Vé trở về (kỳ 4)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

7. Sói cô độc

Có những đêm mi nằm mơ, thấy mình là một con sói, không hiểu sao chó sói lại rất sợ rắn rết và trăng. Cứ mỗi khi trăng lên thì tiếng hú của mi thê thảm. Những lúc như vậy, bà của mi an ủi, cho mi một bát cháo nóng có đánh lòng đỏ trứng gà, bỏ vài hạt tiêu, vài cọng lá quế và một chút nước mắm nhĩ. Mùi thơm của tiêu hạt và lá quế, mùi ngọt bùi pha chút hơi tanh của lòng đỏ trứng gà quyện với cháo gạo nếp, mùi nước mắm nhĩ đậm đặc quyện vào nhau. Tự dưng mi khóc. Nhiều lần mi đã khóc như vậy vì sợ một lúc nào đó bà vĩnh viễn đi xa. Mi rất sợ phải cô độc, trơ trọi trong cuộc đời.

Mi biết, mi không sợ cô độc theo cách của những đứa không chịu nổi, không thể sống khi không còn một ai đó để dựa dẫm. Và kiểu cô độc trên năm mươi tuổi vẫn còn than thở cha mẹ chết sớm, sống mồ côi thì chắc hẳn chỉ làm trò cười cho mi. Nhưng, sự cô độc của một con người, mà cũng có thể hắn sẽ biến thành sói hoặc một loại cọp beo nào đó trong cánh rừng đời, đi lang thang trong số phận của hắn.

Nếu không có hai thứ đó, mi nghĩ, giả sử người ta có thể trở thành nhà tu hành hoặc một kẻ khủng bố hoặc gái điếm, tú ông tú bà. Thế giới bỗng dưng trở nên khủng hoảng và đáng kinh tởm bởi nếp nghĩ không cần dựa dẫm ai và cũng không cần ai dựa dẫm. Bới mi là con người, và thế giới quanh mi cũng là con người.

Có những đêm mi nằm mơ mình hóa sói. Và mỗi lần như vậy, liền tiếp theo là giấc mơ đi học. Cái thời đại học luôn ám ảnh mi. Ngược lại, bóng cây chim chim lại phủ lên giấc chiêm bao thời đại học của mi và mi không tài nào lý giải được điều này.

“Lần đó anh còn nhớ lần đó không?” – Ả hỏi.

“Lần nào?”

“Thì cái lần đó!”.

“À…”.

Mi biết ả ám chỉ lần đầu tiên mi làm tình với ả. Chắc hẳn mi phải nhớ chứ. Đương nhiên, cái nghĩa nhớ nhau này cũng tùy nghi, không cần bàn luận thêm. Nhưng rõ ràng là mi có thoáng qua cái cảm giác phải chứng kiến người nằm trong quan tài kia là bác ruột của mi, là cha của ả. Đương nhiên, ả không hề lừa gạt mi và mi cũng không hề lừa gạt ả. Nhưng tại chiến tranh. Đôi khi sai lầm lớn nhất của chiến tranh không nằm ở chỗ làm cho người ta tan cửa nát nhà hoặc mất mạng mà nó khiến người ta còn đau đầu hơn bởi những giấc mơ, nói theo kiểu một thi sĩ hậu hiện đại là “đụ vỡ sọ”. Nghĩa là chiến tranh đã khéo léo kết nối dương vật của đàn ông với sọ của chính hắn và dòng tộc hắn trong một ngày đẹp trời nào đó.

Mi vẫn nhớ cái hôm đó, mi và ả vừa làm tình xong, đương nhiên có sự cố gắng và gượng gạo nào đó bởi mi cũng rất ích kỷ, mi ghét những thằng nói giọng bắc kỳ luôn tỏ ra mình là người chiến thắng và sống không thật. Đương nhiên không phải cứ đứa bắc kỳ nào mi cũng ghét, thậm chí mi yêu mến xứ Bắc và có nhiều người bạn bắc kỳ. Nhưng, bắc kỳ khác với trung kỳ hay nam kỳ ở chỗ, người nào tử tế thì đúng nghĩa tử tế, đứa nào mất dạy thì không ai bằng. Mà hình như đám mất dạy lại hãnh tiến và giỏi tiến thân. Mi không ưa ả cho mấy, nhưng cái thằng bắc kỳ kia lại mê đắm ả và dắt ả đi hát thi gì đó với mấy cái giải hoa nhựa vài chục ngàn đồng ở các quán nhậu, điều này làm ả huyễn hoặc mình sẽ thành ca sĩ. Mi ghét và mi bắt đầu ve vãn ả, nhưng mi hơi bất ngờ vì mi chưa kịp hôn thì ả đã chủ động cởi áo quần mi và ả bắt đầu dùng những ngón tay đánh đàn của mình. Làm tình do ghét một thằng nào đó là một chuyện ngu xuẩn. Và ngu xuẩn hơn khi thấy chuyện này cũng có cái thú vị, say sưa!

Và ngay hôm đó, ả nhận tin cha mình chết. Khi cả mi và ả cùng về, mi chỉ kịp nhận biết cái họ của ả và mi không phải là họ thật. Bởi trong trại cải tạo, không chịu nổi được cảnh quá cay đắng và có thể chết bất kỳ giờ nào, người bác của mi, tức cha của ả đã tìm cách đào thoát. May (hay rủi?) thay, một người bạn tù chết, cán bộ giao ông đi chôn. Vậy là ông quyết định chôn mọi thứ tùy thân của mình theo người chết và trốn trại với danh tính của người chết. Ông đã băng rừng vào tận miền Nam, đi suốt ba tháng ròng, ông sống sót, cưới vợ và đẻ con với họ tên mới.

“Ông chết giờ này, con cháu sẽ lấy nhau, loạn luân đây! Giờ xấu quá!”. Ông thầy bói toán ngồi cạnh xác bác mi nói vậy.

*

Sài Gòn những năm 2000. Lúc đó người ta đón nó bằng sự kiên Y2K đình đám mà có lắm người cũng không hiểu Y2K là gì nhưng vẫn cứ lo. Y đang là thằng sinh viên năm cuối. Cái sự kiện đình đám làm dân thành phố nháo nhào khiến y buồn cười bởi nhiều người chưa từng biết internet là gì. Chỉ riêng trường Đại học Văn Khoa là có một cuộc triển lãm về công nghệ thông tin và bạn y vào email của yahoo khiến cả y và những thằng bạn khác há hốc nể phục. Hồi đó, muốn gửi một email sang nước ngoài, tốn từ bốn đến sáu ngàn đồng, tương đương với một dĩa rưỡi cơm bình dân. Và không phải lúc nào vào dịch vụ cũng có chỗ để gửi email, phải chờ đến lượt, phải xếp hàng hoặc đứng ngồi vật vạ. Tốc độ chạy rất chậm, phải ngồi chờ cả chục phút mới gửi được email. Nhiều người không biết, mở email lên rồi gõ nội dung vào đó, việc rị mọ gõ nội dung khiến cho mức cước phí tăng lên xanh mặt.

Nhưng dù sao thì internet cũng giúp cho không ít người tin hơn vào chuyện trái đất không bao giờ nổ ở năm 2000, nó khác xa những vùng quê miền Trung thời y còn nhỏ, hình như là những năm sau 1975, có một nhóm ốp đồng nào đó đã tung tin trái đất sẽ nổ vào năm 2000 và loài người sẽ diệt vong. Như vậy là từ già tới trẻ đều tin vào điều này. Những ai lõm bõm biết trái đất hình tròn đều tin rằng nó sẽ nổ bởi trái bom hay trái lựu đạn cũng hình tròn, quả bong bóng cũng vậy. Riêng bà của y thì không tin, bà vẫn khẳng định trời tròn đất vuông, nó không thể nổ.

Và chỉ có bà là người dám ra miếu xóm, hái mấy trái trâm dưới gốc chim chim về làm màu nấu thức ăn. Bà nói bà từng gặp quỷ, nhưng nó là quỷ còn bà là người, giữa quỷ và người không có liên quan gì nhau, phần ai nấy sống. Bà nói rằng người còn đáng sợ hơn quỷ nên quỷ phải nể người. Bà nói rằng nó có đôi mắt đỏ ngầu pha màu lân tinh lúc gần tàn, và nó chỉ có một chân, thoắt ẩn thoắt hiện. Hình như nó cũng là một linh hồn nào đó vất vưởng sau chiến tranh. Mà nhắc tới những linh hồn sau chiến tranh thì bà bắt đầu nói lảng.

Nhưng, không hiểu sao bà lại hay nhắc tới một cái hũ tro, đơn giản cái hũ tro đó lại có hình dáng khá đặc biệt, rất giống với hũ tro của người bác, cha của ả, một người mang lon trung tá trong binh chủng dù của quân lực Việt Nam Công hòa. Ông và những sĩ quan đồng đội của ông bị mời lên trại cải tạo sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nghe đâu ban đầu lực lượng quân giải phóng đã vào nhà, mời ông đi, hứa sẽ cho học tập vài hôm rồi về, nhà cửa thì họ yêu cầu vợ ông phải ký giấy giao cho bên giải phóng. Lúc đó, vợ ông đã hối thúc ông ký giấy tờ giao cho họ. Mà thực ra chẳng có giấy tờ gì để giao. Vì miền Nam hay miền Bắc những năm chiến tranh chả mấy ai quan tâm đến cái bằng khoán nhà đất cả. Cứ có tiền thì tới mua nhà, trả tiền cho chủ nhà rồi ở, họ dọn đi, viết mấy chữ, ký tên xác nhận đã bán cho người mới. Sau này, gần cuối thế kỷ 20, cụ thể là năm 1995, khi Khoán 10 của chế độ mới đi vào hiện thực thì người ta mới khai giấy tờ đất đai có con dấu nhà nước, và đất đai cũng tăng giá chóng mặt khiến cho mọi chuyện trở nên xào xáo. Thời đó, một cái nhà với mảnh vườn rộng cả vài trăm mét, thậm chí hàng ngàn mét chỉ mua với giá vài chỉ vàng, hoặc một lượng vàng là cùng. Thời chiến tranh, vàng quý hơn mọi thứ, người ta cất vàng để phòng khi bị thương nằm viện, phòng khi đói, còn đất chỉ để ở tạm vài bữa rồi cũng tản cư, di tản. Nhà thì pháo kích, bom mìn dội sập giờ nào ai biết được. Mỗi nhà có một cái hầm, thời chiến, hình như cái hầm và nấm mồ tạm bợ mới quan trọng nhất trong một gia đình.

Những tưởng đi vài tháng rồi về, khi lên trại rồi ông mới hiểu rằng ngày trở về còn xa lắm và chẳng có gì gọi là học tập mà là đi lao động khổ sai. Những sĩ quan chế độ cũ được tập trung trong một lán trại rộng chừng một ngàn mét vuông. Ở đó cũng có ngăn thành từng ô để gọi là chia thành phòng, mỗi phòng tám người, mười người hoặc hai, ba chục người, tùy độ rộng mà tăng người, ước chừng mỗi người được hưởng chừng ba mét vuông không gian. Giữa phòng này và phòng khác cách nhau bằng một bức tường gạch dày hoặc tường táp lô. Ông lấy làm lạ là không hiểu người ta đã xây những lán trại như thế này từ bao giờ. Vì chiến tranh hai bên đánh nhau tóe lửa, đây là khu vực hành quân, tuần tra của quân miền Nam, làm sao người ta có thể xây dựng. Nhưng rõ ràng công trình bức tường thành vững chắc, có rào thép gai bên trên và cao đến hơn năm mét,để chống bỏ trốn như vậy muốn xây dựng phải tốn hàng năm trời.

Và hầu hết quân miền Nam đều bị đưa vào trại hoặc cố vượt biển bằng những chiếc thuyền gỗ, nếu gặp sóng lớn thì có thể bị lật, trong đó chưa kể đến chuyện bị cướp biển Thái Lan hoặc cá mập. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng nhiều lần phối hợp với quân đội Thái Lan để dẹp đám cướp biển này nhưng luôn thất bại vì có tuần tra hàng tháng trời vẫn không tìm ra chúng. Bởi chúng cũng tinh vi chẳng khác nào quân Bắc Việt, chúng sống trong dân, chúng cướp về và chia cho dân. Dân cưu mang chúng và bù lại, những cô gái đẹp trong dân tình nguyện làm vợ của chúng. Thứ mà chúng cần nhất không chỉ là tiền, vàng, mà là gái đẹp. Mỗi khi cướp tàu, sau khi tiêu diệt thủy thủ đoàn, chúng sẽ tìm bất kỳ cô gái nào trên tàu để hiếp. Nhưng thường thì chỉ có tiền và vàng thôi. Còn những đoàn lưu dân trên biển sau chiến tranh thì khác, có rất nhiều đàn bà và trẻ con, nhiều bé gái đang tuổi dậy thì… Nghĩ đến đây, ông ứa nước mắt.

“Bọn chúng mày ở rất bẩn, ăn nói tục tĩu, có cái đếch gì tốt đẹp mà không lo học tập, cải tạo cho tốt chứ!” – Ông cán bộ quản giáo chỉ cây roi vào đám sĩ quan đang đứng tần ngần chưa dám bước xuống suối để tắm.

Vì ở phía trên nguồn là một cái trại nuôi bò, bao nhiêu nước đái và cứt bò đều xả xuống suối. Không ai dám bước xuống cho đến lúc ông cán bộ quát: “Chúng mày, lũ ngụy quyền đầy tội ác, ăn nói dơ bẩn, chúng mày chỉ quen bú mớm. Địt mẹ, bước xuống!”.

Cả đám bước xuống suối để tắm. Và đương nhiên là ngày nào cũng giống ngày nào, sáng dậy sớm lúc bốn giờ sau tiếng kẻng, rửa mặt súc miệng, sau đó ai có kem, bàn chải đánh răng gia đình gởi lên cho thì lấy ra đánh, nhưng hình như chỉ có vài người có trong số hàng ngàn người. Sau đó mỗi người được chia cho một chén cơm, trong đó nếu chịu khó đếm chắc cũng được trên ba trăm hạt cơm, còn lại là khoai mì hoặc khoai lang khô xắt lát hình thoi. Khoai mì thì cán quản giáo miền Bắc gọi là sắn. Ăn uống xong thì chia thành từng nhóm, người đi chặt tre để đan sọt, người đi chăn bò, người đi xúc phân heo, cho heo ăn, nuôi gà, gánh gạch xây tiếp các trại mới…. Hầu như công việc rất nhiều và sản lượng của trại cũng rất cao. Nhờ vậy mà chưa đầy một năm thì cán bộ quản giáo từ chỗ xanh xao hơn các trại viên lúc mới gặp trở nên mập mạp, mạnh khỏe, rắn rỏi, còn các trại viên từ những sĩ quan phong độ, mạnh mẽ hôm nào nay thành những bộ xương xanh xao, đi không ra dáng người và ai cũng phảng phất một chút bóng ma. Hình như lên tới nơi rừng thiêng nước độc này, con người dần rời xa chính mình để con ma gắn dần vào thân thể, cho đến lúc nào đó ma chính thức gọi thì người nhắm mắt rời cõi người.

Nghĩ đến đây, ông ứa nước mắt, vì ông biết phần ma trong mình cũng nhiều lắm rồi. Trước đây ông mạnh mẽ, có thể vác chiếc Honda 67 cả gần trăm ký băng qua nước lụt để biểu diễn mà cũng để dằn mặt đàn em, lính lác. Ông vác chiếc Honda 67 vẫn chưa hết sức mình. Còn giờ, ông chất một gánh gạch, ông nghĩ rằng nó chưa tới năm chục ký nhưng ông gánh không nổi, tay chân bủn rủn, mắt mờ. Nhất là khi gánh gạch qua suối rồi thì hỡi ôi, gạch bị ngấm nước, trọng lượng tăng lên có khi gấp rưỡi gấp đôi, gánh vô cùng khó khăn. Nhưng nếu mệt, gánh không đủ sản lượng thì có thể bị cắt phần cơm trưa hoặc cơm tối, sáng mai lấy sức đâu mà làm. Vậy là phải ráng, nhiều bạn của ông cũng bắt đầu sốt rét rừng và run cầm cập mỗi khi làm quá mệt, mỗi khi lên cơn. Nhưng điều làm ông cảm động về họ nhất, điều mà trong quân ngũ ông chưa từng gặp, thậm chí đôi khi thất vọng về tính ăn chơi, sa đọa của họ thì bây giờ, họ làm ông ngưỡng mộ họ, ông nghĩ rằng họ mới là những anh hùng trong cuộc chiến này, họ là những chiến binh đầy trắc ẩn và bao dung.

Họ bao dung gấp triệu lần ông. Bởi ông từng nghiến răng, tức giận những cấp trên đã bỏ mặc ông và đám lính tội nghiệp để lên máy bay, để trốn quân giải phóng và thả chính phủ như đứa mồ côi. Những ngày đó, nếu gặp lại cấp trên, ông không ngần ngại nổ súng vì tính hèn hạ của họ. Nhưng, với những người lính xanh xao sốt rét nơi rừng thiêng nước độc này, họ luôn cầu nguyện, luôn nhắc về những người đã lên máy bay hay lên thuyền, lên tàu vượt biên. Họ nghĩ rằng họ may mắn sống sót sau cuộc chiến, có được hột cơm cho dù là khốn đốn, đau khổ, nhưng dù sao cũng hy vọng được ngày về. Còn những đồng đội, cấp trên của họ đang lênh đênh ngoài đại dương, sóng to gió lớn, cướp biển, và cả những người đang bay tứ tán trên bầu trời kia, không biết có đồng minh nào cho họ hạ cánh… Bởi trong quan niệm rất trong trẻo của người lính, ngay cả Tổng thống Ngô Đình Diệm và gia đình ông cũng có lúc không còn đất dung thân huống gì những người khác. Và lời cầu nguyện hay cái chép miệng của những người thuộc cấp một thuở khiến cho ông nhiều lúc rớt nước mắt.

Dường như khi bước vào chỗ khó khăn nhất, mọi thứ bản năng con người hiện rõ. Ông lấy làm buồn vì những sĩ quan đồng cấp của ông ít có thói quen chia sẻ hơn những người lính và những tay giang hồ cộm cán. Và đây cũng là một sự thất bại. Bởi vì với các sĩ quan, dường như mỗi khi gia đình gởi thức ăn lên thì không còn biết đến ai, cứ mỗi người tự cầm lon Guigoz chứa thức ăn của mình rồi quay mặt vào tường mà ăn. Nó khác xa với những tay giang hồ, họ có điếu thuốc cũng chia đều, có một chút thức ăn cũng chia đều, người này có thức ăn loại này thì mỗi người chia nhau một chút, người kia cũng vậy. Cuối cùng thì dân giang hồ tuy thức ăn ít ỏi nhưng người nào cũng có vẻ đủ chất hơn dân sĩ quan quân đội vì dân sĩ quan không có quá trình trao đổi chất giữa các chiến hữu như dân giang hồ. Ông vốn có máu giang hồ nên hình như ông gần với đám giang hồ hơn các đồng và thuộc cấp một thuở. Thường thì khi gia đình gởi thức ăn, ông tìm cách chia cho các chiến hữu giang hồ, họ có thì cũng tìm cách chia cho ông. Có lẽ nhờ vậy mà ông cũng đỡ ốm yếu hơn so với các chiến hữu cũ.

*

Khanh là tay hảo hớn trong đám giang hồ, nghe đâu Khanh từng tổ chức vượt biên và cũng từng tổ chức ám sát ông bí thư Quốc dân đảng. Đám giang hồ sợ Khanh vì tính hai mang của hắn, nhưng đồng thời cũng nể hắn bởi nhiều thứ, trong đó có khả năng chiến đấu đầy kịch tính cũng như được đào tạo võ thuật bài bản bởi lực lượng SEAL, và hàng loạt võ đường mà Khanh thụ giáo một thuở đều muốn chọn Khanh làm chưởng môn trong tương lai. Nhìn chung, với bộ vó của một chàng trai thời chiến thì Khanh có đủ, với đầu óc của một kẻ giảo hoạt có thể nắm quyền bính bất kỳ giờ nào, hình như Khanh cũng có đủ! Nhưng, điều làm ông thấy gần gũi với Khanh chính bởi tính sâu sắc và những buổi chiều ba mươi Tết đặc biệt của hắn, chỉ có hắn là người ông tìm đến trò chuyện trong những chiều ba mươi, những lúc trại vắng tanh, cảm giác như trận gió chết chóc vừa kéo qua đây.

Rừng Trung Việt lúc trại cải tạo mới mở hãy còn nguyên sơ, thú rừng và cổ thụ khá nhiều, những gốc sưa đỏ, lim đen, giỗi vàng, xà cừ, cam xe, kiền kiền… mọc quanh trại, nói là mọc quanh nhưng kỳ thực chúng đã mọc ở đây rất lâu rồi, không chừng đã vài trăm năm trước. Và chúng dường như chẳng hề hấn gì sau những trận bom thả thính hay chất dioxin từ máy bay. Chúng vẫn trổ hoa trắng muốt, đến trưa thì chuyển màu hồng, thơm ngát, cái mùi thơm mà nhà giàu rất ưa và ngay trong đại nội Huế, chiếc ngai vàng của các vua nhà Nguyễn cũng dùng thứ gỗ này, gỗ huỳnh đàn, tức sưa đỏ. Các loài chim, sóc, nai, hoẵng và chồn hương cũng đầy rẫy, chúng thỏa sức chơi đùa phá phách mặc cho bọn người đôi khi rình rập. Nhưng công việc hằng ngày quá bận và mệt, chẳng mấy ai rình rập được chúng, có nhiều con nai còn đứng trước mặt các trại viên vung vẩy đôi tai, và hình như nó biết nếu đám người xanh xao này có rượt mình thì chừng nửa đường chạy đã ngã quỵ. Chỉ có ếch nhái là hầu như tuyệt chủng. Bởi với các trại viên, đây là thứ chất bổ quý hiếm, đang cuốc đất hay làm rẫy, nếu gặp một con nhái thì họ tóm lấy, nhúng rửa sơ qua nước hoặc vuốt mấy cái cho sạch da, sau đó bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, chỉ bỏ phần ruột. Nghĩ tới cảnh này, ông vừa chảy nước mắt vừa kiêng chân răng…

Mình phải thoát khỏi nơi này! Nó còn kinh tởm hơn cả địa ngục. Bọn lính của mình nó sống có tình, nhưng chỉ được cái dễ mủi lòng và không hiểu được rằng thà chết ngoài lòng đại dương còn tốt hơn nơi này! Ngay cả lúc chúng nó ở trong quân ngũ, chúng nó cũng chỉ biết đánh và đánh, hô xung phong thì bắn nhau chí chóe, đứa nào sống sót trở về thì khui bia, chơi gái, đánh bạc, ăn nhậu tẹt ga. Chúng nó chỉ có lựa chọn sống hay chết và luôn luôn phải sống. Đời sống như vậy cũng thú vị. Nhưng rõ ràng, cái thú vị đó là một ảo giác, khó nói! Mình phải thoát ra khỏi nơi này…”.

Ông nghĩ vậy trong lúc đi tìm Khanh, không biết hắn đang ở chỗ nào. Cái ý nghĩ đầy bế tắc rằng phải thoát ra khỏi cái địa ngục có tên trại trại cải tạo khiến ông thấy mình mạnh mẽ hơn. Giữa cái lạnh hiu hắt và chết chóc của núi rừng miền Trung, nơi mà người ta bắt đầu từ đồng bằng, phải đi gần năm mươi cây số để đến chỗ chỉ có núi đồi và núi đồi, đi bằng đúng một con đường độc đạo và nếu chạy về phía tây thì gặp Lào, chỉ có chạy về phía đông, đi qua nhiều ngôi mộ nằm ven rừng, có những ngôi mộ không có bia, chỉ có một viên gạch đặt trên đầu mộ kèm theo vài chân nhang cũ kỹ và không ghi gì. Giữa cái lạnh và buồn thê thiết của sương núi phủ xuống, hoàng hôn cũng chìm dần sau màn sương, ông biết giờ này, dưới đồng bằng, không chừng cả vợ ông cũng đang vội vã chuẩn bị cúng ba mươi, rồi giao thừa. Không biết giao thừa sau giải phóng có gì mới lạ, có cái ăn để đón giao thừa hay không và không chừng, nghe đâu trong lúc ông ở trại cải tạo thì cả một đất nước cũng đang là một cái trại cải tạo lớn. Mỗi người dân trở thành một thành viên của trại cải tạo này, họ phải tự cải tạo mình để thích ứng với đời sống mới, họ không những cải tạo cách ứng xử, niềm kiêu hãnh chữ nghĩa mà phải cải tạo cả cái bao tử, cái dạ dày cho phù hợp với bữa ăn thời đại mới. Ngay cả việc xếp hàng rồng rắn để nhận lương thực hay nhu yếu phẩm tem phiếu, nó đòi hỏi người miền Nam phải tự cải tạo mình rất lâu mới hy vọng có được miếng ăn khả dĩ.

Các thành viên trại cải tạo lớn này phải học cách sống mới, ăn uống tiết kiệm, nhín nhịn, nói khẽ và không được nói lời phản động, không được chê cán bộ dốt mỗi khi họ tính toán một thứ gì đó mà nhẩm lẩm bẩm, hoặc chủ tịch xã không biết viết chữ nhưng có thể ký, chỉ ký và ký, mặc dù không biết cái văn bản mình ký mang nội dung gì. Nhưng không, họ có cái giỏi của họ, ánh mắt dữ tợn đầy soi mói của họ đọc được toàn bộ nội dung câu chuyện. Người thư ký, thường thì khá chữ, từng làm một chân nào đó trong chính quyền cũ, sẽ được họ mời lên làm việc không chính quy thay vì bắt đi trại cải tạo. Người nào may mắn lắm mới được họ mời như vậy. Và khi người này trình giấy tờ để ký, anh hoặc chị ta phải đọc rõ to nội dung, người chủ tịch xã chỉ cần ký là đủ kia nhìn thẳng vào mặt của tay thư ký, một ánh mắt bí hiểm khiến cho tay thư ký khó bề mà đọc sai nội dung. Đọc xong thì ký, vậy thôi, nghe hợp tai thì ký.

Thời đại mới, mọi chuyện thật buồn cười nhưng cũng hết sức nguy hiểm nếu vô tình nhoẻn miệng cười về nó. Tết, nghe nói phải đi chia thịt heo, nếu là nông dân thì dựa vào công điểm do đội trưởng sản xuất chấm để tính lúa và thịt. Thường thì mức điểm cao nhất của một người trong một ngày lao động là mười điểm. Nhưng hiếm có người được chấm điểm năm chứ đừng nói tới sáu điểm trở lên. Hầu hết các tay đội trưởng sản xuất đều rất hà khắc, nông dân sợ họ còn hơn sợ cha. Trên đội trưởng là thôn trưởng, trên thôn trưởng là chủ nhiệm hợp tác xã và trên chủ nhiệm hợp tác xã là chủ tịch xã. Đội trưởng tuy thấp hơn mấy cấp đó nhưng lại rất quyền lực, thường thì đội trưởng tổ chức ra nhiều nhóm, từ năm đến bảy nhóm sản xuất và chỉ định người làm nhóm trưởng. Đội trưởng quản lý các nhóm trưởng này và cũng trực tiếp đi chấm điểm, quản lý nông dân dưới ruộng. Những khi đội trưởng vắng mặt thì các nhóm trưởng phải quan sát nông dân. Và trong lúc làm, để đỡ mệt, các nhóm trưởng tổ chức hát hò khoan, hát đối. Mặc dù đói rát bụng nhưng ai cũng phải hát, nếu không hát thì bị trừ điểm. Thực ra, hát trên đồng là nhiệm vụ chính trị của nhân dân, để nhỡ quốc tế đi qua, họ thấy rằng người nông dân tự hào, lạc quan, yêu đời biết nhường nào…

“Không biết tụi nhỏ có gì ăn Tết không nữa!”. Ông nghĩ vậy và nhắm mắt, dường như có gì đó âm ấm vừa lăn xuống gò má, thứ mà hiếm hoi lắm ông mới bắt gặp.

8. Mùi tình

“Cô đến từ đâu?”. Khanh hỏi cô gái.

“Anh đến từ đâu?”. Cô gái hỏi lại Khanh trong lúc từ từ cởi bỏ chiếc áo màu lá rừng và chiếc nón tai bèo, sau đó cô cởi bỏ chiếc xu chiêng thoảng mùi ẩm mốc màu cháo lòng, dường như nó đã rất cũ, điều này khiến Khanh thấy đau nhói vì một thứ gì đó và thương cảm cô gái đến lạ lùng. Anh nhìn vào vòm ngực xương xẩu và buồn bã, hai vú dường như vẫn căng sức sống nhưng đã có phần cũ kỹ vì đã lâu không có bàn tay đàn ông, có vẻ như có rất nhiều bàn tay đàn bà in hằn trên nó. Cô gái tiếp tục cởi bỏ chiếc quần ka ki màu xanh và đôi dép cao su. Giờ anh mới hiểu cái khác nhau giữa gái miền Nam và gái miền Bắc thời chiến. Gái miền Nam vú to, mắt to, gái miền Bắc vú nhỏ hơn và mông rất bự, bởi họ phải tải đạn nhiều, gái miền Nam đỏng đảnh, gái miền Bắc đầy cương nghị và quyết liệt, ngay trong việc cởi áo quần trước mặt đàn ông cũng mang đầy tinh thần chiến đấu. Và hình như cô gái cũng chẳng thấy ngại ngùng gì, cô cởi chiếc quần lót và đưa lên mũi ngửi để kiểm tra mùi của nó. Sau đó cô ngầm khịt mũi mấy cái và bắt đầu cởi cúc áo của Khanh. Khanh dường như không có phản ứng gì, đã lâu anh không chạm đến đàn bà và hình như mọi thứ dành cho đàn bà cũng đã ngủ quên nơi núi rừng thiếu thốn này. Thế nhưng mùi khét nắng và khai khái của cô gái này khiến cho bản năng của anh thức dậy, nó trỗi lên mạnh mẽ…

Hình như đang chạng vạng. Nhưng chạng vạng hay đêm khuya thì có nghĩa lý gì, điều đó cũng giống như cô gái đến từ đâu và đi về đâu thì có nghĩa lý gì khi cả anh và cô đã lột bỏ mọi thứ trang phục vướng bận hệ lụy và đau khổ của con người.

“Em vẫn chưa nói cho anh biết em từ đâu đến, ngày xưa em đi thanh niên xung phong ở tuyến nào?”.

“Cho em cảm ơn anh vì…”. Nói đến đây, cô gái ngừng và tiếp tục hôn lên khắp người anh. Hơi ấm của cô có pha một chút gì đó sắc lạnh kỳ lạ. Cô mải miết và du dương như trận gió rừng chiều nơi hoang vắng và lãng mạn của rừng, có chút gì đó sầu khổ, đói khóc và những âm ma rờn rợn đêm trăng. Điều ấy làm anh nhớ đến những đêm trăng, nơi cây chim chim ở miếu làng quê ngoại có hai mẹ con ngồi ôm nhau, bà mẹ cứ ngồi như vậy để ru con. Và hình như đứa con được ru mãi mà không lớn, từ lúc anh lên mười, trong đêm trăng, anh nhìn thấy hai mẹ con ngồi ôm nhau, người mẹ lắc lư, đong đưa, vỗ về con. Năm anh lên hai mươi, cũng vẫn người mẹ ấy ôm con xuất hiện những đêm trăng, năm anh ba mươi, vẫn vậy, dường như đứa bé đã đông cứng trong vòng tuổi của nó, và người mẹ cũng đóng băng trong tuổi xuân của mình. Nghe đâu, người mẹ bằng tuổi bà ngoại anh… Bà và đứa con nhỏ, hình như đứa bé lúc đó cũng bằng tuổi mẹ anh. Họ bị bom hất văng vào bụi tre trong lúc chạy tản cư. Và người ta biết hai mẹ con họ bị bom hất vào bụi tre sau khi tìm được mái tóc của người mẹ và miếng tả của đứa con nằm vắt vẻo trên nhành tre. Cả một bụi tre tả tơi, ngoại anh đã khóc gào khản cả tiếng vì mất người bạn thân. Thời của bà ngoại anh, hiếm có ai chơi thân với nhau, bởi gần như chưa có khái niệm bạn bè hay tri kỷ giữa nữ giới với nhau như thời của anh. Tuy nhiên, ngay từ những ngày mới về làm dâu cụ Nghè (tức ông cố ngoại của anh), ngoại anh đã có thiện cảm với cô gái hàng xóm đi ở đợ cho gia đình cụ Nghè.

“Em vẫn chưa nói với anh em từ đâu đến?” – Khanh tiếp tục hỏi cô gái, trong lúc cô tiếp tục vùi vào người anh. Cái lạnh của núi rừng dường như đã thấm đẫm trong thân thể cô gái không có tuổi này. Bởi khó mà biết được cô bao nhiêu tuổi, hai bầu vú của cô giờ đã căng mọng, nóng hổi so với lúc cô mới cởi bỏ chiếc áo ka ki xanh ra. Mắt cô cũng đã ướt hơn nhiều và gương mặt cô đỏ ửng. Có điều Khanh lấy làm lạ là chưa bao giờ anh bị quyến rũ một cách sợ hãi như lần này, anh không thể dứt ra được và anh cũng sợ đến tột đỉnh. Bởi lẽ, mùi xạ huơng từ một ít nước rỉ ra giữa hai đùi của cô thơm một cách lạ lùng, nó không thơm mùi hương quế hồi của những chiếc quần lót đắt giá hoặc thơm mùi nước hoa có chút gì đó giả tạo của những cô gái thành phố hoặc giả có mùi khai khái tự nhiên của gái quê. Nó thơm mùi trầm giác mà người ta đốt mỗi khi cúng kính. Một mùi trầm giác thứ thiệt, thượng hạng, thậm chí có chút mùi kỳ nam thoáng qua. Điều này làm anh nhớ tới những đêm ba mươi Tết thuở anh còn nhỏ, có những năm tháng rất thanh bình, lúc đó anh còn rất nhỏ. Dường như không có chiến tranh mà người ta chỉ đốt trầm, cúng kính và tưởng nhớ đến những linh hồn đã chết trong cuộc chiến trước đó một chút. Nhưng thời gian ấy không dài.

Cô gái tiếp tục để anh đi vào cô, dường như mọi sự sống của anh và cô đã hòa quyện vào nhau, cô thở hắt lên mấy tiếng và khóc nức nở. Anh cũng mủi lòng muốn khóc mà không hiểu vì sao. Anh thiếp đi từ lúc nào không rõ. Khi anh tỉnh dậy thì có lẽ đã nửa đêm. Anh thấy mình đang nằm trên một đám cỏ ướt, mọi thứ vẫn còn phảng phất mùi hương trầm.

Comments are closed.