Vũ Thư Hiên
Giáng Sinh năm nào không nhớ, tôi đến thăm đại uý Việt. Tôi đến trùng vào lễ Giáng Sinh chứ không phải nhân ngày Giáng Sinh. Chúng tôi tất thảy đều được dạy dỗ chủ nghĩa duy vật, không tin Chúa Trời, không tin Phật, không tin thần, không tin thánh, không tin ma quỷ.
Bốn đứa trẻ ùa ra:
– Chúng cháu chào bác ạ.
May, trong túi tôi có gói kẹo mua cho con. Cả bốn đứa bâu lấy tôi.
Việt xiết chặt bằng cánh tay còn lại.
– Tưởng cậu toi rồi. Sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám, tớ không còn nghe đứa nào nhắc đến cậu.
– Tớ cũng thế, cũng tưởng cậu ngỏm – tôi nhìn bên tay áo lõng thõng của anh – Hoàng Hoa Thám là cái lò nướng cả quân lẫn tướng. Thằng Cung cho tớ địa chỉ cậu. Nhớ nó chứ?
– Ờ, thằng Cung. Nó có đến tớ một lần. Lâu lắm rồi.
– Cung vừa mất. Cậu biết rồi chứ?
– Tớ có nghe tin.
Anh lôi tôi vào nhà.
Nhà là cách chúng tôi gọi nơi ở. Nhà Việt là một cái phòng hẹp chia làm hai trong một ngôi nhà nhỏ, kê được hai giường. Cái lớn cho trẻ con. Cái nhỏ cho vợ chồng Việt. Với một cái bình phong ngăn cách. Thứ bình phong này bây giờ ít có. Bằng gỗ quý hẳn hoi, vững chãi, lại còn khảm xà cừ với các tiên nữ lả lướt và đủ thứ hoa hoè hoa sói. Sau bình phong là một bức màn gió căng cao, làm thành một phòng trong ngăn cách với phòng ngoài. Trên bàn nước là một cái giỏ tích sứt sẹo bên mấy chén sứ Hải Dương méo mó. Người ta kể: xây nhà máy gốm sứ ở đâu chả xây, xây ngay bên đường xe lửa, gặp lúc xe lửa rầm rầm chạy qua là mọi sản phẩm thành phế phẩm, ấm với chén méo xẹo. Thời ấy cái gì cũng thiếu, mọi thứ đều phân phối theo tem, theo phiếu, chỉ có thứ này bán tự do. Tôi cũng mua một bộ – méo mó có hơn không.
Một con bé chạy lại, ôm lấy bố:
– Phần con có hai cái, bố ơi!
– Thế anh chị mấy cái?
– Cũng hai cái ạ.
– Công bằng rồi mà.
– Nhưng con bé nhất phải được hơn chứ.
Việt xoa mái tóc tơ của con:
– Lần khác bác sẽ cho nhiều hơn.
Chúng tôi quen nói dối trẻ con. Mua phân phối có bao giờ được theo ý mình. Nhà nước cho lần nào biết lần ấy, cho bằng nào biết bằng ấy.
– Cháu là thứ mấy đấy?
– Thứ tư.
Chị Việt đi chợ về, chắp tay chào tôi.
– Hôm nay cậu đến, còn sống là vui rồi, chúng ta phải ăn mừng – Việt hồ hởi giới thiệu tôi là bạn cùng đơn vị cũ – Bà xem trong nhà có gì cho chúng tôi liên hoan không?
Chị thần mặt:
– Còn mỗn con gà.
Việt bảo:
– Thịt. Nó hết đẻ rồi. Nuôi làm gì, tổ tốn cơm.
– Nó vẫn đẻ – chị cãi – Chỉ bữa đực bữa cái thôi.
– Tiếc à? Tôi bảo: thịt là thịt – Việt nói, giọng ra lệnh – May là trộm chưa tha đi.
Chị xịu mặt, quay ra.
Tôi thì thào:
– Nghe nói vợ chồng cậu ly dị mà.
Việt lắc đầu:
– Nào có ly dị được. Số hai đứa nó thế – phải sống với nhau.
Chị quay về, tay nắm hai chân con gà. Nó rất dữ, phành phạch hai cánh.
– Toà bác?
Chị nghe thấy, hiểu chúng tôi đang nói chuyện gì.
– Không, họ hoà giải, anh ạ – chị đứng lại, nói – Hôm ra toà, em bụng to. Bà chánh án hỏi: “Chị ngoại tình nên chồng muốn bỏ?”. “Dạ, không phải, nhà em với em chỉ hay cãi nhau. Em đi xem bói, thầy bảo tại số khắc khẩu”. Bà ấy chỉ bụng em: “Thế chị chửa với ai?”.
Việt vừa nghe vừa xoa cái cằm lún phún râu, xác nhận:
– Bà ấy lấy ngón tay ở ngang bụng chỉ vào tớ. Toà hỏi: “Có đúng thế không?” Tớ nói: “Thưa, đúng”.
– Toà bác đơn?
– Chứ còn sao nữa? – Việt gật – Con út ít ụt ịt này là quà Giáng Sinh của Chúa đấy.
– Là thế nào?
– Là tại cái thằng Cung phải gió.
– Sao lại tại nó?
Việt đợi cho vợ đi khỏi mới kể tiếp:
– Cung nó Thiên Chúa giáo. Ở đơn vị nào nó cũng chỉ cảm tình đảng, mãi không được kết nạp.
– Chuyện ấy tớ biết.
– Chả hiểu sao đảng lại thế – muốn thành đảng viên thì không được theo đạo.
– Nghe nói bây giờ khác rồi.
– Cũng không khác bao nhiêu đâu.
– Cậu kể tiếp đi, sao lại tại thằng Cung?
Việt lấy bàn tay còn lại xoa cái cằm lún phún râu đã có nhiều sợi bạc.
– Là thế này. Cung nó đến. Bà ấy làm cơm đãi khách. Hai thằng ăn, hai thằng uống, cười vang nhà. Chuyện không dứt.
– Cậu chưa nói: tại thằng Cung là thế nào?
Việt cười tủm, kể:
– Khuya rồi – tớ bảo nó – Ngủ lại đây, ta chuyện tiếp.
– Được thôi.
– Tớ dọn cái phản, hai thằng ta nằm với nhau. Mẹ nó ngủ với trẻ con.
Cung xua xua tay:
– Không. Tớ quen ngủ riêng. Tớ nằm dưới sàn. Cậu vào với vợ. A lê hấp.
– Rồi sao?
– Còn rồi sao cái gì. Tớ tuân lệnh nó. Nó đặt mình là ngáy vang nhà.
– Ờ, rồi sao?
Việt cười khì:
– Rồi ra con út ít này đấy.
– Không ly dị nữa?
– Ra khỏi toà tớ đèo bà ấy về.
Ngồi sau tớ, bà ấy hỏi:
– Thế không ly dị nữa hở mình?
– Ly dị làm cái đếch.
– Thật à? – bà ấy giật áo tớ.
– Thật – tớ quay lại nhìn bà ấy thì thấy bà ấy chùi nước mắt, miệng mếu máo.
Tôi không nhịn được cười. Tôi đang ngồi trong ngôi nhà của một gia đình ấm cúng.
Việt cười theo. Với một chút bẽn lẽn.
Chúa lòng lành. Chúa rất thánh.