Đẻ sách (kỳ 8)

Tiểu thuyết của Đỗ Quyên

Chương 4

Người từ lòng bàn tay mà ra

So với 1001 nghề nghiệp khác, dân văn chương có hồng phúc sở hữu ngôn ngữ như phương tiện hành nghề. Nhiều người hiểu biết, tự hào và tự kiêu về điều đó, mà không thấy nguồn gốc. Nhiều kẻ hiểu rằng hồng phúc có thể thành hắc họa trong nghề văn, mà chẳng hiểu nguyên căn. Cớ sao “lập thân tối hạ thị văn chương”, có hỏi họ lại đùn đẩy người xưa răn đe vậy biết vậy. Và, may cũng là rủi, trong năm ba ngạch văn sĩ, thì nhà thơ lại là những người chỉ có ngôn ngữ là phương tiện tạo nghiệp duy nhất. Ngoài ngôn ngữ, nhà thơ không còn gì khác, ngay cả thể xác và linh hồn họ cũng đã bị và được ngữ vựng hóa. Nhà thơ này đếm thơ của họ bằng “bồ chữ”; nhà thơ kia nguyện làm “phu chữ”. Đó là những thi sĩ nhà nông, đong chữ chở câu như đong thóc chở đất. Bên văn nghệ công nhân đâu chịu kém cạnh! Dưới đây là một trong nhiều quang cảnh thường thấy tại các cơ xưởng sản xuất thơ thông qua nguyên vật liệu ngôn ngữ:

Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra “diễn ca”, còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới. [1]

Còn cánh nhà binh, khỏi nói! Ngôn ngữ thơ là chất thép xe tăng Hữu Thỉnh (như đã dẫn) hay là chất tre Tố Hữu (“Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ / Hơn nghìn trang sách luận văn chương”) còn tùy địa hình địa vật về chiến thuật và tùy cuộc chiến đang ở giai đoạn nào (cầm cự, tổng tiến công và nổi dậy) về chiến lược, thôi miễn là “Nhà thơ cũng phải biết xung phong” cho xong cái “giốp” của mình. Chốt lại: Công-Nông-Binh đủ cả, nhưng dù thế nào, giữa thế giới người trần thì mâu thuẫn Lưỡi-Tay hầu như được các thi sĩ giải quyết yên bình hơn cả (chú ý chữ “hầu như”; vì ở xóm thi sĩ Việt đương đại cũng còn nhiều chuyện chưa ổn), có lẽ chỉ sau các bậc chân tu thánh thiện. Chữ “đạo thơ” từ đó mà ra, sau nó bị thô tục hóa.

Thờ ơ tình đồng nghiệp ăn thịt người với nhau nhất là giới nào? Đố bạn biết? Không phải văn giới ăn tim – có thành viên là nhà văn-nhà báo David O’Donovan từng xuất hiện ở hai Chương 1 và 2 rồi lác đác ở các chương khác – dù tim thật tinh tế, khó chiều. Chịu à? Là cánh ăn chân đấy! Cái chương về ăn chân ấy đã quá loằng ngoằng, nặng nề xương xẩu trăm thứ bà rằn các chuyện, như hai bạn đọc Vũ Đình Kh. và Đặng Thơ Thơ góp ý. Ở đây ta không bàn tới cánh này nữa. Mà bàn cũng chán như cơm nếp cô dâu vụng. Xin lỗi, văn hữu mà thờ ơ với nhau thì viết được cái nước mẹ gì! Họ quên rằng trong các giới nghề nghiệp, chỉ hai nghề có tình đồng sự vô cùng đặc biệt. Nó kéo gọi nhau hành nghề. Nó đôn thúc nhau thành tựu. Nó chia sẻ ngậm ngùi. Nó hành xử theo lệ bất thành luật, theo lẽ chẳng thành lời. Nó biến đồng nghiệp thành người thân trong gia đình. Đó là viết văn và mafia. Chẳng thế thi sĩ Nga Essenin từng xuống bút: “Nếu không thành nhà thơ / Anh sẽ thành tướng cướp”. Chưa thấy văn học sử nói về tài dao búa lục lâm, chỉ biết chàng này bô trai, tóc xõa xõa xoăn xoăn nơi vầng trán trên cặp mắt cườm đen có đuôi (hệt như Xuân Diêu nhà ta) và sát nhiều gái quê lắm (ứ như Xuân Diêu nhà ta) nhưng lại bị mấy mẹ nạ dòng thành thị sát lại (càng ứ như Xuân Diêu nhà ta luôn).

Còn hội thảo của dân nhai Tóc thì là nơi hợp tan tan hợp, y chang chuyện hội đàm hai miền bán đảo Triều Tiên hơn sáu thập niên qua. Ở chương trước, Diễn Đàn Tóc đã chia tay bạn đọc trong phiên họp dang dở. Nay, khi chữ đang chạy đến dòng này, Bắc Triều Tiên đã chịu rút vòi hạt nhân lại, hứa (lần thứ 100) từ giờ trở đi hết hù thiên hạ theo kiểu ông ăn mày tóc rối cu dơ dọa các bà góa hàng xén chợ Đồng Xuân. Nam Hàn và Bắc Triều Tiên tuần qua đã chọn thủ đô Hà Nội của quý độc giả làm nơi thương thảo. Là lá la… Hai bờ sông Bến Hải đang làm lành đôi miền sông Áp Lục! Đẹp thay cho chính trị, vẻ vang thay cho chiến tranh! Đĩ điếm như chính trị, sắt máu như chiến tranh còn vậy. Thấy xấu hổ cho văn chương. Các thành viên Diễn Đàn Tóc, suốt từ đó tới nay, ai nấy khư khư ôm mớ tóc thề của mình, bất luận tóc giả tóc thiệt, tóc mình hay tóc người. Khiến thế giới văn nghệ vẫn rối ren trong mớ bòng bong truyện chớp tóc mai, tiểu thuyết hậu lông nách, thơ tân râu ria… Hy vọng các chương sau, văn tình bên tóc rành rẽ hơn.

Hình ảnh 25 bàn tay cầm bút của các nhà văn đương đại Pháp đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội – L’Espace. Triển lãm là một trong những hoạt động của Ngày hội đọc sách Pháp tại Việt Nam. Mỗi bức ảnh thể hiện gương mặt và bàn tay của các nhà văn, trong đó có những tác giả nổi tiếng như E. Morin, O. Rolin, J. Baudrillard… Annie Assouline lý giải ý tưởng bộ ảnh của mình: “Với tư cách là nghệ sĩ nhiếp ảnh của tờ báo L’ Événement du jeudi, tôi đã làm phóng sự ảnh tại một nhà máy. Lúc đó tôi chỉ có một ý tưởng duy nhất là chụp ảnh bàn tay của các công nhân với những cử động lặp đi lặp lại và giật giật. Sau này khi ở trong phòng làm việc của các nhà văn được yên tĩnh, tôi lại tìm thấy trong bàn tay họ sức mạnh đã gợi cho tôi từ bàn tay của những người lao động chân tay tôi từng gặp”. [2]

Trong cả bốn kỳ hội thảo ngành văn chương ăn tay, lời nhà văn La Brusère “Viết một cuốn sách là làm một nghề” được giăng trước cửa phòng ăn, còn lối vào cầu tiêu thì câu của nhà văn Saint-Exupéry, Sự cao quý của một nghề là liên kết con người ta lại”. Nghề dạy nghề. Chẳng gì chắc ăn bằng ăn tay của chính các nhà văn. Không bổ chữ cũng bổ nghĩa. Không bổ nghĩa thì bổ từ. Không bổ từ sẽ bổ tứ. Không bổ tứ ắt bổ ý. Không bổ ý phải bổ chữ… Cứ thế mà ăn tay nhau. Kim chỉ nam cho hành động ở làng ăn tay viết sách đã khiến bà già, con gái và trẻ thơ khắp nơi được dịp cười nắc nẻ. Thực dụng, ngoan cố và ấu trĩ như vậy đấy. Họ không thay đổi quan điểm. Thanh minh rằng, tác phẩm mãi mãi là tác phẩm; kim chỉ nam chỉ là kim chỉ nam mà thôi. Kẻ trung thành thường cực đoan; họ công khai chừa ra, chớ bập răng miệng vào bàn tay ở những vị sau đây như Top 5 những bàn tay tệ hại nhất: Nhà ngoại giao (Đã đành! Những người sau mỗi cái bắt tay có thể thu về tay mình một, hai ngón tay tha nhân vốn tự biết mình là ai và hai bàn tay mình là hai cái gì); Người đếm tiền (Hang ổ cuối cùng cho các loại vi trùng và nan trùng, như dịch cúm gà, bệnh AIDS, Bin Laden và tật đạo văn); Biên tập viên các nhà xuất bản, báo chí văn nghệ (Miễn giải thích! Càng nói càng quê cho cái nghề xọc bàn tay lông lá của mình vào tác phẩm người khác, kể cả những nơi nhậy cảm nhất của chữ nghĩa cũng không tha); Phụ nữ thủ dâm bằng ngón tay và các lesbian (Tiếp tay cho phong trào sinh đẻ có kế hoạch một cách vô duyên nhất); Kẻ độc tài (Nếu có học, tay kẻ này ký các lệnh giết người; vô học, tay đó trực tiếp hạ sát. Kiểu gì thì tay thế cũng đẫm một mầu máu, xơi hổng nổi. Mà có xơi nổi cũng hổng đẻ ra sách nổi! Dẫu đẻ ra sách nổi, đọc hổng nổi.)

“Hổng thấy người hủi trong Top 5 trên?”. Vâng, sẽ giải thích ở một chương nào đó sau. Okay? Hổng chịu, bạn tò mò muốn biết ngay? Thôi đi, tạm quên lời dạy của giáo sư Morgan! Chúng ta đang viết, đang đọc tiếu thuyết – lại là tiểu thuyết Đẻ Sách! – chớ đâu sắm vai sinh viên năm thứ nhứt trường Yale. Bạn vẫn không chịu? Thế sớm nay bạn ngủ dậy bằng tay nào – trái hay phải – mà khó chịu vậy? Giữa chúng ta, nhị nguyên Độc giả-Tác giả, đang sinh chuyện rồi đó. Này thì tránh độc giả, tác giả chả xấu mặt nào! Tạm tiết lộ: Bàn tay của người bị con bệnh ác nghiệt đó được Chúa Phật Allah ban cho chức năng siêu cao trong sáng tạo. Hí hí hí! Mắc cười, bạn đoán trật. Đâu phải nhờ thi sĩ họ Hàn của bạn cũng là người dính bệnh! Nè, nếu với bọn nhóc tì, gặp lúc này thế nào chúng nó cũng hát “Tưởng bở tao ăn phở mày liếm bát / Mày hát cho tao nghe / Tao đánh rắm cho mày ngửi”. Ơ sao vậy? Ồ xin quý bạn cho qua. Cái cách đặt những ngón tay lên các dòng chữ cho biết bạn đang giận lắm? Con chữ như con người. Nó biết đau biết nhục. Thế mới hiểu thế nào là những trang chữ bị ê chề ghẻ lạnh dưới bàn tay của độc giả bất ưng. Xo-rì cú nữa. Mấy câu đồng dao vớ vẩn mà, nào văn chương hậu hiện đại gì cho cam! Thì vẫn, con trẻ nói không biết đường tránh chữ tục. Nhưng chúng nó nói thật, không biết xạo xịa tinh vi như phụ huynh. Bây giờ là chuyện giữa những người lớn với nhau: Vấn đề bàn tay, nhất là các ngón tay, của người cùi hủi có mỹ lực sáng tạo kỳ bí đã được âm thầm tìm hiểu từ hai trăm năm nay trong các trại điều dưỡng phong hủi. Kìa, bạn giận lâu thế? Quan hệ Mỹ-Việt cũng chả hận hờn dai vậy! Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và Tổng thống Bush sắp sửa tam ca bài “Kết đoàn chúng ta là sức manh…” (Chú ý: hát thì là “manh”, thế mới chuẩn; không phải “mạnh” như khi nói hoặc viết). Bái phục! Sự giận dữ chân chính từ độc giả chân chính, như các nhà phê bình chân chính từng cảnh báo chân chính. Vậy nha… Chúng ta cứ bỏ rơi những bàn tay, những ngón tay hủi xuống dòng chữ này, và trở về câu thơ suýt thành vĩ đại và cuộc hội thảo về lý do suýt thành vĩ đại. Coi kìa, cái thứ máu thịt không được bình thường khi đau đớn rơi rụng xuống đang bốc lên những lời thấu trời cao. Bạn nghe thấu? Đau thật! Số phận người cùi hủi luôn bị văng lề đời, dù trong con tim chúng ta không muốn kỳ thị họ. Mà họ vẫn tóe văng, từ chính cánh tay chúng ta! Thấy tiếc tiếng nói từ những ngón tay lẻ loi. Cũng tiếc một cơ hội bàn về “Cái giận dữ của độc giả”. Dự tính thế này, ơi độc giả mến cưng: Nói tiếp cuộc hội thảo của giới ăn tay; Rồi sang tình thê phu ở hai câu thơ Hoàng Trung Thông; Tùy theo độ nguôi giận của bạn, chữ thuận nghĩa hòa thì chúng ta sẽ bàn về các mặt nữ tính – gọi là tính đờn bà đi cho dễ hiểu – và nhi đồng tính ở giới độc giả nói chung; Mỹ, Úc hay Tàu, An Nam cũng vậy. Ví dụ, về thói mân mê thị hiếu độc-khán-thính giả từ các cơ quan truyền thông đài, truyền hình, website, điện thoại di động và hầu hết báo chí; về cuộc chiến không khoan nhượng trong những trận tuyến kể trên của các binh đoàn văn học đích thực và thuần túy mà Đẻ Sách đang là một. Độc giả Đẻ Sách dám chơi không? Đẻ Sách đã sẵn lòng chết và đang chờ chết. Thượng đế chết từ thế kỷ trước lận. Tác giả thì sẽ chết trước chúng ta. (Viết đến đâu, tác giả chết dần đến đó, và chữ cuối cùng của cuốn sách hẳn là cây thập tự dành cho tác giả mọc lên trên nấm mồ này.) Hỡi độc giả, hãy chết cùng Thượng đế và chúng tôi! Sau một tác phẩm, tất cả những xác chết sẽ dựng lên chân giá trị của nó. Như bi hài tráng ca Hy-La thuở nào. Sức sống mới của văn học sẽ đến từ các tác phẩm kế tiếp, với các tác giả kế tiếp và lớp độc giả kế tiếp – tức là từ các… xác chết kế tiếp!

Tiêu đề của Hội thảo lần thứ nhất – hội thảo khai sinh nhánh văn học ăn tay – phải nói rất vơ vào và băm bổ: “Bàn tay: Nơi nhân tính nhất. Tại sao không?”. Tự thấy đề cập đến nhân tính là cái dễ tranh giành nhất của nhân loại nên diễn đàn đã mở rộng bán kính hoạt động đến hết khả năng mở rộng. Đạo mạo hoài sẽ nhạt văn, nói bậy chút đỉnh: Điếm già mở váy cũng rộng đến thế mà thôi! Đại sư phụ Octavio Paz bảo rồi: Tính nhục cảm là một thi pháp thân thể, và thi ca là một phép nhục cảm của ngôn từ. Nên Đẻ Sách cứ theo thế mà… đẻ sách. Đẻ tiếp này… Đang đẻ đến đâu rồi ta? A đến lời mời gọi rộng rinh của Hội thảo Ăn tay Lần thứ nhất.

“Miễn là người và là người quan tâm đến nhân tính, đều có thể tham gia và thảo luận.” Đó là tiêu chuẩn và quyền lợi dành cho Hội thảo viên mà điều lệ Hội thảo đề ra. Biết điều lệ có phần lỏng lẻo; chẳng hạn bị bắt bẻ rằng, chỉ cần nói “Miễn là người đều có thể…” là đủ; bởi người thì tất nhiên sẽ săn sóc đến nhân tính, và phàm đã lưu tâm nhân tính, ắt chỉ là người; súc vật mắc bận săn sóc bộ lông của mình rồi, như Marx dặn đi dặn lại dặn tái dặn hồi. Còn nữa, về nguyên tắc, trong “tham gia” đã hàm ý “thảo luận”, còn thảo luận ra sao chỉ là thủ tục. Biết vậy, Hội Văn học Ăn tay Toàn thế giới cũng không lấy đó làm trọng. “Điều lệ không làm nên Hội. Cũng như Hội không làm nên nhà văn.” Nhiều vị lãnh tụ trong Hội này hay nói đùa mà thật, “Các hội thảo làm nên Hội.” Phải công nhận đây là một trong những nghiệp đoàn phi chính phủ phi chính trị dễ tánh nhất thế gian hôm nay.

Về cách thức người Mỹ dùng hình thức hiệp hội, đoàn thể trong đời sống dân sự

Người Mỹ ở mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, mọi trình độ trí tuệ, đều luôn kết hội với nhau. Không những có những hiệp hội thương mại và công nghiệp mà ai ai cũng có chân trong đó, họ có cả ngàn kiểu hiệp hội các loại khác nữa: hội về tôn giáo và hội về đạo đức, hội nghiêm túc và hội tào lao, hội khá chung và hội rất riêng, hội vô cùng lớn và hội vô cùng bé. Người Mỹ lập hội để tổ chức lễ tết, lập hội để mở trường học theo lối tự học, lập hội để xây dựng các quán nhậu, để dựng nhà thờ, để quảng bá sách, để cử các nhà truyền giáo đi tới những vùng xa xôi tận đẩu tận đâu. Cũng theo cách lập hội đó người Mỹ xây bệnh viện, mở nhà tù, dựng trường học. Kể cả khi có nội dung là nghiên cứu làm sáng tỏ một sự thật nào đó hoặc để triển khai một tình cảm dựa trên một tấm gương lớn, khi đó họ cũng lập hội.

Khắp nơi khi có công trình mới mẻ nào, mà ở Pháp bạn sẽ thấy đứng đầu là một người của chính quyền và ở Anh là một người của Hoàng gia, thì bạn hãy tin rằng ở Hoa Kỳ đứng đầu công trình mới đó là một hiệp hội. Tôi từng bắt gặp ở nước Mỹ những kiểu hiệp hội mà phải thú nhận là chẳng hiểu họ lập ra để làm gì, và tôi lắm khi chiêm ngưỡng cái tài năng vô tận những con người ở nước Mỹ đem ra thi thố để xác định một mục tiêu chung cho những nỗ lực của số rất đông con người, và rồi còn làm cho những người ấy vẫn bước đi tự do bên trong các tổ chức ấy. [3]

Dù dư biết kim cổ Đông Tây, lý do đăng đàn thì vô vàn (thảo luận tìm chân lý, tranh cãi tìm danh dự, bàn thảo đi tới sự nổi tiếng, tranh luận tìm chồng vợ hay bồ bịch, thuyết trình vì ăn lương hay để lãnh học bổng, cãi lộn thậm chí thượng cẳng tay trái hạ cùi tay phải vì lý tưởng chính trị hoặc niềm tin tôn giáo, diễn thuyết do tư thù cá nhân hay nịnh bướm đầm nâng bi lãnh tụ, v.v…), nhưng Ban chấp hành Hội Văn học Ăn tay Toàn thế giới thây kệ. Phát ngôn nhân Hội nói cà tửng ở hành lang: “Không lý do nào chính đáng bằng quan niệm có diễn đàn tất có đăng đàn. Tức đăng vì đàn. Sao sáng mọc ra vì trời xanh vẫy gọi, chả phải bởi thuyết hấp dẫn vũ trụ vũ trẹo gì sất! Có chợ đông sẽ có cô em bán hàng má hồng vui tánh, thế thôi. Muốn thắc mắc, hãy hỏi trời, hỏi chợ…”. Ấy vậy, chẳng vì rộng cửa thoáng nhà mà diễn đàn chật cứng. Bởi nhân chi sơ con người ta không thích đăng đàn bằng nói vo ngoài vỉa hè, hay nói với những cái tai lười biếng ở quán nước, café. Chưa kể – như một hình thức thủ dâm lưỡi – nhiều người thích chui vào xó bếp nói một mình, nếu nghèo khó; khá giả, chơi nguyên tầng hầm hay sân thượng để độc thoại; các ông có vợ lắm mồm đành phải cặp bồ với bà ít mồm hơn để mình còn được quyền lẩm bẩm. Theo chiều hướng khác, lạm dụng nói có thể xem như thói thủ dâm lưỡi. Trong một số chương sau – tùy cơ duyên với người đối chữ (tức độc giả đấy, còn ai trồng khoai đất này nữa!) – mà Đẻ Sách sẽ động đến quan hệ giữa sự thủ dâm và các thành phần cơ thể. Có lời thầy Octavio Paz chỉ đạo, độc giả đừng lăn tăn về các vụ tế nhị này.

Nói nhanh dăm ý (mà thực ra nói nhanh chính là một trong các lối thủ dâm khó sửa nhứt): Xét về mặt hình học, phàm những cơ phận nào thon thon, nhon nhon, dài dài một chút thì dễ làm vật thủ dâm; tỷ dụ các núm vú, ngón tay, “cái ấy”, lưỡi, bàn chân của đàn bà Trung Hoa xưa… Xét về tâm lý: Các cơ phận thủ dâm – ở đây gọi tắt là cơ dâm hoặc cơ thủ – thường khi cương lúc nhu, mà “cái ấy” là ví dụ xuất chúng. Xét về mặt vật lý, cơ dâm hoặc cơ thủ rất nên có tần số hoạt động cao và linh hoạt: “cái ấy”, rồi lưỡi, tay thì không nói làm gì, có thể kể thêm: đầu vú này, mồng đóc này, điểm G này, cả con ngươi nữa; tất nhiên không thể bỏ qua các bán cầu não ở bậc thiên tài và người điên. Đôi bàn chân nơi kẻ giang hồ là một cơ dâm kỳ thú. Miệng quan và trôn trẻ là cặp bài trùng cơ thủ đã đi vào kho tàng văn hóa dân gian Việt… Trở lại vụ thủ dâm lưỡi, cả về ngôn ngữ lẫn sinh lý; nó giải thích vì sao phụ nữ có tỷ lệ thấp hơn nam giới rất nhiều trong các việc thủ dâm tay, thủ dâm “cái ấy”… Dễ tìm trong thống kê y học và văn học, hầu như không có người đàn bà nào không nói nhiều nếu họ nói được và được nói, và hiếm có người đàn ông nào không táy máy các cơ thủ của mình ít nhất một lần trong cả cuộc đời; cũng như khó có thể tìm ra một người viết Việt lại không làm một bài thơ hoặc có ý định làm một bài thơ… Quay về chuyện đăng chuyện đàn. Những người đăng vì đàn và chỉ vì đàn, rất hiếm. Họ như mặt trời của thái dương hệ ngôn luận. Trong khi nhan nhản kẻ lạm dụng đàn, từ văn đàn cho chí chính đàn. Đẻ Sách trộm nghĩ, nếu không nắm được nhân tính trên thì việc thông thoáng tự do tư tưởng, tự do hội họp một cách vô lề lối cũng nên bị xem là vi phạm luật lệ, như tội phơi mở vô độ các phần kín của cơ phận.

“Những cái hay của Kinh Lễ

Hãy để ý đến động tác của họ, rất ngoạn mục: Họ cởi đồ chầm chậm, mỗi hành động buông áo, hạ quần, rút giây lưng kéo dài hàng thế kỷ. Họ ngần ngại và bị lôi cuốn, đến thiên niên kỷ thứ 3 mới bạo dạn dám khoe chút rốn. Ngôn ngữ của họ cũng lơ lửng; một chữ buông hờ ở cửa miệng rồi cứ đọng lại ở đó, một câu nói chưa thành tiếng đã bị mất hút vào không gian. Một ý nghĩ mất cả đời để thành hình. Một câu nói truyền từ người này sang người kia mất thêm vài trăm năm nữa. Chỉ có nước mắt của họ là vẫn vậy, xưa cũng như nay, những giọt lệ chảy nhanh, lăn tròn, đều đặn. Vận tốc của nước mắt là hằng số. Đêm đêm họ ngồi khóc bên những ngọn đèn lồng đỏ thắp lập lòe trên ruộng cao lương. Người chồng chung của họ tiếp tục viết thêm những mệnh lệnh trong kinh. Kinh nhật tụng. [4]

Phái đoàn nhà văn ăn tay đại diện ba nước anh em như thể chân tay Việt Nam, Lào, Cămpuchia trong đề cương tham gia đã nhất trí cao khi đưa đề nghị lấy bài hát Nối Vòng Tay Nhớn làm lời ca chính thức của Hội thảo lần thứ nhất. Thì đã bảo, Ban tổ chức vốn xuề xòa, đồng ý ngay. Mất gì của bọ họ cho rằng với nhà văn viết là trọng, hát hò vẽ vời là râu ria. Vả, không quốc gia, khu vực, lãnh thổ nào có đề nghị tương tự để phải bỏ phiếu chọn. Nhưng, trong khăn gói quả mướp của đoàn Việt-Lào-Căm đến Hội thảo, hải quan nước đăng cai không thấy bài hát nào cả! Toàn thơ và văn xuôi không à! Hai đại biểu hai nước Lào và Căm, dù đều là người lai Việt nhưng cô này đã không rành tiếng mẹ đẻ, anh kia lại chẳng thạo chữ cha sinh, tới mức không phân biệt nổi một ca từ Việt với một bài văn đoạn thơ Việt. Họ cứ tưởng vì máy bay Liên Xô bay nhanh quá, làm rớt mất những nốt nhạc từ bài Nối Vòng Tay Nhớn. Mà đâu biết có sự cố… Đến sát lúc nhận hộ chiếu, vị Trưởng đoàn Việt-Lào-Căm nghe được chỉ thị: cuối cùng thì bài hát không được cấp trên duyệt. Thật ra bản thân bài này tốt. Tốt đến mức được giải thích cụ tỷ: “Cấp trên đã quyết định để dành Nối Vòng Tay Nhớn làm đại ca khúc khải hoàn cho ngày vui đại thắng của cả đại dân tộc đang đến rất gần. Mang tới cái Hội thảo ăn tay ăn cẳng vớ vẩn đó chỉ tổ làm phí sự ‘nhớn’ của đại ca khúc. Ấy chưa kể tội làm lộ đại bí mật quân sự”. Trưởng đoàn rành sáu câu vọng cổ rồi, chả thắc mắc. Ông thừa hiểu đúng thời điểm đó tác giả Nối Vòng Tay Nhớn đang vướng vào tai nạn nghề nghiệp mà chính ông là kẻ xuống tay mạnh nhứt trong trận bề hội đồng tác giả bài hát. Số là về vụ ca từ ở một bài khác cơ, với những cụm như “Em về rồi thì… hai bàn tay đói”. Chết tía mầy rùi con ui! Một là, đang giai đoạn chiến tranh nóng bỏng trên khắp ba nước Đông Dương, dính tới em út nhõng nhẽo hổng có xong à nha. Hai nữa, cũng lúc Chiến tranh lạnh trùm chăn khắp trái đất, cấm tiệt tiền tiên nhắc đến chữ “đói” trong phe ta. Và ba, sự thi vị hóa bàn tay như thế phàm tục quá thể! Nhạc sĩ khi thảo ca từ chắc vô tình quên rằng, dân tộc Việt vốn hay bị các nước anh em, láng giềng và toàn thế giới – tức cả kẻ thù – chê cười vì nâng việc ăn lên hàng đầu văn hóa giao tiếp. Gặp nhau câu chào hỏi đầu môi “Bác ăn cơm chưa ạ?”. Chuyện, có thằng bé nọ mau mồm lẹ lưỡi cúi đầu hỏi vậy với ông lão đang xốc quần đi ra từ nhà tiêu công cộng, và bé bị lão mắng té tát: “Con cái nhà, ngu! Chưa ăn, ông lấy gì ị ra bãi tướng thế kia, hở! Bận sau giương to mắt nhìn trước nhìn sau khi chào hỏi người lớn, cháu nhé!”. Đã thế, ăn xong xuôi nửa ngày rồi nơi khóe miệng còn tung tăng que tăm – như nhà văn ăn tim David O’Donovan từng nhận xét – ý rằng, hoặc làng nước ơi nhà tôi khá giả lắm ăn cơm thịt gà nó giắt răng xỉa mãi cả buổi chưa hết đây này, hoặc tôi đã ăn xong rồi đấy nhá ông bà cậu mợ kiếm câu khác mà chào hỏi cho đúng người đúng việc… Nói đi cũng cần nói lại. Thật ra, mít-tơ O’Donovan ứ hiểu thấu văn hóa Việt dù ổng dành cho người Việt không ít tình cảm và người đã chết trên trang văn của mình trong nhà một gia đình Việt. Ông bạn này chỉ xuất chúng về các thiên phỏng vấn mà loạt bài với nữ luật sư ăn chân McAmmond đã hóa nên định mệnh; chứ văn chương ăn tim của trự chưa tới cỡ làng toàn cầu, chỉ quanh quẩn xóm miệt dưới Úc – Tân Tây Lan. Cố ra tới Nam Dương là bị sóng thần đuổi về. Văn hóa nông và lùn, văn chương làm sao tỏa bóng ra ngoài được! Đó chỉ là đồ văn chương lấy bóng phủ lên hình. Mời bác và các văn nghệ sĩ da trắng (nhởn) muốn đưa phương Đông vô phương Tây hoặc muốn Đông hóa cái Tây nơi mình, nhớ giùm: Ngậm tăm ở khóe miệng ra đường cái quan trong trang phục chỉnh tề áo dài khăn đóng xưa và bên vô lăng BMW đời mới nay kể cả ở hải ngoại – ấy là người Việt chúng tui nhâm nhi, thưởng khoái một thói quen, một phong tục nơi cửa miệng mình ngay trước mặt bàn dân thiên hạ. Đó cũng là hình thức kéo dài văn hóa ẩm thực, không chỉ từ lúc con gà cục tác lá chanh nơi vườn rộng rào thưa khiến khách ngồi ở nhà trên chờ thèm nhỏ dãi mà còn tới khi nhâm nhi cây tăm sau mâm cỗ. Với người ngoài, có thể hay có thể dở, nhưng với kẻ trong cuộc thì phong tục tập quán cương quyết không bị khái niệm hay-dở chèn ép. Tập tục sinh ra từ sự tiện lợi thoải mái cho bản thân, cho cộng đồng mình, chớ đết phải vì tha nhân, vì thiên hạ. Tập quán không quốc tế ca! Toàn cầu hóa, chứ má toàn cầu hóa cũng phải thua phong tục! Chưa kể nói về nguồn gốc, tục lệ thoạt tiên hình thành từ vài yếu nhân – nay tiếng Ăng Lê bắt chước tiếng Tàu tiếng ta kêu cho chảnh là VIP – hay từ nhóm người tinh hoa có ảnh hưởng nào đó – bên tiếng Phú Lăng Sa gọi cho sang là élite. Sau được nhiều người bắt chước làm thói quen, lâu dần qua lọc lựa tự nhiên mà thành tập tục. Lưu ý: bắt chước. Thói thường con người ta bắt chước cái dở nhanh, dễ hơn cái hay, nên phần dở của phong tục tập quán phải thắng phần hay là cái chắc. Vệ sinh răng cỏ chỉ là phần kéo dài thưởng lãm. “Một miếng thịt chó dính kẽ răng ba ngày còn thơm phức”. Có nhà văn nghiêm túc nọ viết rất nghiêm túc vậy. Nói là nói thế thôi, thơm cũng tùy người đối diện. Thấy bảo hồi Chiến tranh lạnh, Liên Xô phe ta bắt được một thằng gián điệp Xịa gộc. Mút-cu mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn mãi không xong. Bèn điện cho Hà Nội mình gửi gấp qua cây tăm xỉa miếng thịt chó giắt kẽ răng ba ngày thơm phức của ông nhà văn nọ để cho tên gián điệp ngửi. Thế là lời khai tuôn ra ông ổng, rồi dây thần kinh khứu giác đứt phựt một cái. Thằng chú Xịa chết ngắc cần câu! À hình như cho tới nay, chưa thấy luận án tiến sĩ nào về tăm, về quá trình hình thành tăm và thuật xỉa răng. “Lược khảo về lịch sử tăm và nghệ thuật tăm răng”. Cuốn sách đang trên tay quý bạn mong có trong mình nó các trích dẫn từ đó… Hạnh phúc thay cho một gia đình Việt tam đại đồng đường xong bữa cơm khói lam chiều cả nhà căng ruột tượng con Mực mải gặm xương bỏ mặc con Miu leo bàn thờ tổ ăn bậy người ông e hèm chẹp chẹp miệng thằng cháu nội đích tôn thờ trọng lon ton xòe búp tay măng dúi dúi vào miệng ông cây tăm lấm lem dính đầy đất hay cô con dâu út bước thụt lùi cúi lưng ong vòng hai hoa hậu huyện trang trọng nâng bằng cả mười ngón tay tiên ngang mặt bố chồng que tăm có sức nặng bốn ngàn năm! Hạnh phúc thay! Hân khoái làm sao khi tuổi già nua được ngồi tựa cả tấm lưng những xương cùng xẩu miệng xúc òng ọc chén nước vối ấm đậm bàn tay run thư thả đưa chiếc tăm tre cháu con vừa nâng trao mà xỉa mà xọc mà lia những ngóc cùng ngách hai hàm răng trung thành và bất trị! Hân khoái làm sao! Cầm cái tăm đưa lên miệng là cầm một nền văn hiến. Biết sử dụng tăm là biết văn hóa hậu ẩm thực. Về tăm, tất cả những gì dẫn thượng đều đã có cả ngàn năm trên đất Việt và ngót trăm năm nơi hải ngoại. À có điều Đẻ Sách thắc mắc: vẫn chưa thấy dịch vụ xỉa tăm ôm ở xã hội Việt Nam đương đại?

Phân tâm học và tiểu thuyết

Phân tâm học để lại dấu ấn mạnh đối với các công trình nghiên cứu, phê bình và sáng tác trong thế kỷ XX. Có lẽ tiểu thuyết chịu ảnh hưởng nhiều nhất, ít nhất là ở phương Tây. Mười ba năm sau tác phẩm “Diễn dịch các giấc mơ” (The Interpretation of Dreams) của Freud, ở Pháp ra đời bộ tiểu thuyết lừng danh “Đi tìm thời gian đã mất” của M. Proust, 1913. Gần như cùng lúc hoặc sau đó một năm, bên kia eo biển, J. Joyce hoàn thành tiểu thuyết “Chân dung một chàng trai trẻ”. Trong khoảng thời gian của hai cuốn sách này là “Hành Hương” (Pilgrim-Age) của D. M. Richardson, một tác phẩm độc đáo của nhà văn nữ người Anh có hướng nữ quyền.

Tiểu thuyết của Proust, Richardson, Joyce về sau được mệnh danh là các tiểu thuyết độc thoại, tiểu thuyết nội tâm, hay là tiểu thuyết dòng ý thức. Điều ngạc nhiên là ba nhà tiểu thuyết nói trên không biết nhau, không đọc nhau, và viết bằng những phong cách hoàn toàn khác biệt. Sự trùng hợp lịch sử có thể được giải thích như kết quả phát triển đến mức cao nhất của nền tiểu thuyết lấy hiện thực xã hội, tức là hiện thực bên ngoài, làm trung tâm và dưới tác động của phê bình phân tâm học. Suốt thế kỷ XX, khuynh hướng này như dòng sông càng chảy càng nhận vào nó nước của những con sông khác. Đọc các nhà văn đương đại như Coetze hay Pamuk, giải Nobel, ta thấy dấu ấn rất rõ khuynh hướng tiểu thuyết nội tâm.

Tiểu thuyết nội tâm có những đặc điểm: Tính tự truyện, kể lại những điều như có thật xảy ra trong đời tác giả, có tính tiểu sử. Về ngôn ngữ, tiểu thuyết nội tâm dùng nhiều các thủ pháp nghệ thuật thơ ca. Đặc điểm thứ ba: sự phân tích sâu xa tâm lý nhân vật. Tác giả biểu hiện suy nghĩ và cảm xúc thầm kín, thám hiểm cõi vô thức sâu thẳm mà trước đó không có tiểu thuyết gia nào khai phá. Thứ tư là cấu trúc không sắp xếp theo trật tự thường gặp, chúng tản mạn, cố tình chống lại một tuyến tính chặt chẽ. Đặc điểm này chịu ảnh hưởng của lý thuyết phân tâm học đối với các quá trình vô thức. Trong ba tiểu thuyết gia nhắc ở trên, Joyce sử dụng bút pháp thơ mộng nhất với giọng văn đậm chất hiện tại. Đó là những quan sát trực tiếp đối với đời sống, để lộ rất ít các yếu tố của cốt truyện. Các tiểu thuyết cổ điển không phải là không ghi lại tâm trạng chủ quan, nhưng ở đó các tâm trạng chỉ được ghi nhận mà không như động lực chính.” [5]

… Trở lại bài ca Nối Vòng Tay Nhớn của Hội thảo. Khi đoàn Việt-Lào-Căm vừa xuất hiện, một cô ca sĩ Mỹ đen phản chiến đã phải dùng cặp ngực núi lửa kiêm xe tăng của mình mà rẽ đám đông bao quanh các đại biểu của ba (thật ra chỉ có một) đất nước anh hùng. Em nó sát lại đến mức vị anh giai Trưởng đoàn cứ phải thụt lùi và giấu hai bàn tay đói của mình tránh xa bộ ngực đầy bức xúc. Khi em ca sĩ Mẽo ngỏ ý muốn coi trước bài hát để thử giọng, nhà thơ Trưởng đoàn Việt-Lào-Căm nhanh trí chế tạo ngay câu thơ lục bát, rồi nhanh miệng (qua phiên dịch – tất nhiên!) nhờ luôn cô em tự phổ nhạc giùm: “Một tay làm chẳng nên thơ / Ba tay chụm lại thành hòn thơ cao”. Bạn đọc không rành nội vụ sẽ đoán, sau Hội thảo, về nước nhà thơ Trưởng đoàn tất sẽ được khen thưởng huân hay huy chương gì đó. Không, ngược lại. Ông bị lãnh án kỷ luật, và án này ở mức treo tay: Cấm dùng tay để cầm bút viết văn cho tới khi nào chiến tranh chống Mỹ kết thúc. Âu cũng vì chiếu cố hoàn cảnh éo le của sự vụ và thành tích thơ văn qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp đánh Mỹ của ông. Chứ không, đã bị tùng xẻo tay! Số là trong dạ tiệc khai mạc, nhà thơ Việt Trưởng đoàn đã… bóp ti nàng ca sĩ Mỹ đen phản chiến. Cơ khổ, cớ sao nên nông nỗi? Theo các nhân chứng, lỗi không hẳn ở hai bàn tay đói gái của thi sĩ nam lão thành. Hai hỏa diệm sơn đồ Mỹ đen cứ sấn sổ xông đến chà chà cọ cọ. Hai bàn tay lão thi sĩ lúc lảng lánh, khi ngần ngừ… “Động nhè nhẹ cái thôi đã sao! Cả hai đầu ti rắn câng nó cứ cà rà cà rà mời mầy kìa”. Bàn tay Này khích bàn tay Kia. “Có mà tự tử! Đồi trụy vậy với các cháu ca sĩ “đường Trường Sơn thuộc như bàn tay” còn bị mục gông, huống hồ đang lúc mang tay đi đấm nước người, giữa bạn bè thế giới năm châu lục sáu màu da ba dòng thác cách mạng ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ thần thánh của dân tộc và của cả loài người”. Bàn tay Kia nghiêm khắc. Nó vụt trở nên dứt khoát, lao lên với cái lao của ngựa Gióng – như mấy chục năm trước trong lễ kết nạp đảng dưới giao thông hào Điện Biên nó nắm lại giơ lên trước đảng kỳ và quốc kỳ – rẽ hai khối thịt cơ tung tẩy chao đảo phía trước. Rẽ thoát. Nó cầm ngay ly rượu vodka, mừng. Hú vía! “Đồ nhát! Mầy không nhớ văn sĩ Quách Bạc Nhược sao? Cũng trong tiệc rượu long trọng Hội Nhà văn Liên bang Xô Viết hậu đãi ổng ở trên chính nuớc Liên Xô, văn hào Ba Tàu vẫn từ tốn đi với cái đi của tuổi già còn già hơn mày vòng qua bàn ăn, tới bà thơ ký người Nga… Tau còn nhớ đoạn viết rành rành, ‘Bà ngồi đối diện ăn mặc theo lối hở ngực, gần hết nửa ngực để trần, và ông Quách từ đầu chí cuối chỉ chăm chăm vào đó. Bất ngờ ông đứng dậy vòng qua lưng và thọc hai tay…’ [6] cơ mà. Mầy không tin cứ mần đại đi, sau về nước lật coi lại hồi ký Grigori Erenburg cũng đâu muộn!”. Bàn tay Này vừa thuyết phục vừa giả tảng say xỉn, gạt chén rượu trên bàn tay Kia nghiêng té vô váy cô ca sĩ đang nóng hừng hực. Thế rồi bàn tay Kia mắc mưu. Nói mắc mưu là bênh thôi. Chứ lòng vả cũng như lòng sung, hai bàn tay mà không ăn ý nhau chẳng lẽ tóc tai ở trên cúi xuống, cu hĩm bên dưới ngẩng lên để xúi dại à! Hai bàn tay Này-Kia cứ thế quýnh quáng một hồi, cuối cùng một trong hai bàn tay lao về phía trước. Và cũng giống trạng thái bất định ở hai bàn tay của nhà văn Úc ăn tim, ông O’Donovan: Một trong hai bàn tay của nhà thơ Trưởng đoàn văn sĩ Việt ăn tay – mà cho đến nay không sao biết chính xác bàn tay nào – đã có hồi đáp rõ ràng và mạnh mẽ với bộ ngực cong hình dấu hỏi mời gọi từ nữ ca sĩ Mỹ đen phản chiến. Những ai nhìn thấy đều bị sốc trong năm giây đầu. Sang giây thứ sáu, theo luật phản xạ tự nhiên của hệ thần kinh và thị giác, họ hành xử theo luật lịch sự: Hai mắt quay đi chỗ khác chơi để con mắt thứ ba làm việc. Duy có nữ sĩ đại diện Lào cứ đứng đó như trời trồng chống cả ba mắt lên nhìn. Cái này không phải tò mò hay ngạc nhiên, mà phản đối. Phản đối không vì ghen tị hay ghen tuông, mà theo phong tục (đờn ông ngoại quốc, nhứt là Việt, đều rành). Với phụ nữ Lào quý ông quý anh muốn chỗ lào” cũng được trừ cặp vú cao cả thiêng liêng – nguồn sữa tinh khiết người nữ giữ dành cho nòi giống mình.

Dịch giả Nguyễn Thế Vinh, người chuyển ngữ “Portrait of the Artist as a Young Man” ra tiếng Việt: “Với ‘dòng ý thức’ của Ulysses và với thủ tháp dùng huyền thoại để giải thích thế giới hiện đại Joyce đã mở ra một hướng đi mới cho nghệ thuật tiểu thuyết, phá vỡ cấu trúc trần thuật truyền thống, xáo trộn bình diện thời gian, khám phá những bí ẩn nội tâm sâu thẳm của con người, phơi bày sự rối rắm phức tạp của thế giới loài người hiện đại bằng những câu chữ tưởng chừng như là ngôn từ của một tâm trí vô thức…” [7]

Trong các tham luận, như dự đoán, người ta thấy các bài sau đây để lại hình hoặc bóng, hoặc cả hình cả bóng của chúng trên bức tường thời gian. “Bói tay và tương lai của một cơ thể văn học”, “Cười và Bàn Tay, cái nào người hơn cái nào: một ứng dụng của lý thuyết so sánh”, “Hôn nhân, Tình yêu cần hơn Bàn tay, hay ngược lại?”, “Màng trinh đã phải nhường vị trí số 1 của nhân tính!”, “Về tương hỗ Hai tay và Tư thế giao hợp: nhận diện tính người nổi trội nhất”, và “Hãy chọn đi: làm Lưỡi hay làm Tay?”. Chấm hết. Thêm một điểm son của Hội thảo Ăn Tay, là diễn đàn đầu tiên trong lịch sử chữ nghĩa phá tung các dấu ba chấm, vân vân bất định và vô trách nhiệm khi liệt kê các danh sách…

Tham luận có mức độ ngôn chiến kinh hãi nhất, như độc giả đoán được phần nào: “Hãy chọn đi: làm Lưỡi hay làm Tay?”. Khác các bài kia, không của cá nhân hay nhóm đại diện quốc gia, nó là của cả một tổ chức văn chương. Một phái đoàn hùng hậu và lả lướt các văn sĩ ăn lưỡi kéo tới diễn đàn tay (để múa lưỡi khua môi, chứ còn gì nữa!)

“Chiếc lưỡi là món quà vĩ đại nhất: nó là khởi nguồn của lời nói!

Đặc điểm xã hội của con người (…) tùy thuộc vào khả năng làm chủ ngôn từ của anh ta. Trong thế kỷ vừa qua, vấn đề thiết yếu về bản chất con người này đã bị che đậy bởi giả định sai lầm rằng con người trước hết là một ‘sinh vật biết sử dụng công cụ lao động’ (…)

Con người, trước tiên và trên hết, là một loài vật biết tự sản xuất. (…) Cội nguồn của hình thức sáng tạo đặc biệt này không phải là lửa, dụng cụ lao động, vũ khí hay máy móc gì cả, mà chính là hai công cụ chủ quan: ước mơ và ngôn từ. (…)

Ngôn ngữ, phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, là yếu tố thiết yếu đối với con người đích thực. ‘Chúng ta không được quên rằng,’ nhà ngôn ngữ học lỗi lạc Jespersen đã từng nhận xét, ‘cơ quan phát âm là một trong các món đồ chơi quý báu nhất của nhân loại, và không chỉ trẻ con, mà ngay cả người trưởng thành sống trong các cộng đồng văn minh hay man dại đều cảm thấy thích thú khi để cho chiếc lưỡi, đôi môi và các dây thanh quản rung lên những cung bậc khác nhau.” Xuất phát từ chức năng độc đáo của cơ quan phát âm này, con người tìm cách định hình một thế giới trật tự và có ý nghĩa – một thế giới được nhận diện bằng ngôn ngữ, âm nhạc, thi ca và tư tưởng.

Chiếc lưỡi là món quà vĩ đại nhất: nó là khởi nguồn của lời nói.

Các nhà tâm lý học đã khám phá rằng, chứng câm điếc, khi được chống chọi bằng sự điều trị chu đáo, vẫn gặp nhiều trở ngại lớn lao hơn đối với trí thông minh so với bệnh khiếm thị. (…) trong mọi ý nghĩa, sự nói vẫn chính là công cụ chủ yếu của con người để sẻ chia cái thế giới tư riêng của anh ta với đồng loại, và để chuyên chở ngoại cảnh về với bản thân mình (…). Bất cứ ai có thể nói, đều có thể được tin cậy: mỗi một từ ngữ đều là một mật ngữ dùng để chỉ bạn hay thù, cùng phe hay khác phe. (…) không sinh vật nào có được nghệ thuật thông tin bằng ký hiệu như con người. Thông qua ngôn ngữ, con người đã tạo ra được một thế giới thứ hai, lâu bền và vững chắc hơn thế giới kinh nghiệm, phong phú về tiềm năng hơn thế giới vật chất của bất cứ sinh vật nào khác. (…)

Ngôn ngữ vốn có tính chất quan trọng hơn nhiều so với công cụ hoặc máy móc. (…) Ngôn ngữ rất cần thiết cho tính người của con người, là cội nguồn sâu xa của tính sáng tạo, và không ngẫu nhiên chút nào một khi cố hạ thấp phẩm giá để biến người khác thành nô lệ, thì trước tiên người ta hạ thấp và ngược đãi ngôn ngữ. (…) Trái ngược với một câu ngạn ngữ (‘sticks and stones may break my bones, but words will never hurt me’ – ND), lời nói tạo ra sự tác động mãnh liệt hơn nhiều so với gậy và đá; chẳng những thế, còn tồn tại lâu bền hơn.“ [8]

Nhờ “Hãy chọn đi: làm Lưỡi hay làm Tay? mà Hội thảo các nhà văn ăn tay toàn cầu đã biết đến cuộc đại khẩu chiến long lưỡi lở tay. Không hề khó hiểu, nếu nhận thấy ý tứ của tham luận không ra ngoài mâu thuẫn nhị nguyên Lưỡi-Tay, Ngôn ngữ-Hành động mà Đẻ Sách đã nói từ khuya, và còn sẽ nói đến sáng nếu có hứng thú và cơ hội. Nhưng này, e đến sáng có thể nhiều độc giả ngủ mất tiêu. Nói luôn: Hai thi sĩ Việt Nam nọ (chẳng biết nhị vị thuộc giống ăn tay ăn tiếc ăn lưỡi ăn liếc gì không, chỉ biết một hải ngoại một trong nước) đã xuống bút những câu thơ long tay lở lưỡi, dù tính theo thời gian công bố văn bản các câu thơ long tay lở lưỡi đó ra đời sau Hội thảo long lưỡi lở tay các nhà văn ăn tay toàn cầu. Câu của Lê An Thế, “Tôi thiếu ngôn ngữ tôi thừa thân thể” cứ vào damau.org thấy liền! Còn “ngón tay ma thuật im lặng / kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro / lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa / phải mất đi bao nhiêu ngón / phải thêm bao nhiêu ngón / mới đủ một bàn tay” đến từ Trần Tuấn. [9] Giả như ai đó hỏi xoáy; sao tài vậy, cả diễn văn hùng hậu mà chỉ gói gọn trong vài – thậm chí một – câu thơ bé bằng cái lóng tay, ấy là bởi vị đó chưa biết câu này: Trong thơ, không có gì là không có; cũng tức là, trong thơ không có cái Không có. Thơ chỉ có cái Có.

Chú ý: Dẫu không tham luận trực tiếp nhưng công trình độc đáo vô cùng tận của nhà nghiên cứu văn hóa lưỡi Hoàng Kim Chỉ – nữ hai núm đồng tiền trăm phần trăm anh ơi mà cứ hay bị bạn đọc từ nam tới nữ nhầm nam dù cái tên này do ông chú nổi danh thành Nam nho phong theo hướng điền dã chọn đặt khi Hoa hậu tương lai (giải “Mỹ nhân mà lại thông minh” năm 2000 trong khu vực các trường đại học công cũng như bán công, dân lập và trung học chuyên nghiệp thuộc toàn bộ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ cộng Tây Nguyên) vừa lè lưỡi chào đời – chính tắc về chủ đề Lưỡi (mà không chuẩn tắc trong đề tài Tay) và rất chính thống về vị thế (tác giả là phó giáo sư chủ nhiệm một khoa nghiêm chỉnh của một đại học chuẩn không cần chỉnh) đã được các tham luận viên truyền nhau bằng lưỡi (vì tay còn vướng bận các tham luận trực tiếp, phi chính tắc, phản chính thống, chuẩn rất cần chỉnh…). Túm, ý mới toanh từ công trình là

“trong số tác phẩm thơ đương đại, lưỡi còn phát triển một ý nghĩa biểu tượng hoàn toàn mới mẻ – biểu tượng của khát khao, nhục cảm (…) với những ý nghĩa mang dấu ấn cách tân của thơ đương đại Việt Nam; (…) lấy việc hòa nhập đời thường làm tiêu chí, không ngại dùng những từ ngữ ‘trần trụi’, không ngại nói sex một cách thẳng thắn và trút bỏ lớp áo tu từ. Lưỡi được nhắc đến trong một số câu thơ với ý nghĩa thực, ý nghĩa biểu vật của nó.”

Và được minh họa qua các câu thơ của ba người thơ ai mà không biết không phải là người thơ:

“‘Nuốt sâu chiếc lưỡi xuống ngực / Tới sống lưng / Chạm gót chân anh’ (Mai Văn Phấn)

‘Người đàn bà làm bật tiếng tru liên hồi của hoa, bằng lưỡi’ (Vi Thùy Linh)

“Lưỡi. Răng. Nha phiến” (Phan Huyền Thư)”

Có thể xem rằng, không kể một số chương đoạn trong Đẻ Sách (tự sướng tí!) với văn chương đương đại đấy là tiểu luận chỉn chu nhất và văn học nhất về một thành phần không nhỏ của cơ thể:

“Lưỡi đã được trở về đúng ý nghĩa biểu vật – một bộ phận thân thể. Hãy so sánh hai câu thơ của hai nhà Thơ Mới: ‘Tôi mượn tình câm mớm lưỡi răng’ (Bích Khê); ‘Tôi nói mùa xuân níu lưỡi tôi’ (Xuân Diệu). Cái lưỡi trong Thơ Mới cũng được sử dụng để nói về những đam mê, khát vọng, tuy nhiên lưỡi ở đây không là cái lưỡi thực, chúng mang ý nghĩa tu từ nhiều hơn, đi kèm theo là tình câm, là mùa xuân mang tính trừu tượng. Còn lưỡi trong thơ Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… phải là những cái lưỡi đi cùng với gan bàn chân, với răng, môi, thịt da và cơ thể (…) Tóm lại, chiếc lưỡi là một hình ảnh thơ được trở về với nguyên dạng bản thể của nó, với nét nghĩa biểu vật, nhấn mạnh ở nét nghĩa là chiếc lưỡi của cảm giác, không tồn tại chỉ trong hình thức thành ngữ, ngữ cố định. Hình ảnh lưỡi đi kèm với sự sáng tạo sử dụng của từng tác giả, mang ý nghĩa biểu cảm, cá tính với thủ pháp ám gợi, hiển hiện dấu ấn nhục cảm phồn thực.” [10]

Còn lại, các tham luận đáng ghi nhớ khác đều của dân ăn tay. Rằng hay thì thật là hay nhưng xem ra toàn các mánh triết lý vặt vụn và vơ vào, trong vườn cam cam ngọt qua vườn xoài xoài thơm. Điểm chung ở chúng là cố chứng minh tay chính là cơ phận người nhất, trong số các thứ phân biệt người và không người (như: hôn nhân, tiếng cười, hôn miệng, màng trinh, tiếng nói, chữ viết, v.v…)

Dưới đây sẽ tóm tắt mớ vặt vụn và vơ vào ấy.

Về tư tưởng và tinh thần: Nhìn chung các thảo luận rất chi là sáo mòn. Nhiều vị đi mân mê những trụ cột của giáo lý Phật đã nhẵn bóng trăm tay dưới bóng cây bồ đề, như “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”, rồi “Đừng nhìn ngón tay mà nhìn mặt trăng theo hướng ngón tay”, lại còn “Tiếng vỗ một bàn tay”… Họ đã cả Phật lấp miệng diễn đàn tay, toan tính nâng cấp cho tay của loài người ở hàng chân lý công ước. Những diễn đàn viên không là phật tử thì chia làm hai nhánh. Nhánh một âm mưu Hồi hóa hội thảo khi ca hoài cái bài “văn hóa ăn bốc bằng một tay”. Chỉ đến khi bị hỏi xéo vì sao chủ nghĩa Mút không thể thâm nhập các quốc gia Hồi giáo, họ mới đánh bài ú té lảng. Nhánh hai đã vô duyên khi dựng lại tử thi Sartre qua thuyết Bàn tay bẩn-Bàn tay sạch. Tới lúc có người chơi xỏ nói vang cử tọa rằng, chính quyền Bush con sắp gọi Jean-Paul Sartre là tía trong trận tuyến chống Hồi giáo, nhánh này mới chịu ngừng lời với lý do lý trấu văn chương thời nay nên là ruồi muỗi biết bay ra ngoài vòng đánh lộn của trâu chính trị bò tôn giáo. Các văn sĩ ăn tay đến từ Nhật Bổn tỏ ra ít nhời nhứt, khi muốn thể hiện suy tưởng bằng hai bàn tay thay vì hai bán cầu đại não. Nhưng khẩu khí đăng đàn của họ tẻ quá, đâu mấy ai buồn nghe; hèn chi Sào Nam tiên sanh nhà ta ngày đó phải bút đàm. Cuối cùng, các diễn đàn viên xứ Hoa anh đào đã làm trò moi ruột thật bằng tay thật để tự tử giả mà kết thúc màn tham luận.

Trong cạnh khía lịch sử: Phải công nhận bánh xe lịch sử được quay tít mù ở các diễn văn cliché đó. Nơi đấy lịch sử toàn đi những lối dễ ngờ nhất. Những là nếu không có tay sẽ không có chữ viết; không chữ viết, không văn minh nhân loại. Thời kỳ tiền sử chấm dứt khi con người có chữ viết, cách nay cả 5.000 năm ở Lưỡng Hà, Ai Cập. Nhờ chữ viết loài người trao đổi ý tưởng và ghi lại được lịch sử của mình. (Đúng rồi, khổ lắm, nói mãi!)… Những là có loài vật nào có tay đâu? Tinh tinh, vượn cũng bày đặt có tay nhưng chẳng biết xài. Phí cả tay! Những là tay không chỉ là phương tiện cầm nắm công cụ lao động, đó còn là dấu hiệu kèm sự thay đổi tư thế di chuyển từ bò của loài tứ chi sang đi của loài người. Nhờ tư thế đứng thẳng, tay người được sinh thành từ chi trước; để đền đáp công ơn trời biển, hai tay đã biểu hiện một tư thế tính dục mới: sự ôm ấp của hai bàn tay, sự hôn của miệng-lưỡi và thế làm tình mặt đối mặt thay vì lối úp thìa lấp lỗ châu mai từ sau của loài tứ chi. (Và có vị đã phản biện, nghe rất logic nhưng thậm ngu ở chỗ tiết lộ bí mật giống loài, lũ chó ngựa chúng nó cười chết: loài người ưa làm tình theo tư thế đối diện chỉ vì lũ đàn ông con trai có dương vật bé tí tẹo so với các bạn đực của loài bốn chân khác, ứ đủ độ dài để mà cưỡi mà nhảy lên bạn tình. He he he…). Vụ này cũ rích, được cái dính tí sếch nên vui vui!

Với cái nhìn y khoa: Các thảo luận nói trên ít nhiều đã tạo được sóng gió. Hai phe rõ rệt. Thật ra ba phe cơ. Nhưng cái phe thứ ba cứ nhầm lung tung trái-phải, phải-trái (y chang các trang mạng xã hội gọi gọn và chung là “phây” loại lá cải cóc biết biện biệt Quốc-Cộng Cộng-Quốc khi phản biện chánh trị) thành thử không nêu được ý kiến của mình. Vâng, một phe cho rằng nên coi sự phải-trái của tay là vấn đề lớn nhất trong tính đối xứng cơ thể người, song hành với sự trái-phải bán cầu não. Câu hỏi họ nêu: Với quá trình hình thành một cộng đồng thiểu số thuận tay trái chiếm tới hơn bốn phần trăm nhân loại – chửa tính hầu hết giới nữ thường bế ẵm con bằng tay trái – vì sao vẫn chưa khiến các hồ sơ cá nhân có thêm mục thuận tay trái hay phải? Phe kia bác lại thẳng băng: “Vẽ! Cộng đồng đồng tính luyến ái còn nhiều hơn cộng đồng tay trái, vẫn bị xếp xó kia kìa!”. Ừ nhỉ? Nếu mục thuận tay phải/trái mà có, sẽ tới lúc phải có mục thuận vú trái hay vú phải với đàn bà; rồi với đàn ông chẳng nhẽ sẽ có câu hỏi văn vẻ, như “Thưa, trong cái ‘Chùa Một Cột hai hột hai bên’ của mình quý ông thuận hột trái hay thuận hột phải ạ?”. Ha ha, cứ tưởng tượng trong các đơn xin việc làm, sơ yếu lý lịch vào đảng (bất cứ đảng phái nào dù đảng chánh trị hay phi chánh trị, ví như đảng Xanh ở các nước công nghiệp, đảng Bia ở các nước bia), rồi giấy nhập Đại học Monash ở Úc, hồ sơ di dân vào Hợp chủng quốc Mẽo, v.v… mà có mục “Thuận vú trái hay phải?”, “Thuận lỗ mũi phải hay trái”, “Thuận hòn trái hay phải?” thì tức cười há. Gặp các ứng viên là người thích đùa họ sẽ cười bể hồ sơ!

Quý bạn đọc ở phe nào? Chúng ta có quyền ngờ rằng nếu phải khai các mục đó, chắc nhiều người sẽ chẳng chịu đi làm nữa, chẳng muốn thành đảng viên nữa (với bất cứ đảng phái nào dù đảng chánh trị hay phi chánh trị, ví như đảng Xanh ở các nước công nghiệp, đảng Bia ở các nước bia), rồi chẳng ưa nhập Đại học Monash ở Úc nữa, hay chẳng thích thành công dân Hợp chủng quốc Mẽo nữa, và chẳng v.v… nữa. Nhưng cũng chẳng biết đằng mù nào mà lần. Tức cười là tức cười ở cái tháng Tám năm 2007 này thôi, là ở chương Ăn Tay của Đẻ Sách đăng trên Da Màu này thôi. Biết đâu đến tháng Mười Tám năm 20007, Đẻ Sách giăng trên Thịt Màu thì các mục đó sẽ hết tức cười, lại thành các tiêu chí quan trọng. Ví dụ, Trương Bành Như Mũi hả? Okay. Ngay sau cái tên họ đó, biết đâu đến tháng Mười Tám năm 20007 sẽ là các ô để Trương Bành Như Mũi điền vào ô “Thuận vú phải/trái”, “Thuận lỗ mũi phải/trái”, “Thuận má phải/trái”… trước cả các ô “Ngày/tháng/năm sinh”, “Nam/Nữ”… Tất nhiên, độc giả của chúng tôi có trình độ cao, dư hiểu họ tên Trương Bành Như Mũi chỉ là ví dụ bất kỳ, nó cũng bình đẳng như Tống Mạnh Chim hoặc Emiliano Alberti, Aleksandr Isaevich Gumilev hoặc Chun Hey Gyo…

– Là người viết văn trước 1975, chị có tiếp tục viết không và gửi sáng tác đến các báo, tạp chí trong nước không?

– Đã thử gửi một truyện đến một tờ báo Việt Nam nhưng người ta thấy có nhiều vấn đề… Thí dụ truyện Người Thuận Tai Trái, vài người quen biết trong giới văn học đã đọc truyện đó cho là nó mang tính cách giai cấp và kỳ thị địa phương. Truyện được viết rất hồn nhiên không có ý gì cả, mà có thể nó được diễn dịch theo cách nhìn nào đó. Từ đó tôi không thử nữa. [11]

Khía cạnh cơ thể học khi được lúc bị Hội thảo khai thác rất nhiều, lần theo các đối tượng ngang ngửa với tay về tính người trong đó có hai vụ rất nhạy cảm: hôn miệng và màng trinh. Nhưng, sắp tới đoạn kết của chương. Chúng ta sẽ cất giấu vấn đề đó vào đoạn giữa một chương khác về sau – ăn gì bất kể, ăn nụ hôn hay ăn màng trinh – để cho chương Ăn Tay có hậu, không bị coi dung tục.

Dân sáng tác chúng tôi thường nói với nhau, kết thúc một bài thơ giống như lúc tỉnh dậy của giấc ngủ còn trong mơ, một giấc không bị ngoại vi ràng buộc, vẫy gọi. Kết thúc một truyện, một đoạn văn là tỉnh ra khỏi cơn giấc không mộng mị, và thường bị câu thúc, đánh thức bởi điều gì đó ngoài thân thể – chuỗi chuông đồng hồ bên tai, một tiếng rơi lá rụng sau hè, những tiếng khóc nấc của cuốn sách bị lãng quên trên giá…

Sau khi có chương sách này, câu chuyện cổ tích và ấu trĩ về sự sinh nở loài người mà các bậc cha mẹ dạy con trẻ ở tuổi mẫu giáo sẽ là bé được đẻ ra từ lòng bàn tay của mẹ (thay vì lối giải thích ngày xưa là từ nách).

Ngày nay, con người từ bàn tay mà ra…


[1] Đặng Tiến; “Độc cô Thanh Tâm Tuyền”, Tạp chí Thế Kỷ 21 số 204, 4/2006

[2] Xem evan.vnexpress.net 7/10/2008

[3] Alexis de Tocqueville; Phạm Toàn dịch, “Nền dân trị Mỹ”, talawas.org 16/6/2007

[4] Đặng Thơ Thơ; Truyện ngắn, “Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền”, damau.org 23/3/2007

[5] Co rút Nguyễn Đức Tùng; Tạp chí Chủ Đề số 14, Mùa Thu 2008

[6] Theo vi.wikipedia.org, mục Quách Mạt Nhược

[7] “Triển lãm James Joyce tại Việt Nam”, evan.vnexpress.net 10/9/2008

[8] Lewis Mumford; Cao Hùng Lynh dịch, “The Conduct of Life”, 1951, talawas.org 17/3/2007

[9] Trần Tuấn; Thơ, “Ma thuật ngón”, tapchisonghuong.com.vn 11/6/2008

[10] Hoàng Kim Ngọc; “Biểu tượng Lưỡi trong tiếng Việt”, vietvan.vn 15/5/2013

[11] Theo “Nói chuyện cùng nhà văn Trần thị NgH”, rfa.org 12/8/2007

Comments are closed.