Nghiên cứu chế tạo chip ở Việt Nam – Chuyện bây giờ mới kể

Chu Hảo

Có lẽ tôi thuộc thế hệ đầu tiên những người dính dáng đến Công nghệ Vi điện tử (CNVĐT) ở Miền Bắc nước ta từ cuối những năm cuối thế kỷ trước. Là người trong cuộc ở giai đoạn ban đầu ấy, tôi xin thưa ngay: Chiến lược đó được đề xuất từ những năm 70 thế kỷ XX, và giới khoa học – công nghệ có liên quan đã cố gắng không ngừng nghỉ để triển khai. Tiếc thay tất cả chỉ là một “thất bại toàn tập”, mà cái thất bại cuối cùng mới xảy ra gần đây thôi (sẽ được kể ở phần cuối bài này).

Tôi là người trong cuộc vì năm 1976 khi đang nghiên cứu (về lý thuyết chất rắn) ở Viện Vật lý thì anh Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) có ý định giao cho tôi làm Vụ trưởng Vụ Kế hoạch. Tôi phân trần với anh rằng tôi chỉ muốn làm chuyên môn, nhưng anh gạt đi: “Cậu vẫn làm chuyên môn, cậu cùng làm về lý thuyết bán dẫn với tớ”. Tôi bảo tôi không làm được đâu ạ! Quản lý Kế hoạch là một nghề nghiêm chỉnh, không kiêm được đâu, anh tha cho. Sau đó tôi biết là mình phải ra đi vì nghĩ rằng nếu ở lại thì không làm chuyên môn được nữa. Tôi tìm gặp anh Vũ Đình Cự ở Khoa Toán Lý Đại học Bách Khoa Hà Nội hỏi xem có thể về chỗ ấy giảng dạy được không? Anh hồ hởi bảo về ngay đi! Mấy ngày sau tôi mang công văn xin cán bộ giảng dạy của Đại học Bách Khoa Hà Nội, kèm theo đơn xin thôi việc lên trình Viện trưởng. Buổi sáng lên trình bày bị anh ấy đuổi về, đầu giờ chiều lại lên, cũng bị đuổi về. Đấy là một ngày mưa tầm tã, tôi buồn chán đến não lòng và nghĩ rằng đây là ngày định mệnh, hôm nay không xin đi được thì không bao giờ nữa! Thế là tôi lại lên phòng Viện trưởng. Mở cửa ra thấy ánh mắt rất chán nản của anh mà sợ, nhưng tôi cứ bước tới đặt lá đơn lên bàn. Thật bất ngờ, chẳng nói chẳng rằng, anh phê luôn chữ “Đồng ý!”, rồi ký mạnh đến nỗi rách cả giấy! Phải mấy năm sau tôi mới gặp lại anh trong bầu không khí thân thiện vui vẻ, như chẳng có việc gì xảy ra.

Anh Cự giao cho tôi tiếp tục giảng giáo trình Vật lý chất rắn cho sinh viên năm thứ ba mà anh đang đảm nhận, đồng thời đồng ý cho tôi chuyển sang nghiên cứu Vật lý các linh kiện bán dẫn cho gần với thực nghiệm hơn, để chuẩn bị tham gia êkip xây dựng Phòng thí nghiệm Vi điện tử (VĐT) do Hà Lan giúp đỡ, có thể coi là phòng thí nghiệm đầu tiên ở nước ta trong lĩnh vực này để nghiên cứu và giảng dạy. Đây là phòng thí nghiệm chế tạo mạch tích hợp cỡ nhỏ trên cơ sở liên kết các linh kiện đơn cực MOS được tạo ra trên bề mặt phiến silic bằng công nghệ SILOX, đồng bộ tất cả các khâu xử lý phiến silic từ đầu đến lúc thành các mạch (logic) tích hợp. Tôi phụ trách Phòng thí nghiệm này với rất nhiều hoài bão chế tạo chip. Công việc đang vào đà phấn chấn thì cuối năm 1979 chương trình hợp tác với Hà Lan phải dừng lại vì chính phủ nước này phản đối mạnh mẽ việc Việt Nam “xâm lược” Campuchia. Phòng thí nghiệm dừng hoạt động. Đấy là thất bại thứ nhất.

Thất bại thứ hai liên quan đến Nhà máy Z181 của Bộ Quốc phòng sản xuất (gia công) các linh kiện bán dẫn do khối SEV giúp đỡ và đặt hàng. Đến 1989, khi Liên Xô (LX) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, cơ sở này cũng tan rã theo.

Sau khi phòng thí nghiệm VĐT Đại học Bách Khoa Hà Nội ngừng hoạt động, tôi may mắn nhận được học bổng một năm (CROUS) của Chính phủ Pháp do Bộ Đại học & Trung học Chuyên nghiệp phân cho Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tôi sang Pháp đầu năm 1980. Vì vẫn mơ ước được góp phần xây dựng ngành CNVĐT cho Việt Nam nên tôi lại chọn chuyên ngành Vật lý các linh kiện bán dẫn ở Đại học Lille (chủ yếu tham gia giảng dạy), đồng thời tham gia nhóm nghiên cứu ở Đại học Bách Khoa Grenobe. Lúc đó ở Châu Âu sản xuất các linh kiện bán đẫn cỡ mm, thì ở Grenobe chúng tôi đã nghiên cứu MOS cỡ nano. Vì có kết quả nghiên cứu tốt nên tôi được Phòng thí nghiệm VĐT ở Lille cho ở lại làm luận án Tiến sĩ quốc gia (Docteur d’Etat). Tôi xin mở ngoặc kể thêm một chuyện “thất bại” của riêng cá nhân tôi cho vui. Khi sắp nộp luận án thì anh Nguyễn Đình Tứ, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Đại học & Trung học Chuyên nghiệp lệnh cho Sứ quán báo cho tôi không được bảo vệ vì Sứ quán LX ở Hà nội phản đối với lý do Phó tiến sĩ của LX tương đương với Tiến sĩ quốc gia Pháp (?!). Tôi viết thư về cho anh Tứ nói rằng tôi không quan tâm đến sự tương đương đó, tôi chuẩn bị bảo vệ một luận án với chuyên môn hoàn toàn khác, và rằng ngày xưa Ông Trần Đại Nghĩa lấy vài bằng kỹ sư bên Pháp cơ mà. Nhưng đương nhiên là không có thư trả lời và tôi “y án”. Đáng lẽ sau anh Trần Mạnh Trí là người đầu tiên có bằng Phó tiến sĩ ở Nga về Hóa Dầu, sang Pháp trước tôi ít lâu, bảo thành công luận án Tiến sĩ quốc gia Pháp vào năm 1983, thì sau đó đến tôi là người thứ hai có điều kiện làm như anh Trí. Nhưng đầu năm 1985 tôi đành hậm hụi ra về. Và từ đó không có ai đã nhận bằng Phó tiến sĩ LX được sang Pháp làm Tiến sĩ quốc gia nữa! Tuy vậy sau này tôi vẫn có học hàm Tiến sĩ của nước nhà (“chỉ sau một đêm” như vẫn được mang ra riễu cợt) giống các bạn đồng nghiệp khác. Lúc biết tôi không được bảo vệ anh Vũ Đình Cự nhắn tôi về nước ngay có việc hay lắm. Mà hay thật!

Về Hà Nội hôm trước, hôm sau tôi đến chỗ anh Cự. Anh bảo: “Ở nhà bọn mình đang xin thành lập Viện Vật lý Kỹ thuật (VLKT) trực thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội như các trường đại học nghiên cứu ở bên ấy. Khốn nỗi ở Việt Nam ta Viện nghiên cứu ngang với trường đại học, nên Bộ Đại học & Trung học Chuyên nghiệp và Ủy ban Khoa học & Kỹ thuật không đồng ý, phải xin cụ Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ấy Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tức Phó thủ tướng) thôi! Cậu mới ở bên ấy về, lên giải thích chắc Cụ nghe đấy”. Cụ nghe thật! Và đấy là Viện nghiên cứu, nằm trong một trường đại học, lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta.

Nhưng đấy mới là màn dạo đầu của anh Cự thôi. Xong việc thành lập Viện VLKT, chúng tôi (Vũ Đình Cự, Trần Đình Anh và tôi) bắt tay ngay vào việc xúc tiến thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (NCCNQG). Vào thời gian ấy ông Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kinh tế Tố Hữu mới đi họp khối SEV về, báo cáo ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười một thông tin quan trọng: LX và các nước xã hội chủ nghĩa thừa nhận kém hẳn phương Tây về các công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế. Hai ông gọi anh Cự lên hỏi ý kiến và đi đến kết luận: Giao cho GS-TSKH Vũ Đình Cự thành lập một cơ sở khoa học kỹ thuật mới với mục đích học tập công nghệ tiền tiến của phương Tây. Viện NCCNQG ra đời trong hoàn cảnh ấy. Anh Cự còn nói rõ là các cụ ấy cho cơ chế rất đặc biệt: ngang tầm với Viện Khoa học Việt Nam của anh Nguyễn Văn Hiệu và Viện Năng lượng Nguyên tử của anh Nguyễn Đình Tứ, tức là như một đơn hành chính cấp Bộ, có dấu hình quốc huy hẳn hoi; hơn nữa lại hoạt động theo quy chế MẬT, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế.

Lúc đầu Viện NCCNQG do anh Cự là Viện trưởng chỉ có ba đơn vị nghiên cứu: 1) Viện Công nghệ laser do anh Trần Đình Anh (do Bộ Công an phái sang làm Viện phó Viện NCCNQG) kiêm nhiệm Viện trưởng viện này. Mục tiêu đầu tiên là nghiên cứu ứng dụng công nghệ laser vào y tế và quốc phòng. 2) Viện Công nghệ VĐT, do tôi phụ trách, nhiệm vụ trước mắt là nghiên cứu chế tạo và sản suất máy Vi tính bắt đầu từ loại CPU 8 bit rồi 16 bit. 3) Viện Công nghệ quang điện tử, do anh Đặng Xuân Cự (cũng từ Bộ Công an sang, phụ trách), nhiệm vụ bước đầu là nghiên cứu ứng dụng cáp quang trong Viễn thông.

Thế là tôi lại nuôi mộng làm chip, bắt đầu từ việc chế tạo máy tính để bàn với con CPU 8 bit mạnh nhất của Nhật lúc đó. Mấy kỹ sư phần cứng và phần mền học ở Hung về ngày đêm miệt mài làm việc. Khoảng cuối năm 1988 thì 10 chiếc máy tính 8 bit đã được sản xuất loạt Prototyp 10 chiếc. Tất cả linh kiện và bàn phím đề mua của nước ngoài. Thiết kế, BIOS, phần mềm giao diện và điều khiển bàn phím đều do ta tự làm. Bước tiếp là nhập dây chuyền lắp bảng mạch chính (mainboard) và lắp ráp hàng loạt để cung cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đang lắp ráp dây chuyền thì không may, do nhóm trực ban đêm sơ suất để kẹt motor máy ổn áp gây ra vụ cháy rất tệ hại, thiêu trụi toàn bộ Phòng Vi tính đã được đầu tư khỏang 100 nghìn USD (lúc ấy cho nghiên cứu là to lắm!). Tôi suýt bị truy tố, còn cả Viện thì hoang mang! Chúng tôi phải còng lưng buôn bán máy tính để hoàn vốn đầu tư đã làm thất thoát. Thế là tiêu ma luôn cả dự án cho bước tiếp theo là mua dây chuyền sản suất mạch tích hợp của Hung trị giá hai triệu USD mà chúng tôi đàm phán đã gần xong. Lúc ấy chúng tôi còn hơi sức đâu mà lo đến việc làm Chip nữa! Đó là thất bại thứ ba mà tôi trực tiếp gánh chịu.

Thất bại thứ tư là chủ yếu là đối với Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, liên quan đến việc mời Intel vào Việt Nam lập nhà máy làm chip. Tôi đã đeo bám dự án này của Intel hơn hai năm trời, bắt đầu từ cuộc gặp đầu tiên với anh Thân Trọng Phúc, Đại diện Itel ở Việt Nam, vào năm 1999 thì phải. Tôi hỏi anh: “Muốn đưa Intel vào Khu CNC Hòa Lạc thì phải bắt đầu từ đâu?”. Về sau này khi trả lời phỏng vấn, anh nói rằng thật ngạc nhiên thấy một quan chức cấp Bộ hỏi một cách thẳng tưng và cụ thể như vậy. Thế là hai chúng tôi vạch ra một lộ trình cụ thể, từng bước, từng bước ròng rã hàng năm trời thuyết phục ông chủ tịch Intel và bộ sậu của ông chuyển Dự án Xây dựng Nhà máy mới từ Thái Lan về Việt Nam. Thủ tướng Phan Văn Khải rất ủng hộ và chỉ thị các Bộ phối hợp thỏa mãn mọi yêu cầu của Intel thông qua Tổ công tác đặc biệt (task force) do anh Nguyễn Mại đứng đầu. Khi Intel đã đồng ý chọn Việt Nam thì vấn đề làm cho tôi đau đầu là Chính phủ có ý kiến cho họ lưa chọn giữa Khu CNC Hòa Lạc hay Khu CNC Sài Gòn, họ vào chỗ nào đều tốt cho Việt Nam cả. Tôi ra sức vận động Tổ đặc nhiệm thuyết phục Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ép bằng được Intel chấp nhận triển khai Dự án ở Hà Nội vì hai lý do rất chính đáng: 1) Khu CNC cần phải đặt ở nơi có nhiều viện nghiên cứu và trường Đại học mạnh. Vào lúc ấy 70% lực lượng này nằm ở phía Bắc. 2) Theo quan sát thực địa của chúng tôi ở Thái Lan và Malaysia Intel đến đâu cũng sẽ kéo theo rất nhiều công ty CNC khác đến đầu tư quanh vùng đó, như vậy sẽ tạo được sự cân bằng công nghiệp giữa hai miền. Tôi nói Chính phủ phải ép Intel đầu tư ở Hà Nội như ngày trước đó ông Võ Văn Kiệt đã ép Daewoo mới hợp lý. Nhưng hôm chuẩn bị hội đàm phiên cuối cùng, anh Thân Trọng Phúc nói với tôi: “Chính quyền TP HCM đang vận động cho Khu CNC Sài Gòn rất mạnh. Họ hứa là ngoài các ưu đãi mà Trung ương đã thỏa thuận, chính quyền địa phương sẽ ưu đãi thêm “một chút” nữa nếu Intel đầu tư ở Sài Gòn. Anh có “bài” gì mới thì đưa ra ngay không thì thua đấy!”. Tôi nghĩ là khéo “thua” vì cái “một chút” kia chắc to lắm! Và sau đấy thì biết chắc chắn là thua vì có lời nhắn nhủ từ cấp trên: “Nó vào đâu cũng có lợi đất nước, anh Chu Hảo mà làm căng quá để nó bỏ Việt Nam là có tội to đấy!”. Thế là tôi “công cốc dã tràng”: đặt cược một cửa vào Intel cho kết quả bằng Zero đối với Khu CNC Hòa Lạc. Còn nhà máy chế tạo chip ở Khu CNC TP HCM vẫn là của nước ngoài chứ hình như chưa có gì gọi là chuyển giao công nghệ. Thế cũng là thất bại.

Thất bại thứ năm mới xảy ra vài năm gần đây liên quan đến các dự án đầu tư do ICDREC (Trung tâm Thiết kế Nghiên cứu Đào tạo Mạch Tích hợp) của Đại học Quốc gia TP HCM chủ trì, nhằm xây dựng một tổ hợp nghiên cứu và sản xuất Chip hùng mạnh và duy nhất của Việt Nam. Tôi đã mừng vì cuối cùng ước vọng Việt Nam sản xuất được chip sắp thành hiện thực. Nhưng rồi, đề án này tốn kém hằng trăm tỷ đồng cũng không dẫn tới đâu, không làm bật lên các con chip “made in Vietnam” như nhiều người đã “đặt kỳ vọng” vào nó.

Thế đấy! Đúng là thất bại toàn tập. “Bao giờ cho đến tháng Mười”?

Hà Nội, mùa Covid-19 tháng 5 năm 2021

Comments are closed.