Vũ Thư Hiên
Tôi biết khá nhiều nhạc sĩ. Nhưng khốn khổ như Nguyễn Văn Tý chỉ có một.
Tôi biết Nguyễn Văn Tý từ thuở học trò. Hồi ấy trường Nguyễn Thượng Hiền tôi học đóng ở làng Ngô Xá, tục gọi làng Ngò. Nguyễn Văn Tý ở phố Đu bên cạnh. Gọi là phố chứ nó chỉ là một con đường làng lác đác mấy cái nhà xây. Phố ra phố ở gần làng Ngò chỉ có Hậu Hiền. Phố Hậu Hiền to, nhiều nhà gạch bề thế, nhiều cửa hàng, có cả một hiệu sách.
Tôi quen Nguyễn Văn Tý qua nhạc sĩ Tạ Phước. Tạ Phước giống một viên chức sở tư, quần áo bảnh choẹ. Nguyễn Văn Tý giống một học trò nghèo của trường Dự bị Đại học cũng ở làng này. Đến với Tạ Phước, Nguyễn Văn Tý khép nép kiểu đàn em. Mặc dầu Nguyễn Văn Tý đã có bản Dư Âm nổi tiếng:
Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu уếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
Yêu ai anh nắn cung đàn đầу vơi đôi mắt xa vời.
Anh уêu tiếng hát êm như lời nguуền đẹp bao ước mơ
Anh như lầu vắng em như ánh trăng reo muôn ý thơ
Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến…
Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ.
Hẹn em từ muôn kiếp trước
Ɲhớ em mấу thuở bạc đầu
Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn
Ɛm để cung đàn đưa anh về đâu?
Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung.
Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung
Anh muốn thành mâу nương nhờ làn gió
Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đâу?
Muôn kiếp bên nàng.
Bản Dư Âm này, nói cho đúng, chỉ nổi tiếng trong giới sinh viên học sinh mà thôi. Chứ nó lạc điệu bên những bài ca cách mạng.
Biết nhau thì biết, quen nhau thì quen, nhưng tôi chỉ gần gụi Nguyễn Văn Tý về sau này khi tôi đã đi tù chín năm trở về và đang xoay xở mọi cách kiếm sống ở Sài Gòn.
Chúng tôi gặp lại nhau khi tôi đang chế tạo son môi vào thời các bà các cô đã thôi trang điểm bằng màu của giấy bao hương.
Tôi là đứa cầu toàn. Màu đỏ dùng cho son môi phải là màu không độc hại. Thị trường có nhiều nhiều loại phẩm đỏ, nhưng phải là màu thực phẩm. Các lái buôn không biết cái nào là cái nào, chỉ biết đỏ là đỏ. Kiếm được nó rồi lại phải tìm lanolin để pha chế sao cho son thành thỏi. Việc này chẳng dễ. Son đúc xong cứ mềm oặt, ngoẹo đầu ngoẹo cổ, nhất là khi gặp nhiệt độ cao. Trời thì nóng chảy mỡ.
Nguyễn Văn Tý đến, giục:
– Thế này được rồi. Đưa tớ đem bán. Cậu tính toán cho tớ phần trăm nào cũng được. Tớ không đòi nhiều.
Tôi lắc:
– Tớ chưa hài lòng là chưa bán.
Nguyễn Văn Tý xịu mặt:
– Cứ thế này thì bao giờ tớ mới có hàng?
– Cậu phải đợi. Chưa xong là chưa xong.
Tý quầy quả bỏ đi.
Vụ son môi xong. Lại đến vụ mực bút bi.
Hồi ấy bút bi hiếm, bán chạy. Tôi xoay ra làm mực bút bi cung cấp cho các nơi bơm mực. Mặt hàng này không phải mình tôi làm. Cạnh tranh khốc liệt. Trong khi tôi còn đang loay hoay thí nghiệm thì Nguyễn Văn Tý đến. Lại thúc:
– Cái thằng dở hơi. Vẫn còn thí nghiệm hả?
Nhìn cái mô tơ kẹp ruột bút bi chạy suốt ngày những đường kẻ trên giấy, Tý bĩu môi:
– Cứ thế này thì có mà ăn cám.
Tôi không nghe. Cứ thí nghiệm cho tới khi mực chạy hết sạch trong ruột bút mới bán.
Tôi rồi được đi Liên Xô. Một công ty thuê tôi làm phiên dịch. Tôi dùng tiền công mua đĩa hát và sách.
Hội Nhạc sĩ muốn mua tất cả số đĩa hát tôi mang về.
Văn Cao bảo:
– Bán chứ để làm gì. Nhưng để tao duyệt cái đã.
Văn Cao lấy một đĩa ghi tiếng trống châu Phi.
– Cái này tuyệt. Tao lấy.
Nguyễn Văn Tý đưa cho tôi mấy cái đĩa của anh:
– Cậu bán kèm vào đấy cho tớ.
Hội Nhạc sĩ mua cả mớ, đếm số đĩa trả tiền.
Rồi bèo giạt mây trôi, tôi định cư ở Paris.
Một hôm, có được số điện thoại của Nguyễn Văn Tý, tôi gọi về cho anh.
– Còn nhớ đến tớ cơ à?
– Nhớ chứ. Sao không.
– Cậu có sao chiếu mệnh cực tốt. Lang bang rồi lại ở Paris. Tớ có mơ cũng chẳng được.
Tôi không kể cho Tý nghe chuyện sóng đời xô đẩy tôi đến chốn này.
– Tớ đang đói rạc đây – Nguyễn văn Tý rên – Cấp đỡ đi.
Tôi nhịn mọi thứ có thể nhịn, tích cóp được chút tiền liền gửi ngay về cho ông bạn chung thân túng thiếu.
Một cô bạn quen trên internet nhận lời giúp tôi.
Tiền được mang ngay đến cho anh.
Xong việc, cô mách tôi:
– Ông ấy mừng lắm. Nhưng rất tệ, anh ạ.
– Tệ thế nào?
Cô ngập ngừng. Mãi mới chịu nói:
– Ông ấy lại dê em.