Sứ Quán và Nhà Khách Sứ Quán

Lê Học Lãnh Vân

Trong thời gian Vương ở Pháp, trong những năm 1987 – 1991, các bạn du học sinh Việt Nam thường tụ họp quanh sứ quán Việt Nam và nhà khách sứ quán đặt tại đường Le Verrier gần vườn Luxembourg. Trong hoàn cảnh xa đất nước, sứ quán và nhà khách sứ quán là những nơi tạo ít nhiều không khí quê hương.

Chủ trương của Vương là tìm nơi ở giữa cộng đồng người Pháp để học hỏi, hòa mình trong văn hóa xứ sở tại, do đó sau năm đầu ở tại ký túc xá Massy và sau một thời gian tại ký túc xá Orsay, anh thuê một căn hộ tại Les Ulis sống nơi đó trong hai năm rưỡi tiếp theo.

Vào thời đó, cuộc sống như vậy được coi như biệt lập với người Việt, tuy nhiên Vương vẫn giữ mối liên hệ với các du học sinh Việt Nam qua buổi họp tại sứ quán Việt Nam chiều thứ Bảy cuối tháng và, thỉnh thoảng, tới thăm bạn bè tại nhà khách sứ quán.

Mỗi chiều thứ Bảy cuối tháng, các du học sinh về sứ quán họp mặt. Thông thường anh em tới sớm hai mươi, ba mươi phút để hàn huyên, chơi bóng bàn. Ba mươi phút không là bao vì có khá nhiều du học sinh, gặp người này, chào người kia một chút đã hết thì giờ.

Nội dung buổi họp gồm báo cáo tình hình quê nhà, thông báo chính sách liên quan tới du học sinh, thảo luận các điều du học sinh quan tâm… Thường người phụ trách du học sinh của sứ quán hay tham tán khoa học kỹ thuật chủ trì. Đôi khi đại sứ có thông báo đặc biệt. Rất hiếm hoi, một lãnh đạo hay quan chức cao cấp như bộ trưởng, ủy viên bộ chính trị thăm Pháp và nói chuyện với du học sinh… Nếu Vương nhớ không lầm, trong thời gian tại Pháp anh từng được nghe một ủy viên bộ chánh trị đảng Cộng Sản Việt Nam nói chuyện tại sứ quán, hình như là ông Nguyễn Thanh Bình thì phải.

Ngoại trừ các trường hợp hiếm hoi đó, buổi họp sứ quán chủ yếu là buổi gặp mặt đồng hương. Nhìn chung sứ quán cũng cố gắng sao cho buổi họp nhẹ nhàng, thân mật có không khí buổi giao lưu của du học sinh từ các vùng địa lý và các ngành học khác nhau tại Pháp…

Thỉnh thoảng nghe thông báo, anh này, chị nọ biến mất rồi, nghĩa là các anh chị đó đã xin ở lại Pháp luôn. Những thông báo như vậy thường tới trễ vì đa số anh em đã biết trước đó khá lâu. Có lần tham tán khoa học kỹ thuật Nguyễn Như Kim, sau khi thông báo một cô thực tập sinh đã biến mất, cười ý nhị nhận xét anh chị xuất thân Miền Nam biến nhiều hơn chắc tại vì dân Miền Nam thạo ngoại ngữ hơn.

Du học sinh sống tiện tặn, trong học bổng hàng tháng ba ngàn rưỡi quan cho thực tập sinh (hay ba ngàn hai trăm quan cho du học sinh), thường các anh chị để dành được khoảng một ngàn rưỡi, một ngàn tám. Chiều cuối tuần, một số các bạn ra chợ trời (marché aux puces) gom hàng giá rẻ, đóng thùng, gởi về Việt Nam cho thân nhân bán kiếm lời. Khi để dành được nhiều hơn, các bạn mua xe máy Nhật gởi về. Có người mua tiện tặn vài năm mua một lần năm hay bảy chiếc xe.

Tại Paris có những cửa hàng chuyên bán xe máy cho du học sinh.

Ngày kia trong buổi họp sứ quán có một nhân vật, không cao cấp lắm, hình như vụ trưởng hay vụ phó một bộ tương tự bộ công thương hiện nay thì phải, đi công tác ghé sứ quán, hô hào du học sinh:

Mua xe Nhật, tiền vận chuyển xe từ Nhật về Việt Nam rẻ hơn từ Nhật chở qua Paris. Rồi lại phải từ Paris chở về Việt Nam. Lại thuế cho Pháp, thuế cho tụi tư bản cao kinh lắm. Tóm lại, mua xe tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh là tiết kiệm cho Tổ Quốc vài ngàn quan một chiếc. Tại sao các anh chị lại mua ở Paris này?”

Hãy về Việt Nam mua xe máy. Tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, mỗi nơi nhà nước đã mở vài cửa hàng sẵn sàng các loại xe máy. Bên đây có loại xe máy gì, trong nước có loại xe đó. Về Việt Nam mua xe máy là yêu nước.”

Chiều đó, sau buổi họp, một số bạn rủ nhau về nhà khách chơi. Vương với người bạn đang đi bộ trong nắng xế Paris thì một anh chạy lạch bạch theo kêu cho tớ đi cùng. Úi chu choa, anh chàng vụ trưởng. Anh cười thân mật:

– Mấy anh chỉ cửa hàng bán xe cho mình ra đặt mấy chiếc. Tuần sau mình về rồi…

– Anh định đặt bao nhiêu chiếc, để tụi này chỉ cho…

Anh vụ trưởng ngần ngừ:

– Khoảng vài chiếc… Nếu bốn năm chiếc thì được không?

Vương và người bạn nhìn nhau, anh vụ trưởng mới qua Paris mấy ngày.

– Sao anh không về cửa hàng trong nước mua rẻ hơn?

– Ối dào, đã có cửa hàng đâu. Chỉ mới là bàn bạc ý tưởng.

Mỗi năm, vài văn nghệ sĩ từ Việt Nam qua giúp vui. Có năm là Phương Quang, Ngọc Huyền cải lương, ca cổ. Có năm Thanh Kim Huệ, ca cổ. Năm đó là Họa Mi, tân nhạc.

Nhiều người biết Họa Mi là ca sĩ tân nhạc nổi tiếng từ phòng trà Hoàng Thi Thơ vài năm trước 1975. Họa Mi là nữ sinh Gia Long cùng lứa với Vương, và qua các cô giáo Gia Long bạn của chị Hai, anh từng có dịp trò chuyện với Họa Mi. Cùng lứa với Họa Mi còn có ca sĩ Sơn Ca. Nghe tin Họa Mi tới, Vương bắt xe lửa nhanh RER về sứ quán…

Giữa phòng yến tiệc mừng Xuân của sứ quán, các bạn du học sinh mải lo cười nói với nhóm bạn của mình. Nếu trí nhớ không đánh lừa Vương, Họa Mi mặc chiếc áo dài xanh nhạt, hình như có kim tuyến thì phải, đứng một mình. Thầm trách các bạn kia thiếu lịch sự để người đẹp bơ vơ và cậy đã từng nói chuyện, Vương mạnh dạn bước tới. Hỡi ơi, Họa Mi chẳng hề nhận ra anh! Nhắc tới các cô giáo Gia Long như cô Điệp Anh văn, cô Diệu Lan Pháp văn, cô Thoại Lan Sử Địa… Họa Mi nhớ hết, nhưng vẫn nhìn anh chưa có vẻ thân thiện. Vương thông cảm ngay. Thời đó, không khí đó, hoàn cảnh đó, con người có phản ứng tự nhiên dè dặt nhau.

Khi đã bắt chuyện tin cậy hơn, Họa Mi hỏi anh có ý định ở Pháp lâu dài không. Vương trả lời chưa biết. Câu trả lời thật lòng, vì anh chưa biết mình sẽ ở Pháp, qua Mỹ hay về Việt Nam. Vương định sẽ gặp lại Họa Mi lần nữa, nhưng một thời gian ngắn sau anh được tin Họa Mi quyết định ở lại Pháp lâu dài. Từ đó cho tới lúc rời Pháp, anh không còn dịp hội ngộ với ca sĩ …

Chuyện đời như chiếc đèn cù, bây giờ Vương và Họa Mi cùng hiện diện tại thành phố Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng, buổi tối Vương nằm ghế bố coi tivi, thấy ca sĩ Họa Mi ngồi ghế nóng nhận xét, chấm điểm thí sinh tại các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình. Chút kỷ niệm còn phảng phất trong lòng anh chắc đã tan vào hư không trong lòng cô ca sĩ tự lâu rồi!

Nhà khách sứ quán có thể xem như dortoir, nơi các người Việt đi công tác ghé nghỉ chân. Dortoir là một phòng lớn có nhiều giường, mỗi người được phân một giường. Bước chân vào cánh cửa của dortoir, người ta thấy sinh hoạt nơi đây, về nhiều mặt, không khác gì một khu ở tập thể trong lòng nước Việt, tất nhiên là có sang hơn chút đỉnh. Sau một ngày học tập hay thực tập tại trường hay viện nghiên cứu, nhiều du học sinh thay vì ở bên ngoài thì chiều tối ghé về đây nghỉ. Số tiền trả cho nhà khách rẻ hơn so với bên ngoài, cũng là một khoản tiết kiệm. Còn một lý do không nói ra, dortoir là nơi có thể giao tiếp với giới chức nhà nước có tiềm năng leo cao.

Vương gặp nơi đây ông Trần Kim Thạch, giáo sư Địa Chất tại trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn từ trước năm 1975, thầy của anh năm dự bị SPCN. Vương mời ông tới căn hộ của anh tại Les Ulis ở mấy đêm. Ông nói ông hiểu tại sao Vương không ở nhà khách sứ quán, ngó chân anh là chân đi, nhà khách tù túng làm sao giữ được chân anh. Rồi đây cả đời anh sẽ có nhiều hoạt động, nhưng người ham hoạt động về già không giữ được tiền. Ông nói nếu Vương muốn sống yên thân nghề làm khoa học thì ở lại Pháp, nhưng về nước anh sẽ có cuộc sống hoạt động xông xáo vui hơn nhiều, chắc thích hợp với anh hơn. Nhiều người nói tôi thích hợp nghiên cứu khoa học, nhưng tôi biết tôi thích hoạt động xã hội hơn, anh nên suy nghĩ cho kỹ, ông Thạch khuyên Vương chí tình. Lời khuyên này ít nhiều có ảnh hưởng tới Vương về sau.

Gốc Nam Kỳ Lục Tỉnh nhưng Vương gần gũi với văn hóa Bắc Kỳ nhờ sách vở thời Tiền Chiến, nhờ có người lớn trong nhà xưa kia học tại Hà Nội và nhờ la cà trong các gia đình miền Bắc di cư vô Nam năm 1954. Trong tâm trí Vương, hình ảnh Hà Nội trước năm 1956 luôn đẹp đẽ, nền nếp và hơi cổ kính. Bây giờ, qua Nhà Khách Sứ Quán anh mới tiếp xúc trực tiếp với văn hóa của miền Bắc đương thời, bởi vì các bạn miền Bắc chiếm đa số trong cư dân nhà khách.

Những buổi chiều quanh ly trà đậm, các anh bạn miền Bắc kể chuyện tiếu lâm chính trị tỉnh bơ mà khiến người nghe cười lộn ruột. Cái kho tiếu lâm chính trị của các anh đó thiệt là to rộng, ngồi nghe mãi không dứt, và không chán nữa chứ. Tại đây, lần đầu tiên Vương nghe câu “cụ cưới cô, cái cụ có cô cóc cần, cái cô cần cụ cóc có” nói về đám cưới hai nhân vật quyền thế nổi tiếng. Từ đó anh hiểu hơn chuyện kể về những ông Trạng Việt Nam, trạng có thực như Mạc Đĩnh Chi xé nát bức tranh chim sẻ phủ tể tướng triều Nguyên, hay trạng không có thực như Trạng Quỳnh ngạo chúa Trịnh.

Cũng tới lúc đó Vương mới biết mối liên quan phả hệ gia tộc ở miền Bắc chặt chẽ và mang nặng tính thứ trật như thế nào. Anh dần dần hiểu hơn tại sao chủ nghĩa lý lịch lại quá quan trọng tại Việt Nam thời đó. Trước năm 1975, chính quyền và xã hội Miền Nam Tự Do đã dụng công loại bỏ sự có mặt của chủ nghĩa lý lịch còn sót từ thời phong kiến và họ đã đạt nhiều thành quả. Bây giờ, sau ngày thống nhất, xã hội xã hội chủ nghĩa lại lùi về những mối quan hệ ông lý trưởng – thằng mõ trên chiếu làng mà Tự Lực Văn Đoàn đả phá quyết liệt bốn mươi năm trước đó.

Một câu hỏi lởn vởn trong Vương, bao giờ đất nước mới thực sự thoát khỏi những lũy tre?

L.H.L.V.

Nguồn: Diễn Đàn Forum, https://www.diendan.org/sang-tac/su-quan-va-nha-khach-su-quan

Comments are closed.