể là "quy tắc may rủi" (the rule of thumb) – là công thức hay phương pháp đơn giản mà người ta có thể dùng khi ra quyết định nhằm ra giải pháp chính xác đến mức chấp nhận được khi phải giải quyết một vấn đề (hóc búa…), mà trong điều kiện thông tin không hoàn hảo và tồn tại tính bất định, người ta không thể tránh được quy tắc này.

Nhà lập pháp tại Anh nói thêm, ông nhớ lại trong thời đi học của mình, tình cờ ông đếm được có 10 du sinh Anh, những người trẻ tuổi, du học ở nơi mà ông chọn tại Đông Đức, tuy nhiên, ông nói rằng "Tôi không tin" là có ai trong số đó làm công việc như vậy…

…. Cho đến khi, vâng, cho đến khi kho dữ liệu, hồ sơ mật của Stasi được CHLB Đức mở cửa công khai cho công chúng khắp nơi, kể cả từ nước ngoài, tiếp cận, tra cứu, thì nhà lập pháp Anh, một trong nhiều nhân vật được ITV tiếp cận, phỏng vấn, tìm hiểu, trực tiếp quay lại nước Đức, và tìm kiếm hồ sơ về chính bản thân ông, thời du học ấy.

Và ông kinh ngạc phát hiện rằng rất nhiều điều (quan hệ, phát ngôn, sinh hoạt, sự kiện, tính riêng tư…) của nhóm sinh viên trên đã bị một người mà khán giả ITV có thể đoán ra là trong số bạn du sinh của ông "phản bội", bằng cách báo cáo với Stasi, để được đưa vào hồ sơ (ai làm gì, quan hệ thế nào, nói năng gì, đi đâu, quan điểm thế nào, thậm chí ai có quan hệ tình ái với ai, v.v.), đều được ghi lại trong hồ sơ, mà đương sự bị báo cáo bởi người cộng tác với Stasi kia ở trong nhóm, khi đó không hề biết…

Trên đây, chỉ là một khía cạnh mà ITV tìm hiểu về Stasi, để có một phần nào cái nhìn trong bức tranh về một cơ quan an ninh, mật vụ, tình báo ở Đông Đức cũ, đến lượt nó, bức tranh này lại có thể là một mảnh ghép trong một bức tranh lớn hơn về một chế độ toàn trị của Đông Đức thời chiến tranh lạnh, mà một đặc điểm nổi bật, cũng theo ITV gợi ý, đó là chế độ Công An Trị, An Ninh Trị, với "cứ 3 người dân ở Đông Đức, thì có 1 người được báo cáo (ngầm) với Stasi", cho thấy mức độ phức tạp của chế độ.

Cách đây một thời gian, tôi có dịp xem một số phim tài liệu công khai trên mạng Internet về những chế độ dạng này, mà các đạo diễn, hay các đoàn làm phim, cho rằng vẫn còn đang hoạt động và phát huy rất mạnh ở một số quốc gia, chẳng hạn như tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên (châu Á), Cuba (châu Mỹ), Eritrea (châu Phi), v.v., điều mà các phim tài liệu để lại ấn tượng, cũng như một số nhân vật trong phim mà kênh truyền hình Anh ITVx đã gợi ý, đó là chế độ công an trị, an ninh trị để lại là một hậu quả rất nặng nề trong xã hội, cộng đồng, như một trong các khía cạnh được phản ánh và quan tâm.

Đó là do mạng lưới, cơ cấu, bộ máy, nguồn lực, nhân lực của các cơ quan an ninh, mật vụ, tình báo được phát triển ở mức độ quá dày, quá mức, gần như được coi là không có giới hạn, hay vùng cấm, như nhân sự được cài khắp nơi (trong các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp, chưa kể lực lượng vũ trang, đi ra ngoài cộng đồng, xã hội, cài cấy vào trong các cơ sở, thiết chế, định chế như xã hội dân sự, tôn giáo, giáo dục, truyền thông, báo chí, v.v., cấy cài vào trong đủ các giới như công chức, trí thức, văn nghệ sỹ, công nông thương, v.v. đủ mọi ngành nghề, tầng lớp…), gây ra hậu quả nghiêm trọng là tạo ra NỖI SỢ hiện hữu và/hoặc mơ hồ, thường trực, đặc biệt là SỰ NGỜ VỰC lẫn nhau trong các thành viên, xã hội, kể cả, trong nhiều trường hợp các nhân chứng chia sẻ, trong gia đình và họ hàng, bạn bè, thân hữu, là những nơi sâu kín, thân thiết nhất của nhiều người.

Nỗi sợ và sự ngờ vực này được cho là một "thành công, đắc ý" trong thực hiện vai trò và chức năng của các nhà nước công an trị và an ninh trị trong các chế độ độc tài, toàn trị, mà trong đó, như nhiều nhà làm phim gợi ý, đã trực hay gián tiếp giúp chính quyền chia để trị và tiêu diệt, làm suy yếu từ điểm xuất phát, ra đời, phát sinh của bất cứ thực thể (cá nhân, tổ chức, định chế…) nào từ trong trứng nước nếu được cho là có ý đồ chống đối, gây hại dù là tiềm năng với chế độ, vì cơ chế sợ hãi do bị khủng bố, ngờ vực nên không tin nhau, khiến khả năng tự liên kết, đoàn kết, một năng lực của xã hội, cộng đồng bị ngăn chặn, chi phối, tê liệt; kết hợp với đó là việc được LÔI KÉO, KHUYẾN KHÍCH và trả công bằng sự AN TOÀN, cộng tác, khiến nhiều thành viên trong xã hội và cộng đồng, từ trẻ đến già, từ công nông thương đến trí và văn nghệ sỹ có thể trở thành các cộng tác viên, chỉ điểm, đặc tình (tích cực) của chế độ.

Nhiều sách vở nghiên cứu hậu các chế độ trên ở một số nước XHCN cũ tại Đông Âu, ngoài những quan sát và gợi ý như trên, còn cho rằng các tác động tiêu cực và xấu ở trên còn kéo dài nhiều thập niên, qua nhiều thế hệ về mặt tâm lý xã hội và tâm lý cá nhân trong người dân ở nhiều nước, sau khi các chế độ công an trị, an ninh trị đó đã sụp đổ, hoặc giải tán, một hậu quả rất đáng quan ngại và nặng nề, do người ta có thể thiếu sự yên tâm, tiếp tục ngờ vực, nghi ngại nhau và hơn nữa là có thể có những nạn nhân bất mãn, tìm kiếm sự trả đòi công lý từ quá khứ do bị phản bội, khiến cuộc sống, quan hệ, tâm lý cá nhân, gia đình khó trở nên bình thường…

Ngoài ra, còn một (trong số vô vàn) các hậu quả nữa, đó là nạn công an trị, an ninh trị, để lại một di chứng, một căn bệnh rất nguy hiểm mà nhiều người cho là phải cảnh giác, đó là sự THAO TÚNG của những cánh quyền lực này, không chỉ trong việc hủy hoại các giá trị chuẩn mực nhân văn, đạo đức, luân lý xã hội, mà còn hủy hoại niềm tin vào CÔNG LÝ, TÍNH CÔNG CHÍNH của vai trò của nhà nước, khi mà các ĐẢNG CẦM QUYỀN độc tài, toàn trị sử dụng chân tay, công cụ là thanh kiếm & lá chắn Công an/An ninh Trị để KHUYNH LOÁT nhà nước, chính quyền (nói gọn là Đảng cùng bàn tay sắt lấn át Chính quyền), khiến xã hội càng trở nên hỗn loạn, mất phương hướng, ảnh hưởng tới tâm lý, tư duy và nhận thức của nhiều giới.

Là một khán giả của ITV, tôi hoan nghênh nỗ lực và cách tiếp cận của các nhà làm phim, và mong tiếp tục chờ đón được xem thêm nhiều công trình, sách vở, phim ảnh nghiêm túc như thế hơn nữa từ mọi nơi.

(TB. Khi xem phim của ITV, tôi chợt nhớ tới một người bạn cũ người Cuba của tôi, nhiều năm trước chia sẻ với tôi rằng ở đất nước của ông có không ít các câu lạc bộ văn hóa, sân khấu, nhà xuất bản, trường đại học, nhà thờ, mà trong đó có những người từng được đào tạo nghiệp vụ của/bởi Stasi, hay là những cộng tác viên tự nguyện của những mạng lưới bí mật nào đó do an ninh giật dây và tổ chức. Thật may, người bạn của tôi nói, ông không bao giờ cho phép mình làm những việc trong bóng tối mà có thể gây ảnh hưởng đến người khác như thế, trong đó có những công chúng yêu văn hóa, nghệ thuật và những thanh niên, học sinh, sinh viên khao khát tìm hiểu cái mới, nhất là tri thức và sự thật).

London, Anh Quốc, 03/2/2023

Comments are closed.