Văn học miền Nam 54-75 (462): Ngô Thế Vinh (6)

MÂY BÃO (kỳ 3)

CHUƠNG SÁU

Khi người đàn bà đứng dậy ra khỏi cửa thì cả hai người cùng đưa mắt nhìn nhau như dò hỏi. Huyền đưa cánh tay để trần dài và trắng muốt trên mép bàn, vừa cười vừa giảng giải:

– Ấy anh mới gác nên chưa biết chứ bà này thì quen mặt quá rồi, cứ vào khoảng nửa đêm lúc lên cơn suyễn thì bà ta lại mò tới nhận cho được một mũi tiêm với hai viên thuốc đỏ mới chịu an tâm ra về.

Dưới ánh đèn đục từ trên cao, sống mũi Huyền chạy dài và cao, mái tóc vấn trần và rối loạn, hàm răng đều trắng bóng, miệng tươi cười hồn nhiên; trông Huyền lúc này có một vẻ đẹp đơn sơ và hiền hòa. Ngẩng lên thấy Vũ vẫn nhìn mình đăm đăm, Huyền kéo cao chiếc cổ áo trắng mỏng phong phanh và lúc này cánh tay để trần khiến nàng cảm thấy lạnh. Trong đêm thanh vắng Vũ thấy lòng yên tĩnh lạ. Đôi mắt đen láy và thản nhiên đến lạnh lùng của Huyền lúc ban ngày không còn nữa; ánh mắt đó lúc này đang gợi cho Vũ một ý nghĩa chưa thành hình. Huyền cười, đuôi con mắt dài để lại một nếp nhăn dáng mỏi mệt của một giấc ngủ lưng chừng. Vẻ duyên dáng của Huyền lúc này khiến Vũ có những ý nghĩ xôn xao – và cũng chính vẻ đẹp đó được bao người săn đón và thất vọng, thất vọng vì đó chỉ là vẻ đẹp yên lặng và băng giá không chút rung cảm. Mắt không rời cánh tay trắng tròn lẳn, lơ thơ những sợi lông tơ vàng, Vũ nói khẽ:

– Cô Huyền, sao không đi ngủ lại?

Huyền giọng trầm buồn, ngửa cổ thở một hơi mạnh cố tránh một cái ngáp dài:

– Anh mệt không quen nên đi ngủ trước đi. Tôi trực ở đây cứ phải dậy luôn, nhiều khi lên giường giấc ngủ chưa đến đã có bệnh nhân tới phải dậy.

– Thế cùng thức cho vui.

Vũ thoáng thấy một ánh mắt sáng lạ lúc Huyền quay mặt đi. Huyền bước nhanh ra hành lang nhiều bóng tối, dựa lưng vào cửa sổ nhìn ra ngoài trời đang mưa lăn tăn. Nàng đưa mắt nhìn những mái nhà xám thấp phía trước mặt, tất cả đều yên tĩnh. Mưa bụi vỗ vào bóng đèn đường thành một đám trắng xóa. Các thân cây cao thẳng vút phía xa lẫn vào bóng đêm, phần dưới thân có quét vôi nên ẩn hiện những bóng trắng lờ mờ. Ngoài đường phía thật xa, thỉnh thoảng có tiếng động của một chiếc xích lô máy chạy vội và nhanh trong bóng đêm.

Nghĩ tới Vũ, Huyền thấy thoáng một cảm giác êm ái và tin cậy. Không hiểu sao khi nhìn đôi mắt người con trai lúc này, nàng lại có ý nghĩ về lòng ngay thẳng và sự tin cậy. Lòng người con gái tự nhiên thấy vui vui, phấn khởi và như đang hy vọng một điều gì không rõ rệt. Huyền ngửa mặt thở chậm và mạnh cho khí lạnh tràn ngập đầy người. Mặt trăng tròn thật nhỏ trên cao, lửng lơ giữa một đám mây vàng và trắng đục. Vũ đã ra đứng cạnh Huyền tự lúc nào, nàng thấy một bàn tay đưa ra khỏi khung cửa sổ và một giọng nói trầm êm dịu:

– Trời vẫn mưa mà lại có trăng.

– Cần gì đưa tay ra mưa, anh nhìn những hạt bụi trắng dưới chụp đèn

đàng xa thì biết.

Yên lặng một lúc giọng Huyền thấp và khẽ hơn:

– Anh có thấy gì lạ không?

Vũ yên lặng phân vân không biết Huyền hỏi gì, không nghĩ ngợi Vũ trả lời bừa:

– Có một ý nghĩ rất lạ thoáng tới mà chưa diễn tả nổi.

Câu nói có thể là vô tình của Vũ, nàng vẫn thấy có ngụ ý hóm hỉnh. Dưới ánh trăng, mấy con vạc đi ăn đêm bay qua có vẻ đẹp như bức tranh cổ, Huyền giơ tay chỉ ra:

– Kìa anh!

Vũ theo tầm tay Huyền đưa lên cao ngạc nhiên:

– Gì cơ cô?

Mấy bóng vạc trắng mờ đã bay xa, chìm trong bóng tối đêm khuya, nàng thấy tiếc về một vẻ đẹp thoáng qua đã mất đi ngay, Huyền trả lời bâng quơ:

– Mặt trăng… đẹp!

Vũ cười thành tiếng quay sang phía Huyền, nghĩ tới cánh tay đẹp của Huyền lúc giơ lên:

– Mặt trăng đẹp nhưng…

Chàng kìm hãm được một câu khen ‘nhưng sao bằng cánh tay cô”. Huyền nghe không rõ giọng ngây thơ:

– Anh nói sao cơ?

Vũ nhanh trí nói ngay:

– À, tôi đang có ý nghĩ, mặt trăng lúc này trông ngon như một lòng đỏ trứng lửng lơ giữa một lớp sữa tươi loãng.

Huyền cười khẽ, nét mặt trông nghiêng với sống mũi đưa lên cao thật đẹp:

– Vẻ đẹp như thế chỉ gợi cho anh tới chuyện ăn thôi ư?

Vũ thấy không khí cởi mở, cảm tưởng vui và dễ chịu:

– Vì thực ra tôi đang đói nên nghĩ ngay tới ăn.

Người con gái cười ngặt nghẽo, Vũ tiếp:

– Chiều đi với anh Hoạt, lúc về quá giờ đã ăn uống gì đâu!

Huyền yên lặng quay sang hỏi Vũ:

– Anh Hoạt cùng lớp với anh?

– Phải anh “Hoạt già” ấy, thế sao?

Huyền đang nghĩ tới Hoạt với bốn con mà gặp nàng lúc nào cũng muốn xông tới. Đại vợ Hoạt là bạn nàng. Đại mới lấy chồng được bốn năm đã to ra gấp hai trước đến ngồi vừa khít chiếc xích lô, mất hết vẻ cân đai thuở nào. Có lẽ ái tình ghê sợ những lớp mỡ và kích thước chiều ngang nên Hoạt càng chán nản khi thấy vợ cứ lớn dần, chiếm hết cả chỗ đứng của tình yêu. Trông thấy bốn con nheo nhóc, đứng trước cái bề thế của vợ, Hoạt có cảm tưởng gánh nặng gia đình là có thật và đang đè trĩu lên hai vai mỏng và gầy của chàng. Huyền lại nghĩ tới bàn tay Hoạt, chiếc nhẫn cưới vừa được tháo vội còn nguyên vết một vòng da trắng giữa những ngón tay xạm nắng đen. Nàng bỗng rùng mình và kinh tởm. Với người con trai đứng cạnh Huyền cũng nẩy ra cảm giác nghi kỵ; thấy Vũ như chờ đợi câu trả lời, Huyền cất giọng ngắn và đứt ngang:

– Không!

Nàng đưa mắt sang nhìn Vũ, người con trai có mái tóc mềm và khô hất ra phía sau, vầng trán cao và yên tĩnh. Nàng không trông rõ mắt Vũ, phía trên sông mũi lõm vào một khoảng sâu đen. Tự nhiên nàng thấy nỗi nghi kỵ vừa rồi là vô lý: Vũ chưa tỏ một thái độ làm phật ý nàng; sự tồi bại xấu xa của Hoạt và các bạn chàng có liên hệ gì tới tư cách của người con trai đâu. Người con gái thấy những giận hờn cũng dịu đi, Huyền quay sang Vũ giọng thân mật:

– Mấy giờ rồi anh?

Vũ đưa cánh tay cố nhô ra một khoảng sáng hơn nhưng lắc đầu:

– Tôi không trông thấy chi, chắc cũng khoảng mười hai rưỡi.

Huyền ngẫm nghĩ yên lặng hỏi:

– Anh có đói thật không? Nếu thế thì làm sao thức gác được suốt đêm nay.

Vũ lại cười:

– Gác đêm có cô nói chuyện vui cũng quên đi.

– Phía cửa chắc quán ăn còn mở, hay là ta ra đó.

Nghe thế Vũ níu lấy ngay:

– Thế còn gì bằng, còn Huyền?

– Tôi không đói nhưng để tôi dẫn đi cho.

Huyền quay vào buồng khoác thêm một chiếc áo ấm bước ra; Vũ như chợt nhớ:

– Trời mưa.

Huyền đứng xững nói:

– Tí nữa quên thì ướt hết, để tôi vào lấy chiếc áo mưa.

Trời chỉ mưa lất phất, gió đêm lạnh thổi tạt những hạt mưa vào mặt. Hai người co ro trú trong chiếc áo mưa và bước nhẹ ra hiên. Vũ giơ tay hứng những hạt mưa nhỏ như bụi, mát và dễ chịu; chàng có ý nghĩ rời khỏi chiếc áo tơi mà đi dưới mưa chắc là thú vị hơn. Cái thú vị mà chàng nhớ mãi những buổi chiều mùa đông bên hồ Gươm, bầu trời xám nặng, mưa phùn rơi tới tấp bám lên những sợi len trắng xóa; nhưng đó chỉ là thú vị của sự cô độc mà hiện giờ không có. Mỗi bước đi vai Vũ chạm nhẹ vào thân thể Huyền. Không khí quanh chàng ấm áp hơn và thoảng hương thơm. Gió thổi tạt những sợi tóc dài cọ vào má, chàng có cảm tưởng mỗi sợi tóc đều có đượm hương thơm một quả chanh vừa tắm gội. Vũ tưởng tượng trước mặt mình là thân thể trần của Huyền với mái tóc, đôi má còn đọng những hạt nước mát và trong. Chàng có ý nghĩ trên mái tóc Huyền lúc này còn vương vài múi tép chanh đã khô và vẫn tỏa hương thơm. Đường thẳng vút chạy dài trong bóng đêm. Tay Vũ chạm vào tay người con gái, chàng nắm lấy bàn tay mềm và mát lạnh, quay sang hỏi:

– Cô lạnh?

Huyền để yên và hơi run:

– Không.

Hơi nóng từ bàn tay xiết lại của Vũ truyền qua, Huyền cảm thấy rung động ấm áp. Vũ có cảm tưởng mình đang đi trên một bãi biển rộng bao la, trước mênh mông chàng và cô bạn nhỏ đang thu mình vào một vỏ ốc ấm cúng với một thế giới riêng, bên tai còn vương tiếng sóng vỗ rào rạt ngoài biển xa.

Lúc trở vào trời hết mưa, Vũ cầm áo tơi nơi tay. Hai người bước đi yên lặng qua nhưng gốc cây cao. Mặt trăng trên cao trong và sáng hơn không vướng một chút mây. Đêm đó Huyền kể cho người con trai về cuộc đời nàng, câu chuyện đứt quãng vì thỉnh thoảng lại thêm bệnh nhân tới. Sáng sớm hôm sau, Vũ đưa Huyền về nhà. Buổi sáng tinh sương trời còn lạnh, hai dãy cây xám chạy dài gặp nhau ở đầu lộ. Đàng xa phía đông mặt trời chưa mọc nhưng đã xếp lớp những đám mây vàng. Một con chó nhỏ chạy vụt qua đường, Vũ phải vội hãm xe thắng kin kít, phía sau tiếng Huyền cười trong và ròn rã. Trở về nhà Vũ vẫn bị ám ảnh bởi bóng dáng Huyền đêm qua, có thể chỉ là mái tóc búi rối loạn đơn sơ, cánh tay trắng đẹp để trần, tiếng cười trong và dòn tan hay chỉ là vết nhăn mỏi mệt nơi đuôi mắt lúc người con gái cười.

*

Khi tỉnh ngộ, Vũ ý thức được rằng mình đang phải chứng kiến một xụp đổ lụn bại với trách nhiệm nặng nề của một thứ đời sống mới. Giữa hai người chưa hề có một gắn bó, họ mới gặp nhau trên một điểm tin cậy và lòng khao khát, sau đó vẫn chỉ là hai nếp sống riêng tư. Giọng nói sắc cạnh và tiếng cười ròn rã của Huyền lúc này chỉ gây cho Vũ cảm tưởng khó chịu:

– Anh không thể chịu được tiếng cười của Huyền lúc này nữa.

Từ một buổi tối đứng trước ngưỡng cửa vào buồng, Huyền ngồi trên giường không nói. Trong bóng tối chàng có cảm tưởng mình thấy rõ được cả ánh mắt long lanh của người con gái. Vũ lại gần, Huyền yên lặng chờ đợi. Họ đọc được ý nghĩ trong mắt nhau. Vũ ôm chầm lấy Huyền, người con gái giơ cánh tay đón níu Vũ xuống. Cái yên tĩnh làm cho họ nghe ngóng được nhịp tim đập, từng hơi thở và tiếng rung động của từng thớ thịt dãn căng ra. Sau đó, những cuộc gặp gỡ tới trong dồn dập, hy vọng và khẩn thiết. Vũ không còn nhớ tới Ngân và một tình yêu tưởng như đã có. Kỷ niệm như đi vào một giấc ngủ chậm. Hình ảnh khỏe mạnh của thân thể Huyền có một vẻ đẹp nồng nàn ray rứt ám ảnh tâm trí Vũ. Vũ nắm tay Huyền đi bên bờ lộ, dưới những gốc cây cao. Người con gái vẫn vui như không có chuyện gì xảy ra. Mặt trăng trên cao khuyết nằm ngang, phía trên còn viền nguyên vẹn một bóng tròn đỏ mờ. Huyền chỉ tay quay sang Vũ:

– Hôm đầu gặp anh vì đói anh nhìn mặt trăng là lòng đỏ trứng. Thế hôm nay anh thấy ra sao?

Ý nghĩ đè nặng, Vũ đi cạnh người con gái im lặng.

– Hôm nay không đói, em thấy mặt trăng cũng vẫn gợi nên một kỷ niệm ăn. Anh thấy không, mặt trăng khuyết trông giống như một quả cam đặt trên một đĩa bạc nhỏ sáng loáng.

Câu nói tự nhiên của Huyền khiến Vũ bật cười. Nụ cười tắt ngúm khi nghĩ mặt trăng, lòng đỏ trứng chỉ gợi nên cho Vũ chuyện chửa đẻ của Huyền sau này. Như hiểu rỏ ý Vũ, Huyền cũng nín lặng. Không khí đè nặng giữa hai người. Bỗng Vũ nghiêm giọng bảo Huyền:

– Sự bình thản thái quá của em lúc này chỉ làm anh bối rối.

Huyền chưa nghe rõ câu nói nên hỏi lại:

– Anh nói sao?

– Không.

Vũ lắc đầu. Huyền thấy nóng hai má và mắt, cảm giác bực bội:

– Anh có vẻ lo lắng những chuyện đâu đâu, rõ đến hay!

Vũ giọng đứt quãng:

– Huyền!

– Gì anh?

– Anh muốn cưới em làm vợ.

Huyền càng thấy khó chịu khi người con trai cứ cố khơi một chuyện mà lúc này người con gái muốn quên đi. Yên lặng, đầu óc Huyền bắt đề nổi loạn những ý nghĩ. Giọng Vũ chờ đợi:

– Em nghĩ sao?

Huyền uất hận đến nghẹn ngào cố lấy giọng bình thản:

– Không, tôi không muốn có một cuộc hôn nhân cưỡng ép vì một lầm lỡ đã xảy ra rồi. Nhất là chưa chắc gì có thật một tình yêu.

Giọng Huyền trở lại rắn rỏi và bình thản. Vũ nóng giận gay gắt:

– Thế còn danh dự của anh, em và số phận đứa con!

Nghe Vũ nhắc tới đứa con, cả một dĩ vãng chua sót của đời người con gái dồn dập hiện về mãnh liệt với tất cả hằn học và căm tức. Hình ảnh một người cha mập mờ không rõ rệt, bộ mặt thiểu não của người mẹ hôm ra đi. Tất cả như thúc giục khêu gợi lòng can đảm và tự ái của người con gái. Tự nhiên nàng có ý nghĩ về sự hèn yếu của người con trai lúc này.

– Anh khỏi lo, số phận của nó không hẩm hiu như cuộc đời mẹ nó. Tôi sẽ lo lắng nuôi nấng đứa để nó không có cảm tưỏng sau này là một đứa trẻ vô phúc bị bỏ rơi. Còn tôi, tôi không ân hận và coi đó như một lầm lỡ.

Yên lặng một lúc Huyền tiếp giọng chua chát:

– Hay anh chỉ nghĩ tới anh, danh dự và tương lai anh thôi. Tôi không thể là hạng đàn bà khốn nạn lợi dụng lúc này để cầu xin hay bó buộc cũng thế, là anh phải cưới tôi. Nếu chỉ nghĩ như thế thì anh ích kỷ lắm… Nhưng tôi không muốn nghĩ về anh như thế.

Vũ ân hận về thái độ không khéo của mình, người con trai giọng ôn tồn:

– Sao em lại nghĩ thế?

Vũ tiếp:

– Tại lúc nào em cũng bị cái dĩ vãng của nước mắt và đau thương ám ảnh nên chính em đã tự ái và kiêu ngạo một cách vô lý. Trước kia anh cũng quan niệm giản dị như thế, một đời sống độc lập với tất cả ý thức tự do lựa chọn và quyết định. Nhưng hôm nay sự thực lại khác, quyết định lúc này không phụ thuộc vào riêng rẽ một trong hai ta nữa. Vì chính do lối sống vừa qua, chúng mình đã chối bỏ thứ tự do đó. Giữa chúng ta còn có một liên hệ, ngoài những ràng buộc về tình cảm, còn có đấy một đứa con với tương lai và đời sống của nó. Kiêu ngạo khiến em tưởng rằng em có thể đem lại cho nó tất cả hạnh phúc do tình yêu của người mẹ, do đời sồng vật chất đem lại cho nó, nhưng còn ý niệm của nó về một người cha . Tại sao em lại muốn gạt anh ra phạm vi đời sống của đứa trẻ mà đáng lẽ nó được hưởng. Dĩ vãng cho đến hôm nay chúng mình đem lại cho nhau toàn những hình ảnh đẹp, tại sao – dù không đưa tới sự kết hợp gắn bó, mình không để lại một hình ảnh đẹp cuối cùng có bao hàm một trách nhiệm mà anh không có ý trốn tránh.

Giọng Vũ êm ái và đều đều tưởng như không dứt, những hờn giận của người con gái cũng dịu đi, ý nghĩ và tâm hồn Huyền bớt căng thẳng trở về dần yên tĩnh. Tiếng Vũ lại trỗi lên, Huyền cảm thấy người con trai đang xiết mạnh bàn tay mình hơn:

– Em nên nghĩ lại, chúng ta cố sáng suốt mà đưa ra một dự định chung, cũng như đúng như em nói, sự ra đời của đứa con sắp tới không phải một ngẫu nghiên hay một lầm lỗi.

Giọng Vũ thêm thiết tha. Mặt trăng lên cao đi vào bóng mây. Gió thổi lá rụng xuống đường xào xạc. Huyền đang nghĩ tới Ngân, tới mối tình phong phanh giữa hai người; nhưng người con gái vẫn có cảm tưởng lời Vũ nói là thành thực.

– Huyền hãy giúp anh. Em đừng khư khư vô lý mãi. Đừng bắt anh lúc nào cũng mang trong mình một mặc cảm không xứng đáng. Mặc cảm đó sẽ làm mòn mỏi đời sống anh mai sau. Có thể nó làm cho anh không tin vào những giá trị căn bản tốt đẹp trước kia nữa; nếu thế anh sẽ không còn can đảm để mà đánh giá hay bênh vực những hành vi cao thượng, lên án dập vùi những xấu xa hèn hạ. Anh sẽ sống mất cả tự tin, hủy hoại dần mòn. Anh không muốn thế.

Trong bóng tối mặt Vũ nóng bừng vẻ dữ tợn:

– Anh không… thật anh không muốn thế!

Giọng Vũ chân thành cảm động. Huyền lại thấy mình như phạm một điều vô lý. Người con gái níu Vũ đứng lại, dưới một gốc cây to, nắm hai tay Vũ như van lơn.

– Anh Vũ, có lẽ Huyền yêu anh! Yêu anh nhưng Huyền không thể nghĩ tới chuyện lấy anh, vì như thế là giết chết lòng tự ái của em, điều mà chắc em không thể sống được… Em biết với em, tương lai mai sau đầy những đe dọa khó khăn, nhưng anh tin đi, em can đảm, con em – con anh, em sẽ cố gắng nuôi nó, em ước mong nó sẽ là con trai tính giống bố nó. Linh tính cho em biết không thể về sống với anh hôm nay. Tương lai, tình yêu của anh, sao mình cứ tự ràng buộc để chuốc thêm đau khổ?

Lần đầu tiên Huyền lại khóc trước mặt một người khác, điều mà người con gái cố tránh trong bao năm nay. Nước mắt người con gái dàn dụa, Vũ kéo Huyền vào ngực mình, Huyền cố nén tiếng khóc nhưng vẫn nấc lên. Vũ vuốt những sợi tóc trên trán người con gái, giọng dỗ dành an ủi:

– Anh không có quyền gì ép Huyền – anh biết thế, nhưng em nhớ rằng anh sẵn sàng trông đợi được giúp đỡ em khi cần đến. Tình yêu giữa hai ta nếu có, thú thật với em – lúc này anh tự cho là bổn phận. Anh tin cậy và trông mong nơi em, anh muốn cho đứa con sau này biết nó có một người cha, người cha đó mong cho nó có một tương lai.

Vũ cúi xuống hôn lên môi người con gái mềm và mặn những giọt nước mắt với ý nghĩ: giữa hai người vừa có một trận chiến vô lý, không có kẻ chiến thắng, cả hai cùng là kẻ bại trận, cùng để lại cho nhau nhiều vết thương và chứng tích đổ vỡ.

CHƯƠNG BẢY

Chiều chầm chậm. Khoảng trời trên cao còn thấp thoáng mấy đám mây vàng. Ánh nắng lợt lạt dần trên một cành cây khô. Không khí còn hâm hấp nóng. Vài cơn gió hây hây thổi nhẹ không đủ gợi nên một cảm giác mát mẻ. Tiếng vĩ cầm phòng bên đưa ra vẩn đục và ngượng nghịu, lẫn vào cơn gió, làm rung động làn da đến bứt rứt khó chịu. Minh đứng dưới gốc cây với ý nghỉ: một buổi chiều thật buồn.

Vừa sang xuân, hàng cây tầm kết chạy dài còn trĩu những lá vàng; những chiếc lá nhỏ như vẩy cá từ cành cây rơi lỏa tỏa theo chiều gió nghiêng nghiêng. Những mái nhà xám đen chạy dài, mảng tường đỏ phía bên hông bắt đầu long lở, những chiếc màn tre sơn xanh đã bạc và mục nát. Mấy bóng người quen thuộc thơ thẩn đi lại: Minh thấy tất cả như đã có tự lâu rồi. Minh muốn ghi lại vài hình ảnh trước khi ra đi; chàng muốn tìm cho nơi đây một bấu víu tình cảm mà theo Minh ít ra phải có. Những ngọn cây xanh phía xa ngả dần sang màu tím sẫm. Khung cảnh như một bức tranh hỗn độn với từng mảng màu sắc tương phản, sẫm lại và nhạt dần cho đến lúc chỉ còn lại một bóng tối êm đềm.

Ánh đèn điện mới bật, hắt ra phía bên tường, chiếu sáng cả những chùm hoa giấy sặc sỡ đỏ và tím. Rời khoảng đèn sáng, đi dần vào bóng đêm, Minh miên man với các ý nghĩ khác…

Buổi sáng tới Vân Anh, nhà vắng, Minh bước thẳng lên gác. Đi hết một vòng cầu thang, qua những thanh gỗ trạm, bóng trắng Vân Anh hiện ra. Thấy Minh, Anh Vân Anh chạy tới không nói nhưng rung động nao nức ôm chầm lấy người con trai. Vẻ đẹp mềm mại đè nặng lên người Minh, chàng ngạc nhiên nhưng không hờ hững, kéo sát Vân Anh lại và hôn lần đầu tiên. Mấy ngón tay Vân Anh run rẩy, bấu víu lên vai Minh như muốn thổ lộ nói lên bao nhiêu ý nghĩ đè nén. Mi mắt người con gái khép lại và chìm đắm một vẻ đáng thương. Minh chợt thấy yên tĩnh. Bên ngoài cửa sổ nắng đẹp, cây bông gạo đã nở tung từng cụm bông trắng dắt trên thân; cây hoa đại nhà bên nhô lên khỏi bức tường cao, trổ bông trắng xóa; phía dưới sân mấy chiếc áo trắng phơi trên dây thép phất phơ trước gió. Minh thấy rõ được từng cụm bông lăn trên nền xi măng và thảm cỏ. Có tiếng chim cu gáy rúc từ lùm cây xa đưa lại cho Minh cảm giác nóng nực và buồn chán của buổi trưa hè. Có tiếng động dưới nhà, Minh đẩy người con gái ra, bước nhanh xuống thang để lại Vân Anh còn xao động ngơ ngác và thất vọng. Cô đọng bấy lâu chỉ có thế, Minh thấy mình rồ rại và cảm tưởng tiếc nuối.

Còn Vân Anh sau khi rời khỏi tay Minh vẫn đứng yên bất động. Người con gái đưa tay sửa lại mái tóc và bâng khuâng như vừa để mất đi một cái gì. Chắc chắn không phải việc tách rời thân thể Minh vừa rồi. Vân Anh thấy mình vừa có một hành động liều lĩnh, thiếu suy nghĩ nhưng tự nhiên. Hạnh phúc đem lại thật không có, mà cảm giác thì chỉ thoáng qua. Vân Anh thấy ân hận và hối tiếc vì thái độ vừa rồi có ý nghĩa một ràng buộc và giao phó. Ý nghĩ đó làm nàng lo sợ vẩn vơ. Anh nhớ tới lúc người con trai quay đi có dáng vội vã như chạy trốn – vì tiếng động của ba nàng, vì hổ thẹn hay sao nàng cũng không biết nữa. Bất giác Vân Anh tìm thấy ở Minh lúc đó một cử chỉ yếu kém và tầm thường. Nghĩ thế nhưng người con gái lại thấy mình ao ước xôn xao hơn. Ngay buổi chiều Minh đến gặp Vân Anh ngoài vườn. Người con gái có cảm rác rờn rợn trước cái nhìn của Minh, nàng biết trước đó không phải là dấu hiệu sửa soạn cho những câu vuốt ve đắm đuối.

– Anh sắp phải ra đi, chắc là khá lâu. Anh muốn có một thái độ dứt khoát.

Minh nói không chớp mắt, vò nát trong tay một chiếc lá rồi tiếp:

– Anh ân hận về việc sáng nay và tự cho mình là vô lý. Trước lúc đi anh không muốn có những ràng buộc vì thực sự anh đã chọn nghề phi công với ý thức trách nhiệm và tự do. Anh nghĩ sự thành thật lúc này là cần thiết.

Nét mặt người con gái xanh đi, bàn tay níu lấy vạt áo cánh cố nén xúc động, đôi bờ vai run run. Minh thấy rõ ánh mắt Vân Anh là tất cả sự chịu đựng và đè nén, vẻ mặt ngây ra, tình cảm như bị dìm sâu vào bên trong. Minh thấy rõ sự vô lý của hai người và chính chàng lại muốn thoát ra bằng một sự vô lý khác nữa… Minh cố xua đuổi những hình ảnh khiến chàng phải ray rứt mãi với ý nghĩ: “Rồi mình cũng sẽ quên đi”.

Mặt trăng to tròn và đỏ hồng nhô khỏi đám mây đàng xa phía bờ sông. Bên lề đường mấy nén hương bên gốc cây gặp cơn gió sáng hồng lên rồi lại lu dần như chực tắt. Mùi hương trầm thơm tỏa trong gió nhắc minh tới ngày giờ hôm nay và thấm thoát đã mười năm di cư ra đi. Nhìn lại bước đường không bao xa đã qua, Minh thấy cảm động nao nức.

Cách đây một năm Minh được tin bà ngoại chết ở ngoài Bắc, kèm theo một tin nữa không vui là ông ngoại từ hồi xa con cháu thì lo buồn nhất là khi bà ngoại chết, ông thấy trong người yếu đi nhiều lắm. Trong thư ông còn ngỏ phòng xa mua một miếng đất ngay cạnh mộ phần bà để khi mệnh hệ nào… Lòng Minh buồn xôn xao trước cái tương lai của những người thân yêu ở lại. Hy vọng và trông mong ở đó những gì? Minh bâng khuâng với ý nghĩ hoang vắng.

Tới nơi thì trong nhà đã đông người, tất cả họ hàng di cư vào Nam đều tụ họp nơi đây. Không khí ngày giỗ như một cuộc xum họp vui mừng. Không có những bữa giỗ như hôm nay chắc cả năm cũng không có dịp gặp nhau. Xa quê hương, Minh thấy các mối liên đều lỏng lẻo; hình như mỗi người là một đời sống rất riêng tư. Ai cũng đang bận tâm lo vun đắp hạnh phúc của mình cho đúng với ước nguyên khi ra đi. Cậu Cương, con trai em bà ngoại, gặp mẹ Minh cười khì nói một câu Minh nghe như vẫn thế tự bao giờ:

– Các cháu làm sao ở chị? Hì hì, chóng lắm mà, chả còn bao lâu nữa chúng nó thành tài chị tha hồ sướng.

Nói xong cậu Cương cười hì hì cổ co rút lại, hai con mắt híp long lanh chỉ còn là hai khe sáng. Chừng nói thế là xong một nghi thức, cậu ghé cái mặt ngắn bóng phì nộn sang chú Tham, giọng tương đắc:

– Thế nào làm ăn ra sao? Tôi định rủ anh ra Hải Phòng thu thuế, hì hì…

Cả hai cùng cười khì. Chả trước kia hai người đều làm “đoan” nhưng hồi gần đây biết thời thế chẳng còn như trước, cậu Cương thì xoay ra mở vũ trường với mức sống quá phong lưu, duy chú Tham thì vẫn còn đi làm công chức với bên tai những lời ta thán của vợ; “Nhà mình xui quá, em buôn bán đã không ra đâu, mình lại bị đổi đi mất chỗ bổng lộc mà tiêu pha ngày thêm tốn kém, rõ chán quá”.

Trước Minh, chú dân bác sĩ quân y giải ngũ, quay sang nói giọng lớn kiêu hãnh:

– Hừ, chữa bệnh hồi này sao mà dễ thế, từ ngày có mấy thứ “trụ sinh” chữa bệnh gì cũng dễ như chơi.

Chả chú là thầy thuốc, lại quá đông khách, đến nỗi có người gọi phòng mạch chú là “chợ ông Dân”, nên chú nói gì cũng dễ có người tin. Minh đưa mắt nhìn người vợ chú ngồi phía bên, dáng đài các; Minh đang nghĩ tới cuộc tranh chấp gay gắt của cặp vợ chồng này về chủ quyền và công lao về một sản nghiệp kếch xù. Cả hai cùng rất kiêu hãnh về sự quán xuyến đảm đang. Chú Dân cười, chiếc răng vàng hàm trên lấp lánh, chú cố lấy giọng khôi hài mà vẫn lạnh lẽo:

– Có lắm bệnh qua các bác sĩ khác đều bó tay mà hễ đến tôi thì, hà hà… xong hết, thật có gì đâu cơ chứ!

Có tiếng trẻ con đuổi chạy la hét. Ông Thược quay ra bế con lên lòng giổ nựng; nhân đấy chú Dân đổi câu chuyện sang đề tài khác:

– Cháu thứ chín của anh hay thứ mấy?

Ông Thược ngồi yên từ nãy, nghe chú Dân hỏi thì cằm xệ xuống, lớp mỡ ở cổ gập lại như thêm một chiếc cằm thứ ba, giơ tay định phân trần, nhưng bà Thược vội đỡ lời:

– Dạ cháu út đấy ạ.

Cậu Cương lại rụt cổ cười cất giọng hóm hỉnh:

– Trông ông bà còn phây phây thế kia thì út sao được.

Ông Thược nói chữa ngượng, giọng thật thà:

– Út thật mà, chiến tranh đến nơi rồi!

Ông cố dằn giọng ở hai chữ “chiến tranh” như cố gán cho nó một ý nghĩa quan trọng. Quan trọng thì dĩ nhiên rồi nhưng không có điều gì bảo đảm rằng sắp có chiến tranh thì ông Thược lại thôi không có con nữa, nhất là khi tướng vóc bà nhà có vẻ muốn vượt cạn nhiều năm nữa, ít ra cũng phải một tá. Minh xoay tròn chiếc ly thủy tinh lạnh và đẫm nước trên tay. Mặt trăng đã nhô lên cao. Gió từ bờ sông đưa vào mát dịu. Ánh đèn phía trước chiếu hắt lên bờ ly làm lóe những ngôi sao tím vàng. Ngôn ngồi cạnh Minh và yên lặng từ nẫy. Ngôn đã có thời theo đuổi kháng chiến và bỏ về Hà Nội sớm. Rồi sau Genève, anh cũng lại chọn bước đường di cư. Dáng người Ngôn nhỏ nhắn với chiếc áo ngắn tay ngắn, đôi giày da nâu, trông anh hiền lành và an phận. Hình ảnh anh hôm nay không liên hệ gì tới dĩ vãng kháng chiến oanh liệt của anh trước kia. Minh quay sang bên nhìn anh, vẫn chiếc nốt ruồi nâu trên gò má, nước da có vẻ trắng nhạt và yếu đuối hơn. Ngôn đưa từng quả ớt đỏ lên miệng cắn và nhai lẫn với thức ăn, các bắp thịt nơi cằm anh nổi lên, chiếc cổ lộ hầu bình thản đưa lên xuống đều đặn. Như tìm ra ý nghĩa cho một câu nói, Ngôn quay sang bảo Minh:

– Ăn ớt bây giờ như một thói quen, chứ trước kia anh đâu có biết ăn. Hồi đi kháng chiến ngoài kia, sốt rét quá nên đâm ra nghiện ớt thay thuốc… Lúc đó đâu có thứ ớt này mà thứ ớt tiêu ớt mọi quả nhỏ tí mà khi nhấm vào thì thôi… cay chảy cả nước mắt nước mũi nhưng lại đỡ rét!

Minh thấy cái dĩ vãng gian truân và kinh hoảng đã qua với hình ảnh Ngôn hôm nay như không hề có một liên quan chặt chẽ. Ngày hai buổi anh đi làm cho một tiệm thuốc tây và đưa con đi học. Tối về thay vợ bế con. Chiều thứ bảy đưa cả gia đình đi chơi xa lộ hay xem chiếu bóng. Nhìn chiếc Lambretta cũ kỹ dựng nơi góc tường, Minh bất giác mỉm cười. Chiếc xe hai bánh một trăm năm mươi phân khối chịu đựng bình thản cái sức nặng của một gia đình: một chồng một vợ một đứa con lớn đứng trước và một đứa nhỏ ẵm phía sau. Ngôn giờ đây sống vững chãi cho ngày hôm nay và lo chuyện ăn uống của một ngày mai không xa. Anh ấy chẳng còn quay về cái dĩ vãng để kiêu hãnh như ai. Ngôn cũng chả quá lạc quan hay lo âu cho một tương lai ra sao. Minh nhìn vợ anh đẫy đà và tìm được nơi chị vẻ đoan trang thùy mị của người vợ hiền. Chị Ngôn nhìn lên bắt gặp cái nhìn của Minh thì bẽn lẽn và mỉm cười. Minh quay vội đi nhưng còn kịp nhìn bàn tay trắng đẹp của chị đưa lên sửa lại mái tóc và Minh phân vân với ý nghĩa của “hạnh phúc”.

Cụ già chít khăn từ nẫy vẫn ngồi im lặng. Cô Thụ vừa tiếp món vây vào bát vừa gợi chuyện với cụ:

– Thằng Thái chắc lúc này lớn lắm, khổ nó thương ông nó quá!

Ông cụ đưa tay nâng chòm râu bạc sang một bên, đưa thìa bóng lên miệng, vừa móm mém nhai vừa nói với hai môi run lập bập:

– Tình hình này chẳng còn mong gì về Bắc lại nữa, chết mất xác ở đây thôi.

Cụ hơi khẽ lắc đầu chán nản nhưng miệng vẫn móm mém nhai đều đặn, túi cơm và thức ăn phồng tròn hai bên má như hai quả táo võng nhịp lên xuống. Cụ nhai tóm tém như đã móm hết cả hàm răng – hàm dưới đưa lên đẩy vành mội trên đang trễ xuống vêu ra và đưa cao lên mũi. Minh không ngờ một ý nghĩ sống chết quan trọng mà lại được ông cụ diễn tả một cách bình thản và vô tình đến thế. Chòm tóc nhô lên khỏi vành khăn đã bạc phơ, ông cụ tuy gìa những vẫn đẹp lão. Cô Thụ lại tiếp thức ăn vào bát cụ, cất giọng an ủi như một thói quen:

– Chả còn bao lâu nữa nước nhà thống nhất…

Ông lão vẫn nhai tóp tép nói chêm vào:

– Ối dào, mong gì tình hình này, các người trẻ thì mong với đợi; tôi thì mong gì… trở về.

Nói xong ông cụ lại chăm chú cúi xuống gỡ miếng mỡ béo ngậy giữa miếng bánh chưng xanh đưa lên miệng nhai ngon lành và bình thản như lúc nãy.

Minh nhích ghế ra xa bàn, giữa một đám đông đảo họ hàng, người con trai vẫn thấy mình đơn độc nhưng lại háo hức với tin một chuyến đi cùng các dự định xa xôi.

CHƯƠNG TÁM

Đối với Minh ý tưởng ra đi chỉ thành sự thực khi chiếc Jet bắt đầu chuyển bánh. Trong mười người ra đi Minh đã tìm được một người bạn. Nhìn qua khoang cửa kính tròn, phía dưới Sài Gòn ban đêm chỉ còn là một khoảng sáng lố nhố. Minh cố tìm trong đám sáng hỗn độn ấy cái sinh hoạt của đời sống quen thuộc. Máy bay lên cao, cao mãi đến lúc bên dưới chỉ còn là một biển tối.

Bên trên bầu trời vẫn đầy sao. Mặt trăng lưỡi liềm sáng và trong suốt như một lăng kính thủy tinh. Càng lên cao Minh có cảm tưởng các vì sao càng xa thẳm và lấp lánh. Mặt trăng cô đơn sáng dịu giữa một cánh đồng sao bao la: ánh sáng trăng như do ánh sáng của muôn ngàn vì sao góp lại. Mấy đám mây vàng ngả dần sang màu trắng toát. Mặt trăng chênh vênh nằm ngang như một con thuyền nan cắm sào giữa sông trong một đêm sương lạnh. Minh nghĩ tới quê hương và những người thân yêu. Minh thấy nhớ Vân Anh lạ, lúc này hơn bao giờ Minh ao ước có Vân Anh bên cạnh. Vân Anh sẽ là niềm tin và nguồn hy vọng của đời chàng. Minh tự hỏi về một tình yêu liệu có thực giữa chàng và Vân Anh; nếu có chỉ là trong hoàn cảnh xa cách này chứ đời sống hôm qua và khung cảnh sống cũ không là quê hương cho một tình yêu thành tựu. Minh dựa lưng về phía sau, ngả đầu trên thành ghế. Minh nhớ là thiếu mặt Vũ khi ra đi. Minh nghĩ Vũ có một đời sống khá kỳ lạ, lúc nào cũng cố đơn giản đến thiếu thốn khắt khe; trong khi điều kiện lúc này đủ cho Vũ sống cuộc đời phong lưu, vậy mà anh vẫn tự đặt cho mình những ý nghĩ khó khăn, ngay cho đến cả quan niệm một tình yêu. Minh lại chợt nghĩ tới mẹ với cảm giác chán nản và như tìm cách trốn tránh. Tiếng nói của Thế giúp Minh thoát một sa lầy:

– Minh cậu ngủ?

Chàng mở mắt quay sang Thế, vẻ mặt đăm chiêu:

– Không, đang nghĩ tới cái gì còn lại.

Xung quanh yên lặng với ánh đèn dịu trên cao, có tiếng Thế hỏi:

– Minh, lúc ra đi hình ảnh gì khiến cậu nhớ rõ nhất?

Tự mỉm cười, Minh nói một câu không do suy nghĩ:

– Hình ảnh một cây bông gạo bắt đầu nở tung trắng xóa; lúc này cơn gió vẫn gỡ nhẹ từng cụm bông trắng theo gió mà bay đi…

Minh đang nghĩ tới buổi sáng hôm ở nhà Vân Anh, trên gác lúc nhìn qua cửa sổ xuống vườn, cây bông gạo trổ bông trắng, một cây đại nở đầy hoa nhô lên khỏi bờ tường phía bên kia và dưới sân chiếc áo trắng của Vân Anh phơi trên giây thép phấp phới trong nắng. Minh quay sang hỏi Thế:

– Thế còn cậu?

Thế ngả đầu trên ghế nói giọng tự nhiên:

– Lúc này, tôi thấy nhớ nhất lão phở gánh.

Minh bật cười hỏi:

– Có phải xe phở mới cùng ăn sáng nay không?

– Đích thị, trông thì xềnh xoàng mà không ngờ lại ngon tuyệt thế.

Minh nói đùa:

– Không lẽ lúc này chỉ nghĩ tới kỷ niệm ăn thôi.

Thế bặm môi cười bí ẩn:

– Kỷ niệm ăn, cũng đúng nhưng không đúng lắm.

– Thế là thế nào?

Thế thấp giọng như nói chuyện với chính mình:

– Hôm trước lúc mình đem tặng lão bộ quần áo rét, lão cứ dẫy nẩy từ chối và chỉ xin quần áo mỏng cũ rách thôi. Không ngờ lão ấy mà còn chê thứ đó. Buồn cười là để lão nhận mình phải tặng thêm một chiếc sơ mi nữa.

Minh ngắt lời:

– Làm sao có được mấy thứ đó mà cậu đem cho?

– Ấy thế, chả là hôm sắp đi tới thăm họ hàng, mà không nói chắc cậu cũng biết mấy cô chú tôi thì giàu có khỏi phải nói. Tới một bà cô của chìm của nổi, mình được vồn vã hết chỗ nói và còn được bà hứa dẫn ra khu Dân sinh sắm cho ít quần áo rét. Còn khi tới ông bác vào buổi trưa đúng bữa ăn, ông nhất định bắt lấy thêm đũa bát luôn thể gọi là buổi tiễn đưa vì ngày đi thì gần quá; ông bắt người nhà xuống kho lục trong rương lôi ra mấy bộ đồ rét cũ từ ngoài Bắc và đem cho. Ông còn suýt xoa về cái đáng giá của mấy bộ đồ dạ, ông khoe bộ này là được may ở phố Mỹ quốc gần hàng Trống, còn bộ kia được may tận Gôđa – mà thực ra đấy chỉ là mấy bộ đồ cũ để lâu mốc nặng mùi; chối cũng chẳng được đành phải ôm về…

Minh nghe tiếng cười khẽ của Thế:

– Ông Thái Văn ấy chắc cậu có nghe tiếng, giàu nhất nhì Hải phòng, di cư vào trong này làm ăn phất lại tậu thêm bao nhiêu là dinh cơ nữa. Mà cái vòng bụng ông thì khỏi phải nói, phải hai người như tôi đứng vào mới khít. Lấy lòng ông khuân về đem cho cũng thiếu người lấy…

Giọng Thế vẫn bình thản không lộ một chút gì chua chát. Minh quay sang hỏi:

– Thế còn bà cô hứa dẫn đi khu chợ trời Dân sinh?

– May mà mình không quay lại chứ lắm khi dẫn ra đó rồi bà vẫn còn kêu là quá đắt.

Thế yên lặng một lúc rồi tiếp:

– Thật mỉa mai, mình không bực về sự không giúp đỡ hay bỏ rơi, nhưng thái độ để cáng mà bề ngoài làm ra vẻ vồn vã tử tế mới làm cho mình khó chịu. Gia đình tôi chắc cậu biết, thầy tôi khác hẳn mấy anh em, làm nghề giáo đạm bạc trong bấy nhiêu năm, gia đình thì đông con, mẹ tôi ở nhà lại hay đau yếu. Vào Sài Gòn sau di cư được một năm, đùng một cái thầy tôi chết, thật là khốn đốn, nghĩ tới như một cơn ác mộng. Các họ hàng giàu có xúm lại tính chuyện giúp đỡ, cũng giống như cách giúp đỡ trước hôm tôi ra đi… hai vali quần áo cũ thải, thôi thì táp nham đủ thứ, về sau mẹ tôi phải cho dần đi mãi mới hết. Đã thế họ hàng còn chê bai nhà đã túng quẫn mà bọn anh em tôi vẫn có vẻ hách. Cũng may mà tôi đi dạy, lại đậu vào trường kỹ sư Điện có học bổng, đứa em gái lớn tôi phải bỏ học ngang làm cô giáo, còn một thằng em nữa qua một ông bạn thân giúp cho vào trường Thiếu sinh quân; cả nhà cũng may được yên ấm tới ngày nay. Chuyến này sang Pháp nếu có học bổng khá tôi sẽ dành dụm gửi về ít nhiều cho gia đình.

– Ngộ sang đó không đủ tiền gửi về, cậu tính sao?

– Ấy tôi cũng đã tính đến chuyện đó và thu xếp trước cả; cô em tôi sẽ phải chịu khó đi dạy tối thêm chứ sao bây giờ! Thật mỉa mai, bà cô tôi thì quá giàu, nhà mới vừa làm xong chiếc cầu thang không ưng ý phá hết đi cho xây lại tốn gần bốn mươi vạn bạc. Đã thế còn tới nhà mẹ tôi để lên giọng khoe khoang. Mẹ tôi ít nói nhưng tôi biết bà đau khổ và buồn phiền khi trông thấy tương lai các con.

Minh giọng tin cậy và trách móc:

– Thế sao đến lúc ra trường cậu lại tính chuyện đi?

– Chính tôi cũng tự hỏi như thế. Tôi nghĩ hy sinh tuổi trẻ thế đã tạm đủ, lúc này nếu ở lại cố lăn lóc chỉ là để trả thù cuộc đời, đem thêm cho gia đình cảnh dư gỉa về vật chất; nhưng tôi nghĩ khác, tôi muốn chọn một nghề mà biết cuộc đời mình sẽ phóng khoáng và chuyến đi này là một thoát ly với một xã hội gia tộc quá bẩn thỉu và nhỏ nhen…

Minh nhớ một buổi chiều tới thăm Thế lần đầu tiên, lúc trở về bên này sông trời sẩm tối, dãy nhà tối tăm mái xám bên kia bờ như bị dìm xuống mặt nước sông đang lên cao. Gió man mác thổi xao xác mặt nước sáng loáng. Mặt trăng to tròn và đỏ quạch nhô lên khỏi ngọn cây. Các căn nhà thấp tối om đã thắp lên những ngọn đèn dầu le lói. Minh tưởng tượng lúc này em gái Thế đang ngồi miệt mài chấm từng bài của lũ học trò nhỏ. Một điệu kèn réo rắt vang lên từ bên này sông rồi tắc nghẽn, Minh có cảm tưởng âm thanh đó từ bên kia bờ sông vọng lại. Hình ảnh người đàn bà già yếu – mẹ Thế, trong gian buồng hẹp tối, nhìn đứa con nhỏ im ngủ, tay cầm ngọn nến leo lét đợi bắt từng con muỗi theo lỗ rách chui lọt vào màn. Minh cho đó là một ẩn nhẫn của chịu đựng và cao giá của tình thương. Lúc này Minh như còn thoáng ngửi thấy mùi khói thuốc phiện thơm và cả nghe rõ tiếng húng hắng ho của lão Ký bên cạnh… Minh quay sang thì Thế đã ngủ tự lúc nào. Chàng nghĩ tới Hòa ở Đại học xá, tới Thế rồi tự nhủ: không gia đình thân thích như Hòa lúc nào cũng cô đơn lạc lõng, có gia đình họ hàng đông đảo như Thế cũng không sung sướng gì hơn.

*

Sáng nay Vân Anh dậy sớm sau một đêm khó ngủ, nàng chỉ mong cho trời chóng sáng. Trong căn buồng đầy bóng tối, Vân Anh nằm im trên giường đưa mắt qua khung cửa kính. Bên ngoài ánh đèn điện dưới đường chiếu qua vửa sổ, hằn lên trần nhà những ô vuông sáng nhạt lung linh. Tiếng chuông đồng hồ trên tường chậm chạp đổ từng tiếng, Vân Anh cảm tưởng thời gian trôi đi bằng những âm thanh nhỏ giọt trên một vũng nước. Khung cửa kính trên gác sáng dần nhưng vẫn trắng đục mờ mờ để lộ một khoảng trời u ám; nàng có ý nghĩ đó là ánh sáng chập choạng của buổi chiều mùa hạ sau mỗi bữa cơm tối. Một đêm dài trôi qua, thân thể Vân Anh thấm nặng những chán nản mỏi mệt. Vân Anh bước ra khỏi giường khi có tiếng rao quà quen thuộc đầu tiên của buổi sáng. “Minh đi rồi”, ý nghĩ đó chợt chở lại ám ảnh Vân Anh khiến nàng không còn thiết tha gì nữa. Vân Anh ngồi xuống chiếc bàn thấp, trang điểm trước gương như một thói quen, không chút rung động mà trơ trẽn nhạt nhẽo như miếng cơm khô nhai trệu trạo trong miệng một người đang ốm. Vân Anh chán nản, trở lại vật mình xuống giường ngổn ngang những quần áo, mở trừng mắt nhìn lên trần nhà trắng tinh không suy nghĩ.

“Minh đã ra đi”, ý tưởng đó lại chợt đến. Vân Anh thấy ghét người con trai và cảm giác xa lạ. Lần gặp cuối cùng, Vân Anh thấy Minh không phải là Minh như ý nghĩ – thì ra người con trai cũng lại kiểu cách tầm thường, cái tầm thường mà Vân Anh nhận thấy làm nàng thất vọng hơn là ý nghĩ Minh phải ra đi…

Vân Anh uể oải bước xuống thang gác và ra đường đợi xe. Tới Hội Việt Mỹ, Vân Anh bước xuống xe khi kim đồng hồ chỉ đúng chín giờ sáng. Đứng trước phòng kính bên ngoài, Vân Anh lưỡng lự nhưng rồi cũng đẩy cửa bước vào. Không khí lạnh bao chùm lấy thân thể Vân Anh khiến nàng rùng mình. Người đàn bà ngồi nơi bàn giấy giữa phòng thấy tiếng động ngẩng lên đưa tay sửa lại gọng kính trên sống mũi, thấy Vân Anh bà mỉm cười, mở ngăn kéo tủ là lấy chồng hồ sơ đặt lên bàn nói:

– Thế nào Vân Anh, tôi đang có ý đợi thì cô vừa tới.

Vân Anh cố nhếch mép cười, đưa tay nắn lại mấy đượm tóc xõa xuống; người con gái thu mình ngồi vào chiếc ghế dựa bên cạnh.

– Đang đi bên ngoài vào đây thấy lạnh quá.

Người đàn bà nhìn thẳng vào mặt Vân Anh một lúc lâu hỏi:

– Sao cô bé hôm nay có vẻ xanh và buồn bã.

Vân Anh như không nghe thấy, nói sang chuyện khác:

– Bà xem hộ đã có tin gì chưa?

– Có rồi nhưng chả vui gì! Chuyến đi Mỹ của cô lại bị hoãn không biết

đến bao giờ vì ông giám đốc vừa bị mất tích trong một tai nạn máy bay ở Thái bình dương.

Vân Anh giọng buồn nản:

– Tôi có đọc báo, người chú em ruột ba tôi cũng về trong chuyến bay đó.

Người đàn bà bật dậy hốt hoảng:

– Thế hả, có phải chú Quốc đi Mỹ hồi năm ngoái không?

Vân Anh gật đầu, người đàn bà tay nắm chắc thành ghế như ghìm xúc động, rồi lắc đầu chán nản:

– Rõ khốn khổ, trước hôm ra đi tôi còn gặp mặt, người vui vẻ trẻ trung, ai ngờ đâu nên nỗi… Thế ba nhà có nói sao không?

Vân Anh chỉ trả lời lấy lệ:

– Mới nghe tin ba em cũng cuống lên, nhưng cũng chẳng biết ra sao…. Chỉ nghe tin máy bay mất tích chứ đã biết sao đâu.

Vân Anh liên tưởng tới chuyến đi của Minh, giờ này Minh đã thảnh thơi bên Pháp. Vân Anh nghĩ tới chặng đường Sài Gòn, Tokyo qua Bắc cực tới Paris với bao nhiêu hình ảnh và tưởng tượng: có cả Vân Anh ngồi bên Minh trong chuyến đi đó. Tiếng người đàn bà kéo Anh về hiện tại:

– Sáng nay cô có giờ học, mấy hôm vắng mặt ông Conway hỏi thăm cô hoài.

Vân Anh đưa tay nhìn đồng hồ, đứng dậy và bước ra ngoài. Không khí và ánh sáng bên ngoài làm Vân Anh choáng váng. Đứng trước bực cầu thang dài hun hút, một cảm giác chán nản lại xâm chiếm tâm hồn nàng. Vân Anh uể oải bước lên các bậc thang, được mấy bước Vân Anh dừng lại, tay vịn vào thành cầu thang bằng đá mát rượi. Nàng cố phân tích nỗi buồn của mình lúc này, chắc chắn không phải việc Minh ra đi, cũng chẳng phải tin chú Quốc vừa mất tích; nghe chuyến đi của Vân Anh bị hoãn chưa biết đến bao giờ, Vân Anh thấy rõ rệt cảm giác chán nản và buồn bã. Người con gái không háo hức với hình ảnh của một cuộc ra đi nhưng ít ra chuyến đi này đưa Vân Anh thoát ra khỏi cuộc sống đều đặn và đáng chán hiện tại. Vân Anh thấy mình bị ray rứt về một cuộc chờ đợi thất vọng…

Có tiếng gót giày nện trên bực thang phía dưới, ông thầy dạy Conway vội vã đi lên, ông cười nét mặt bao dung khi gặp Vân Anh và hỏi han săn sóc:

– Sao lại đứng đây, mấy hôm nay sao cô nghỉ học?

Anh ngước mắt nhìn vẻ mặt đỏ hồng và cặp mắt nâu hiền từ của thầy dậy: một cảm tưởng được che chở và yên tĩnh lại đến với Vân Anh; nhìn mái tóc vàng lưa thưa trên vầng trán cao bóng của ông Conway, Vân Anh tìm thấy hình bóng thân yêu của một người cha; Vân Anh cố lấy lại vẻ lanh lợi:

– Mấy hôm nay tôi bị mệt, ngay bây giờ tôi cố đi nhưng cũng chưa khỏe hẳn…

Ông Conway làm một bộ điệu như trách móc, dắt tay Vân Anh đi lên, ông quay sang phía Vân Anh:

– Nghe chuyến đi Mỹ của cô bị hoãn, tôi cũng tiếc hộ. Nhưng lo gì, giỏi như cô thiếu gì cơ hội. Nếu có dịp cô cứ tin là tôi sẽ nghĩ tới cô đầu tiên.

Vân Anh cảm động chớp mắt nói:

– Ông tốt quá, tôi không biết nói sao để cảm ơn ông.

Ông Conway vẫn cười, giọng trầm buồn bảo Vân Anh:

– Tôi có hai đứa con hiện ở cả Tennessee với bà nội, một trai một gái cũng bằng tuổi cô. Xa chúng nó lâu tôi cũng nhớ, thấy cô dễ thương tôi muốn coi như đứa con tôi…

Người con gái thấy lòng bớt hẳn trống trải, nàng muốn tìm một câu nói bâng quơ để diễn tả niềm vui; Vân Anh nâng vạt áo bằng tơ chuối của ông Conway hỏi âu yếm như một đứa con:

– Chiếc áo lạ quá, mỏng nhẹ và trong suốt.

Ông Conway cười:

– Món quà đặc biệt của Phi luật tân đó!

Ông lại nhún vai làm một điệu bộ nói:

– Mỏng và nhẹ đến nỗi không biết là có mặc nó trên người, chỉ khi nào cử động mạnh mới cảm thấy.

Vân Anh bật cuời ròn rã. Hai người đi hết một cầu thang thứ hai rồi rẽ sang hành lang bên trái; ông Conway bước nhanh vào văn phòng còn quay lại mỉm cười. Vân Anh thơ thẩn bước vào lớp học đã đông người, một lát sau ông Conway đi vào. Buổi học trôi qua chậm và dễ dãi. Ý nghĩ Vân Anh vẩn vơ, nàng đưa mắt nhìn ra ngoài, ánh sáng chiếu chếch vào hành lang , trên các tấm kính mờ lấp lánh những ngôi sao nắng, phòng học sáng lên. Bên ngoài cửa, một khoảng trời xanh trong suốt và không có một đám mây, mấy ngọn cây cao vỗ những chiếc lá xanh lấp lánh và rung động nhẹ; Vân Anh thấy lại cái cảm giác chờ đợi bơ vơ, vẫn cái tâm trạng ấy bơ vơ và xa cách.

Đứng trên gác ba nhìn xuống mấy người đi lại chỉ thấy đỉnh đầu và những bước chân đi. Phía ngoài đường xe đậu từng hàng. Cả một bầu trời cao và xanh như mầu nước biển. Một chiếc phi cơ phản lực bay thật cao, vẽ nên một đường mây trắng dầy xẻ đôi vòm trời, lớp mây tản mạn ra dần; Vân Anh liên tưởng tới lớp sóng bạc của con tàu rẽ ra khơi – người con gái lại thấy nhớ tới Minh, nhớ tới người chú và nhớ tới nỗi chờ đợi chán nản của một chuyến đi vô định…

Từng chùm hoa hồng tím nở trên hàng dây leo bên tường, hoa mười giờ được nắng nở đầy tren sân cỏ; cây dừa của nhà bên kia đường đứng im lặng, các tàu lá rũ xuống, mầu lá xanh đậm phản chiếu ánh nắng lấp lánh như bạc, thân cây khô và thẳng, chiếc búp của tàu lá non đâm vút lên như một lưỡi gươm: một cảm giác đau nhói và nghẹn ngào đè nặng ở ngực, Vân Anh thấy chóng mặt gục đầu trên thành lan can, sức nặng như đè trĩu xuống đầu kéo toàn thân người nàng ra phía ngoài – mấy ngón tay còn bấu víu chơi vơi, cũng chẳng còn lý do để chống cự hay tranh đấu nữa, Vân Anh buông thả mười ngón tay với một cảm giác nhẹ hẫng. Vân Anh chỉ còn nghe kịp một tiếng hét thất thanh và một tiếng đập mạnh trên nền đất, trước khi đi vào một thế giới hoàn toàn vô tri giác.

Tiểu thuyết Mây Bão còn tiếp tục với một số chương nữa. Bạn đọc có thể tải về đọc toàn văn qua bản PDF:

VV3 MÂY BÃO TIỂU THUYẾT 1963

Comments are closed.