Đức Phật: Chớ bao giờ nói dối

Nguyễn Ước

(Tặng các “đảng viên qui y”)

Với nội dung nhất nguyên vô phân biệt, tư tưởng Phật giáo không xét nói dối theo cặp đối xứng qui ước thiện/ác, tốt/xấu, tội/vô tội, v.v. mà được đặt trên cái ngã độc tôn, với một chiều kích sâu xa trong tâm thức. Nói dối là hành động, là nghiệp, là tạo nghiệp cho chính mình và gây cộng nghiệp cho xã hội. Nó nằm trong ba loại nghiệp do thân (thân thể), khẩu (lời nói) và ý (ý niệm) sinh ra.

Ta bắt gặp trong kho tàng Phật ngữ những từ ngữ liên quan xa gần tới nói dối như vọng ngữ, tà ngữ, đại ngôn, v.v. mà khi phát âm trong bối cảnh Hán Việt, mỗi chữ gây thành âm hưởng sắc nét trong cả hai cõi ý thức và vô thức,

Trong kinh sách Phật, lời nói không được đo lường tới nặng nghìn cân, nhưng mang hình ảnh ghê gớm của một cái búa. Đức Phật* dạy rằng “Mỗi người đời được sinh ra với một cái búa trong miệng. Kẻ ngu dùng lời thô tục là tự mình làm mình và người khác bị chấn thương bằng cái búa đó.” Ngay trong bài khai pháp đầu tiên, ở Lộc Uyển, Đức Phật đã đề cập tới vấn đề ngôn ngữ khi ngài công bố Bát Chính đạo[1]. Con đường tu tập thứ ba là “Chánh ngữ”, nói năng chân chính: không nói dối; không nói lời sỉ nhục làm người khác đau lòng, bị tổn thương; không thêu dệt thêm bớt; không nói lời nhảm nhí, v.v.

Cứu cánh tối thượng và tối hậu của con đường tu tập là thoát khổ, và cũng là chứng ngộ, giải thoát. Thế nhưng người nói dối là kẻ cố tình sống không thật với người và nhất là với mình, nghĩa là không bao giờ tự nguyện tìm tới sự thật nên chẳng vượt được chướng ngại, chẳng thể nào nhập được chân tâm, hòa với chân như. Do đó, còn nói dối là còn tự mình tạo nghiệp chướng, tự ngăn chặn mình càng lúc càng xa đích đến là chứng ngộ chân lý. Nghiệp trong quan hệ nhân quả của nó, một khi đã còn thì có thể kéo dài vô lượng kiếp, vì thế người nói dối thực chất là kẻ không tin vào nhân quả, nên còn nói dối là còn ngại, còn khổ mãi, còn vô tình hay cố ý chấp nhận khả năng trầm luân muôn kiếp.

Theo Đức Phật, lời nói dối là nước đã dùng để rửa chân, và người nói dối là cái thau vừa đựng thứ nước đó. Nước đó thành vô dụng, chỉ đem đổ bỏ, thau đó chỉ úp xuống đất, có lật ngửa lên cũng chỉ trống rổng, và đời người nói dối cũng thế. Kết thúc bài giảng cụ thể đó, ngài bảo rằng: “Đối với người cố tình nói dối, không có tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy La Hầu La [2] con hãy tập chớ bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.”

Như thế, nếu “chớ bao giờ nói dối” là một mệnh lệnh của Đức Phật, thì nó là mệnh lệnh tuyệt đối. Nếu không thể nói thật thì giữ im lặng, bằng mọi giá. Trong một tiền kiếp, ngài đã trả lời một hoàng đế khi bị hỏi về tung tích của con nai bị săn đuổi mà ngài vừa trông thấy, rằng: “Thưa đại vương, tôi là kẻ tu hành. Nếu tôi nói không thấy là tôi nói dối và phạm tội khi quân. Nếu tôi nói thật để đại vương giết con nai thì tôi phạm giới sát sInh.[.] Nếu đại vương bắt tội thì tôi sẵn sàng chịu chết chứ không thể nào trả lời cho đại vương được.”

Tại vườn Cấp Cô Độc, ngài đưa Chánh ngữ lên một tầm cao mới khi dặn các tì kheo rằng: “Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều rồi hưởng phước trong loài người, hưởng phước trên trời, chứng được niết-bàn. Pháp đó thế nào? Đó là không nói dối. Các Tỳ-kheo, người không vọng ngữ thì hơi miệng thơm tho, tiếng tăm vang xa. Thế nên các Tỳ-kheo, nên hành không vọng ngữ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!” Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.[3]

Trong cuộc đời thường tu tại gia của hàng ngũ cư sĩ, “Chớ bao giờ nói dối” được cụ thể hóa trong Ngũ giới [4]. Nó thuộc giới thứ tư: Bất vọng ngữ. Nó không hẳn là một điều cấm, hay một mệnh lệnh mà là một đại tự nguyện, nguyện từ bỏ một hành động tạo khẩu nghiệp. Để thực hiện thành công “đại tự nguyện không nói dối” người theo Phật thường xuyên quán chiếu[5] hành động của mình
.
Ghi chú:

* Đức Phật. Buddha. “Đấng Giác ngộ” (k.563-k.483 TCN) Tước hiệu của Hoàng tử Gautama Siddharta (Cồ Đàm Tất Đât Đa), đấng lập Phật giáo. Lúc chào đời là con trai của một Tiểu vương thuộc bộ tộc Sakya, cai trị xứ Kapilavastu (Ca-tì-la-vệ), cách Benares khoảng 160 cây số về hướng bắc, ở Nepal ngày nay. Tới khoảng 30 tuổi, ngài từ bỏ cuộc sống xa hoa cung đình, người vợ xinh đẹp, cùng mọi hoài bão trần thế, để xuất gia đi theo cuộc đời khắc khổ. Sau sáu năm sống hành xác khổ hạnh, ngài thấy trong lối sống chiêm nghiệm ấy con đường toàn hảo để tự giác ngộ.

Theo những tường thuật có tính truyền thống, Đức Phật thành giác ngộ khi ngài ngồi bên gốc cây bồ đề gần Buddh Gaya (Bồ đề Đạo tràng) ở Bihar. Suốt 40 năm kế đó, ngài giảng dạy, thu thập nhiều đệ tử và người theo mình, với giáo thuyết chủ yếu được trình bày trong Tứ Diệu đế và Bát Chính đạo, v.v. Ngài từ trần lúc khoảng 80 tuổi, tại Kusinagara ở Oudh.

Hệ thống giáo thuyết của Đức Phật được những người theo ngài tin rằng đó là một tín ngưỡng mới, nhưng một số tín đồ Ấn giáo lại bảo đó chỉ là sự cải cách mang tính cách mạng lý thuyết Bà-la-môn giáo. Điểm chính của giáo thuyết ấy là rằng cuộc hiện sinh nhất thiết là khổ não, và rằng “Niết bàn”, hay phi hiện sinh, cái toàn hảo chủ yếu, được sở đắc bằng sự tận hiến cần cù sống theo những qui tắc Phật giáo. Cái chết của thân thể không mang tới Niết bàn: cái chưa thiêng liêng (nghiệp lực) bị kết án phải luân hồi qua nhiều kiếp sống và tu tập, cho tới ngày được giải thoát, nghĩa là hết nghiệp/hết khổ, vì cuối cùng, hết thảy chúng sinh đều thành Phật.

Phật giáo lan truyền nhanh chóng khắp Ấn Độ, tới thế kỷ 3 TCN, chế ngự từ dải Himalaya tới Cap Comorin. Vào các thế kỷ đầu SCN, Phật giáo sa sút dần, bị sách nhiểu không ngừng bởi đạo Bà-la-môn khải hoàn vào các thế kỷ 7 và 8, đặc biệt phần kinh sách và các tu viện. Khi người Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ và thành công, Phật giáo bị loại hẳn ra khỏi xứ sở đó, chỉ còn lại ở Nepal và Tích Lan. Nhưng Phật giáo lan truyền sang Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, Trung Hoa và Nhật Bản, Việt Nam, v.v. Ngày nay, Phật giáo đang trên đà vươn lên thành một tôn giáo thế giới.

[1] Bát chính đạo (astangika-marga/atthangika-magga) Con đường tám nhánh mà tu tập theo đó thì thoát khổ. Bát chính đạo gồm: chính kiến; chính tư duy; chính ngữ; chính nghiệp; chính mệnh; chính tinh tiến; chính niệm; và chính định.

[2] La Hầu La (Rahula) Con trai của Đức Phật với bà Da-du Đa-la (Vasodhara). Đức Phật xuất gia khi La Hầu La mới chào đời. Tới năm 7 tuổi, được đưa vào Tăng già. Làm một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, và mất trước ngài.

[3] Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Ngũ giới.

[4] Ngũ giới (pancasila) Ngũ giới, năm đại tự nguyện tu tập của người Phật tử đã qui y (cư sĩ). Gồm có: Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối (xằng bậy); và không uống rượu.
[5] Quán chiếu Nhìn rất sâu (quán) vào một vấn đề hay một sự việc, soi rọi trở lại (chiếu) trong tâm (lòng) của mình để tự mình hiểu tận tường nó.

Comments are closed.