Tử Đinh Hương

Nguyễn Xuân Thọ

Tôi đến thăm cô giáo khiếm thị với cái biệt danh Facebook “Tử Đinh Hương” vào một ngày đầu tháng Năm, khi mọi người đã bình tâm trở lại sau những hân hoan, tự hào về ngày 30.4. Tôi đi lại ngược xuôi để tìm nhà cô, hết ngõ rồi ngách trong con đường nhỏ thuộc phố Kim Ngưu. May mắn là khi tôi nói đến tên Lena thì có một cô gái nhiệt tình chỉ tôi đến đúng số nhà.

Tôi biết đến Lena thông qua số phận của chồng cô, tù nhân chính trị Lê Trọng Hùng. Tháng Ba năm 2021, giữa mùa dịch Covid 19, khi đang ở Sài Gòn chăm má tôi vào những tháng cuối cùng của đời bà thì tôi nghe tin một công dân muốn đứng ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 bị bắt. Đó chính là Hùng mà người ta còn gọi “Hùng Gàn”. Anh bị kết án 5 năm tù, chỉ vì muốn thực thi quyền công dân của mình. Từ đó trên Facebook xuất hiện các bài viết của Tử Đinh Hương đòi tự do cho chồng. Thế là tôi liên lạc với cô và gửi quà cho hai cháu bé.

Trước mặt tôi giờ đây là một phụ nữ khiếm thị có khuôn mặt tròn trĩnh khả ái. Với giọng nói pha chút phương ngữ Quảng Bình, cô đón tôi vào căn nhà đơn sơ, còn bày biện nguyên như trước ngày Hùng bị bắt.

“Căn nhà nhỏ này là một điều may cho em và hai cháu. Nhờ nó mà chúng em thoát khỏi cảnh đi ở trọ nơi khác. Người không có nhà mà gặp hoàn cảnh như em, trọ ở đâu cũng bị gây khó dễ, xua đuổi”. Tôi không biết người hỏng mắt có chảy được nước mắt hay không. Nhưng mắt tôi cay xè.

Cái tên Lena mẹ đặt cho cô, vì bà lớn lên với văn học Xô-Viết và yêu cái tên đó. Còn biệt danh “Tử Đinh Hương” được cô gái mê văn học này lấy từ một truyền thuyết Ba-Tư về tình mẫu tử* mà cô đã nhập tâm từ bé. Khi vào học trường khiếm thị, cô đã thích làm thơ và nhiều bài đã được đài Tiếng nói Việt Nam đưa lên sóng.

Những bài thơ của cô đã đi vào lòng Hùng, một anh giáo làng ở tỉnh Lào Cai xa xôi. Sau này anh chuyển về xuôi để học đại học luật, với hy vọng dùng kiến thức pháp lý để giúp đỡ những người nghèo đang bị bọn cường hào mới áp bức, bị bọn tư bản cá mập cướp đất. Ở trường Luật, anh gặp vài sinh viên khiếm thị cùng khóa nên nảy ra ý định tìm nàng thơ của mình. Họ cho anh số điện thoại của Lena, khi đó đang học trường Sư phạm. “Mối tình qua những bức thư” đã dẫn họ đến với nhau. Lena sử dụng thành thạo smartphone và máy tính với chức năng hỗ trợ người khiếm thị bằng âm thanh. Không phải bây giờ mới có AI, mà khởi thủy của nó gần 20 năm trước, tuy thô sơ đã giúp họ thành vợ thành chồng.

Lena sinh được hai con trai, Bảo Minh (14 tuổi) và Bảo An (8 tuổi). Cả hai cu cậu đều mạnh khỏe và không bị ảnh hưởng gì bởi tật bẩm sinh của mẹ. Đó là niềm an ủi lớn nhất cho cặp vợ chồng trẻ. “Thuận vợ thuận chồng, Biển Đông tát cạn”, vậy mà hai vợ chồng luôn vất vả. “Hùng Gàn” dành phần lớn tâm trí và thời gian cho việc giúp đỡ những người mà không ai dám giúp.

Công lý cần những thằng gàn như Hùng, khi xã hội nhắm mắt.

Mọi việc dồn lên vai Lena, cô giáo dạy trẻ khiếm thị trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Vợ tôi từng là giáo viên nên tôi biết rõ. Ngày trước, con nhà lý lịch xấu không được vào các trường danh giá như Tổng hợp, Bách khoa hay trường Y, mà đều phải vào sư phạm. Nghề gõ đầu trẻ khi đó là nghèo nhất, không có chút thu nhập phụ gì, lại hay phải đi vùng xa vùng sâu. Giờ đây thời thế thay đổi, cô giáo thành thị là nghề hái ra tiền, nào là tiền dạy thêm, tiền ăn trưa, tiền bán chỗ trái tuyến…

-Nhưng dạy trẻ khiếm thị thì kiếm đâu ra những cái đó hả anh?

Tuy vậy người chồng trong gia đình vẫn là chỗ dựa quan trọng, nhất là với một người vợ khuyết tật như Lena. Giờ cái cột đó bị lấy đi mất. Cô hụt hẫng mất cả mấy tháng trời. Nhưng Lena không đầu hàng. Cô tìm mọi cách để đòi công lý cho chồng.

– Hàng xóm, láng giềng đối với em thế nào từ khi Hùng bị bắt?

– Lúc đầu người ta cũng nghi ngại, xa lánh. Có người từng nhận anh Hùng làm giúp việc trong cửa hàng ngoài ngõ, sau vụ đó họ thậm chí còn không dám cho người thân bạn bè gửi xe để đi vào hẻm nhà em. Bây giờ mọi việc bình thường hóa dần dần rồi.

Tôi cũng cảm thấy điều đó khi tìm nhà Lena.

– Hai cháu đi học có bị kỳ thị gì không?

– Các cháu may mắn học ở trường mẹ (trường hòa nhập cả học sinh khiếm thị lẫn học sinh bình thường) nên cũng đỡ ạ. Ngay sau khi anh Hùng bị bắt, có cháu bé, con một nhà báo chuyên về pháp luật, gọi Bảo Minh là “con nhà phản động”. Nhưng cô giáo chủ nhiệm không ủng hộ việc đó nên Minh không bị ảnh hưởng gì. Còn An thì lúc đó chưa đi học. Thỉnh thoảng khi em viết bài trên mạng đòi công lý cho chồng, người ta gây sức ép để ban giám hiệu làm việc với em.

– Nếu các anh chị ở vào hoàn cảnh của em, thì chắc chắn các anh chị hoặc phải dùng tiền bạc hoặc dùng quan hệ để chạy cho người thân chứ, đúng không? Em không có cả hai thứ đó nên cách duy nhất của em là đưa ra công luận.

Chào Lena ra về, tôi tự hỏi: Hùng đã chịu 4 năm trong bản án 5 năm tù phi lý, vậy mà sao trong danh sách đặc xá nhân ngày 30.04, khi người ta kêu gọi bỏ qua cách biệt để hướng tới tương lai, lại không có tên anh?


* https://dienhoa24gio.com/News/4686/truyen-thuyet-hoa-tu-dinh-huong-bao-hieu.aspx

 Hoa tử đinh hương

Gia đình bé nhỏ trước ngày tai họa ập đến.

Ảnh của phó nháy Bảo Minh chụp.

This entry was posted in Văn and tagged . Bookmark the permalink.