Nữ văn sĩ Việt lai, từng không rành tiếng Anh, ‘ươm mầm’ thế hệ văn sĩ trẻ ở Mỹ

Trà Nhiên/Người Việt

SAN FRANCISCO, California (NV) – Vào năm 19 tuổi, cô Isabelle Thuy Pelaud, cha người Pháp mẹ người Việt, di cư từ Pháp sang Mỹ với một khát khao mãnh liệt: “Thay đổi.”

Giáo Sư Isabelle Thuy Pelaud là người tiên phong xuất bản cuốn sách nghiên cứu văn học Việt-Mỹ. (Hình: Isabelle Thuy Pelaud cung cấp)

Từ một thiếu nữ không rành tiếng Anh, phải chật vật kiếm sống qua việc bán máy tính cũ trên đường Bolsa, Little Saigon, những năm đầu thập niên 1980, gần 40 năm sau, cô gái ấy đã “thay đổi” nhiều…từ bản thân cho đến định kiến “trọng nam khinh nữ.”

Đó là câu chuyện của nữ nhà văn kiêm giáo sư khoa Asian American Studies của đại học San Francisco State University. Bà cũng là giám đốc điều hành của DVAN (Diasporic Vietnamese Artist Network) – tổ chức văn học nghệ thuật “ươm mầm” nghệ sĩ và tác giả trẻ gốc Việt – mà bà đồng sáng lập với nhà văn Việt Thanh Nguyễn, giáo sư đại học University of Southern California và là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Pulitzer trong lĩnh vực văn học.

“Tuổi thơ dữ dội” của cô bé Pháp gốc Việt

Khi hỏi về ý nghĩa của chữ “Thuy” trong cái tên Isabelle Thuy Pelaud, nữ giáo sư chỉ khẽ cười nói: “Tôi cũng không rõ nữa, cha tôi đặt tên thế đấy!”

“Cha tôi là người Pháp. Ông qua Việt Nam dạy học và rồi gặp mẹ tôi, một học trò của ông. Một thời gian sau, ông đưa bà sang Pháp sinh sống,” vị giáo sư sinh năm 1965 kể lại.

Bà Isabelle hay Isa tiếp: “Mẹ tôi có một cuộc sống tù túng ở Pháp và luôn rất sợ cha tôi, người hơn bà những 30 tuổi và rất gia trưởng.”

Bà kể lại rằng mẹ không có bạn bè và người thân, không được ra ngoài làm việc và đi đâu cũng phải về nhà đúng giờ.

Như “chim bị nhốt trong lồng,” cuộc sống cứ thế tiếp diễn đến đời người con gái.

Là một cô bé sinh trưởng tại ngôi làng nhỏ ở miền Nam nước Pháp, tuổi thơ của bà Isa gặp không ít sóng gió.

Giống như mẹ mình, bà bị kỳ thị, bị xem thường vì mình là phụ nữ, bị các bạn đồng trang lứa cô lập vì nét lai Châu Á “lạc loài” giữa đám trẻ thuần Pháp.

“Tôi bị bắt nạt từ lúc mẫu giáo cho nên tôi luôn tự ti và luôn một mình. Cuộc sống đơn độc cứ thế tiếp diễn khiến tôi bị chứng nói lắp khi lớn lên,” bà Isa bồi hồi nhớ lại.

Sự lẻ lỏi dần khiến cô bé “làm bạn” với sách và bắt đầu viết lách.

“Tôi nhớ là khi lên tới trung học, tôi viết văn được điểm rất cao, nhưng bị một bạn nam trong lớp phản đối,” bà Isa kể.

“Làm sao mà con bé nhìn chả giống người Pháp chút nào lại được điểm cao trong giờ Pháp Văn?,” bà thuật lại lời hoài nghi của bạn cùng lớp.

Bà kể tiếp rằng thầy giáo hỏi cả lớp: “Ai tin lời cậu ta thì giơ tay lên… và tất cả mọi người đều giơ tay đồng tình.”

Sự việc ấy làm bà tổn thương và tự thu mình lại trong “chiếc vỏ bọc” cô độc.

Mất tự tin, cô học sinh cố tình nộp giấy trắng mỗi khi đến giờ Pháp Văn.

Từ một học sinh giỏi luôn được điểm A, bà “trượt dốc” xuống F, và rồi… ở lại lớp.

“Bắt nạt học đường khiến tôi không thiết tha học hành,” bà kể một cách buồn bã. “Tôi chỉ muốn mọi người để tôi yên.”

Về nhà thì cô bé đối mặt với chuyện khác.

Trong một bài phỏng vấn với nhà văn có biệt danh “Vi Khi Nào” được đăng trên diễn đàn của DVAN, bà chia sẻ là ngôi nhà của bà không chỉ vắng tiếng cười mà còn thiếu vắng âm thanh TV, tiếng nhạc vì người cha nghiêm khắc không cho phép.

“Ăn cơm với cha khiến tôi vừa sợ vừa lo nên tôi thường không nói gì,” bà Isa nói trong bài phỏng vấn.

Trải qua những gì không mấy bình yên thuở nhỏ theo bà đến sau này khiến bà ngại phát biểu mỗi khi ngồi chung bàn họp, hoặc tại các bữa ăn với đồng nghiệp.

Chứng kiến sự cam chịu mà người mẹ trải qua với cuộc sống gò bó ở Pháp, cùng với đoạn ký ức “muốn quên đi” của mình, cô gái trẻ dần ý thức được sự bất bình đẳng giới tính.

Chân dung nữ nhà văn thời niên thiếu (Hình: Isabelle Thuy Pelaud cung cấp)

“Thay đổi” định kiến

Bắt đầu sống ở Mỹ từ năm 1984, bà Isa nhận thấy định kiến thiên vị nam giới cũng không khác là bao so với Pháp.

Giống như người bạn học năm xưa hoài nghi về tài viết văn của bà, tại Mỹ cũng thế… chẳng ai công nhận tài năng của cô gái lai Pháp nói tiếng Anh lơ lớ.

Biến định kiến thành thử thách, cô gái ấy quyết định “thay đổi” quan điểm “khinh nữ” khập khiễng.

Bà trau dồi tiếng Anh và chăm chỉ học tốt ở trường đại học cộng đồng, song song với việc đi làm toàn thời gian. Với sự khích lệ của giáo viên dạy văn, bà được nhận vào đại học UC Berkeley danh tiếng.

“Hồi ấy, tôi học đạo diễn phim tài liệu vì muốn chu du khắp nơi để kể những câu chuyện người thật, việc thật, nhưng giấc mơ ấy nhanh chóng tan biến khi tôi lập gia đình,” bà Isa kể lại.

“Chồng tôi không ủng hộ ước mơ làm phim của vợ mặc dù tôi được nhiều trường điện ảnh nhận,” bà nói một cách buồn bã.

Bà cho biết, từ khi làm vợ và làm mẹ, bà hy sinh giấc mơ của mình để ủng hộ sự nghiệp của chồng.

Trầm ngâm một lúc, bà nói: “Dần dần, tôi thấy mình giống mẹ.”

Bà tiếp: “Tôi chưa từng nghĩ là mình sẽ học văn học Anh vì tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ nhưng tôi quyết định dấn thân với thử thách mới mẻ này.”

Dù có bằng tiến sĩ ngành Dân Tộc Học, dạy học ở trường đại học danh tiếng, là tác giả của hàng loạt nghiên cứu, sách, và đoạt nhiều giải văn chương, vị giáo sư này vẫn không “thoát” nổi định kiến “khinh nữ.”

Nhận thấy sự khan hiếm các tác phẩm của nữ nhà văn gốc Châu Á, đặc biệt là gốc Việt, Giáo Sư Isa mạnh dạn biên tập bản thảo cho tuyển tập văn học nghệ thuật của các tác giả là phụ nữ Đông Nam Á.

“Khi nộp bản thảo, nhà xuất bản thẳng thừng từ chối, nói rằng phụ nữ trong văn học ‘không tồn tại,’” nữ giáo sư cho biết.

Bà nói một cách khó chịu: “Họ nghĩ rằng phụ nữ không phải là đề tài đáng để nghiên cứu. Giá trị, phẩm chất, và tài năng của phụ nữ hoàn toàn bị lu mờ trong xã hội này.”

Thế là, bà Isa quyết tâm chứng minh điều ngược lại vì nếu “không đề cập về những người phụ nữ tài năng này thì họ sẽ mãi ‘không tồn tại.’”

“Tôi muốn thay đổi định kiến,” bà khẳng định.

Năm 2014, bà đồng biên tập và phát hành “Troubling Borders: Anthology of Literature and Art by Southeast Asian Women in the Diaspora,” một tuyển tập thơ, truyện ngắn, hình, và tranh nghệ thuật của các nữ nghệ sĩ gốc Việt, Cambodia, Lào, Thái Lan, và Philippines.

Tuyển tập được giới văn học đánh giá cao và đoạt giải thưởng “Choice Outstanding Academic Title” năm 2014, và giải “Bronze Book” năm 2015.

Ngoài ra, bà cũng là thành viên của “She Who Has No Master(s),” hội văn học nghệ thuật của các nữ tác giả, nghệ sĩ, và nghệ nhân gốc Việt.

Bà Isa (bìa trái) và người thân trong lần đầu tiên “đặt chân” đến Hoa Kỳ năm 1984. (Hình: Isabelle Thuy Pelaud cung cấp)

Người tiên phong phát triển môn văn học Việt-Mỹ

Hơn 20 năm qua, các nghiên cứu và tác phẩm của Giáo Sư Isa gắn liền với sự kết hợp văn học nghệ thuật Việt-Mỹ.

Năm 2011, bà xuất bản “This Is All I Choose to Tell: History and Hybridity in Vietnamese American Literature,” được xem là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu tỉ mỉ về văn học Việt-Mỹ.

Cuốn sách nêu rõ sự phức tạp, mâu thuẫn của người Mỹ gốc Việt khi sống ở Hoa Kỳ. Trong sách, bà cũng nêu lên thử thách rằng: Có thể nào tách rời cụm “người Mỹ gốc Việt” khỏi từ “chiến tranh” mà không làm mất đi giá trị vốn có?

Canh cánh trong lòng chuyện các nhà văn gốc Việt bị “ngó lơ” ở Hoa Kỳ, bà quyết định gọi cho người bạn thuở sinh viên, Giáo Sư Việt Thanh Nguyễn.

Lúc đó, cả hai đều là thành viên của Ink & Blood, một tổ chức chuyên đàm đạo về văn thơ của các tác giả trẻ, mà hai người tham gia vào đầu thập niên 1990.

Năm 2007, hai vị giáo sư gốc Việt thành lập DVAN, với mục đích tạo ra một diễn đàn giao lưu văn học nghệ thuật, hỗ trợ, và bồi dưỡng các tác phẩm của tác giả và nghệ sĩ gốc Việt.

Sau 14 năm, DVAN càng thêm phát triển khi các tác giả mà tổ chức này hỗ trợ ngày càng tạo tiếng vang trong giới văn chương Mỹ.

DVAN cũng được hậu thuẫn với ngân sách từ giải thưởng MacArthur Prize của nhà văn Việt Thanh Nguyễn và của tổ chức Surdna Foundation, cùng với sự hỗ trợ tài chính từ cộng đồng.

DVAN, tổ chức sắp được công nhận bất vụ lợi, có nhiều chương trình đa dạng, nhằm “nuôi nấng” thế hệ văn sĩ trẻ. Tổ chức này còn bảo trợ một số dự án tại Khoa Dân Tộc Học của đại học San Francisco State University, nhằm đào tạo sinh viên trở thành nghệ sĩ và nhà lãnh đạo cộng đồng tương lai.

Thêm vào đó, DVAN còn có chương trình xuất bản riêng và cũng kết hợp với các nhà xuất bản khác để cùng phát hành các tác phẩm của tác giả thuộc DVAN.

Bà Isa (thứ hai từ trái) cùng gia đình và con trai trong lễ tốt nghiệp tiến sĩ ngành Dân Tộc Học đại học UC Berkeley. (Hình: Isabelle Thuy Pelaud cung cấp)

Vượt qua gian truân cuộc đời

Cuộc đời nhà văn lắm lúc thăng trầm. Có khi bà Isa thăng hoa với ý tưởng tuôn trào của một văn sĩ, nhưng cũng có khi nghĩ mãi không ra một chữ.

Bà tâm sự rằng đã từng kiệt quệ ý tưởng, đầu óc trống rỗng, và cần một khoảng thời gian dài để tìm cảm hứng viết văn trở lại.

“Tôi từng chán nản với những việc xảy ra trong cuộc sống. Rồi tôi tham gia lớp ‘chữa lành’ như là một cách để ‘lấy lại cảm xúc,’ và cũng nhờ tâm sự cùng những người bạn tốt, tôi dần thoát ra khỏi ‘hố sâu’ ấy,” bà bày tỏ.

Trong khi mẹ sống cuộc đời cam chịu, bà Isa khác hoàn toàn.

Khi chồng bà quyết định sống thật với giới tính của mình, bà tự tâm buông bỏ, kết thúc cuộc hôn nhân để cả hai không bị ràng buộc, và… cũng để giải thoát cho bản thân.

Hiện nay, nhà văn Isabelle Thuy Pelaud đang soạn thảo tiểu thuyết nói về người mẹ của mình, với tựa đề “My Mother’s Castle,” và một tác phẩm khác mà bà đồng biên tập là “On Being a Writer: Vietnamese Diaspora in Dialogue.”

Bà Isa cho biết, ngoài việc đi dạy, bà dành hầu hết thời gian điều hành DVAN vì đó không chỉ là niềm vui mà còn là tâm huyết của bà.

Bà Isa (hàng trên, bìa trái) cùng một số nhà văn nữ gốc Việt của DVAN trong buổi hội thảo thơ văn tại American Library, Paris, Pháp. (Hình: Facebook Isabelle Thuy Pelaud)

Vì là con lai ở đất Pháp và là người nhập cư ở đất Mỹ, bà từng cảm thấy tự ti vì sự “khác biệt” của mình và luôn chật vật với suy nghĩ phải “hòa nhập” vào xã hội.

Cho nên, bà Isa luôn khuyên sinh viên và thế hệ tiếp nối rằng: “Đừng băn khoăn về sự ‘khác biệt’ màu da, tôn giáo, văn hóa, hay ý tưởng viết văn mà các em nghĩ có phần ‘không giống ai.’”

“Chính sự ‘không giống ai’ ấy là tác nhân tạo nên sự phi thường trong tác phẩm của một nhà văn,” bà bày tỏ. [đ.d.]


Liên lạc tác giả: nguyen.nhien@nguoi-viet.com

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/nu-van-si-viet-lai-tung-khong-ranh-tieng-anh-uom-mam-the-he-van-si-tre-o-my/

Comments are closed.