Cái hộp giấy

Nguyễn Đức Tùng

clip_image002

Vừa lái xe ra khỏi siêu thị chiều thứ bảy, vài ngày trước lễ Giáng sinh, đang lúng túng, đèn đủ màu chớp tắt, người đi lại che cả mắt nhìn, tôi giật mình nghe tiếng kêu lớn của gã lái xe chạy vụt qua. Không hiểu hắn ta nói gì, tôi đoán là tiếng chửi thề của bọn thanh niên nóng tính lúc kẹt xe, trời cuối năm lạnh gắt, mọi vật sáng lên trong suốt hẳn một lúc trước khi trời đổ tuyết, sáu tháng sau ngày tôi lấy được bằng lái xe. Chạy thêm một quãng, lần này một chiếc xe hơi thể thao màu trắng ghé sát vào, chậm lại, cô gái ngồi trên ghế trước bên phải quay hẳn kính xuống, la: Cái hộp! Cái hộp của mày trên trần xe! Tóc cô quấn cao, ngấn cổ cao, môi son đỏ chói, tôi giật mình tạt vào lề, quả nhiên một cái hộp giấy cạc tông lớn nằm ngay ngắn trên trần xe. Đó là hộp không. Tôi vói tay lấy xuống, cất vào trong. Hồi ấy bà con thường dùng hộp giấy cạc tông cứng để đóng thùng gửi thuốc và quà về Việt nam. Những người muốn giúp đỡ gia đình hay gặp rắc rối trong việc gửi tiền mặt, phần vì hệ thống chuyển tiền chưa thuận tiện như bây giờ, phần vì sự phản đối trong dư luận cộng đồng. Cách tốt nhất là gởi thuốc Tây, lý do nhân đạo, vẫn dễ. Ngày nghỉ cuối tuần, khi không đi câu cá hay học nhảy đầm với bạn bè, không lai rai uống bia trong các pub house, tôi cặm cụi vào hiệu thuốc tìm mua đủ loại, nhét đầy hộp. Đối với kháng sinh và thuốc đặc biệt, tôi phải đến bác sĩ xin toa vì không thể mua ngoài thị trường. Những thứ khác, nhất là dầu nước khuynh diệp xanh lá cây hiệu con ó sản xuất ở Mỹ, thơm cay mắt, hay dầu mỡ hiệu con khỉ trắng ôm trái đào, tôi mua tự do. Tôi nhìn đi nhìn lại dòng chữ trên cái hộp dẹt tròn nhỏ xíu, “white monkey holding a peach”, phì cười, cảm động. Ở biên giới, khi ngã bệnh sốt, tôi được một người phụ nữ Thái tặng chai dầu này. Tôi mua sẵn nhiều đợt khi có tiền, để dành, gởi lần hồi. Người nhà tôi bị bệnh gì mà phải dùng đến dầu thơm, kháng sinh, steroids, thuốc nấm móng tay, trị lao phổi, chống ung thư, chống trầm cảm, chống mập phì, chống siêu vi, chống ngứa, chống liệt dương, nhiều thế?

Họ chẳng có bệnh gì cả. Mà nếu bệnh, họ cũng chỉ uống thuốc rễ cây, uống nước rau má, xông hơi lá chanh lá sả, chứ chẳng hề dám nghĩ tới thuốc Tây sang trọng. Đến tay người nhận, chỉ vài hôm sau thùng thuốc đã nằm ngoài chợ trời. Ôi chợ trời, tôi đã đi qua Hàm Nghi, dọc đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, chợ Cồn Đà Nẵng, Hố Nai, Tây Lộc Huế, chợ Đông Hà. Ở đâu chợ trời cũng nhộn nhạo, vui vẻ, nhớp nháp, khẩn trương, đầy vẻ lưu lạc. Ngươi đã nuôi sống bao nhiêu người khốn khó, cưu mang nhiều kiếp lạc loài? Bao người lương thiện nhờ ngươi mà sống sót, bao kẻ lưu manh nhờ ngươi mà thành đại quan, quý tộc, hỡi chợ trời? Xếp hàng bưu điện cuối năm đông người, vật lộn với những thùng giấy, những sợi dây bện, những cuộn băng keo đến toát mồ hôi, luống cuống cân đo, bị cô nhân viên mặt đầy mụn trứng cá khó đăm đăm trả đi trả lại vì ghi sai địa chỉ, trả tiền lệ phí, ra khỏi bưu điện trong siêu thị, tôi thở phào mừng quýnh, nghĩ đến những người thân sắp nhận thùng quà của mình, tôi vui quá nên quên trước quên sau chứ thường ngày tôi vụng về nhưng không đến mức đãng trí thế. Nghĩ đến quang cảnh tòa nhà Bưu điện Sài Gòn sơn xanh, cũ nhưng uy nghi, duyên dáng, với đàn chim bồ câu trắng bay lượn chiều mưa vừa tạnh, mặt bàn cà phê nhỏ xinh bên kia đường dưới cây sứ bông nửa vàng nửa trắng, có mùi hành tỏi, mùi tương ớt của tô bún ốc ai vừa bưng đi. Nhớ người thiếu nữ sinh viên Đại học Sư phạm mái tóc đen tuyền thả ngang vai, chiều chiều đạp xe dưới hàng cây sầu đông qua trường đua Phú Thọ, về quận mười một, sắp nhận được cục xà phòng Camay thơm, gói kỹ, nhét trong hộp thuốc tây, tôi sướng rơn người. Rồi lan man nghĩ đến bức thư nhận được tháng trước của đứa cháu gái, bốn tháng nay nhà không có cái ăn, em bé mới sinh, mẹ khắt sữa không có gì bú, tối nào cũng khóc, dỗ mãi không nín. Con bé này đi học về liền ném cặp sách, xắn quần lội ruộng, mò cua bắt ốc, nhưng trời nắng hạn, bùn khô quánh lại, có gì ăn được thì thiên hạ đã bắt hết. Đó là năm một chín tám mươi. Thỉnh thoảng trên đường ta nghe một người lái xe hét lớn: Nắp xăng! Nắp xăng bật ra! Dành cho một người lái xe có chuyện vội vàng quên đóng nắp xăng. Và khi chiều về, mặt trời tắt sau núi, bỗng nghe một người lái xe khác chạy vút qua, vui vẻ kêu lên: Ly cà phê! Ly cà phê của mày trên trần! Có thể đoán kẻ lái xe kia là một gã đãng trí, bị bệnh mất ngủ thường uống cà phê vì cái ly còn nóng. Hay hắn ta là một kẻ xa nhà, lúc ấy đang bâng khuâng nhớ con đường hẻm, tưởng tượng thong thả đạp xe qua dưới hàng cây sầu đông hoa nở tím một người muôn năm cũ, tay áo sơ mi thả dài, thơm mùi xà phòng Camay hay mùi dầu khuynh diệp?

Comments are closed.