Huỳnh Duy Lộc
Thái Tú Hạp sinh năm 1940 tại Hội An, Quảng Nam, vào học Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức và tham gia tác chiến cho tới cuối tháng 3 năm 1975. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh phải vào trại cải tạo như nhiều sĩ quan quân đội và công chức chế độ cũ, rồi sau khi ra trại đã cùng gia đình vượt biển, đi tìm cuộc sống tự do. Thái Tú Hạp là một khuôn mặt văn học nổi bật từ trước năm 1975, sau khi sang định cư tại Mỹ đã tiếp tục làm thơ và làm báo tại miền Nam California.
Tập thơ “Hạt bụi nào bay qua” in tại Mỹ là một tuyển tập thơ gồm 90 bài thơ về các đề tài như quê hương, đời lính, cuộc sống tù đày, tình yêu, gia đình và thiền.
“Hạt bụi nào bay qua” cũng là tên một bài thơ viết năm 1978 khi anh bị giam tại trại Kỳ Sơn (Quảng Nam), nói về kiếp người phù du như hạt bụi trần gian bay ngang qua và rơi vào trong mắt.
HẠT BỤI NÀO BAY QUA
Sáng ta thức dậy thấy nháy hoài con mắt trái
Chắc có niềm vui vừa đậu trên mi?
Có phải tin em vừa nhắc đến ta?
Vừa nhắc đến tháng ngày chia ly buồn vời vợi
Hay tiếng chim vừa hót dễ thương
Trong vườn xuân buổi sớm
Nghe từ trong tiềm thức hoang vu
Hay trong hồn biển thu gợn sóng
Nòi giang hồ bỗng chạnh nhớ thương quê
Dấu ngựa lãng quên con đường xưa trở lại
Lau thời gian đã phủ kín lối về
Có phải không em
Bao nhiêu lần trái đất quay giáp vòng sinh tử
Đời mưa sa trên những ngọn núi cây già
Và trên những bờ đá rêu phong
Cổ xưa nào không biết tuổi
Trên những sợi tóc bạc trắng mây trời
Nắm cơm khoai hòa trong nước mắt
Nuốt từng hạt đắng cay
Lặng thầm tủi nhục
Mà em đâu có hay!
Như ánh nắng chiều trên hàng mộ bia
Bạn bè ta ngậm ngùi thương tiếc
Cũng nhòa theo bóng đêm mờ mịt khói sương
Từ trong cõi ưu tư sầu muộn
Thân xác ta rã rời
Qua từng sát na mầu nhiệm
Ôi! Kiếp người hư vô
Trên những chồi non vừa nảy lộc
Ta thấy đẹp như môi em
Ta thấy yêu thương như đôi má hồng con trong nắng mới
Sao gần như tim
Mà hun hút thẳm
Hạnh phúc nào chẳng xót xa
Tự do nào không khơi máu thắm
Không uất nghẹn hờn căm
Không nuôi thù chất ngất!
Biết thế nào được em
Qua từng giấc mơ thật đẹp
Thấy em cười và thấy đôi mắt con thơ
Ngời sáng như sao
Mà cũng bi thảm sầu hơn sao!
Ngày xưa
Chúng mình vẫn ước mơ thật bình thường
Hạnh phúc giản đơn như đóa hồng xinh
Thanh bình rong chơi như đôi tình nhân tuyệt vời nhất
Đất nước hôm nay
Hòa bình có thật?
Nhưng giấc mơ xưa đã tắt lịm rồi em
Như tiếng hót sớm mai này
Của loài chim hoang về đậu trên cành sầu đông rã mục
Tưởng như có niềm vui
Nhưng không phải đâu em
Chỉ là hạt bụi vu vơ
Ngân phiếm dây nhung nhớ cũ
Của đêm qua giấc mơ còn rơi lại
Giọt u buồn còn đọng lắng trong hồn đau
Đời hắt hiu đang chờ ta thức dậy
Còn đâu em
Một tiếc nuối qua mau…
(Viết trong trại cải tạo Kỳ Sơn – Quảng Nam – năm 1978)
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã phổ nhạc một đoạn của bài thơ này thành ca khúc “Hạt bụi nào bay qua”.
Một buổi sớm mai, người tù thức dậy cùng lúc với những người bạn từng khoác áo lính, thấy mắt trái nháy nhiều lần nên thầm nghĩ có lẽ người vợ yêu dấu và con thơ ở thành phố đang nhắc tới mình, nhưng rồi anh chạnh lòng nghĩ tới những tháng ngày chia ly dài dằng dặc chẳng biết bao giờ mới kết thúc:
“Sáng ta thức dậy thấy nháy hoài con mắt trái
Chắc có niềm vui vừa đậu trên mi?
Có phải tin em vừa nhắc đến ta?
Vừa nhắc đến tháng ngày chia ly buồn vời vợi…”
Tiếng chim hót líu lo ở chốn hoang vu bỗng làm anh nhớ lại tiếng chim hót một buổi sớm mai trong vườn xuân của một thuở nào xa xôi đã lắng đọng trong tiềm thức:
“Hay tiếng chim vừa hót dễ thương
Trong vườn xuân buổi sớm
Nghe từ trong tiềm thức hoang vu…”
Nỗi nhớ quê nhà chợt dâng lên chất ngất trong tâm hồn, nhưng giờ đây đường trở về đã quá xa xôi:
“Nòi giang hồ bỗng chạnh nhớ thương quê
Dấu ngựa lãng quên con đường xưa trở lại
Lau thời gian đã phủ kín lối về…”
Trái đất vẫn quay đêm ngày, nhưng với những người tù như anh, thời gian dường như ngưng đọng trong một khung cảnh ảm đạm không có một chút đổi thay với những cơn mưa sa trên những ngọn núi hoang vu, trên những bờ đá rêu phong và trên mái tóc đã bạc trắng như mây trời:
“Bao nhiêu lần trái đất quay giáp vòng sinh tử
Đời mưa sa trên những ngọn núi cây già
Và trên những bờ đá rêu phong
Cổ xưa nào không biết tuổi
Trên những sợi tóc bạc trắng mây trời…”
Anh không muốn kể lể về những ngày cơ cực ở trong trại tù và cũng không muốn nhắc tới nỗi xót thương dành cho những người bạn chẳng may lìa đời ở chốn rừng núi hoang vu:
“Nắm cơm khoai hoà trong nước mắt
Nuốt từng hạt đắng cay
Lặng thầm tủi nhục
Mà em đâu có hay!
Như ánh nắng chiều trên hàng mộ bia
Bạn bè ta ngậm ngùi thương tiếc
Cũng nhòa theo bóng đêm mờ mịt khói sương…”
Thân xác anh đã mệt mỏi rã và anh cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết cái hư vô của kiếp người:
“Từ trong cõi ưu tư sầu muộn
Thân xác ta rã rời
Qua từng sát na mầu nhiệm
Ôi! Kiếp người hư vô…”
Nhưng trong buổi sớm mai này, những chồi non vừa nhú ra trên những cành cây có màu tươi tắn giống như đôi môi đỏ của người vợ yêu dấu và đôi má hồng của con thơ dưới ánh nắng ban mai làm cho anh nhớ lại hạnh phúc thật đơn sơ giờ đây đã quá xa vời:
“Trên những chồi non vừa nẩy lộc
Ta thấy đẹp như môi em
Ta thấy yêu thương như đôi má hồng con trong nắng mới
Sao gần như tim
Mà hun hút thẳm…
Biết thế nào được em
Qua từng giấc mơ thật đẹp
Thấy em cười và thấy đôi mắt con thơ
Ngời sáng như sao
Mà cũng bi thảm sầu hơn sao!”
Anh bồi hồi nhớ lại giấc mơ hạnh phúc của ngày xưa, chỉ mong được rong chơi cùng người phụ nữ yêu dấu của mình “như một đôi tình nhân tuyệt vời nhất”, nhưng giấc mơ ấy đã tan vỡ sau những biến đổi tang thương trên quê hương:
“Ngày xưa
Chúng mình vẫn ước mơ thật bình thường
Hạnh phúc giản đơn như đóa hồng xinh
Thanh bình rong chơi như đôi tình nhân tuyệt vời nhất
Đất nước hôm nay
Hòa bình có thật?
Nhưng giấc mơ xưa đã tắt lịm rồi em
Như tiếng hót sớm mai này
Của loài chim hoang về đậu trên cành sầu đông rã mục…”
Ngỡ rằng mắt nháy liên hồi trong buổi sớm mai này vì một niềm vui lặng thầm khi được những người thân yêu ở phương xa nhắc tới, nhưng hóa ra chỉ là một hạt bụi rơi vào trong mắt sau một giấc ngủ với một giấc mộng đẹp đã tan biến mất:
“Tưởng như có niềm vui
Nhưng không phải đâu em
Chỉ là hạt bụi vu vơ
Ngân phiếm dây nhung nhớ cũ
Của đêm qua giấc mơ còn rơi lại
Giọt u buồn còn đọng lắng trong hồn đau
Đời hắt hiu đang chờ ta thức dậy
Còn đâu em
Một tiếc nuối qua mau…”
Ca khúc “Hạt bụi nào bay qua” với giọng ca Duy Quang (trong album “Ngợi ca tình yêu – Phạm Đình Chương Collections – volume 2”):
Ca khúc “Hạt bụi nào bay qua” với giọng ca Phạm Thành:
Hàng ngồi: nhà văn Võ Phiến, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.
Hàng đứng: Từ trái: bác sĩ Nguyễn Văn Đức, anh Phan Bá Phụng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, anh Nguyễn Đình Cường và Thái Tú Hạp.
Ảnh chụp tại quán Doanh Doanh, Los Angeles.