Trống rỗng

Truyện Mai Sơn

Đọc Trống rỗng của Mai Sơn

Sự hiện diện của kẻ khác không bao giờ là một điều hiển nhiên. Tuy vậy trong đời sống thường ngày, hầu như, nếu không muốn nói chẳng bao giờ, chúng ta nghi ngờ về tính bền vững của sự hiển nhiên đó. Mỗi ngày chúng ta đi bên nhau, va vào nhau, ngắm nhìn hay chuyện trò với nhau ở công sở, đường phố, quán rượu; hoặc ngay chính trong mái nhà thân thương của mình, chúng ta yêu nhau, hẹn hò, làm tình, nhớ nhung, chia tay… rồi một sự vắng mặt này ngay lập tức được lấp đầy khoảng trống bởi một sự hiện diện khác. Chúng ta quen thuộc với sự hiện hữu của người bên cạnh như quen thuộc với sự-cần-thiết-không-bàn-cãi của cái bàn hay cánh cửa. Chẳng bao giờ chúng ta hoài nghi về chúng trong tính cách là một hiện hữu không thể chạm tới.

Tại sao họ có mặt bên cạnh ta? Sống có nhất thiết phải là sống chung với người khác, chia sẻ không gian với người khác như một thứ định mệnh dành cho con người? Và thế nào mới là sống chung?

Hoài nghi? Có vẻ như đây lại là một thứ xa xỉ của tinh thần trong một thế giới luôn bận rộn với những thú vui và những cái mới mẻ hào nhoáng.

Rồi cho đến một ngày, một “chiều chủ nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu” nào đó, chúng ta thức dậy; một sự thức tỉnh muộn màng, một mình giữa cô quạnh của chăn chiếu. Cuộc đời, ở ngoài kia, rất xa như một tiếng động mơ hồ.

Đó là tình cảnh của người đàn ông, vô danh, trong truyện ngắn, rất ngắn, Trống rỗng của nhà văn Mai Sơn. Chúng ta không biết gì nhiều về người đàn ông xưng tôi này cũng như về cặp vợ chồng trẻ ở cạnh phòng và ngay giữa họ cũng hoàn toàn chẳng biết gì về nhau. Chỉ có những chuỗi tiếng động mà họ gây ra (va chạm của chén đũa chung đụng) là thứ duy nhất giúp cho họ nhận biết sự tồn tại của nhau ở bên kia bức vách.

Ban đầu là những chuỗi âm-thanh-con-người khoái lạc bất tận của cặp vợ chồng trẻ vọng sang đã khiến người đàn ông phải cậy nhờ đến tiếng nhạc của cái cát xét để át đi tình cảnh cô độc trơ trọi của mình. Âm thanh của sự im lặng. Cái cát-xét cũng đã giúp ông cố quên đi tiếng rên rỉ vì đau đớn, vì bị hành hạ thể xác, vì bị bạo hành sau đó. Cho đến lúc đó, đối với họ, sự hiện diện của người bên cạnh chỉ là một sự hiện diện bất toàn hay trá hình, một sự-hiện-diện-khiếm-diện.

Rồi đến một lúc cái cát xét hoàn toàn bất lực. Người đàn ông cũng bất lực khi không thể tiếp tục đóng vai trò người quan sát từ bên kia bức vách. Ông quyết định gõ cửa và bước chân vào không gian của người bên cạnh.

Có phải đó là một khởi đầu của bi kịch?

Thế giới được hình thành theo cách mà hành động của chúng ta sẽ thay đổi ý nghĩa khi chúng ta bước ra khỏi chính mình và phơi bày ra với thế giới bên ngoài. Sự thật là con người hoàn toàn tự do trong hành vi chấp nhận hay chối bỏ cuộc sống, nhưng khi chấp nhận thì đồng thời con người cũng chấp nhận một hoàn cảnh cụ thể, là gánh lấy trách nhiệm, là chấp nhận ký kết một khế ước với cuộc sống và với đồng loại.

“Không, tôi có quyền chứ”. Đó là một khẳng quyết, qua đó, người đàn ông cô độc bước vào thời gian và sáng tạo nên trong lòng nó hiện hữu của mình. Người đàn ông, từ lúc ấy trở đi, sẽ không còn là một con người vô danh nữa; ông đã bắt đầu có một tiểu sử, một số phận và chịu sự phán xét của người khác. “Ông thật là tò mò”; “Đây là chuyện riêng tư của gia đình tôi. Yêu cầu ông để cho chúng tôi tự giải quyết… Ông không có quyền can thiệp”.

Và cũng chỉ đến lúc ấy, người đọc mới được tác giả dẫn đến trung tâm của vở kịch, nơi mà các nhân vật can dự vào cuộc sống của nhau, số phận họ đan cài vào nhau trong một mớ phức tạp của những dự phóng, hy vọng đối nghịch nhau.

Đó là thời điểm hiện hữu đối với họ trở nên trọn vẹn, người đàn ông không còn nghe một thứ tiếng động gì nữa từ bên kia bức vách. Cũng chính vào lúc đó tác giả để cho người đàn bà chết.

Tuy nhiên, cái chết của người vợ, suy cho cùng, chỉ là một giải pháp tạm thời bởi vì nó không thể đặt ra ngoài tất cả mọi nghi vấn. Bởi vì chính vào lúc đó những nghi vấn mới thực sự xuất hiện. Bởi vì chúng ta không thể kết thúc những gì chưa thực sự bắt đầu.

Đứng trước một cái chết chúng ta có thể làm được gì? Có phải là sự kết thúc mọi ý nghĩa, mọi giải thích?

Hay là chúng ta đứng trước một sự khiếm diện? một trống rỗng? Trống rỗng để cho cái gì đó đổ vào.

Người đàn ông đã bỏ chạy khi đứng trước sự trống rỗng đó. Sự trống rỗng đang lớn dần trong chúng ta, giữa chúng ta.

VŨ THÀNH SƠN

Phòng tôi ở thuê chung vách với phòng của một cặp vợ chồng trẻ. Người chồng rất kín tiếng, mặt mũi lầm lì, đi đứng khó khăn, nghe nói mình mẩy đầy thương tích, không rõ vì những trận đánh thời chiến tranh hay vì những trận đòn thù giang hồ thời hòa bình. Thật không thể biết được. Cũng nghe phong phanh người vợ vốn là nữ sinh nhà nghèo, bỏ học giữa chừng đi bán cà phê đèn mờ và được người đàn ông ra tay nghĩa hiệp, yêu thương, rồi cưới làm vợ. Những ngày đầu về với nhau, họ tạo nên những chuỗi âm-thanh-con-người khoái lạc bất tận. Tôi phải mở nhạc từ chiếc cát-xét to lên để át bớt đi… Lâu dần tôi quên rằng bên kia tấm vách gỗ ván có một suối nguồn hạnh phúc hân hoan đang chảy.

Bỗng một sáng sớm tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng rên rỉ. Tôi định lờ đi thì nghe rõ hơn đó là tiếng rên rỉ vì đau đớn, vì bị hành hạ thể xác chứ không phải tiếng rên rỉ của hoan lạc. Thoạt tiên tôi chạnh lòng, nghĩ ngợi đôi chút. Nhưng rồi tôi chắc lưỡi… và để át đi tiếng rên-đau đó, tôi mở cát-xét. Nhưng ngày hôm sau, những tiếng động bạo hành từ người chồng và những âm-thanh-bị-hành-hạ từ người vợ vang lên lớn hơn, dồn dập hơn. Tôi bắt đầu thấy mình thở gấp, mặt nóng bừng. Và tôi quyết định gõ cửa căn hộ láng giềng. Người đàn ông mệt mỏi mở cửa ra, ngạc nhiên nhìn tôi:

-Ông muốn gì?

Tôi hỏi thật rành rọt:

-Anh đánh vợ anh, phải không?

Sự kinh ngạc trong mắt người đàn ông biến thành sự khiêu khích:

-Chuyện riêng của vợ chồng tôi, ông hỏi làm gì?

Tự dưng tôi nổi nóng, không kềm chế được. Tôi nói gằn giọng từng tiếng:

-Tôi chỉ muốn hỏi có phải mấy ngày nay anh đánh vợ anh không?

-Nếu tôi không trả lời thì sao?

-Không được, anh phải trả lời chứ!

-Ông có điên không? Tôi không trả lời. Xin ông tránh ra cho tôi đóng cửa.

Người đàn ông đưa tay định kéo cửa; tôi giữ tay anh ta lại. Và tôi bỗng ôn tồn:

-Tôi đề nghị anh dừng chuyện đánh đập vợ anh đi. Đó là cách gián tiếp tôi tự trả lời câu hỏi do tôi mới đặt ra. Rõ ràng là mấy ngày nay anh đánh vợ anh, và tiếng rên la, khóc lóc của chị ấy đã lọt qua nhà tôi.

Vẻ khinh ngạo và tức tối hiện rõ trên mặt người đàn ông:

-Ông thật là tò mò.

Tự nhiên tôi mất bình tĩnh, buột miệng:

-Tôi thề tôi không tò mò, không biết mảy may chuyện gì diễn ra giữa hai vợ chồng anh từ khi tôi đến đây ở. Chỉ hai ba ngày nay tôi mới thấy khó chịu vì tiếng khóc của vợ anh…

-Đây là chuyện riêng tư của gia đình tôi. Yêu cầu ông để cho chúng tôi tự giải quyết… Ông không có quyền can thiệp.

-Không, tôi có quyền chứ. Tôi không phá đám hạnh phúc của anh, tôi không có bổn phận phải chia sẻ hạnh phúc với gia đình anh; nhưng khi tôi nghe thấy tiếng khóc, là dấu hiệu của kẻ yếu bị đàn áp, thì tự nhiên, phải, rất tự nhiên, như anh thấy, tôi phải gõ cửa nhà anh thôi.

Người đàn ông hét lên:

-Nó là vợ tôi. Tôi là chồng nó. Đây là sự va chạm của chén đũa chung đụng.

-Không được. Ngay cả khi tôi biết anh đang tự hành hạ mình, anh tự ép xác mình đến chết, anh tự làm khổ nhục mình thì tôi vẫn gõ cửa nhà anh như thường, để ngăn chặn cơn điên loạn làm hư hỏng hiện hữu của anh.

-Ông đang nói huyên thuyên, vớ vẩn, ông biết không? Ông mới là điên.

-Tôi không muốn nói gì với anh nữa. Chỉ yêu cầu anh ngưng dùng bạo lực với vợ anh. Nếu tôi điếc, hoặc nếu tôi nghe tiếng khóc đau đớn mà tưởng là tiếng khóc hạnh phúc thì tự nhiên anh sẽ được quyền làm tất cả những gì anh muốn làm, như không có người hàng xóm là tôi bên kia vách. Nhưng tôi không điếc, cũng không lầm lẫn. Rõ ràng là vợ anh bị bạo hành.

-Thôi được, ông về đi.

Suốt thời gian trò chuyện tôi không thấy vợ anh ta đâu cả.

Từ sau hôm đó, tôi không nghe thấy tiếng rên đau đớn của người phụ nữ bên kia vách ván. Tôi cũng không thoáng nghe những tiếng rên rỉ hoan lạc như ngày nào. (Điều này tôi nhận ra một cách tình cờ sau này khi không nghe chiếc cát-xét trong nhà tôi phát ra tiếng nhạc xập xình).

Nhiều ngày và nhiều ngày sau… Một tối, mùi hôi thối từ đâu ập vào nhà tôi… Linh tính mách bảo tôi có người chết ở phòng bên. Tôi vội chạy sang…

Xác người phụ nữ khoảng hăm lăm tuổi, miệng bị nhét đầy giẻ, nằm sóng soài dưới nền nhà.

Trong giờ phút kinh hoàng đó, không hiểu tại sao bộ máy mỹ cảm trong tôi lại cắc cớ nổi lên hoạt động để tôi rùng mình nhận ra đây là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng trông thấy.

Một cảm giác bất lực xâm chiếm tâm hồn tôi.

Tôi bải hoải chân tay, đứng chôn chân nhìn.

Trong đầu không hề có ý nghĩ phải tìm người đàn ông chồng của người phụ nữ này.

Không có ý nghĩ phải đi báo công an.

Không có ý nghĩ về bất cứ điều gì.

Trống rỗng. Trống rỗng để cho cái gì đó đổ vào.

Và cảm giác phạm tội dâng lên, lớn dần trong tôi. Tôi chạy về phòng, thu dọn quần áo cùng mấy thứ linh tinh, vội vã chạy đi trước khi có người nào chứng kiến vụ án.

Sài Gòn, 2003

Comments are closed.