Biến cố trong rừng tràm

Truyện Khánh Trường

Chuyện vượt biên đã xảy ra quá lâu, và đã có quá nhiều người viết. Ngày nay, nhất là lớp trẻ, cả trong lẫn ngoài nước, hầu như không biết, hoặc biết nhưng cũng mù mờ, hư thực.

Tác giả đăng lại truyện này không nhằm khơi lại một trong hàng nghìn thảm kịch của một giai đoạn lịch sử Việt nam cận đại đầy vinh quang nhưng cũng không ít đau thương. Đăng lại, để mai sau những thế hệ tương lai, sẽ có thêm tư liệu, hầu nhìn lại dĩ vãng bằng con mắt khách quan, không thiên kiến, hận thù.

Văn Việt


KHANH TRUONG.BIẾN CỐ TRONG RỪNG TRÀM (2)

Bữa tiệc đang ở giai đoạn sôi nổi khi tôi đến. Mọi người đã ngà ngà say. Gia chủ đứng dậy, rời chỗ ngồi ra cửa đón tôi.

“Trễ vậy?”.

“Bận quá, phải giải quyết cho xong một số công việc. Xin lỗi”.

Tôi đưa chai rượu cho Huân, hắn cầm lấy nói cảm ơn và chỉ tôi ngồi xuống chiếc ghế đầu dãy bàn dài, bên cạnh một trung niên có mái tóc dài lốm đốm bạc. Trung niên quay qua nhìn tôi, cười.

“Nhớ không?”.

“Hình như tôi có gặp anh…”.

“Hình như gì, hôm đám cưới con gái anh D., quên rồi à?”.

“Ồ… Ồ… Anh Hưng, phải không?”.

Trung niên giữ nguyên nụ cười trên môi, đưa tay vỗ vai tôi,

“Tốt, uống nhé”.

Ông ta đẩy chiếc ly không về phía tôi, với tay cầm chai rượu, rót.

Màu rượu nâu óng phản chiếu ánh đèn sáng lóng lánh. Trung niên cầm hai chiếc ly, một của ông ta, một đưa cho tôi,

“Nào, cụng cái coi”.

Tôi nhấp một ngụm, đặt chiếc ly xuống bàn. Mùi rượu nồng cay chạy qua cổ họng. Tôi hơi rùng mình. Bao giờ cũng vậy, ly rượu đầu luôn luôn khiến tôi rùng mình. Trung niên nói,

“Làm đi.”

Và chỉ những đĩa thức ăn bề bộn trên bàn.

Tôi nói cảm ơn và cầm đũa. Tự nhủ phải dằn bụng cẩn thận mới mong theo kịp mấy tay này. Xem chừng người nào cũng thuộc hàng cao thủ. Tửu lượng tôi tuy không tệ lắm nhưng so với người đàn ông ngồi cạnh chắc không thấm vào đâu. Tôi đã từng chứng kiến khả năng hũ chìm của ông ta bữa đám cưới con gái anh D., suốt bốn tiếng đồng hồ uống không ngừng, hai chai rượu mạnh hình như chỉ một mình ông tiêu thụ, vậy mà tan tiệc còn năng nổ mời chúng tôỉ ra quán làm tiếp.

Khi đã cảm thấy no, tôi buông đũa ngả người dựa lưng vào thành ghế, lướt mắt quan sát một vòng thực khách. Ngoài ông Hưng, tôi chỉ quen mặt vài người nữa, đa số dân business quẩn quanh trong vùng. Tất cả đều có vẻ tròn trịa, đỏm dáng nhưng nhờn nhợt, vô vị, không gây nổi một ấn tượng nào. Duy thiếu phụ đối diện, xeo xéo phía tay trái của tôi, ngay từ lúc mới ngồi xuống ghế, tôi đã có ngay cảm tưởng từng quen, hay ít nhất cũng từng gặp mặt ở một nơi nào đó.

Nơi nào?

Tại Mỹ? Chắc chắn không. Trại tị nạn? Để xem. Cũng không nốt. Vậy chỉ có thể ở Việt Nam. Tôi sống trên đất nước này đã ngót chín năm. Chín năm, thời gian đủ dài để xóa nhòa mọi hệ lụy cũ. Họ hàng, bè bạn, những kẻ thân sơ… mỗi ngày mỗi trở nên mờ nhạt. Thậm chí đôi người tôi còn quên cả tên tuổi, nhân diện. Giả dụ tình cờ gặp lại với hình ảnh cũ, chưa chắc tôi đã nhận ra, huống hồ tháng năm đã chất chồng trên mỗi phận số – từ thể xác đến tâm hồn – những đổi thay không ngờ.

Thiếu phụ tình cờ quay mặt về hướng tôi, tia nhìn hơi sững lại vài ba giây rồi vội vàng lảng ra phía khác. Thế này thì nhất định chúng tôi đã từng gặp nhau, vẻ lúng túng của thiếu phụ dứt khoát không phải phản ứng của bản năng nữ tính khi bắt gặp một đôi mắt đàn ông soi mói. Mà là phản ứng của một người đang cố thu nhỏ lại, để chìm lẫn vào đám đông, mong đừng ai nhìn thấy. Nhưng tại sao phải thế? Nếu quả thật chúng tôi từng biết nhau, và thiếu phụ đã nhận ra tôi, thì thái độ của cô ta nếu không vồn vã, chí ít cũng bình thường chứ. Thiếu phụ là ai? Gặp nhau trong trường hợp nào, ở đâu? Những câu hỏi rơi chìm vào vùng tối tăm của ký ức, không âm vang hồi đáp.

Khi tôi uống đến ly thứ ba, một thực khách bỗng xô ghế đứng dậy, đưa tay vuốt tóc, hắng giọng. Anh ta có vẻ đã thấm rượu, giọng nói nhão nhoẹt dính bết tiếng nọ vào tiếng kia,

“Hừm… Hừm… Ai cũng đã no say cả… Mà gia chủ vẫn chưa chịu tiết lộ lý do buổi quần hùng hôm nay… Yêu cầu anh Huân cho chúng tôi xin vài lời… vàng ngọc…”.

Mọi người lao nhao hưởng ứng.

Huân đứng lên. Hắn đảo mắt nhìn khắp lượt thực khách, mỉm cười nhỏ nhẹ,

“Lâu lắm mới được một buổi họp mặt đông đủ thế này… Vì sinh kế, anh em đã không có cơ hội gặp nhau thường xuyên, buổi tiệc chỉ là cái cớ để chúng ta tụ lại. Giản dị vậy thôi. Tuy nhiên nếu các bạn muốn có lý do, thì cứ xem như hôm nay tôi mời các bạn cùng với gia đình tôi tống tiễn một năm cũ sắp qua, vì như các bạn đã biết, chẳng còn bao lâu nữa năm mới sẽ đến”.

Huân nâng ly rượu của mình lên, tiếp,

“Nào, mời các bạn cạn cho”.

Tiếng vỗ tay. Tiếng ly tách chạm đụng lanh canh. Tiếng cười nói ồn ào…

Khi Huân ngồi xuống, bất cẩn để cùi chỏ đụng vào chai rượu. Người đàn ông ngồi cạnh vội vàng chụp lấy. Nhưng lại thêm một vụng về khác, bàn tay người đàn ông quơ ngang, vướng vào sợi dây của chiếc lò điện. Chiếc lò đổ nghiêng suýt rơi vào lòng thiếu phụ, miếng sắt đặt trên lò văng ra. Vòng “tungsteng” đỏ lừ bén ngay vào tờ “napkin”, bùng cháy… Căn phòng đã mù mịt khói thuốc, cộng thêm đám khói từ miếng giấy lau miệng tỏa ra, khiến chiếc hộp báo động trên trần nhà ré lên từng chuỗi âm thanh dồn dập chói tai.

Thiếu phụ hoảng hốt đứng bật dậy, cô ta vừa hét lớn vừa lui nhanh về phía cuối căn phòng. Hai bàn tay chắp lại trước ngực vái lia lịa, khuôn mặt trắng nhợt, đôi mắt trợn trừng khiếp đảm. Phản ứng của thiếu phụ rõ ràng bất thường. Chiếc lò chỉ suýt rơi vào lòng, ngọn lửa nhỏ hoàn toàn không phương hại đến cô ta. Tiếng còi báo động tuy có làm nhiều người giật mình, nhưng chưa đến nỗi biến thành sự khiếp hãi thế kia.

Gia chủ vội vàng đứng dậy tiến về phía thiếu phụ,

“Chị có sao không?”.

Thiếu phụ vẫn tiếp tục hét, hai bàn tay chắp trước ngực vái nhanh hơn. Bỗng cô ta quỳ xuống, mặt mọp sát mặt thảm, từ đôi môi đỏ son thoát ra tiếng rên lẩy bẩy,

“Trời ơi… Trời ơi… Cái đầu… Cái đầu…”.

Mọi người càng kinh ngạc. Huân đứng sững lúng lúng không biết phải hành xử thế nào.

Riêng tôi, tôi hiểu.

Phản ứng của thiếu phụ như một lực đẩy bất ngờ, mở tung cánh cửa ký ức. Cô ta thay đổi nhiều quá, tôi không nhận ra ngay cũng phải. Mười năm trước thiếu phụ chỉ là một cô gái vừa bước vào tuổi dậy thì, nhút nhát và hơi quê mùa, nhưng bây giờ, từ cách trang điểm, quần áo đến phong thái đều toát ra một vẻ sang cả quý phái rất mệnh phụ. Hai hình ảnh, hai ấn tượng, dù tôi có một trí nhớ xuất chúng cũng không thể nào tìm ra sợi dây liên hệ. Mười năm, câu chuyện tưởng đã chìm hẳn vào lãng quên… Điều không ngờ nhất là sự hiện diện của thiếu phụ ngày hôm nay, tại đây. Tôi vẫn nghĩ, kể từ biến cố kinh hoàng kia, sẽ chẳng bao giờ nữa, tôi còn nhìn thấy cô ta. Vậy mà… Cuộc sống quả thật có quá nhiều điều không thể lượng đoán. Và cái câu quả đất tròn tuy đã cũ, đã mòn, đã trở thành khuôn sáo, kỳ diệu thay lại thường vẫn đúng…

***

Rừng rậm, những thân tràm chi chít đan vào nhau, lá sà thấp sát mặt nước. Chiếc “taxi” trôi chậm giữa lòng kinh đục ngầu phù sa. Đang buổi trưa nhưng ánh nắng không xuyên nổi qua những tầng lá ken dày. Mọi người trên xuồng có cảm tưởng như trời sắp chạng vạng. Tôi hỏi người chèo xuồng,

“Còn bao lâu nữa ra đến bãi, chú Tư?”.

“Mấy giờ rồi?”. Người đàn ông hỏi lại.

“Hai giờ”. Tôi trả lời.

“Khoảng tám giờ tới”.

“Xa vậy à?”.

“Cặp mé sông thì mau hơn, nhưng nguy hiểm, tụi tuần giang phát hiện liền. Mà tới sớm làm gì, cũng phải núp trong rừng chờ trời tối mới dám ra bãi. Thà vòng vo trong này, chắc ăn. Vừa khỏi mất công chờ đợi, vừa đỡ lo”.

Thiếu nữ ngồi cạnh tôi từ lúc bước xuống “taxi”, chưa mở miệng nói một câu. Cô ta ngồi, hai tay bám chặt hai bên thành xuồng, mắt nhìn chăm chú phía trước, vẻ lo âu làm thần sắc cô xanh tái. Trên xuồng, ngoài chú Tư, tôi, thiếu nữ, còn có thêm ba người nữa, toàn đàn ông. Một người tuổi khoảng bốn mươi, anh ta tự giới thiệu là sĩ quan chế độ cũ, vừa được tha về ba tháng trước. Đây là chuyến vượt biên đầu tiên của anh. “Nói thiệt với mấy bạn, nếu không thoát chắc tôi tự tử. Loại… phản động như tôi mà bị bắt lại thì có mà mút chỉ… Không kham nổi nữa đâu”. Anh ta than thở. Hai người kế là anh em ruột, tuổi tác tuy chênh lệch nhưng từ nhân dạng đến giọng nói rất giống nhau. Hai tay này hình như dân chợ trời, ngôn ngữ rặt giọng giang hồ. Nhất là cậu em, nói nhiều, đã đành, còn tỏ ra rất hào hứng, làm như đây là một cuộc picnic. Hắn ngồi vắt vẻo ở đầu xuồng, mắt đảo quanh ngang dọc, luôn miệng hát hò, có lúc cao hứng vói tay níu nhánh tràm oằn ngang trên đầu, giật mạnh, làm lũ chim bị động vỗ cánh bay lên rào rào. Cả một góc rừng đang thiêm thiếp bỗng choàng tỉnh huyên náo. Mọi người hốt hoảng xanh mặt. Anh chàng sĩ quan trừng mắt,

“No cơm ấm cật vừa vừa chứ, bộ muốn chết à?”.

Người hùng trẻ tuổi đốp chát lại ngay,

“Làm gì dữ vậy cha?”.

“Dữ cái gì. Cậu đi trốn hay đi chơi, hả?”.

“Chỗ xó xỉnh này bọn tuần giang còn khuya mới dám mò vô.”

Và để chứng minh nhận xét của mình là đúng, hắn quay mặt về phía người chèo xuồng, tiếp,

“Phải không chú Tư?”.

“Kể mấy chả không dám thiệt, nhưng cẩn tắc vô áy náy, cậu Hai. Nói như anh đây đúng đó, mình đi trốn chứ đâu có đi chơi”.

Người hùng trẻ tuổi lướt mắt qua từng khuôn mặt hiện diện. Xem chừng không có ai đồng minh! Hắn cụt hứng lầu bầu văng tục rồi lại dáo dác nhìn chung quanh, vẻ bứt rứt không yên. Tôi thông cảm với người hùng. Hắn xấp xỉ tuổi tôi, còn trẻ, sinh lực dồi dào, nhưng hắn khác tôi ở chỗ đã lăn lộn trong cuộc đời, quá quen với những tình huống gay cấn, giờ bắt hắn ngậm hột thị triền miên bảy tám tiếng đồng hồ thế kia, miệng mồm tay chân ngứa ngáy chịu sao nổi!

Chiếc xuồng lướt êm, quanh co trong khu rừng mênh mông bạt ngàn. Tôi thầm phục người dẫn đường. Không hiểu bằng cách nào ông ta nhận ra phương hướng. Trước mặt, sau lưng, bên trái, bên phải… rừng tiếp rừng, chỗ nào cũng giống chỗ nào, trùng điệp một màu xanh thăm thẳm.

Trời dần dần sụp tối. Chúng tôi không còn nhìn thấy gì ngoài những ánh lân tinh phát ra từ mái chèo của chú Tư khuấy động mặt nước. Thời gian trôi qua chậm chạp. Người hùng trẻ tuổi hình như đã thấm mệt, không còn léo nhéo hát hò. Thiếu nữ vẫn giữ nguyên thế ngồi, như từ lúc mới bước xuống. Gã sĩ quan cũng im lặng. Người đàn ông “chợ trời” có lẽ đang ngon giấc, hắn dựa ngửa vào thành xuồng, đầu ngoẹo qua một bên, tiếng thở từ miệng hắn phát ra khò khè và đều nhịp. Tôi vươn vai ngồi thẳng lưng định hỏi chú Tư đã sắp đến chưa thì cũng vừa lúc ông ta lên tiếng,

“Tới rồi đó. Mình neo xuồng trong này, chừng nào ngoài kia chớp đèn báo hiệu, tui đưa bà con ra”.

Ngoài kia, theo hướng tay chỉ của chú Tư, tôi không nhìn thấy gì ngoài bóng tối đen đặc. Nhưng cũng đoán biết, cách chúng tôi không xa là sông cái, vì gió từ hướng đó thổi vào mát lạnh, và sóng nhỏ vỗ vào mạn xuồng lép bép.

Tôi đưa tay xem đồng hồ. Hai cây kim dạ quang chỉ bảy giờ mười phút. Nếu theo đúng phương án, chúng tôi phải đợi thêm hai tiếng đồng hồ nữa mới được bốc lên “cá mẹ”.

Chín giờ, rồi chín rưỡi, mười giờ… Người hùng trẻ tuổi và ông anh “chợ trời” không ngớt lầu bầu văng tục. Gã sĩ quan nhấp nhổm không yên, hắn luôn miệng hỏi chú Tư những câu tôi nghĩ ông ta không đủ thẩm quyền trả lời, tựu trung những câu hỏi xoay quanh tình trạng thực hư tốt xấu của “con cá mẹ” đã hoặc sẽ neo đâu đó ngoài khúc sông kia. Thiếu nữ vẫn ngậm miệng, trời tối, tôi không thể nhìn thấy mặt cô ta, tuy nhiên tôi biết chắc, thiếu nữ đang hết sức lo âu.

Cuối cùng, điều mọi người chờ đợi rồi cũng đến.

Rất xa, trong màn đêm dày đặc, một ánh đèn pin nháy lên ba lần. Hai lần đầu nhanh, nghỉ một quãng ngắn, lại nháy. Tín hiệu đúng như giao ước. Chú Tư vừa khởi động tay chèo vừa cảnh giác,

“Bà con cẩn thận khi leo lên thuyền, đừng gây tiếng động lớn, nghe không?”.

Chiếc xuồng rời chỗ núp, lướt chậm về phía “cá mẹ”. Chỉ vài mươi thước chúng tôi đã ra đến chỗ nối với dòng sông. Tuy đêm tối nhưng nhờ ánh sao, tôi cũng lờ mờ nhìn thấy, chung quanh, nhấp nhô nhiều “taxi” của các đồng hành chui ra từ những con lạch nhỏ. Đã có vài chiếc cập được vào thành “cá mẹ”.

Khi xuồng chúng tôi sắp đến mục tiêu thì như có một hiệu lệnh nào đó, dọc bờ sông những ngọn đèn pha bỗng đồng loạt bật sáng, chiếu thẳng vào con tàu nhỏ ngụy trang dưới dạng tàu đánh cá đang neo giữa dòng, cùng lúc với tiếng súng nổ dồn. Một nỗi sợ hãi chạy nhanh qua đầu, luồn xuống từng mạch máu. Tôi kêu thầm, Thua… Thua rồi!… Chiếc “taxi” chòng chành. Chú Tư hét,

“Tất cả bình tĩnh, lật xuồng bây giờ. Để yên tôi đưa vào bờ, đàng nào cũng thua. Thà ở tù hơn chết chìm”.

Viên sĩ quan chồm lên, không biết từ bao giờ, hắn đang cầm trong tay quả lựu đạn đã mở kíp,

“Chú Tư. Quay lại đi. Tôi thà chết chứ không để bọn chúng bắt đâu”.

Chú Tư hoảng hốt,

“Trời đất, đừng giỡn chớ. Thoát làm sao được, anh không thấy công an dày đặc thế kia à?”.

“Theo lệnh tôi. Chú cãi, tôi cho nổ lựu đạn chết hết”.

“Ê, đừng liều mạng cha nội”. Người hùng trẻ tuổi hét lớn.

“Câm mồm. Đụ mẹ, lạng quạng bỏ mẹ mày nghe chưa?”.

Thấy gã sĩ quan hung hăng quá, người hùng trẻ tuổi im thin thít. Thiếu nữ bật khóc, miệng không ngớt kêu trời. Tôi cũng chết điếng trong sợ hãi. Tôi xuống giọng năn nỉ gã sĩ quan,

“Anh nghĩ kỹ đi, thà bị tù còn có ngày về, họ bao vây thế kia, làm thế nào thoát được…”.

“Không. Chú Tư, chèo đi”. Gã sĩ quan cương quyết.

Trên bờ, tiếng súng vẫn giòn giã. Tôi biết họ chỉ bắn thị uy chứ không nhắm vào mục tiêu nào. Cách an toàn nhất bây giờ là đầu hàng. Đúng, chú Tư nói chí phải, ở tù còn có ngày về, chống cự lại mười phần chết chín là cái chắc.

Từ bờ bên phải, hai chiếc “ca nô” rẽ nước phóng ra. Tiếng loa phóng thanh oang oang lan tỏa khắp mặt sông,

“Tất cả cắm sào tại chỗ. Ai di chuyển sẽ bị bắn hạ tức khắc”.

“Cắm con cặc vào mồm chúng mầy… Chú Tư, chèo đi…”.

Gã sĩ quan gào lên điên cuồng. Hắn đưa cao tay, dứ dứ trái lựu đạn về phía hai chiếc “ca nô”. Tôi kêu thầm, thằng cha sợ quá hóa liều, chết theo hắn thế này thật hết sức oan uổng. Tôi muốn lên tiếng tiếp tục năn nỉ nhưng biết sẽ vô ích. Đành nhắm mắt phó thác cho số mệnh.

Chiếc xuồng bỗng chao nghiêng dữ dội. Tôi giật mình. Chú Tư thừa cơ gã sĩ quan lơ đễnh, đã nhanh như sóc nhảy tỏm xuống nước. Ông ta mất tăm giữa dòng nước lấp lánh ánh bạc phản chiếu từ những ngọn đèn pha đang quét ngang dọc. Gã sĩ quan văng tục, nhìn khắp lượt chúng tôi,

“Có ai biết chèo không?”.

Tất cả đều lắc đầu. Gã lại văng tục, đứng dậy bước vội ra sau mũi xuồng. Một tay vẫn cầm quả lựu đạn, một tay nạy mái chèo. Người đàn ông “chợ trời” la hoảng,

“Không được đâu anh ơi, chết cả lũ bây giờ”.

“Mặc mẹ các anh. Muốn sống bơi vào đi”.

Gã “chợ trời” nhìn dòng sông rộng, quay qua cậu em,

“Mày nhắm bơi nổi tới bờ không?”.

Người hùng gật đầu. Cả hai lưỡng lự vài giây rồi cùng phóng xuống nước.

Trên xuồng chỉ còn lại ba người. Tôi không biết bơi, thiếu nữ có lẽ cũng vậy. Chiếc xuồng quay mũi, trở ngược đầu cố thoát xa vùng bố ráp. Tiếng loa phóng thanh gào lên,

“Dừng lại, bắn bỏ bây giờ… Dừng lại…”.

Gã sĩ quan cố nhanh tay chèo. Tiếng súng quay hướng về phía chúng tôi. Đạn rít trên đầu, đạn rơi lõm bõm chung quanh. Tôi nằm mọp, úp mặt xuống sàn xuồng, tôi sợ đến không còn cử động nổi chân tay. Thiếu nữ có lẽ cũng thế, tôi không nghe thấy tiếng khóc của nàng. Hay cô ta trúng đạn rồi? Hai chiếc “ca nô” đuổi theo, mỗi lúc một gần, tiếng động cơ phành phạch, tiếng loa phóng thanh tiếp tục gào to đầy đe dọa. Tôi ngóc đâu nhìn. Gã sĩ quan ngoái cổ lại, quai hàm bạnh ra, gã nghiến răng,

“Đụ mẹ, tao thí mạng cùi…”.

Anh ta vung tay, quả lựu đạn vọt lên không. Một cột nước bùng cao cùng với tiếng nổ đinh tai. Quả lựu đạn tuy không trúng hai chiếc “ca nô” nhưng cũng khiến chúng sợ. Tôi lại ngóc đầu nhìn. Chúng rẽ ngang, chậm lại, giữ một khoảng cách khá xa với xuồng của chúng tôi.

Tôi vẫn không tin ở phép lạ, tuy nhiên sự việc tiếp theo phải giải thích cách nào đây nếu không dùng đến hai chữ “phép lạ”? Hai chiếc “ca nô” đuổi cầm chừng một đoạn ngắn rồi bỗng quay đầu trở lui. Gã sĩ quan bây giờ rảnh cả hai tay, hắn nổ lực chèo, cố thật nhanh. Chiếc xuồng lao băng băng trên dòng sông. Khi cách chỗ “cá mẹ” khá xa, ngoài tầm sáng của những ngọn đèn pha, gã sĩ quan cho xuồng rẽ vào bờ. Hắn vớ vội chiếc túi xách nhảy xuống bãi sình, nói với chúng tôi, trước khi mất hút vào bóng đêm,

“Lên đi. Không nên tụ lại thành nhóm chúng dễ phát hiện. Tôi tách, hai người ráng lo cho nhau”.

Tôi bò đến gần thiếu nữ, hỏi,

“Cô bị thương?”.

Cô ta lắc đầu nhưng không trả lời. Trong bóng tối mù mờ, tôi như nhìn rõ sự hoảng loạn trên khuôn mặt cô. Dù cơn sợ vẫn còn nguyên cường độ, tôi cũng cố trấn an thiếu nữ,

“Thoát rồi. Chúng ta lên bờ tìm đường về…”.

Phải một lúc khá lâu thiếu nữ mới hồi tỉnh, cô ta lập cập theo tôi bước ra khỏi xuồng. Nước sình lạnh cóng ngập đến bắp vế. Chúng tôi mò mẫm trong đêm, giữa trùng điệp cây rừng, cứ trước mặt bước tới, cố cho thật xa, thật sâu vào bên trong, không kịp suy nghĩ, cũng không biết xác định phương hướng. Cho đến khi khuất hẳn tiếng súng, tôi hiểu chúng tôi đã thoát khỏi vòng vây. Lòng cảm thấy nhẹ hẳn. Nhưng dần dần một nỗi sợ khác tràn đến, nỗi sợ này cũng lớn không kém nỗi sợ bị bắt, đó là làm thế nào để trở lại thị trấn? Vừa rồi phải mất hơn tám tiếng đồng hồ mới đến được đây. Bây giờ, muốn quay lui, trước tiên phải biết phương hướng và có xuồng. Mà dẫu có chăng nữa cũng làm sao sử dụng? Từ nhỏ sống ở thành phố, bơi tôi còn chưa biết nói gì đến chuyện chèo chống! Thiếu nữ níu cánh tay tôi, bước thấp bước cao khó nhọc. Nàng tiếp tục khóc nghẹn từng cơn, và luôn miệng hỏi tôi phải làm cách nào để ra khỏi chỗ này. Tôi nói,

“Mình kiếm chỗ nào khô ráo nghỉ tạm, đợi trời sáng men ra bãi. Tôi nghĩ cứ đi dọc theo bờ sông thế nào cũng đến chỗ có người ở”.

Bóng đêm bao phủ quánh đặc, chúng tôi không nhìn thấy gì ngoài những ánh lân tinh phát ra từ lá mục. Tiếng côn trùng ếch nhái râm ran. Nước sình lõng bõng trơn trợt. Thiếu nữ bám chặt vào vai tôi, bước chân lết bết, nghiêng ngả. Phải mất gần nửa tiếng mò mẫm trong bóng tối tôi mới tìm ra một gò đất tương đối khô ráo. Tôi nói với thiếu nữ,

“Mình ngồi đây nghỉ, đợi trời sáng mới tính được”.

Và dìu thiếu nữ ngồi xuống. Nàng úp mặt vào hai bàn tay, tiếp tục khóc. Tiếng khóc nghèn nghẹn dai dẳng của cô ta làm ruột gan tôi cồn cào. Tôi cảm thấy vừa tội nghiệp vừa bực mình,

“Này, thôi đi chứ, khóc mãi cũng chẳng giải quyết được gì…”.

Khuya. Hơi lạnh của rừng bắt đầu thấm. Thiếu nữ run bần bật. Tôi cũng vậy, hai hàm răng lập cập, đầu những ngón tay, ngón chân tê cóng. Trong hoàn cảnh này cả hai chẳng còn đầu óc đâu để nghĩ đến chuyện giữ gìn, chúng tôi cuốn chặt vào nhau, người nọ cố tìm ở người kia chút hơi ấm. Đêm trôi qua chậm chạp. Thiếu nữ có lẽ vừa sợ, vừa kiệt sức, đã dần thiếp đi. Tôi cũng chợp mắt được một lát.

Khi chúng tôi choàng tỉnh thì mặt đất đã mờ mờ, và không lâu, trời dần sáng. Tiếng chim bốn bề ríu rít. Nắng xuyên qua kẽ lá, rơi lốm đốm trên lớp bùn đen mun. Tôi nhìn chung quanh, màu tràm xanh thẫm trùng điệp. Tôi hoảng. Thế này thì làm thế nào tìm ra đường về? Ngay cả hướng ra bờ sông tôi cũng không định được, những dấu vết để lại dọc lối đi tối hôm qua đã bị nước dâng xóa sạch.

Bỗng từ góc rừng có tiếng bước chân bì bõm. Tôi giật mình kéo thiếu nữ lẩn vào một bụi tràm. Tiếng bước chân đến gần. Chúng tôi nhận ra một toán năm người, ba đàn ông và một thiếu phụ cùng với đứa con gái độ ba bốn tuổi đang được bà ta “đai” sau lưng. Đầu đứa bé áp trên vai mẹ, lắc lư.

Thiếu nữ vọt miệng,

“Ô, người đàn bà kia tôi biết, cùng chuyến với mình đây. Té ta họ cũng thoát”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi đã có đồng hành. Hy vọng những người kia biết hướng ra bờ sông. Phải ra đến bờ sông mới mong tìm thấy sinh lộ. Tôi nghĩ đến mấy chiếc khâu vàng mang theo. Gặp được dân chài, thuê họ chở về thị trấn là cách an toàn nhất.

Đám người đã đến cạnh. Chúng tôi nhận diện nhau.

Qua tin tức trao đổi cùng họ, tôi dần hiểu ra: Hành động liều lĩnh của gã sĩ quan lại là dịp may giúp cho nhiều người có cơ hội trốn thoát. Khi thấy hai chiếc “ca nô” đuổi theo chúng tôi, số nạn nhân còn lại lập tức tìm đường chuồn. Chính đó là lý do họ bỗng bỏ chúng tôi quay trở lại, có lẽ quả lựu dạn ném bừa đã khiến họ nghĩ rằng chúng tôi có vũ khí, đuổi theo sẽ nguy hiểm hơn những chiếc xuồng khác.

Người đàn ông nhỏ choắt, có vẻ nhanh nhẹn nhất trong đám người mới đến, nói,

“Tôi nghĩ, ngoài bọn này, ít ra cũng còn ba chiếc “taxi” nữa thoát được”.

Gã bỗng văng tục,

“Đụ mẹ thằng “tài xế”! Mới nghe súng nổ đã bỏ xuồng nhảy lên bờ trốn biệt”.

Tôi hỏi,

“Bây giờ mình tính thế nào? Các anh nắm được hướng ra bờ sông chứ?”.

“Ra bờ sông? Bộ muốn chết à? Giờ này ở ngoải bọn nó rải người dày đặc, một con muỗi cũng không thoát. Tui kinh nghiệm quá mà”.

Để chứng minh kinh nghiệm của ông ta là có thật. Người đàn ông kể tiếp, ông ta đã hai lần vượt biên, hai lần thất bại. Lần này chọn bãi đổ quân chỗ rừng sâu hẻo lánh, tưởng an toàn, nào ngờ cũng bể. Ông ta lại chửi thề,

“Đụ mẹ, tui nghi bọn tổ chức ăn chia với tụi công an. Nếu không, làm thế nào chúng phát hiện được”.

Nghi vấn người đàn ông vừa nêu ra nghe cũng hữu lý lắm. Nhưng vấn đề bây giờ không phải lúc truy tìm nguyên nhân thất bại. Tôi lặp lại câu hỏi,

“Vậy theo anh, mình tính sao đây?”.

“Chỗ này chưa xa bờ sông lắm, có thể bọn chúng sẽ lùng sục. Tốt nhất, cứ vào sâu bên trong. Đợi vài ba ngày, êm, mình trở ra, tính tiếp”.

Người đàn bà kêu lên,

“Trời ở trong này vài ba ngày! Rồi lấy cái gì ăn? Tôi… Tôi có con nhỏ…”.

Người đàn ông nhún vai,

“Tùy chị. Muốn bị bắt cứ việc ra ngoải gặp họ. Dễ mà!”.

Người đàn bà có vẻ hốt hoảng. Đứa bé cựa mình, cằn nhằn. Tôi nhìn thấy mắt bà ta rơm rớm.

“Hơn lúc nào hết”, tôi nói, “Mọi người phải bình tĩnh và sáng suốt. Chỉ còn hai con đường để chọn. Nếu chấp nhận tù tội thì ra ngoài kia. Ngược lại, phải nghe theo lời anh đây”.

Cuối cùng, mọi người đều đồng lòng chọn giải pháp thứ hai.

Chúng tôi phó mặc sinh mạng cho người đàn ông. Hắn dẫn cả bọn đi sâu vào bên trong. Sự thật, cũng không thể biết chúng tôi đang đi về hướng nào. Từ lúc gặp nhau đến xế chiều, người đàn ông có vẻ như rất rành rẽ khu rừng này, nhưng dần dần tôi có cảm tưởng hắn cũng mù mờ không kém chúng tôi. Mặt trời sắp lặn. Hai nguời đàn bà và đứa bé đã kiệt quệ. Nước trong rừng là thứ nước lợ, khá mặn, càng uống càng khát, càng uống ruột gan càng cồn cào. Đói. Đứa bé ban dầu khóc ngằn ngặt, luôn miệng kêu mẹ ơi mẹ hỡi, nhưng dần dần cũng không còn đủ sức cất tiếng, nó lả đi trên lưng người đàn bà.

Hai gã đàn ông còn lại, một người khoảng hai mươi bảy, một người đã trung niên. Trông dáng dấp bên ngoài, tôi đoán có lẽ cũng dân buôn bán mánh mung. Tuy ăn nói không giang hồ như hai anh em gã “chợ trời” nhưng mặt mày chắc chẳng phải lương thiện. Gã trẻ tuổi nói với người đàn ông,

“Này anh, mình tìm chỗ nghỉ cho rồi. Đi thêm lạc mẹ nó đường ra, chết đói cả lũ”.

Trung niên phụ họa,

“Phải đó”.

Và hất hàm hỏi người đàn ông,

“Anh rành đường thật chứ? Đụ mẹ, đừng dẫn bọn này vào cửa tử nghe cha”.

Người đàn ông không trả lời, hắn ngồi tựa một gốc tràm, nhìn dáo dác chung quanh. Tôi đoán chắc không sai, trông mặt mày ngơ ngác thế kia, hắn ta mù mịt đường đi nước bước là cái chắc. Bỗng nhiên tôi cảm thấy hối hận. Thà ban sáng liều trở ra, dẫu bị bắt còn có ngày về, chứ cứ bì bõm trong này, không khéo lại trở thành ma đói. Thiếu nữ vẫn bám theo tôi. Nàng xanh tái, bèo nhèo như một tàu chuối rách ướt mưa, không còn đủ sức để cất tiếng hỏi. Tôi dìu thiếu nữ ngồi xuống, choàng tay qua vai nàng, như muốn chuyền thêm cho nàng chút nghị lực. Dù thật sự, ngay chính bản thân, tôi cũng đã rã rời quá lắm.

Bóng tối bắt đầu chiếm ngự. Mỗi người một góc, không ai nói với ai lời nào. Nỗi sợ hãi như chiếc bánh phồng tôm trong chảo mỡ, cứ trương lớn, trương lớn… Đến độ tôi có cảm tưởng không khí quánh đặc, hô hấp thật khó khăn. Thiếu nữ rên nho nhỏ bên tai tôi,

“Anh ơi, làm sao đây anh…?”.

Làm sao? Câu hỏi tôi đang tự hỏi, không phải mới bây giờ, mà đã bao nhiêu lần suốt từ tối hôm qua. Làm sao? Tôi nghĩ đến gã sĩ quan. Hắn ta đã sống nhiều năm trong quân đội, tù tội cũng đã trải, hẳn quá quen với những tình huống ngặt nghèo. Nếu có hắn trong nhóm, nhiều phần chúng tôi có hy vọng thoát. Tôi thở dài,

“Tôi cũng không biết phải làm sao…”.

Bình minh lại đến. Đói, lạnh, muỗi rừng đã quần cả bọn suốt đêm, không ai chợp mắt nổi, nên sáng ra tất cả đều như những xác chõng chết trôi. Sự tuyệt vọng càng lớn hơn khi chúng tôi thực sự biết được là gã đàn ông đã lạc mất phương hướng. Chúng tôi không dám cất bước. Đi đâu? Bên trái, bên phải, sau lưng, trước mắt? Sẽ đưa chúng tôi đến nơi nào? Ngoài tôi, thiếu nữ và mẹ con thiếu phụ, cả ba người đàn ông còn lại đều tỏ ra dày dạn. Tuy nhiên tôi đủ thông minh để hiểu, đó là sự dày dạn của bọn con buôn thành phố, do thời cuộc, do va chạm sinh kế, cộng với bản chất bất hảo bẩm sinh, đã biến họ thành những kẻ giảo hoạt, khôn lanh, quen mánh mung chụp giựt. Họ có sự xảo quyệt và tàn nhẫn của những con cáo già, nhưng lại thiếu cái dũng mãnh và kinh nghiệm mưu sinh thoát hiểm của hạng người từng vào sinh ra tử. Cho nên trong hoàn cảnh này, tất cả đều hoàn toàn không biết phải hành động thế nào. Thay vì đồng tâm hiệp lực để cùng tìm sinh lộ, họ quay ra gấu ó nhau, đổ lỗi lên đầu nhau. Hai gã “mánh mung” cho rằng tại người đàn ông “làm tài khôn” nên mới ra nông nỗi. Người đàn ông thì bảo quyết định là quyết định chung, tất cả mọi người đều phải nhận một phần trách nhiệm. Họ cãi nhau, ban đầu còn chừng mực, đến một lúc suýt trở thành ẩu đả. Nhiều năm sau, nghĩ lại, tôi thấy rằng lúc bấy giờ chỉ cần một người trong chúng tôi, có được chút hiểu biết tối thiểu của bất cứ người dân miền sông lạch nào, thì có lẽ đã không xảy ra thảm kịch. Trong khu rừng mênh mông kia, thiếu gì sinh vật, thực vật ăn được. Nhất là cá tôm, ếch nhái, lươn trạch, chim chóc… Có thực phẩm để sống, thế nào rồi cũng sẽ tìm được hướng ra sông. Vậy mà chúng tôi, chẳng một kẻ nào biết cách đánh bắt.

Dở sống dở chết như thế thêm mười ngày nữa…

Chúng tôi quay quắt một cách tuyệt vọng vẫn không tìm thấy lối ra, càng đi rừng càng ẩm thấp, kín dày. Thiếu nữ kéo lê tấm thân trên từng bước hụt hẫng như trong cõi mộng du. Người đàn bà chẳng khá gì hơn, nhất là đứa bé, như một xác chết, hơi thở đã thoi thóp. Tôi nghĩ chỉ gượng lắm đến sáng ngày hôm sau, thể nào đứa bé cũng chết.

Xế trưa ngày thứ mười một kể từ lúc bị “bể kế hoạch”, gã trung niên bỗng kéo chúng tôi, bọn đàn ông, ra góc rừng. Sau một lúc ngập ngừng, hắn nói,

“Đứa bé đàng nào cũng chết. Chúng ta thì cần phải sống để tìm đường về. Tôi đề nghị dùng đứa bé làm… lương thực!”.

Tất cả đều kinh ngạc, bàng hoàng trước gợi ý của trung niên. Tôi chưa dám tin ở tai mình. Ăn thịt người! Tôi từng đọc thấy chuyện này trong sách vở. Bên Trung Hoa những năm đói kém, người ta đã phải đổi con cho nhau để… xẻ thịt! Việt Nam tháng ba Ất Dậu cũng không thiếu người sống sót nhờ… xác chết đồng loại, và trong truyện Tàu, nhan nhản những tửu điếm treo đầu dê bán… thịt con nít. Nhưng sách vở mà. Hơi đâu tin! Bọn viết văn bao giờ lại chẳng đẩy trí tưởng tượng đi quá xa với sự thật. Nhưng bây giờ, cái điều chỉ đọc thấy trên sách vở đó đang được nêu ra trắng trợn. Và chúng tôi, bốn gã đàn ông, sẽ là những thành viên quyết định nên hay không thực hiện đề nghị kia. Tôi im thin thít, chẳng dám hé răng nói nửa lời. Ba người còn lại sau một hồi bàn bạc, cuối cùng đồng ý “ngả thịt” đứa bé. Trung niên quay tôi,

“Anh thì sao?”.

“Tôi… Tôi… Tùy các anh…”.

Có nghĩa là tôi hèn. Đúng vậy. Sự thật, cũng như tất cả mọi người, tôi đói, kiệt sức. Nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện ăn thịt đồng loại. Hành động kia kinh khiếp quá, nó vượt ra ngoài khả năng tưởng tượng. Thâm tâm tôi không đồng ý với quyết định của ba gã đàn ông, tuy nhiên tôi sợ. Cả ba bây giờ đã là một khối hợp nhất, nếu tôi phản đối, có nghĩa tôi tự cô lập, không chừng sau đứa bé, sẽ đến phiên tôi cũng nên!

Ba gã đàn ông tiếp lục bàn bạc.

Ngoài con dao bấm và cái hộp quẹt ga của gã trẻ tuổi, chẳng có nồi niêu soong chảo để đun nấu. Trung niên đề nghị,

“Nướng, chỉ nướng là giải pháp tốt nhất!”

Tôi rùng mình lạnh gáy khi thấy cả ba đều tỏ ra hoan hỉ sau đề nghị của trung niên. Sau đó họ phân công mỗi người một việc. Trung niên có lẽ thấy thái độ bạc nhược của tôi, nhắm chừng không giúp được gì cho họ. Gã cười,

“Riêng chú được miễn công tác, nhưng phải kín miệng đấy nhé. Hai người kia biết được thì không ổn đâu!”.

Tôi hiểu, trong câu dặn dò đã ngầm ý đe dọa.

Chúng tôi trở lại chỗ tập trung.

Người đàn ông đến bên thiếu phụ. Hắn ngồi xuống đưa bàn tay áp lên ngực đứa bé, tỏ vẻ săn sóc,

“Chị phải cho cháu uống nước thường xuyên. Tôi coi, cháu yếu lắm rồi”.

Thiếu phụ cố ngóc đầu dậy nhưng lại ngã vật ra, bà ta thều thào,

“Anh… Giúp… giùm…”.

“Vâng, chị giao cháu cho tôi, cứ yên tâm nằm nghỉ. Hai người kia đang làm bẫy bắt con chồn. Tối qua chúng tôi thấy nó thấp thoáng chỗ góc rừng kia. Hy vọng có được chút thịt tươi, khỏe ra, mình đi tiếp được”.

Gã cúi bồng đứa bé lên, bình thản bước về phía con lạch nhỏ khuất phía sau một bụi tràm.

Tôi ngồi bên cạnh thiếu nữ. Niềm kinh khiếp khiến máu trong người đông cứng thành đá. Tôi run run cầm bàn tay thiếu nữ. Bàn tay lạnh giá như của một xác chết. Tôi rùng mình hình dung cảnh tượng đang diễn ra chỗ con lạch nhỏ. Đứa bé bị trấn nước cho đến chết, quần áo được cởi ra, rồi kỳ cọ rửa ráy, rồi gác ngang trên hai thanh cây, bên dưới, lửa đỏ ngọn phừng phừng… Và mùi thịt cháy, mỡ nhỏ giọt trên những hòn than, lèo xèo… Bỗng nhiên đầu óc tôi quay cuồng. Cơn đói trộn lẫn với hình ảnh vừa tưởng tượng khiến tôi như sắp rơi vào cơn mê. Tôi sợ. Chưa bao giờ cảm giác khiếp sợ lên cao đến như thế, trong tôi.

Tôi thiếp đi, không biết bao lâu, cho đến khi mùi thịt nướng thơm lừng lan tỏa khắp một góc rừng mới giật mình choàng tỉnh. Tôi hiểu, bọn người kia đã thực hiện xong ý định. Thiếu nữ bỗng cựa mình, hai cánh mũi như nở rộng ra, nàng thì thào,

“Mùi thịt nướng phải không anh?”.

Tôi nói không biết. Thiếu nữ quả quyết,

“Tôi không lầm đâu… Thịt nướng… Thịt nướng…”.

Nàng ngóc dậy, tựa lưng vào một gốc tràm đôi mắt dáo dác nhìn quanh. Trái khế chỗ yết hầu chạy lên chạy xuống liên tục. Nước bọt đang trào ra và thiếu nữ nuốt lấy nuốt để. Tôi ứa nước mắt. Tôi cũng không hơn gì. Dù biết mùi thơm kia là mùi thịt của đứa bé, dù sự việc tôi hình dung ra đã khiến sống lưng lạnh toát, nhưng bản năng sinh tồn, sự đòi hỏi điên rồ của nhu cầu thân xác đã kích thích tuyến nước bọt của tôi hoạt động dữ dội. Lần đầu tiên trong đời tôi trực diện với cái đói, cũng lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được sức chịu đựng giới hạn của con người trước quyến rũ ma quỷ của miếng ăn! Cách đây không lâu một người bạn đi tù về có kể cho tôi nghe về những hành vi tồi tệ của bạn tù đối với bạn tù. Chỉ vì một thỏi đường, một lát thịt mỡ, thậm chí một hạt muối…, người ta có thể thản nhiên vu oan giá họa cho nhau, điềm chỉ, tố cáo nhau, hoặc tàn bạo hơn, đẩy nhau đến chỗ chết. Tôi đã nghe, đã tỏ ra kinh tởm những nhân cách vô loài đó. Nhưng bây giờ, tôi, chính tôi đã trở thành như thế. Chẳng phải như thế, còn súc vật hơn gấp nhiều lần!

Một lúc khá lâu, từ phía sau bụi tràm, ba gã đàn ông xuất hiện. Trung niên nói lớn,

“Lại đây quý vị. Chúng ta cùng mở tiệc. Thịt chồn, hết sẩy”.

Như được thúc đẩy bởi một động lực vô hình, người đàn bà và thiếu nữ bật nhanh dậy, họ nhào tới gần ba gã đàn ông. Và không cần hỏi han lôi thôi, họ vồ lấy hai tảng thịt vàng au, tươm mỡ, xé, gặm, nhai, nuốt… ngấu nghiên. Người đàn ông nhìn tôi, nháy mắt,

“Ăn đi chứ!”.

Tôi run run gật đầu,

“Còn các anh?”.

“A, bọn này ăn trước rồi, ăn đi, tự nhiên”.

Tôi lại rùng mình. Nhưng cái đói đã làm đầu óc tôi mù lòa. Tôi cũng chồm tới, vớ một tảng thịt, đưa lên miệng.

Tôi cố không suy nghĩ gì hết. Tôi cố tìm lý do bào chữa cho hành động của mình: Phải, đứa bé đàng nào cũng chết, và xét cho cùng, thịt gì cũng là thịt… Không ăn, làm sao sống? Nếu tôi kiệt lực, họ có thể hành xử tôi như đã hành xử đứa bé. Chỉ một ý nghĩ đó cũng đủ khiến tôi run lên, cũng đủ biến thành động lực mạnh mẽ giúp tôi vượt qua sự nhờm tởm.

Khi những tảng thịt đã được thanh toán, trung niên nói,

“Còn kia, nhưng để dành, vả, đang đói, ăn nhiều nguy hiểm. Phải để cho bao tử quen làm việc trở lại”.

Người đàn bà đưa ống tay áo chùi miệng. Bây giờ bà ta mới nhớ ra đứa nhỏ. Người đàn bà quay về phía gã đàn ông,

“Cháu đâu rồi, các anh cho cháu ăn…”.

“À… à… Cháu đang ngủ chỗ kia…” Gã đàn ông lấm lét chỉ tay về phía bụi tràm.

“Anh giao cháu lại cho tôi.” Người đàn bà nói.

“Cháu ngủ. Chị để cháu ngủ…”.

“Cảm ơn anh, tôi khoe khỏe rồi, để tôi lo cho cháu”.

Người đàn bà đứng dậy bước về phía bụi tràm. Gã đàn ông chạy theo,

“Cháu ngủ mà…”.

Chợt có tiếng hét thất thanh của người đàn bà,

“Con tôi… Con tôi đâu rồi… Ai cởi hết quần áo của nó vất đây? Con tôi…”.

“Bình tĩnh, chị bình tĩnh… Đàng nào cháu cũng chết… Thú thật với chị…”.

Gã đàn ông lắp bắp giải thích… Nhưng người đàn bà như một người điên, bà ta hét chói lói,

“Con tôi đâu… Con tôi đâu?…”.

Và cuống cuồng chạy hết chỗ này qua chỗ kia. Bà ta lắc mạnh vai gã đàn ông, đứng sững trước trung niên, trợn trừng nhìn tôi, đấm thùm thụp lên ngực tên trẻ tuổi…

Cuối cùng thì bà ta hiểu!

Người đàn bà đưa hai tay lên trời, há miệng hớp hớp không khí, rồi ngã vật ra, bất tỉnh.

Thiếu nữ cũng hiểu. Nàng gập người nôn thốc tháo.

Bụng tôi chợt cồn cào, tảng thịt vừa tống vào vội vàng giờ muốn trào trở ra.

Ba gã đàn ông chụm lại một góc, tôi nghe họ bàn bạc sẽ bỏ chúng tôi lại, tách riêng. Tôi hoảng hốt lao tới bên họ. Tôi năn nỉ,

“Các anh cho tôi theo…”.

Trung niên nhìn tôi, hỏi,

“Còn cô kia?”.

“Mặc cô ấy. Ai có thân người đó lo. Cô ấy đâu có họ hàng thân thích gì với tôi…”.

Dứt câu tôi liếc nhìn thiếu nữ. Nàng lả người nằm sóng soài trên nền đất ẩm, mặt hướng về phía chúng tôi. Trong hai hố mắt thâm quần, tôi như thấy rõ sự tuyệt vọng lẫn kinh khiếp. Tôỉ xoay đi, tránh tia nhìn của thiếu nữ. Trong tôi, cảm giác buồn nôn lại chực trào. Tôi còn đủ sáng suốt để nhận ra sự đớn hèn của mình. Tuy không trực tiếp tham dự vào việc hành hình đứa bé, nhưng tôi đã ngậm câm đồng lõa. Tệ hại hơn, tôi sợ chết đến độ, nếu bây giờ cả ba người kia lạỉ quyết định hành xử thiếu nữ hoặc người đàn bà đang bất tỉnh kia, tôi, tôi cũng sẽ không phản đối. Hiện tại, chỉ có một điều duy nhất tôi quan tâm: Đó là sự sống còn của bản thân. Tất cả đều là vô nghĩa, tất cả đều cỏ rác.

Chúng tôi thu xếp vội số “lương thực” còn lại rồi lội qua con lạch, lên đường. Từ phía sau, tiếng kêu yếu ớt đuổi theo tôi,

“Anh… anh…”.

Bỗng một tiếng hét kinh hoàng làm tôi giật nẩy mình quay ngoắt lại, vừa kịp thấy thiếu nữ lảo đảo bên cạnh đống lửa. Nàng lùi dần lùi dần rồi quỳ sụp xuống, hai mắt trợn trừng nhìn vào đống than cháy rực, như bị thôi miên. Tôi biết thiếu nữ đã thấy gì, vì lúc nãy, ngang qua, tôi cũng đã phát giác: Giữa đống than là chiếc đầu của đứa bé đang tươm mỡ lèo xèo. Tôi vội vã bước nhanh, đồng thời hình dung phía sau, bên cạnh ngọn lửa oan nghiệt, là đôi mắt của thiếu nữ, đôi mắt như hai ngọn đèn pha, chiếu rọi chói chang vào lương tri tối ám nhầy nhụa của tôi. Đôi mắt chắc chắn sẽ ám ảnh tôi suốt đời.

Nhờ số “lương thực” dự trữ, chúng tôi đủ sức đi tiếp, cuối cùng cũng tìm ra được bờ sông sau bốn ngày mò mẫm hú họa.

Như dự tính, chúng tôi đón được ghe chài, thuê bao với một giá cắt cổ – ba chỉ vàng – để nhờ họ đưa về thị trấn.

Một năm sau tôi lại ra đi. Lần này thành công.

***

Tôi đến cạnh Huân, nói với hắn,

“Anh để tôi lo cho cô ta. Tôi biết lý do tại sao cô ấy lại thế”.

Và cúi xuống, nhìn xoáy vào mắt thiếu phụ, nhỏ nhẹ,

“Thu… Bình tĩnh lại. Thu… Còn nhớ tôi không?”.

Thiếu phụ ngước lên. Khuôn một cô ta vẫn đang phủ đầy nét kinh hoàng. Tôi tiếp tục dỗ,

“Thu… Bình tĩnh… Bình tĩnh. Đây là đất Mỹ… Không phải rừng tràm…”.

Thiếu phụ chợt trợn mắt nhìn tôi. Một giây… hai giây… mười giây… Chợt cô ta úp mặt vào hai bàn tay gục đầu khóc nức nở. Một lúc, nàng ngẩng lên, tia mắt vừa căm hờn, vừa khinh bỉ,

“Xê ra, cút đi, tôi không muốn nhìn thấy anh… Đồ súc vật…”.

Tôi đứng dậy. Không cảm thấy xấu hổ vì lời nguyền rủa của thiếu phụ, mà trong tôi, một nỗi chán chường buồn bã tràn ứ. Mười năm trời đã trôi qua. Thiên đường ước mơ tôi đã đạt chân đến. Cái thiên đường hàng triệu người, cũng như tôi, đã tới, đã sống. Cái thiên đường còn bao nhiêu triệu người nữa đang thiết tha muốn đến. Họ cũng sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả, chà đạp lên tất cả. Họ cũng sẽ sẵn sàng biến thành những kẻ lừa đảo, gian trá, tàn bạo, thậm chí giết nhau, ghê khiếp hơn, ăn thịt nhau, để thực hiện bằng được ước mơ. Cái giá phải trả cho khát vọng đó đắt hay rẻ? Xứng đáng hay phí phạm? Tôi không biết. Nhìn bề ngoài, điển hình như thiếu phụ, từ một cô gái quê mùa, nhan sắc khiêm nhường, giờ đây đã biến thành một mệnh phụ đẹp sắc sang cả! Và như tôi, từ một anh học trò vừa qua khỏi trung học, ngày nay đã là một kỹ sư nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, thì cái giá đã trả xem ra xứng đáng đấy chứ! Nhưng phía sau bề mặt có vẻ bình thường hợp lẽ đó, tôi vẫn thấy có một điều gì không được trôi chảy, thuận dòng. Một điều gì… đêm đêm vẫn khiến tôi giật mình hoảng hốt. Một điều gì… hình như tất cả chúng ta đều cảm thấy mà không thể lý giải cụ thể.

Thiếu phụ đứng lên, nàng nhìn khắp lượt thực khách, giọng nhỏ,

“Xin lỗi quý anh chị… Mong quý anh chị tha thứ. Tôi… Tôi… thật không phải…”.

Quay qua Huân, nàng hơi nghiêng đầu,

“Nhất là xin lỗi gia chủ. Tôi làm cho buổi tiệc mất vui… Giờ cũng đã khuya, tôi xin phép…”.

Huân đưa thiếu phụ ra cửa. Khi hắn trở vào, tôi cũng vội vã cáo từ rồi đuổi theo cô ta. Tôi bắt kịp nàng chỗ lề đường. Tôi gọi,

“Thu…”.

Thiếu phụ quay lại nhìn tôi. Tia nhìn không còn kinh hoàng, không còn khinh bỉ. Tia nhìn, như hai đốm lửa leo lét sau màn sương mỏng. Nàng mệt mỏi thở dài,

“Xin lỗi đã nặng lời với anh…”.

Tôi lắc đầu,

“Nặng thế chứ hơn nữa cũng chưa xứng. Tôi hèn, mười năm nay, mặc cảm về sự hèn đớn của mình vẫn thường xuyên hành hạ tôi ngày đêm”.

“Xét cho cùng tôi cũng chẳng hơn gì anh đâu. Ai lại không ham sống sợ chết. Mười năm rồi… Tôi đã có nhiều dịp chiêm nghiệm bản thân, đã thấy rõ căn cốt mọi điều. Cách tốt nhất, quên đi. Chính bởi lý do đó, ngay đầu bữa tiệc tôi đã tảng lờ dù nhận ra anh. Tôi sợ. Anh biết, cho đến bây giờ, bất cứ cái gì gợi lại biến cố xưa, đều khiến tôi hoảng loạn. Thêm vào đó, ngọn lửa… Khi các anh đi rồi, tôi vẫn còn chết trân trước cái đầu cháy lèo xèo của đứa bé. Ấn tượng khủng khiếp kia theo tôi suốt mười năm nay, đến nỗi tôi không dám cả nấu ăn”.

Thiếu phụ đưa tay cho tôi bắt. Trước khi mở cửa bước vào xe, nàng buồn bã,

“Chúng ta đã phải trả cho cuộc sống yên ổn của ngày hôm nay một cái giá quá đắt…”.

Nàng ngừng lại một chút, tiếp,

“Nhưng thật sự có yên ổn không? Hình như tất cả chúng ta đều thả mồi để bắt bóng… Rốt cuộc nào có ra chi…”.

Một điều gì… Chẳng được trôi chảy, thuận dòng… Chiếc xe đã rẽ khuất ở cuối đường, nhưng cảm tưởng đó, do Thu để lại thì vẫn còn đọng mãi trong lòng, nhiều ngày sau. Tôi quyết định phải gặp lại nàng. Huân đưa tôi số điện thoại của Thu. Một buổi tối tôi gọi cho nàng. Tôi nghĩ mình đã khá may mắn, nếu gọi trễ chỉ vài ngày tôi sẽ không bao giờ gặp lại Thu, nàng đang thu xếp hành trang để theo chồng đến tiểu bang khác.

Qua trao đổi với nàng và qua những tin tức nhặt nhạnh mỗi nơi một ít, tôi đã biết thêm nhiều chi tiết. Những chi tiết một phần nào giúp tôi thấy được cái dòng chảy bất an của đời sống nàng, sau biến cố trong rừng tràm.

Khi bọn chúng tôi bỏ đi, Thu và người đàn bà đã được một nhóm săn chim phát hiện. Họ đưa hai người về thị trấn. Ba năm sau Thu theo gia đình ra nước ngoài theo diện đoàn tụ. Kể từ biến cố, Thu sống nửa tỉnh nửa mê, nàng sợ tất cả mọi người, nhất là đàn ông. Nhờ hai năm điều trị trong một bệnh viện tâm thần, Thu dần dà tìm lại được quân bình tâm hồn. Để đoạn tuyệt hẳn với quá khứ, Thu nhận lời lấy một người chồng bản xứ. Cuộc hôn nhân dị chủng không kéo dài được lâu. Họ ly dị sau một năm sống chung. Lại lấy chồng. Lại ly dị. Rồi lại lấy chồng. Tôi ngạc nhiên, một người đàn bà như Thu, chắc chắn không phải là người lãng mạn, thích thay đổi. Vậy nguyên nhân nào đã khiến cho phần số nàng lao đao đến thế? Phải một thời gian sau tôi mới hiểu được căn nguyên nhờ quen với vị bác sĩ đã từng điều trị cho Thu. Thì ra biến cố trong rừng tràm đã biến Thu thành một người lãnh cảm. Thu sợ đàn ông, sợ chăn gối. Nỗi sợ ám ảnh nàng không rời, ngay cả khi nằm trong tay chồng. Nỗi sợ đôi khi biến thành phản ứng điên khùng như hôm ở nhà Huân. Đàn ông, dù yêu nàng đến bao nhiêu chăng nữa, cũng không làm thế nào chịu đựng nổi một người vợ như thế! Lẽ ra nàng nên sống một mình. Khổ thay, song song với niềm hãi sợ gối chăn, nàng còn sợ không kém sự cô đơn. Nàng là một con bệnh, bao giờ cũng cần có người bên cạnh. Tôi băn khoăn tự hỏi, Thu sẽ sống được với người chồng mới bao nhiêu năm?

Hình như tất cả mọi điều không trôi chảy, thuận dòng đó đã biến Thu thành một người đàn bà tiêu cực nhưng chín chắn. Có lần, qua điện thoại, Thu nói với tôi, với cái cơ may đã đưa nàng thoát khỏi tử địa,

“Mười năm nay, tôi cứ suy nghĩ mãi về cái lẽ hỗ tương mâu thuẫn giữa thiện và ác, giữa khổ đau và sung sướng. Anh biết không, nếu các anh không… làm thịt đứa bé, nếu không nhờ đám khói và mùi thơm… thì đám săn chim đâu có phái hiện ra chúng tôi? Có lúc tôi căm thù, ghê tởm các anh, nhưng cũng có lúc tôi thầm cảm ơn các anh. Vậy đó, đời sống như một cõi sương mù mịt mà chúng ta thì cứ mãi quờ quạng bước đi, chẳng thể hiểu nổi đường nào sai, lối nào đúng…”.

Tôi cười,

“Thu bây giờ… triết lý hơi nhiều đấy nhé, chẳng bù với lúc xưa…”.

Một quãng im lặng bên kia đầu dây, cuối cùng giọng Thu nhỏ nhẹ,

“Mười năm rồi mà anh… Vả lại, sau biến cố ghê gớm kia, không ai trong chúng ta còn đủ ung dung để nhìn cuộc đời một cách ngây thơ nữa, phải không?”.

Tôi hỏi Thu về số phận của người đàn bà, nàng cho biết bà ta bị đưa vào dưỡng trí viện vì đã mất trí. Ngày cuối cùng trước khi theo gia đình ra đi, Thu có vào thăm bà ta, nhưng người đàn bà đã không nhận ra nàng. Thu thở dài, kết luận,

“Mười năm… Tôi nghĩ bà ta đã chết!”.

Comments are closed.