Việc giải quyết vụ án Đồng Tâm chưa được khách quan toàn diện và đầy đủ

Luật sư Ngô Ngọc Trai

1. Bà Dư Thị Thành là vợ và là người tiếp xúc với ông Lê Đình Kình sau cùng, bị bắt đưa đi trước khi ông Kình bị bắn, nhưng bà Thành không được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách nhân chứng để khai báo xem ông Kình có cầm lựu đạn khi ở trong phòng ngủ hay không, sau khi bị bắn và bị chó kéo lê ra phòng khách trên tay ông Kình vẫn còn có quả lựu đạn.

2. Anh Lê Đình Hợi là chủ sở hữu căn nhà hai tầng mà các bị cáo trong vụ án đã tự ý trèo lên mái nhà để tấn công lực lượng chức năng, trong nhà cũng có nhiều vết cháy, nhưng cũng không được đưa vào vụ án với tư cách người làm chứng để khai báo về diễn biến sự việc.

3. Hồ sơ vụ án và tại phiên tòa xác định 10 quả lựu đạn mà các bị cáo mua là giả, kíp nổ tự chế, không có quả nào phát nổ và gây sát thương cho ai. Nhưng tại hiện trường khi khám nghiệm đã thu giữ được một số mảnh kim loại dạng vỏ lựu đạn loại khía mắt na, kết quả giám định của viện khoa học kỹ thuật hình sự cho biết đó đúng là mảnh vỏ lựu đạn, nhưng hồ sơ điều tra không làm rõ quả lựu đạn đã phát nổ này do ai ném ra và có gây sát thương cho ai không.

4. Chiếc hố mà ba chiến sĩ bị rơi bản chất là chiếc giếng trời lấy ánh sáng và không khí vào nhà Lê Đình Chức, đó là căn nhà một tầng, vì mục đích của nó nên ở khoảng giữa chiều cao của hố có một ô cửa ở tầm cao chừng 2m tính từ đáy hố, kích cỡ người có thể chui lọt. Vậy khi ba chiến sĩ bị rơi xuống hố có bị thương tích nặng không, tại sao không thể bám vịn vào ô cửa đó để thoát ra. Việc này ko được thực nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ.

5. Nhà anh Lê Đình Hợi có lối cầu thang đi lên trần tầng 2 nơi các bị cáo đã ở đó tấn công ném các chai xăng và gạch đá xuống lực lượng chức năng, khi tiến công vào nhà anh Hợi để bắt giữ các đối tượng, lực lượng tiến công đã đưa cả nhà anh Hợi đi nơi khác nhưng lại không đi theo lối cầu thang lên trần tầng 2 (là sàn tầng ba khi được xây dựng) mà lại băng qua ô cửa sổ để sang mái tầng 1 nhà Chức để bị lọt xuống hố. Việc này ko được thực nghiệm hiện trường để xác định làm rõ.

6. Khi vụ án được khởi tố có 32 điều tra viên và cán bộ được phân công điều tra vụ án, quyết định phân công có ngay ngày hôm xảy ra sự việc là 09/1/2020. Vậy nhưng quá trình điều tra lại để cho nhiều người không có tên trong quyết định phân công được tham gia điều tra, không rõ đơn vị công tác, từ đó làm ảnh hưởng đến tính hợp pháp của chứng cứ được thu thập cũng như chất lượng xác thực của các lời khai.

7. Bản kế hoạch 419A là bản kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự thông thường hay là kế hoạch bố ráp vây bắt gia đình ông Lê Đình Kình chưa được thu thập làm rõ. Nếu là kế hoạch bảo đảm trật tự thông thường thì có cần trang bị sử dụng lựu đạn nổ, đạn cay, chó nghiệp vụ, súng các loại hay không? Và tại sao lại điều động nhiều cán bộ cấp lãnh đạo chỉ huy vào việc bảo đảm an ninh trật tự như vậy, có ít nhất bốn phó trưởng phòng cảnh sát hình sự CAHN là tổ trưởng các tổ công tác trong đêm đó, ngoài ra có phó trưởng công an huyện. Kế hoạch đảm bảo an toàn trật tự kéo dài bao lâu, việc điều động như vậy có ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của các cán bộ không. Thực tế sau khi người nhà ông Kình bị bắt thì hoạt động đảm bảo trật tự kia cũng chỉ tiếp tục trong thời gian ngắn.

8. Nếu bản kế hoạch 419A là kế hoạch vây bắt, tức là kế hoạch tiến công bố ráp được lên kế hoạch, thì việc tiến hành để xảy ra tổn thất nhân mạng như đã xảy ra là khó thể chấp nhận được, có vấn đề lớn về chất lượng lập kế hoạch tác chiến chỉ đạo, bởi cơ quan chức năng đã có toàn quyền chủ động lựa chọn thời gian phương tiện để tiến hành, có thời gian để tìm hiểu địa thế mặt bằng nhưng vẫn để xảy ra như vậy. Các luật sư đã rất nhiều lần đòi hỏi cần thu thập bản kế hoạch 419A kia cũng là để giám sát thúc đẩy nâng cao chất lượng các kế hoạch chính sách về sau, đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ và người dân.

9. Việc có nhiều cán bộ của cơ quan cảnh sát hình sự CAHN tham gia vào vụ vây bắt nhưng cũng chính cơ quan đó tiến hành điều tra vụ án, liệu có đảm bảo nguyên tắc khách quan không?

10. Lời khai của các chiến sĩ tham gia vây bắt có mâu thuẫn nhau về diễn biến sự việc liên quan đến ba chiến sĩ bị rơi nhưng không được cho đối chất làm rõ để xác định lời trình bày của ai là đúng. Hội đồng xét xử ko triệu tập các chiến sĩ đến dự tòa để các luật sư hỏi làm rõ. Có những lời khai cho biết ba chiến sĩ nhảy qua ô cửa sổ thì bị rơi, có lời khai cho biết ba chiến sĩ sang trần nhà Chức thì bị tấn công lùi lại nên rơi xuống hố.

11. Lực lượng được huy động lên đến cả nghìn người nhưng chủ yếu làm nhiệm vụ kiềm tỏa đứng ở mặt tiền các dãy nhà dân, còn các nhóm tiến công vào bắt giữ là những người được chỉ định. Trong hồ sơ có lời khai của các nhân chứng khác nhau cho biết có nhóm đi vào chỉ 3, 4 người, có nhóm 9 người được kể tên, nhưng hồ sơ không làm rõ xem lời khai của nhân chứng nào về lượt tiến công nào có các chiến sĩ bị rơi xuống hố.

12. Ngọn nguồn sự việc là những bất đồng giữa nhóm các bị cáo và chính quyền các cấp về nguồn gốc đất đai Đồng Sênh, ông Lê Đình Kình từng kinh qua các chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm và ông Bùi Viết Hiểu từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm ở thời điểm bàn giao đất cho bên Quốc phòng làm sân bay, đó là những người biết rõ nhất về đất đai địa phương. Nhưng tại phiên tòa lại thường xuyên bị ngắt không cho nói về vấn đề đất đai, chỉ yêu cầu tập trung vào hành vi sự việc diễn ra rạng sáng ngày 09/1/2020, điều này khiến cho nguyên nhân liên quan đến hành vi phạm tội không được làm rõ, khiến vụ án không được giải quyết một cách khách quan toàn diện và đầy đủ.

13. Sau khi bị bắt, tất cả các bị can hơn hai chục người không ai bảo ai đều từ chối luật sư bào chữa, thời gian sau đến khi các luật sư do gia đình mời thúc giục cơ quan điều tra cho tham gia bào chữa thì khi đó các bị can lại vui mừng chấp nhận có luật sư bào chữa. Quá trình xét xử thẩm phán chủ tọa thiếu kiên nhẫn thường xuyên ngắt lời các luật sư ko để cho nói các ý kiến, thường xuyên yêu cầu tập trung vào hành vi của các bị cáo khiến cho việc nhìn nhận vụ án ko được khách quan toàn diện và đầy đủ.

Các bị cáo cũng cho biết được cán bộ trại giam giáo dục động viên về nhận thức hành vi phạm tội, cho thấy nguyên tắc ko ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật bị vi phạm. Cũng như quy định về phân công vai trò cơ quan có thẩm quyền điều tra truy tố và xét xử bị vi phạm.

Trên đây làm vài tóm lược về một số vấn đề tồn tại trong vụ án, ngoài ra còn nhiều vấn đề khác đã được các luật sư đồng nghiệp chỉ ra trong quá trình giải quyết vụ án. Qua vụ án này chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực dựng xây rất nhiều, để có thể tạo lập được một nền công lý cũng như một nền pháp quyền vững chắc đáng mong muốn.

Nguồn: FB Ngô Ngọc Trai

Comments are closed.