Người chôn ký ức

Truyện Hoài Ziang Duy

Hai người già là hàng xóm của nhau, trên một đất nước không phải đất nước họ đã sinh ra, đã chia rẽ họ, khiến họ bước đi trên hai con đường ngược hướng. Họ có những nỗi niềm riêng hết sức khác nhau, nhưng vẫn có chỗ giống nhau: tự thấy mình đã mất mát quá lớn, không thể nào thay đổi, không thể nào bù đắp.

Người đào hố tâm trạng nặng nề, nhiều uẩn khúc hơn. Bởi ông là kẻ thua cuộc. Và ông đang phải chịu đựng nỗi đau đầy bất lực của tử biệt sinh ly. Người hàng xóm suy nghĩ đơn giản hơn, nhưng cũng chẳng là người vui sống. Bởi vì, dù thuộc về bên thắng cuộc, ông hiểu rõ cuộc đời mình đã bị phung phí một vô ích trên bàn cờ chính trị.

Điều an ủi duy nhứt là, dù không nói ra lời, họ đang chia sẻ cùng nhau những khoảnh khắc sống, rất nhỏ né, nhưng cũng rất con người…

VĂN VIỆT


Từ ý thơ trong em ta có cõi miền thịt da, đã buộc ông bồi hồi khi làm công việc này. Người đàn ông dáng cao gầy, đang cuốc xuống đất từng nhát. Khu vườn với hàng cây lá rậm, phía sau ngôi nhà lặng lẽ. Lúc này biết ai chia sớt cùng. Năm xưa Tử Nha câu cá chờ thời với sợi dây không lưỡi. Còn ông đang trốn chạy cuộc đời, trốn chạy chính bản thân mình. Những nhát cuốc chém xuống đất hay cuốc xuống lòng ông, cái hố thẳm của người lỡ vận.

Ông hàng xóm đứng kề bên tự lúc nào, từ phần đất nối liền không có rào ngăn cách, đôi khi chỉ chào hỏi qua loa. Lần này ông ta xen vào:                     

-Mệt rồi, nghỉ chút đi. Đào hố trồng cây à?

-Không. Đào hố chôn người.

-Bác chôn ai thế?

-Nhà tôi.

-Chôn người thật à? Họ đâu cho phép mình làm vậy.

-Mặc tôi.

Ông vẫn cuốc xuống vừa đủ một chỗ nằm. Càng đào sâu, càng nhìn rõ hình ảnh vợ ông. Lần này chắc bà không trở về nữa. Gần năm tháng nay ông đã mỏi mòn vào ra  chăm sóc, phải bỏ cả việc làm để đánh đổi cái chi phí chánh phủ trợ cấp trị liệu. Bà nằm đó, ngồi lên để nói chuyện cùng ông, như người bình thường. Từ bình dưỡng khí, hai sợi dây thọc vào mũi. Tim đập, bà còn thở, còn nhìn. Còn được bao lâu, còn được bao ngày để ông nắm níu. Đã thử rút dây ra, bác sĩ làm vậy. Nhưng không ổn. Hỏi ông tính thế nào? Biết sao. Cái chữ biết sao đã làm ông trăn trở biết bao ngày. Khi bà nằm xuống, ông chỉ còn khả năng thiêu thôi. Ông không muốn bà biết điều đó. Cái hố ông đào cho bà nhập thổ. Được vậy để an ủi phần nào. Mấy lần bà cầm lấy tay ông nắm chặt. Muốn nói, muốn gởi gắm một điều gì đó, nhưng ngào nghẹn, không nhớ, không diễn tả được. Tấm lòng thương cảm, cô độc chỉ có mình ông hiểu. Còn được bao ngày! Cái ông hàng xóm vớ vẩn nào hiểu việc ông làm.

-Bác có xin phép được không?

-Phép gì?

-Đã bảo là chôn.

-Đâu cần xác.

Trên đầu tôi cái nón sắt, đã bỏ quên nơi nào đó. Bao lâu rồi không nhớ nữa. Tôi đang trốn chạy chính mình. Mỗi ngày với phần việc trong trường học, nhìn chúng, nhìn tuổi nhỏ. Tôi đang tập nói, tập sống, tập lớn lên ở phần đời còn lại, khác gì một đứa bé ngây thơ. Đừng hỏi chuyện năm xưa, đừng bắt tôi trả lời, chuyện oan khiên đất nước. Là người ai không có quê hương để nhớ thương, ấm lòng. Quê tôi có cây cầu sắt bắc ra sông, không có tên, họ gọi là cầu Quan, chỉ để dành riêng cho quan chức thuộc địa mỗi chiều ra hóng gió, nghe hòa nhạc. Thuở nhỏ chúng tôi lội dưới chân cầu, những khi trống vắng, leo lên. Cái quần xà lỏn trên thân thể gầy còm, đứng tồng ngồng dưới trời thanh gió mát. Nhìn lên trời cao, mơ một ngày công hầu khanh tướng. Tuổi thơ tôi bắt đầu từ đó.

-Bác này. Giọng ông hàng xóm. Thằng con tôi sang trước, bảo bác cũng một thời oanh liệt. Tôi nghĩ mãi vẫn không nhớ được tên bác trước kia. Chỗ hàng xóm, nói thật trông bác cầm cuốc, nguyên tắc đã sai cơ bản. Có ai ngờ một ngày tôi và bác lại trở thành láng giềng thế này. Trước kia là tướng à?

-Có đâu, tôi bỏ chạy mà. Còn ông?

-Tôi bỏ trốn.

-Vậy khác gì, cùng bỏ nước như nhau.

-Trông hố bác đào tôi bắt nhớ, trông bác cuốc lòng tôi thấy đau. Cả đời chỉ một lần dự phần lầm lỡ, cứ ám ảnh mãi không rời.

-Ông cũng đào hố chôn người à?

-Không đâu. Trồng cây vú sữa. Người hàng xóm lắc đầu nói. Chính tôi là người chăm sóc, vun phân tưới nước mỗi ngày, ướp bằng trà sen, hoa nhài, hoa cúc đủ loại, đôi khi bằng cả nước tiểu chính mình để góp phần. Hồi đó ngoài Bắc chỉ có một cây đại diện cho miền Nam bác ạ.

-Tôi thấy đâu phải là ông.

-Ấy. Ông thấy hình Bác à. Chụp để làm cảnh thôi. Chính thật là tôi. Quê nhà tôi, vườn nhà tôi, trồng nhiều loại này, khi tập kết ra Bắc nghĩ rằng nó tuyệt chủng.

-Tuyệt giống chứ.

-Không, họ nói là tuyệt chủng. Nghĩ đến mẹ, tôi náo nức làm công việc này cho người. Dạo ấy họ đồn ngực Thẩm Thúy Hằng tài tử trong Nam to lắm ông ạ. Nghĩ đến trái vú sữa thơm tròn mộng nước, đêm nằm mơ cắn, áp mặt vào, máu nóng rần rật. Sáng ra bải hoải cả người, cung ứng một lần dinh dưỡng cho cây. Họ tôn kính trân trọng, đâu biết giấc thiên thai của mình. Hàm tôi là kỹ sư cây trồng, nghiên cứu giống vú sữa, phục vụ nhân dân đang khát khao loại cây trái hiếm quí này. Sau những công trình đi chuyên, tôi là tướng vú sữa ông ạ. Khi vào Nam, về lại quê nhà, mẹ tôi đã mất. Vườn cây trái vẫn còn đó, tự vươn lên, tự sống cho một chủ thuyết tự do. Tôi nản quá. Ông thua một trận đâu bằng tôi thua cả tâm huyết đi theo. Vú sữa ngoài đó, không đặt kề bên, vẫn thấy nó đèo hơn vú Thẩm Thúy Hằng ông ạ. Chỉ nói thế thôi, ông đừng nghe rạo rực. Ấy đấy, coi chừng ngã.

Hình như tôi vừa ngã xuống thật. Quần áo ướt, lội vào bờ. Lội theo dòng sông thơ ấu để lớn thành người. Những bàn tay níu kéo lên, giữ lại. Họ đặt tôi ngồi yên. Ngoài kia là biển cả, sóng gào. Tôi đang thua cuộc chính mình, không nói gì hơn, nghe lòng chùng xuống ở cuộc tháo chạy áp đặt. Cuối cùng gặp lại nhà tôi ở đảo Guam. Vậy là rời khỏi nước như giấc mơ bất chợt. Cái ân huệ là gặp lại người thân. Vợ chồng nhìn nhau thất vọng. Ông đừng ngạc nhiên khi nghĩ hạnh ngộ là niềm hạnh phúc. Cái tình riêng không lấp nổi sự tan hoang bất ngờ chụp xuống. Có sống, có nhớ lại trong hoàn cảnh bấy giờ ông mới hiểu, ai cũng quên thân, chỉ thấy nỗi đau đớn bị bội phản. Tôi còn gì ngoài một người đàn bà bên tôi ở phần đời còn lại. Nghiệp chiến chinh, bản thân bị mai mỉa bỏ chạy. Áo tôi đang mặc, danh tôi ngày xưa, có gì đáng giữ, khi mà chiếc áo thun của người lính nào đó, được kéo lên thay cho ngọn cờ trắng qui hàng. Tôi đang đứng chỗ nào ông nhỉ? Cái quần xà lỏn tắm sông ở phần dưới, cái áo thun tơi tả bay trên đầu, biểu hiện thành bại. Tôi đu ở giữa phần dây mà sống được chăng.

-Thế bác có viết nhật ký hay hồi tưởng không?

-Miệng đời nói đủ cả, đủ nghe, viết làm gì.

-Nhưng biết họ có nói thật?

-Mình nói, họ có tin là thật, hay chỉ khơi lên cái ảo giác không phải là mình, chính họ hay là bác không chừng.

-Nghe bác nói mà thấy xốn xang. Cả đời tôi sống dưới tàng cây vú sữa, gốc rễ bám vào thân, muốn cởi quần ra đứng đái một phát, chả nhẽ tôi chửi cha sự nghiệp của mình cho mọi người nhìn thấy!?

-Sao ông thích đề cập tới danh từ thân thể thế này. Còn không?

-Không còn nên tôi muốn nhớ. Người ta trông thấy nó nhiều, chứ không là một duy ngã độc tôn. Nó bị bỏ quên tàn nhẫn, quên cả công lao gian khổ hô hào của tôi năm xưa, quên cái gật đầu lịch sự. Sống mà không có quá trình chính trị không ổn được, nhưng bám vào theo, cuối đời chỉ thấy bội bạc.

Cuộc đời không nghĩ một ngày mình đối mặt. Đứng gần bên nhau, nói câu thân thiện, tự do trong cõi lòng bình yên. Chiến trường là cơn đau thương hồng thủy, không có nghĩa thủy chung, đã cuốn hút, trôi đi, bỏ lại sóng ghềnh đá cạn. Cái lớp trơ ra, cô độc buồn bã, chính là lúc tình già bên bờ vực cuộc sống. Em và tôi đã có bao năm, bao ngày gần gũi. Cái hạnh phúc chung thân biết đâu một ngày bất chợt. Năm xưa cái bất ngờ ụp xuống, không đo lường được. Còn bây giờ điều không mong lại đến. Lúc sắp mất đi là lúc sống với hoài niệm, với thứ tha, với phận đời bỏ dở. Tôi không muốn sống mãi với ngày tháng cũ, cầm bằng cái héo hon chỉ trở thành vô nghĩa. Bản thân hiện tại tôi chỉ là trẻ nhỏ, đầu óc như cá lội ngược dòng. Thân thể không dễ phân hai. Em, Tôi là một. Cùng chung sự bảo vệ sống còn. Tôi với Tôi lại là điều khác. Có tệ bạc, có dối trá, có hai tâm hồn trong một con người cũ mới. Tôi muốn đè xuống bỏ quên, vĩnh viễn không nhớ, vậy mà nó vẫn ngoi lên ở phút yếu lòng, làm người hùng của một bi kịch. Phải chăng đó là con người thật của tôi bên người đàn bà, suốt đời muốn em nhìn thấy tôi như một bức chắn chở che dù bên trong là tường đá mục. Cái hạnh phúc làm dáng này chỉ vỏn vẹn trong ngôi nhà, trong yêu thương thân cận. Ngoài ra, tôi là người bị bỏ rơi, thua cuộc.

Những nhát cuốc đào sâu xuống. Em vẫn ngồi đó, chờ mong mỗi ngày tôi đến thăm nom. Lặng lẽ với đôi lời xa vắng mơ hồ. Em đã quên thật ký ức cưu mang từ ngày cái nón lưỡi trai trên đầu tôi lột xuống, cây súng ngắn bị tước đi trước lần đứng nghiêm, người bạn đồng minh chào tôi lần cuối, danh dự sau cùng. Mừng biết mấy khi em quên thật, để từ nay thân phận tôi không dối trá tình cờ.              

Ngày đó khi bỏ trường mà đi, mối tình câm của gã con trai mới lớn không quên nổi cô bạn cùng lớp. Suối mơ hoa, cây đàn cũ một mình tập hát, tập yêu lãng mạn lần đầu. Con đường em đi qua. Chiếc áo trắng, vành nón lá che nghiêng không đủ nhìn thấy tôi dại khờ đứng đó. Tôi không nghĩ một ngày nào gặp lại cố nhân, chung cùng ngôi nhà trú ngụ tại một vùng đất miền Trung, chia sẻ niềm nhớ về một quê nhà, khởi đi từ mớ tro tàn nguội lạnh.

Tôi với Ngọc chung cùng đơn vị. Cái hôm sinh hoạt văn nghệ ở lần dưỡng quân, anh thấp thỏm chờ đợi cô vợ mới cưới ra thăm. Tôi đang hát bản Cây đàn bỏ quên, thì Ngọc dẫn cô gái tới. Tôi không nghĩ mình lầm.

-Giới thiệu em. Đại đội phó Tràng.

-Ủa. Anh Tràng. 

-Chào chị.

-Tụi em biết nhau à?

-Thân nhau, cùng lớp mà. Anh ấy có biệt danh Tràng cù lần.

Chị vui vẻ cười nói, khép nép bên chồng. Anh Ngọc xen vào.

-Khờ với gái thôi, đánh giặc thì ngon lành, hát hay lắm đó.

Phải. Tôi dại khờ không dám nói yêu em, đối nhau chỉ như một tình bạn. Tôi mặc cảm xấu trai, thấp hèn so với em, đóa hoa Quỳnh thơm ngát một mùi hương. Từ ngôi nhà thuốc tây của gia đình em, từ con đường trường học ra về. Tôi chỉ biết lẽo đẽo theo sau, nói những điều vớ vẩn. Tôi không đủ can đảm nói yêu em, chỉ biết nhìn, biết cười trong thầm lặng. Sao em không hiểu dùm tôi, nói dùm tôi. Em dạn dĩ, em liếng thoắng, mọi điều muôn sự, em dẫn tôi đi xa hơn nỗi ngập ngừng. Bây giờ đây, chốn này em trở thành người đàn bà trẻ tuổi, biết chăn gối mặn nồng. Em trưởng thành hơn, đi xa hơn con đường tình ái. Còn tôi, chỉ như ngày nào. Có chăng tôi lớn khôn trong khói lửa chiến tranh, trên con đường binh nghiệp. Đêm đó, căn phòng anh chị cách nhau bức vách gỗ. Tôi nằm phía bên này nửa đêm thao thức. Lần đầu tiên tôi biết đau, biết chua xót, biết khó chịu, biết bực dọc cho chính bản thân mình, khi mà trí tưởng tôi, từ cõi miền thịt da, biết thầm thì câu mời gọi.

Từ đó chị theo anh Ngọc ở hẳn đơn vị. Hình như có khoảng cách nào đó bứt rời chị ra khỏi gia đình. Tôi không tiện hỏi. Chị tập sống chờ đợi những cuộc hành quân trở về. Chị tập sống khó khăn thiếu thốn hơn trong phương tiện. Rồi cũng qua đi. Tôi có niềm vui giấu kín những lúc chung cùng ngôi nhà.

Em là người đàn bà duy nhất lo cho mọi người, trong đó có tôi. Tôi vẫn kính trọng anh ấy, không thể đi xa hơn, cái gọi là mỗi người một duyên phận. Nhưng lần hồi trong những ngày chung đụng, chuyện kể moi lại ký ức ngày xưa. Quỳnh hiểu tôi thầm lặng yêu Quỳnh biết bao. Không nói ra, nhưng em đối với tôi dịu dàng, thông cảm hơn nỗi muộn màng năm cũ. Tôi tự nghĩ vậy an ủi chính mình. Tôi không còn cù lần, vụng dại như thuở ban đầu. Cả ba chúng tôi thân thiết hơn, cho đến ngày tang tóc đổ xuống.

Lần đó anh đạp mìn, phải cưa cả hai chân. Quỳnh khóc lả bên chồng. Dưới mắt anh, giờ là nỗi tuyệt vọng ở một tương lai mù mịt. Nhìn lấy vợ, nỗi xót xa bất lực chờ đón ở ngày tháng tới. Nhìn lấy tôi, anh nói như một gởi gắm:

-Quỳnh còn quá trẻ, không thể để cô ấy mang nỗi bất hạnh chung thân này, nhất là từ ngày lấy nhau Quỳnh không còn được gia đình chấp nhận. Chốn này đây chỉ có ba chúng ta thân thiết như ruột thịt. Tràng còn có tương lai. Anh tin con đường binh nghiệp của em. Anh muốn gởi gắm Quỳnh, đời sống Quỳnh.

-Đừng nghĩ quẫn. Anh không nói, tôi vẫn lo cho chị mà.

Quỳnh đứng đó. Sau nhiều ngày mất ngủ có vẻ phờ phạc hơn, như người mất hồn. Quỳnh thương anh ấy, mối tình đầu mãnh liệt, hy sinh tất cả, đâu ngờ nỗi nghiệt ngã này. Anh phải sống, dù thế nào anh phải sống. Nhưng không. Anh đi vào giấc ngủ chính anh chọn lựa, bỏ tôi, bỏ Quỳnh. Chỉ còn nước mắt.

Năm đó, Quỳnh hai mươi ba tuổi, thụ thai lần đầu không hay biết.

Rồi cũng qua đi. Bao nhiêu năm nhìn lại. Giờ đây em ngồi đó. Em muốn nghe chuyện  xưa, chuyện kể về mối tình cũ đầu đời. Cái hố cách ngăn đã lấp từ lâu, vô hình chung xới lên lúc này.

Trời hôm nay không gió. Hai người đàn ông vẫn lặng im bên nhau. Tóc hoa râm trên vầng trán mỏi. Người hàng xóm hỏi:

-Bác tâm sự gì thế?

-Tôi có nói à. Thế ông nghe gì?

-Đâu có. Người hàng xóm quay trước ngó sau.

-Ông nghe gì phần tôi?

-Không.

-May quá, không ai nghe mình nói thật. Ừ nhỉ. Có thể là tiếng vọng từ phần cuốc này.

-Từ nãy giờ, tôi muốn hỏi thăm lại sợ phiền bác. Mình già cả rồi, dễ lãng tai.

Tôi có nghe, hình như ông hay tôi gì đó. Một trong hai chúng ta có người nói thật. Chúng ta sống dối trá, xa cách như người đầu sông Gianh kẻ cuối sông, rốt lại phần đất giữa vẫn không nối được. Làm hàng xóm phải tốt người, tốt cả bụng dạ. Đất nhà mình không có rào ngăn cách. Dọn sạch đường đi, qua lại dễ hơn. Năm xưa Lưu Bang ngồi trên ngựa mà lấy thiên hạ, chứ đâu trị thiên hạ được. Ông với tôi không phải là Hạng Võ, là tướng công thành nữa, sá gì phải bận tâm. Quên đi. Mình già rồi cứ phải thuộc sách Tàu ông nhỉ, tư tưởng vọng ngoại vịn vào, bao che, rốt lại chỉ như tắm truồng thôi.

-Lần này mình nghe phải không. Cả hai ông buột miệng hỏi.

Ông hàng xóm quay lưng, cười xã giao nhẹ

-Bác không nói gì thì tôi về nghe. Cái hố đấy để mai tôi biếu bác cây trồng.

Người đàn ông dừng tay. Ông nghe tim mình đập mạnh. Đầu ông hơi choáng. Nhìn xuống hố cạn hời. Ông mệt mỏi. Hình ảnh người vợ đầu ấp tay gối đã xa ông mấy tháng trời. Lúc này ông cảm thấy thương bà quá. Đêm một mình, ông ngủ cô độc. Chốn kia bà cũng cô độc. Cả thế giới lẻ loi.

Có hiểu cùng nhau mới an ủi mà sống được. Lúc này ông muốn nhìn thấy bà bằng xương bằng thịt, dù bây giờ bà chỉ nói cùng ông với một tấm lòng. Có còn hơn không. Ông muốn bước đi, nhưng một bên chân hầu như tê cứng. Vết thương chiến tranh năm xưa lại hành hạ. Ông thở dài. Để mai.

Tưởng đã quên. Một ngày như mọi ngày có khác. Trời đang lất phất mưa. Ông hàng xóm nhìn sang. Người đàn ông đứng chống cuốc thờ thẫn.

-Thằng chả làm gì thế nhỉ. Người hàng xóm tự hỏi. Mình đã bảo đừng lấp đất, chờ đưa cây trồng, sao vội thế. Chả lẽ hôm qua mình không có nói à?

Người đàn ông đang lấp từng xẻng đất. Cái chữ để mai đến với ông thật lỡ làng. Ông đang chôn xuống. Ông muốn giữ bà lại, cho vẹn nghĩa, trân trọng cái hạnh phúc chung thân một đời gần gũi. Ông đang chôn phần đời trước của ông, lúc còn chở che bảo vệ. Ông muốn bà mang theo hình ảnh sống còn một thời liệt oanh, trên phần đất quê nhà. Cuộc đời lưu vong, với ông chỉ là bài toán không đáp số, giọng ca lỗi nhịp. Con người phân hai ở ông, ở hai thời điểm, chỉ cần bà hiểu. Mối tình tôi dành cho em là những bù đắp một thời dang dở.

Quãng đời còn lại, tôi chỉ là một đứa trẻ từ trước biết thủy chung.

Là trẻ thơ, tôi không nhớ lúc chết đi Quỳnh bao nhiêu tuổi.

Comments are closed.