Quê hương

Cao Huy Thuần

Huế 1988

Thưa bà, bà tỏ ý muốn tôi viết tựa cho tập thơ mà bà đã làm trong dịp về thăm quê hương mùa hè năm ngoái. Tôi thì chỉ có tấm lòng đọc thơ, lòng tôi đọc thơ của bà. Tôi nghĩ: thơ không đòi bài tựa, thơ chỉ đòi thơ. Thơ chỉ đòi tình. Cho nên tôi viết thư tình.

Mà thật vậy, mới đặt bút, tình đã nghẹn ngào nơi cổ khi tôi vấp ngay hai chữ "về thăm" của bà. Về thăm quê hương…, quê hương là nơi chỉ để về thăm? Là nơi mà trong đơn xin nhập cảnh phải ghi rõ "về thăm"? Thăm là không ở? Là về để mà đi? Tôi về hay tôi đi? Mênh mông chỉ có mây trắng trả lời. Mênh mông, chỉ có tôi trả lời cho mây trắng.

Bà trao tập thơ cho tôi khi máy bay vừa rời Sài Gòn. Tôi đọc, rồi tôi gấp lại. Mây trắng trong thơ của bà nhẹ nhàng quá, và lòng tôi thì vần vũ, quặn đau. Quê hương 1988: thương thì rất thương, mà giận, rất giận. Có ai về với nước trong năm đầu của thử thách mà không vừa giận vừa thương: giận cái cũ còn bám, thương cái mới long đong. Quê hương đâu phải chỉ là dòng sông, thành quách, tô phở buổi sáng, cây lúa đơm bông? Quê hương còn là dòng sông Hương đầy rác ven cầu Đông Ba vừa sập, thành quách xiêu vẹo kêu cứu với thời gian, tô phở hăng mùi mồ hôi một tuần lao động, bông lúa xót thương người Thanh Hóa mòn tay mài lịch sử vẫn chưa tìm được bát cơm no. Nhưng quê hương đâu phải chỉ thế: dòng sông sẽ thơm, thành quách phải đẹp, tô phở sẽ ấm lòng mỗi sáng, bông lúa nở hoa trên bát cơm đầy. Bởi vì quê hương đâu phải chỉ là hoài niệm; quê hương là bây giờ, quê hương là ngày mai, là 1945, là 1954, là 1975, là 1988, là tóc chớm bạc trên đầu tôi, là tóc xanh huyền trên đầu con tôi.

Tôi không tìm ra quê hương như vậy trong mây trắng của tập thơ. Quê hương của tôi có nước mắt rất nóng, có tiếng nấc nơi cổ, có chiếc xiềng vô hình buộc đôi chân ngàn dặm, có tiếng gió Sơn La, Lao Bảo rít trong lương tâm Hà Nội. Nhưng quê hương của tôi cũng có triệu triệu trái tim mang triệu triệu sức sống thắp sáng mặt trời hy vọng. Quê hương của tôi có bàn tay của anh, có bàn tay của chị trong bàn tay của tôi. Quê hương của tập thơ, trái lại, thanh bình, êm ả như đôi mày thiếu nữ, thoáng gợn đó đây chút bâng khuâng , hoài cảm của bến nước nhớ con đò. Quê hương của tập thơ tròn trĩnh như một vầng trăng đầy, tròn với bốn phía chân mây, tròn như một nụ cười độ lượng. Quê hương của tập thơ dửng dưng với thời gian, thờ ơ với tuế nguyệt, lạnh lùng với đổi thay, bất di bất dịch như đỉnh núi, bao giờ cũng như bao giờ, trăm năm trước với trăm năm sau muôn đời không khác. Trăm năm trước, quê hương vẫn gầy già như dáng núi; trăm năm sau, trăng vẫn gầy non trên bến Nguyệt Biều.

Ô hay, Huế của ngày trở về sao cũng vẫn là Huế của thuở ra đi, sao cũng vẫn thành biếc, rêu hoang, thông buồn Thái Miếu, lá úa hoàng cung? Ô hay, khách hỏi thăm nắng sớm mưa chiều thì nắng vẫn là nắng nọ, mưa vẫn là mưa này, hoa sứ đưa hương như vẫn đưa hương từ muôn thế kỷ. Nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng, quê hương của bà buồn phơn phớt, và vui dìu dịu, buồn sâu nhất cũng không nặng hơn khói và vui rộn nhất cũng không sáng hơn trăng. Quê hương của bà không có lịch sử. Tuổi của nó bằng tuổi của người làm thơ. Nó hiện ra đấy, nhưng nó không thật. Bởi vì nó chỉ có thật trong lòng người làm thơ. Nó chỉ có thật trong hoài niệm. Cảnh ở ngoài chỉ là bóng, cảnh bên trong mới là hình.

Cho nên chắc không khỏi có người liên tưởng đến Bà Huyện Thanh Quan khi rung động với không khí hoài cảm trong tập thơ này. Đèo Ngang của người nữ sĩ ngày xưa có thể mang bất cứ một tên nào khác, có thể là đèo Mộ Giạ, đèo Cù Mông, đèo Hải Vân, hay là một đèo nào đó tận bên Trung Quốc, bởi vì cái cảnh "cỏ cây chen đá lá chen hoa", cảnh mấy chú tiều lom khom dưới núi, vài mái chợ lác đác bên sông, đâu mà chẳng có, cứ gì phải ở đèo Ngang? Đến như "quốc quốc" với "gia gia" thì cảnh chỉ còn tính cách tượng trưng, chỉ là vài hình ảnh chấm phá trên một bức tranh sơn thủy nào đó, để gợi lên một hoài cảm nhớ nhà nhớ nước, mà cũng chẳng cần phải biết nước nào, nhà nào, nhà với nước mông lung như ảo như thật, giống như cảnh cũng mông lung như thật như ảo. Chỉ có một thực tại duy nhất sống động trong bài thơ nổi tiếng ngày xưa là tâm hồn người ngắm cảnh, là ta. Tất cả bao la của trời, non, nước đều thu lại trong một chữ ta, ta với tình riêng của ta, ta lấy tình nhìn cảnh, lấy tâm nhìn vật, lấy buồn để nhìn chiều hôm. Một số bài thơ trong tập thơ phảng phất sương khói đèo Ngang của người xưa, chỉ có tình là thật, cảnh là giả, tình là tình sâu, cảnh là cảnh mượn. Thành biếc, rêu hoang, thông gầy, lá úa, tiếng chim cổ viện, cành trúc trường giang, Huế đó là Huế giả, Huế ước lệ, Huế bảy câu đưa đẩy, để tận cùng với "mảnh tình riêng" của câu thứ tám, tình thật, tình sâu, tình côi cút, tình lẽ mọn:

Tiếng chuông Thiên Mụ trong sương khói
Để lạnh vầng trăng giữa sóng ngàn

Và khi tình đó lắng xuống thật sâu, như trăng nằm sâu trong đáy nước thật im, thì tất cả vũ trụ dường như tan biến trong hư không, cảnh nhòa trong sương khói, chỉ còn văng vẳng tiếng của ta ngày xưa réo gọi ta ngày nay, ta lại gặp ta, và đó là quê hương:

Sao vẫn nghe trong cô tịch
Tiếng ai hát khúc chiều tà
Như gọi người về dĩ vãng
Hay là ta lại gọi ta?

Quê hương, ôi quê hương, tôi ở đây, hay tôi ở đó, tôi còn ở, hay tôi đi rồi, tôi còn thức hay tôi đã ngủ, tôi đang tỉnh hay tôi chiêm bao, đâu là cõi đi, đâu là cõi ở, đâu là nỗi mất, đâu là nỗi còn, đây là nắng chiều xứ bạn, hay đây là nắng sớm quê tôi? Ta và tình của ta: tất cả quê hương thu gọn vào trong một chữ tình, như tất cả mây trời phản chiếu trong giọt nước. Nước là thực, mây là bóng dáng. Ta là thực, cho nên chỉ một quê hương có thực trong tập thơ là quê hương soi bóng trong ta.

Lòng tôi là nắng huy hoàng bướm
Cánh bướm bay vàng kỷ niệm thương

Là thế thôi, là kỷ niệm! Và trong muôn vàn kỷ niệm về quê hương, xa xôi nhất, bâng quơ nhất, nhưng có lẽ cũng sâu thẳm nhất, vang âm hơi thở của ai trong cõi mộng, hơi thở dịu dàng của những quyến luyến đầu tiên, hơi thở bồi hồi của trái tim non chưa biết trao gửi nỗi niềm thế nào ngoài thơ với mộng vu vơ. Và ví thử có ai đành đoạn ra đi không muốn mang theo một vết tích thân thuộc gì trong ký ức, không muốn giữ cả một chút khói chiều trong hoàng hôn, không muốn nhớ cả một nụ cười thấp thoáng bên kia hàng dậu, chắc cũng khó quên được chút quyến luyến cuối cùng này: nấm mồ của "người ngủ bình yên giấc cỏ hoa".

Chút đó thôi, quê hương nhiều khi chỉ còn là chút đó thôi, nhưng đi đâu cũng không đành, ở đâu cũng không yên, nằm đâu cũng trở giấc, dù cho đã vẫy tay từ giã với cả chút xương thịt cuối cùng: "thôi nhé, người nằm với cố hương…".

Thế thì việc gì tôi phải trăn trở với lịch sử phế hưng! Tôi đã chẳng từng biết quê hương là gì hay sao khi bất chợt đi giữa đường làng Âu châu, đánh hơi thoáng thấy mùi phân lẩn trong rơm ướt? Hoa bầu hoa bí, rơm ẩm đường làng… tôi là gì ngày hôm nay nếu không phải là chút hương hoa cỏn con đó? Bất hạnh thay cho ai tưởng mình có thể không có quê hương. Chẳng biết họ còn biết mình là ai nữa không.

°°°

Thưa bà, tôi gấp tập thơ, không đọc nữa, khi vừa giã từ đất nước, bởi vì quê hương êm đềm, sương khói đó không phải là quê hương của tôi; quê hương của tôi đang nằm dưới cánh máy bay, nức nở cái trở dạ của hạt lúa muốn nãy mầm. Nhưng bây giờ, nghĩ lại, ai có lý hơn ai?

Ngậm ngùi xa biết nói năng gì
Trên lối về sao ngỡ lối đi?

Nói gì về quê hương khi ở xa, khi về cũng không hẳn là về, khi đi cũng chẳng thật là đi? Nên khổ sở, giày vò, ray rứt như tôi, hay nên điềm đạm, vu vơ, thanh thản như người? Tôi biết có người xa nước mang một nắm đất đi theo. Quê hương là nắm đất: giản dị như vậy đó sao? Tôi biết rồi tôi cũng có ngày sẽ giản dị như vậy, sẽ mang nắm đất nơi hai thân tôi sẽ nằm xuống để làm bát hương thờ phụng. Có lẽ khi đó tôi sẽ có một quan niệm dễ dãi hơn về quê hương chăng? Và tôi sẽ mỉm cười chăng khi nghe có người thắc mắc hỏi tôi: nắm đất của anh khát mùi bom B52 hay mùi khói súng Mậu Thân?

Ôi, có đất nào không mang một mùi thơm lịch sử, có vết bùn nào ở Hậu Giang không ngọt lịm vọng cổ sáu câu, có con đường nào trên Ô Lý không nghẹn ngào nước mắt Huyền Trân, có hạt sỏi nào bên này sông Gianh không âm vang vó ngựa chúa Hiền, chúa Sãi? Nhưng có thật nắm đất của tôi, có thật cả mảnh đất vươn dài bên bờ Thái Bình Dương kia, gợi lên trong tôi một mùi thơm vua Trần, một mùi thơm chúa Nguyễn, một mùi thơm Chân Lạp, một mùi thơm duy vật, duy tâm, khi tôi quỳ xuống hôn lên đất? Hay là tôi chỉ ngửi thấy mùi mạ non, mùi lúa chín, mùi nắng cháy, mùi da thịt của mẹ tôi? Muôn thuở là quê hương, thoảng qua là triều đại. Dính liền quê hương với chế độ là không biết phân biệt xương thịt với mảnh áo khoác bên ngoài.

Vậy thì việc gì tôi để thịnh suy ngự trị trên hình ảnh của tôi về quê hương? Tại sao không giản dị, rất giản dị, bình thường, rất bình thường, bắt chước bà, nhìn quê hương như nhìn vườn mẹ ngày xưa, với hoa bí vàng, hoa bầu trắng, cái bướm, con ong, bát canh rau má, hàng cau thắp nắng, hoa sầu đâu rụng đầy sân? Dù tôi ba đời bảy kiếp xuất thân làm chú tiểu quét lá đa, hay xênh xang áo mão trong cung vua phủ chúa, quê hương là gì bây giờ khi ở nơi xa, nếu không giản dị có chừng ấy thôi, nếu không giản dị là vài hình ảnh, vài kỷ niệm, và lạ thật, đã là kỷ niệm thì thành hoa, thành bướm, đã là kỷ niệm thì rực rỡ nắng vàng. Giữa bà và tôi, thưa bà, giữa tôi với tập thơ, cũng có tao ngộ đấy chứ, tôi đâu không có ân tình với mây quyện, khói trôi?

Nhưng chao ôi, trong tôi quá nặng những bàn tay vẫy đưa của Huế, trong tôi nghẹn ngào bao nhiêu ước hẹn với Huế không nói nên lời. Thôi thôi, tôi lại sắp xa bà rồi, tôi lại sắp trở về với những trăn trở của tôi. Biết làm sao được, quê hương của tôi không phải chỉ là hoài niệm, lịch sử còn là ngày mai, và trung thành với dòng sông không phải cứ hướng ngược về phía núi, mà hãy cùng sông trôi xuôi ra biển.

Bà hiểu tại sao thơ không đòi bài tựa. Thơ hiểu lòng tôi chỉ muốn viết thư tình, đâu phải cho bà, đâu phải cho ai, cho riêng tôi.

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/que-huong-1

Comments are closed.