Đẻ sách (kỳ 11)

Tiểu thuyết của Đỗ Quyên

Chương kết

Tuyên ngôn của Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách [1]

Một bóng ma đang ám ảnh các nền văn học và nghệ thuật tiểu thuyết: Bóng ma Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Tất cả văn lực của văn học: từ các phái Văn hoàng tới Chính trị hoàng, từ các em Mở Mồm Tung Bướm tới cánh trương tuần làng văn… đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.

Có phái đối lập chữ nghĩa nào lại không bị địch thủ của mình đang nắm văn quyền hay văn đàn, buộc tội là Ăn Thịt Người Đẻ Sách? Có phe đối lập viết lách nào, đến lượt mình, lại không ném trả lại cho những đại biểu tiến bộ nhất trong phe đối lập, cũng như cho những địch thủ phản nhân tính của mình, lời buộc tội nhục nhã là Ăn Thịt Người Đẻ Sách?

Từ đó, có thể rút ra hai văn luận:

– Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã được tất cả các văn lực ở làng văn thế giới thừa nhận là một văn lực.

– Hiện nay, đã đến lúc những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách phải công khai trình bày trước văn giới đang được toàn cầu hóa những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một văn phẩm về Chủ nghĩa của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Vì mục đích đó, những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách thuộc các sắc tộc khác nhau đã họp trên internet trong diễn đàn anthitnguoidesach.com, và thảo ra bản Tuyên ngôn này, được minh họa qua cuốn tiểu thuyết châm biếm Đẻ Sách kèm đây do Đỗ Quyên, một Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chấp bút, với bản đầu tiên được công bố bằng tiếng – tất nhiên – Việt (và đang làm tiếp các bản tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Tàu, tiếng Hàn, tiếng I-ta-li-a, tiếng Phla-măng, v.v… và – nếu thấy thật cần thiết đành buộc lòng – cả tiếng… Đan Mạch!)

Tiểu thuyết châm biếm Đẻ Sách gồm nhiều chương, minh họa và mô tả các ý chính sau:

1. Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách và Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách

2. Những người ăn thịt người không đẻ sách và những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách

3. Văn Học Ăn Thịt Người Đẻ Sách

4. Thái độ của những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách đối với các tông phái văn nghệ đối lập và cách tân khác

1. Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách và Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách

Lịch sử tất cả các nền văn học tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh của các phương pháp sáng tác và các phương pháp phản sáng tác; cho dù thuật ngữ “phương pháp sáng tác” mới ra đời hồi đầu thế kỷ 19, còn cách gọi chính trị hóa của nó – “chủ nghĩa” (“-isme”) trong văn học – thoát thai ở lối vào thế kỷ 20.

Tác giả và độc giả; nhà văn và nhà xuất bản, tòa soạn; văn giới và chính quyền; văn đàn và chốn đàn đúm; văn sĩ và vợ/chồng/con cái/bồ bịch của văn sĩ… – nói tóm lại, những người viết và những kẻ không viết vốn luôn luôn đối kháng với nhau và với chính bản thân mình, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ văn học, hoặc bằng sự diệt vong của hai phương pháp sáng tác-phản sáng tác cụ thể nào đó đấu tranh với nhau.

Văn Học Không Ăn Thịt Người sinh ra từ trong lòng văn học tiền hiện đại và đang đi đến diệt vong, không xóa bỏ được những đối kháng giữa sáng tác và phản sáng tác. Nó chỉ đem những người viết mới, những người không viết mới, những điều kiện viết mới, những điều kiện không viết mới, những hình thức đấu tranh mới để thay thế những người viết/không viết cũ, những điều kiện viết/không viết cũ, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi.

Tuy nhiên, đặc điểm của thời đại văn học chúng ta – thời đại mà Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách còn chiếm số đông – là đã đơn giản hoá những đối kháng phương pháp sáng tác và phản sáng tác. Xã hội văn học ngày càng chia thành hai văn phái lớn thù địch nhau, hai văn cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách và Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Hai đẳng cấp văn học lớn nhất lịch sử văn giới đó đầu thai và sinh ra trong lòng ba cuộc toàn cầu hóa văn chương: Lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1492 với Christopher Columbus phát hiện ra cú pháp bản xứ Bắc Mỹ; Lần thứ hai, kể từ năm 1880 sau Cách mạng giấy bút Pháp lần thứ nhất năm 1789; Và cuộc văn cầu hóa đệ tam gắn với kỷ nguyên Thông tin và Cách mạng số, bắt đầu từ năm 2000, sau văn kiện Bức tường ngữ nghĩa Đông-Tây sụp đổ ở Berlin 1989. [2]

Của đáng tội, việc tìm ra bàn văn keyboard, văn đàn email và văn lộ internet đã đem lại một văn đồ hoạt động mới cho nhiều Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách vừa ra đời. Như vậy, chúng ta thấy rằng bản thân Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách cũng là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài, của hàng loạt các cuộc cách tân trong phương thức viết và phản viết.

Đúng là Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã đóng được một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử văn chương!

Bất cứ ở chỗ nào Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách chiếm được văn quyền thì nó đã đạp đổ những quan hệ cổ truyền, văn trưởng và điền viên của văn giới truyền thống.

Tất cả những mối quan hệ phức tạp và muôn màu muôn vẻ ràng buộc con người văn học cổ truyền với “những bề trên tự nhiên” của mình, đều bị Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách thẳng bút phá vỡ, không để lại giữa người (đọc) và người (viết) một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối “câu trao chữ múc” không tình không nghĩa.

Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng văn, của nhiệt tình văn sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh bởi sự tính toán ích kỷ không muốn dây dưa với máu thịt tha nhân.

Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách tước hết hào quang thần thánh ở tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, bác học… đều bị Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách biến thành các nhân vật tiểu thuyết được văn chương thuê mướn với đồng nhuận bút nhất định cho tác giả.

Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ giữa các nhân vật và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là quan hệ ngôn ngữ hư cấu đơn thuần.

Tóm lại, Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã đưa đến sự bóc lột chữ nghĩa một cách công nhiên, vô sỉ, trực tiếp và tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng giả văn học về tôn giáo và chính trị.

Chính họ – Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách – là các nhà văn đầu tiên đã cho chúng ta thấy hoạt động của văn nghệ sĩ có khả năng làm được gì. Nó đã tạo ra những kỳ quan văn học khác hẳn những Trường ca Odyssey của thời ngữ nghĩa thượng cổ, những Don Quixote thời ngữ pháp trung cổ, những Anna Karenina thời ngữ vựng cận đại… Nó đã tiến hành những cuộc viễn chinh khác hẳn những cuộc di cư của các dòng văn học và những cuộc thế chiến trên văn đàn.

Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách không thể tồn tại, nếu như không luôn luôn cách mạng hoá nguyên vật liệu khi hành văn, do đó cách mạng hoá những quan hệ sáng tạo văn học, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong văn học.

Do bóp nặn văn trường toàn cầu, Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã làm cho sự viết và sự phản viết trong tất cả các quốc gia mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho văn học mất cơ sở dân tộc. Những ngành nhánh văn học dân tộc đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt.

Nhờ cải tiến mau chóng công cụ viết lách và làm cho các phương tiện diễn đàn trở nên vô cùng tiện lợi, Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách lôi cuốn đến cả những dân tộc có ngôn ngữ dã man nhất vào trào lưu văn minh và tân văn. Giá rẻ của những tác phẩm từ các nhà văn ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những vạn lý trường thành của con chữ cái nghĩa, và buộc những người có cú pháp dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải văn phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức viết văn không ăn thịt người, nếu không sẽ bị… ăn thịt! Nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn chương không ăn thịt người, nghĩa là phải trở thành kẻ văn người thơ không ăn thịt người! Nói tóm lại, nó sinh ra cho nó một thế giới ngữ nghĩa theo văn dạng của nó.

Tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách bắt văn học nông thôn phải phục tùng văn học thành thị. Nó lập ra những đô thị văn chương đồ sộ; nó làm cho dân số của chữ nghĩa tân hình thức phố thị tăng lên phi thường so với dân số ca dao chân quê; và do đó, nó kéo một bộ phận lớn dân cư thoát khỏi vòng ngu muội của đời sống câu chữ thôn dã. Cũng như nó đã bắt nghĩa nông thôn phải phụ thuộc vào ngữ thành thị, bắt những xứ sở có ngữ pháp dã man hay một phần ba dã man phải phụ thuộc vào các quốc gia mang ngữ pháp văn minh; nó đã bắt những dân tộc ít động từ nhiều danh từ phải phụ thuộc vào những dân tộc nhiều động từ ít danh từ, bắt Đông văn phải phụ thuộc vào Tây văn.

Văn Học Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách ngày càng xoá bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sáng tác, về tài sản ngôn từ và về dân cư văn học. Nó tụ tập văn nhân, tập trung văn liệu, và tích tụ văn sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của những thay đổi ấy là sự tập trung về văn trị.

Tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, trong quá trình văn trị một thế kỷ rưỡi đã cất công tạo ra những lực lượng viết văn nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sáng tạo trong bảy môn nghệ thuật từ tất cả các thế hệ trước kia gộp lại. Nhờ chinh phục được các công cụ văn nhiên – những phương tiện của thế giới tự nhiên đến với văn học – qua sự viết bằng máy đánh chữ rồi nay là bàn phím computer, laptop, iPhone và sắp tới chỉ cần gõ ngón tay Này hay bàn tay Kia vào khoảng không nào đó, Văn Học Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã khoác lên cơ thể hoành tráng của trường ca tấm voan thấu hết những gì trường ca cấu thành, đã rước thơ từ đỉnh cao trữ tình mây mờ xuống là là với các cục phân tư tưởng, đã chuyển hóa sân khấu kịch từ thi trường thành chính trường rồi chiến trường, đã biến hóa bộ môn lý luận phê bình khi thành chiếc roi sắt lúc làm củ cà rốt cho các con ngựa con lừa văn học, đã khai phá từng lục địa nguyên vẹn trên bản đồ tiểu thuyết, và đã đặt dấu chấm tưởng như cuối cùng với nghệ thuật trước cuộc đời qua truyện ngắn rồi truyện cực ngắn…

Hỏi có các kỷ nguyên nào trước đó lại ngờ được rằng, hôm nay, bàn văn ở các Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách được thừa hưởng những văn lực sáng tạo ngôn từ như thế tiềm tàng trong lòng lao động văn học?

Vậy là chúng ta đang thấy rằng, những tư liệu sáng tác và bình luận, làm cơ sở hình thành cho tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, đã được tạo ra từ trong lòng xã hội văn học hậu truyền thống và tiền hiện đại. Những tư liệu viết lách và phản viết lách ấy phát triển tới một trình độ nhất định nào đó thì sẽ không phù hợp với những lực lượng độc giả đã phát triển cả về dạ dày lẫn não bộ. Những cái đó đã và đang cản trở viết lách, chứ không làm cho viết lách tiến triển. Tất cả những cái đó đều biến thành xiềng xích! Phải đập tan những văn xiềng ngữ xích ấy, và quả nhiên những ngữ xích văn xiềng ấy đã và đang bị đập tan!

Những vũ khí mà Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã dùng để đánh đổ các tông phái văn nghệ lớn nhất như chủ nghĩa văn học kinh điển, chủ nghĩa văn học lãng mạn và chủ nghĩa văn học hiện thực “chăm phần chăm em ơi”, thì ngày nay quay lại đập ngay vào chính họ. Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách không những đã rèn những văn khí tự giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng văn khí ấy chống lại nó, đó là những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, những Độc Giả Ăn Thịt Người Đọc Sách.

Tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách mà lớn lên thì tầng lớp Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách – tức là các nhà văn chỉ có thể viết với điều kiện kiếm được đối tượng văn chương ăn thịt người và kiếm được người để ăn thịt – cũng lớn lên theo. Những nhà văn ấy, buộc phải tự chan hòa câu máu chữ thịt của bản thân với câu thịt chữ máu của tha nhân để viết văn từng dòng một, như là sản phẩm bằng ngữ nghĩa, tức là một món hàng ngôn ngữ bị đem bán như bất cứ một món hàng phi ngôn ngữ nào khác. Vì thế họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường xuất bản sách báo.

Với sự phát triển từ việc dùng computer, emailinternet và sự phân công văn sản, lao động nhà văn của Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách trở nên mất hết tính chất độc lập, do đó họ mất hết văn hứng.

Văn chương Hậu hiện đại (Post-modernism) và – còn nữa nào đã hết – văn chương Sau hậu hiện đại (Beyond post-modernism) đã biến bàn văn của người thơ chân quê ở một làng văn vùng sâu vùng xa trở thành tòa soạn viễn liên của Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách sống ngay giữa đại đô thị. Những khối đông đảo Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chen chúc nhau trong nhà xuất bản, tòa soạn được tổ chức theo lối quân sự. Là những người lính trơn của văn khu, họ bị đặt dưới quyền giám sát của cả một hệ thống cấp bậc sĩ quan (văn) và hạ sĩ quan (văn). Họ không những là văn nô cho tầng lớp Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, cho chủ nghĩa Văn Học Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, mà hàng ngày, hàng giờ, còn là văn nô của thế giới phẳng computer-email-weblog, của các tay sen đầm văn giới, đầu nậu văn bút, và trước hết của chính cái kẻ Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách làm chủ bút tòa soạn, sếp sòng nhà sách, chủ xị văn đàn. Chế độ chuyên quyền văn học ấy càng công khai tuyên bố văn danh (tiếng) và văn kim (tiền) là mục đích cao nhất của nó thì nó lại càng trở nên ti tiện, bỉ ổi và đáng căm ghét.

Vì cánh Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách ngày càng cạnh tranh với nhau hơn và vì khủng hoảng mỹ học cùng phương pháp luận do sự cạnh tranh ấy sinh ra, cho nên tiền nhuận bút càng trở nên bấp bênh. Việc cải tiến bút pháp, văn phong không ngừng và ngày càng nhanh chóng hơn – nhất là nâng bi hiện thực, sờ mông ngôn ngữ – làm cho văn cảnh ở trường phái Ăn Thịt Người Đẻ Sách ngày càng bấp bênh, những cuộc xung đột cá nhân giữa Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách và Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách ngày càng có tính chất của những cuộc xung đột giữa hai chủ nghĩa, hai trường phái.

Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách bắt đầu thành lập những liên minh (văn bút, văn đoàn) chống lại bọn Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách để bảo vệ lao động nghệ thuật của mình. Thậm chí họ đi tới chỗ thành lập những đoàn thể, những diễn đàn liên mạng thường trực để sẵn sàng đối phó khi những cuộc xung đột bất ngờ xảy ra. Đây đó, đấu tranh ngữ nghĩa đã nổ thành văn chiến.

Đôi khi Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách thắng, nhưng đó là một thắng lợi tạm thời.

Sự tổ chức như vậy của Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách thành đẳng cấp và do đó thành chủ nghĩa, luôn luôn bị phá vỡ bởi sự cạnh tranh giữa chính các Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách với nhau. Nhưng nó luôn luôn được tái lập và luôn luôn mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, hùng mạnh hơn. Nó lợi dụng những bất hòa trong nội bộ Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách để buộc họ phải thừa nhận một số văn quyền của Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Chẳng hạn, ăn tim của ai cũng được với nhà văn David O’Donovan (ở Chương 1, Đẻ Sách), ăn chân người tỵ nạn chỉ để viết sách luật pháp Đức với nhà văn Tabitha McAmmond (trong Chương 2), Nhà thơ Tự-ăn-tóc có thể bất lực trước các ngón tay của mình đang ngoại tình với Nhà viết kịch Ăn-tóc (nơi Chương 3), Ban chấp hành Hội Văn học Ăn tay Toàn thế giới thường có tính thây kệ (giữa Chương 4), v.v…

Nói chung, những xung đột xảy ra trong nền văn học cũ đã bằng nhiều cách giúp cho giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách phát triển. Giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách sống trong một trạng thái luận chiến không ngừng. Trước hết chống lại các văn hào thi bá hậu cổ điển, trung lãng mạn và tiền hiện thực; sau đó, chống lại các bộ phận của chính ngay giai tầng mình mà văn quyền xung đột với sự tiến bộ của đại công nghệ viết lách; và cuối cùng, luôn luôn chống lại giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách ở tất cả các nước. Trong hết thảy những cuộc đấu tranh ấy, giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách tự thấy mình buộc phải kêu gọi giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, yêu cầu họ giúp sức, và do đó, lôi cuốn họ vào phong trào văn học. Thành thử giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã buộc phải cung cấp cho những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách một phần trong những tri thức văn nghệ và những tri thức phổ thông của bản thân nó, nghĩa là những vũ khí chống lại chính nó.

Hơn nữa, như chúng ta vừa thấy, từng bộ phận trọn vẹn của giai tầng thống trị văn học bị sự tiến bộ từ công nghệ kỹ thuật đẩy vào hàng ngũ các Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, hay ít ra cũng bị đe dọa về những điều kiện văn sinh của họ. Những bộ phận ấy cũng đem lại cho giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách nhiều kiến văn.

Cuối cùng, lúc mà cuộc đấu tranh về phương pháp luận tiến gần đến giờ quyết định thì quá trình tan rã của giai tầng thống trị văn học, của toàn nền văn học vừa mới đã bị cũ, mang tính chất dữ dội và khốc liệt đến nỗi một bộ phận nhỏ từ giai tầng văn trị đó tách khỏi giai tầng này và đi theo giai tầng của văn tân, đi theo giai tầng trong tay đang nắm tương lai văn nghệ. Như trước kia, một bộ phận từ các văn học hậu kinh điển, trung lãng mạn và tiền hiện thực, thậm chí của cả các văn học “chăm phần chăm em ơi” kinh điển, lãng mạn, hiện thực cũng chạy sang hàng ngũ giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Ngày nay, một bộ phận của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách cũng chạy sang hàng ngũ giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách – đó là bộ phận những nhà tư tưởng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã biết vươn lên nhận thức được, về mặt lý luận, toàn bộ quá trình vận động của lịch sử văn học Ăn/Không ăn Thịt Người Đẻ/Không đẻ Sách.

Trong tất cả các tầng lớp hiện đang đối lập với giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách thì chỉ có giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách là giai tầng thực sự văn tân, triệt để văn cách, hoàn toàn văn mệnh. Tất cả các giai tầng khác đều sẽ suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại internet, trong khi đó giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách lại chính là sản phẩm của bản thân nền kỹ nghệ đại internet, của thế giới đại phẳng!

Các tầng lớp trung đẳng là những Nhà Văn Ăn Thịt Người Không Đẻ Sách, Không (là) Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Không (ra) Sách, Độc Giả Ăn Thịt Người Đẻ Sách, v.v… và v.v… – tất cả đều đấu tranh chống giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách chỉ để cứu lấy sự sống còn văn chương của riêng họ với tính cách như những tầng lớp trung đẳng. Cho nên họ không cách tân, cách mạng, mà bảo thủ; càng không văn tân, văn mệnh, thậm chí hơn thế nữa, lại phản động: họ tìm cách làm cho con chuột trên bàn văn chạy nhắng nhít, làm cho màn hình của văn đàn lồi lõm hơn. Nếu có thái độ cách tân thì cũng chỉ trong chừng mực là họ thấy mình sẽ phải rơi vào hàng ngũ Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách: lúc đó, họ bảo vệ lợi ích văn học tương lai của họ, chứ không phải lợi ích văn học hiện tại của họ; lúc đó, họ từ bỏ quan niệm văn nghệ của chính mình để đứng trên văn niệm của giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Còn giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách lưu manh, cái sản phẩm tiêu cực từ sự thối rữa những tầng lớp tận cùng trong các trào lưu văn học cũ, thì đây đó này kia, có thể được cuộc cách mạng Ăn Thịt Người Đẻ Sách lôi cuốn vào phong trào, nhưng điều kiện sinh hoạt chữ nghĩa của họ lại khiến họ sẵn sàng bán bút buôn mouse cho những mưu đồ từ các phe phản văn học.

Điều kiện sinh hoạt của văn chương cũ đã bị xóa bỏ trong những điều kiện sinh hoạt của giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách không còn gì để ăn, nếu muốn sáng tác ra hồn sáng tác; Quan hệ giữa anh/chị ta với vợ/chồng/con/bồ bịch không còn giống chút nào so với quan hệ gia đình Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách; Viết lách trong công nghệ thông tin đại hiện đại, tình trạng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách làm văn nô cho Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, ở Anh cũng như Áo, ở Chile cũng như ở Ấn Độ, đã làm cho Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách mất hết mọi tính chất dân tộc; Thi pháp, nội dung, hình thức văn học đều bị Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách coi là những thành kiến Không Ăn Thịt che giấu những lợi ích Không Ăn Thịt.

Tất cả những giai tầng văn học trước kia sau khi chiếm được văn quyền, đều ra sức củng cố văn vị mà họ đã nắm được bằng cách bắt toàn văn giới tuân theo những văn kiện đảm bảo cho phương thức sáng tạo của chính chúng. Những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chỉ có thể giành được các lực lượng văn học bằng cách xóa bỏ phương thức sáng tác hiện nay của chính mình, và do đấy, xóa bỏ toàn bộ phương thức sáng tác nói chung đã tồn tại từ trước đến nay. Những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chẳng có cái con… c. (chuột) gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá hủy hết thảy những gì vẫn bảo đảm và bảo vệ phương cách Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách từ trước đến nay!

Tất cả những trào lưu văn học, từ trước tới nay, đều do thiểu số văn nhân thực hiện, hoặc đều mưu cầu lợi ích cho thiểu số văn nhân. Cao trào Ăn Thịt Người Đẻ Sách là một phong trào độc lập của khối đại đa số các loại nhân, mưu cầu lợi ích cho khối đại đa số các loại nhân. Giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách, tầng lớp tận cùng dưới đáy của văn học hiện tại, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành văn học.

Cuộc đấu tranh của giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chống lại giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh văn học dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh văn học dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách ở mỗi nước (và cộng đồng hải ngoại của nó) phải thanh toán xong cái giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đang cùng viết bằng tiếng của nước mình đã.

Khi phác ra những nét lớn từ các giai đoạn phát triển của văn tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách, chúng tôi đã nghiên cứu cuộc nội chiến văn nghệ ít nhiều mang tính chất ngấm ngầm trong văn học hiện nay cho đến lúc cuộc văn chiến ấy nổ bung ra thành cuộc văn cách công khai, mà văn tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách thiết lập sự văn trị của mình bằng cách dùng văn lực lật đổ văn tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Tất cả những dòng văn học trước kia, như chúng ta đã thấy, đều dựa trên sự đối kháng giữa các giai tầng Không Ăn Thịt Người và các giai tầng được/bị Ăn Thịt Người.

Điều kiện căn bản của sự tồn tại và sự văn trị của giai tầng Không Ăn Thịt Người là sự tích lũy văn liệu vào tay những (văn) tư nhân, là sự hình thành và tăng thêm văn liệu sáng tác. Điều kiện tồn tại của Không Ăn Thịt Người là Ăn Thịt Người viết sách thuê theo đơn đặt hàng của Không Ăn Thịt Người. Lao động nghệ thuật làm thuê hoàn toàn dựa vào sự cạnh tranh giữa văn công – công nhân văn học – với nhau. Sự tiến bộ của văn nghiệp – mà giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó – đã đem sự đoàn kết cách tân của văn công do liên hợp lại mà có, thay cho sự chia rẽ của văn công do cạnh tranh giữa họ gây nên. Như vậy, cùng với sự phát triển của đại internet, chính cái nền tảng, mà trên đó giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách từng sáng tác và chiếm hữu văn phẩm của mình, đã bị phá sập dưới chân giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Thế là, trước hết, giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó!

Sự sụp đổ của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách và sự thắng lợi của giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách đều là tất yếu!

2. Những người ăn thịt người (không đẻ sách) và những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách

Quan hệ giữa Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách với những người ăn thịt người nói chung (không đẻ sách) như thế nào?

Những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách không thuộc về một tông phái văn học hoàn toàn riêng biệt, đối lập với các chủ nghĩa, phương pháp Ăn Thịt Người khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể các giai tầng Ăn Thịt Người. Họ không đặt ra những nguyên tắc hành văn riêng biệt nhằm khuôn phong trào Ăn Thịt Người theo những văn tắc ấy.

Văn phái Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chỉ khác với các chủ nghĩa, trường phái Ăn Thịt Người khác trên hai điểm:

– Một là, trong các cuộc đấu tranh của những người Ăn Thịt Người, theo các mục đích Ăn Thịt Người khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích chung cho toàn thể các giai tầng Ăn Thịt Người mà không phụ thuộc vào việc Ăn Thịt Người để làm gì.

– Hai là, ở các giai đoạn khác nhau của sự phân kỳ văn học trong cuộc đấu tranh giữa Ăn Thịt Người và Không Ăn Thịt Người, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích văn học của toàn bộ phong trào.

Vậy là về mặt thực tiễn, những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách là bộ phận kiên quyết nhất trong các trường phái Ăn Thịt Người ở những mục đích khác nhau; là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên về mặt lý luận, họ hơn các bộ phận còn lại của các giai tầng Ăn Thịt Người ở chỗ họ hiểu rõ những văn kiện, văn trình và văn phẩm chung của phong trào Ăn Thịt Người nói chung, dù ăn để đẻ sách hay không đẻ sách hay đẻ không sách hay vân vân…

Mục đích trước mắt của những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách cũng là mục đích trước mắt của tất cả các trường phái Ăn Thịt Người khác: tổ chức những người Ăn Thịt Người thành giai tầng; lật đổ sự văn trị của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách; và sau đó giai tầng Ăn Thịt Người giành lấy toàn bộ xã hội văn học.

Quan điểm lý luận của những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách tuyệt nhiên không dựa trên những văn niệm, những văn lý từ một văn hào cải cách thế giới nào đó phát minh hay phát hiện ra. Những nguyên lý ấy chỉ là biểu hiện khái quát từ các quan hệ văn chương thực tại của cuộc đấu tranh giai tầng hiện có, của sự vận động văn học đang diễn ra ngay trong phòng văn nơi mỗi văn sĩ chúng ta.

Tất cả những phong cách Ăn Thịt Người và Không Ăn Thịt Người đã trải qua những thay đổi liên tiếp, những cải biến liên tiếp trong văn học. Chẳng hạn, một chuỗi cao trào Không Ăn Thịt Người Đẻ Tiểu Thuyết ở Pháp với Honoré de Balzac và Victor Hugo, với vân vân và vân vân, để cuối cùng với Albert Camus và Jean-Paul Sartre đã xóa bỏ vĩnh viễn nền văn trị trung lãng mạn hậu hiện thực Ăn Ruộng Đất Đẻ Sách và đã bênh vực văn phái Không Ăn Thịt Người ở Âu châu. Vậy thì tại sao người ta lại trách những người Ăn Thịt Người Đẻ Sách chúng tôi là muốn xóa bỏ sự Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách? Tại sao, tại sao và tại sao?

Vâng! Chúng ta sắp nói đến việc Ăn Thịt Người Đẻ Sách viết thuê.

Giá cả trung bình của lao động viết thuê là số tiền nhuận bút tối thiểu, nghĩa là tổng số nguyên liệu sinh hoạt cần thiết cho nhà văn duy trì đời sống với tính cách là văn công (công nhân văn học). Cho nên cái mà Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách viết thuê chiếm hữu được bằng văn hoạt (sinh hoạt văn học) của mình cũng chỉ vừa đủ để tái xuất ra văn hoạt mà thôi. Không! Nhiều lần không! Chúng tôi tuyệt không muốn xóa bỏ việc Ăn Thịt Người ấy về những văn phẩm cần thiết để tái xuất ra văn hoạt, vì sự văn chiếm (chiếm hữu văn chương) ấy không đẻ ra một khoản dư văn nghệ văn giềng nào có thể đem lại một văn lực chi phối văn hoạt của văn sĩ khác.

Các ông hoắng lên, vì chúng tôi muốn xóa bỏ hình thức viết văn Không Ăn Thịt Người. Nhưng trong văn giới hiện nay của các ông, cái cung cách Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã bị xóa bỏ đối với chín phần mười số thành viên của văn giới đó rồi; chính vì nó không tồn tại đối với số chín phần mười ấy, nên nó mới tồn tại được. Như vậy, các ông trách chúng tôi muốn xóa bỏ một văn phong chỉ có thể tồn tại với điều kiện tất yếu là tuyệt đại đa số văn nhân bị tước hết văn quyền Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Nói tóm lại, các ông buộc tội chúng tôi là muốn xóa bỏ cách viết riêng của các ông. Quả thật, đó chính là điều chúng tôi muốn.

Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách không tước bỏ của ai cái khả năng đang chiếm hữu những phương pháp sáng tác cả. Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách chỉ tước bỏ quyền dùng sự văn chiếm ấy để nô dịch lao động nhà văn của người khác, tức là để tạo ra các văn nô.

Người ta còn phản đối lại rằng, xóa bỏ lối viết Không Ăn Thịt Người thì mọi hoạt động sáng tạo sẽ ngừng lại, thì bệnh viết dở “no thịt người ấm cật” sẽ phổ biến, sẽ ngự trị. Nếu quả vậy thì Văn Học Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách phải sụp đổ từ lâu rồi do tình trạng viết dở, vì trong văn học ấy những nhà văn thì không được viết mà những kẻ được viết lại chẳng là nhà văn. Tất cả sự lo ngại đó chung quy chỉ là luận điệu trùng phức cho rằng, nếu không còn giới Nhà Văn Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách thì cũng không còn lao động nghệ thuật nữa!

Tất cả những lời phản đối nhằm chống lại thi pháp Ăn Thịt Người và chiếm hữu những văn phẩm được tung ra, cũng nhằm chống lại sự viết và sự chiếm những sản phẩm tinh thần và chiếm hữu cả Thịt Người nữa. Nếu đối với người Không Ăn Thịt Người, cách viết Không Ăn Thịt Người bị thủ tiêu có nghĩa là chính văn học cũng bị thủ tiêu, thì đối với họ, văn hoá Ăn/Không Ăn để viết bị thủ tiêu, cũng có nghĩa văn hóa nói chung bị thủ tiêu. Cái văn hoá mà người Không Ăn Thịt Người than tiếc bị tiêu diệt đi đó, thì với đại đa số, chỉ là việc biến họ thành vật phụ thuộc vào việc đẻ sách mà thôi.

Nếu các ông lấy những quan điểm Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách của các ông về thi pháp học, mỹ học, ngôn ngữ học, tu từ học… làm tiêu chuẩn để xét việc xóa bỏ sự Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách thì chẳng cần phải tranh cãi với chúng tôi làm gì. Chính những tư tưởng của các ông là sản phẩm của phong cách Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, cũng như văn quyền của các ông chỉ là văn ý của giai tầng các ông được đề lên thành văn pháp – cái văn ý mà nội dung là do những điều kiện văn hoạt thiếu chia sẻ thịt người thịt mình của giai tầng các ông quyết định.

Quan niệm thiên vị khiến các ông biến những quan hệ văn đàn và quan hệ văn liệu của các ông từ quan hệ văn sử, mang tính chất nhất thời trong quá trình phát triển của nghề viết thành những quy luật vĩnh cửu của tự nhiên và lý trí – Thưa vâng, quan niệm ấy, các ông cũng tán đồng với tất cả các giai tầng văn trị trước đây và hiện không còn nữa. Điều mà các ông nhận thức được đối với văn giới Không Ăn Thịt Chó ở thời bút lông, hay gần hơn là văn giới Ăn Ruộng Đất trong thời lãng mạn, thì nay đối với Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách các ông lại không dám nhận thức nữa.

Bây giờ tới lúc nói về quan hệ Ăn Thịt Người và gia đình, hôn nhân…

Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách! Ngay cả những người cấp tiến cực đoan nhất cũng phẫn nộ về cái văn ý xấu xa ấy của những người Ăn Thịt Người Đẻ Sách. Thế cái gọi là văn học Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách hiện nay dựa trên cơ sở nào nhỉ? Dựa trên quan niệm “văn mình vợ người” và “vợ như cơm, nhân tình như phở”. Văn học gia đình dưới hình thái hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn tại đối với Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách mà thôi; nhưng nó lại kèm theo sự bắt buộc phải thủ tiêu mọi gia đình văn học đối với Nhà Văn Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách, và kèm theo nạn mãi dâm văn bút và bia ôm sáng tác một cách công khai và tá lả.

Văn học gia đình và gia đình văn học của Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách dĩ nhiên sẽ tiêu tan cùng với cái vật bổ sung đó của nó, và cả hai cái ấy đều mất đi cùng với sự tan biến của Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách.

Các ông trách chúng tôi muốn xóa bỏ hiện tượng Nhà Văn Cha Mẹ Không Ăn Thịt Con Cái Đẻ Sách? Tội ấy, chúng tôi xin nhận. Nhưng các ông lại bảo rằng chúng tôi muốn thủ tiêu những mối quan hệ văn thiết nhất đối với con người, bằng cách đem giáo dục văn học thay thế các giáo dục vợ chồng, con cái. Thế nền giáo dục của các ông chẳng phải cũng do văn học quyết định đó sao? Chẳng phải từ những quan hệ văn học của các ông, từ sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp của văn học thông qua nhà trường để nuôi dạy con cái các ông đó sao? Nhà Văn Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách không bịa đặt ra tác động văn học đối với giáo dục; chúng tôi không chỉ thay đổi tính chất giáo dục văn học mà còn kéo giáo dục văn học ra khỏi ảnh hưởng của giai tầng văn trị.

Kỹ nghệ đại internet càng phát triển sẽ càng phá hủy mọi mối quan hệ chữ nghĩa gia đình của giai tầng Nhà Văn Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách, và càng biến trẻ em thành những món hàng văn tự, những công cụ lao động văn học đơn thuần, thì những lời huênh hoang của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách về văn nghệ gia đình và giáo dục, về những mối quan hệ câu chữ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm.

“Nhưng bọn Nhà Văn Ăn Thịt Vợ Đẻ Sách các anh, muốn thực hành chế độ văn chương cộng thê”, toàn thể Nhà Văn Không Ăn Thịt Vợ Đẻ Sách đồng thanh tru tréo như vậy.

Đối với người Không Ăn Thịt Vợ Đẻ Sách, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ hoặc để sản xuất con cái văn học hoặc để thỏa mãn tình dục văn chương. Cho nên nghe nói việc Ăn Thịt Vợ Đẻ Sách phải được đem dùng làm thi pháp chung, tất nhiên hắn kết luận rằng chính đàn bà rồi cũng phải chịu cái số phận chung là bị văn học hóa. Thậm chí hắn không ngờ vấn đề ở đây, chính là kéo đàn bà ra khỏi vai trò hiện nay của họ như một công cụ đơn thuần sản xuất con cái chữ nghĩa hay như các sex toys ngôn ngữ.

Vả lại, không có gì lố bịch bằng sự ghê sợ quá đạo đức của những nhà Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách với cái gọi là văn chương cộng thê chính thức do những người Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách chủ trương.

Những người Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách khỏi cần phải áp dụng phong cách văn chương cộng thê, phong cách ấy hầu như đã luôn luôn tồn tại.

Các ngài Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách của chúng ta chưa thỏa mãn là đã sẵn có vợ, bồ, bạn gái, con gái và con dâu của những người nam Ăn Thịt Thân Nhân để dùng làm các nhân vật hư cấu và phi hư cấu; đó là chưa kể chế độ văn đàn mãi dâm cùng các khoản dụng ngôn “tươi mát” công khai, các ngài ấy còn lấy việc cắm sừng con tự lẫn nhau làm một thú vui văn giới đặc biệt.

Văn chương hôn nhân và hôn nhân văn chương của giai tầng Nhà Văn Không Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách thật ra mang văn thể cộng thê. Có chăng người ta chỉ có thể buộc tội những Nhà Văn Ăn Thịt Thân Nhân Đẻ Sách là họ tuồng như muốn đem một chế độ chữ nghĩa cộng thê công khai và chính thức thay cho cái thói văn nghệ cộng thê được che đậy một cách giả chữ giả nghĩa mà thôi.

Nhưng với sự xóa bỏ những quan hệ Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, dĩ nhiên chế độ văn học cộng thê do những quan hệ sáng tác ấy sinh ra, tức là chế độ văn ngôn mãi dâm và “tươi mát” chính thức cũng như không chính thức, tất sẽ biến mất.

Chưa hết! Người ta còn buộc tội những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách là muốn xóa bỏ văn học Tổ quốc, xóa bỏ văn chương dân tộc, xóa bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ.

Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách không có ngôn ngữ văn học. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có. Vì giai tầng Ăn Thịt Người ở mỗi nước, ở mỗi ngôn ngữ trước hết phải giành lấy văn quyền, phải tự vươn lên thành giai tầng dân tộc, phải tự mình giành quốc ngữ, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai tầng Không Ăn Thịt Người hiểu.

Kèm theo sự phát triển của giai tầng Không Ăn Thịt Người là tự do viết lách, là văn đoàn toàn cầu hóa, là sự đồng đều của nghề viết, là sự văn khế hóa nền văn học thành văn và là những điều kiện văn hoạt thích ứng như internet, website, blog, thì những cách biệt giữa các văn học dân tộc và những đối lập giữa làng văn ở các nước cũng ngày càng mất đi.

Trong tương lai, nền văn trị của giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách sẽ càng làm cho những sự cách biệt và những sự đối lập đó mất đi nhanh hơn. Hành động văn học chung của giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách, ít nhất ở những nước có ngữ pháp văn minh, là một trong những điều kiện đầu tiên cho sự giải phóng văn nghệ của họ.

Hãy xóa bỏ tình trạng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách để tình trạng văn chương dân tộc này ăn thịt văn chương dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai tầng Ăn/Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách trong nội bộ dân tộc không còn nữa, thì sự thù địch giữa các ngôn ngữ dân tộc cũng đồng thời mất theo.

Còn những lời buộc tội Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách, xuất phát từ những quan điểm tôn giáo, triết học và nói chung là những quan điểm tư tưởng thì không đáng phải xét kỹ.

Lịch sử văn học chứng minh cái gì, nếu không phải là chứng minh rằng tác phẩm tinh thần cũng biến đổi theo việc Ăn Thịt Người như một trao đổi vật chất? Những tư tưởng văn trị của một thời đại bao giờ vẫn chỉ là những tư tưởng của giai tầng văn trị.

Cách mạng Ăn Thịt Người Đẻ Sách là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với những quan hệ sáng tác kế thừa của quá khứ; không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của mình, nó – chứ không ai khác! – đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những văn pháp kế thừa quá khứ.

Nhưng hãy gác lại những lời mà giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách phản đối Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Tựu trung, và như chúng ta đã thấy trên kia, bước thứ nhất trong cuộc cách mạng Ăn Thịt Người là giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách biến thành giai tầng văn trị, là giành lấy văn chủ.

Tiếp theo, giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách sẽ dùng sự văn trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ Thịt Người và văn liệu Thịt Người trong tay giai tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách, để tập trung tất cả những công cụ viết lách vào trong tay Nhà nước cộng hòa văn chương, tức là trong tay giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã được tổ chức thành giai tầng văn trị, và để tăng thật nhanh số lượng những văn lực.

Cuối cùng, Nhà nước cộng hòa văn chương sẽ giải tán khi giai tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách hoàn toàn và tuyệt đối làm chủ nền văn trị, trong đó có và chỉ có một thứ chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách với văn nghiệp làm theo văn lực hưởng theo văn cầu.

3. Văn học Ăn Thịt Người Đẻ Sách

Không một phút nào, không một cú nháy chuột nào nền Văn Học Ăn Thịt Người Đẻ Sách lại quên văn giáo cho các nhà văn và độc giả của mình ý thức hết sức sáng rõ về sự đối kháng kịch liệt giữa văn tầng Ăn Thịt Người Đẻ Sách và văn tầng Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách.

Cho đến nay dòng văn học Ăn Thịt Người Đẻ Sách có các nhánh biến tướng sau đây (mức độ Ăn Thịt Người Đẻ Sách tăng dần):

– Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách phản động

– Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách bảo thủ

– Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách không tưởng

– Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách xét lại

– Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách xét lại hiện đại

– Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách xét lại hậu hiện đại

– Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách phê phán

– Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách chân chính

Nhất quán một cách triệt để, chúng tôi phản đối các tông phái văn học Chủ nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách muốn “Văn hủy một cách tàn bạo”, và nhất là xu hướng tuyên bố mình vô tư đứng trên tất cả mọi cuộc đấu tranh giai tầng văn nghệ.

Trừ một số rất ít, còn thì tất cả những tác phẩm – tiếng Việt và các thứ tiếng khác – theo các biến tướng nói trên mà tự xưng là Ăn Thịt Người hay Ăn Thịt Người Đẻ Sách đang lưu hành ở Việt Nam nội địa và Việt Nam hải ngoại, cũng như trên khắp làng văn toàn cầu, đều thuộc vào loại văn bẩn và làm suy yếu con người.

Những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chú ý nhiều nhất đến nước Việt Nam,

vì nước Việt Nam hiện đương ở vào đêm trước của một cuộc cách mạng Ăn Thịt Người Đẻ Sách mang tầm toàn cầu;

vì nước Việt Nam sẽ thực hiện cuộc cách mạng ấy trong những điều kiện tiến bộ hơn của nền văn học Đông Nam Á và cũng như Á châu nói chung, và với một tầng lớp Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với hai nước Lào và Campuchia;

vì nước Việt Nam cần dòng văn học Ăn Thịt Người Đẻ Sách hơn lúc nào hết để chặn đứng mọi mưu toan sinh tử hòng xâm lấn biên giới, khống chế, chiếm giữ biển Đông và quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa từ chủ nghĩa bành trướng Bắc phương xưa “lấy thịt đè chữ” nay “dùng tiền ép văn”.

Và do đấy, cái cuộc cách mạng trường kỳ Không Ăn Thịt Người Đẻ Sách từng xảy ra ở Việt Nam với khai mở là phong trào Thơ Mới, sau được nâng thành các khuynh hướng, chủ nghĩa như Sáng Tạo, Nhân Văn – Giai Phẩm, Hiện thực Xã hội chủ nghĩa và Đổi Mới chỉ có thể là màn đầu trực tiếp cho một cuộc cách mạng Ăn Thịt Người Đẻ Sách đã và đang được thực thi.

4. Thái độ của những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách đối với các phe phái đối lập và cách tân khác

Ở tất cả mọi nơi, những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách đều ủng hộ mọi phong trào cách tân chống lại trật tự văn học hiện hành.

Trong tất cả phong trào ấy, họ đều đưa lên hàng đầu vấn đề con người sở hữu sự ăn thịt đồng loại để viết sách; coi đó là vấn đề cơ bản của phong trào, không kể nó đã có thể phát triển đến trình độ văn pháp nào.

Sau nữa, những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết mọi nội dung văn học và liên hợp mọi hình thức văn chương của tất cả các phương pháp sáng tác Ăn Thịt Người, bất kể vì mục đích văn nghệ gì ở tất cả các nước, với tất cả các ngôn ngữ.

Những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách coi là vô nhân văn một khi giấu giếm những mục đích hành văn, quan điểm mỹ học và nhất là phương pháp văn tác, cùng thuật pháp văn chương, thủ pháp văn từ của mình. Họ công khai tuyên bố rằng, văn đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng mọi văn lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội văn học hiện hành, đặc biệt ở thể loại đang được gọi là tiểu thuyết mà tiểu thuyết châm biếm giữ vai trò xung kích.

Mặc cho các dòng văn học chính thống và các dòng chuẩn, tựa, bán, phụ, phò, phi, phản, lề chính thống run sợ trước một cuộc Cách mạng của Chủ Nghĩa Ăn Thịt Người Đẻ Sách!

Trong cuộc cách mạng ấy, những Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích văn học từ sự Không Ăn Thịt Người trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới văn chương.

Nhà Văn Ăn Thịt Người Đẻ Sách tất cả các nước, văn đoàn lại!

Vĩ thanh

Cuốn sách từng qua ba năm viết, mười năm sửa (sửa là sửa trong khi chờ dịp xuất bản); nay tôi nháy mắt về tên sách bấy lâu chầm bập. Cũng bởi sau khi đọc bản thảo, bạn viết Thân Đặng trong tình thân thiết có ý phê mà chê ở chuyện đội mũ cho các sáng tác… “Dường như Đỗ Quyên không chú ý lắm đến việc giựt tít; hoặc giả rất muốn có những cái tít mang bản sắc thật riêng, cơ mà riêng như thế thì chưa ‘tới’. Em rất nghiêm túc nói rằng, nếu bác đầu tư thật sâu cho việc đặt title thì rất có thể số phận thi sĩ Đỗ Quyên sẽ khác.”

Đáp, lúc này không bàn chuyện chung chung, thơ thẩn… Lại được bảo, “Ví như Đẻ Sách có thể làm liên tưởng tới ‘Đẻ đất đẻ nước’, nhưng nghe chưa ổn. Em thì em sẽ đặt là ‘Mát rười rượi’, cho mọi người liên tưởng tới ‘Đẻ đứa con khôn mát l.` rười rượi’ chẳng hạn; thậm chí còn là ‘Sự ra đời của tiểu thuyết’. Ấy là em cứ ăn nói thoải mái với bác thế. Tiếc, cuốn tiểu thuyết hùng vĩ mà chưa được ra đời.”

Ừ. Cái tít đầu, thật tình tôi chưa nghĩ đến. Nhưng thôi, có tới có ổn cũng nhờ chủ nhân của nó giữ giùm; phòng khi cần. Còn cái tít sau, đó nên là của một nhà phê bình khi làm nhiệm vụ thám tử nhà văn. Đây tiểu thuyết châm biếm; chứ “tiểu thuyết phê bình” hay “tiểu thuyết tư liệu” đâu nhỉ?

Nhiều tháng sau đó, vơ vào mà nói, tôi còn biết hai cách khác cận nhân tình quanh nhan đề sách này. Của một chàng (chậc, thì cũng cánh thi hữu với nhau cả) khi không bỏ nghề đốc tờ Tây Ba Lê về tít hút rừng rú Tây Nguyên cai quản một dòng thơ dài và trường ca. [3] Và của Umberto Eco – dân Ý Đại Lợi nòi, triết gia sừng sỏ, văn sĩ thứ dữ, nhà văn hóa thấu trời, và hơn hết thảy – một ông kễnh ký hiệu học. [4]

Đến đây, vượt thắng hai chú thích cuối cùng, liệu độc giả Đẻ Sách còn dư sức đồng thanh với tác giả: cái sự viết sách ấy là một cơ phận, của con người?

Melbourne – Vancouver 10/2006 – 2/2009;

Tu chỉnh lần chót 2/2018

Đỗ Quyên

HẾT TRUYỆN

PHỤ LỤC

Giới thiệu, nhận xét về tiểu thuyết Đẻ Sách

I. Các bài giới thiệu, phê bình tác phẩm:

Trần Thiện Huy (Nhà phê bình, Nhà báo – Mỹ)

Cảm nhận tiểu thuyết Đẻ Sách của Đỗ Quyên

Đọc một tiểu thuyết là một sự làm quen giữa hai con người xa lạ – nhà văn và độc giả. Dù cho chấp nhận những lý thuyết rằng người đọc cũng góp phần sáng tạo nội dung tác phẩm, ta vẫn phải nhìn nhận rằng chủ yếu “tiểu thuyết tính” (fictionality – thuật ngữ trong tiếng Anh và Việt do tác giả bài này tạm đặt ra) nằm trong mối tương quan, giữa sự chủ động của nhà văn để tường thuật lại một trải nghiệm – thực hay ảo – của mình, và sự “dàn dựng” lại trải nghiệm đó bằng ý thức văn học của người đọc. Tiểu thuyết tính, do đó, có thể coi như có ba mức độ: cảm nhận ngôn từ, cảm nhận biểu tượng và cảm nhận cấu trúc.

Cảm nhận ngôn từ là mức độ thích hợp để thưởng ngoạn văn học hiện thực. Ý tưởng chính của tác phẩm hiện thực có góc độ trực quan; các chất liệu đều lấy thẳng từ thực tế; tính cách văn học của tác phẩm hiện thực phần nhiều nằm ở khả năng trần thuật (narration). Cảm nhận biểu tượng là mức độ giành cho văn học hiện đại, khi nội dung không còn là quan hệ giữa những người và vật, mà là giữa những ý niệm trừu tượng. Ý nghĩa chính của quá trình sáng tạo và tiếp thu này nằm ở trong khả năng liên tưởng phong phú và độc đáo giữa nội dung ẩn dụ và bản thể sự vật theo những cấu trúc của logic Aristotle. Cả nhà văn lẫn người đọc đều được an toàn phóng nhiệm sự suy diễn của mình mà không phải xa rời khuôn khổ những quy luật sinh tồn và tỉnh táo của cuộc sống.

Hậu hiện đại là phản ứng của một phong trào nhận thấy những khuôn khổ đó quá ngột ngạt và chính là khởi điểm sự trói buộc quan niệm con người. Cái mà hậu hiện đại luôn luôn sáng tạo không hẳn là nội dung, mà là cấu trúc. Đây là nền văn chương của những ý thức xa lạ – mặc dù có lúc những người viết này tuyên bố rằng chính ý thức mà chúng ta quen thuộc, đồng thuận và chung đụng mới là xa lạ với con người – những trạng thái tinh thần lệch lạc, những ảo ảnh vô thức, hoặc những tiếng nói từ các miền đất không có trên bản đồ nền văn minh. Bước qua mỗi tác phẩm là một chuyến đi gập ghềnh, có khi chấn động, đối với tự ngã người đọc, đối với tất cả những định chế tinh thần về thực tại, bản chất, và trật tự. Chính vì vậy mà người đọc luôn luôn tự cảm nhận một khuynh hướng tranh cãi và phủ nhận, thậm chí kết án những nội dung và diễn đạt của tác phẩm, và một phản xạ tự nhiên thoái lui về thế giới của những ý nghĩa đồng thuận. Lỗi lầm này người ta đặc biệt tìm thấy ở những nhà bình luận và diễn dịch theo phong cách Marxist và phân tâm học, (tệ hơn, là những người kết hợp cả hai!) với thói quen quy tất cả mọi hiện tượng – kể cả hiện tượng văn học – về giải thích theo một điều kiện, một mẫu số chung thông dụng với xã hội trí thức. Luận lý của người đọc tìm đến thông cảm với luận lý của người viết; người ta đọc các hoang tưởng văn học như một phản kháng của lý tính (theo kiểu “Nhật ký người điên” của Lỗ Tấn), không bao giờ xuất hiện ý nghĩ một người cầm viết xuất thân từ giới bác học như mình có thể tìm ra một góc độ đối lập hoàn toàn và loại bỏ lý tính. Cái phản xạ thoái lui vô ý thức, cái bản năng tự nhiên rút về những chỗ đặt chân an toàn, là một mối đe dọa làm tổn hại đến tác phẩm và sự thưởng thức mà người đọc thể lọai văn chương hậu hiện đại phải luôn luôn lưu ý.

Đẻ Sách từ cái nhìn đầu tiên đã thấy đậm đặc phong vị hậu hiện đại. Nhưng người độc giả, ấm ức vì lỡ bỏ công ra đọc mà không hiểu nổi ý tác giả, dễ bị đưa đẩy đến chỗ dựng nên một cấu trúc logic nhất quán làm khung cho cả tác phẩm. Ví dụ, từ hai cái khái niệm rất uyển chuyển, “Ăn Tim” và “Ăn Chân”, để có sự thông đạt về ngôn ngữ, người đọc đã thông thuộc thế giới biểu tượng bèn “hiểu” ngay rằng chữ “ăn” chính là ẩn dụ về một sự tiêu thụ (consummation), hay thích hợp hơn với công việc của nhà văn, là sự khai thác cảm hứng (hay lợi dụng cảm hứng?). Nhà văn “ăn tim” nghĩa là đào sâu vào, rút rỉa chất liệu từ cảm tình con người; bà luật sư “ăn chân” nghĩa là được gợi hứng từ hành trình của những người di dân… Có thể hình dung hai chương truyện, hai ý niệm như hai hạt trên một xâu chuỗi, mà “ăn” là sợi chỉ xuyên suốt, nối liền lại thành một mạch lạc. Cũng vậy, riêng trong Chương 1, có thể coi “tim” như là sợi chỉ của chương, là biểu tượng chính, tất cả những chi tiết, những tình tự, những sự vật như núm vú… đều ám dụ về “tim”. Từ sự hỗn độn có dụng ý của tác giả, một thứ mô thức “rõ ràng” và “lớp lang”, một thứ “ý nghĩa” hay “mục đích” được gán ghép vào cho tác phẩm. Và nếu được quyền đóng góp một lời khuyên cho độc giả của Đẻ Sách, người viết bài này chỉ xin lưu ý đừng nên rơi vào cái bẫy tri thức rất dễ dàng ấy.

Có khi nào ta lắng nghe một cuộc độc thoại được xem là “lảm nhảm” (xin lỗi tác giả Đỗ Quyên vì cách nhập đề này), như từ miệng một người điên, một người say… – hãy lưu ý rằng đó là sự tuôn đổ một mạch tư duy rất riêng tư, không được chọn lọc và “kiểm duyệt” chặt chẽ để khơi gợi sự chú ý và sự đồng tình của người nghe. Dòng ý tưởng đó có một toàn thể tính rất lắt léo và trơn trượt, vì mỗi một khái niệm, một mệnh đề, có thể liền lạc với nhau theo cách thức riêng biệt không hề lặp lại. Chính vì vậy, người nghe không quen thuộc với phép luận lý thì đánh giá đó là sự phi lý, còn người quen thuộc và có kỹ năng bám theo mạch lý luận thì phàn nàn rằng đó là sự hỗn độn. Nhưng nếu ngôn ngữ là thể hiện thực tế thì chưa hề tồn tại cái thực tế nào trong đó chỉ tồn tại một biến chuyển, một quá trình. Nếu cho rằng phát biểu – bằng lời hay bằng văn tự – là diễn tả những trường hợp và trạng thái tinh thần, thì cũng không khi nào tồn tại một khoảnh khắc tập trung chuyên biệt của ý thức con người vào một chủ đề, một lộ tuyến suy lý. Vậy nên hiểu sự mạch lạc như một chức năng đời thường/ quan hệ, chức năng thuyết phục và hướng dẫn. Văn học đã từng là một nối dài của chức năng đó; nó đã song hành và đôi khi thay thế sử học, giáo dục và chính trị; nhưng văn học còn có thể và có nhiệm vụ mô tả những góc nhìn bị che giấu bởi những “sự thật”, góc nhìn gần với những người say, người điên, những kẻ đùa cợt, những não trạng hoang sơ, chất phác, hay thần bí… Ngay từ buổi bình minh, trong bất cứ vai trò nào, văn học cũng đã nhìn nhận được rằng cái táo bạo của một người viết đi “lan man”, “chệch đề” đôi lúc, chính là cái làm nên chiều sâu cho một tác phẩm, không để cho chủ đề trở thành thước đo, thành sự kiểm duyệt độc đoán tuyệt đối bó nghẹt trí tưởng tượng. Khi đã vượt qua được cái tập quán củng cố bởi hàng ngàn năm lịch sử của xã hội con người, là đòi hỏi trong mọi trường hợp tính cách dễ chấp nhận của những thông điệp thuyết phục và hướng dẫn, thì người ta mới có thể đi đến chỗ cảm nhận được cái khoái lạc thẩm mỹ khi đọc thơ Bùi Giáng.

Đẻ Sách đã “học” được tu từ và kết cấu từ giấc mộng. Ý nghĩa của những biểu tượng chủ như “ăn” được thả lỏng lẻo, gần như được dùng trong mỗi lần xuất hiện để chỉ một – hay nhiều – thứ khác nhau. Trong khá nhiều ngữ cảnh, những chữ đó gần như không có ý nghĩa logic, dường như được đặt vào một khoảng trống hay đè lên chỗ một chữ khác trong câu, để làm nổi lên nhịp điệu lặp lại. Thủ pháp “bỏ nghĩa lấy chữ” là một thể nổi bật của ngôn ngữ vô thức, thể hiện một khoảnh khắc khi một biểu tượng do biến động ngẫu nhiên của tinh thần mà nổi trội lên, tập trung phần lớn sự chú ý của ý thức trong mộng. Vì thế, một số khái niệm, vật thể, hành động… khác bị “hy sinh”, bị đặt ngoài tầm với tạm thời của ý thức mộng, và chỗ đứng của chúng trong mạch lạc tự sự bị chiếm hữu bởi biểu tượng “chủ”. Tính xuyên suốt và tính toàn thể của hình thức này, do đó, giống như một bức hình chụp trung thực một khoảnh khắc của tư tưởng tác giả đang chịu một ấn tượng mạnh mẽ, một ấn tượng bỗng chốc nảy sinh rất vu vơ nhưng cô đọng bằng hình ảnh những yếu tố đang bức thiết và ám ảnh trong dòng đời tác giả.

Hiểu như thế, ta có thể hình dung giữa một giấc mơ, Đỗ Quyên đột ngột bị đánh động bởi một ý niệm mơ hồ, rằng ngôn ngữ của các giác quan, của những kinh nghiệm trần trụi của cuộc đời mà anh (và mọi người) đã sống thật, nhìn tận mắt, sờ tận tay, đã kích thích những căn tính bản năng, là một thực tế gắn bó khắng khít – gần như trùng hợp – với sáng tạo văn nghệ hơn là những ẩn dụ mơ hồ, hoa mỹ và cao quý mà chúng ta thường hãnh diện dùng để tự miêu tả. Nếu đây là một ý nghĩ hiện đến trong lý trí tỉnh táo, anh có lẽ đã gạt nó qua một bên, tránh không đi sâu vào một vùng đất hiểm nguy và thô thiển; hoặc nếu thật sự tự tin vào khả năng ví von của mình, anh sẽ tự dựng nên một hệ thống chặt chẽ những tương quan giữa đối tượng vật chất và ý niệm trừu tượng, một hệ thống nhất quán xuyên suốt và chuyển tiếp dọc theo nhiều giai tầng của hiện thực. Ví dụ như “ăn” sẽ đuợc thần thánh hóa lên là sự thưởng thức, là dung hòa tuyệt đối một khách thể, một ý tưởng xa lạ vào con người mình… Nhưng một ấn tượng đến từ giấc mơ có cái may mắn không bị sự sáng suốt của lý trí xói thẳng vào khiến cho nó nhạt màu, loãng vị và mang một sức sống èo uột; giấc mơ không nhớ rằng Đỗ Quyên là một nhà văn, nó chỉ nhìn thấy những con chữ đang quay cuồng xáo trộn trong vô thức của anh, và với cái hăm hở của một đứa trẻ sử dụng một từ mới được mớm cho, nó điền ngay những chữ như “đẻ” và “ăn” vào chỗ của những từ nó không biết, không nhận ra, hoặc đơn giản là không thích.

Tác phẩm của Đỗ Quyên luôn luôn là một trò chơi với sự ngẫu nhiên của chữ nghĩa. Đặc biệt, với Đẻ Sách, tiểu thuyết đầu tay, trò chơi đã trở thành một sự đùa nghịch hồn nhiên, kể cả với khía cạnh thân phận người viết đằng sau con chữ. Như Sigmund Freud đã viết “những thủ pháp như cô đọng, đổi chỗ, biểu hiện qua sự phi lý, biểu hiện qua tính trái ngược, biểu hiện gián tiếp… – tất cả ta thấy tham gia vào tạo thành sự trào lộng, lộ rõ một sự tương đồng rất xa với tiến trình của giấc mộng”. Dù ở trong những điều kiện nhân văn nào, loài người vẫn cần thiết và sáng tạo một truyền thống của motif kẻ đùa giỡn (joker), kẻ bằng cách làm biến dạng hoặc lột trần vỏ bọc của sự thật, hoặc phơi bày ra một khía cạnh khác của thực tế bị che giấu, làm cho con người đánh mất ảo tưởng và quay về một trạng thái tinh thần quân bằng và thiết thực hơn. Joker là một phóng ảnh ra môi trường bên ngoài những trải nghiệm tự thân của vô thức, sự hiểu biết đích thực về bản thân vượt khỏi những ngã chấp tự khoác vào, và nối lại sự liền lạc với vô thức, nền tảng và nguồn gốc của sự sống. Đỗ Quyên viết về nghề nhà văn, cái “thiên chức” thiêng liêng, về những bạn bè mình, những tên tuổi của trào lưu văn học mới, không bằng cái nhìn của một người đang tỉnh táo, nghiêm trang, mang theo từng thước tấc của xã giao, danh vị, mà là của một người đang đùa giỡn, của một tấm kiếng nhà cười bóp méo hết mọi nguyên bản, để tạo thành đường nét của nụ cười. Anh tạo ra những liên tưởng ngang ngược về mọi ý nghĩa, mọi tên gọi, cọ xát cái tao nhã bóng bẩy của thế giới con người với cái thô kệch chân chất của tự nhiên, của bình dân. Cái tên Nguyễn Hưng Quốc nghe cao cả được nôm na thành Hưng Nước; Hà Sĩ Phu đùa giỡn thành Hà Sĩ Nông, v.v… Vì không ai giận tấm gương của nhà cười đã đùa giỡn với hình ảnh của mình, Đỗ Quyên tin rằng không ai sẽ mất lòng khi anh làm cho họ quên đi “cái tôi” trong một phút.

Và cuối cùng, ta cũng thấy những bước nhảy rất gấp của Đỗ Quyên, để lại khoảng trống quá lớn cho trí tưởng tượng người đọc lấp đầy vào. Vẫn biết đó cũng là một phương pháp sáng tác, nhưng có lẽ người viết cũng không nên đòi hỏi người đọc phải thưởng thức chất liệu sống từ ý tưởng của mình, thay vì có một sự bày biện ít nhiều. Tác giả Đẻ Sách đã nắm bắt rất thành công bố cục của thể loại này, trong đó có cách sắp xếp xen kẽ bất cứ ý tưởng nào mọc lên giữa giờ phút chiêm nghiệm, và để cho mỗi ý tưởng tự sống và phát triển thành một mạch tự sự, có thể kéo dài ra mà không bao giờ gặp nhau. Đến lúc đóng lại cuốn tiểu thuyết, người đọc có thể lùi lại và quan sát toàn diện không gian của các mạch tự sự này, như ngắm nhìn những mảnh màu chồng chéo lên nhau trong một bức tranh lập thể. Nhưng ở giai đoạn này, khi mới chỉ có hai chương đầu được công bố, người đọc có lẽ sẽ khó mà theo dõi được những nhân vật và hoàn cảnh gần như vô số của Đẻ Sách, nhất là ở một số điểm, khi những ý tưởng như vậy đổ về hơi dồn dập, nhiều mạch dẫn lồng vào mạch khác. Gần như không ai có thể đoán được, dựa trên kinh nghiệm cảm thụ thẩm mỹ thường ngày, tại sao tác giả cố ý để cho Chương 2 quá dài, gấp năm, sáu lần Chương 1.

Và sau cùng, tác giả Đỗ Quyên vẫn sử dụng chất liệu quen thuộc cho các công trình và tác phẩm trước của anh, đó là cộng đồng văn nghệ sĩ mà anh quen biết, để xây dựng Đẻ Sách. Người đọc không đi lại thường xuyên trong môi trường đó chắc không thể nào đoán ra được những cách chơi chữ của anh. Vì vậy, tôi có cảm giác rằng đây là một tác phẩm rất riêng tư, nhắm vào những người đã hiểu Đỗ Quyên hơn là những người muốn hiểu anh. Trong việc cảm nhận Đẻ Sách, tôi có một may mắn mà ít bạn đọc nào có được: là một người bạn của tác giả, nhưng lại không có điều kiện đi lại thường xuyên với anh. Điều kiện thứ nhất giúp tôi hiểu rõ được những thế mạnh của Đẻ Sách, điều kiện thứ hai giúp tôi đặt mình vào hoàn cảnh bạn đọc thông thường dễ hơn mà nhìn được những khiếm khuyết của nó.*)

(Bài đăng trên damau.org 9/4/2007)

———-

*) Đáng lý còn phải viết thêm nữa… Đó là về Chương Mở có một cấu trúc đặc biệt hơn các chương khác, như là một câu chuyện rất ngắn, một giấc mộng thật sự có kèm theo một cuộc “thức giấc”. (Tôi có thư trao đổi với tác giả phân tích sự thức giấc ấy, tiếc là chưa “nhét” được sự thức giấc vào bài điểm sách này. Đó là một yếu tố vô cùng quan trọng, vì không có giấc mơ hay chuỗi mơ nào hoàn chỉnh nếu thiếu giây phút tỉnh dậy.) Hay về một vài thủ pháp tu từ khác chưa được mổ xẻ riêng, tỷ như về con Kangaroo.

Đặng Thơ Thơ (Nhà văn, Chủ biên Tạp chí Da Màu – Mỹ)

Một cuốn “tiểu thuyết thông minh”

1. Đẻ Sách là một tiểu thuyết làm tôi chú ý ngay từ khi đọc trang đầu tiên của chương “ăn tim” với từng câu chữ đều có sức lôi cuốn, dụ dỗ, gây nghi hoặc, cổ động (cả ngữ nghĩa lẫn thời gian, cả ý tưởng lẫn logic). Về truyện ngắn Thai Phu, rất thích, có lẽ đây là cách mở đầu hay nhất cho Đẻ Sách. Đọc một mạch hết 12 trang Chương 1 “Tim của ai cũng được” có cảm giác từ đầu đến cuối là kinh ngạc, sung sướng và hứng khởi. Một chương tiểu thuyết rất thành công, như cách tác giả định nghĩa về “tam giác trong truyện”, mọi thứ hòa quyện và ăn dính nhau không thể tách rời. Dàn bài, ý tưởng nền tảng, và giọng văn. Dàn bài: Không gian truyện nhiều tầng nhiều lớp, những nhân vật và những ý tưởng là các điểm nối kết các không gian nhỏ theo một cấu trúc toán học chính xác. Ý tưởng: Kết hợp nghề văn, chuyện “ăn tim” và tình yêu rất hay, mới mẻ, trẻ trung, táo bạo. Giọng văn: cực kỳ ranh mãnh, rành mạch và cùng lúc mang tính nước đôi giễu nhại, rất phù hợp với chủ đề của truyện; bằng giọng văn này những vấn đề tưởng như rất khó xử lý đã được kể tỉnh bơ, khơi khơi, dung dị mà lại thông minh và độc đáo. Chắc chắn cuốn tiểu thuyết này sẽ đưa ra những định nghĩa mới, phong cách mới, hướng đi mới cho tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

2. Tiểu thuyết ly kỳ quá làm tôi tò mò chờ đọc tiếp, sau Chương 1, với câu hỏi: Có mấy chương tất cả, vì nếu mỗi chương “ăn” một thứ trong cơ thể thì truyện phải đến mấy chục chương? Hôm cuối tuần, gặp những bạn văn trong vùng, thấy nhiều người đọc chương “ăn tim” trên damau.org; họ thích lắm, kinh ngạc vì lối viết lạ lùng này.

3. Nghe tác giả giải thích về “khái niệm/quan niệm” (concept) của Đẻ Sách, tôi đã hình dung trong đầu một cấu trúc tinh thần trong truyện: mỗi chương đi theo những triển khai khác nhau và mang đặc tính riêng, nhưng được kết cấu rất hài hòa và chặt chẽ trong kiến chung tổng thể. Như vậy, có thể đọc “tiểu thuyết” này như tiểu thuyết hoặc như một chuỗi những truyện riêng rẽ đều được. Nếu chỉ căn cứ vào Chương 1 “ăn tim”, tự nó đã hoàn chỉnh. Nhưng nếu sau này đọc chung với các chương khác, nó sẽ được trình bày dưới nhiều góc độ hơn. Mỗi một chương của Đẻ Sách là một căn nhà kính để phản chiếu, soi rọi và khuếch tán những chương khác.

4. “Ăn chân” đúng là khác “ăn tim”, vì tim thì mềm và toàn thịt, còn chân có cả xương, gân và móng (những móng vuốt này rất sắc, dày!), phải nhai lâu hơn, nhằn xuống kỹ hơn, nhưng ly kỳ lắm. Chương “ăn chân” có nhiều đối tượng cho sự châm biếm: giới viết văn làm báo, giới phê bình văn học, các triết gia, những lãnh tụ, rồi dân tỵ nạn, chế độ, lịch sử… Tính châm biếm mạnh hơn khi “ăn tim”, trùng điệp ở mỗi câu văn, chồng chất ý nghĩa, nghĩa nằm dưới từ trên chữ trong chữ. Nhiều đoạn nhiều câu rất mạnh, có thể làm tuyên ngôn hoặc châm (chích) ngôn! Nhiều chỗ cười đau bụng. Cảm tưởng rằng nhiều chủ đề phụ (những cặp nhị nguyên mâu thuẫn, chủ nghĩa Mút…) và chủ đề chính (ăn chân người tỵ nạn) là những kinh nghiệm của chính tác giả. Chương 2 “Theo chân những người tỵ nạn” là một symphony (bản giao hưởng) hẳn hoi, chứ không phải là một chương trong symphony; với nhiều tuyến nhân vật và hướng truyền đi nhiều luồng, nhiều khái niệm đan xoắn và cuộn nhau, không rời không gỡ được. Cặp mắt tác giả tinh nhậy lắm, thu hình rất nhanh, như cắt và cướp trọn thế giới trong một cái nhìn. Ấn tượng: Tác giả rất thông minh, có cái đầu là một kho lưu trữ và giải mã toàn bộ các tư liệu rắm rối trên đời. Kết luận: tiểu thuyết là lối thoát cho tác giả, có nghĩa là Đỗ Quyên phải viết tiểu thuyết nếu không cái đầu của mình sẽ vỡ tung vì chất chứa nhiều dữ liệu và lý luận quá! Nói theo kiểu Nedim Guersel, đây là tiểu thuyết của định mệnh, định mệnh của tiểu thuyết, của lưu đày của cứu chuộc…

5. “Ăn tóc” lâu hơn “ăn chân”, vì tóc thì phải nhai từng cọng, và tóc rất… khó tiêu! Chương 3 “Diễn đàn tóc” có hình thức kịch nhưng nội dung về vấn đề thi ca. Nếu đọc tới chương này thì thấy “ăn tóc” mang nhiều tính phê bình văn học nhất trong Đẻ Sách. “Ăn tóc” nhắm đến một đối tượng độc đáo hơn, một chủng loại hiếm quý hơn “ăn chân”. Các vấn đề đưa ra đậm đặc tư duy triết học hơn. Nhưng ý tưởng toàn chương rất original, các ẩn dụ thì tinh quái (như mọi khi), sự sắp xếp các hình ảnh, ẩn dụ và tư tưởng nằm trong một cấu trúc chặt chẽ, bổ sung nhau. Đếm không hết những câu văn hay, tạo nên hình tượng văn học, tức là cú-thành-văn ở chương này, trong đó có nhận định về tính phi lý, về tự do, về nhà văn lớn/nhỏ theo chiều kích dân tộc… Nếu được phép tôi chỉ đề nghị: có lẽ nên thêm một chút về “đĩ tính xung đột” để “Diễn đàn tóc” sinh động hơn khi có thêm các chuyển biến bên cạnh những lý luận sáng tác? Hình ảnh người bay ra khỏi cửa sổ ở cuối truyện bị văng mất tóc là một luồng gió thổi vào không khí dồn ép quá nhiều lý luận trong chương này.

6. Chương 4 “Người từ lòng bàn tay mà ra” có nhiều đóng ngoặc, mở ngoặc, kể chuyện và tự sự, dương đông kích tây theo kiểu “phân thân song kích”, dùng cái cụ thể (tay) để nói cái trừu tượng (viết, ngôn ngữ, lý luận) duyên dáng một cách rất “ác” và “ác” một cách bác học. Tác giả đã “nhập bọn” với James Joyce rồi đó! Viết dài hơi, biện chứng và mạch lạc các chương như thế, chắc sẽ có Đẻ Sách tập 2 thật đấy!

7. Qua những gì tác giả “bật mí”, tôi thích chờ đợi chương trước cuối liên quan đến lý luận phê bình văn học, vì nó đặc biệt. Tiểu thuyết viết về phê bình văn học? Khái niệm này quá hay! Chương ấy ra đời từ khái niệm phê bình văn học, rồi nó hình thành như một cách phủ định chức năng của phê bình văn học, và cuối cùng cho người ta thấy rằng, tác giả luôn là kẻ phê bình văn học đầu tiên, chính xác, tàn nhẫn, đam mê nhất? Và sự tự phê bình, tự phân tích – nó không thuộc phạm vi lý thuyết và được thực hành ngay trên văn bản, tác động thẳng vào văn bản? Hơn là những lý thuyết chỉ đi trên bề mặt văn bản, không có khả năng can thiệp vào văn bản? Và, nhà văn đích thực luôn luôn có sẵn trong mình một nhà phê bình, một hiện diện nước đôi?

8. Có thể nói Đẻ Sách là một cuốn tiểu thuyết thông minh (intelligent novel). Nó sẽ thích hợp với độc giả châu Âu là những người thích động não, hơn là độc giả ở châu Mỹ và ở Việt Nam tuy ưa thích văn chương nhưng đòi hỏi phải có tính đại chúng, dễ tiếp thu, có một cốt truyện cảm động và xen vài ý tưởng mang chiều sâu là đủ để thỏa mãn. Ngoài chữ “tiểu thuyết thông minh”, còn có thể gọi tiểu thuyết này là tiểu thuyết về cách viết tiểu thuyết.

Đoàn Nhã Văn (Nhà phê bình – Mỹ)

Vài ý nhỏ sau khi đọc Đẻ Sách

1. Đẻ Sách là một tiểu thuyết thuộc loại phi-tiểu thuyết. Nó không nằm trong cái ý nghĩa tiểu thuyết cổ điển. Bằng một cấu trúc phi-tiểu thuyết, nó chứa đựng nhiều ý tưởng lạ, chuyên chở nhiều vấn đề. Do đó, tác phẩm luôn dẫn người đọc đến những bất ngờ. Đó là điểm mạnh của tác phẩm.

2. Nhà văn đã chọn đi một con đường khó, với tham vọng viết một lối viết khác, so với những tác phẩm đã in. Không những thế, qua mỗi chương sách, sự ấp ủ được tìm thấy đằng sau nội lực của nhà văn. Tôi nghĩ rằng, Đẻ Sách là tác phẩm rất kén chọn người đọc. Nhưng ai đọc được nó, bước qua được Chương 2, sẽ thấy rất “đã” ở những chương kế tiếp.

3. Đẻ Sách được viết bằng một lối viết thông minh, “bác học”, mang nhiều tính triết lý. Trong ý hướng ấy, có nhiều chỗ, nhà văn đã để nhân vật triết luận khá dài dòng. Ý tưởng hay, nhưng nhân vật càng triết luận về nó, càng làm loãng vấn đề, ví dụ như Phần 2.9 trong Chương 2.

4. Có thể thấy sự cố công mài giũa từng câu chữ của nhà văn để đúng với ý tưởng chủ đạo. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi trong nghệ thuật. Bởi vì, nhà văn không để cho những câu văn ngẫu hứng chen vào trên những trang văn. Như một dương cầm thủ, nhà văn ép những ngón đàn đúng theo bài bản. Trong cái “đúng theo bài bản” ấy, với lối viết “bác học” như thế, khó tìm thấy những phút lên đồng đầy nghệ thuật của người nghệ sĩ trình diễn. Những nhân vật đã bước lên trang sách, nghĩa là họ đã trình diễn trong mắt bạn đọc. Và, những nhân vật này thiếu mất những giây phút lên đồng. Trong nghệ thuật, đôi lúc lại cần những phút lên đồng, như thế.

5. Viết về cái tục không phải là điều gì xa lạ hôm nay. Trong hướng này, nhân vật của Đẻ Sách nói về cái tục chưa tới. Họ chưa đưa cái tục lên hàng nghệ thuật, chưa đưa được những ví dụ để đời, để làm bảo chứng. Họ nhìn tình dục dưới con mắt kỹ thuật. Con mắt kỹ thuật khác với con mắt nghệ thuật. Viết về tình dục, theo tôi, nên soi rọi nó bằng con mắt nghệ thuật. Có vậy, điều tác giả gởi gắm mới ở lại lâu dài trong lòng bạn đọc.

Ngắn gọn, Đẻ Sách mang được nhiều điều lạ vào trong tác phẩm, hứa hẹn nhiều bất ngờ cho mỗi người đọc. Có thể nó sẽ tạo nên những tiếng vang tốt, nhưng theo tôi, tác phẩm vẫn còn những khiếm khuyết cố định.

Vũ Đình Kh. (Nhà văn – Canada)

Chưa thấy một tiểu thuyết gia Việt Nam nào viết như vậy!

Trong tiểu thuyết hiện đại chưa ai viết với những thao thức đông-tây kim-cổ và đưa ra những ý tưởng xã hội, đời sống chính trị, dung tục phàm trần với một đống hổ lốn cho ra hồn văn chương như Đỗ Quyên. Chưa thấy một tiểu thuyết gia Việt Nam nào viết như vậy! Có chăng chút ít là Hồ Hữu Tường trước năm 1975 mà thôi. Đây là một lý thú đời tôi chưa từng có. Đọc thấy nặng nhọc nhưng thú vị và luôn hồi hộp, càng về cuối tôi càng sợ tác giả đi sai đề tài vạch ra. Trong cách tân sự viết, tác giả là người cách tân khác mọi người. Đỗ Kh. mang tính hình tượng và nhục dục nhiều nhưng ý thì không nhiều lắm. Đẻ Sách bao trùm mọi thứ, mà nhiều duy lý hơn.

Chương 1: Quả là kinh khủng! Ý tưởng lạ, ma quái mà lôi cuốn không ngừng; tri thức cao, dù truyện không rõ ràng, đều đặn nhưng lại mạch lạc vô cùng và sắc bén. Bởi, theo tôi đây là thể loại mới – thể loại tự-thuật-tùy-bút-kiểu-viễn-tưởng mang hàm-ý-thơ. (Mà mới thật! So với nhiều loại mới khác, như Nguyễn Bình Phương trong Ngồi chẳng hạn). Chương Mở là một viễn tưởng thích thú. Đọc chương này, càng lúc càng thấy thắc mắc. Và đến hết mới biết mình bị “lừa gạt” giữa cơn mê với sự “cà trớn” của tác giả cho đeo cái dương vật “của hắn” lủng lẳng bên dưới truyện.

Đọc Chương 2 thấy sướng rên! Muốn kêu lên: “Viết về đ., về c. kiểu thế này thì chả có thằng cha nhà văn nào viết thế cả!”. Nhưng đấy vẫn là văn chương bác học chứ không thô tục. Tôi mê man không ngừng đọc chương này. Tính triết lý cao, lại dẫn dắt độc giả say mê suy ngẫm những gì tác giả muốn diễn đạt. Có một đoạn viết không dấu chấm phẩy gì hết, nhưng đọc không mệt, mà ý và mạch văn vẫn chảy đều đều. Tôi hy vọng, nếu được in ra, cuốn tiểu thuyết này sẽ làm bùng nổ một đề tài lớn của văn học Việt Nam trong và ngoài nước.

Chương 3 có nhiều đoạn thú vị và dí dỏm. Vừa đọc, tôi vừa cười chúm chím thấy vui. Chương này không nặng nề như Chương 4. Nghĩa là càng lúc sự tăng tốc của chữ và nghĩa của tác giả càng cao theo trí tưởng tượng. Cái kết của “ăn tóc” mới là điều lạ lùng: như sự bạc đầu hiển nhiên của mọi người về già, cái vô ngôn của ngôn ngữ là khi “không sắc màu dân tộc. Đó là đỉnh điểm của nghệ thuật!”

Chương 4 khó nhọc nhất. Tôi phải đọc thật chậm hai đêm mới hết. Tinh ý cao, có tư tưởng hàn lâm. Người không chịu khó có thể sẽ không đọc hết chương này. Tôi thích nhất câu kết: Con người sinh ra từ bàn tay! Một câu kết mà như một bài thơ cho cả chương truyện.

Chương 5 nhẹ nhất trong Đẻ Sách, nhưng nó lại cởi hết tất cả “áo quần văn chương”! Làm vậy có nên chăng? Đọc, tôi ghi chú từng ý một và học ra nhiều cái hay. Cuốn tiểu thuyết này dạy tôi hiểu thế nào là tính trừu tượng trong văn chương, về sự cải cách trong suy nghĩ. Đây là tác phẩm vượt không gian và thời gian.

Chương Kết: Bàng hoàng! Đó là phần xuất sắc nhất của cuốn sách. Nó nặng nề hơn, mang hơi hớm triết lý hơn, và muốn làm mới những cái nhìn và suy tưởng trong văn học nơi ngòi bút của các nhà văn Việt vốn sống theo bầy đàn, cây đa cây đề… bao thập kỷ qua làm chết bao nhiêu cây bút trẻ muốn làm mới văn chương. “Người ăn thịt người đẻ sách” là một dũng cảm mà tôi cho là thành công, vì dám có “tuyên ngôn” mạnh mẽ đến vậy! Tôi nghĩ nó mang tính hiện sinh, muốn cải cách thi ca, tiểu thuyết.

II. Các ý kiến của văn hữu, biên tập viên:

Vũ Quần Phương (Nhà thơ, Nhà phê bình – Việt Nam): Cuốn sách có thể gợi những suy nghĩ cách tân thể loại. Chỉ tiếc nội dung hơi khó nắm bắt nên tính phổ biến chắc sẽ hạn chế. Nên nhờ vài tên tuổi phê bình viết lời giới thiệu. Có thể in một số lời bạt vào cuối sách như một phụ lục; bài nào dài thì trích. Nói chung đừng làm toàn cuốn sách bị nặng nề thêm mà cần dùng lời bạt một cách khéo léo giúp người đọc tiếp cận dễ hơn, tìm ra ý định của tác giả. In ở Việt Nam, có thể biên tập viên sẽ đề nghị cắt bớt cho gọn hoặc dễ đọc thì cứ chấp nhận, nếu nó không làm mất nội dung chủ yếu.

Tô Nhuận Vỹ (Nhà văn – Việt Nam): Đã đọc gần xong. Đẻ Sách, mình nghĩ, là cuốn tiểu thuyết sâu, lạ, nên đọc. Về căn bản đây là cuốn sách không có vấn đề gì, có thể xuất bản. Nên in, ở cả Việt Nam, như một chấp nhận sự tìm tòi, cách biểu hiện mới. Dù có khó đọc (hiểu) với phần lớn độc giả Việt Nam. Khi nào đọc xong hẳn, mình trao đổi tiếp…

Trần Hạnh (Giảng viên ngôn ngữ, Đại học California UCB – Mỹ): Thực ra mỗi chương có thể làm thành một cuốn tiểu thuyết riêng, hoặc một tập của cả cuốn trường thiên; nên nhảy ngay đến Chương 5 đọc cũng không thấy mất nhịp. Rất phục cách cấu trúc và bố cục (mạo muội nói thẳng là hơi có nét H. Murakami). Vẫn còn một số “sạn” về ngôn ngữ.

Hoàng Hưng (Nhà thơ, Dịch giả – Việt Nam): Đã đọc lướt qua bản thảo. Ấn tượng đầu tiên rất tốt, từ quan niệm đến cách triển khai đều mới mẻ, hấp dẫn, phong phú và có chiều sâu; thời sự mà cao hơn thời sự. Vài chương chưa được chín và hơi dễ dãi, gây cảm tưởng giống “tản văn” về một đề tài định trước. Hơi tiếc. Chỉ dám phát biểu rất thật như một độc giả bình thường nhưng muốn thưởng thức tác phẩm đích thực, mang tầm nhân loại, không cần “chiếu cố” hoàn cảnh Việt Nam hay gì gì đó; tức là yêu cầu cao đấy! Mong rằng đó cũng là cái đích của ĐQ.

Đỗ Ngọc Thạch (Nhà phê bình, Nhà văn – Việt Nam): Càng đọc càng thấy cách viết thật lạ: nhịp điệu nhanh mạnh, nhiều chi tiết bất ngờ thú vị, ý tứ sâu sắc, đa tầng, đa thanh với lối kể chuyện rõ ràng, linh hoạt. Chưa thể đọc hết cả cuốn tiểu thuyết, nhưng tôi chắc rằng người đọc sẽ bị cuốn hút từ đầu đến cuối. Nếu tiểu thuyết của văn học Việt Nam có nhiều đổi mới như Đẻ Sách thì thật vui, không chỉ “một vài trống canh”.

Văn Cầm Hải (Nhà thơ, Nhà nghiên cứu – Việt Nam/ Mỹ): Để in ở Việt Nam, tôi nghĩ là OK, nhưng có một số chi tiết cần chỉnh lại để “lọt khe cửa”. Ví dụ ở Chương 4 có nên dẫn thẳng đến thơ Hoàng Trung Thông, Tố Hữu, Hữu Thỉnh, trong khi tác giả có thể tự tạo ra những vần thơ “tuyệt vời” kiểu như thế để giễu nhại? Vấn đề không phải là lẩn tránh, né đối mặt, mà nó là cả một câu chuyện “đẻ sách”, nên độc giả cần tự do tưởng tượng và ma mị hơn chăng? Không có gì tuyệt vời hơn khi con người ta có được nỗi ám ảnh siêu hình từ một vũng lầy thực tại không có thì (tương lai, quá khứ, hiện tại) – đó là đẻ sách!

Nguyễn Đình Chính (Nhà văn – Việt Nam): ”Cày” băng luôn một mạch 2 chương. Thích quá, dừng lại viết mấy dòng cho hả cho đã. Nói thật: cuốn hút lắm. Tiểu thuyết hiện đại, tốc độ rất nhanh. Thông minh. Sắc. Không ngờ đằng ấy là một cây bút tiểu thuyết vững thế, dù là cuốn đầu tiên. Cái tố chất của cậu là tiểu thuyết đấy.

Bùi Mai Hạnh (Nhà văn, Nhà báo – Úc): Đã đọc được 70 phần trăm và có ghi chép hẳn hoi. Bộn bề quá? Khó đọc quá? Hay là đọc “khổ” quá? Có lẽ cuốn sách này không dành cho người đọc bình dân. Nó kén, chắc chắn nhường cho lũ người thích đọc sách để bị “khổ vì trí tuệ”! Đẻ Sách vẫn định ra đời ở Việt Nam chứ; cũng hơn 3 năm rồi còn gì…

Đỗ Hữu Tài (Học giả – Mỹ): Chương 5 rất có chiều sâu. Lâu lắm tôi mới đọc một bài sảng khoái đến thế. Viết satire mà thâm thúy thế này thì… phục luôn!

Trần Thị NgH (Nhà văn – Việt Nam/ Pháp): Sau khi Đẻ Sách hứng oanh tạc tơi bời từ đồng loại, mong anh vẫn còn sĩ khí lẫn khí phách để “đẻ” nó một lần nữa theo phương pháp thụ tinh nhân tạo rồi sau đó cloning, để nhân loại còn biết việc lâm bồn của nó đau đớn thế nào.

Triều Du (Độc giả – Canada): Khao khát đổi đời chữ nghĩa

Một ngày kia, nhân vật Tôi – một người đàn ông – đi phá thai! Cái giấc mơ hỗn tạp, phi lý đã mở đầu cho chuỗi câu chuyện phi lý về những con người ăn thịt người để viết sách. Chương 1 tôi thấy thú vị nhất. Bằng ẩn dụ hình ảnh nhà văn ăn tim đồng loại, tác giả muốn mở ra cánh cửa vô thức đến tận cùng của con người. Đó là cái Thiện cái Ác, cái Thật cái Giả. Sang Chương 2, chương dài nhất, rắc rối nhất và cũng loạn xà ngầu nhất. Càng đọc tôi càng như bị lạc vào mê hồn trận, và hoảng loạn trong những con chữ lúc nhúc phóng ra, lao vào tim vào mắt. Nhưng đọc xong lại thấy… nhẹ nhõm. Sung sướng khi đã vượt qua các dòng chữ ma quái từng đẩy tôi vào các nhân vật, trong đó có Lưu Trầm Tư với trái tim mà chính tôi cũng muốn “ăn”! Bắt đầu từ Chương 3 đến hết là liên hồi kỳ trận các tranh luận hào hứng về mọi mặt hay dở của đời, của người trong mối tương quan văn chương, nghệ thuật.

Nhìn lại, với tôi Đẻ Sách quá hiện đại và quá khó hiểu. Bằng biết bao nhiêu thủ thuật văn học tân kỳ, tác giả muốn khai thác thế giới nội tâm con người hầu tìm cho được chân giá trị. ĐQ đã tìm thấy những gì? Tùy theo cảm nhận từ mỗi độc giả. Riêng tôi, thiệt tình đã đọc tới đọc lui, vẫn không hiểu thấu thâm ý tác giả. Dường như có gì thật mông lung tôi chưa thể chạm tới. Tôi từng phải bỏ qua nhiều câu, đoạn chứa đựng sự hay ho nào đó mà chắc chắn sẽ không thể hiểu nổi, do thiếu trình độ và kiên nhẫn đi tới nơi sâu xa của Đẻ Sách. Thôi đành, việc của các nhà phê bình! Như một bạn đọc bình thường, tôi muốn thêm: dù có nhiều sắc thái độc đáo, đáng phục, tiểu thuyết này đã làm khó tôi ở cách viết “loòng thoòng”, giảng giải qua cái giọng Bắc Kỳ chì chiết mà dân Nam Bộ chúng tui rất… ngại! Chắc đó là nối tiếp phong cách của truyện dài Song Thân được tác giả cho đăng trên Tạp chí Trăm Con, số cuối cùng năm 1993? Cùng lối luận lý khi chẻ hoe khi lắt léo hai mặt Trái-Phải (Ác-Thiện) rất nhức đầu mệt óc. Thế nên người ta cứ phải nhớ mãi.

Nói vậy chứ không thể phủ nhận khao khát làm cuộc đổi đời cho chữ nghĩa của Đẻ Sách. Tôi hình dung nếu mình đã nhức mệt khi đọc đến thế, chắc tác giả phải đau đớn lắm? Như bà mẹ xé ruột sinh con, nhà văn ĐQ moi tim óc vắt kiệt thân xác mới đẻ ra những trang sách kỳ quái đến vậy.

Biên tập viên của một nhà sách – Việt Nam:

Đây là cuốn sách viết theo kiểu “ý niệm”, lấy đề tài là chính các dạng thức ngôn ngữ, ngôn từ viết về chính nó; năng lực biểu hiện và tích hợp các vấn đề văn hóa – đời sống của ngôn ngữ, trong đó có việc tạo ra tác phẩm văn chương. Nhưng vấn đề này lại được trình bày không theo trình tự tuyến tính, mà được đặt ra từ nhiều góc độ khác nhau: làm báo, viết sách, làm luật pháp, phiếm đàm, thông tin đại chúng… Có những sáng tạo về mặt nghệ thuật ý niệm. Giọng điệu hóm hỉnh vui nhộn. Nhưng với một số bạn đọc có thể sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận, đọc tác phẩm. Tác giả ĐQ vui lòng có những thay đổi, biên tập theo gợi ý, nếu không quá xa so với ý tưởng ban đầu. Tuy nhiên vẫn muốn nói rằng, nếu là một giám đốc xuất bản, tôi sẽ tìm mọi cách để có thể lấy được giấy phép và in cuốn này; trước hết vì nó khác, rất khác với mọi cuốn xưa nay, chỉ vậy thôi.

Biên tập viên của một nhà xuất bản – Việt Nam:

Tôi có nhận thấy sự phê phán về ý thức hệ của cuốn Đẻ Sách với chủ nghĩa cộng sản và một số nhân vật có thực. Nhưng đây chỉ là một thành phần nội dung, có thể biên tập cắt bỏ hoàn toàn mà không ảnh hưởng đến chủ đề toàn cuốn sách. Tôi nhìn về nội dung toàn cục của nó; đó là sự phi lý và những thái cực trong văn hóa cũng như đời sống. Tác giả luôn sẵn sàng đồng ý nếu cần biên tập về nội dung cho hợp với điều kiện chính trị, xã hội Việt Nam.

Đây là cuốn sách không có cốt truyện. Nó phá vỡ cốt truyện bằng trò giễu nhại và giễu nhại theo kiểu văn chính luận. Về ý kiến cho rằng Đẻ Sách dùng một số phương tiện giễu nhại phê phán kiểu “bộ phận sinh dục”, tôi hoàn toàn không nhận thấy đó là hình ảnh biểu tượng gì đậm nét, rõ rệt hay đóng vai trò khái quát. Tôi đưa cuốn sách này ra trên tinh thần nó còn rất nhiều điều bàn cãi. “Gạn đục khơi trong” là cách làm thường xuyên từ xưa đến nay. Kể cả sách Anh, Mỹ cũng có rất nhiều ý kiến phê phán trực diện chủ nghĩa cộng sản và cá nhân lãnh tụ mà chúng ta từng phải biên tập. Riêng tôi vẫn giữ ý kiến rằng, tôi không dễ dàng gạt bỏ một cuốn sách ra ngoài diện xem xét nếu như nó có cả những giá trị về nghề nghiệp lẫn những vấn đề cần tranh cãi.

Trong khi chưa ngã ngũ về tiểu thuyết của ĐQ, là người thẩm định, tôi xin có thêm ý kiến như thế làm rõ hơn mặt mạnh cũng như hạn chế của cuốn sách, để cùng mọi người cân nhắc thuận lợi và khó khăn nếu chúng ta đặt vấn đề in cuốn này. Ngoài ra, tôi còn một số nhận định nữa về cách viết, nhưng tạm thời chưa trình bày hết, mà chỉ dừng ở việc giúp Ban biên tập hình dung toàn thể về nội dung và sơ lược về thực hành thi pháp của tác phẩm. Tôi cũng biết rõ rằng, để “đọc” ra tác phẩm này thật sự là mệt mỏi với công chúng bình thường, vì nó sử dụng một hệ thống chất liệu và phương thức truyền đạt còn khá xa lạ với thói quen đọc của đa số. Nhưng tôi nghĩ, sẽ không phải là không có một số người đọc được. Cuốn sách này là một thể nghiệm của chính tác giả.

ĐỖ QUYÊN

Đỗ Ngọc Thủy, sinh tại Hà Nội (1955); tốt nghiệp (1977) và giảng dạy ngành Vật lý Hạt nhân Ðại học Bách khoa Hà Nội (1977-1988); cộng tác viên khoa học Viện Dubna, Nga (1988-1990); học bổng Khoa học nhân văn Rockefeller Trung tâm William Joiner, Mỹ (2002); làm báo chí tiếng Việt ở Ðức (1990-1996), Úc (2005-2008), Canada (1996-hiện nay); định cư tại Canada.

Sáng tác: thơ, truyện, phê bình, khảo cứu; đồng sáng lập và chủ biên một số báo chí, diễn đàn; cộng tác viên với hầu hết tạp chí văn nghệ Việt hải ngoại và nhiều báo chí trong nước.

Địa chỉ liên lạc: doquyen.tvvt@yahoo.ca

Tác phẩm:

Nhìn cây thấy rừng, Phỏng vấn chuyện nước non, Nxb Văn Nghệ, California 1997

Lòng hải lý, Trường ca, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2011

Trung-Việt Việt-Trung, Tiểu thuyết thời sự, Nxb Người Việt Books, California 2016

Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm, Biên khảo, Hội Nhà văn Việt Nam – Tài liệu tham khảo, 2017

Đẻ sách, Tiểu thuyết châm biếm, Nxb Người Việt Books, California 2018

In chung:

• Thơ: Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, California 2000; 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, California 2002; Một thời để nhớ, Vancouver 2006; Thơ kể – Poetry Narrates, Hà Nội & California 2010; Bốn mươi năm thơ hải ngoại, TP.HCM & California 2017

• Truyện: Truyện ngắn Văn Việt, TP.HCM 2015

• Phê bình, tiểu luận: Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, Hà Nội 2011; Bùi Giáng trong cõi người ta, Hà Nội 2012; Thơ Việt Nam hiện đại & Nguyễn Quang Thiều, Hà Nội 2012; Trò chuyện cùng cha con cu Lập Sơn & Lập Thành, Hà Nội 2012; Thơ Tân hình thức Việt – Tiếp nhận và sáng tạo, Huế & California 2014; Thơ cần thiết cho ai, Hà Nội 2015; Phê bình văn học – Diện mạo của một thời, Hà Nội 2017

Bìa 4

Đỗ Quyên

(Ảnh Trịnh Độ)

”Có thể gọi Đẻ Sách như một siêu tiểu thuyết – tiểu thuyết về cách viết tiểu thuyết, trong đó những nhà văn ăn thịt đồng loại để cho ra tác phẩm. Có thể nhìn toàn bộ Đẻ Sách như một ẩn dụ thông minh và tinh quái về quá trình viết, như cứu cánh và tận cùng ý nghĩa cuộc sống, nếu có, của con người. Cũng có thể thưởng thức Đẻ Sách theo từng trích đoạn, thưởng thức tính văn học cực kỳ cô đọng của từng chương; đồng thời vẫn không thay đổi cái nhìn về một cấu trúc tổng thể của tiểu thuyết, rất quy mô, phức biến, và làm chúng ta kinh ngạc.”

Tạp chí mạng DA MÀU damau.org (Hoa Kỳ)

”Cảm giác đầu tiên ở những trang đầu tiên tôi đọc được là choáng váng vì một văn bản nghệ thuật bất thường. Độc giả đầu tiên tôi nghĩ sẽ là các nhà văn, nhất là các cây bút trẻ, các nhà hậu hiện đại. Đây là một văn phẩm chỉ có thể xuất hiện trong môi trường sáng tác có tính toàn cầu, nơi va đập nhiều dòng văn hóa – tư tưởng, nơi mà người Việt có cơ hội tiếp nhận những thông tin và tri thức đích thực và cần thiết.

Một ‘trái bom Canada’! Nhưng tất nhiên, hình dung sức mạnh và hậu quả của ngôn từ thế thôi, chứ thật ra nó có ý nghĩa phá để mà xây, bom kiểu deconstruction; nó sẽ giải phóng cho cách viết cũ, cách tiếp nhận nghệ thuật cũ và mở ra ngã ba đường. Sách còn có thể xếp vào tủ sách dạy nghề cho các nhà văn. Nó mang dòng máu Việt nhưng vẫn là đứa con lai, khôi ngô, tuấn tú thông minh theo kiểu thần đồng nhưng lại vô cùng ngỗ ngược, vì được thụ thai dưới bầu trời tự do Âu-Mỹ. Đẻ Sách là một cuốn sách có ý nghĩa đột biến trong thi pháp thể loại, khởi đầu cho một dòng phong cách tự sự, cho một lối kể riêng.”

PHẠM THÀNH HƯNG – Giảng viên Văn học Việt, Đại học Quốc Gia Hà Nội (Việt Nam)

“Trong tiểu thuyết hiện đại chưa ai viết với những thao thức đông-tây kim-cổ và đưa ra những ý tưởng xã hội, đời sống chính trị, dung tục phàm trần với một đống hổ lốn cho ra hồn văn chương như Đỗ Quyên. Chưa thấy một tiểu thuyết gia Việt Nam nào viết như vậy! Có chăng chút ít là Hồ Hữu Tường trước năm 1975 mà thôi. Đây là một lý thú đời tôi chưa từng có. Tôi hy vọng, cuốn tiểu thuyết này sẽ làm bùng nổ một đề tài lớn của văn học Việt Nam trong và ngoài nước.”

VŨ ĐÌNH KH. – Nhà văn (Canada)

Đẻ Sách

Tác giả: Đỗ Quyên

Người Việt Books xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2018

ISBN: 978-1987613551

https://www.amazon.com/Sach-Vietnamese-Quyen-Do/dp/1987613554/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1525472277&sr=8-1&keywords=Do+Quyen+DE+SACH

– Bản này có sửa chữa rất nhỏ ở nhiều chữ trên đa số các trang, so với bản Người Việt Books đã ấn hành năm 2018 –


[1] Liên văn bản cùng K. Marx, F. Engels; “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, bản tiếng Việt của Chu Đình Châu 2003; trang mạng marxists.org, phần Thư viện Các Mác và Phri-Drich Ănggen: marxists.org/vietnamese/marx-engels/1840s/tuyen/index.htm

[2] Phỏng theo Thomas L. Friedman; “Thế giới phẳng (Tóm lược thế giới thế kỷ 21)”, Phong Lê dẫn lại, phongdiep.net 4/9/2008

[3] “đất nước là khoa Sản / mọi người đang mang thai”; Lê Vĩnh Tài, “40 Bài thơ”, tienve.org

[4]Eco hiểu rằng, sách giấy là phương tiện chuyên chở chữ viết, một cuộc cách mạng của loài người ngang tầm với việc tìm ra lửa, bởi ‘chữ viết là phần kéo dài của bàn tay, và theo nghĩa đó, nó gần như mang tính sinh học’. Sự khác biệt làm nên sức sống của sách giấy so với các phát minh về lĩnh vực văn hóa, như điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet, kể cả ebook, là bởi các phát minh sau này ‘không mang tính sinh học’”; Đoàn Ánh Dương, “Tương lai của sách giấy”, tiasang.com.vn 13/2/2014

Comments are closed.