Ngày về của bọn họ
Ngưỡng đi như lẩn vào những gốc cây um tùm. Trên núi, tiếng những người kiếm củi vọng xuống, nhỏ, lơ lửng giữa thinh không. Qua một vùng đất quang bóng cây, Ngưỡng ngước nhìn lên rồi lại cắm cúi đi. Hồi mới tới đây, từ xa, nom ngọn núi thật trần trụi, như chỉ có cỏ phủ trên đất. Ngưỡng đã nghĩ giá có người đứng trên sườn núi, chắc nom rõ cả từng bước đi, cả từng cái dáng khom người. Bây giờ, trên núi có người, nhưng phải để ý mới thấy một cái nón, một bóng người quần áo đen nhỏ bé lẫn lộn với cây cối. Có người đeo giỏ củi đi trên con đường mòn vòng quanh núi, trông thiếu hẳn bề cao lẫn bề dầy, chỉ còn là một khối nhỏ di chuyển chầm chậm, câm lặng. Tiếng trao đổi của họ chỉ còn âm thanh xào xạc, rời rạc, không còn hơi hướng tiếng nói. Trời lạnh, đi lâu dưới bóng cây, Ngưỡng thấy rùng mình. Hai tay thọc sâu trong túi nhưng bước chân Ngưỡng có vẻ dồn dập. Buổi sáng gió ít, có nắng, những người trên kia chắc đỡ lạnh hơn. Ngưỡng nghĩ, giá mình với Diệu có một bãi cỏ trên sườn núi phơi nắng, thật tuyệt.
Ngưỡng bước lên lối mòn dẫn vòng vèo tới vách đá sừng sững. Vách núi cao ngất trơ đá màu ngà bị soi mòn, càng cao càng nhô ra ngoài tạo một vùng trống trải ở dưới chân. Những phiến đá bám vào vách, như những phiến gỗ nứt toang hoác. Diệu ngồi nhỏ bé trên một đường gờ như đào trên vách núi, hai chân buông thõng trên những lá thầu dầu tía mọc hoang.
… [1]
Ngưỡng cười chỉ tay lên vách đá trên đầu Diệu. Diệu ngước lên như rồi lắc đầu, tỏ dấu không nhìn thấy. Ngưỡng bước lên mấy cành gai khô, nhảy lên ngồi bên cạnh Diệu:
"Trong hốc núi này, đến những kẻ thù ghét nhau nhất cũng biết khôi hài".
"Chờ anh ở dưới kia mỏi cẳng quá, trèo đại lên đây".
Ngưỡng rút một điếu thuốc châm hút. Diệu cầm bao thuốc, tủm tỉm:
… [2]
Ngưỡng vuốt mái tóc Diệu rồi hít hít mấy cái. Diệu sầm mặt, quay ngó xuống mấy tấm lá thầu dầu. "Tóc em nhẹ rồi đó. Cũng hết luôn mùi dầu dừa. Làm sao mà sửa soạn mau vậy?". Ngưỡng hỏi, chợt để ý đến khuôn mặt Diệu. "Nói vậy cũng giận sao?". Diệu lặng thinh. Ngưỡng thấy Diệu gần gũi mình, đáng yêu hơn bao giờ. Những lúc Diệu yên lặng, Ngưỡng vẫn thấy Diệu đầm ấm hơn; hợp với dáng mảnh dẻ của Diệu hơn. Ngưỡng vòng tay ôm vai Diệu kéo ngả lại mình. Vai Diệu rung như có sự trở mình của một bắp thịt. Những khao khát trong các đêm nằm một mình, hoang mang vì những tiếng súng gần bên, giảm xuống tới độ Ngưỡng hết còn mường tượng nổi lại lòng mình các lúc đó. Ngồi bên Diệu, Ngưỡng thương Diệu hơn thương mình. Đời sống thường ngày đầy lo lắng đã bị trật nhịp.
"Chừng nào anh nghỉ tết?". Diệu hỏi. Đời sống thật đã trật nhịp. Nghe Diệu, Ngưỡng thấy chuyện về những dự tính lạc thú trở thành những điều không cần nghĩ đến.
"Hai mươi bốn tháng chạp. Nhưng làm sao mà về?". Ngưỡng nói đến những khó khăn ngăn trở chuyện về bằng một giọng bình tĩnh chưa có bao giờ.
Diệu gỡ tay Ngưỡng, đặt trở về đùi Ngưỡng: "Em chỉ muốn làm em anh".
"Em học ở đâu kiểu nói đó", Ngưỡng toan nói lại thôi. Nhưng nếu tình yêu chỉ là những thỏa thuận tốt đẹp về nỗi vụng về, giả dối của nhau thì thật hỏng. Ngưỡng cười thấy hai má thật lạnh: "Thì anh bao giờ chẳng muốn em làm em gái của anh. Nhưng trong những đêm nằm ngoài bờ bụi mà mơ mộng được ôm em gái mà nằm ngủ, kể ra cũng kỳ khôi".
Ngưỡng lại vòng tay đặt lên vai Diệu. Diệu ngả hẳn lưng vào vách đá, kêu nho nhỏ:
"Coi chừng, em té".
"Em té thì gãy cây thầu dầu".
Diệu tựa im vào vách đá, hai tay vòng trước ngực. Những lá thầu dầu dưới chân có gió, lòa xòa lắc lư. Ngưỡng nói: "Anh về Sài Gòn, em muốn anh mua gì tặng em?". Ống quần Diệu lật phật đập vào đá. Diệu nhìn hai bàn chân mình, do dự. "Em không biết thứ gì để mà lựa. Thứ nào em nghĩ được cũng thấy thường hết". "Để anh lựa giùm cho. Lúc anh ra ngoài này, em cũng thấy bất ngờ".
Ngưỡng mở fermeture áo len, cúi đầu xuống châm một điếu thuốc. Diệu nhìn những cử động của Ngưỡng, miệng nhổ những sợi tóc vương vào bên mép. Đôi lông mi của Ngưỡng dầy đậm, Diệu thấy phần đuôi ở trước mặt mình xếch ngược. Diệu khó hiểu được một người có tướng dữ như Ngưỡng lúc nào cũng bận tâm về chuyện chạy trốn. Diệu chợt cau mày nghe ngóng như Diệu chỉ mơ hồ tưởng có tiếng người xào xạc từ trên cao vọng xuống. Diệu men theo vách đá, bước xuống. Ngưỡng muốn giữ lại nhưng sợ Diệu ngã. "Đã về rồi sao?". Ngưỡng nhảy xuống những cành gai khô, chặn Diệu, hỏi: "Ngồi mỏi quá sức", Diệu nói. Tiếng gai gãy ròn dưới chân Diệu. Ngưỡng toan nhấc bổng Diệu lên song lại lấy chân giẫm bẹp những cành gai lấy lối cho Diệu bước. "Từ giờ tới tết, tới hôm anh về anh muốn gặp lại Diệu lần nữa ở đây". "Ở đây hãi lắm". Hai người xuống con đường mòn. "Ở chỗ khác vậy." "Vậy cũng đủ rồi. Tết ra, gặp lại. Gặp hoài coi dị lắm." "Mấy lần rồi mà gặp hoài?"
Ngưỡng nghe như mình nói uể oải. Diệu yên lặng, Ngưỡng cũng không muốn nói gì thêm. Lần nào cũng vậy, trước khi chia tay, Ngưỡng tự nhiên nản một cách lạ lùng. Trước lúc đến đây, trước khi thấy Diệu ở nơi hò hẹn, Ngưỡng vẫn bị ám ảnh bởi những điều ở ngoài Diệu và trước khi rời Diệu, những ám ảnh đó lại lấp ló hiện ra khiến Ngưỡng thấy những phút bên Diệu như một cách tìm sự lãng quên. Ngưỡng đã định ôm Diệu hôn trên đống cây gai như nhớ lại Diệu, có lúc – dù trong khoảnh khắc trật nhịp của đời sống – đã làm mình thương một người không phải mình. Ngưỡng dành cho việc từ bỏ ý muốn đó như một đền đáp khiêm tốn với Diệu.
Hai người rẽ sang trái hai con đường khác nhau lúc qua ngôi mộ đá tổ ong có nhiều hốc tối dành cho rắn và bò cạp. Ngưỡng không thấy tiếc, thấy ngùi ngùi cho mình và Diệu. Diệu cũng cần, cũng khao khát một chỗ bình yên, cũng cần được săn sóc. Ngưỡng qua những ruộng mía, đi chậm lại. Cả một rừng bông mía vươn cao, trắng ngát. Ngưỡng ngắm các ruộng mía như một chủ ruộng đi thăm đồng. Nghe tiếng lá khô loạt xoạt cọ vào nhau liên hồi, Ngưỡng vững lòng. Nếu có người bò trong đám mía, có vấp ngã, những tiếng loạt xoạt cũng át đi, khỏi sợ lộ. Ông thầy ngày xưa lúc rảnh đi ra đồng thăm đất, tìm long mạch khai thác cái chết gây lợi cho con cháu, ông thầy bao giờ ra đồng, tìm một chỗ ẩn trốn cái chết. Hiện tại đã gây những tuyệt vọng ở ngay nỗi sống, nói chi đến cái chết với một thế giới khác bình yên. Người ta hủy hoại tiêu diệt nhau ngay lúc tưởng cần cùng nhau góp sức, nói chi đến một thương mến con cháu sau này. Mọi hướng về tương lai, mọi hứa hẹn một thiên đàng sắp có chỉ là một hình thức hợp lý hóa việc tung một trái lựu đạn vào đám đông, việc đâm ngập lưỡi dao vào gáy kẻ khác.
Ngưỡng trở về nhà trọ, thấy vợ chồng ông cụ già đã lịch kịch ở dưới bếp. Phan cuốn mền đọc tờ báo của Ty. Huỳnh ngồi phơi nắng ở giàn cây đầu nhà mạng lại manh áo sơ mi.
"Ăn thua chi không?" Huỳnh hỏi.
"Ăn uống mẹ gì. Lần nào cũng hỏi".
"Người ta hỏi để nếu có gì người ta mừng cho mà cũng khó tính". Huỳnh cười hềnh hệch. Trong đầu Huỳnh dường như từ trước tới giờ Ngưỡng vẫn đang cố gắng chiếm đoạt Diệu. Hắn muốn được theo dõi. Ngưỡng úp mở: "Thì cũng phải từ từ, dễ gì mỗi lúc làm hư được con cái nhà người ta". Huỳnh nhìn Ngưỡng như toan hỏi han. Ngưỡng bỏ vào nhà. "Như vậy là đủ để cậu có chút hấp dẫn mà sống rồi. Đừng tò mò nữa."
Ngưỡng rót một ly trà nóng, nhúng cả đôi môi nứt nẻ vào mặt nước rồi đặt ly, thè lưỡi liếm từng giọt nước có vị chát chát, ngọt ngọt. Phan đặt tờ báo xuống chiếu, hỏi Ngưỡng: "Mấy giờ rồi anh Ngưỡng?" "Đồng hồ tôi hư rồi". Phan nhỏm dậy, gấp mền. Hắn vận một tấm áo len không tay nom như gấm gilet nẹp lấy người, ngắn cũn cỡn. Bàn tay hắn vuốt mấy lượt tấm mền đã gấp trước khi mở cái rương sắt, bỏ vào. "Bữa nay mới có thì giờ đọc hết tờ báo. Nhiều bài khá lắm, anh Ngưỡng" – Phan nói. Ngưỡng nhớ tờ báo đó có một bài thơ của Phan ca tụng vùng này "…Nơi đây trái ngọt cây lành." Ngưỡng hỏi: "Anh đã được thêm tin gì chưa?". Ngưỡng hỏi không rõ ràng nhưng Phan hiểu Ngưỡng muốn nói gì. Lúc này chẳng còn chuyện gì khác chuyện ấy. "Không. Từ sáng tới giờ, tôi không ra khỏi nhà một bước." "Nếu họ xuống đã ồn lên rồi. Nhưng chắc rồi thế nào họ cũng xuống nay mai" – Ngưỡng chắc chắn. Phan cười nhợt nhạt: "Chẳng có gì bảo đảm cả. Không khéo mình ăn tết ở đây mất thôi." "Càng vui. Tôi chưa hề ăn một cái tết ở xa nhà bao giờ." "Bàn tán chi cho mất công, thêm lo. Chỉ bây giờ tuần sau, ai ở nhà người nấy rồi" – Tiếng Huỳnh vọng vào và cười to. Phan hết băn khoăn: "Tôi e ba mươi tết mình vẫn còn ở đây đó chứ."
Bà cụ già từ dưới bếp lên, lôi ở gầm giường ra một khúc gỗ lớn có khoét ba cái lỗ dùng làm cối giã trầu. Bà cụ lần lượt móc lá trầu, cau tươi… để mỗi thứ một lỗ. Phan bảo bà cụ: "Bác để tôi đâm cho, bác xuống sửa soạn cho chúng tôi ăn đi". "Sắp xong rồi. Thầy mặc tôi". "Lâu lâu mới giúp bác một lần. Kính lão đắc thọ". Phan cúi xuống giữ lấy cái chầy đầu bịt sắt. Bà cụ vẫn có vẻ ngần ngại, tay chưa chịu buông cái chày. Ngưỡng xen vào: "Thì bác cứ để anh ấy giã giùm". Bà cụ buông tay ra, đứng lên, áy náy. Đường giao thông còn như trước kia, chắc có ngày Diệu được vào Sài Gòn làm tóc. Chỉ một đêm ngủ gà ngủ gật trên xe lửa.
Cơm dọn trên cái bàn tròn, mặt ẩm. Huỳnh lững thững vào ngồi sau cùng. Hắn nhìn mâm cơm nhăn mặt. Vẫn đĩa trứng thường xuyên, vẫn hai bát rau muống chẻ, một khúc cá và ba tô canh bầu hạt tổ bự. Phan bảo ông cụ: "Gần tết, bác nên cho thay đổi món ăn một chút". Ông cụ cười ừ ào như mọi bận. Bà cụ vừa nhai trầu, vừa nói: "Tháng này đã thay món cá biển bằng cá trầu rồi đó. Tới cuối tháng, mấy thầy "kiểm thảo", tôi sẽ thay đổi thêm". Ngưỡng nhớ tới buổi họp trong trường: "Kiểm thảo, kiểm tục chi cho mất công. Có trái ớt nào, bác cho một trái để át bớt mùi cá tanh?" Huỳnh ăn ngốn ngấu. Hắn vẫn có thói quen ăn một cách hăm hở để tự đánh lừa. Những hôm học trò mới về nhà ăn giỗ, hắn vui như trẻ con. Trước kia thỉnh thoảng còn về thị xã, mỗi lần ra, hắn mua cả một cái giò lụa, cả sáu bảy ký lạp xưởng rồi bắt cả ba phải chịu tiền. Phan khó chịu, kêu hắn "tự tiện", hắn mặc.
Cơm xong, Phan thay áo, ra khỏi nhà đi thăm hiệu trưởng. Huỳnh bỏm bẻm nhai trầu nói tiếu lâm với Ngưỡng. Ngưỡng bảo: "Có lẽ từ nay không nên đánh bài với bọn dân vệ nữa. Tụi nó cay cú". "Không chơi, tụi nó lại kêu kém thân thiện". "Đấy chỉ là một cái cớ của mình". Huỳnh suy nghĩ, trầm giọng: "Hết năm nay có lẽ Phan được về gần Ty". "Ai nói vậy?" "Hiệu trưởng". "Hiệu trưởng nói thì đáng tin lắm". "Hết niên học này, tám năm mình sống ở miền núi của ba tỉnh. Mỗi lần hoán chuyển sang tỉnh khác, mình lại lầm thêm một lần. Năm nay, cóc cần xin đi đâu nữa". Ngưỡng khôi hài: "Giọng nói bắt chước lơ lớ giọng địa phương, mớ tóc che tai của cậu khiến người ta lầm cậu thích hợp với đời sống rừng núi, than thở chi, mất công". Huỳnh sững mắt, giận: "Mình mà thèm thở than, cậu đừng có giỡn". Huỳnh vẫn kỵ những lời phán đoán mình đang ở trong cảnh khổ. Hắn giận cấp trên nhưng lại cho hoàn cảnh hiện tại do mình tự do định đoạt. "Mình không chịu, chỉ có Việt Công mới bắt bí được mình". Hắn giận Ngưỡng kêu hắn than van. Nhưng ngay cả dáng điệu hắn cũng luôn luôn là sự than thở.
Từ tảng đá ở bên giếng nước nhà trường. Ngưỡng có thể nhìn qua cánh đồng dưới chân đồi thấy vùng An Bình ở xa xa. Chỉ năm cây số đường chim bay nhưng chuyện về An Bình có khi đã thành mộng ước của Huỳnh. Ngưỡng vừa tới thị xã đã bị đưa lên đây ngay nên thị xã không là một hình ảnh để Ngưỡng khao khát quá như Huỳnh. Cách đây một năm, theo lời Huỳnh, đường từ đây về thị xã đi lại thật dễ dàng. Những ngày nghỉ, chỉ việc đứng đợi một chuyến xe từ quận chạy qua chân đồi, một giờ sau đã có mặt ở đại lộ thị xã. Bây giờ, khúc đường từ đây về An Bình đã hoàn toàn bị đứt. Những người dạy ở An Bình tuy cách xa thị xã cả ba bốn chục cây số, tuy rất dễ gặp một ổ phục kích, một trận đánh, một trái mìn giữa đường nhưng đường về thị xã vẫn còn có thể đi lại được. Ở đây thì hoàn toàn cô lập. Hồi đường từ đây về An Bình bị cắt ít lâu, có người vùng này qua đó đã thấy có những căn nhà của Việt Cộng dựng vào chân núi, đã thấy những con heo từ các căn nhà đó ra đường đầm mình trong những vũng đất. Huỳnh, sau mỗi buổi học, ra giếng rửa tay, thường đứng trên mỏm đá tần ngần nhìn về phía An Bình. Hắn theo Thiên Chúa giáo, trông tháp chuông nhà thờ An Bình nhô cao trên nền trời vùng biển, hắn nói An Bình dù sao cũng còn điều ấm cúng. Bây giờ về mùa đông, bầu trời xám và thấp, tháp nhà thờ thường mờ mờ sau những buổi chiều tan học. Huỳnh kêu đó là vùng dĩ vãng của hắn. Hắn muốn được một Chủ nhật về ở đó, đứng ở bực tam cấp nghe lễ và sưởi nắng. Sau đó, lên xe về thị xã rủ một đứa em đi thọc bi da.
Ngưỡng hiểu Huỳnh, thấy hắn thật tội nghiệp. Hắn khao khát về bao nhiêu, lúc ra tới đây hắn mừng rỡ chừng nấy. Hè vừa rồi, hắn đã ra sau ngày khai giảng một tháng rưỡi vì không đi được. Lúc đầu, gặp những người bạn trong thị xã, hắn cười trước vẻ ngạc nhiên khi thấy hắn vẫn dong chơi trên đại lộ như một người an nhàn nhất: "Dạy xa là thế đó. Mỗi năm trung bình đến lớp ba tháng". Nhưng sau nhiều ngày xách "sắc" ra ngồi ở một quán nước xiêu vẹo, ngong ngóng trông vào sân bay quân sự chờ một chuyến máy bay bất ngờ, hắn bắt đầu sốt ruột. Ngày lại ngày, hắn trèo lên xích lô đi rồi lại trèo lên xích lô về. Trong quán cơm, bên câu chuyện của các đồng nghiệp, hắn lạc lõng với bộ mặt phờ phạc vì chờ đợi. Chờ đợi trở lên miền mỗi bữa cơm có một đĩa trứng tráng và đêm đêm nằm ngoài ruộng trông sao. Ba mươi buổi chầu chực ở cổng sân bay, sáu mươi lần trèo xuống xích lô đã động tâm Ty. Bây giờ hắn khỏi phải lên phi trường, sáng sáng xách "sắc" lên Ty, ngồi trên hiên chờ máy bay. Hắn lựa chỗ cuối hành lang có những cây huỳnh anh dựa vào cột hoa ngủ gà ngủ gật. Bên tai hắn, mơ màng tiếng gõ máy chữ, tiếng "sạch sạch" của máy quay ronéo, tiếng giầy sẽ sàng trên đá hoa và những tiếng ho trong lòng bàn tay. Cuối cùng, hắn theo một đoàn "công voa" chở thực phẩm ra ngoài quận. Hắn luống cuống trước cái tin bất ngờ đó nhưng còn cố chạy đi mua ba ký lạp xưởng cỡ lớn. Lúc ra tới nơi hắn lôi trong "sắc" của hắn ra sau cây thuốc Quân tiếp vụ, một chai xá xị đựng xăng, một ống đá lửa, một tấm khăn để chít đầu trong lúc chui ra ngoài ruộng, mấy chai thuốc đỏ và vài ống pommade xức các vết xướt, một chai cồn chín mươi độ để nặn khi sai khớp xương.
Bây giờ, Huỳnh đã quên hết nỗi vất vả, những ngày chầu chực của hắn. Trên tảng đá nhìn xuống vùng An Bình, tấm thân phục phịch của hắn chơ vơ trong những buổi chiều tan học mùa đông trông vừa hài hước, vừa bi thảm. Ngưỡng hỏi hắn: "Đã quên ngày ngồi ngủ gật ở Ty rồi sao?" Hắn ngớ ra một lúc, đưa mu bàn tay cọ cọ vào hàm râu nham nhở: "Không hẳn quên cũng không hẳn nhớ. Mình nhớ mình đã vất vả về chuyện chờ đợi nhưng hết còn mường tượng nổi tình cảm của mình lúc đó. Mọi tình cảm nơi mình lúc này đều dồn vào chuyện về. Sau ngày hai mươi lăm tháng Chạp, còn ở đây, coi như hết hy vọng. Cậu cứ tưởng tượng, đêm giao thừa nằm ở đây mà nhớ nhà…" Nghe Huỳnh, Ngưỡng không còn thấy một chút bình tĩnh, vững chãi ở người đàn ông ba mươi mấy tuổi này nữa. Trong giây lát Ngưỡng thấy mình già đi nhiều. Ngưỡng bảo hắn: "Trẻ như tụi này có lẽ đỡ khổ hơn mấy cậu. Phan và cậu, nguyên việc xa vợ xa con cũng đủ thấy oán vùng núi non này rồi. Nhưng cậu cứ yên tâm. Thế nào chẳng có mấy chiếc trực thăng chở đồ ăn tết ra cho quận". "Cậu nói như thật. Tháng trước nó vừa tải thực phẩm ra dùng trong tháng, có điên nó mới ra nữa" – Huỳnh nhăn nhó. Thấy Ngưỡng cũng ngẩn mặt, hắn vội nói: "Tuy nhiên mình chắc đám biệt kích núi không chịu ngồi yên từ giờ đến tết đâu. Thể nào họ cũng xuống núi, về thị xã khuân thực phẩm lên".
Ngưỡng lắc đầu. Chỉ có Huỳnh mới tự an ủi được hắn. Nếu có giấc ngủ làm hắn sung sướng chắc là giấc ngủ mơ thấy những người lính quàng khăn đỏ ở cổ họng súng gờm gờm chĩa vào các bụi cây. Nhưng có đêm nào hắn ngủ được trọn giấc. Giấc mộng của hắn nếu có cũng dở dang. Cách đây mấy hôm, thằng học trò trưởng lớp Ngưỡng ra đi, Huỳnh lại càng vất vả. Hắn nghiễm nhiên phải thay thế thằng bé, làm kẻ dẫn đường lẩn trốn trong đêm. Ngưỡng thấy nhớ buổi chiều hôm ấy, nhớ thằng bé lạ lùng.
Những cây phượng cao hơn tầm tay trụi hết lá, cành cong đầy mắt, trông những cái đuôi khô nhô đốt xương. Bụi tre xơ vàng óng cuối dãy trường vật vờ phần ngọn loáng thoáng ánh nắng. Thằng học trò trưởng lớp vẫn co ro trước cửa văn phòng hiệu trưởng đợi Ngưỡng. Đầu nó chùm hụp một cái mũ nhà binh đã cũ. Ngưỡng không hiểu nó thiếu khôn ngoan hơn mình hay bạo dạn hơn. Ngưỡng không bao giờ vứt cái vỏ Quân tiếp vụ ở trường như trước kia vẫn vứt những vỏ Ruby. Chắc thằng bé lại muốn xin thôi học. Buổi nào Ngưỡng cũng vỗ về chúng như một thông lệ cầu nguyện: "Các em cứ gắng đi học, cuối năm thầy cho đậu hết". Nhưng sổ điểm danh ngày nào cũng chạy dọc một cột dấu chữ thập. Có đứa vừa ra khỏi lớp học vừa mếu máo, luẩn quẩn bên cửa sổ nhìn vào cả buổi, có đứa Ngưỡng nghe tin bị bắt lên núi cả tháng mới thấy người nhà đến xin lại hồ sơ, có đứa nghỉ hôm trước, hôm sau gửi cho thầy một lá thư đầy lỗi chính tả hẹn ngày "giải phóng" cho thầy. Ngưỡng thay vì soạn bài đã lục trí nhớ chép lại những bản nhạc của Phạm Duy đem dạy học trò. "Ngày trở về có anh thương binh chống nạng cày bừa…"; "Từ ngày chinh chiến mùa thu…"; "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…". Lúc này, chỉ còn Phạm Duy mới dạy được chúng nó. Nhưng chỉ dạy một bài ca, một câu nói về Phạm Duy, những đứa trẻ lại thấy mình tách khỏi khối Việt Nam thảm họa, thấy mình một mình lo lắng trên đường về, một mình thao thức chờ tiếng trống tựu để biết đã qua đêm. Không còn ai để cất lời than chung với nó, chỉ có từng người hoang mang lẫn trốn.
Những lúc dự đoán đời sống đám học trò Ngưỡng thường đột ngột nhớ tới Sài Gòn. Nhớ tới nhà hàng Quốc Tế chỉ vài hôm đã tẩy xóa hết vết tích do những trái nổ rạng ngày 1/11/1963. Mười năm, hai mươi năm sau, những đứa còn sót lại liệu có được mặc quần áo mới để hát nhạc Phạm Duy hay lại thành những gã cày ruộng đầy những hoảng hốt, cắm đầu lội trên những luống cày nghêu ngao những bản nhạc của lớp học xưa, giọng buồn như một giọng Hời mất nước. Tết này ở đâu cũng vậy thôi. Ngưỡng thấy mình như tự lừa gạt trong tâm trạng chờ đợi ngày về.
"Thưa thầy, thưa thầy…" Thằng trưởng lớp ấp úng. Ngưỡng thấy tội nghiệp thằng bé. Thằng bé đêm nào cũng ra ngoài bãi mía trốn với bọn Ngưỡng, lủi nhanh như con sóc. Huỳnh không mấy ưa nó, thấy nó quá sợ thầy. "Những hiệu trưởng trước kia đều là những thằng trưởng lớp như mày", có lần Huỳnh đã bảo nó. Ngưỡng thấy thật khó xử mỗi khi bất đắc dĩ phải gọi thằng bé nằm bò bên mình cả đêm hôm trước đọc bài. Ngưỡng thấy nó là một người bạn xoay xở lanh lẹn trước những trường hợp nguy hiểm của mình hơn là một đứa học trò. Trong bóng tối, nhoài người trong ruộng mía mênh mông, không bao giờ nó nhầm phương hướng. Nó thuộc từ cái bờ có thể nấp lánh đạn, từ cái giếng khô trong bãi. Nhiều bữa nó xin phép Ngưỡng cho nghỉ học để mò mẫm tới những gò đống bọn Ngưỡng ẩn trốn, bắt rắn và bò cạp, dọn chỗ cho thầy.
"Thưa thầy, em muốn xin rút lại hồ sơ." "Hồi nãy, ở trong lớp sao không nói?" – Ngưỡng hỏi. Thằng bé cười gượng: "Em sợ tụi nó ngạo em. Em muốn xin thôi học, lấy lại hồ sơ để… đi biệt kích". "Đi biệt kích?" – Ngưỡng lạ lùng: "Nhỏ như em làm sao đi lính?" Thằng bé tự tin: "Em đã hỏi cẩn thận rồi. Cứ lên gặp họ, nói không có chỗ trốn Việt Cộng, họ nhận liền". "Sớm mai em nói lại với ông hiệu trưởng". Hai thầy trò ra khỏi cổng trường. Gió dưới đồng thổi lên hun hút. Mấy luống lang ở khu học đường viên vừa được tưới nước, ẩm ướt lạnh lẽo.
"Tối nay em đến thầy". Thằng bé nói, nhảy lên sau chiếc xe đạp của một đứa bạn đứng chờ bên hàng rào. Chiếc xe lao xuống con đường dốc. Chiếc mũ nhà binh như trôi trên thác nước rồi khuất hẳn. Ngưỡng lững thững về nhà. Những chiếc lều chợ xiêu vẹo trống trải. Con đường hai bên thoai thoải như lòng sông cạn đầy phân trâu phân ngựa. Đẩy cửa vào, Ngưỡng nghe tiếng Huỳnh nóng nảy, chua chát: "Đã ở cảnh khổ này, không thương nhau, ít ra cũng phải biết điều với nhau một chút". Huỳnh hậm hực nhổ toẹt miếng trầu lúng búng trong miệng. Phan mỉm cười đứng dậy gài lại chốt cửa. Ngọn lửa trên bàn chập chờn, chập chờn. Người Phan trông dóc hẳn đi. Hai gò má đậm, bóng tối, lõm sâu. "Mỗi người có lý của mình. Làm hiệu trưởng mà để giáo viên muốn dạy, muốn nghỉ ngày nào cũng được, khi Ty quở trách ai gánh chịu đỡ cho đây. Mình phải đặt mình vào địa vị người ta mình mới thấy được sự công bình". Tiếng Phan yếu ớt như một hơi thở dốc nhưng luận điệu vững vàng. Huỳnh có nóng nảy cũng không nỡ cắt đứt, át đi tiếng nói của Phan song yên lặng nghe, thấy Phan mỗi lúc nói một đậm như thể chính Phan là hiệu trưởng và Huỳnh càng dồn cơn giận mỗi lúc một bừng cao. Huỳnh chờ Phan dứt hẳn mới nói: "Tôi không đả kích hiệu trưởng như đả kích chức vị của anh ta, anh đừng nói rộng ra để buộc lỗi tôi. Sự thực, tôi chỉ muốn nói riêng đến một chuyện đó. Chỉ một chuyện đó thôi. Nếu lính họ đi qua, không về với họ, đành chờ thanh bình mới về ăn tết sao". "Thì một chuyện đó chớ sao. Trong bất cứ chuyện nhỏ nhặt, riêng rẽ nào khác, người ta cũng chỉ có một thái độ. Thái độ của một người có tinh thần trách nhiệm". Huỳnh có vẻ bí, tay vung lên biểu lộ nỗi ấm ức. Ngưỡng nói: "Hai anh cứ còn có những cuộc tranh luận thế này, tự động sẽ có anh biến thành cấp trên, một anh thành kẻ phản kháng, trong lúc cả hai anh đều là những người dưới quyền hiệu trưởng, mong về với vợ con". "Lẽ phải nhiều khi tách rời những người cùng cảnh ngộ". Phan thản nhiên. Ngưỡng cười nhạt: "Nhưng nhiều khi lẽ phải cũng là thứ ngụy trang có thể lợi dụng để dành ưu thế cho mình". Huỳnh trong khi bị hậm hực mỗi khi cãi nhau với Phan nhưng thấy Ngưỡng gay go, Huỳnh lớn tiếng: "Các ông làm như thể sắp được về đến nơi, nói hoài về chuyện đó chi cho tốn nước bọt. Hiệu trưởng có mở rộng cửa trường cho các ông về ngay ngày mai, các ông cũng đành nước nằm khoèo mà đợi".
Ngưỡng rót một ly nước, Phan bỏ lên giường nằm. Ngưỡng nghĩ tới cái lỗ khoét dưới chân vách áp giường Phan. Đã bao nhiêu lần cả ba chui qua cái lỗ đó, sao vẫn khinh nhau. Hắn tham sống và vin mù quáng vào những hình thức mang danh sự ổn định? Nhưng còn Ngưỡng? Có lần nào hắn chui qua lỗ đó mà thiếu Ngưỡng đâu? Hay tại sự hèn nhát ghê tởm của hắn trong dĩ vãng và "lẽ phải" của hắn trong hiện tại. Tới đây, Ngưỡng hết đường trả lời và thắc mắc, Ngưỡng hình dung cảnh Phan hoảng hốt chỉ vào bụi rậm trong lúc đám dân bị bắt cùng với hắn đứng chết cứng. Một khẩu tiểu liên hết đạn giơ lên khỏi bụi cây. Những tràng đạn hung nộ xả vào. Những ngọn cây gẫy gục. Một bàn chân giầy da cao cổ lòi ra. Trở về hắn bị bắt và được tôn giáo mở cửa ngục, dẫn về cho đi dạy học lại. Ngưỡng chắc "lẽ phải" của hắn đã có ngay từ khi lọt lòng mẹ, như nỗi hèn nhát và tội lỗi của hắn. Ngưỡng không nghĩ mình khá hơn hắn nhưng nếu đám dân còn im lặng, chắc chắn Ngưỡng không phải là kẻ tình nguyện. Ngưỡng châm một điếu thuốc thấy ngọt miệng lạ thường. "Thằng trưởng lớp lớp tôi nó đi biệt kích cậu ạ" – Ngưỡng nói. Huỳnh cười buồn: "Càng may cho nó. Sau này nó đỡ phải làm hiệu trưởng". "Sau này là bao giờ?" "Sau này là sau này". "Ừ, sau này… Cậu quả đã có thói quen chờ đợi" – Tiếng Huỳnh cười lớn rồi kìm ngay lại. "Tết về Sài Gòn cậu định làm gì?" "Hơi khó nói đấy nhé. Phải nghĩ lại coi. Có lẽ rút bất… ờ… ờ".
Chiếc phi cơ dời phi trường. Những ngọn núi sụt chiều cao. Ghế da trong những rạp có máy lạnh. Cả vùng ruộng bờ biển khô cháy. Những vũng nước thu nhỏ, xanh mắt mèo. Vẻ đẹp đánh lừa người trên cao. Những luống nước đục đất thó trải thành từng giải trên mặt biển. Mây phẳng như một biển bông gọi chuyện Tề Thiên, Trư Bát Giới. Những chiếc thuyền như gấp bằng bìa xoay vần dưới kia đã mất hút. Những đốm lửa đỏ quạch đốt tha rải rác trên các sườn núi. Đèn trong phi cơ bật sáng. Ngưỡng đột nhiên thấy dưới kia nhòa hết, chỉ còn mình nhìn bóng mình mỗi lúc mỗi nổi bên cửa mi ca. Núi non và biển cả đều là vực thẳm mênh mông bóng tối. Một vài đô thị xa vời dấu vết là mấy chuỗi đèn li ti. Sài Gòn đột ngột hiện ra như một ánh sáng bất ngờ. Ngưỡng xuống những sườn đồi sao sa. Bến xe buýt phi trường vắng không. Lối ra chắn ngang cây gỗ cản. Snack bar, con gái, Mỹ, phu xích lô. Tắc xi đòi giá gấp đôi. Những ngả đường ngoại ô có cảnh binh xét giấy quân dịch. "Tôi ở ngoài Trung dạy học, máy bay về tối". Những giáo khu cổng kín, những ngôi chùa trong lòng… [3]
… dần, nhỏ dần rồi biến thành một biển mây hồng mây trắng dưới cánh máy bay.
Buổi chiều, Ngưỡng thảo đơn xin hiệu trưởng nghỉ dạy một buổi, lên quận. Ngưỡng gặp người thiếu úy phụ tá. Anh ta nói mai Diệu sẽ được về, không có chi đáng ngại. Ngưỡng chào anh ta, về. Ngưỡng gặp một chiếc xe jeep chạy về quận, chở một con nai bị bắn chết và ít người dân vệ vừa hát vừa reo. Không hiểu Diệu ăn gì trong thời gian bị giữ. Chắc chắn là không có thịt. Những người trong quận nếu một tháng đôi lần không săn được nai, có lẽ cũng không bao giờ được ăn thịt.
Về tới nhà, Ngưỡng thấy Huỳnh đã về, vừa huýt sao vừa lau chiếc bàn giữa nhà. "Phan đâu cậu?" "Ăn giỗ ở nhà hiệu trưởng". Ngưỡng cười: "Cậu được mời?" "Sao lại không. Cậu cũng được mời song mình đại diện từ chối. Ăn giỗ, nói chuyện người chết và công văn, chỉ thị, nuốt sao vô?" "Chuyện cô Diệu sao?" "Mai về. Biết vậy thôi". "Có nghe tin tức gì không?" Huỳnh vứt cái khăn xuống chậu nước, ngâm một ngụm rượu, bắt chước ông già chủ nhà, phun xuống mặt bàn. Những con ruồi vừa đáp xuống bay ùa lên. "Sẽ dành cho cậu một bất ngờ" – Huỳnh nói. Thấy Huỳnh vui, chịu khó lau bàn, Ngưỡng đoán Huỳnh vừa kiếm được một món nhậu. "Nhậu phải không?" Huỳnh hít hít mấy cái. "Cậu thính mũi thật. Gan nai xào có khác". Ngưỡng chắc Huỳnh đã khéo léo điều đình ngầm với mấy người dân vệ lúc họ săn nai mang về quận. Thấy Ngưỡng không lộ vẻ mừng, Huỳnh bảo: "Thịt gan đều tươi mà mình lại chỉ dẫn cho bà cụ cách xào nấu, chắc không đến nỗi dở." "Cậu từ chối ăn giỗ hợp lúc lắm".
Lúc mâm thức ăn bưng lên trời chạng vạng tối. Khi hai cánh cửa đóng lại, tiếng gió như trở nên lớn hơn. Huỳnh lấy một xị rượu, rót đầy ba chén, bảo ông già và Ngưỡng:
"Tối nay phải say một chuyến, rồi ngủ ở nhà, mặc súng đạn trời đất. Chiều nay nhớ nhà quá, chịu hết nổi rồi".
*
Ngưỡng nghe tin Diệu về, chưa kịp gặp, lại nghe nói Diệu bệnh. Ngưỡng xin Huỳnh ba viên tifomycine gửi cho Diệu. Những ngày cuối năm qua mau. Ngưỡng không dám nghĩ đến chuyện chờ đợi nữa. "Em chỉ muốn là em gái anh". Có lẽ đó là cách gỡ khó cho cả hai trước khi mỗi người trở về đời sống riêng lẻ của mình. Nếu Ngưỡng thấy mình chẳng thể bao bọc được một người vợ như Diệu, Ngưỡng cũng không thể đóng vai người anh thầm vụng nhớ thương em gái. Diệu cũng như những chữ bằng vôi nguệch ngoạc trên vách đá, đành coi như những kỷ niệm ở ngay hiện tại. Nhưng đời sống Ngưỡng vẫn còn bám lấy miền núi này như một loài cây leo bám vào các khe đá, liệu bao giờ chuyện xa cách Diệu thoát khỏi được vòng dự tính để thành sự thật.
Bên Ngưỡng, Huỳnh mỗi ngày một tỏ ra nóng nảy, sốt ruột. Phan cũng sốt ruột nhưng trước vẻ ồn ào, bực bội của Huỳnh, Phan chỉ còn biết yên lặng băn khoăn. Có bữa Huỳnh đã toan làm lớn chuyện với viên hiệu trưởng địa phương vì câu nói: "Ông Ty đã thỉnh ý ông Tỉnh về việc di chuyển của giáo chức ở các trường hạng C và ông Tỉnh có lời khuyên giáo chức nếu không nhằm ra nhiệm sở được đúng ngày, không nên về trong các dịp lễ. Tết, các anh giáo về, có gì xảy ra, tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm". "Tôi đã ba mươi mấy tuổi đầu lại cần anh chịu trách nhiệm về chuyện tôi về ngủ với vợ tôi sao?" – Huỳnh đã hét lớn.
Một buổi sáng, Ngưỡng đang dạy học, chợt Huỳnh chạy sang, hân hoan bảo Ngưỡng: "Về, về đến nơi rồi. Sửa soạn mau lên mới kịp". Ngưỡng còn đang ngơ ngác, Huỳnh vội chỉ ra ngoài cổng trường và văn phòng hiệu trưởng: "Thấy chưa? Về đến nơi rồi, về đến nơi rồi. Sửa soạn đi là vừa". Huỳnh nói xong hối hả quay về lớp. Những người đến văn phòng xin cho con về đứng quây lấy hiệu trưởng người nào cũng nhớn nhác. Có nhiều người chạy thẳng lên các lớp học. Bọn trẻ nhốn nháo ngó ra.
"Xin thầy cho chúng tôi về. Đánh lớn tới nơi…" Mấy người đàn ông vây lấy Ngưỡng, vừa nói vừa ngó vào lớp ra hiệu cho con. Ngưỡng lắng nghe, không hề có một tiếng súng. Nhưng kinh nghiệm đã cho Ngưỡng biết, dân chúng đánh hơi trận chiến rất nhanh. Ngưỡng phân vân chờ hiệu trưởng quyết định thì nhiều câu nói khác đã ồn ồn nổi lên: "Biệt kích đã xuống tới Phú Hiển rồi". [4]
Bọn trẻ không cần chờ thầy ra lệnh, nhốn nháo thu sách vở, ùa ra hiên lấy nón mũ chấp chới chực chạy về. Lớp Huỳnh học trò về trước tiên. Huỳnh sang bảo Ngưỡng: "Cho về là phải. Tình hình này có vẻ gay lắm đấy". Ngưỡng nhìn Huỳnh. Hắn chỉ còn thiếu nước ôm Ngưỡng nâng bổng lên.
Trưa hôm đó đánh lớn ở Phú Mỹ. Lúc nghe những tiếng súng rung chuyển bàn ghế trong nhà, ba người đã sửa soạn xong. Nhưng trái với thông lệ, sau trận đánh, biệt kích lại trở về núi. Huỳnh nghe ngóng suốt một buổi chiều. Khi biết chắc biệt kích không về thị xã, hắn lại uống rượu kèm theo câu nói: "Phải uống say một chuyến rồi ngủ đại ở nhà, mặc tuốt". Vợ chồng ông cụ già đã bắt đầu cạo khoai lang, xắt từng khoanh ngâm nước sửa soạn làm rim. Các quán chợ ngoài đường bày thêm ít áo mới con nít và dọn hàng về muộn hơn trước. Người ta lập lại chuyện mùa xuân có đoàn du kích trên núi kéo xuống ruộng, gác súng, đá banh với nghĩa quân, hy vọng được vài đêm ngủ yên trong nhà không nghe tiếng súng. Bà cụ già bảo bọn Ngưỡng: "Tết ở đây cũng vui. Mấy thầy uống rượu nếp, đánh xóc đĩa rồi đi coi chọi gà…" Huỳnh cắt ngang: "Bác nói, tụi tôi càng sốt ruột".
Những lúc gần sáng từ ngoài ruộng mò về, nhiều khi Huỳnh và Phan thức nói chuyện tới lúc đi dạy. Ngưỡng về tới nhà, thấy ấm hẳn lại, để nguyên quần áo rúc vào ngủ một mạch. Ngưỡng vẫn hay mơ thấy Diệu, thấy máy bay và chiếc lan can gỗ mục ở nhà. Phan lại bắt đầu có những lời mê hoảng trong giấc ngủ sau mấy tháng êm ả mà Phan cho là bệnh tim đã trị dứt. Có đêm ở ruộng về vừa đặt mình ngủ Ngưỡng chợt tỉnh dậy vì tiếng than phiền của Phan. Ngưỡng tưởng Phan và Huỳnh còn thức nói chuyện. Khi nghe tiếng Huỳnh ngáy lớn đứt đoạn như tắc mũi, Ngưỡng mới biết Phan nói mê. Lúc đêm về sáng trời thật lạnh, tiếng hắn thật rõ, tự nhiên như lúc thức. Sau đó, hắn lịch kịch trở dậy, mò mẫm trong bóng tối, lại bàn thắp đèn, lấy nước nóng trong bình thủy pha một ly trà nhạt ngồi uống. Một hôm nói chuyện với bà cụ già về ngày cúng ông Táo, hắn bảo bà cụ nửa đùa nửa thật: "Có lẽ ma quỉ ám ảnh chúng tôi, cản đường không cho chúng tôi về". Hắn lặp lại câu nói nhiều lần. Càng lúc vẻ khôi hài của câu nói càng bị giảm nhường cho vẻ tin tưởng của hắn. Lúc đầu Huỳnh bảo Ngưỡng: "Những thằng ưa nói lẽ phải, trách nhiệm vốn là những thằng sợ ma". Về sau, mỗi ngày thấy Phan một hốc hác vì thiếu ngủ, vì một nỗi hoang mang mơ hồ, Huỳnh thường thức nói chuyện với hắn. Nhiều đêm Huỳnh mải miết tâm sự với Phan, hôm sau hắn băn khoăn bảo Ngưỡng: "Không hiểu sao mình lại nói nhiều với hắn như vậy. Dễ hố bỏ mẹ". Nhưng Huỳnh cứ tiếp tục băn khoăn và tiếp tục tâm sự. Trong bóng đêm Phan ngồi bên hắn như một sự quyến rũ ma quái đầy tình chân thật. Nhìn Phan trước mặt, hắn hết còn hình dung nổi một Phan đáng ghét lúc ban ngày, chỉ có một người bạn cũng buồn, cũng lo lắng như mình.
Những buổi đến lớp, Huỳnh thường sang nói chuyện với Ngưỡng. Hắn bảo Ngưỡng: "Bây giờ chỉ nom thấy thằng trưởng lớp của cậu về đây hoặc những người đến lôi con cái về là làm mình còn yêu đời được một tí". Ngưỡng biết Huỳnh vẫn còn lòng chờ đợi tuy hắn không còn nhiệt thành như trước nữa. Hắn không hề nhắc lại những dự tính, như về nhà hớt tóc, cạo râu cho vợ con dễ nhận ra mình. "Bà cụ nói có lẽ hợp lý. Mình ở lại, sáng mùng một mang một bộ bầu cua ra hốc núi xốc… (thiếu 8 chữ) có khi lại đỡ sầu" – Hắn nói.
*
Lá quốc kỳ phất phới trong không khí lạnh lẽo buổi sáng như một lá bùa hộ mệnh của ngôi trường. Ngưỡng bảo Phan: "Chắc ăn rồi đó. Phi cơ không thể nào lầm tưởng mình với những trường đã bị chiếm". Phan hỏi: "Anh đã sửa soạn bài Ý nghĩa ngày tết Nguyên đán rồi chứ?" "Rồi. Anh có muốn tôi dượt lại trước với anh bài đó không?" – Ngưỡng cười, nói. Phan hình như sợ Ngưỡng cẩu thả không chuẩn bị sẽ lúng túng trước đại diện xã, hội trưởng hội phụ huynh.
Trước dãy trường, một chiếc bàn phủ vải trắng nom ra trụ cờ trên đặt một bình bông vạn thọ bằng giấy. Hai bên, hai dãy dài ra tới trụ cờ. Một chiếc bàn học đặt ở giữa để những phần thưởng và số kẹo bánh sẽ phát cho học sinh. Những cành phượng trơ trụi loáng thoáng đủ các loại hoa do học trò tự động buộc vào. Có một số trẻ vận áo mới cổ tay có nút gài, luẩn quẩn quanh trụ cờ. Huỳnh đứng trên hiên nhìn xuống, mắt đờ đẫn. Ngưỡng lại trụ cờ ngồi xuống bậc xi măng, châm thuốc hút, vẫy bọn trẻ lại nói chuyện: "Thầy còn chờ trò trưởng lớp ở núi xuống đưa thầy về. Thầy về, thầy ra liền, nhớ dành phần rim cho thầy nghe". Ngưỡng nhìn từng đứa: "Chút nữa, mấy trò gắng hát cho thật nhiều, cho thiệt vui, rồi thầy sẽ kể chuyện cho tất cả nghe. Khi hát, nhớ vỗ tay đánh nhịp, vỗ thật giòn".
Huỳnh lại xin Ngưỡng một điếu thuốc. Bọn trẻ bấm nhau, cười ồn. Huỳnh trợn mắt: "Tết đến nơi rồi, bây sắp có thêm một tuổi rồi. Gắng lớn lên mau mau một chút, đi biệt kích, về đây đưa chúng tao về thị xã". Huỳnh kéo Ngưỡng đứng lên, xuống sân: "Đạn bom tơi bời còn bày vẽ tất niên". Huỳnh nói lúc hai người qua phòng hiệu trưởng. Ngưỡng lắc đầu: "Chuyện gì thì trách hắn chuyện này không nên". Huỳnh chỉ rặng núi trước mặt: "Bom nổ đạn réo ngay bên tai còn vui thú gì". Ngưỡng yên lặng, vừa bước vừa kéo gót giày cày từng đường đứt quãng trên cát. Giọng Ngưỡng cất lên đột ngột: "Như vậy nếu vui được càng nên vui. Nhiều khi quay lưng được vào nỗi khổ mà sống cũng nên làm. Bọn nhỏ cả năm chỉ trông ngày tết. Chiến tranh bất thường hóa tất cả nhưng lòng mong đợi ngày tết nơi bọn trẻ vẫn nguyên như tự bao giờ. Mình chẳng nên làm chúng quá thất vọng". Huỳnh vẫn bứt rứt: "Mình vẫn thấy có sự trái ngược như mâu thuẫn. Khóc để rồi cười, cười ngay sau tiếng khóc. Ngay bên tiếng khóc…" "Chiến tranh là bất thường hóa triệu chứng. Mình có sống mâu thuẫn không có chi lạ. Mình vẫn đề cao tình huynh đệ, lòng đoàn kết trong khi bom nổ rung cả bảng đen. Mình vẫn nói đến lòng kiêu hùng trong khi không một đứa trẻ nào không biết đêm đêm mình lần ra nằm ngoài ruộng. Nhưng tôi thấy nếu nghề mình có ý nghĩa, chính là ở trong lúc này". Ngưỡng dướn người cột giùm mấy đứa trẻ một bó vạn thọ lên cạnh phượng trơ trụi. Hai người đi dọc theo bờ rào bàn chải. "Nếu bản chất những điều mình dạy học trò vẫn có thể coi là tốt, bọn mình chính là những đứa đến cái hốc núi này, sống cực nhục trong những mâu thuẫn, ngoan cố giữ lại sự tốt đó. Nhưng không giữ lại với nỗi lạc quan máy móc mà với nỗi đau đớn của mọi người quanh mình có thể, của cả chính mình. Đó cũng là điều làm mình xa cách bọn Phan, bọn hiệu trưởng". "Mình không có thói quen nghĩ đến học trò những khi ra khỏi cổng trường" – Huỳnh nói. Ngưỡng cười: "Tôi không hơn gì cậu. Nhưng ít ra, ngồi trong lớp dàn mặt với học trò hết ngày này qua ngày khác, chẳng lẽ không có lấy một lần mình nghĩ đến mối liên hệ giữa mình với chúng, chẳng lẽ không có lấy một lúc cả thầy cả trò cùng quên những thắc thỏm riêng để cùng cười với nhau. Dù muốn dù không mình cũng không bỏ được vai trò ông thầy. Có khác chăng, mình đóng không giống người khác". Huỳnh cười yên lặng như bất cứ lúc nào hắn nén lòng không cãi Ngưỡng. Hắn hỏi lảng: "Cậu đã gặp lại Diệu chưa? Khỏi rồi thì phải". "Gặp rồi" – Ngưỡng lững lơ. "Khỏe chưa?" "Còn hơi xanh".
Một ông cụ già quần áo xốc xếch hiện ở trên đầu dốc, lật đật bước vào cổng trường, ông cụ đứng sững đưa mắt về phía trụ cờ có những chiếc băng trống trải. Ông nhếch một nụ cười bâng quơ, thăm dò. Ngưỡng vỗ vào mông Huỳnh: "Ban tiếp dân, xếp chỗ cho khách kìa". Huỳnh chậm chạp bước lại phía ông lão. Hắn cười lúc đã tới sát ông cụ. Nụ cười có vẻ đột ngột như hắn vừa chợt nhận ra cần phải tiếp ông cụ. Ngưỡng lại gần mấy đứa học trò con gái nhảy lò cò với nhau ở góc sân, khôi hài mấy câu. Một hai đứa nhát không dám nói chuyện lảng đi chỗ khác. Ngưỡng bỏ lên lớp học. Qua cửa sổ lớp Phan, Ngưỡng thấy lớp vắng không, Phan ngồi trên bục, cầm tì trên hai bàn tay đan nhau, hai mắt sấp xuống mệt mỏi. Ngưỡng vào lớp. Vài đứa học trò ít nô giỡn ngồi chụm lại nói chuyện ở xó lớp. Ngưỡng lên bục. Lúc nghe tiếng trống tụ tập học trò, Ngưỡng mới thấy mình cũng tì cằm lên hai bàn tay đan nhau, mặt mệt mỏi như Phan.
Học trò xếp hàng vây quanh trụ cờ và mấy tấm bàn ghế. Quan khách có ba bốn người ngồi xa nhau ở hai băng đầu. Hiệu trưởng nói chuyện nho nhỏ với người đại diện xã. Người giáo viên phụ khuyết áo dài tay, cổ cứng không ủi, hai tay cầm tờ giới thiệu chương trình đứng sau tấm bàn trải khăn trắng. Huỳnh hai tay chắp sau lưng qua lại sau đám học trò giữ trật tự.
Bốn chiếc oanh tạc cơ bay thành hình bầu dục trên rặng núi trước cổng trường. Khi hát quốc ca, tuy cờ đã treo từ trước, học trò ngửng hết mặt lên trời. Ngưỡng đứng bên đám học trò lớp mình, yên lặng như chúng, thỉnh thoảng lại miết giầy lên cát vì một âm thanh thật sắc từ phía tấm bàn phủ khăn trắng đập vào tai. "Em đã nghĩ ra món quà để anh mua tặng. Lúc nào ở Sài Gòn ra qua thị xã anh mua cho em cũng được". Diệu đã nói lúc thấy Ngưỡng nhìn chiếc nón có bốn chữ bằng sơn đỏ chói "Đả đảo Cộng sản" Diệu đội trên đầu. "Em đã định bỏ chiếc nón này ngay hôm ở quận về nhưng người còn mệt quá đầu trần ra nắng không chịu nổi". "Cứ đội, có sao. Chừng nào có nón Huế ở thị xã mang về rục đi cũng không muộn". Diệu cười trong nón nom thật yếu. Lúc Diệu chào Ngưỡng, đi về phía nhà ông thầy thuốc bắc, Ngưỡng còn muốn giữ lại.
Người giáo viên phụ khuyết giới thiệu đến phần của Ngưỡng. Ngưỡng thong thả bước vào gần trụ cờ, nhìn bọn trẻ và cười. "Thầy sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện thật vui. Một câu chuyện nói rõ ý nghĩa ngày tết Nguyên đán". Tiếng Ngưỡng chậm rãi, lớn. Những chiếc máy bay sà xuống thật thấp lao vút vào những cột khói đen sậm ở chân núi. Những trái rocket như những cái chầy bạc lấp lánh dưới nắng tới tấp phóng xuống trước nền rặng núi xanh đậm. Đất rùng từng đợt dữ dội. Bọn trẻ nhao nhao hướng về phía đó. Ngưỡng nuốt nước bọt, thấy Phan và Huỳnh nhìn mình. Ngưỡng gạt đi hình ảnh Diệu đội chiếc nón lấp lánh có bàn tay nhô gân xanh giữ vành trên đường tới nhà thầy thuốc, vỗ mạnh hai tay vào nhau, lớn tiếng:
"Yên lặng, tất cả yên lặng, nghe đây. Ngày xưa, có một ông vua…"
[1]Bản in mà chúng tôi sử dụng bị mất 3 dòng ở đoạn này, rất mong được độc giả có bản in nguyên vẹn giúp bổ sung (talawas).
[2]Bản in mà chúng tôi sử dụng bị mất 2 dòng ở đoạn này, rất mong được độc giả có bản in nguyên vẹn giúp bổ sung (talawas).
[3]Bản in mà chúng tôi sử dụng bị mất 4 trang ở đoạn này, rất mong được độc giả có bản in nguyên vẹn giúp bổ sung (talawas).
[4]Bản in mà chúng tôi sử dụng bị mất 8 chữ ở đoạn này, rất mong được độc giả có bản in nguyên vẹn giúp bổ sung (talawas).
Nguồn: Bão khô. Tập truyện của Y Uyên, tranh bìa của Thái Tuấn, do Giao Điểm xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của nhà xuất bản, xong ngày 1 tháng 12 năm 1966. Ngoài ấn bản thường có in riêng 30 cuốn trên giấy trắng mịn dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. Bản điện tử do talawas thực hiện.