Đêm giữa ban ngày (kỳ 9)

15

Trên nền “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối” với rất nhiều vấn đề rắc rối của phong trào cộng sản quốc tế trong hai thập niên 50 và 60 nổi bật lên sự lựa chọn, hoặc nói cho đúng hơn, cuộc đấu tranh giữa hai mô hình quản trị xã hội: dân chủ và độc tài.

Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô đặt trước các đảng cộng sản sự lựa chọn không thể thoái thác: hoặc là chủ nghĩa xã hội kiểu Stalin, hoặc là chủ nghĩa xã hội cách tân đi về phía dân chủ?

Lê Duẩn, nhà lãnh đạo toàn quyền vào những năm đó, không cần suy nghĩ nhiều, chọn tư tưởng Mao và mô hình Trung Quốc làm nền tảng cho cách cai trị. Đó là sự lựa chọn duy nhất có thể có đối với Lê Duẩn, sự lựa chọn bẩm sinh, thích hợp nhất. Có anh nhà quê ra tỉnh nào mà lại thích thú những sự phiền toái, những cái đòi hỏi phải động não trong đời sống thành thị. Vốn là một nhân viên bẻ ghi đường sắt trước khi trở thành nhà độc tài, Lê Duẩn tất nhiên muốn chỉ bằng một cú gạt là bắt được con tàu quốc gia phải chạy băng băng theo hướng mình muốn.

Nhưng hoàn cảnh Việt Nam lúc ấy buộc ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, bất kể xu hướng của nó thế nào, phải khôn khéo giữ bề ngoài trung dung, không dám ngang nhiên chửi bới Liên Xô, chửi bới trào lưu dân chủ đang dâng cao trong thế giới cộng sản.

Được nhào nặn bởi chủ gánh xiếc ngôn ngữ Trường Chinh, cái Nghị quyết 9 khôn ngoan ra đời không được thông đồng bén giọt như các nghị quyết khác, bao giờ cũng được biểu quyết “nhất trí” bằng những cánh tay giơ cao. Cái khốn của Trường Chinh là ở chỗ trong giai đoạn này đã xuất hiện làn sóng ngầm của xu hướng dân chủ trong Đảng, được cả một số ủy viên Trung ương tán thành.

Nghị quyết 9 là cái Lê Đức Thọ và đàn anh Lê Duẩn cần có để theo đuôi Trung Quốc trấn áp trào lưu dân chủ nọ. Nó phải được ra đời, bằng bất cứ giá nào. Và vượt qua mọi tranh cãi âm thầm trong nội bộ Trung ương, về đại thể, Duẩn – Thọ đã thành công.

Trong Nghị quyết này, mặc dầu mọi lời lẽ đều mù mờ, mọi khái niệm đều bị đánh tráo, lập trường mao-ít của liên minh Duẩn – Thọ, là rõ ràng đối với bất cứ ai còn sáng mắt.

Sợ các đảng viên hiểu lầm nội dung văn bản bởi sự mù mờ ấy, Trường Chinh giải thích thêm trong một cuộc họp phổ biến Nghị quyết 9 cho các cán bộ cao cấp vào tháng giêng năm 1964 rằng “Cần lưu ý các đồng chí một điều là Nghị quyết 9, do tình hình phức tạp trong phong trào cộng sản quốc tế không thể viết hết ra những điều cần nói. Cần đặc biệt lưu ý rằng thực chất của Nghị quyết 9 chỉ có thể phổ biến bằng miệng, điều đó là: đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng và Nhà nước ta là thống nhất về cơ bản với đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc” (tôi viết nghiêng). Cách phổ biến bằng miệng, sợ hãi sự ghi ra rõ ràng trong văn bản chứng tỏ tính hội kín của ban lãnh đạo Đảng thời kỳ ấy. Có chính quyền trong tay, họ vẫn sợ đủ thứ – sợ sự chống đối trong Đảng, sợ nhân dân, sợ Liên Xô, sợ Trung Quốc. Họ chỉ mạnh ở chỗ có đủ phương tiện trấn áp. Thật xấu hổ cho những kẻ tự xưng có trong tay vũ khí vô địch, bách chiến bách thắng là chủ nghĩa Mác-Lênin.

Làm ra vẻ có sự phân công quốc tế trong việc đánh xét lại, Lê Đức Thọ nói cho rõ hơn nữa trong một cuộc họp khác: “Chống chủ nghĩa xét lại hiện đại về mặt lý luận ta để cho Đảng cộng sản Trung Quốc làm, còn về mặt tổ chức thì ta tự làm lấy” (tôi viết nghiêng).

Cuộc tấn công chủ nghĩa xét lại được bắt đầu. Trước hết, bằng nước bọt.

Ở khắp nơi người ta chửi bới thằng trọc (chỉ Khushov), chửi Liên Xô hèn, Liên Xô sợ Mỹ, Liên Xô phản bội phong trào cộng sản quốc tế. Việt Nam thường xuyên nhận viện trợ bột mì của Liên Xô. Khi lượng viện trợ này giảm, vì chính Liên Xô đang bị thiếu lương thực, bộ máy tuyên truyền của Hà Nội liền rêu rao như một thất bại thảm hại của chủ nghĩa xét lại trên mặt trận nông nghiệp. Những cổ động viên bóng đá quên bẵng tinh thần thể thao, gào khản giọng trên sân Hàng Đẫy trong một trận đấu giao hữu Việt-Xô: “Oánh bỏ mẹ bọn xét lại đi!”. Những người lỡ miệng nói câu nào không giống lập trường của Đảng lập tức bị chụp cho cái mũ xét lại hiện đại, bị cho vào sổ đen.

Với Nghị quyết 9 Đảng cộng sản Việt Nam phân hóa thành hai cực – một bên là thiểu số người chủ trương chủ nghĩa xã hội dân chủ pháp trị, đòi kiến tạo một xã hội công dân dân chủ có nhân quyền, bên kia là Đảng cai trị chiếm số đông đảng viên kiên trì một chủ nghĩa xã hội chuyên chế.

Đó là những ngày không thể nào quên.

Dương Bạch Mai, con hổ dữ chống lại đường lối thân Trung Quốc đột tử khi ông đang dự cuộc họp Quốc Hội tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vào lúc giải lao, các đại biểu kéo nhau đi uống bia ở bar, ông Mai thết trước các bạn một chầu bia mừng sinh nhật ông hôm sau. Ông ngã xuống. ly bia chưa cạn. Khi xe cấp cứu đến, bác sĩ Tôn Thất Tùng định nhảy lên cùng đi tới bệnh viện thì hai thanh niên lực lưỡng áp sát ông: “Mời bác sĩ quay lại tiếp tục cuộc họp Quốc Hội, việc nước quan trọng hơn”. Chiếc xe cấp cứu phóng vụt đi trước khi Tôn Thất Tùng hiểu chuyện gì xảy ra với ông, hai thanh niên kia là ai và tại sao họ lại ngăn cản ông đi cùng xe để săn sóc bạn ông?

Cái chết của Dương Bạch Mai gợi nên một nghi vấn. Ông ngã xuống đúng vào lúc sắp sửa đọc một diễn văn nảy lửa chống lại đường lối xây dựng xã hội trại lính kiểu Mao Trạch Đông, đòi Đảng phải cải thiện đời sống cho dân chúng, đòi thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng, trong xã hội, và hàng loạt vấn đề khác. Bài diễn văn ông đút trong túi áo để đọc trước Quốc Hội biến mất. Nhiều người được biết Dương Bạch Mai đã chuẩn bị sẵn sàng để phát biểu những ý kiến gai góc. Nhà báo Thái Hồng, rất thân với Dương Bạch Mai, là người duy nhất được đọc bản thảo bài diễn văn vào mấy hôm trước nói với tôi rằng đó là một tuyên ngôn cháy bỏng, hùng hồn và cực hay.

Được tin ông Mai mất đột ngột, bà Mai từ giã các cháu học sinh miền Nam ở Thủy Nguyên về Hà Nội để làm ma cho chồng. Bà về Hà Nội giữa đêm. Ngôi nhà của ông bà bị công an gác. Nhìn thấy trong phòng chồng sáng đèn, bà biết có người ở trong. Bà phải làm rất dữ mới vào được nhà mình. Trong nhà đồ đạc bị lục soát tung tóe.

Dương Bạch Mai là một trong những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông được xứ uỷ Nam Kỳ đảng cộng sản cử làm Uỷ trưởng Quốc gia Tự vệ Cuộc. Từng du học Pháp, ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp năm 1926, coi đó là chỗ để có thể chiến đấu cho sự giải phóng quê hương. Trong cuộc nổi dậy mang tên Nam kỳ Khởi nghĩa ông được ủy ban khởi nghĩa dự kiến làm thủ tướng chính phủ cách mạng. Năm 1935 Dương Bạch Mai trúng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn trước sự bực bội của chính quyền thuộc địa. Ông là một trong những nhân vật chủ chốt của tờ La Lutte, tờ báo cách mạng đầu tiên có sự bắt tay giữa những người cộng sản và những người tờ-rốt-kít thuộc nhóm các ông Tạ Thu Thâu[1], Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch. Sự hợp tác với những người tờ-rốt-kít mà ông Hồ Chí Minh gọi là “một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phát xít Nhật và chủ nghĩa phát xít quốc tế” về sau này bị coi như một tì vết trong lý lịch đảng viên của ông.

Dương Bạch Mai là con người như thế – ông làm điều ông thấy phải, bất cần người khác nghĩ sao. Hơn nữa, tính chiến đấu mạnh mẽ trong ông làm ông sẵn sàng bất bình với bất cứ điều chướng tai gai mắt nào và thẳng thắn nói ra. Chịu ảnh hưởng nặng những tư tưởng dân chủ của Đại cách mạng Pháp, quen cách ứng xử bình đẳng ở phương Tây, ông tất nhiên không được lòng những nhà lãnh đạo gốc Bắc mang sẵn trong đầu tôn ti trật tự phong kiến. Chính Dương Bạch Mai, chứ không phải ai khác, đã vực dậy cả Ban chấp hành Trung ương bạc nhược sau sự đổ vỡ của Cải cách ruộng đất. Hội nghị cán bộ Trung ương kiểm điểm công tác Cải cách ruộng đất diễn ra trong bầu không khí ảm đạm trước viễn cảnh một miền Bắc tiêu điều, thù hận. Dương Bạch Mai đã đứng lên, cao giọng hát bản Internationale[2], mọi người hát theo ông, và Hội nghị lấy lại được tinh thần.

Ông Phạm Ngọc Thạch[3], trong một câu chuyện vui tại nhà tôi mà tôi được nghe hồi đầu thập niên 60, nói với ông Dương Bạch Mai:

– Mấy chả không ưa mầy, vì mầy thẳng ruột ngựa, nghĩ sao nói dzậy, làm mấy chả mếch lòng, mới lôi cái vụ mầy hợp tác với đám tờ-rốt-kít ra mà rêu rao.

– Thì mầy cũng bị mấy chả rêu rao là có thời thân Nhật đó thôi. Chơi với tờ-rốt-kít thì mầy cũng chơi chớ bộ. – ông Dương Bạch Mai cười ngất – Nè, cẩn thận đó, sổ đen của mấy chả chỉ có ghi thêm vô chớ không có xóa đi đâu nghen”,

Theo cha tôi, thái độ của những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đối với những người tờ-rốt-kít là không thể hiểu được. Họ có thể đoàn kết với bất cứ ai khác, trừ những người tờ-rốt-kít, thậm chí cả trong những hành động cụ thể chống lại nhà cầm quyền thuộc địa. Để giải thích thái độ bất cộng đới thiên này, người ta dẫn ông Hồ Chí Minh: “Đối với bọn tờ-rốt-kít không thể có một thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả. Phải lột mặt nạ chúng như là tay sai của phát-xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị” (trích báo cáo của ông gửi Quốc tế cộng sản cuối năm 1939). Quả ông Hồ có viết như vậy.

Lập trường cứng rắn này của ông Hồ về sau này được những người nghiên cứu tiểu sử ông giải thích bằng sự cần thiết phải thanh minh trước một Quốc tế đa nghi dưới sự chỉ đạo của Stalin sắt thép. Hồi ấy Quốc tế nghi ngờ lập trường cách mạng vô sản của ông Hồ, cho rằng nó không vững chãi. Ông cần sự ủng hộ của Quốc tế cho mục đích giải phóng dân tộc hay ông cần tiền để sống qua ngày trong khi còn lang bạt nơi đất khách quê người, mà Quốc tế là nguồn cấp đỡ[4]? Đó là điều không ai biết. Hoặc biết mà phân vân, không thể khẳng định.

Ông Dương Bạch Mai có lần nói với tôi rằng ông không được lòng ông Hồ Chí Minh. Ông kể chuyện thế thôi, bình thản, chứ trong giọng ông không có âm sắc than phiền. Đối với ông, Hồ Chí Minh chẳng bao giờ là thánh sống và cũng chẳng bao giờ là lãnh tụ tối cao. Dương Bạch Mai sống phóng túng, ngang tàng, không chịu gò mình vào tôn ti trật tự phong kiến, lại bạt mạng trong lời ăn tiếng nói. Đã quen với những lời xưng tụng, ông Hồ Chí Minh có không ưa ông cũng phải.

Trường Chinh cũng không ưa Dương Bạch Mai. Điều này không khó hiểu. Trong Trường Chinh có mặc cảm của kẻ ngã ngựa. Sau sai lầm Cải cách ruộng đất ông đinh ninh ai cũng coi thường mình. Cái phong thái đường bệ vốn có nhiều năm biến mất, Trường Chinh ngại những cuộc tiếp xúc. Ông có cái nhìn lấm lét, cái mà trước kia ông không hề có. Chính từ sự thay đổi tâm trạng ấy mà khi Dương Bạch Mai phản đối Nghị quyết 9 thì Trường Chinh lại coi là ông ta phản đối mình. Trong khi Dương Bạch Mai không hề nghĩ tới Trường Chinh trong sự phản đối của ông.

Lê Duẩn đặc biệt không ưa Dương Bạch Mai. Theo nhận định của những cán bộ hoạt động lâu ở địa bàn Nam bộ thì sự không ưa này không phải vì nguyên do lập trường, quan điểm chính trị. Nó chỉ là sự ghen ghét thường tình. Hơn ai hết, Lê Duẩn biết mình chẳng bao giờ có được cái mà Dương Bạch Mai có – sự nổi tiếng với tư cách một thủ lĩnh cách mạng có trí tuệ. Dương Bạch Mai nói về Lê Duẩn: “Cháu để ý tới cái thằng cha ấy làm chi! Tâm trí bậc nam nhi là để cho sự nghiệp, thằng này thời chỉ lo kiếm chác vinh quang và quyền lực, lúc nào cũng nơm nớp sợ người khác hơn mình. Sự nghiệp và vinh quang là hai thứ khác nhau, như ngôi nhà với nước vôi phủ bên ngoài nó, cháu à!”

Dương Bạch Mai, nếu còn sống chắc sẽ chịu chung số phận với chúng tôi. Không phải chắc, mà chắc chắn. Không tránh được.

Từ khi có “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối”, Dương Bạch Mai kịch liệt chống lại việc ban lãnh đạo Đảng đưa nước Việt Nam vào quỹ đạo chủ nghĩa Mao. Ông cho rằng sự sử dụng chủ nghĩa Marx để xây dựng chế độ độc tài với một hoàng đế cộng sản như ở Trung Quốc thì thà sống trong xã hội tư bản. Ông khinh bỉ gọi chủ nghĩa Mao là món “tạp pí lù”[5] thổ phỉ. Giữa lúc ngành tuyên truyền Việt Nam đưa Mao Trạch Đông lên hàng thánh sống thì ông ngang nhiên gọi Mao là tên đao phủ của đại pháp trường Trung Quốc. Ông giải thích tình hình loạn lạc hiện tại ở nước láng giềng phương Bắc bằng lập luận rằng: vào đầu thập niên 30 giai cấp công nhân Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các thành phố duyên hải, đó là lực lượng cách mạng chủ yếu của Trung Quốc; nhưng trong cuộc chiến tranh Quốc – Cộng những đại biểu ưu tú của giai cấp này đã chết dần chết mòn trong Vạn lý trường chinh, và, ông nhấn mạnh, thay vào chỗ của họ là bọn cường đạo thảo khấu thu nạp ở dọc đường. Cho nên khi biên khu Thẩm – Cam – Ninh, Tân – Ký – Sát hình thành, với thủ phủ Diên An, thì về thực chất Đảng cộng sản Trung Quốc đã là một đảng thổ phỉ, đứng đầu là thành phần vô sản lưu manh. Những người cộng sản còn lại bị Mao Trạch Đông và Khang Sinh thủ tiêu dần. Người nào may mắn sống sót thì bị ám hại trong những “cuộc vận động cách mạng” thường trực. Chính cái đó dẫn tới tình trạng bất ổn liên miên trong nước Trung Hoa mang nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa.

Những nhận định ngược chiều của Dương Bạch Mai làm cho các nhà lãnh đạo Việt Nam hết hồn. Sở dĩ ông chưa bị đụng tới là vì ông có danh tiếng, có uy tín lớn trong quần chúng.

Dương Bạch Mai qua đời khi đang là ủy viên Ban Thường vụ Quốc Hội, phó chủ tịch Hội Việt – Xô hữu nghị. Sau này, nhân vụ tướng Hoàng Văn Thái rồi tướng Lê Trọng Tấn thay nhau đột tử đúng lúc chuẩn bị nhậm chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dư luận lại nhắc tới cái chết đáng ngờ của Dương Bạch Mai nhiều năm về trước.

Ngày đưa tang ông, văn nghệ sĩ và trí thức nghèo của Hà Nội chung nhau một vòng hoa để bày tỏ lòng thương tiếc ông, người của mọi người. Mạc Lân, Dương Tường, Vũ Huy Cương[6] đứng ra thu tiền phúng. Từ Hải Phòng, Bùi Ngọc Tấn cũng gửi tiền lên đóng góp.

Dương Tường và tôi thay mặt anh em mang vòng hoa tới trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở ngã tư Tràng Thi – Quán Sứ. Anh em cử chúng tôi làm việc đó vì chúng tôi là loại vua biết mặt chúa biết tên rồi, có muốn giấu cũng chẳng được, người khác thì không nên lộ mặt, chẳng được tích sự gì. Khi chúng tôi ngồi xe xích lô chở vòng hoa đến đấy thì đã có cả một đám đông “cá chìm” lăng xăng ở ngoài đường và trong sân. Thấy vòng hoa lớn quá, lớn hơn nhiều so với vòng hoa của chính phủ viếng ông, với dải băng chạy ngang “Kính viếng hương hồn đồng chí Dương Bạch Mai, người cộng sản suốt đời trung thành với lý tưởng” bọn “cá chìm” ập tới. Hai tên lực lưỡng xăng xái xông tới khiêng giúp chúng tôi, không phải để đặt vòng hoa trước linh cữu mà để đưa thật nhanh vào một chỗ khuất nẻo.

Tôi còn đang lúng túng chưa biết xử trí ra sao thì nhà biên kịch Bửu Tiến[7] xuất hiện. Mặt hầm hầm, anh giúp tôi khuân vòng hoa ngược trở lại, đặt nó bên những vòng hoa khác. Trước linh cữu Dương Bạch Mai anh nghẹn ngào đọc bài thơ chia tay: “Hoa, mai mừng sinh nhật. Hôm nay đành viếng anh… ” Trở ra, Bửu Tiến mắt đẫm lệ: “Chúng nó trắng trợn quá! Tởm quá!”

Khi xe tang chuyển bánh, tôi đi ngay sát linh cữu, lòng tràn ngập niềm thương tiếc bác Mai của tôi, mà tôi được biết từ những ngày Tháng Tám sôi nổi[8]. Đi sau tôi là Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, hai cái mặt nạ đóng cứng nét vĩ đại tự tạo. Quần chúng tràn ngập ngã tư Quán sứ, lặng lẽ tiễn chân ông, làm thành một dòng người kéo dài cả cây số[9].

Bửu Tiến những ngày sau đó trầm lặng hẳn. “Cái chết bi thảm của ông Mai là dịp cho tôi rà soát lại mình, anh nói. Mình có nên cứ hèn mãi để mà sống dai không?”.

Tôi với Bửu Tiến gần nhau nhiều trong những ngày chỉnh huấn chuẩn bị đi học nước ngoài, đầu năm 1954. Mặc dầu nằm trong danh sách cán bộ của Tuyên giáo Trung ương lựa chọn cho đi học, chúng tôi vẫn phải trải qua một cuộc sàng lọc.

Bửu Tiến đã không qua được cửa ải thành phần – anh là người trong hoàng tộc.

Ngô Y Linh, Nguyễn Đình Nghi, Trường Nhiên (Trương Tự Nhiên), Lê Thanh Đức, Ngô Mạnh Lân, Lê Đăng Thực, Nguyễn Quang Tuấn[10] và tôi vượt qua được cửa ải đó. Chúng tôi tiếc thay cho Bửu Tiến. Anh là một nhà biên kịch tài hoa, một diễn viên xuất sắc. Trong bữa sôi sắn đạm bạc thay cho tiệc chia tay tại Khu học xá (nay là khu tập thể sinh viên trường Đại học Bách khoa) Bửu Tiến dặn tôi: “Cố mà học. Chúng mình có mắt mà sờ soạng như sẩm, hiểu biết thì bằng cái óc chim sẻ, không có học không làm nghệ thuật được đâu”. Anh là người rất hồn nhiên, rất cả tin. Năm 1956 anh cũng hăng hái theo Đảng đánh các bạn đồng nghiệp trong vụ Nhân văn – Giai phẩm, nhưng vào những năm 60 anh sám hối: “Mình ngu như bò. Lẽ ra phải nghĩ bằng cái đầu của mình, thì lại tin rằng đã có sẵn những cái đầu sáng suốt của các vị ấy nghĩ hộ, chẳng cần phải suy nghĩ nữa. Còn hơn bò”. Tôi ra tù, Bửu Tiến là người lo lắng tìm mọi cách giúp đỡ tôi nhiều nhất trong những ngày đầu tiên trở lại với cuộc sống bình thường.

Huỳnh Ngự không quên nhắc lại tội của tôi trong đám tang Dương Bạch Mai, nhưng với giọng độ lượng của bề trên:

– Thằng Mai chết rồi, thôi, để cho hắn mồ yên mả đẹp, không nói tới nữa. Nhưng tội khiêu khích của anh trong đám tang hắn thì không thể bỏ qua. Thằng chống Đảng mà các anh làm như là anh hùng, rõ không biết dơ. Mà anh có biết hắn bị khai trừ khỏi Đảng ngay cả khi hắn đã chết rồi không?

Tôi biết. Cả Hà Nội đều biết. Tôi còn nhớ ngày ấy đã có bao nhiêu lời dè bỉu dành cho hành động đê mạt của Đảng cộng sản đối với một đảng viên đã khuất.

Bọn Duẩn – Thọ đã ra lệnh khai trừ Dương Bạch Mai khi nắp áo quan chưa đóng lại. Vì sợ ông. Và vì căm thù ông.

Trong những ngày học tập Nghị quyết 9, tôi không rời mẩu băng đen được gắn trong đám tang Dương Bạch Mai trên ngực. Những tên “mác-xít lê-nin-nít chân chính” không bỏ lỡ dịp hỏi kháy:

– Anh để tang ai vậy?

– Một người thân – tôi nhìn thẳng vào mặt họ.

Nhưng có những người đến nắm tay tôi, nói khẽ:

– Xin chia buồn cùng anh. Đó là cái tang chung cho tất cả chúng ta.

Trong phòng vệ sinh, một người mà trước đó tôi không hề chú ý đến giả vờ đi tiểu để đứng gần tôi.

– Tôi xấu hổ. – anh thì thầm – Tôi hèn. Anh khinh tôi cũng được, anh chửi tôi cũng được, nhưng xin anh thông cảm cho tôi – tôi có bốn đứa con nhỏ và một người vợ bệnh tật… Nếu không, tôi đã không xử sự như vậy.

Trong buổi học tổ trước đó anh ta hùng hổ lên án “bọn phản bội xét lại hiện đại” như một “mác-xít – lê-nin-nít” chính cống.

Cái chế độ làm cho con người hèn đi không thể là chế độ xứng đáng với con người.

Con người cần phải được sống trong tư thế đứng thẳng, đầu ngẩng cao.

Lời thú nhận của người bạn tự nhận là hèn nhát cho tôi thấy chúng tôi không đơn độc. Nhà cầm quyền có thể làm cho người ta sợ, nhưng không thể làm cho người ta vì sợ hãi mà yêu họ. Chẳng có tình yêu nào bắt nguồn từ sợ hãi.

Không hề có “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối” ở nước ta, tôi nghĩ. Về thực chất nó là cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, giữa cái Đẹp và cái Xấu, giữa ý muốn đề cao Con Người và mưu toan hạ thấp Con Người, đẩy con người xuống hàng trâu ngựa, hàng robot, hàng “cái đinh ốc không rỉ của cách mạng”.

Lớp học Nghị quyết 9 dành cho chúng tôi là lớp cho cán bộ ngoài Đảng, phần lớn là trí thức trong các cơ quan văn hóa. Lác đác có một số đảng viên do bận công tác còn rớt lại từ những đợt học trước và một số nữa tuy đã học rồi cũng vẫn đến không hiểu để làm gì. Chúng tôi được phát mỗi người một cuốn nghị quyết có đánh số, được đọc tại chỗ, không được ghi chép, không được mang ra khỏi phòng.

Lưu Quý Kỳ, hướng dẫn viên, vui vẻ bắt tay tôi:

– Có định phát biểu gì không?

– Mọi sự đã quyết định rồi, còn gì mà phát biểu? – tôi nói.

– Còn thắc mắc thì cứ nói. – Lưu Quý Kỳ cười hề hề – Các anh ấy cho “bảo lưu” mà.

“Bảo lưu” tức là được phép giữ lại ý kiến mà không bị trừng phạt, là sự chiếu cố của Đảng. Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng dù sao mặc lòng sự xuất hiện danh từ “bảo lưu” cũng đã là một cái mới trong sinh hoạt xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể lên gân để gọi nó là một dấu hiệu dân chủ. Có điều sau cái sự mở rộng dân chủ ấy những người “bảo lưu” nếu không bị bắt thì cũng bị trù dập, trừ những ai vội vã xin rút lại ý kiến và lập công chuộc tội.

Tôi giơ tay xin phát biểu. Từ trên bục giảng Lưu Quý Kỳ hấp háy một con mắt nhìn xuống. Anh có cố tật nháy một mắt, nó thường gây ra hiểu nhầm, làm cho người ta nghĩ rằng anh tán thưởng hoặc khuyến khích.

– Tôi có thắc mắc, đề nghị hướng dẫn viên giải thích…

Lưu Quý Kỳ lại nháy mắt với tôi. Hình như anh còn mỉm cười. Nhưng hội trường im phăng phắc, chờ đợi tôi nói gì. Những nhà mác-xít chân chính vênh váo nhìn tôi.

Tôi nhũn nhặn trình bày rằng trong nghị quyết có ghi: “Ở các nước không có giai cấp vô sản hoặc giai cấp vô sản chưa hình thành cũng có thể thành lập chính đảng mác-xít lê-nin-nít”, coi đó là một luận điểm sáng tạo của Đảng. Điều này tôi không hiểu.

Lưu Quý Kỳ giang hai tay, nhún vai. Anh ngạc nhiên tại sao tôi lại không hiểu một điều đơn giản đến thế. Tôi đề nghị được lên bục trình bày – ở đó có cái bảng đen, tôi nói tôi viết ra thì anh sẽ hiểu vì sao tôi thắc mắc.

Tôi viết lên bảng bằng chữ to câu định nghĩa của Lênin về đảng cộng sản: “Đảng cộng sản là chính đảng của giai cấp vô sản”, và hỏi Lưu Quý Kỳ:

– Tôi nhớ câu này của Lênin có đúng không, anh Kỳ?

Lưu Quý Kỳ gật đầu. Anh lại nháy mắt liên hồi nhưng mặt anh căng thẳng.

– Anh không phản đối Lênin trong định nghĩa này chứ?

Lưu Quý Kỳ ngúc ngắc cái đầu rồi đáp:

– Tất nhiên là không.

Tôi quay xuống lớp học:

– Có ai phản đối Lênin không?

Mọi người ngơ ngác. Phản đối Lênin? Có mà điên.

Tôi nói tiếp:

– Đồng chí Lênin có nói: trong mọi cách chứng minh, thì chứng minh bằng toán học là con đường ngắn nhất. Tôi xin phép được dùng cách hoán vị trong toán học để các đồng chí thấy vì sao tôi thắc mắc. Như vậy, khi giai cấp vô sản không có, tức là nó không hiện hữu, tôi hoàn toàn có thể hoán vị nó bằng một ký hiệu toán học biểu thị sự không có là “số không” (zéro).

Khi con số “không” được thay vào cụm từ giai cấp vô sản thì định nghĩa của Lênin trở thành rất quái dị: “Đảng cộng sản là chính đảng của 0 (con số “không”)”.

Một tràng cười rộ lên. Nhưng nó cũng tắt ngay, rất nhanh.

Lưu Quý Kỳ tái mặt. Những tên xét lại, hoặc không phải mác xít – lê-nin-nít chân chính nháy mắt với tôi, rạng rỡ. Lưu Quý Kỳ vội vã cho nghỉ giải lao. Về sau có người cho tôi biết Lưu Quý Kỳ lật đật đi gọi dây nói cho ai đó, có lẽ cho Tố Hữu.

Hôm sau, Lưu Quý Kỳ gọi tôi ra một chỗ khuất:

– Cậu dại quá! Những cái như thế không nên nói ra chỗ đông người. Mình không kịp ngăn cậu lại…

Anh nói chân tình. Với tôi, Lưu Quý Kỳ bao giờ cũng chân tình, kể cả trong lúc gay gắt nhất của “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối”. Lưu Quý Kỳ nổi tiếng là một người chống xét lại kiên quyết. Tôi là một tên xét lại không thể chối cãi. Tại sao anh lại đối xử với tôi như thế, tôi không hiểu. Cảm tình cá nhân là cái không phải trong trường hợp nào cũng giải thích được.

– Thì anh nói mình được “bảo lưu” mà. – tôi phân trần – Huống hồ tôi có dám nói ý kiến ngược nào đâu, tôi chỉ nêu thắc mắc thôi.

Anh nhìn tôi, một bên mắt lại nháy liên hồi.

– Thắc mắc chết người thế thà đừng thắc mắc.

Lưu Quý Kỳ là người không dễ hiểu. Những anh em tập kết kể trong miền Nam Lưu Quý Kỳ là đệ tử ruột của cả Ba Duẩn lẫn Sáu Búa. Khi nghe Ba Duẩn lên án cải lương ủy mị, đã không có tác dụng động viên bộ đội chiến đấu thì chớ, còn làm họ yếu lòng, thì Lưu Quý Kỳ lập tức ra lệnh cấm không được hát cải lương. Chuyện nhà cầm quyền mác-xít nay cấm cái này mai cấm cái kia không phải là chuyện lạ. Ở miền Bắc các vị lãnh tụ miền Bắc cấm tranh hội họa siêu thực, đa đa, lập thể, cấm nhạc trữ tình, nhạc buồn, gộp chung vào thành “nhạc vàng”, cấm viết văn có “biểu tượng hai mặt” (symbole équivoque)[11] thì ở miền Nam các bậc thế thiên hành đạo chỉ cấm có một thứ nhạc cải lương thôi còn là ít. Khốn nỗi, ai cũng biết nhân dân Nam bộ yêu mến cải lương như thế nào, và lệnh cấm cải lương gây ra một phản tác dụng dữ dội không ngờ. Có những người bỏ kháng chiến trở về thành chỉ vì ở vùng kháng chiến không có cải lương. Người ta còn kể: khi nhận được các tài liệu lý luận văn nghệ nào từ miền Bắc gửi vào thì Lưu Quý Kỳ đọc xong, ghi chép xong là đốt ngay, không cho ai được đọc nữa. Bằng cách đó Lưu Quý Kỳ độc quyền những lý luận văn nghệ xã hội chủ nghĩa để độc quyền dạy dỗ các văn nghệ sĩ không bao giờ có dịp tiếp cận những tài liệu nọ. Không biết chuyện này chính xác tới mức nào, có điều nó là chuyện nhiều người nói, nó là chuyện khả dĩ tin được, căn cứ những chuyện tương tựtừng xảy ra. Tuy nhiên, nó không ngăn cản tôi mến Lưu Quý Kỳ. Tôi không lạ gì quan điểm chính trị của anh, ngược lại, anh cũng biết tôi nghĩ gì về sự thiếu dân chủ trong cơ chế xã hội. Ai cũng nghĩ rằng với quan điểm mao-ít cực đoan, Lưu Quý Kỳ phải trù tôi lắm, phải ghét tôi lắm mới đúng. Thế mà anh vẫn dành nhiều cảm tình cho tôi. Có vẻ anh còn tin cậy tôi nữa.

Chính Lưu Quý Kỳ có lần rủ tôi ra một tờ báo châm biếm kiểu tờ Crocodile (Cá Sấu) của Liên Xô:

– Mình đã trình bày dự kiến của mình với “các cụ” rồi. Liên Xô có một tờ báo như thế để chống những hiện tượng tiêu cực, tại sao mình lại không. Về cơ bản “các cụ” đồng ý, nhưng chỉ cho phép đánh từ vai trở xuống, tức là đánh tới cấp tỉnh thôi, không được phép đánh lung tung. Trung ương thì chừa ra, “các cụ” dặn thế, đánh cả Trung ương có mà loạn. Có một tờ báo như thế ở nước mình thì những tên cơ hội, những tên lạm quyền mới sợ, không dám mặc sức tung hoành. Mình nhắm cậu làm thư ký tòa soạn…

Giám đốc Sở Báo chí Trần Minh Tước[12] tán thành sáng kiến của Lưu Quý Kỳ, nhưng theo tôi quan sát, thì anh không mặn mà cho lắm. Làm một tờ báo châm biếm có nghĩa là đặt mình vào một hiểm họa – bất cứ kẻ có tật nào cũng sẵn sàng giật mình. Mà những kẻ có tật thì lại quá sẵn. Chẳng may tờ báo có câu nào nhằm trúng (hoặc không nhằm mà trúng) một vị lãnh đạo nào đó thì chết. Bên cạnh Trần Minh Tước khôn ngoan, tôi thấy Lưu Quý Kỳ thật thà và ngây thơ trong chính trị (hiểu theo nghĩa mưu mô).

Tôi không nhận lời. Một tờ báo như thế ra đời là hay lắm, sẽ được hoan nghênh lắm. Nhưng tôi không nhận vì tôi không chịu được sự nửa vời.

Tôi cảm ơn Lưu Quý Kỳ đã nhắc nhở tôi về cái dại của tôi. Tôi nói tôi lấy làm tiếc đã nêu ra một thắc mắc dở hơi, chẳng để làm gì, chẳng có ích cho ai. Nhưng đã trót rồi, có muốn cũng chẳng vớt vát lại được. Lưu Quý Kỳ an ủi tôi, anh nói anh sẽ tìm cách ỉm nó đi, hoặc trình bày nó theo cách khác, sao cho đỡ gai góc.

Trong cách nói của Lưu Quý Kỳ tôi hiểu anh muốn cho tôi biết tôi phải cẩn thận, phải biết giữ mồm giữ miệng. Bắt bẻ Trung ương là tội khi quân, tội tầy đình, và tôi sẽ khốn đốn vì nó.

16

Theo dõi đường đi của một cuốn sách xem nó hình thành như thế nào từ những dòng đầu tiên đôi khi cũng thú vị chẳng kém gì đọc một cuốn sách.

Tôi bắt đầu viết cuốn sách này từ mùa hè năm 1985, tại Sài Gòn.

Sau khi được ra tù tôi háo hức muốn vào ngay thành phố mà địa danh của nó lôi cuốn tôi từ tuổi thơ bởi những câu chuyện của người lớn, bởi cuốn Cô Gái Bình Xuyên của Hồ Dzếnh[13]. Nhưng vào năm 1976, một năm sau khi đất nước thống nhất, dân hai miền vẫn chưa được đi lại tự do. Người miền Bắc muốn vào Nam phải xin phép, xin không được thì phải mua, có khi mua phải giấy giả. Tôi không thể đi theo cách ấy được. Người bình thường có bị bắt vì dùng giấy tờ giả thì chỉ bị rầy rà chút ít, nếu bị giam lại để điều tra thì cũng không đến nỗi lâu. Chứ tôi mà rơi vào tay nhà cầm quyền với tội ấy thì phiền lắm, tôi có thể bị ở tù lần nữa. Những người được tha trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng” vẫn bị quản thúc theo lệnh miệng của Lê Đức Thọ, của Trần Quốc Hoàn và của những cấp trên nào khác không biết. Công an địa phương nói, không giải thích, với ngón tay trỏ chỉ lên trời: “Trên lệnh như vậy! Các anh có muốn đi đâu phải xin phép”.

Nhờ sự giúp đỡ của anh Mai Lộc[14], trước công tác cùng tôi ở Việt Bắc, tôi được Cục Điện ảnh cấp cho một công lệnh đi vào Nam công tác. Lúc ấy đã là tháng 12 năm 1979.

Đó là chuyến đi nhớ đời, rất vất vả, từ việc xin cấp Thông hành thay Chứng minh nhân dân mà tôi chưa có, cho tới việc mua vé máy bay. Việt Hùng giúp tôi xin cấp nhanh Thông hành ở Công an quận Hoàn Kiếm. Một bạn chiến đấu cũ nay làm ở Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân đưa tôi ra phòng vé ra lệnh cho nhân viên cho tôi một vé trong số chỗ ngồi dự phòng của bất cứ chuyến bay nào. Ở phi cảng Nội Bài tôi bị mấy anh quay phim quen phát hiện, mặc dầu tôi đã vờ chăm chú đọc tờ báo mở rộng để che mặt. Họ ồn ào mua bia bắt tôi uống để mừng cuộc gặp gỡ sau những năm tôi biến mất tăm khỏi cuộc đời. Tôi uống bia cùng các bạn mà lo lắng – công an sân bay chắc sẽ không cho tôi đi cũng nên, nếu họ thấy tên tôi trong sổ đen.

Vào tới tận Chợ Bến Thành rồi tôi mới tin là mình không bị cản lại.

Cuộc sống ở Sài Gòn khác xa cuộc sống ở miền Bắc, mặc dầu Sài Gòn 1979 đã không còn giống thời nó là “hòn ngọc minh châu trong Á Đông”. Chế độ tem phiếu đã được áp dụng. Bữa cơm của dân chúng đã phải độn bo bo, chẳng khác gì ở Hà Nội. Nhưng Sài Gòn vẫn sầm uất, vẫn nhộn nhịp, vẫn cố gắng để có cuộc sống riêng, chứ không chịu sống theo chỉ thị. Thành thử, nếu gọi cảnh Sài Gòn 1979 là tiêu điều thì không biết phải gọi cảnh Hà Nội bằng gì cho đúng.

Vào thời gian này người miền Bắc vẫn còn tiếp tục vào Sài Gòn kìn kìn khuân ra tivi, tủ lạnh và trăm thứ bà dằn khác. Những người lính chiến thắng leo lên xe tải trở về quê hương với cái ba lô lép kẹp, bên ngoài lủng lẳng một con búp bê xấu như ma lem. Cán bộ Sài Gòn nhận xét rằng thị trưởng Sài Gòn, ông Võ Văn Kiệt[15], rất muốn đưa Sài Gòn lên, nhưng không được. Trung ương kiên quyết kìm lại, không để cho Sài Gòn vượt Hà Nội xa quá. Dù vậy, chính sách Nhà nước khi vào tới miền Nam cũng bớt khắc nghiệt và Sài Gòn vẫn cứ là một thành phố dễ chịu, khác hẳn Hà Nội khắc khổ, cay nghiệt.

Vì lẽ đó năm 1983, được bạn bè ở Sài Gòn khuyến khích tôi chuyển cả gia đình vào đây. Tôi biết đưa gia đình vào Sài Gòn là liều, vì một lẽ đơn giản – chúng tôi không có và không thể có hộ khẩu. Nhiều người can tôi đừng phiêu lưu, đi như thế tôi tự đặt mình vào thế kẹt, người ta bắt nạt thế nào cũng phải chịu. Nhưng tôi đã quyết đi là đi.

May cho tôi, do ý thức được thân phận mình mà thận trọng lời ăn tiếng nói, cho nên không xảy ra chuyện gì. Trong các văn nghệ sĩ Sài Gòn cũ tôi chỉ gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Vũ Hạnh, nhà báo Nguyễn Nguyên, mấy anh đạo diễn sống dưới chế độ cũ nay đang làm cho Xưởng phim Giải phóng: Lê Hoàng Hoa, Bùi Sơn Duân, Lê Trác, Ngô Anh Giang… Họ là những người có học, có tay nghề, nhưng lúng túng không biết dùng tài năng của mình thế nào trong hệ thống khái niệm hoàn toàn khác.

Mấy năm nay nghe nói chuyện hộ khẩu không còn khe khắt như trước, chỉ trong trường hợp đặc biệt, khi cần áp dụng với ai đó người ta mới lại giở nó ra, coi như nó vẫn tồn tại. Trong những năm 80 hộ khẩu là vấn đề cực kỳ gay go. Nghĩ lại cái thân không hộ khẩu hồi ấy phải chịu lụy thế nào mà ớn.

Nhân tiện cũng phải nói rằng cách quản lý dân bằng hộ khẩu không phải sáng kiến của những người phát-xít và những người cộng sản. Nó do Thương quân Vệ Ưởng, tướng quốc thời Tần Hiếu-công nghĩ ra[16]. Tần Hiếu-công mất, thái tử lên ngôi, sai người bắt Thương quân Vệ Ưởng. Thương quân bỏ trốn. Tới một thành nọ, muốn vào nhà trọ, người nhà trọ không biết đó là Thương quân, nói: “Theo phép của Thương quân, cho người không có giấy chứng nhận (giấy chứng minh) trú ngụ thì bị liên lụy”. Thương quân thở dài mà rằng: “Than ôi! Cái tệ hại của kẻ làm pháp lệnh đến như thế ư!” Có sách viết Thương quân bị bắt, đem xử trảm. Dân chúng căm giận Thương quân đến nỗi hồi trống hành quyết chưa dứt thì trên pháp trường chỉ còn lại một vũng máu – bách tính mỗi người một dao ào ào xông vào xẻo thịt ông mang về ăn cho hả giận. Sáck không viết rõ họ làm món gì với thịt của ông thuỷ tổ chính sách hộ khẩu – tái, sào lăn, hay kho tàu?

Theo “luật” hộ khẩu của Việt Nam (mà ở mọi nước xã hội chủ nghĩa khác cũng thế), mỗi người dân phải đăng ký cư trú tại một địa phương. Tên anh ta được ghi vào một cuốn sổ gọi là sổ hộ khẩu. Con anh ta ra đời sẽ được ghi vào đó, gọi là nhập hộ khẩu. Nhà có người chết phải khai ngay với chính quyền để xin cắt hộ khẩu. Muốn thay đổi chỗ ở phải xin cắt quyền cư trú ở nơi cũ rồi xin quyền cư trú ở nơi mới, gọi là chuyển hộ khẩu. Xin đi, cắt hộ khẩu, thì dễ. Xin đến, gọi là nhập hộ khẩu, mới khó, nhất là nhập vào những thành phố lớn. Cán bộ vào ở hẳn Sài Gòn công tác dăm bảy năm rồi chưa được nhập hộ khẩu là chuyện thường. Vợ tôi là một trường hợp như thế. Làm việc tại Sài Gòn từ 1983 cho tới 1991, về hưu rồi vẫn chưa được nhập hộ khẩu. Mà đây không phải rắc rối do ngành công an. Còn một cơ quan khó hiểu nữa, chắc hẳn bắt chước mô hình Trung Quốc, tên là Ban tổ chức chính quyền. Nó cũng làm cái việc duyệt hộ khẩu, nhưng chỉ duyệt cho cán bộ.

May mắn làm sao, ngay trong lần đầu tới Sài Gòn tôi lại làm quen được với một anh công an trẻ có máu văn chương và hơn thế, có quan hệ thân tình với các vị lãnh đạo Công an thành phố. Biết hoàn cảnh tôi khó khăn, anh bạn nhường cho tôi một căn hộ hai phòng. Anh có vài chỗ như thế trong thành phố.

Đó là chuyện sau. Hồi mới đưa vợ con vào tôi ở nhờ lầu hai nhà biên kịch Thái Hồng tại số nhà 65 đường Nghĩa Thục, quận 5.

Thái Hồng trước cùng làm báo ảnh Việt Nam với tôi. Chúng tôi có một tình bạn kỳ cục, cãi nhau một trận rất dữ, chỉ một chút nữa là đấm nhau, rồi mới thân nhau. Là cán bộ miền Nam tập kết, đến năm 1965 Thái Hồng được chọn đi B. Khi cái gọi là “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối” nổ ra, Thái Hồng cũng có ý kiến ngược như tôi, cũng được chụp một cái mũ xét lại. May cho anh, nó không phải loại mũ lớn, cho nên việc xét cho đi B tuy có chật vật, rồi cũng được cho qua. Hồi ấy phàm ai là cán bộ tập kết đều nhao lên đòi về Nam. Không khí ngột ngạt và cuộc sống khó khăn ở miền Bắc làm người ta ngấy đến tận cổ. Trong hoàn cảnh chiến trường, chuyện xét đi xét lại không phải chuyện quan trọng, nhưng anh vẫn cảm thấy bị chú ý. Ban tổ chức Trung ương đã dặn: “bọn xét lại là dễ theo địch lắm, không được rời mắt khỏi chúng”, cho nên người ta rất cảnh giác với anh, không cho anh được tự do muốn đi đâu thì đi. Chính nhờ ở sự “bảo vệ” chu đáo ấy, Thái Hồng không có dịp cọ xát với địch ở cự ly gần để có thể bị bắt, anh về tới Sài Gòn hoàn toàn lành lặn, không một vết xây xát.

Tin tôi bị bắt đến với Thái Hồng khi anh đang ở trong sình lầy Đồng Tháp Mười. Anh hiểu tôi, không tin tôi làm điều gì sai quấy, anh cũng hiểu đám lãnh đạo Trung ương lắm, anh xót xa cho tôi. Chính anh cũng sợ, “sợ nhất là bị một viên đạn từ phía sau lưng”, như anh nói. May cho Thái Hồng, chuyện đó đã không xảy ra. Gặp lại nhau giữa Sài Gòn, chúng tôi mừng hết lớn, như hai người sống sót qua trận dịch.

Nơi ở mới của tôi nằm trên lầu 6 một cao ốc gần chợ Bến Thành có tên là cư xá Nguyễn Thái Bình. Cư xá đầy ắp dân, ồn ào như tổ ong bò vẽ. Nó vốn là một khách sạn vừa mới xây xong chưa kịp khai trương thì chủ đã bỏ chạy ra nước ngoài, tháng 4 năm 1975.

Anh công an nhà báo giới thiệu tôi với anh công an hộ khẩu, còn gọi là công an khu vực, một người Nghệ An hiền lành, vui tính, dáng thấp tè, tròn như hạt mít. Dưới quyền cai quản của anh công an này có cái cư xá nói trên. Anh sẵn sàng giúp đỡ mọi người ở chui chút ít để nhận quà nhiều nhiều. Những người ở chui hồ hởi biếu xén anh những món quà nhỏ, nhưng theo ngôn ngữ pháp lý Việt Nam, chúng đều ở “trên mức tình cảm”, tuy không trên nhiều lắm. Vợ tôi, với tư cách bộ trưởng Bộ Ngoại giao gia đình, rất biết cách thu xếp để giữ một quan hệ tốt đẹp với anh công an khu vực, với hi vọng anh sẽ quên đi cái sự “ở chui” của chúng tôi. Vả lại, chẳng riêng gia đình tôi, trong cư xá còn khối người “ở chui” khác. Tôi nghĩ: không phải tại anh công an khu vực có tấm lòng quảng đại mà gia đình tôi được ở Sài Gòn không bị o ép. Ở ngoài kia, tức là ở Bộ Nội vụ, người ta thừa biết tôi đang ở đâu. Nhưng người ta lờ đi, coi như gia ân cho tôi, để tôi vì nhớ ơn mà đừng làm loạn.

Lòng tốt có cái giá của nó. Nhờ lòng biết ơn của dân chúng “ở chui” chẳng mấy chốc anh công an khu vực đã làm chủ một ngôi nhà nho nhỏ giữa trung tâm thành phố. Anh đưa được cả nhà vào Sài Gòn, mở một tiệm chơi bi-da cho cả người lớn lẫn trẻ con, thu nhập nghe nói cũng khá.

Để tỏ lòng cảm ơn anh công an nhà báo đã vì duyên nợ văn chương đã cho tôi một chỗ trú ngụ, tôi trần lực giúp anh viết vài kịch bản điện ảnh, mấy truyện ngắn hình sự, tất cả đều tầm phào, trừ một tiểu thuyết về Tín Mã Nàm, tên tướng cướp nổi tiếng một thời. Nó được xuất bản với số lượng lớn và bán chạy. Anh được vào Hội Nhà văn, được ông bộ trưởng mời cơm.

Thế là cuối cùng trong cuộc sống tha hương tôi đã có điều kiện tạo ra một góc riêng cho cái gia đình tội nghiệp của tôi. Vợ tôi mừng chảy nước mắt. Lầu 6 tuy cao thật, bù lại nó rất mát. Tôi chui vào phòng trong, đóng cửa lại, cặm cụi mổ cò trên cái máy chữ Olympia mới tinh mà vợ tôi mua cho sau nhiều ngày chống cự kịch liệt với nỗi tiếc rẻ những đồng tiền đầu tiên dành dụm được.

Vợ tôi rụt rè khuyến khích tôi thực hiện ý định. Rụt rè vì vợ tôi vẫn chưa hết sợ tôi sẽ bị bắt đi lần nữa. Bài học mà chúng tôi thu được qua vụ bắt bớ năm 1967 là ở Việt Nam con người không có quyền gì hết.

Tháng 10 năm 1981 Hoàng Minh Chính bị các đồng chí của anh bắt lần thứ hai. Anh bị bắt vì cả gan đòi “khởi tố công dân Lê Đức Thọ phạm tội lạm dụng chức quyền hãm hại người vô tội, chà đạp những quyền tự do dân chủ của nhân dân”.

Theo lệnh của Lê Đức Thọ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng ra quyết định số 272 tập trung cải tạo đối với Hoàng Minh Chính. Quyết định này ra sau khi Hoàng Minh Chính đã bị bắt rồi, đã ngủ trong tù nhiều ngày rồi, cho nên ngày tháng phải đặt ngược.

Ai cũng biết Hoàng Minh Chính mang hộ khẩu Hà Nội, như vậy người ký quyết định phải là chủ tịch Hà Nội mới đúng. Lê Đức Thọ lo bác sĩ Trần Duy Hưng[17] cứng đầu không chịu ký một lệnh bắt lăng nhăng chăng? Hay Thọ nghĩ ở Việt Nam không có việc gì không thể làm được? Thì đấy, Thọ có ở trong quân ngũ ngày nào đâu, cứ khơi khơi ứng cử và khơi khơi trúng cử đại biểu đảng trong quân đội mỗi lần Đại hội Đảng đấy thôi.

Thanh gươm Damocles vẫn treo lơ lửng trên đầu những tên “tù xử lý nội bộ”.

Tôi biết con mắt đa nghi của nhà cầm quyền chưa rời khỏi tôi chừng nào tôi chưa làm cho họ tin được rằng tôi đã sợ, tôi xa lánh chính trị. Cuối cùng, họ đã được thấy tôi đúng như họ muốn. Ở Sài Gòn tôi chỉ đến với những tổ hợp sản xuất, những nhà buôn. Tôi lao vào kiếm tiền. Chế tạo cái mặt nạ không khó. Chỉ cần phải giữ mình, cái chính không để cho vai diễn và màn kịch thành sự thật.

Cha tôi rồi cũng được phép vào chơi với con cháu trong Nam, năm 1985. Trước chỉ có mình mẹ tôi được phép. Xin nhắc lại rằng lệnh cấm tự do đi lại đối với những người dính dáng tới vụ “nhóm xét lại chống Đảng” chỉ là lệnh miệng, chúng tôi chỉ được nghe phổ biến chứ không được đọc. Có nghĩa là bây giờ có nói ra chuyện này, nhà cầm quyền vẫn có thể chối bay chối biến, có khi còn vu cho tôi dựng chuyện cũng nên. Anh Trần Đĩnh, biên tập viên báo Nhân dân, tuy không bị bắt, nhưng bị buộc về hưu non vì có quan điểm xét lại, thậm chí không được phép bay vào Sài Gòn để đưa tang cha.

Chúng tôi chỉ bắt đầu thấy dễ thở khi ở Liên Xô dâng lên làn sóng glasnost (công khai, minh bạch) cùng với chủ trương perestroika (xây dựng lại) do tổng bí thư Mikhail Gorbachov[18] khởi xướng. Nó trùng hợp với thời kỳ hậu Lê Duẩn, thời kỳ cuộc tranh chấp ngôi vị tổng bí thư giữa ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ và quyền tổng bí thư Trường Chinh diễn ra quyết liệt trước Đại hội VI (15-18/12/1986).

Lê Đức Thọ, người thiết kế kiêm đạo diễn chính của Đại hội VI, hay Đại Hội của Ông Sáu, như người ta giễu cợt, tin tưởng ở chiến thắng lắm. Lúc có mặt ở tỉnh này, lúc đi thăm huyện kia, con người kém mười lăm phút đầy tổng bí thư ân cần thăm hỏi đồng bào, đồng chí, quan tâm tới mọi mặt đời sống của họ, không có gì giống cái ông Sáu Búa đầu ngành chuyên chính vô sản cả.

Ngay từ giai đoạn chuẩn bị Đại hội đã thấp thoáng những dấu hiệu báo trước một sự cứng đầu đối với mưu toan của Thọ. Những cuộc bầu đại biểu đi dự Đại hội diễn ra trong không khí căng thẳng.

Sự kiện lớn nhất trong thời kỳ này là Đại hội Đảng toàn quân (9. 1986), trong đó đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Lê Trọng Tấn được số phiếu cao nhất, còn người nắm thực quyền trong quân đội là đại tướng Văn Tiến Dũng lại không đủ số phiếu để trở thành đại biểu chính thức trong đoàn đại biểu đông tới 72 người. Các tướng khác mà ai cũng biết thuộc cánh Duẩn – Thọ như Chu Huy Mân, Đặng Vũ Hiệp, Lê Ngọc Hiền cũng chung số phận.

Thất bại của Lê Đức Thọ chứng tỏ thời của Thọ đã hết.

Vũ khí vô địch trước đây của Thọ là Ban tổ chức Trung ương không còn khống chế được Đảng, kể cả với quỷ kế “kiểm tra tư cách đại biểu”, để loại ra ngoài tất cả những ai ngang bướng, để chỉ cho người cùng phe lọt vào Đại hội.

Giận dữ và hổ thẹn thấy mưu đồ chiếm ngôi vị cao nhất không thành, theo cách không ăn thì đạp đổ, Lê Đức Thọ nằng nặc đòi quyền tổng bí thư Trường Chinh phải từ bỏ ý định tranh cử, viện cớ cả hai đã cao tuổi, không nên tham gia triều chính nữa. Nếu Trường Chinh ứng cử, thất bại của Thọ sẽ không chỉ đáng buồn mà là bi kịch. Nó sẽ là mối nhục không sao gột sạch của con người uy phong lẫm lẫm một thời.

Tuân lệnh Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng năm lần bảy lượt đến tận nhà Trường Chinh, có hôm từ tinh mơ, thuyết phục ông thôi không tranh cử nữa. “Nếu anh cứ tranh cử thì sẽ nổ ra xung đột nội bộ, Đảng ta tan nát mất”, nước mắt nước mũi giàn giụa, Phạm Văn Đồng vật nài. Cuối cùng Trường Chinh đồng ý. Ông hiểu câu nói của Phạm Văn Đồng là lời nhắn gửi nghiêm túc của Lê Đức Thọ. Không phải vì lo Đảng tan nát mà Trường Chinh đồng ý, ông lo nếu không nghe lời Thọ thì chính ông sẽ tan nát, theo nghĩa đen. Con người như Lê Đức Thọ sẵn sàng làm tất cả khi cay cú.

Đại hội VI kết thúc bằng sự lên ngôi của một nhân vật không mấy tiếng tăm là Nguyễn Văn Linh, bí danh Mười Cúc. Câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine[19] về hai anh nông dân và con sò được thiên hạ nhắc tới nhiều trong thời kỳ này.

Cả Lê Đức Thọ lẫn Trường Chinh đều hậm hực lui vào hậu trường với chức danh cố vấn.

Vị thủ tướng thâm niên cao nhất thế giới Phạm Văn Đồng cũng rút khỏi chính trường, nhưng không hậm hực. Trong chuyện này ông là người biết điều, ông không bao giờ dám tơ tưởng vị trí cây vĩ cầm thứ nhất trong dàn nhạc. Phạm Văn Đồng vốn lành, người ta đưa ông vào chính trường thì ông vào, người ta đưa ông ra thì ông ra. Trong cương vị thủ tướng, ông làm theo lời chỉ bảo của Bộ Chính trị, dù đứng đầu Bộ Chính trị là Trường Chinh hay Lê Duẩn, hay bất cứ ai khác, rồi phân bua với mọi người: “Tôi là thủ tướng lâu nhất thế giới, cũng là thủ tướng khổ nhất thế giới. Làm thủ tướng thật, nhưng tôi chẳng có quyền gì hết. Bộ trưởng hay thứ trưởng có phải do tôi chọn đâu, họ có làm việc không tốt thì cũng không phải lỗi ở tôi”. Ông Ung Văn Khiêm[20] bình luận: “Anh chàng nầy có một cái tội, mà tội rất lớn: đó là biết mình không có quyền làm bất cứ cái chi không có phép Ba Duẩn với Sáu Thọ, vậy mà lại không dám từ chức. ” Ông Trần Văn Giàu[21] hóm hỉnh: “Cái đít con người ta có trí nhớ. Nó nhớ cái ghế”.

Tôi được nghe Phạm Văn Đồng nói chuyện nhiều lần. Ông tỏ ra là người hiểu nhiều biết rộng, nhưng tôi ít thấy ai nói chuyện vô duyên như ông. Trong những diễn văn lòng thòng nhai đi nhai lại những cụm từ nhàu nát bao giờ cũng rộ lên những tràng cười tự hưởng ứng không đúng lúc và đúng chỗ, những tràng pháo tay tự vỗ, kêu gọi mọi người vỗ theo. Sau khi trở thành cố vấn, Phạm Văn Đồng vẫn còn mắc bệnh thích đăng đàn diễn thuyết, với những “huấn thị” chẳng cái gì ăn nhập với cái gì. Sau khi nghe một bài “huấn thị” như thế trong cuộc họp trí thức thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1986 hay 1987, Mai Lộc vốn rất sùng kính Phạm Văn Đồng một hôm đi họp về buồn rầu nói với tôi “Thần tượng của tôi sụp đổ rồi. Không ai mời, ông ta cứ đòi đến, leo lên bục mà ba hoa, chẳng ai buồn nghe vẫn cứ nói”.

Sau những năm ở tù, tôi càng chán ngán những nhà lãnh đạo đất nước. Tôi cho rằng họ không có đủ trí thông minh cần thiết để làm công việc họ đang làm. Hơn thế, do mắc chứng “vĩ nhân cuồng”, họ có khả năng hiểu nhân dân muốn gì.

Tôi cũng không hiểu Hoàng Minh Chính. Một năm trước Đại hội V (1982), anh vẫn còn kiên trì thuyết phục tôi viết kiến nghị gửi Đại hội: “Bây giờ là lúc cậu cần đem sức mạnh của ngòi bút vào việc đấu tranh cho dân chủ. Viết thư cho Đại hội đi, đánh máy thành nhiều bản gửi tới tận từng khối đại biểu, đánh thức họ, đòi họ phải đứng lên tranh đấu”. Tôi không nghe anh: “Những gì anh và tôi muốn nói đồng bào biết cả rồi, có điều trong hoàn cảnh hiện nay người ta hoặc sợ không dám nói, hoặc chán không muốn nói mà thôi. Đánh đuốc lên giữa trưa nắng, anh muốn soi giúp người ta cái gì?”

Từ khi ra tù, Hoàng Minh Chính liên tục viết hết kiến nghị này đến kiến nghị khác đòi Đảng xem xét lại vụ án. Ban lãnh đạo Đảng căm ghét anh, quên mất rằng bằng những kiến nghị ấy Hoàng Minh Chính thể hiện một niềm tin lỗi thời ở Đảng. Để anh khỏi quấy rầy, Lê Đức Thọ ký một nhát, cho Hoàng Minh Chính đi nằm nhà đá.

Ý định viết một cuốn sách về vụ án và những năm tháng trong tù được tôi ấp ủ từ lâu – ngay từ những ngày đầu tiên trong xà lim Hỏa Lò.

Bản thân vụ án, theo tôi nhận định lúc ấy, và càng về sau càng tin chắc mình đúng, là một mưu mô bẩn thỉu của Lê Đức Thọ, được Lê Duẩn tán đồng. Thời gian cho tôi sự bình tĩnh, cho tôi khoảng cách cần thiết để quan sát, để tầm nhìn được bao quát hơn. Tôi bắt đầu nhận ra rằng trong vụ án nhằm vào chúng tôi không phải chỉ có những mưu đồ cá nhân. Nó phản ánh cuộc đấu tranh lớn hơn, giữa một bên là xu hướng đặt nhân dân dưới gót sắt của nền chuyên chế, và một bên là sự chống lại nền chuyên chế ấy, giành lại quyền làm người. Có điều, ở đây đã có một sự hiểu lầm – có người cho rằng đứng đầu những người bị gọi là “xét lại” thời kỳ ấy là đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi vì mục đích của cuộc đánh “xét lại” do Duẩn-Thọ khơi mào là nhằm vào ông ấy. Họ không hiểu rằng Duẩn-Thọ đánh Giáp không phải vì Giáp “xét lại”, mà vi cần triệt hạ ông tướng này để trừ hậu hoạn.

Trong những ngày khốn khó của đời mình tôi cố gắng bình thản tách khỏi cái tôi nạn nhân để quan sát môi trường trong đó tôi bị đặt vào, suy ngẫm về những sự kiện. Không ai có thể nói thay chúng tôi về những năm đen tối ấy. Mà cần phải nói về chúng. Bởi vì chúng không tự mất đi, nếu không có sự xoá bỏ chúng.

Tôi phải bắt đầu cuốn sách kẻo quá muộn. Trí nhớ có thể phản bội nếu không đánh động nó, bắt nó phải tỉnh thức. Vả lại sự theo dõi chúng tôi đã lỏng lẻo hơn trước. Cái sự tôi ngồi nhà cặm cụi dịch thuê, viết thuê không còn gây ra chú ý. Thậm chí người ta còn cho phép tôi viết với điều kiện ký tên khác.

Nhớ lại cuối thập niên 70, khi tôi vừa được trả tự do, đi đâu một bước cũng phải thận trọng, nói một câu là phải ngó trước ngó sau và không chỉ uốn lưỡi bảy lần – không khí nghi kỵ, mối đe dọa thường trực đè nặng lên tôi. Tôi tránh gặp mọi người, nhất là những người mình không quen. Như tôi đã nói: nghề chỉ điểm là nghề vinh quang trong xã hội này, cho nên khó mà biết ai là người mình có thể tin. Một người nói như đồng tình với mình, trong việc bất bình trước một hiện tượng xã hội thôi, có thể là một tên moi tin để báo cáo. Chính quyền không chỉ cảnh giác với tôi – Mi Lan, con gái đầu của tôi, mặc dầu đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ cũng không được đi nước ngoài tu nghiệp theo chính sách, vốn là quyền lợi đương nhiên đối với các sinh viên khác, chỉ vì tội cha có tiền án tiền sự[22].

Cái tốt nhất mà Đảng làm được trong giai đoạn hậu Duẩn – Thọ là thả Hoàng Minh Chính ra khỏi nhà tù. Nhưng đó đã là thời kỳ tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nắm quyền. Nếu không có sự quyết đoán của ông thì không biết đến bao giờ các vị thực hành chuyên chính vô sản mới chịu thả Hoàng Minh Chính. Vào thời kỳ đó, Nguyễn Văn Linh nổi bật như một ngôi sao sáng. Người ta tin rằng sau khi bị Lê Đức Thọ gạt khỏi Bộ Chính trị năm 1982, Nguyễn Văn Linh ắt phải thấm đòn, và bây giờ, trên cương vị tổng bí thư, ông sẽ đổi mới thật.

Nguyễn Văn Linh, theo cha tôi nhận xét, là người hiền lành, chân thật. Ông cũng đã trải qua nhà tù đế quốc, có tinh thần cách mạng kiên định, là người thực hiện chứ không phải người sáng tạo.

Dưới thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trên văn đàn Việt Nam đã xuất hiện một số tác phẩm dám nói lên sự thật, tuy không nhiều. Tiếc rằng sự thèm khát được nói lên sự thật bị đè nén lâu ngày đã át đi nỗ lực tìm tòi bút pháp mới, phong cách mới. Những phóng sự, bút ký đại loại như Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì của Phùng Gia Lộc vừa ra đời lập tức được ca ngợi như một tác phẩm văn học có giá trị, mặc dầu nó không có, và không thể có, giá trị ấy.

Chính là nhờ Nguyễn Văn Linh mà các văn nghệ sĩ bị buộc tội oan trong vụ Nhân văn – Giai phẩm mới được phép xuất hiện trở lại với người đọc. Không có Nguyễn Văn Linh thì Dương Thu Hương không thể xuất bản được Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Thiên Đường Mù, cho dù sau đó chị có bị trấn áp, bị bỏ tù rồi được thả ra, được xin lỗi, sau này còn được cầm hộ chiếu đi Paris. Vào thời Duẩn – Thọ chắc chắn Dương Thu Hương[23] còn nằm xà lim dài dài trước khi người đọc được cầm trong tay những cuốn sách của chị. Không ai biết rằng Nguyễn Văn Linh làm được việc tốt đó là nhà một nhà văn, người phụ tá của ông, tướng Trần Độ[24].

Tiếc thay, sau khi phấn khởi thổi bùng lên làn gió đổi mới, chính Nguyễn Văn Linh lại bị cảm lạnh bởi chính làn gió ấy, ông ân hận đã kêu gọi văn nghệ sĩ tự cởi trói, dũng cảm nói lên sự thật. Sau sự cởi trói do ông khởi xướng đã ra đời hàng loạt bài báo, cuốn sách nói về những nỗi bất công kéo dài năm này qua năm khác, tất nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, mặc dầu người viết không nói thẳng ra.

Đi vào lối mòn của các đời tổng bí thư trước, Nguyễn Văn Linh dần dần đồng nhất mình với Đảng, cho nên khi người ta vạch cái xấu của Đảng ra thì ông chạnh lòng. Đã thế ông lại còn bị các đồng chí bảo thủ đang khiếp đảm trước sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu nhất loạt đứng lên kiên quyết chống lại đường lối đổi mới của ông. Họ trách móc ông, họ phê phán ông hữu khuynh.

Nguyễn Văn Linh đùng đùng quyết định: thôi, không đổi mới nữa.

Dù sao mặc lòng, so với thời kỳ Duẩn – Thọ, hoặc thời kỳ ngắn ngủi do Trường Chinh làm quyền tổng bí thư, mức độ tự do tinh thần mà nhân dân được hưởng trong thời đổi mới có thể nói một trời một vực. Quần chúng thất vọng, nhưng họ sẽ ghi nhớ những gì Nguyễn Văn Linh đã làm cho họ trong cơn bốc đồng. Chính trong cơn bốc đồng ông đã trở thành người của dân chúng, một hạnh phúc không dễ gì ông được hưởng.

Chúng tôi được hưởng status quo[25] trong đời sống chính trị, nghĩa là chúng tôi có tội, chúng tôi được Đảng khoan hồng cho phép được ở nhà với vợ con, nhưng chúng tôi không được làm gì hết.

Một số ít người trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng” thậm chí còn được trên giải quyết cho hưởng lương hưu trí. Bằng cách bố thí cho một chút quyền lợi vật chất, ban lãnh đạo mới muốn chấm dứt những khiếu nại liên tục nhiều năm làm họ nhức đầu.

Trước khi tôi đi Nga lần đầu tiên sau hơn ba mươi năm không bước chân ra nước ngoài, với tư cách phiên dịch cho một phái đoàn thương mại, Ban tổ chức Trung ương đã cho một cán bộ vào Sài Gòn gặp bác sĩ Phan Thế Vấn và tôi để phổ biến cho chúng tôi quyết định mới của Đảng. Anh Vấn thay mặt hai chúng tôi nói: “Quỹ lương hưu là trích từ lương của những người làm việc mà thành, mà chúng tôi thì đã bị tước quyền được làm việc từ nhiều năm. Không làm việc mà hưởng lương lấy từ túi những người làm việc là bất lương, người tự trọng không thể nhận một đồng lương như thế”. Việc chúng tôi từ chối ân huệ của Đảng làm cho chị Vấn và vợ tôi lo lắng. Nhưng sau đó không có chuyện gì xảy ra. Thời này đã có một chút khác với thời trước.

Mọi người quan tâm tới vận mệnh đất nước đều biết rằng triều đại Lê Duẩn – Lê Đức Thọ là triều đại thiết lập và khẳng định chuyên chính vô sản, hay nói cho đúng hơn, chuyên chính vô sản lưu manh[26], theo định nghĩa của chính Marx về giai cấp. Nói chung, nhiều khái niệm của Marx khác hẳn khái niệm của những kẻ tự xưng học trò ông.

Đó là triều đại của sự áp đặt trắng trợn ý muốn ngông cuồng của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lên mọi mặt đời sống đất nước, từ việc bắt bớ công dân không cần xét xử, việc chia lại các tỉnh một cách xuẩn ngốc, lấy huyện làm đơn vị kinh tế cơ sở, ghép vài ba tỉnh làm một để dễ cai trị, cho tới việc đưa quân đi chiếm đóng nước láng giềng Campuchia. Áp đặt là phép trị dân mang tính chiến lược. Không áp đặt được thì khủng bố.

Việc nhà nước đối xử với công dân không cần có luật pháp, hoặc dùng luật pháp lờ mờ để giải thích nó theo ngụy biện là đặc điểm chung của các nước xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam tình hình không có gì tốt hơn[27].

Trước những hành động tùy tiện của chính quyền tay sai cho Đảng không phải đến khi ấy người ta mới biết, mới nói. Nhiều nhà chuyên môn tư pháp đã đề đạt với Đảng xây dựng một nền tư pháp đàng hoàng rất lâu trước đó. Lãnh đạo Đảng thẳng tay gạt bỏ những đề nghị đúng đắn của họ. Đảng không cần đến thứ pháp lý tư sản. Luật gia cộng sản Trần Công Tường, mà tôi được biết từ năm 1946, nói với tôi: “Không hiểu sao mấy chả sợ pháp luật đến thế? Pháp luật làm ra là để bảo vệ chính mấy chả mà. ” Tôi nghĩ ông thừa hiểu tại sao. Pháp luật, dù cho đó là pháp luật của họ, do họ đặt ra, nếu được tôn trọng, sẽ tước bỏ sự tùy tiện, sẽ bó tay họ trong việc thực hiện chuyên chính. Đối với họ pháp luật không thể là cái gì hơn một vật trang sức. Khi một Đảng đặt mình cao hơn nhân dân, đứng trên dân tộc, thì mọi việc làm của các lãnh tụ Đảng phải được coi là hiển nhiên đúng.

Trong thực hành tư pháp những nhà lãnh đạo i tờ chủ trương không cần có chứng cứ. Chỉ cần lời khai là đủ. Nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung trong công tác xét xử mặc nhiên bị coi là nguyên tắc tư sản. Bị phản bác, họ lui bước, bắt các nhà tư pháp phải coi chứng hay cung cũng là chứng cả. Ông Vũ Văn Mục, biện lý thời thuộc Pháp, khi kể cho tôi nghe một số vụ án oan cũng như cách xử án của các quan tòa cách mạng chưa hề qua trường lớp chuyên môn, đã kêu lên: “Xử án mà cung với chứng coi ngang nhau thì người dân thấp cổ bé họng sống làm sao nổi hở trời? Quan trên bảo tôi: “không có chứng thì dựa vào cung mà xử, nghĩ ngợi lôi thôi làm gì!” Khinh mạng dân đến thế là cùng. Tôi đem chuyện này than phiền với một ông rất to thì ông ta còn dạy tôi: “Các anh học luật thời trước là lôi thôi lắm! Phải nhớ rằng tòa án của ta là tòa án chuyên chính vô sản, vì lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động mà làm. Với bọn phản cách mạng các anh cứ theo đường lối chính sách của đảng mà xử”. Ở Hỏa Lò, nghe chuyện vụ án của Thành và những vụ án khác mà anh kể cho tôi nghe, tôi càng hiểu thêm cái chuyện chứng và cung này.

Trong những năm bị giam tôi đã nhiều phen rà soát lại những việc làm của mình xem mình có lỡ phạm tội gì mà do ngu dốt không biết là tội không, nhưng vô ích – tôi chẳng tìm ra một cái tội nào hết, tôi muốn nói một cái tội mà Lê Đức Thọ có thể đưa ra chứng cứ. Cho dù một chứng cứ nhỏ. Thành ra họ cứ một mực ép tôi nhận một cái gì đó, xét cho cùng là muốn nặn ra một cái cung thay chứng để mà buộc tội.

Sự khăng khăng khẳng định việc làm sai trái của những triều đại trước là đúng, là hợp lý, không chứng tỏ ý muốn đổi mới, mà chứng tỏ ý muốn duy trì trật tự cũ. Một sự kế thừa hủ lậu và vị kỷ. Mà sự sai trái cho tới ngày đó đã rành rành. Trong sự ngoan cố này không khó khăn gì để nhận ra bóng dáng những tay chân trung thành từng chịu ơn mưa móc của triều đình Duẩn-Thọ.

Thời gian trôi. Đã qua đi nhiều cơ hội để giải quyết vụ án không tiền khoáng hậu và không lối thoát ra, nhưng những nhà lãnh đạo mới cứ một mực phớt lờ.

Nhưng lịch sử có trí nhớ. Nếu lịch sử đánh mất trí nhớ, nó không còn là lịch sử. Một chế độ muốn coi là mới, hoặc đổi mới, nghĩa là khác trước, thì nó phải thanh toán sòng phẳng với quá khứ để bước vào tương lai. Nhân dân đòi chính quyền đổi mới phải giải quyết những án oan tồn đọng, không phải nhằm thanh toán món nợ cũ, mà để khẳng định thêm một lần rằng từ nay những sự việc tương tự sẽ không bao giờ được lặp lại.

Chúng tôi hi vọng tình hình mới sẽ buộc chính quyền phải tự đổi mới, tự nâng mình lên ngang tầm những nhiệm vụ lớn lao đang đòi được giải quyết, trước hết là nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế tan hoang trong chiến tranh. Sau khi đất nước đã thống nhất, đây chính là lúc tốt nhất để thủ tiêu nền chuyên chế, xây dựng một Nhà nước công dân, một xã hội dân chủ pháp trị.

Tiếc thay, người ta đã chẳng làm gì theo hướng đó.

Bạn bè trong nước viết thư cho tôi biết ông Đỗ Mười[28], đương kim tổng bí thư, cũng như ông tổng bí thư tiền nhiệm, tuyên bố Đảng không thay đổi nhận định đối với vụ “nhóm xét lại chống Đảng”.

Mà đó không phải là ai khác cái ông Đỗ Mười năm xưa, khi xảy ra vụ “nhóm xét lại chống Đảng” đã sửng sốt kêu lên: “Tại sao lại bắt anh Huỳnh, anh Giang? Những người cách mạng như thế sao có thể đổ cho người ta chống Đảng được? Bậy quá! Bậy quá!” Người cháu ruột của ông kể cho tôi nghe như vậy ít ngày trước khi tôi bị bắt. Anh là người thật thà, không thích chuyện làm quà, điều anh nói không thể là không có. Mà anh đơm đặt làm gì? Ông Đỗ Mười hồi ấy chẳng là cái gì hết. Mọi người đều biết ông đang dưỡng bệnh. Mà bệnh của ông là bệnh tâm thần, nói nôm là điên, không ai dám nói chắc ông sẽ khỏi. May, ông không la hét om xòm, không đánh trẻ con hay chọc ghẹo đàn bà, không hoa chân múa tay lảm nhảm, chỉ trèo tường leo cây, lúc tỉnh lúc mê, tha thẩn trước cửa nhà. Ông không lạ gì cha tôi và ông Đặng Kim Giang. Họ cùng hoạt động với nhau tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ thuộc lưu vực sông Hồng trong thời bí mật. Trong câu chuyện với những đồng chí cũ, khi nhắc tới Đỗ Mười, cha tôi tỏ ra quý mến ông, khen ông kiên định cách mạng, không sợ gian khổ, tính nết lại thực thà, tiếc cho ông không được học hành nhiều, do đó không cáng đáng nổi những nhiệm vụ cần đến kiến thức. Nói tóm lại, quý thì quý, cha tôi chẳng bao giờ hình dung Đỗ Mười lại có thể ngồi ở vị trí lãnh đạo đất nước.

Tôi không được biết ông theo cách quan hệ cá nhân, tôi chỉ nghe người ta nói về ông. Bằng vào những gì tôi nghe được thì trong hàng ngũ những nhà cách mạng hoạt động trước 1945, Đỗ Mười là người hiền lành, ít nói, rất có ý thức tổ chức, hiểu theo nghĩa chịu nghe lời bề trên. Ông cũng nổi tiếng là người kiên quyết, đã nói là làm. Với Đảng, ông có nhiều công trạng. Chính ông đã kiên quyết đập tan sự “trỗi dậy” của giai cấp tư sản miền Bắc trong cuộc cải tạo công thương nghiệp những năm 1959 – 1960. Cũng chính ông đã phá tan nền công nghiệp nhẹ miền Nam trong cuộc cải tạo tư sản sau chiến thắng 1975.

Chỉ có thể giải thích sự thay đổi thái độ của Đỗ Mười đối với vụ”nhóm xét lại chống Đảng” bằng cách lập luận rằng hồi ấy ông nói thế vì ông không tỉnh trí, còn bây giờ ông khỏi rồi, ông đã sáng suốt, cho nên ông nghĩ khác.

Những người gần ông nói rằng do ít học nên ông thường làm theo những gì cấp dưới soạn sẵn. Đám đàn em ông lại không có thiện chí muốn lập lại lẽ công bằng cho các đồng chí bị xử trí oan. Những Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Trần Trọng Tân[29] mà Đỗ Mười dựa vào trước kia đã mao-ít, nay còn mao-ít hơn nữa trong sự cầy cục sáng tạo ra một chủ nghĩa Marx đầy tính chất ngụy biện, chẳng có gì giống thậm chí chủ nghĩa Marx kinh viện. Mọi việc làm của họ chỉ nhằm bảo vệ vị trí lãnh đạo độc tôn của Đảng, hay là của họ thì cũng thế. Cái gọi là đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng kinh tế thị trường có điều tiết, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, rất lẩm cẩm và tức cười, ra đời chính là trong thời kỳ này.

Cha tôi đã nhận định sai về con người Đỗ Mười. Ông chỉ không sai khi nói rằng trước Cách mạng Tháng Tám Đỗ Mười làm nghề hoạn lợn chứ không phải phu hồ, thợ sơn gì sất như được ghi trong tiểu sử chính thức. Đọc cái tiểu sử được soạn lại của ông ta cha tôi lắc đầu: “Nói mọi nghề đều quý thì làm hoạn lợn cũng quý chứ sao, xưng công nhân làm quái gì! Người không biết thì thôi, người biết họ cười cho mất mặt. Thế không phải khôn, mà dại”. Các nhà cách mạng biết Đỗ Mười cũng xác nhận nghề hoạn lợn của ông, chỉ kể thêm vài chuyện vui rằng ông hoạn vụng lắm, có lần hoạn chết lợn của người ta, bị người ta đuổi cho chạy chí chết, chuyện một anh đã từng vác gậy đuổi Đỗ Mười sau làm vụ trưởng ở Bộ Nội thương, mỗi lần thấy Đỗ Mười đến thăm Bộ là lẩn như trạch. Kể ra Đỗ Mười dại thật. Nói dối chỉ làm ông mất giá trị. Lịch sử Việt Nam không thiếu những nhân vật xuất thân từ những thành phần không danh giá. Một triều đại vẻ vang như nhà Trần khởi nghiệp từ những người dân chài, có sao đâu.

Nhưng thôi, tôi lại đi lan man khỏi điều muốn nói mất rồi.

Cũng dưới thời Đỗ Mười, “tên xét lại hiện đại” Hoàng Minh Chính được thả ra sau lần giam giữ cuối cùng vẫn bị tiếp tục hành hạ về tinh thần trong cuộc sống quản thúc. Không hề có một thiện ý lật lại trang sử để xem xét vụ án, cũng không có một biệt đãi nào, dù là biệt đãi chui, dành cho những người bị giam giữ trái phép nhiều năm, để đền bù phần nào những đau khổ và thiệt thòi mà họ và thân nhân đã phải chịu đựng trong những năm đó[30].

Thời gian là thầy thuốc tốt. Nó giúp tôi quên và đôi lúc tôi cũng quên được những ngày đen tối. Chỉ có trí nhớ vô thức là bướng bỉnh. Đêm đêm thỉnh thoảng tôi lại nằm mơ thấy mình ở trong trại giam. Tỉnh dậy, tôi bàng hoàng, toát mồ hôi lạnh. Mà đã quá nhiều năm trôi qua kể từ ngày tôi rời khỏi địa ngục.

Tôi đã tưởng những giấc mơ khủng khiếp sẽ phải mất hẳn vào một lúc nào đó, nhưng nhà tù Việt Nam vẫn dai dẳng bám lấy tôi cho tới tận bây giờ, ngay khi tôi đang ở giữa Paris, Moskva hay Warszawa.

Cha tôi hài lòng với ý định của tôi viết cuốn hồi ký. Trên cái gác vợ chồng tôi mới kiếm được trong Sài Gòn, cha tôi cởi trần trùng trục, cái quạt nan trong tay, ngồi bệt trên sàn gạch men lần giở những trang bản thảo đầu tiên.

Năm 1985, sức khỏe cha tôi đã sút kém lắm. Những năm biệt giam và lưu đày cộng với nỗi đau tinh thần làm ông kiệt sức. Mắt ông mờ hẳn, đọc rất chóng mỏi. Những trang bản thảo lem nhem, đầy những đoạn sửa chồng chéo nhau, làm ông mệt. Nhưng cha tôi đọc chăm chú, thỉnh thoảng còn vẫy tôi đến bên để nói vài nhận xét về chữ nghĩa, nhắc tôi sửa một đoạn mà theo ông là thiếu khách quan, không công bằng hoặc chưa được chính xác. Tối tối, cha tôi thủ thỉ kể cho tôi nghe một số sự kiện trong lịch sử cách mạng mà ít người biết, thuộc loại cơ mật của Đảng. Một số trong những sự kiện ấy được dùng trong cuốn này.

Với Đảng của ông, cha tôi đoạn tuyệt hoàn toàn. Sở dĩ ông có được thái độ như vậy là vì trước nay ông không bao giờ coi Đảng là vật tổ, là totem. Ông coi Đảng chỉ là công cụ, là phương tiện để những người cách mạng thực hiện sứ mạng của mình. Ông không kêu than, hờn giận, không ngoái nhìn quá khứ để tiếc nuối cuộc đời phí phạm. Ông không chửi Đảng vì ông hiểu trong Đảng có nhiều người yêu nước chân chính mà trong thâm tâm ông vẫn coi họ là đồng chí.

Trước Đại hội VI (1986), trước bữa cơm chiều, cả nhà chưa ngồi vào mâm, chỉ có hai cha con với cút rượu và đĩa lạc rang thường lệ, cha tôi đang uống bỗng thừ người ra một lát rồi nói:

– Con ạ, những ngày gần đây bố suy nghĩ nhiều về tương lai đất nước mình. Con có biết bố đi đến kết luận gì không? Kết luận của bố là thế này: muốn cho dân tộc ta không thua kém các dân tộc khác, muốn cho đất nước ta được thịnh vượng, dân ta không nghèo khổ mãi thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: ấy là phải gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Đảng đến nay đã hết là đội quân tiên phong của cách mạng giải phóng dân tộc rồi. Bây giờ nó đã trở thành chướng ngại vật trên đường phát triển của dân tộc. Kẻ nào trong lúc này đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi của Tổ quốc là kẻ phản bội Tổ quốc.

Tôi sửng sốt. Tôi có thể chờ đợi ở cha tôi bất cứ ý nghĩ nào khác, nhưng không phải ý nghĩ ấy. Cần phải có dũng khí vượt qua nỗi đau mới đoạn tuyệt được với quá khứ dứt khoát đến như vậy.

– Con có hiểu vì sao lâu rồi bố không về quê không? – một hôm khác, cha tôi buồn rầu nói – Bố nhớ làng xóm lắm. Nhưng bố xấu hổ. Sau này con về, nhớ nói bố xin lỗi bà con. Bố đi làm cách mạng không phải để mọi người phải sống cuộc sống như thế này. Là con người, ai cũng vậy, không khổ vì thiếu thốn bằng khổ vì nhục. Một chế độ hạ nhục con người không phải là chế độ nhân dân ta lựa chọn.

Cha tôi là một người cổ. Tuy không giỏi Hán học, ngược lại, còn chịu ảnh hưởng nặng văn hóa phương Tây, nhưng nhìn vào thần thái của ông, cách ứng xử của ông, bạn bè mặc nhiên xếp ông vào lớp nho sĩ cuối cùng từ lâu đã nhạt nhòa trong quên lãng. Mẹ tôi thuộc một số thơ ông làm khi còn trẻ, hai người mới quen nhau, mới yêu nhau, bà thường đọc lại cho chúng tôi nghe. Tôi đặc biệt nhớ bài dưới đây bởi khẩu khí hào hùng của nó:

Nghĩ cho tôi lại ngán cho tôi.

Đời có bao nhiêu sắp nửa rồi.

Nước mất, nhà tan còn sống mãi,

Sông mòn núi lở cứ ngồi thôi.

Giang sơn chan chứa hai hàng lệ,

Nòi giống lau nhau mấy hạng người.

Chẳng biết rồi ra sao thế nữa…

Kiếp mình há phải kiếp trò chơi.

Cho dù nhà cầm quyền hiện nay có đối xử với tôi rộng rãi đến mấy thì tôi cũng vẫn phải viết về những ngày đen tối nọ. Tôi không coi việc viết về những năm tháng trong nhà tù xã hội chủ nghĩa là sự phản bội lòng tốt của họ đã khoan dung không giết tôi khi tôi còn nằm trong chuồng của họ. Tôi dùng từ lòng tốt ở đây theo khái niệm Việt Nam, nơi ngày xưa gia đình tử tù còn phải mang lễ vật đến tạ ơn đao phủ đã mài đao cho sắc để nhát chém được ngọt.

Tôi viết vì tôi không thể quên lời cha tôi dặn trong lần tôi ra Hà Nội thăm ông năm 1988 khi ông còn tỉnh táo:

– Con viết đến đâu rồi? – cha tôi hỏi.

– Con viết chậm lắm.

– Không cần nhanh. Nhưng không được bỏ dở. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào con cũng phải hoàn thành cuốn sách.

– Con sẽ không bỏ dở.

– Bố thấy trong người yếu lắm rồi. – cha tôi thở dài – Chà, nếu bố còn khỏe! Có nhiều điều bố cần phải viết ra cho đồng bào biết. Nhưng không còn sức nữa. Bố kỳ vọng ở con. Đó là trách nhiệm, con ạ, là trách nhiệm.

Ông gắng gượng ngồi dậy, đặt tay lên vai tôi, nhìn vào mắt tôi:

– Không phải vì mục đích vạch tội ai mà con làm việc này, không phải vì mục đích ấy. Mục đích lớn hơn: qua vụ án này con phải để nói lên điều khác, điều rất quan trọng đối với dân tộc ta. Nhân dân ta cần phải hiểu để tránh xa vết xe đổ. Nước mà không có dân chủ, không có luật pháp, hoặc luật pháp chỉ là xảo ngôn, là mảnh đất màu mỡ cho thể chế độc tài, cho sự lộng hành tùy tiện của những tên độc tài…

Tôi hiểu tâm trạng cha tôi. Ông đã khoan thứ cho kẻ thù. Nhưng ông không ngơi lo lắng cho đất nước trước viễn cảnh xám xịt của một nền chuyên chế.

Rạng sáng ngày 3 tháng 5 năm 1990 cha tôi lặng lẽ qua đời.

Ôm xác cha đang nguội dần trong tay, tôi cay đắng nghĩ về tính không vĩnh hằng của đời người, về ý nghĩa cuộc sống và cái chết. Cha tôi đã bỏ cả đời ông vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông đau đớn thấy kết quả những hy sinh của ông và các đồng chí đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh thiêng liêng bị bọn cơ hội trắng trợn tước đoạt – thay vào ách nô lệ cũ nhân dân phải sống dưới một ách nô lệ khác. Ông đau đớn nhìn thấy mình trong thân phận kẻ chiến bại. Hơn thế, ông chết đi mang theo mặc cảm có tội với dân, với nước. Đó là nỗi khổ tâm không sao giải tỏa được trong ông.

Thế là sau Phạm Viết, Kỳ Vân,Trần Minh Việt Đặng Kim Giang, cha tôi đã không chờ được tới ngày lịch sử sang trang, tới ngày lẽ công bằng được trả lại.

Còn nhớ ngày ông Đặng Kim Giang hấp hối trong căn nhà lá ọp ẹp nằm trong khuôn viên chùa Liên Phái.

– Bác đừng chết bây giờ! – tôi ghé sát vào tai ông, thì thầm – Cố lên bác ơi, chết bây giờ là thua keo nữa đấy, bác. Bác đừng cho thằng Duẩn thằng Thọ nó sướng. Bác chết đi, chúng nó sướng lắm đấy. Cố mà sống, bác ơi!

– Bác đang cố đây!

Ông gượng cười với tôi. Giọng ông đã yếu lắm, nghe không còn rõ, nhưng nụ cười của ông vẫn là nụ cười trước kia, chất phác và hồn nhiên làm sao!

Tôi ngồi bên ông, nắm chặt tay ông, tôi muốn truyền sức sống của tôi cho ông.

– Cháu ơi! – lát sau ông thều thào gọi tôi.

– Dạ!

– Sinh hữu hạn, tử bất kỳ, cháu ạ! – ông kéo tay tôi lên ngực ông, dưới bàn tay tôi trái tim người lính của ông đập chậm chạp và mỏi mệt trong lồng ngực trơ xương – Con người không chống nổi mệnh trời. Bác sẽ cố, nhưng nếu không cố được…

Tôi cúi xuống sát mặt ông để nghe cho rõ. Có thể đó là những lời cuối cùng ông nói với tôi:

-… đến lượt các cháu… phải gắng sức… vì đất nước…

Tôi hiểu ông muốn nói gì.

– Vâng, thưa bác. Cháu xin hứa với bác.

Tôi hôn lên trán ông, để rơi xuống đó một giọt nước mắt xúc động.

Ông mất ít ngày sau, khi tôi đã trở lại Sài Gòn.

Ông là người được nhân dân yêu mến. Đồng bào các vùng ông hoạt động thời bí mật vẫn nhớ ông. Hồi ông mới được thả có người dân Đình Bảng lén lút đạp xe về Hà Nội thăm ông. “Dân chúng cháu nhớ bác, sai cháu mang về biếu bác mấy con vịt để bác bồi dưỡng”. Bước vào nhà anh ta vui vẻ khoe với ông. Nói rồi te tái chạy ra ngoài tháo cái bọc trên đèo hàng xuống. Vừa mở cái bọc ra, anh ta bưng mặt khóc òa: “ Vịt chết hết cả rồi, bác ơi! Cháu phải mang giấu cho bác, mới bỏ chúng nó vào bao tải cho người ta khỏi thấy, khốn trời nóng quá chúng nó chết ngộp hết rồi!”. Tướng Giang cũng nước mắt ròng ròng.

Tôi vẫn phải rất cẩn thận khi viết. Mỗi khi có khách tới tôi phải dọn dẹp thật nhanh chồng bản thảo rồi mới bước ra phòng ngoài. Sợ nhất là những ông bạn thân tình. Vừa bước qua cửa là họ đã xộc thẳng vào phòng trong với tôi để được cởi bỏ áo quần mà nằm xuống sàn cho mát. Tôi lấy làm buồn không dám tin một ai. Kinh nghiệm nhà tù cho tôi biết những điều bí mật bị lộ ra bao giờ cũng từ những người thân chứ không phải những người qua đường.

Những trang vừa viết xong lập tức được mang đi cất giấu ở nhà những bạn tin cẩn, là những nơi tôi ít lui tới, do đó nằm ngoài sự chú ý của công an. Cái sự viết từng mẩu một, trong tâm trạng căng thẳng, làm tôi mệt. Lại còn phải kiếm sống nữa. Hồi đó tôi làm thuê cho các tổ hợp, khi thì giải quyết giùm họ một vấn đề kỹ thuật, khi thì đi kiếm nguyên liệu cho sản xuất. Thời gian còn lại cho cuốn sách rất ít. Tôi thấy trước nó sẽ có một khuyết tật mà các nhà văn rất kỵ là không có một mạch văn nhất quán. Ban đêm tiếng lách cách của máy chữ vang xa làm vợ tôi lo ngại.

– Anh gõ khe khẽ chứ.

Tôi thở dài, nhớ tới lời nhắc nhở thường xuyên của anh bạn tù xà lim. Tôi cố gõ khẽ hơn, nhưng cái máy chữ của tôi không bao giờ học được cách thì thào.

(Còn tiếp)


[1] Tạ Thu Thâu (1906-1945) một nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20, một lãnh tụ cộng sản đệ tứ của thời sơ khai của các phong trào cộng sản tại Đông Dương; Phan Văn Hùm (1906-1945) nhà cách mạng, nhà văn hoá, theo Trotskism. Cả ba ông đều bị Việt Minh sát hại vào tháng 9. 1945. Nói chung, chủ nghĩa Tờ-rốt-kít (gọi theo tên của Trotsky (tên thật là Lev Davidovich Bronstein, [1879-1940] một nhà mác-xít, bạn chiến đấu của Lênin) không có ảnh hưởng trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Trên thực tế, không ai hiểu chủ nghĩa Trotsky là gì, kể cả những người cộng sản. Họ chống chủ nghĩa Trotsky hùa theo Quốc tế 3, chứ mâu thuẫn giữa chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Trotsky nằm bên ngoài và nằm quá xa mục tiêu giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc điạ

[2] Quốc tế ca, bài ca chính thức của các tổ chức cộng sản, mở đầu bằng câu: “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn!”.

[3] Trong Cách mạng tháng Tám, ông Phạm Ngọc Thạch dẫn đầu Phong trào thanh niên cách mạng tiền phong ở Nam Bộ. Sau khi ra Bắc họp Quốc hội nước Việt Nam thống nhất năm 1946, ông ở lại làm công tác y tế. Ông giữ chức bộ trưởng Bộ Y tế trong một thời gian dài. Một bộ trưởng giản dị, làm việc hết mình, được phong Anh hùng lao động. Người ta thường gặp ông trong những quán phở bình dân vào những giờ khuya, một mình, không có bảo vệ, lái xe (ông tự lái), cần vụ… như các bộ trưởng khác.

[4] Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến sau khi lục tìm trong các thư khố ở Paris và Aix-en-Provence năm 1998 cho tôi biết tiền lương của một thợ sửa ảnh vào những năm 20 thế kỷ trước thấp hơn trợ cấp của Đảng Xã hội (và Đảng Cộng sản sau này) cho một cán bộ hoạt động biệt phái.

[5] Món ăn hổ lốn, gồm nhiều thứ rau thịt linh tinh.

[6] Dương Tường, nhà thơ cách tân, bạn thơ của Trần Dần. Trong vụ "Nhóm xét lại chống Đảng", anh bị nghi ngờ có liên quan với những người bị bắt, nhưng nhờ cách sống rất nghệ sĩ của anh, công an chỉ thẩm vấn anh vài lần rồi thả.

[7] Bửu Tiến (1918- 1992) Nhà viết kịch, nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng, bắt đầu từ đoàn kịch kháng chiến Liên khu 4. Được nhớ đến với các tác phẩm: Đề Thám, Người Sợ Trời Sập, Ba Con Huyền, Đào Tam Xuân Loạn Trào…Trong thời kỳ có vụ Nhân văn – Giai phẩm, anh đứng về phía chính quyền, phê phán gay gắt các văn nghệ sĩ bị dính vào vụ này. Khi tỉnh ngộ, biết mình sai lầm, Bửu Tiến công khai xin anh em bị Đảng trấn áp tha lỗi.

Ngay sau cuộc khởi nghĩa Tháng Tám dẫn đến sự thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, một phái đoàn các nhà lãnh đạo Nam Bộ đã ra Hà Nội. Hầu hết những người trong phái đoàn đều ở nhà tôi ở ngã tư Trần Hưng Đạo (tên cũ Gambetta) và Phan Chu Trinh (tên cũ Rialand), trong đó có các ông Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Công Tường, Cao Hồng Lãnh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tây…

[9] Trong một buổi giỗ ông Dương Bạch Mai tại Sài Gòn, mà tôi có mặt, tôi nghe thiếu tướng Tô Ký nói: "Thành phố này phải có một con đường mang tên Dương Bạch Mai. Trong khi người ta lấy tên những kẻ không xứng đáng với một ngọn cỏ để đặt tên cho một phố, thì người ta lại lờ đi những con người đã kéo theo mình cả khối quần chúng đông đảo đấu tranh cho độc lập dân tộc". Những người có mặt hiểu ông muốn nói kẻ không xứng đáng với ngọn cỏ là Nguyễn Chí Thanh, mà tên được đặt cho một con đường lớn tại thành phố Hồ Chí Minh.

[10] Ngô Y Linh (Nguyễn Vũ), Nguyễn Đình Nghi, Trường Nhiên về sau này là các đạo diễn sân khấu. Lê Thanh Đức, Ngô Mạnh Lân, Lê Đăng Thực, Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Quang Tuấn sau trở thành các hoạ sĩ, đạo diễn và quay phim điện ảnh.

[11] Bóng gió, không rõ ràng, hiểu thế nào cũng được.

[12] Tên thật là Nguyễn Văn Tước, bút danh Xích Điểu (1913-2003), đảng viên cộng sản, nhà báo, nhà thơ.

[13] Hồ Dzếnh, tên thật là Hà Triệu Anh, người Minh hương (1916-1991), nhà thơ, nhà văn, nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ trước Cách mạng Tháng Tám, với các tác phẩm “Chân Trời Cũ”, Quê Ngoại”, “Hoa Xuân Đất Việt”…

[14] Một trong những con chim đầu đàn của nền điện ảnh Việt Nam, phóng viên quay phim, đạo diễn, nguyên Cục trưởng Cục điện ảnh của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vào thời gian này là giám đốc xưởng phim Giải phóng.

[15] Sinh năm 1922, có bằng thành chung thuộc Pháp, được bầu vào Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam năm 1958, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng từ năm 1982 đến 1991, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước 1982-1988, thủ tướng Chính phủ từ năm 1991.

[16] "Ưởng sai chia dân thành từng nhóm, năm hộ, mười hộ, bắt họ kiểm soát nhau và bị ràng buộc với nhau. Ai không tố giác kẻ gian thì bị chém ngang lưng… " (Tư Mã Thiên. Thương quân liệt truyện, Sử ký).

[17] Trần Duy Hưng (1912-1988), bác sĩ, thị trưởng Hà Nội từ 1945, sau năm 1954 ông tiếp tục làm thị trưởng cho đến năm 1977, là thị trưởng lâu nhất của thành phố Hà Nội. Chính cha tôi đã khuyến khích ông đi với cách mạng (1945). Vài năm sau 1954, tuy vẫn có danh nghĩa chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông là thị trưởng bù nhìn, ngồi chơi xơi nước.

[18] Sinh năm 1931, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô Viết.

[19] Nhà văn chuyên viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng (1621-1695)

[20] (1907 – 1991), uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, bị khai trừ trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng”, nguyên bí thư xứ ủy Nam Kỳ.

[21] Nhà sử học, một trong những nhà cách mạng cựu trào của Nam Bộ.

[22] Thế mà Đảng cộng sản vẫn nhơn nhơn nói về một sự “xử lý nội bộ”.

[23] Nhà văn nữ, nổi tiếng với những tác phẩm mang cái nhìn mới đối với xã hội. Bị trấn áp, bị bắt tù, rồi được thả.

[24] Trần Độ (1923-2002), nhà văn, trung tướng QĐNDVN, nguyên phó chủ tịch Quốc Hội VNDCCH, nguyên trưởng ban Văn hoá Văn nghệ. Hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám khi còn ít tuổi. chính uỷ Mặt trận Hà Nội năm 1946, khi ông mới 23 tuổi. Về cuối đời, ông đứng về phía nhân dân đòi dân chủ hoá đất nước, bị khai trừ khỏi ĐCSVN.

[25] Nguyên trạng.

[26] Lumpenproletariat, từ của Marx.

[27] Sự tùy tiện của Duẩn-Thọ trong vụ "nhóm xét lại chống Đảng" thật rõ ràng. Ta hãy xem lại trình tự công việc của họ:

– Tháng 7 năm 1967, vụ án bắt đầu với việc bắt giam Hoàng Minh Chính, Phạm Viết.

– Tháng 11 năm 1968 (ngày 14) Ban chỉ đạo chuyên án mới được thành lập, tức là hơn một năm sau.

– Tháng 3 năm 1971 Bộ Chính trị mới nghe Lê Đức Thọ báo cáo, tức là gần bốn năm sau.

– Tháng 2 năm 1972 Ban Chấp hành Trung ương mới nghe Lê Đức Thọ báo cáo, tức là gần năm năm sau.

– Ngày 27. 1. 1972 Trung ương Đảng khóa III ra quyết định về việc " Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (khóa III, hội nghị 20) nhất trí phải thi hành kỷ luật về Đảng và kỷ luật hành chính (những người bị bắt trong vụ án) tùy theo trường hợp nặng nhẹ một cách nghiêm minh theo đúng chính sách xử trí của Đảng, không đưa ra truy tố trước pháp luật" (theo sự giải thích trong công văn của Trung ương Đảng khóa VII số 260-CV/TW, ngày 30. 6. 1995, có nghĩa là Trung ương Đảng khóa III đã ra quyết định… trước khi nghe Lê Đức Thọ báo cáo về vụ án một tháng).

[28] Đỗ Mười (tên thật: Nguyễn Cống) – đương kim tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp là bí thư khu ủy kiêm chính ủy quân khu tả ngạn. Là người ít học, nhưng nổi tiếng kiên định trong đấu tranh chống thực dân, giỏi dân vận, tác phong giản dị.

[29] Những chuyên gia về lý thuyết của ĐCSVN.

[30] Tôi viết những dòng này khi Hoàng Minh Chính chưa bị bắt thêm một lần nữa (lần thứ ba) và bị xử án một năm tù giam vì tội "lạm dụng những quyền tự do dân chủ". Đấy là dưới thời tổng bí thư Đỗ Mười.

Comments are closed.