NHÀ VĂN GUNTER GRASS QUA ĐỜI

gunter-grass

Nhà văn Đức, Giải Nobel văn học 1999 đã từ trần ngày 13/4/2015, theo thông tin từ tài khoản Twitter của ông. NXB Steidl cho biết ông mất vào sáng hôm ấy, ở tuổi 87, tại một bệnh xá ở Lubeck.

Günter Grass nổi tiếng từ tiểu thuyết Cái trống thiếc xuất bản năm 1959, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm này đã nhận được Giải Cành cọ Vàng ở Cannes năm 1979 và giải Oscar phim hay nhất năm 1980.

Nhà văn chuyên hút tẩu, có bộ ria rậm và đôi mắt kình dày không ngừng phải đối mặt với đất nước của mình vì một vấn đề về lương tâm trong quá khứ thời nazi. Ông đã “khai sinh ra nền văn học hậu chiến Đức, chỉ với một cuốn sách”, tạp chí Der Spiegel  đánh giá. Tạp chí cho rằng, nếu không có những phát biểu liên tục của Grass trong cuộc tranh luận công khai, thì “nước Đức sẽ là một nước Đức khác”, ngay cả khi rút cuộc bậc thầy tư tưởng này “đôi khi làm chúng ta điên đầu” .

 Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được viết với một ngôn ngữ hoa mỹ tuy vẫn chính xác, đầy ngông tưởng và châm biếm, có Mèo và chuột (1961), Những năm chó má (1963), Nhật ký một chú ốc sên (1972), Một cuộc gặp gỡ ở Westphalie (1979), Cả một lịch sử (1995), cuốn sách làm nổ ra cơn phẫn nộ ở Đức, một số tờ báo đi đến mức bảo “Grass không yêu nước mình”, Củ khoai tây Thế kỷ của tôi.

 Sinh ngày 16 tháng 10 năm 1927 ở Dantzig, (nay là Gdansk, thuộc Ba Lan), mẹ có gốc cachoube (sắc tộc thiểu số thuộc chủng tộc slave Phổ), cha là người Đức, Grass sống một “thời trai trẻ Đức kiểu mẫu” đối với thế hệ mình. 11 tuổi gia nhập Đoàn Thanh niên Hitler trước khi ra trận trong thế chiến 2, ông bị quân Mỹ bắt làm tù binh vào cuối cuộc chiến và được trả tự do năm 1946.

Từ “Nhóm 47” tới những cuộc bút chiến

Ông sống một cuộc đời lang thang, theo học mỹ thuật, ông nặn tượng, vẽ, thử làm thơ. Trong những năm 1950, ông quyết định vào nghề viết văn và sau đó tham gia phe chống phát xít trong “Nhóm 47” và đứng bên chính khách xã hội-dân chủ Willy Brandt.

Trong những sự tham dự nổi bật của ông gần đây, phải nói đến hoạt động của liên minh “đỏ-xanh” giữa các nhà xã hội-dân chủ của Thủ tướng Gerhard Schröder và các nhà bảo vệ môi sinh, hay chống lại “cuộc thập tự chinh” của Tổng thống Mỹ George W. Bush tại l’Irak.

Năm 2006, Grass nhận mình đã từng tham gia tổ chức Waffen SS từ tháng 10/1944, trong khi chính ông đã phản ánh quá khứ nazi của nước Đức một cách tàn nhẫn. Nhà văn, cha của 4 đứa con, sống ở Lubeck, đã làm nổ ra một cuộc bút chiến sôi nổi vào năm 2012 khi công bố trên báo một bài thơ phê phán Israël và cáo buộc nước này “đe dọa hoà bình thế giới”. Nhà nước Israël đã tuyên bố ông là “persona non grata” (người không được hoan nghênh).

Nguồn bản tiếng Pháp: http://www.lemonde.fr/disparitions/article/2015/04/13/l-ecrivain-et-prix-nobel-allemand-gunter-grass-est-mort_4614912_3382.html

Bản dịch của Văn Việt

Comments are closed.