THUỞ ĐƯỜNG THI

Truyện

Nguyễn Thanh Văn

 

Nghe anh bạn cũ bảo “sư Dần” nhắn cả bọn về nhà chơi Tết, bình thơ Đường tôi mừng quýnh. Gia đình ở xa không về tết được, đất khách quê người gặp lại tri âm thì còn gì bằng.

Cả họ bên nội lẫn bên ngoại của tôi đều có đóng góp vài thành viên cho các kỳ thi hương hội cuối cùng. Ở vùng biển Hà Trung, Vinh Lộc ngày trước, đi Huế, lên kinh đô triều Nguyễn, gọi là “lên dinh”. Sau mấy kỳ “lên dinh” dự thi, các cụ trở về với nương vườn và bớt nói chuyện thánh hiền đời xưa. Trong hai ngôi nhà thờ họ bề thế vào loại nhất vùng không thấy có văn bằng, sắc phong gì, nhưng tiếng văn hay chữ tốt vẫn được đồn đãi không có gì ngăn cản nổi.

 

Ngày còn bé ra đình chơi, tôi thường mục kích cảnh nội tôi khăn đóng, áo lương dài, đại diện làng xã ê a đọc sớ tế. Bề dày nho học này đến đời chúng tôi xem như đã mất dấu, chỉ đủ ảnh hưởng tới việc tôi chọn ngành Việt Hán khi thi vào trường sư phạm, nơi tôi hân hạnh biết anh Dần.

 

Giữa đám bạn trẻ cùng lớp đầy háo hức, tự thị, anh Dần có một tư thế vượt hẳn. Phong thái đĩnh đạc, lời ăn tiếng nói rành mạch đâu ra đó của người có bề dày chữ nghĩa và đã có gia đình. Chỉ qua mấy tuần học, vốn liếng kiến thức lộ rõ, mọi người càng thêm phục “sư Dần”, biệt danh mới lớp đặt cho anh. Đến cụ Soạn, thầy giáo già dạy chữ Hán, người nổi tiếng khó tính, thỉnh thoảng còn cho gọi anh Dần lên “bút đàm” cả nửa giờ trước những cú liếc mắt đầy tình tứ của những nữ sinh viên lớp Việt Hán 1 dành cho anh Dần lẫn cụ Soạn.

 

Khi hội thơ Đường của liên lớp Việt Hán được thành lập, sư Dần nghiễm nhiên là “hội chủ”, thanh vọng còn cao hơn đàn anh, đàn chị năm ba, năm tư, là niềm tự hào của cả lớp Việt Hán 1.

Theo đánh giá của những thành viên trong hội thơ Đường ngày đó thì trình độ bình thơ và niềm say mê thơ cổ của anh Dần đáng xếp vào bậc “thượng thừa”. Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ như in những chiều hạnh phúc ở phòng trọ nhà anh Dần. Chiếc bình trà cổ nhỏ xíu, lưng trà quí sắc vàng, nhâm nhi xong còn cả vị đắng lẫn vị ngọt ngào ở cổ họng, lại vừa bỏng rát ê cả chót lưỡi. Cái bi tráng của Vương Xương Linh, nỗi đau đời của họ Đỗ và cánh hoa đào bẽ bàng một chiều xuân Trung Hoa xa xôi hiện ra đầy xúc cảm, sắc nét hẳn qua giọng bình thơ khi trầm đều, khi gay gắt, khi lửng lơ, nhát gừng của đấng hội chủ. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ nửa hư nửa thực thoảng qua rải đều một lớp cánh nguyệt quế li ti trắng mịn lên sàn phòng, bàn trà và những mái tóc thề của các em tôn nữ trong lớp bình thơ làm chúng tôi đắc ý khôn tả.

 

Thành thật mà nói chúng tôi siêng tới phòng trọ của anh Dần còn vì một lý do phi văn chương khác: những “món quà của tiện nội” như chủ nhân thường giới thiệu. Đám sinh viên trẻ xa nhà quanh năm thiếu chất bổ dưỡng, đánh giá cao mấy lon “guy- gô” mỡ heo trộn tép mỡ khô ròn, cặp bánh chưng hay bịch thịt chà bông của chị Dần ở quê gửi vào. Hình ảnh bậc hiền thê kính trên nhường dưới, mẫu mực và giọng kể nửa tự hào, nửa như ân hận, xót xa của bậc quân tử lúc đề cập tới vợ hiền ở chốn xa xôi, đâu đó “dưới đám mây Tần”, làm chúng tôi vừa cảm động vừa khâm phục người phụ nữ chưa hề được gặp mặt. Phần vì anh Dần có ý can ngăn, phần do tuổi trẻ vô tâm, lần lữa mãi mà không một ai trong nhóm chúng tôi về tận làng quê vợ chồng anh Dần để cảm tạ ân nhân. Kể cũng tệ thật!

 

 

***

 

Tạm biệt dãy nhà lá đìu hiu được cất tạm làm lớp học, tôi đón chuyến xe lam cuối cùng của chiều ba mươi tết. Từ bến xe huyện, còn phải cuốc bộ thêm hơn hai cây số đường đất, ngang qua ngôi trường cấp ba nơi anh Dần đang dạy văn mấy năm nay. Cũng may lối đi tới nhà sư Dần khá đơn giản và khác hẳn với người thành phố, bà con vùng quê vẫn còn giữ thói quen giả lả, nhiệt tình với người lạ, đặc biệt khi có ai hỏi thăm đường.

-Lối này … này … Nhà ông giáo, nhà bà Câm đó mà!

 

Đầu ngõ đúng là có một cái miễu hoang đúng như anh Dần đã dặn. Thêm mấy bước nữa là tới. Ngõ xóm vừa đi qua hiu hắt quá, không có dấu hiệu gì của chiều cuối năm. Người quân tử bất phùng thời sống ra sao đây trong chừng ấy thời gian và với bao nhiêu là biến cố!

Một dáng đàn ông dềnh dàng đứng ở ngay bậc thềm mà tôi nhận ra ngay.

-Quê người đất khách … bạn cũ tình xưa!

Anh Dần phát âm rành rọt từng miếng một, không rõ là lời chào hay câu đầu của một bài thơ hoàn chỉnh. Tôi cũng ôm chầm chủ nhân và sung sướng nhận những cái hôn nồng nàn, vồ vập y hệt cách biểu lộ tình cảm của những nhà chính trị quốc tế cùng quan điểm. A, thì ra sư Dần vẫn thế, vẫn “dĩ bất biến ứng vạn biến”: ung dung, đĩnh đạc, hiếu khách. Chao ơi, ở chốn quê mùa, trong lúc cả nước không có cái ăn, mà đón bạn vẫn như hồi nao: sơ mi thẳng nếp, trắng tinh, tóc rẽ ngôi thoang thoảng mùi nước hoa không rẻ tiền … Tuồng như để khách thêm phần thoải mái, anh Dần giải thích khi thấy tôi nhìn quanh.

-Tiện nội và sắp nhỏ có ý ăn tết ở nhà ngoài, dành riêng vườn thơ lại cho cánh mình! Các vị kia đi mua thuốc là, về ngay thôi …

Nhìn sàn gạch sạch bong, đồ đạc sắp đặt gọn ghẽ và tủ đồ ăn hứa hẹn một đợt bồi dưỡng sau mấy tuần tự phục vụ vất vả, tôi thấy hài lòng. Nỗi buồn vì món lương còm cõi bị khất ra xuân cũng trở thành chuyện nhỏ. Trong lúc anh Dần lịch kịch đâu sau bếp, tôi nằm xoài xuống sàn. Thì ra cái mái ấm gia đình vun xới cho con người bao nhiêu điều hay. Cặp quân tử hiền thê này kinh qua bao năm tháng mà vẫn đề huề, mẫu mực, giữ được nếp nhà. Ai đó dám bảo “thế gian được vợ, mất chồng” kể cũng ngoa. Dứt khoát phải yêu cầu chủ nhân mời phu nhân về để có lời cảm tạ mới được. Tôi hào hứng nghĩ chuyện sẽ đại diện cho cả hội Đường thi cảm ơn người tố nữ trong tranh thuở nào đã lo toan đãi đằng anh em bạn chồng bao nhiêu bận, mà vẫn dứt khoát không cho diện kiến dung nhan.

 

Đêm ba mươi không trăng. Thời tiết miền Nam cuối đông không lãng mạn lắm. Không se lạnh, không cả mưa bay. Nhưng với chỗ tri âm, tri kỷ thì quá đủ. Ánh đèn măng sông ấm áp- thêm một ví dụ về thói phong lưu của sư Dần vào cái thời đến dầu hôi cũng phải mua bằng tem phiếu bao cấp- rồi tình người, kỷ niệm … làm cho những câu thơ cổ vốn đã thuộc về cõi bất tử lại càng thêm man mác, sâu lắng.

 

Không rõ thời gian qua bao lâu khi có tiếng trẻ con rụt rè:

-Ba ơi, cậu Chiến không cho vào nhà ngoại!

Đang rót thêm rượu vừa lè nhè mời khách, anh Dần rụt tay lại. Bừng tỉnh khỏi men thơ, cả bọn chúng tôi bất giác nghếch đầu nhìn ra cửa thông ra bếp. Ở cái xó nhá nhem tối đó lúc nhúc một đám trẻ con gầy gò y như đám chuột nhắt. Đứa bé nhất ôm chặt lấy một người đàn bà khuôn mặt cằn cỗi, ngơ ngác. Một lọn tóc bung ra một bên thái dương trắng toát, cũng có thể do ánh đèn chiếu thẳng chăng!

 

Ngỡ là bà ngoại, bà nội gì của sắp nhỏ tới chơi, tôi ngồi choàng dậy suýt lên tiếng “chào bác!”. Có tiếng lục cục gì trong mồm anh Dần và người đàn bà vụt biến ngay. Từ lúc xuất hiện cho đến lúc đi, bà vẫn không có một lời nào. Tiếng chân trẻ con líu ríu rút qua ngõ sau xa dần. Khuôn mặt đang đanh lại của sư Dần dãn ra, trên môi lại thấp thoáng nụ cười duyên dáng quen thuộc. Đám khách khứa, các thành viên của hội Đường thi, sau mấy giây lúng túng, lại sôi nổi xoay lại tài phục bút và vầng trăng đáy sông oan nghiệt gắn với đoạn kết cuộc đời thăng trầm của đại thi hào họ Lý.

 

Trời chắc đã quá nửa đêm khi tôi tỉnh giấc. Vậy là không có ai đánh thức tôi dậy đón giao thừa. Xứ nghèo, pháo đì đùng mấy tiếng rồi thôi. Do trong phòng hơi ngộp, tôi gượng dậy, hé cửa, bước lần ra ngõ. Gió đêm mát rười rượi dìu khách tận ngõ xóm lúc nào không hay. Chỗ miếu hoang có ai giăng tấm màn trắng ngang qua hai trụ miễu, ý chừng để chắn gió.

Trong đêm tĩnh mịch chợt có tiếng đàn bà ỉ ôi khóc và mồn một tiếng ai quất ai bằng dây nịt. Thấy rờn rợn trong người, tôi định quay trở lại, vừa lúc từ trong miễu hoang vọng ra giọng nói đĩnh đạc của anh Dần:

-Nội đêm nay mẹ con quay lai bên đó ngay. Muốn làm xấu mặt ai đây! … Cái gì? Không cho cũng ở lại. Về là chết!

Và cũng cái giọng trầm ấm thường để bình thơ Đường, anh Dần nói rành rọt:

-Bốn giờ sáng tao quay lại. Đứa nào còn chường mặt đây sẽ biết!

Tiếng khóc ỉ ôi bỗng ngưng lại, thay vào đó là một chuỗi âm thanh là lạ nghe như tiếng ú ớ. Rồi có tiếng một bé gái:

-Mẹ nói để cho tụi con ngủ một lát. Thằng Út dẫm phải xương rồng. Bốn giờ sáng ba ra mà kiểm tra!

 

Ngọn đèn lù mù trong miễu gặp gió bỗng bùng lên. Tấm màn trắng như màn ảnh xi nê nổi lên một dáng đàn ông cao lớn như người khổng lồ, tay huơ một vật gì không rõ hình dạng. Và dưới chân gã là một dáng đàn bà nhỏ nhoi lum khum, tóc tai rũ rượi. Cái bóng lum khum bỗng rụt rè ngước đầu lên, dúi vội một cái gì đấy vào tay người khổng lồ. Có tiếng gì lí nhí không rõ, rồi cũng giọng bé gái hồi nãy nhắc lại:

-Mẹ nói bà ngoại có cho mấy đứa con ít tiền … Ba lấy một nửa mà đãi khách!

 

Ánh đèn vụt tắt hẳn, Bóng tối nuốt chửng tất cả, cả những thước phim tủi cực mà tôi vô tình chứng kiến. Người khán giả bất đắc dĩ duy nhất lò mò về nhà trong bóng đêm không trăng, không sao với cặp mắt bỗng cay xè.

Sáng hôm sau, ngay ngày mồng một tết, viện cớ có việc trường gấp, tôi xin phép từ giã trước vẻ mặt sửng sốt của chủ nhân và mặc lời can ngăn, giận hờn của đám bạn cũ.

 

Từ đó, nói ra bạn đọc cho là thiên kiến, vô lý, tôi không còn quá hứng thú với việc bình thơ Đường nữa. Thảng hoặc, do nhu cầu giảng dạy hoặc lúc rảnh rỗi quá không nhịn được, có tiếp xúc với thánh thi, thần bút, tôi luôn cố chừng mực, thận trọng y như thầy lang đang pha thuốc bắc. Quá liều e ảnh hưởng tới sinh mạng ai đó!

 

 

Comments are closed.