Chuyện đời tôi (kỳ 22)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

CHƯƠNG II

Đổi mới

Thách thức và cơ hội

Sau Đại hội 4 Đảng bộ tỉnh, tôi lập một danh sách dài cả trăm cán bộ từ cơ sở đến trung, cao cấp quá tuổi về hưu, báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương. Ban Thường vụ duyệt từng người, tôi chỉ thừa lệnh Thường vụ ra thông báo để các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện. Lệnh của Thường vụ không ai dám chống, nhưng cá nhân tôi được ủy quyền ký tên thì bị làn sóng lên án, chửi bới rất thậm tệ. Họ đến gặp Bí thư Tỉnh ủy và nói: “Anh để thằng đó còn ngồi đó, nó sẽ cho về hưu hết”. Vậy là, dù muốn giữ tôi lại, nhưng rồi Bí thư Tỉnh ủy cũng đành chuyển tôi đi khỏi công tác Tổ chức. Tôi đã không vượt qua được thử thách này để tiếp tục công tác xây dựng Đảng, song đó cũng là cơ hội mới!

Đáng lý được lên chức và chuyển ra khỏi cái công việc mà tôi luôn gặp nhiều phiền phức mà trước đó hơn một năm tôi muốn bỏ cuộc thì phải vui, vì có cơ hội mới, nhưng tôi lại buồn vì thấy tâm huyết của mình muốn góp phần xây dựng Đảng có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có trí tuệ hơn, trẻ hơn… bị thất bại.

Được về với Nông dân, có nghĩa là về gần với đời sống thường dân, nói và làm gần nhau hơn lâu nay, quen nói cái chưa biết, làm cái chưa làm, đặc biệt là chỉ biết “5 theo”: “nghe theo”, “tin theo”, “nói theo”, “làm theo” và thỉnh thoảng hay “nói leo”! Những chuyện tôi làm ở cương vị mới, sẽ kể ra dưới đây cũng rất thường như ở đâu đó từng có, nhưng ở đây là những việc làm từng bị cấm suốt 10 năm mà ai dám làm như tôi lúc xây Bệnh viện Phú Tân năm 1980 là vô cùng nguy hiểm; nhưng nay những việc bị cấm hết hiệu lực tự nhiên như thuốc hết hạn dùng (quá đát) nên không ai dùng là lẽ thường, còn cho làm gì thì chưa ai biết, chưa có luật nên người chịu làm dễ làm và chuyện làm dù nhỏ, thường thôi nhưng lại có cái lý để “kể công”, là “đổi mới” nhưng thực chất là “cũ” mà không hay. Đây là cơ hội hay “nói hơi lớn tiếng” một chút là “thời thế” đã đến!

Cho tôi có quyền

Đầu tháng 3.1988, khi Thường trực Tỉnh ủy mời tôi lên phổ biến quyết định chuyển công tác, có Bí thư Nguyễn Văn Hơn, Phó Bí thư trực Võ Quang Liêm, Chủ tịch Trần Thế Lộc, Phó Chủ tịch trực Trương Công Thận, Ủy viên Thường vụ Phó Chủ tịch Phạm Thành Be. Vào đầu, anh Tư Be nói: Vì yêu cầu công tác, Giám đốc Sở Thương mại – anh Chín Phát về hưu, anh Út Vũ – Giám đốc Sở Nông nghiệp mới lên làm Phó Chủ tịch tỉnh nên khuyết ở hai vị trí này. Tôi hiểu rồi, không phải do yêu cầu công tác mà do lãnh đạo bị sức ép “dư luận chê” tôi làm Tổ chức Xây dựng Đảng. Bây giờ lãnh đạo yêu cầu tôi chọn một trong hai chức vừa nói.

Tôi suy nghĩ nhanh: Phải đòi cho được cơ chế nào mới làm được việc, nếu không thà làm cán bộ “dựa bệ ăn lương”. Tôi gắng bình tĩnh nói cho có đầu, có đũa: “Tôi không muốn đi đâu hết, chỉ muốn giúp Tỉnh ủy công tác tổ chức – cán bộ thôi. Nhưng nếu phải đi, tôi xin được làm nông nghiệp và xin cho tôi có quyền”. Chú Tám Sử, nguyên Phó Bí thư trực vừa mới lui ra khóa này để làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, hôm đó cũng có mặt, nói ngay như thường khi chú giải quyết công việc tổ chức – cán bộ với tôi lúc còn ở Ban Tổ chức: “Chú làm Giám đốc mà”. Tôi nói: “Tôi biết, nhưng vì tôi làm tổ chức cho Tỉnh ủy gần bảy năm rồi nên tôi biết Ủy ban tỉnh cũng không có quyền gì về công tác cán bộ. Mọi đề bạt, cách chức từ trưởng phòng trở lên đều phải thông qua Tỉnh ủy hết. Ở Tổ chức, tôi hiệp thương đối tượng, thảo luận và thống nhất trong Ban rồi mới trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Được thông qua, tôi thay mặt Ban Tổ chức ra thông báo để Ủy ban hợp thức hóa mà thôi. Ủy ban mà còn vậy, Giám đốc Sở quyền hạn gì mà quản lý, lãnh đạo? Không quyền, nói không ai nghe; họ không nghe, không làm, ai dám làm gì họ?”. Bí thư lúc này mới chen vào: “Vậy, ông muốn gì?”. Tôi nói ngay: “Chỉ xin cơ chế thôi. Cho tôi có quyền đề bạt, cách chức từ Phó Giám đốc Sở, Trưởng – Phó phòng ban và Giám đốc, Phó Giám đốc các công ty, xí nghiệp thuộc sở. Nghĩa là, cho tôi thực hiện quản lý ngành dọc đến xã và tôi cũng chịu trách nhiệm cá nhân với Tỉnh ủy, Ủy ban về ngành nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cả tỉnh. Nếu không, tôi chỉ xin làm cấp Phó hoặc chỉ làm cán bộ cho sở nào cũng được”.

Hình như nhờ dồn nén quá lâu cái bất hợp lý của hệ thống tổ chức mà tôi mạnh miệng nói một lèo không cần “khiêm tốn” hình thức. Bí thư đăm chiêu, chăm chú lắng nghe, rồi vài phút sau, ông bất thần phát ra không cần hội ý Thường trực: “Đồng ý, nhưng chỉ cho một mình ông làm thử trong ngành Nông nghiệp thôi”. Anh Ba Đức, Phó Chủ tịch trực còn vớt lại lấy vốn: “Nhưng cán bộ cấp Phó Giám đốc Sở, trước khi quyết định phải có trao đổi trước với Thường trực Ủy ban”. Tôi đồng ý. Đây là thắng lợi của đời tôi và cũng là thắng lợi về cơ chế. Một thắng lợi “vô tiền khoáng hậu”, chỉ đến một lần. Và nếu không phải là người bản lĩnh như ông Sáu Hơn, tôi tin chắc rằng không ai cho tôi cái quyền ấy. Một quyết định không thành văn và cho đến giờ vẫn không có văn bản nào lưu lại chủ trương này. Chắc sợ!

Tôi đã tạo cho mình được một không gian tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi quản lý hành chánh một ngành kinh tế – kỹ thuật lớn và quan trọng có tầm sống còn của một tỉnh. Một hành lang nho nhỏ đủ rộng cho tôi bơi trong ngôi nhà “không có lối đi” mà cho đến bây giờ chưa ai dám tháo ra xây lại. Cái may mắn nữa của tôi là anh Út Vũ, người tiền nhiệm và đang là Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp, rất thoáng trong lãnh đạo, nên mọi chủ trương của tôi sau đó đều được anh lắng nghe và ủng hộ, kể cả vấn đề cán bộ, có khi anh cũng không hài lòng nhưng vẫn tôn trọng quyết định của tôi.

Rời khỏi Văn phòng Tỉnh ủy với tâm trạng khó tả. Từ lúc đầu, tôi hơi bần thần vì chuyện “sức ép” buộc tôi rời xa công việc mà tôi quen và gắn bó hàng chục năm, chốc lát chuyển sang tâm trạng sung sướng như được ban “ân huệ”. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội vẫy vùng và cũng là cơ hội đền ơn đáp nghĩa với bà con nông dân quê hương tôi. Nếu thất bại cũng không gì ân hận, bởi tại giới hạn của mình mà thôi. Trước khi về Sở, anh Út Vũ kêu tôi lại nói riêng trước khi Ủy ban trao quyết định. Anh nói: “Tôi tham khảo bên Sở, anh em nói ông Bảy Nhị làm Tuyên huấn được chứ biết gì về nông nghiệp. Nói vậy để Bảy Nhị lưu ý. Lúc đầu, ai đến đơn vị mới cũng có phản ứng này nọ là tất nhiên thôi”. Anh và tôi quen nhau từ trong kháng chiến, tôi cám ơn anh về lời nhắc nhở và động viên. Cùng về với tôi có anh Ba Thu, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Tân, vì vụ đấu tranh nội bộ ở Long Sơn với một nhóm dân kháng chiến mà bị kỷ luật. Tôi tuy cố gắng hết mình để anh khỏi bị kỷ luật mà không thành, Đại hội rồi anh lại rớt Tỉnh ủy nên có quyết định về làm Phó Giám đốc Thường trực Sở Nông nghiệp. Anh và tôi tuy không hợp nhau, nhưng khi anh đi học tôi đã giải quyết vụ ông Hai Phú, sui gia anh bị tố cáo oan rất lớn, anh viết thư cám ơn tôi và khi anh lâm nạn “Vụ án Long Sơn” anh cũng biết tôi và anh Tư Đào (anh tôi) tận tình ủng hộ anh và Đảng bộ Long Sơn và Phú Tân. Nhưng nay không hiểu sao, khi nghe có quyết định anh về làm phó cho tôi, anh nảy ra mặc cảm và tỏ ra thiếu thiện cảm. Nhưng tôi sẽ có cách làm cho anh thiện cảm. Vì tôi vốn lấy chân thành mà đối đãi nhau thôi. Chẳng qua, do cái văn hóa tiểu nông chi phối quan hệ xã hội mà tôi đã biết. Xin nói luôn: Hồi ở Phú Tân, anh Hai Phú bị nhân viên tố cáo “làm hầm bí mật có máy điều hòa, tivi, tủ lạnh… dưới nền nhà”, mua vật tư (cát) xây dựng công trình một trả tiền hai lần… Tôi đang làm Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban chống tiêu cực, nghe Thanh tra và Công an báo cáo, rất dễ tin. Tôi gặp trực tiếp người tố cáo và mời anh Phú lên Văn phòng Huyện ủy làm việc. Phi Hùng, Trưởng Công an huyện ngồi trong phòng bên, chờ tôi ra hiệu là bắt. Tôi rất sợ trình độ anh em mình yếu mà có tật ẩu. Tôi đến xem hiện trường không thấy dấu vết của hàng chục mét khối đất đào lên một chút nào. Hỏi người tố cáo, tôi nhận xét: Anh ta không cá nhân thì cũng người tâm thần. Anh Hai Phú đi tập kết về mà bị tố như là một tên gián điệp sang trọng chuyên nghiệp. Tôi không tin. Có lẽ, dư luận hàng ngày tôi nghe người ta nghi ông này đi tập kết biết cách “móc ngoặc” làm giàu, lại làm sui với Chủ tịch nên ganh ghét chung chung vậy thôi, rồi nghe một đồn hai, ba. Khi anh Hai Phú chứng minh được không có chuyện thanh toán hóa đơn hai lần, tôi biết anh em mình ẩu thật. Mà bằng chứng làm ẩu gây hậu quả tang thương, cuối cùng có ai chịu đâu, trừ nạn nhân. Tôi quá biết và hú hồn! Lúc này anh Ba Thu đang đi học Nguyễn Ái Quốc, viết thư về cám ơn tôi.

Tôi nhận nhiệm vụ cũng cảm thấy đã già rồi (hơn 42 tuổi). Nhưng trong Sở còn đến bốn Phó Giám đốc, trong đó có hai là Tỉnh ủy viên và một kỹ sư và anh Ba Thu mới được điều về làm Phó trực là năm. Các anh ai cũng đều có tuổi hơn tôi gần con giáp, trừ Ba Thơ, bạn cũ từ ở quê nhà. Tại tiệc liên hoan nhận tôi về Sở, sau những lời thăm hỏi, chúc mừng xã giao, tôi chân thành tâm sự: “Tôi tuổi Ất Dậu, năm má sanh tôi, đã có hai triệu đồng bào mình chết đói. Tôi lớn lên trong nghèo đói mới theo Cách mạng. Học phổ thông chưa hết tiểu học, làm ruộng rẫy, câu lọp… là do ba tôi truyền nghề, nay được Tỉnh ủy phân công về đây công tác cùng anh em, tôi mong được vừa học vừa làm, làm ra nhiều lúa gạo để dân mình không chết đói như năm tôi chào đời và không đói như mười năm kinh tế bao cấp mới đây. Ngành ta hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ rất biết ơn anh em!”. Anh Tư Cầu, kỹ sư nông ngiệp, Tỉnh ủy viên dự khuyết, Phó Giám đốc Sở, kiêm Giám đốc Trung tâm Giống Bình Đức, là cán bộ hồi kết, nói: “Anh yên chí, có tụi tôi làm tham mưu, anh cứ việc ký là xong”. Anh nói thật tình, vì cơ chế này từ xưa nó là vậy, và cũng vì anh là con Bác Hai Suôl, bạn thân của ba tôi hồi kháng chiến chống Pháp nên tôi biết anh chân thành. Còn tôi bị áy náy cho cái cơ chế, nguồn gốc mọi sự trì trệ của tổ chức bộ máy. Nay mới ra sân đã thấy nó chực bó chân tay mình!

Nhưng tôi có lợi thế là cán bộ có thâm niên công tác Xây dựng Đảng, được Thường vụ Tỉnh ủy trao cho cái quyền mà không Giám đốc Sở nào có, như đã nói lúc tôi nhận nhiệm vụ và có Ba Thơ (Vũ Hồng Quang) là bạn đồng niên, đồng hương, đồng lòng, đồng quan điểm, tuy kiêm Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi nhưng ủng hộ tôi nhiều chủ trương, nhất là trong quản lý kinh doanh và hỗ trợ tài chánh cho Sở hoạt động.

Về Sở được mấy tuần, thỉnh thoảng văn thư mới chuyển cho tôi một vài công văn. Tôi kêu đồng chí Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chánh lại hỏi. Đồng chí cho biết: “Văn thư (cô Hoa) vô sổ, cái nào thuộc lĩnh vực Phó Giám đốc nào phụ trách thì chuyển thẳng cho ông đó”. Tôi chấn chỉnh ngay: “Nếu vậy, đâu cần Giám đốc. Từ nay, sau khi vô sổ rồi, gởi hết tôi đọc để tôi xử lý”. Hèn nào hôm liên hoan trình diện với cơ quan, anh Tư Cầu đã nói với tôi như vậy.

clip_image002

Cùng nông dân và chuyên gia IRRI (áo bông) thăm ruộng xã Bình Hòa (Châu Thành).

Anh Ba Củng người đứng thứ hai từ trái qua là nông dân giỏi đầu đàn về tuyển chọn giống lúa.

Bảy Nhị ngoài cùng bìa phải. Ảnh: Quang Vinh – 1988

Đội hình hàng dọc

Tôi nghiên cứu danh sách tổ chức bộ máy cán bộ Sở hiện có và thiết kế xây dựng mô hình mới rồi tổ chức họp Sở, có các Trưởng, Phó phòng, Giám đốc các Công ty, Xí nghiệp thuộc Sở dự để làm công việc đầu tiên theo như bây giờ gọi là “thể chế”: Thay đổi mô hình quản lý, cơ chế làm việc và gợi ý, định hướng để xếp tổ chức bộ máy lại cho tinh gọn, năng động và người đứng đầu phải có trách nhiệm đầu tiên và sau cùng.

Vào công việc cụ thể, tôi nhớ đại loại có mấy việc chính:

– Bỏ cơ chế quản lý “hàng ngang”, “phân khúc” như hiện tại, xác lập cơ chế quản lý “hàng dọc”. Giám đốc Sở là người chịu trách nhiệm trực tiếp toàn ngành nông nghiệp tỉnh, đến tận xã, trực tiếp xử lý mọi công việc và chịu trách nhiệm cá nhân. Lập ra chế độ “Trợ lý Giám đốc” và “Chuyên viên Sở” trực thuộc Giám đốc. Giám đốc quản lý ngành và chỉ đạo công việc thông qua Trợ lý và Chuyên viên. Còn việc có cần hội ý trong Ban Giám đốc hay bàn với Ban cán sự hoặc Đảng ủy là tùy tính chất mà Giám đốc quyết định. Không nhất thiết, mọi cái đều phải qua tập thể. Sai Giám đốc chịu một mình. Phòng Tổ chức – Hành chánh giúp Giám đốc quản lý tổng hợp, tài chánh, nhân sự, chánh sách cán bộ, văn thư – lưu trữ…

– Các Phó Giám đốc phụ trách một số công việc cụ thể do Giám đốc phân công. Phó Giám đốc trực giải quyết công việc hàng ngày thuộc chánh trị – nội bộ và lĩnh vực chuyên môn mình phụ trách, khi Giám đốc vắng mặt sẽ được ủy quyền thay Giám đốc xử lý công việc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc. Có anh phản ứng: “Như vậy các Phó Giám đốc cũng như Trợ lý thôi”. Tôi nói: “Đúng nghĩa là vậy. Các anh do Tỉnh ủy bổ nhiệm, nên nay dù có “cơ chế mới” nhưng tôi vẫn tôn trọng cơ chế cũ và cũng là chỗ nghĩa tình kháng chiến với nhau” (nên mới còn Phó trực và quá nhiều Phó Giám đốc như vậy). Hơn một năm sau, các anh quá tuổi hưu cũng lần lượt về hưu hết mà không gây khó khăn gì cho tôi.

– Dẹp hết các phòng, ban thuộc Sở. Chỉ còn Phòng Hành chánh – Tổ chức – Văn thư, Thanh tra Sở và Tổ Chuyên viên kỹ thuật. Tùy tính chất công việc mà mỗi lĩnh vực có một hoặc hai chuyên viên theo dõi. Giám đốc sẽ làm việc trực tiếp các chuyên viên. Một mình không nhớ hết việc, tôi tự bày ra chức “Trợ lý giám đốc” mà ở Tỉnh chưa có qui định. Tôi nhờ anh Năm Điền giới thiệu người có tiêu chuẩn cho tôi. Đó là Nguyễn Minh Lý, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện mới đi học lý luận trường Nguyễn Ái Quốc 9 về. Lãnh đạo mới và trợ lý là người mới, làm việc sẽ không bị ai chi phối ai. Tôi rất sợ những trợ lý mà tôi biết, họ thành “lý trưởng” mà “sếp” phải chịu. Trợ lý giúp việc, ngồi chung phòng với Giám đốc để quản lý công việc của Giám đốc. Hai biên chế Công đoàn ngành chuyên trách do Công đoàn tỉnh cho, Sở chỉ nhận một, nhưng phải kiêm thêm công việc của Văn phòng Sở. Các chuyên viên không được tự xuống các công ty, xí nghiệp phát biểu ý riêng; phát biểu là truyền đạt chỉ đạo của Giám đốc; không được vòi vĩnh, nhậu nhẹt… Nếu sai phạm sẽ có kiểm thảo hoặc kỷ luật.

– Giám đốc sẽ ký quyết định đề bạt, bổ nhiệm, cách chức và thuyên chuyển từ Phó Giám đốc Sở đến Giám đốc, Phó Giám đốc các công ty, xí nghiệp, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chánh, Chánh Thanh tra Sở. Riêng việc đề bạt hay kỷ luật Phó Giám đốc Sở, trước khi ký quyết định, có báo cáo cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

– Giám đốc Sở sẽ có làm việc riêng với các cán bộ có yêu cầu tinh giản biên chế, nếu đồng chí nào được gợi ý cho nghỉ hưu mà đồng ý sẽ được nâng hai bậc lương. Nếu không, tìm việc nơi khác hoặc nghỉ chờ đến tuổi hưu sẽ chỉ được lên có một bậc lương mà thôi. Sau hơn một tháng triển khai các nội dung trên, biên chế Sở còn hai mươi ba người. Trước đó hơn tám mươi người, anh Út Vũ tinh giản còn hơn bốn mươi lăm người. Nhiều đồng chí phát biểu bên ngoài, làm việc kiểu này chắc không trụ lại nổi với tôi.

Trong làm việc để giảm biên chế, tôi nói rõ quan điểm: Người cán bộ không phải là làm “Cách mạng suốt đời” và suốt đời ở trong biên chế, ăn lương nhà nước như ta hay nói, mà cán bộ là người làm thuê cho ông chủ là nhân dân; nhà nước thay mặt nhân dân thuê và trả lương cho mình. Không được lợi dụng lời thề “Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” mà không thôi việc khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn điều kiện. Anh Ba Thu là người phản ứng: “Ông nói làm thuê, tôi nghe không thông”. Tôi giả lả: “Nói vậy, có nghĩa là tôi là người làm thuê số một ngành nông nghiệp tỉnh, nếu không hoàn thành nhiệm vụ phải rút lui thôi. Và các anh là người bảo tôi rút lui vậy”. Tôi biết các anh không thỏa mãn ý tôi dẫn giải, nhưng đành làm thinh, vậy thôi.

– Từ nay, chế độ giao kế hoạch, chỉ tiêu cho các công ty, xí nghiệp, nông trường vẫn phải làm cho giống với cái chung lâu nay, nhưng chỉ xem đó là gợi ý, Sở không áp đặt. Giám đốc đơn vị là người quyết định kế hoạch, hoạt động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tôi cởi dây trói cho các doanh nghiệp, làm cho các giám đốc phấn khởi vô cùng, có người còn chưa tin tôi nói là thật. Nhờ vậy mà anh em mạnh dạn bung ra, sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả rõ rệt, nộp ngân sách luôn luôn vượt kế hoạch, vì vậy việc đóng góp tài chánh cho Sở thực hiện cải cách hành chánh – tổ chức ngành không có gì khó khăn, Sở Tài chánh cũng không có cớ ngăn cản như trước đây.

– Phòng Nông nghiệp Huyện, Thị chỉ còn là Tổ Nông nghiệp; thiết lập chế độ “Kỹ thuật viên nông nghiệp xã”, một chức danh chưa được qui định. Trước khi tôi về, Ban Nông nghiệp xã do một Phó Chủ tịch phụ trách, nhưng không có biên chế cho cán bộ kỹ thuật. Đây là lỗ hổng lớn, vì nơi trực tiếp sản xuất mà không có cán bộ kỹ thuật thì sản xuất thế nào? Tôi chủ trương giảm biên chế huyện đưa về xã, giữ nguyên chế độ lương trong biên chế, đồng thời tuyển thêm kỹ thuật viên có trình độ sơ cấp trở lên. Mỗi xã có hai cán bộ trồng trọt – bảo vệ thực vật và thú y. Nơi nào có nuôi cá tôm, có thêm cán bộ thủy sản hoặc thú y – thủy sản. Lương cho kỹ thuật viên xã, Sở trực tiếp cấp phát, kể cả của huyện. Mỗi tháng, đại diện mười huyện, thị và khoảng một trăm xã về họp Sở một lần chỉ trong một buổi rồi lãnh lương luôn. Do thiếu cán bộ, nên nhiều xã phải một thời gian sau mới tuyển đủ yêu cầu biên chế hai cán bộ kỹ thuật

Hơn 12 năm sau giải phóng, kể từ khi Ty Nông nghiệp được thành lập cùng với Ủy ban quân quản 1975, đây là lần đầu tiên có một Sở Nông nghiệp xác lập một chế độ quản lý ngành dọc – mà tôi được Tỉnh ủy cho phép. Thật khó khăn nhưng cũng thật là hạnh phúc cho cá nhân tôi. Bởi bảy năm làm công tác tổ chức cho Tỉnh ủy, tôi đã suy nghĩ và nung nấu về cơ chế tổ chức hiện hành; bởi nó có từ trong thời kháng chiến theo kiểu du kích, nay không còn phù hợp vì thiếu tính khoa học – chuyên nghiệp. Nó vừa trói buộc lẫn nhau, vừa vô hiệu hóa lẫn nhau, có hệ thống. Ai cũng có quyền nhưng không ai có trách nhiệm.

Để làm được như mong muốn, tiền là huyết mạch cho cái cơ thể – cơ chế mới định hình. Thiếu nó sẽ bịnh và có khi chết yểu. Vì vậy tôi phải tranh thủ làm việc riêng với các Phó Giám đốc Sở và các cán bộ chủ chốt, nhất là các Giám đốc công ty, xí nghiệp để có được anh em ủng hộ, trích cho Sở một khoản kinh phí từ nguồn vượt kế hoạch nộp ngân sách để Sở trả lương cho kỹ thuật viên xã và tăng thêm thu nhập cho cán bộ tại Sở vì làm nhiều việc hơn, do giảm biên chế. Đồng chí Ba Thơ, Phó Giám đốc Sở, kiêm Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi; Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp; Huỳnh Văn Thòn, Chi cục trưởng, sau là Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật và đồng chí Lê Minh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật là người ủng hộ tôi đổi mới hết sức triệt để. Sau đó không lâu, đồng chí Tùng được tôi đề bạt làm Phó Giám đốc Sở, phụ trách kỹ thuật cho Sở. Qua tham mưu và nòng cốt của Tùng, Sở Nông nghiệp là cơ quan đầu tiên trong bộ máy tỉnh thực hiện công tác quản lý cán bộ, quản lý giống, quản lý thủy lợi bằng chương trình máy tính. Khi đề bạt Tùng làm Phó Sở, Chủ tịch Ba Đức hỏi tôi đề bạt sao không tham khảo trước? Tôi nói, đã đề nghị tại cuộc họp Thường trực Ủy ban, các anh làm thinh, tôi xem như đồng ý và đến hơn tháng sau tôi mới ra quyết định. Đây là bài kiểm tra đột xuất mà tôi đã vượt qua, là thử thách đầu tiên về chế độ trách nhiệm. Tỉnh ủy trao quyền tôi làm thử, nếu thất bại tôi sẽ ra đi. Nhưng bao giờ tôi cũng tranh thủ ý kiến tập thể trong Ban Giám đốc và của các chuyên viên, đồng thời lắng nghe dư luận phản ứng trước và sau khi ra quyết định.

Tôi luôn tự nhắc nhở mình phải biết “tu thân” vì cơ chế cũ trói buộc khó làm nên việc tốt, song không ít người vẫn vận dụng làm việc xấu, làm sai có lợi cho cá nhân không phải không có và có mấy người bị trừng phạt? Đằng này tôi lại đứng đầu một ngành lớn, ở một tỉnh trồng lúa lớn nhất nước, có liên hệ đến cả triệu lao động và hơn một triệu cư dân nông thôn như tỉnh An Giang lúc bấy giờ mà lại có quá nhiều quyền, trong khi luật pháp, cơ chế cũ không còn áp đặt (chế tài) được tôi nhưng cái mới chưa có, cái cảnh “quan trên trông xuống, người ta trông vào” thời nào mà không có. Càng về sau tôi mới ngộ ra rằng cái tôi đề xuất và thực thi là đổi thay cơ chế thuộc phạm trù cải cách thể chế mà hơn 10 năm đầu thế kỷ 21, tức hơn 30 năm sau Đổi mới đã hết mới mà Việt Nam ta chỉ mới nói đến nhiều và làm mới vẫn còn quá ít. Nếu thất bại danh giá tôi không còn mà sau này nếu ai muốn đề xuất cơ chế mới ắt rất khó khăn vì đã có “vết xe đổ”. Tôi được bình an cho đến nay là nhờ các đồng chí, bạn bè và bà con nông dân, trong đó có vợ con tôi đã chân thành ủng hộ tôi, không lợi dụng hoặc gây khó khăn cho tôi trong thừa hành công vụ, giữ gìn tư cách cán bộ lãnh đạo… nên Tỉnh ủy và Ủy ban mới có Quyết định 05 ngày 15/01/1991 về tổ chức ngành dọc như một sự thừa nhận việc làm này của tôi.

Tại Điều 3 Qui định kèm theo Quyết định 05 nói rõ: “Từ nay thống nhất việc thực hiện quản lý nhà nước theo ngành dọc từ tỉnh đến cấp xã, phường trên tất cả các mặt công tác: Qui hoạch, kế hoạch, tổ chức cán bộ, quản lý kinh phí, tài sản, chuyên môn nghiệp vụ và công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật”.

clip_image004

Phát biểu tại họp mặt 200 cán bộ trình độ đại học toàn ngành

Nông nghiệp tỉnh nhân đầu năm (Tết) 1989 tại Sở Nông nghiệp

.

clip_image006

(Bìa phải) Nguyễn Thuần Khiết “Kỹ sư đầu đàn” tuyển, chọn giống lúa

của Trung tâm Giống thuộc Sở Nông nghiệp được khen tặng nhân đầu năm 1989

Cán bộ nói chung có trình độ và rất có tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân, nhưng cái cơ chế “Làm chủ tập thể” như ta thấy nó triệt tiêu tinh thần và trách nhiệm cá nhân. Người quyết định sau cùng thường không được ghi công, vì nó là của “tập thể lãnh đạo”, nhưng nếu có thất bại, anh ta sẽ là người đầu tiên bị chê hoặc bị kỷ luật, “trăm dâu sẽ đổ đầu tằm”. Tôi biết mình không đủ năng lực, nhưng tôi có đủ dũng cảm để làm chỗ dựa cho tập thể phát huy sáng tạo. Tất nhiên, tôi cũng biết nghe để cân nhắc và quyết đoán để không phạm sai lầm. Điều đó cũng rất quan trọng. Công việc làm theo kiểu mới rồi cũng sớm quen, kích thích được anh em hăng hái lên. Nhất là cách tôi (Giám đốc) làm việc trực tiếp từng chuyên viên, anh em cảm thấy phát huy được, không bị các tầng nấc đè lên theo cơ chế cũ như: Công việc phải qua cán bộ thụ lý rồi chuyển qua Phó phòng; Phó phòng lên Trưởng phòng; Trưởng phòng lên Phó Giám đốc Sở là hết; nếu có chuyện gì nghiêm trọng mới tới Giám đốc. Qua mỗi khâu là mỗi “lỗ” phải “tỉa” nên lắm nhiêu khê, trì trệ. Làm theo cách mới, do không quan hệ “mè nheo” với các Công ty, Xí nghiệp nên được các đơn vị tôn trọng hơn trước “sợ mà không ưa”. Nhưng nay được coi trọng mà lại còn được Sở tăng thêm thu nhập chính đáng và cũng không nhỏ so với lương, có người tích lũy sắm được vàng, tất nhiên là tính bằng phân, bằng chỉ mà lúc này, Sở hay dùng vàng và hiện vật để tính với các doanh nghiệp và thu nhập cán bộ, vì tiền mất giá đến hai con số. Thí dụ: Nếu tính tiền, phải trừ số % trượt giá hoặc qui ra vàng để so sánh với vốn ban đầu (hoặc đầu năm), riêng Công ty của đồng chí Đấu vì kinh doanh máy nông nghiệp nên cứ mười lăm triệu bằng một máy cày MTZ của Liên Xô. Cuối năm, máy cày lên giá hai mươi triệu thì vốn và lãi ròng phải là bốn mươi triệu mới gọi là bảo toàn vốn và lãi một chiếc (hai mươi triệu), nếu còn mười lăm thì xem như lỗ năm triệu. Anh Ba Thu và anh em tài vụ dự duyệt quyết toán năm của Xí nghiệp Nước mắm Quốc doanh “Chánh Hưng – Châu Đốc” về báo cáo tôi lãi trên một trăm triệu, tôi nhẩm tính và nói “Lỗ trên một trăm triệu mới đúng”. Các anh lên quyết toán lại đúng như tôi nói, nhưng lỡ thay mặt Sở ký duyệt rồi, anh Ba Thu nói: “Thôi lỡ rồi, xin ông cho qua, vì anh em nó cũng trích thưởng xài hết rồi”. Tôi đồng ý, vì trên giấy tờ và nguyên tắc tài chánh khi ấy, tôi cho phép mà không sợ ai bắt tội, vì luật là vậy và ai cũng làm vậy; còn hạch toán theo cách của tôi, lúc này “là đúng theo tôi chủ trương” và Tỉnh ủy đã cho phép “toàn quyền” nên ai cũng phải nghe. Nhưng chỉ có kinh doanh một lúc rồi hết vốn, khi máy cày lên giá 50 triệu mà anh chỉ còn 15 triệu thì đi mua được cái máy gì để bán lại – kinh doanh? Vì vậy, Xã hội chủ nghĩa Liên Xô – Đông Âu mới đổ và Việt Nam đang đứng trước bờ vực! Giám đốc Sở có được các công ty, xí nghiệp trích cho một khoản tiền để tiếp khách hoặc chi đặc biệt mà nguyên tắc tài chánh là không được, trong đó có cấp lương, sanh hoạt phí cho kỹ thuật viên ở xã mới tuyển, chưa vào biên chế… Hàng tháng, tôi cho Tài vụ dán bản quyết toán thu chi và tiền quỹ treo tại Phòng Hành chánh – Tổ chức và trước cửa phòng Giám đốc Sở. Không hề có họp báo cáo mà cũng không ai nghi ngờ. Anh Năm Điền có lần đến cơ quan tôi, nhìn bảng quyết toán, nghe người ta nói lại, anh khen: “Dán vậy, ai cũng xem thì làm gì có tiêu cực”.

Khoảng một năm sau khi tôi về Sở, Tỉnh ủy và Ủy ban lần lượt sáp nhập Sở Lâm nghiệp, Thủy lợi và Ban Quản lý ruộng đất vào. Nếu tính từ sau Đại hội VI toàn quốc, các Ban Cải tạo Nông nghiệp, Ban Xây dựng cấp huyện và Sở Thủy sản nhập vào trước khi tôi về, đến nay Sở Nông nghiệp mới gồm ba ban, ba sở. Biên chế cũng chỉ khoảng gần ba mươi người. Những ban, sở trước khi nhập qua, tôi cho giải quyết vấn đề nhân sự, biên chế trước một bước. Lãnh đạo, nếu ai còn giữ lại được bổ sung vào Ban Giám đốc hoặc làm Trợ lý Giám đốc như các anh ở Lâm nghiệp, Lâm sản, Thủy sản, Thủy lợi. Các cán bộ còn lại đưa về các công ty của sở cũ đang quản lý, ai không phù hợp công việc mới thì giải quyết chánh sách. Chỉ có Ban Quản lý ruộng đất, tôi cho lập Phòng Quản lý ruộng đất để bảo đảm chuyên môn, tính pháp lý và tính liên tục, nhưng biên chế không quá mười người. Những cán bộ không còn phù hợp với công việc tôi chủ trương ai tự giác chịu về hưu được lên ngay hai bậc lương, ai không chịu thì ở nhà lãnh lương và chờ đến tuổi hưu thì chỉ lên một bậc thôi. Tiếng lành đồn xa, tôi có em cháu học Đại học Cần Thơ nói lại, trong sinh viên có dư luận: Được về công tác ngành Nông nghiệp An giang là một may mắn.

Tiếp theo việc sắp xếp bộ máy tổ chức ngành đến tận xã, tôi bắt tay vào củng cố các công ty, xí nghiệp. Đề nghị Ủy ban tách nhập lại cho phù hợp, nhất là thay đổi các giám đốc. Giải tán Nông trường Cản Đá, Nông trường An Thành, Lâm trường Bình Minh, Công ty Lâm sản, Công ty Dâu – tằm – tơ, Công ty Bông – Đay (bố), v.v. Các giám đốc, phó giám đốc không phát huy được, thay đổi hàng loạt, trong đó có cả người thân của cấp lãnh đạo cao nhất tỉnh. Tôi bắt đầu phá “mê hồn trận cơ chế” mà không hay, vẫn rất hăng hái, tuy thái độ chung là “chờ xem”. Có đồng chí trong lãnh đạo tỉnh bắn tin tôi, qua trợ lý: “Bảy Nhị vuốt mặt phải chừa mũi”, hoặc có lần bực mình sao mà nói tôi là thằng “lưu manh chánh trị” (!). Nhưng tôi biết giữ mình, làm gì cũng biết “vừa phải”. Cái phải mà nếu quá trớn, không còn “vừa”, cũng hết phải rồi. Nhưng tôi vẫn cảm thấy lần này khác hơn lần làm bệnh viện huyện Phú Tân, vì có “lịnh tiễn” của Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy về chủ trương làm thử “quản lý ngành dọc” nên tôi rất yên tâm và rất tự tin mình làm được.

clip_image008

Tổng kết công tác 1988 của Nhà máy đông lạnh đầu tiên

của tỉnh xây dựng năm 1985

Việc nhập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp thuộc Sở, gọi tắt là “Trung tâm giống” về Công ty Bảo vệ Thực vật cũng là vấn đề mới, có người cho rằng tôi xem thường Khoa học kỹ thuật nên không để thuộc Sở mà để thuộc Công ty, mà Công ty lại thuộc Sở. Sự thật là sau khi cơ cấu lại bộ máy Tổ chức Hành chánh của ngành và các đơn vị kinh doanh – doanh nghiệp nhà nước, ai cũng cảm thấy dễ làm, có thu nhập cao hơn, chỉ riêng Trung tâm giống vẫn còn nghèo, cán bộ giỏi mà tôi rất chú ý như Kỹ sư Nguyễn Thuần Khiết hàng ngày vẫn đi xe đạp cả chục cây số từ nhà ở Chợ Mới qua Long Xuyên làm việc, Kỹ sư Tiêu Minh Tâm thì âm thầm làm việc ở Trại Bình Đức, có tư cách khá hơn công nhân thường mà thôi. Ngoài ra, do đơn vị làm ăn không phát lên được thì phải “lụn” về vấn đề nội bộ cũng là lẽ thường và ai ở đó cũng đều cảm thấy buồn. Tôi chủ trương “Thương mại hóa công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ bằng cách nhập vào Công ty Bảo vệ thực vật để Công ty vừa bán thuốc vừa bán giống luôn mà không tăng biên chế, không tăng chi phí. Và với hệ thống Công ty có trong cả nước, khi thu hoạch giống nơi này thì nơi khác lại vào vụ sản xuất, có sự “lệch pha” mùa vụ mới bán được, vì giống phải có thời gian “ngủ” mới nảy mầm. Sở khiếu nại chủ trương của tôi với lý lẽ “Sở không quản Trung tâm giống thì làm sao quản lý được Ngành nông nghiệp?”. Tôi nói với Chủ tịch tỉnh để tôi làm, tôi chịu trách nhiệm. Và thực tế đã trả lời: thu nhập của cán bộ kỹ thuật cải thiện ngay và sớm giàu lên sau ba năm nhập vào Công ty bằng thành quả trí tuệ của anh em mà Nhà nước không phải trả mọi chi phí cho một đơn vị sự nghiệp là Trung tâm thuộc Sở, kể cả bù lỗ bán giống theo giá lúa hàng hóa, mà chỉ riêng việc bù lỗ giống thôi mỗi năm ngân sách Tỉnh phải tốn từ 300 đến gần 500 triệu đồng thời đó. Tôi không ngờ lợi tức ngành giống của Công ty sau này có năm đạt cả trăm tỷ đồng! Vậy, thực chất anh em thuộc Công ty sướng hơn “danh ảo” thuộc Sở chớ sao. Đó là chưa nói trước đó, anh em chỉ quanh quẩn “ao nhà”, nay, sau khi về Công ty được đi ra ngoài tỉnh, ngoài nước để làm Khuyến nông – Khuyến mãi cho Tỉnh và cho Công ty…, rạng rỡ hơn nhiều!

Được tiếng là một sở lớn, nhưng phương tiện chỉ có hai xe (bốn chỗ) đã quá già cỗi. Một hôm, tôi đi hội nghị ở Thành phố Hồ Chí Minh trên chiếc Mazda của Sở Thủy sản (cũ). Đến trụ bon Ngã ba Trung Lương, xe tự dưng máy tắt sau một tiếng nổ nhỏ. Tôi hỏi cậu Dì (tài xế): “Cái gì vậy?”. Dì ngập ngừng: “Không biết cái gì…?” và cho xe tắp vô lề. Khi kiểm tra, mới phát hiện là cái bougie bị văng ra ngoài, tạo ra tiếng nổ. Anh em lái xe ôm thấy tội nghiệp hay sao mà cũng vào tiếp tay. Cái chân bougie răng mòn quá, phải cắt một miếng nhôm mỏng từ lon bia chêm vào mới vặn được, phải mất cả giờ đồng hồ. Về nhà, gặp đồng chí Chủ tịch tỉnh xin mua xe, anh Ba Đức nói không biết chơi hay thiệt: “Cho ai, chớ không cho Sở Nông nghiệp mua xe”. Tôi cũng không hỏi lý do. Nhưng trước đó, khi họp các giám đốc công ty thuộc Sở, tôi cho phép anh em: Nếu có tiền, mua xe đời mới có máy lạnh đi công tác cho tiện lợi và cũng để cho đối tác trọng mình. Đừng sợ xe tốt hơn xe của Sở. Chủ trương này cũng chưa có tiền lệ và cũng chưa có sở nào có. Vì vậy, biết câu chuyện tôi xin xe bị từ chối, anh em góp tiền mua cho tôi một chiếc NISSAN 2.0 mới nhập, giá không thuế là 8.000 USD; được đối tác ủng hộ 1.000 USD. Cả tỉnh lúc này chỉ có một chiếc của đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, nhưng đã cũ. Chuyện chiếc xe cũng là một sự “phiền toái” cho tôi. Lúc về hẳn Ủy ban, giao chức Giám đốc Sở cho anh Tư Hiếu, tôi để lại cho Sở chiếc xe này và cả chiếc xe Jeep vùng Vịnh mà tôi thích để đi thăm đồng. Tôi có thói quen đi đâu là đi mình không.

Việc xác lập cơ chế quản lý ngành dọc, tự trả lương cho kỹ thuật viên ở xã, hơn hai năm sau được tỉnh thừa nhận và ngân sách trả lương cho đội ngũ kỹ thuật viên ở xã, tôi nhẹ gánh! Anh Lê Tấn Pháp, Trưởng ban Tổ chức Chánh quyền tỉnh khi ấy là người trực tiếp soạn thảo văn bản cho Ủy ban ký. Nhưng rất tiếc là tỉnh không làm đề án xin Trung ương trước khi ra quyết định để trở thành cơ chế chung, nên sau đó Chính phủ qui định tổ chức bộ máy mới (như cũ trở lại), Quyết định 05 đương nhiên vô hiệu. Nhưng kỹ thuật viên nông nghiệp xã vẫn được thừa nhận cũng là một thắng lợi của ngành Nông nghiệp An Giang và cho cả nước. Trong số họ, sau này, có người trở thành cán bộ cốt cán ở xã và cả cấp huyện; cá biệt có người làm đến Chủ tịch huyện. Các Phó Giám đốc Sở, giám đốc các công ty, xí nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp do Giám đốc Sở ký bổ nhiệm, khi giao dịch, người ta nói là “giả” nên cuối năm 1991 Ủy ban tỉnh phải ký lại các quyết định bổ nhiệm các chức danh ấy cho hợp pháp, hợp luật. Nói theo ngôn ngữ thập niên đầu thế kỷ 21, làm như nói trên thật sự là “tái cấu trúc bộ máy”, “tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp” đúng nghĩa, cũng như hồi ở Phú Tân làm “Bệnh viện Hòa Hảo” nhưng đến 20 năm sau mới có phương châm “Nhà nước và nhân cùng làm”. Tôi lại phạm vào chỗ “cầm đèn chạy trước ô-tô”. Nhưng không bị ô-tô cán âu cũng là may mắn!

Tôi cũng làm qui hoạch cán bộ cho Sở, chọn số cán bộ chủ chốt ở các công ty, xí nghiệp, nông trường của Sở, đã qua đại học chánh qui gởi đi đào tạo trung và ngắn hạn ở Liên Xô và Ấn Độ. Nhưng số này phát huy cũng có chừng mực, nhất là không bổ sung được vào Ban Giám đốc Sở cũng như giám đốc các công ty sau này đòi hỏi có trình độ phù hợp với cơ chế mới. Nên nhớ rằng số cán bộ được qui hoạch như vừa nói đều là số trội về trình độ kiến thức và tất nhiên là rất “hồng” nhưng so yêu cầu thì khó đáp ứng, song không thể cứ được qui hoạch là đề bạt như “đến hẹn lại lên”. Đây chính là vấn đề cốt tử công tác cán bộ lâu nay: Càng về sau, cán bộ càng thiếu tâm và yếu tầm, vì quan điểm và cách chọn cán bộ của ta “vừa hồng vừa chuyên”, thậm chí chỉ cần “hồng” (trong số con cháu cán bộ lãnh đạo), vì vậy nó trở thành thiểu số trong một thiểu số Đảng viên chưa về hưu, làm sao so được với nguồn lực vô tận trong nhân dân 90 triệu người ngoài xã hội. Đó là cách bầu chọn theo qui định, qui trình lãnh đạo chớ không phải cạnh tranh tài đức tự nhiên. Câu “Con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” hồi sinh với sức sống mãnh liệt trong màu sắc “ổn định”.

N.M.N.

Comments are closed.