Vé trở về

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

Kỳ 1.

1. Cây trâm ở miếu làng

Những con mắt nhìn xuyên thấu từ ba mươi, bốn mươi, năm mươi năm trước, dọi qua những tấm tôn hoen gỉ, lỗ  chỗ đốm nắng để tìm bầu trời của nó.

Và những con mắt gắn chặt nơi rừng già, trên những chiếc võng dù treo hiu quạnh giữa hai gốc cây.

Những con mắt nhìn xuyên não trạng và cố gắng tìm cho mình một mảng sáng hợp thời.

Những con mắt gắn trên tường văn phòng, nó cố chống chọi một cái nhìn khác dõi ra từ hai hốc mắt của những hộp sọ trống rỗng.

Những con mắt dõi vào tương lai và cố gắng để khỏi trượt vào hố thẳm thời gian, nó gắn trên trí nhớ như một chiếc camera hành trình đang ghi lại một cách không toàn diện những gì diễn ra trên xa lộ lịch sử.

Tình yêu như một thứ của rởm, để làm đẹp cho những kiếp đĩ thỏa sau khi người ta cố gắng quay về với một thứ gì đó na ná con người hay bản nguyên tâm hồn…

*

Người ta gọi hắn là “thằng lai”.

Hắn là đứa lang thang rày đây mai đó.

Người ta coi hắn như một thứ rủi ro trong cuộc đời, thậm chí, có nhiều người mẹ xem đứa con lai của mình là một rủi ro nghề nghiệp.

Hắn phải sống, không vì lý do gì cả, đơn giản, đói thì phải tìm cái ăn, khát thì phải uống.

Chẳng ai tìm cái ăn hay nước uống vì lý tưởng hay một thứ quyết tâm nào to tát, cũng chẳng cần phải lý giải đó là tồn tại, bởi làm vậy nghe hại não quá!

Hắn chỉ cần biết rằng tên của hắn là Lai, và người ta gọi hắn là Lai, ừ thì Lai, có sao đâu! Gà Đông Tảo muốn tồn tại ở miền Nam phải lai với gà cồ, lẽ tự nhiên mà, tên Lai vui mà!

*

Cây trâm ngoài miếu làng đã tới mùa trổ bông, nó nằm sát gốc một cây chim chim, khép nép và nhỏ nhoi, một cái miếu hoang bị bỏ quên hoặc cố tình bỏ quên sau ngày thành lập hợp tác xã. Bởi không ai dám bén mảng đến đó để thắp nhang.

Chạng vạng, trời chuyển màu thẫm tía, những giọt nắng cuối rơi vãi trên mái ngói âm dương, rêu phong và cỏ chuyển sang xám ghi theo sắc tối. Ngọn trâm lún phún nụ, như nhắc nhở về một chu kỳ nào đó của trời đất và ngọn núi tía ở phía đồi sư tử, nơi mà thi thoảng, buổi tối, bà dắt y ra trước sân để ngắm những đốm lửa của người làm rừng.

Nhà nước quy định chống mê tín dị đoan, chẳng ai dại gì dính tới đền đài miếu mạo cho thiệt thân. Nếu những cái miếu có chân, chắc miếu sẽ chạy trốn nhanh hơn cột điện. Bởi ít ai để ý cột điện như miếu lúc này. Và có thể cây chim chim cũng bỏ trốn cùng. Cuộc chạy trốn của những cái cây là cuộc chạy miên viễn. Bởi khác với động vật, những cái cây ít có cơ hội cộng sinh với con người đồng bằng. Chúng có thể bị biến thành củi bất kỳ giờ nào. Sau này, chúng lại bị biến thành gỗ quý, chúng không tự bỏ chạy như động vật hoặc điểu cầm đập cánh mà bay. Mặc dù sự bay nhảy này chẳng bao giờ là giải pháp tối ưu cho tồn tại.

Trái của nó màu tím, có người gọi nó là sim đồng bằng, nó có vị ngọt chát chát và để lại mủ tím đầy miệng sau khi ăn. Hình như đây là mùa trái đầu của nó sau chiến tranh.

Một cái miếu hoang có những tiếng mèo kêu hoang và có hai mẹ con hay ngồi hát dưới trăng…

Mùa xuân đến tự bao giờ, hình như là vậy, y nhìn thấy những con sâu hồng kéo tơ ngang trời và cội mai già sần sùi trước sân nhà y đã trổ vàng một góc trời.

Rô gọi điện báo với y: “Tao tìm được cha tao rồi mi ơi!”.

Y dừng sững trong chốc lát vì mấy chữ thốt ra của thằng bạn con lai mà cũng là đồng bọn trộm cắp của y thời trẻ trâu. Hồi đó, không có góc vườn hay cái chuồng gà nào trong xóm mà y và nó không biết. Mỗi khi bị chủ nhà bắt, có thể là y, có thể là nó, nhưng y vẫn luôn nghe một câu chửi độc nhất “Đồ con đế quốc!”. Những chữ đó không hiểu xỉa xói nặng nhẹ cỡ nào, nhưng rõ ràng Lai buồn và tỏ ra căm giận lắm.

Ừ, mà mày tìm ra cha mày từ lâu rồi mới phải chứ! Mày sang Mỹ theo diện con lai, tao nhớ rằng, không lâu trước đó, mày chạy chơi ngoài đám ruộng với tao… mà nói đúng hơn là mày đang trốn việc, vì có giờ nào mày được rảnh để đi chơi đâu! Ông ngoại và cậu mày luôn mồm chửi mày là thứ con đế quốc, mày là thứ ăn hại, mày chỉ làm tốn cơm và làm dơ cái lý lịch của gia đình… Bla bla bla… các câu chửi nghe vừa suông đuột vừa sắc lạnh.

Có lẽ nhờ nghe mày bị chửi mà sau này, tao đi làm cơ quan, chuyện thằng sếp nó chửi hay chì chiết đứa khác, kể cả tao, hình như tao thấy cũng bình thường, không uất giận chi. Mà hình như tao cũng học hay bị nhiễm cái tính của mày Lai ạ, nhất là cách mà mày hành xử với cậu Út của mày, khi bị cậu ấy chửi té tát, mày chỉ ngồi im, cậu ấy đánh và đạp đầu mày xuống đám khoai mì, mày cũng làm thinh, cho đến lúc cậu ấy lặp đi lặp lại quá nhiều lần thì mày đứng lên, móc đúng một cú vào bụng, hình như cậu ấy bị lộn ruột, còn mày thì dắt tao chạy trốn. Nhưng chuyện đã lâu rồi, mày tìm được cha thì tao mừng!

“Tao tìm được cha nhưng buồn”.

“Cha mày không nhìn mày à?”.

“Chuyện con lai sang được đất Mỹ thì nhờ chính phủ chứ nhờ mẹ gì thằng làm cha. Con lai là những phút giây sơ ý, vậy thôi!”.

“Ủa, nhưng mày đã được găp cha đó thôi!”.

“Ừ, tao gặp được cha rồi, cảm động lắm, tao là đứa may mắn trong vài đứa may mắn!”.

Nói xong, Lai khóc sướt mướt, tiếng khóc có kèm tiếng sụt sịt và xì mũi của nó làm y nhớ tới những ngày ông ngoại cấm Lai tới trường. Ông nói rằng đã là đế quốc thì muôn đời cũng là đế quốc, mà đế quốc thì không được phép làm tinh hoa xã hội chủ nghĩa và không được phép làm bẩn ngôi trường xã hội chủ nghĩa.

Lai nói với y rằng ông ngoại viện cớ đế quốc với xã hội chủ nghĩa vậy thôi chứ từ năm 1986 thì hắn mới được học lớp ba, đúng tuổi thì lẽ ra hắn đã học lớp chín nhưng do chuyển đổi thời cuộc, do nhiều thứ khác, hắn phải đi học muộn đến sáu lớp so với tuổi. Mà tuổi đó thì vác cuốc trồng khoai mì là ngon cơm. Hơn nữa, hắn là thằng Mỹ lai nên sức vóc và tướng mạo cũng to hơn những thằng cùng tuổi. Ông ngoại hắn nhắm đến chuyện này nên cấm đi học, ông được lợi cả hai, khỏi phải đóng tiền học, lại thêm một người lao động vì từ năm 1986 trở đi, muốn đi học phải đóng tiền.

Y nhớ, hồi đó con lai như thằng Rô (cách gọi của y về Lai, cái tên y đặt cho Lai là Robert, Lai rất thích cái tên này, từ giờ này, y sẽ gọi Lai là Rô vậy!) thì đầy đường, da đen tóc xoăn hay da trắng mắt xanh. Chúng nó vạ vật ở các bến xe, chúng nó ngủ lề đường và đôi khi trộm một thứ gì đó để lấp bụng trống. Ngoài thằng Rô ra, y cũng có chơi với vài đứa con lai nữa nhưng không thân như thằng Rô và đương nhiên là mẹ y không bao giờ cho y đưa tụi nó về nhà vì bà sợ trộm, ngoại trừ Rô. Thế nhưng chỉ trong vài tháng, tụi nó bị hốt sạch, hay nói đúng hơn là được hốt sạch, thằng Rô cũng không ngoại lệ.

*

“Ngày xưa biết vậy thì tao nuôi nó, uổng thật!”, lão Niên chép miệng tiếc nuối. Cái mặt hàng con lai thời bấy giờ quý hơn mọi thứ, và nó sốt gấp trăm lần mấy cái vụ sốt đất sau này. Bởi nếu như chuyện sốt đất làm cho người ta trở nên giàu có, tiền bạc rủng rẻng và hư hỏng, anh em chém giết nhau vì mấy tấc đất, vì miếng đất của cha mẹ để lại, giàu có và bất an…, thì con lai mang cho người ta niềm hy vọng giàu có, đổi đời trong một đất nước có nền y tế, giáo dục và an sinh xã hội bậc nhất, dân chủ cũng bậc nhất.

Hai cái chữ bình an thời con lai nghe chắc nụi, hai cái chữ mà vì nó, có hàng triệu người chấp nhận bán tất cả gia sản để nộp cho chủ tàu, để lênh đênh trên biển và không biết khi nào là cập bờ, mà đã cập bờ rồi cũng không biết khi nào là hết trôi nổi. Nhiều người bỏ mạng trên biển vì sóng lớn, vì đói, vì cá mập, vì cướp, hiếp, vì người trên thuyền với nhau không còn thứ gì để ăn…, dường như khó mà nói hay mô tả cho hai chữ bình an mà người ta đã đánh đổi.

Thời con lai đoàn tụ, chỉ cần bỏ ra vài lượng vàng để có một đứa lai trong nhà, cơ hội lên máy bay đi Mỹ, đương nhiên là phải nhà giàu, nhà có thế lực trong thời đại mới, chứ nhà giàu thời cũ gần như tuyệt nòi bởi bị tịch biên tài sản, bị đưa đi cải tạo, tan nát mọi thứ, lấy đâu ra tiền. Nhà giàu thời đại mới có thế lực, nhiều khi là cán bộ, đảng viên, họ cay cú mỗi khi nhắc tới đế quốc, nhưng họ bỏ ra hàng đống tiền để mua con lai.

Con lai là cái vé cho rất nhiều gia đình. Có lẽ vì thế mà lão Niên tiếc hùi hụi, vì vụt một cái, lão từng nuôi thằng Lai, nó gọi lão bằng cha dượng tức cha ghẻ, lão viện cớ hắn là con nuôi của vợ lão chứ không phải con ruột, vì vợ lão còn trinh, gái đồng trinh không thể đẻ ra thằng con lai. Mà đã là con nạ dòng, lại bị mẹ bỏ đi chứng tỏ nó phải mang điềm xui xẻo, chính vì điềm xui xẻo này mà gia đình lão đánh mất nhiều cơ hội, lão lẽ ra được kết nạp đảng thì đùng một cái, người ta điều tra ra vợ lão từng là má mì trong một quán bar thời Mỹ, vợ lão tuy nhìn mặt trẻ nhưng lại có năm sinh khá lớn, trước lão đến ba tuổi.

Và lão cay cú với chuyện giường chiếu, mỗi khi nhớ tới chuyện vợ lão uốn ẹo, rên rỉ mất trinh dưới tay lão, lão nghiến răng, vì lão không tin mụ ấy còn trinh nhưng lão cũng chưa có kinh nghiệm hay kiến thức chi về vụ này. Lão chỉ nhớ khi đó, sau một cú xuyên, lão cảm giác rụng rời tay chân, rồi mụ khóc, mụ bắt đền lão về cái màng trinh bị rách. Lão xin lấy xin để mụ đừng gào thét vì sợ đám vũ trang thức dậy, biết chuyện thì mệt.

Nhưng giả hay thiệt không quan trọng, vấn đề then chốt là phải tống thằng Lai ra khỏi nhà, đỡ một miệng ăn và đỡ ngứa mắt. Cuối cùng, thằng Lai về ở với ông ngoại và dì, cậu. Ông ngoại thằng Lai là người có công cách mạng, ông không ưa gì mẹ con nó bởi cái lý lịch má mì của mẹ nó và lý lịch con lai của nó. Nhưng vì là cán bộ an ninh thôn mẫu mực, lẽ nào đi hắt hủi một đứa trẻ thì nói ai nghe, mà giữ nó trong nhà cũng được khối việc vì nó to con tuy ăn nhiều, mà ăn nhiều thì cứ độn thêm khoai mì, thời kỳ cơm độn chắc nó cũng hiểu.

“Mày bán nó ba lượng vàng, sao mày không mua được cho tao chai rượu?”.

“Tui bán nó hồi nào, ông nói xàm, nó được người ta nhận nuôi”.

“Mày đừng coi tao là con nít chứ, mày bán nó cho gia đình người ta, loại như mày thì không có tiền mà mày cho nó đi chắc!”.

“Này, tui đã dành cả đời tuổi trẻ phục vụ ông để kiếm mụn con tuổi già, giờ cũng thui thủi một mình, ông muốn chi nữa!”.

“Địt mẹ chúng mày, thằng cha thả chất độc da cam, thằng con thì ăn hại, con vợ thì đĩ già mồm còn trinh!”.

“Ông nói vậy là…?”.

“Tao nói cho mày biết, mày nói mày con zin khi gặp tao… Mày là mẹ thằng Lai chứ con nuôi gì? Mày bán nó lấy ba lượng vàng, cuối cùng tao công cốc! Chất độc da cam ngấm đầy người, tao đẻ, à… mà mày đẻ toàn thứ mặt lợn, chỉ có tao là khổ!”.

Mụ vợ im lặng, dường như sự cay cú hay nóng giận của mụ từ lâu đã thành băng tuyết, bởi mụ biết nếu nói thêm, có thể lão và mụ bay vào chém nhau tóe lửa, một mất một còn.

2. Ngôi làng chết

Y nhớ như in cái buổi chiều ấy, y và đám bạn đang đá banh ngoài ruộng, nghe con Vân khóc thét trong nhà, cả đám chạy vào, thấy thằng Rô đang đứng như trời trồng, con Vân ôm ngực, khóc như mưa. Thằng Rô bỏ về, con Vân khóc nức nở và hỏi gì cũng không nói.

Thằng Rô lẳng lặng bỏ về, ra tới ngõ, nó đứng đợi y để nói với y đúng một câu duy nhất “Tao vừa bóp vú con Vân!”. Y đứng như một cây chuối và không biết nói gì. Cũng ngay đêm hôm đó, thằng Rô đi với cha mẹ nuôi của nó ra sân bay (nói là cha mẹ nuôi nhưng thực ra là cha mẹ mới vừa mua nó từ tay mẹ nuôi của nó với giá ba lượng vàng. Thời đó, ba lượng vàng lớn lắm, có thể mua được cả chục tấn thịt heo, mà có lẽ nhà giàu khủng khiếp lắm thì mới mua nổi vài ký thịt heo để ăn Tết). Nghe đâu nó đi vào Sài Gòn để phỏng vấn và chờ bay sang Mỹ. Từ bữa đó, y không còn thằng bạn thân, y lủi thủi một mình. Dường như những đứa còn lại trong xóm không thể thay thế được thằng Rô, một thằng bạn hiểu y nhiều nhất. Mặc dù nó không được học hành gì nhưng dường như mọi chuyện vui buồn trên lớp học, y chỉ có thể kể với nó.

*

Cụ già có mái tóc hoa râm, râu bạc trắng, hình như ông bước ra từ một ngôi làng nấp sau gốc đa, ngôi làng bị bao bọc bởi những cuộn thép gai và những con chó săn, phía sau lớp thép gai kia là những ngôi nhà lở lói. Mi hình dung, nếu như bước được vào làng để chơi thì việc đầu tiên là mi leo lên cây đa, đứng nhìn sang sân bay, nơi có những chiếc máy bay quân sự đang diễn tập hạ cánh đường băng với tốc độ khá cao, tiếng gầm rú của nó nghe đinh tai nhức óc. Và từ sân bay nhìn chếch sang phải, mi có thể thấy một ngôi làng trồng hoa đã bỏ hoang, ở đó có những bụi hoa đào và quất còn sót lại, chúng run rẩy trổ bông và đâm trái dưới làn gió rít gào của cánh bay, nó cho thấy một đời sống khác, le lói và mịt mù. Phía sau lưng vườn hoa, có lẽ là khu mộ hoang của một gia tộc nào đó không còn con cháu, không chừng con cháu của họ đã tứ tán tha phương cầu thực hoặc đã bỏ mình giữa biển trong một chuyến vượt biên cũng nên. Vì những ngôi mộ xây bằng đá vôi hoặc xi măng, có chạm trổ hoa văn cầu kỳ mà bí ẩn, chứng tỏ đây là một gia tộc giàu có.

Và mi biết hầu hết các gia tộc giàu có đều cố gắng vượt biên để thoát thân sau những ngày quân giải phóng tiến qua khỏi lằn ranh vĩ tuyến 17. Bởi có tiền nên họ có thể sắm thuyền vượt biển, mà hầu hết những gia đình có thuyền vượt biển đều có thể không may mắn gặp cướp biển Thái Lan hoặc bão biển hoặc bị những người lính biên phòng chế độ mới bắn lủng thuyền khi ra gần tới hải phận quốc tế. Đó là chưa nói tới chuyện có một số sĩ quan biên phòng đã bán biển cho họ, nghĩa là muốn vượt biên cứ chồng tiền, vàng cho sĩ quan biên phòng để họ thả cho đi. Nhưng khi ra khơi, cũng có thể chính họ hoặc đồng đội của họ lái tàu rượt theo và bắn thủng tàu. Thời sau chiến tranh, dường như người ta chẳng còn có thể nghĩ gì được ngoài chuyện bỏ chạy và xua những người khác bỏ chạy để bớt gánh nặng về miếng ăn, cái mặc.

Mi tiếp tục bước vào bên trong ngôi làng, dường như ngoài những cuộn thép gai giãn ra, không có ai ngăn cản bước chân của mi, cụ già vẫn đứng bên kia rào thép gai đợi mi. Ông im lặng, ánh mắt hiền từ của ông như muốn nói với mi một câu ẩn ý nào đó, nhưng ông tuyệt nhiên không cất thành lời. Ông lặng lẽ bước qua những luống cà, luống dưa hồ như đã vun từ mấy chục năm trước và có ai đó vẫn tiếp tục tưới nước, trồng cây mới lên chỗ cây cũ đã chết, nhưng tuyệt nhiên không cuốc đất hay vun luống trở lại.

Dưa và cà có sắc màu sậm, chúng khô khốc nhưng tiềm tàng sức sống. Mi nhìn sang cụ già, cố gắng bắt chuyện bằng một nụ cười nhưng cụ vẫn giữ im lặng bước đi tiếp, đến một ngôi nhà hai tầng đã bỏ hoang từ rất lâu. Mi theo chân cụ và lấy làm lạ bởi thay vì dắt mi vào nhà, cụ dắt mi leo lên mái nhà, tay chân cụ thoăn thoắt, nhanh nhảu, mi nghĩ rằng có lẽ trước đây cụ phải là lính đặc công hoặc trinh sát công an gì đây, đương nhiên mi không nghĩ cụ là biệt kích, nghĩa quân hay cán bộ xây dựng nông thôn, bởi không khí nơi này cho thấy mi đang đứng trên xứ Bắc… Cụ chỉ tay vào một cái hố, nói là hố nhưng thật ra đó là một cái giếng trời tối om. Mi nhìn kỹ và rùng mình vì có mấy cánh tay từ giếng trời cố gắng huơ lên trời đầy bất lực. Mi nhìn kỹ lần nữa thì thấy đó là những bộ xương đã cháy, mi hãi hùng nhìn cụ già và hỏi ông tại sao không cứu họ. Cụ già lắc đầu và không nói gì, cụ tiếp tục chỉ vào những vết đạn bắn lỗ chỗ trên tường, sau đó cụ vén áo chỉ một vết đạn bắn giữa lồng ngực, máu còn rỉ, cụ quay đầu chỉ tiếp một vết đạn sau ót, lúc này mi mới nhận thấy cụ đã bắt đầu bước đi rất khó khăn. Hóa ra cụ bị hỏng một chân, nơi chân cụt vẫn còn rỉ máu.

“Ông đã thiêu sống những người này? Họ là ai?”.

Cụ già lắc đầu, chỉ vào một cái giường ngủ bỏ hoang và sau đó lại chỉ những vết thương của mình, rồi lại chỉ vào những trái bom xăng được làm từ chai, lọ vẫn còn nguyên xăng trong đó, sau đó cụ không nói gì. Mi nhìn thấy hai giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt già nua, sạm màu của cụ. Bất giác, mi muốn khóc và cố chạy thoát ra khỏi ngôi làng. Cụ già không nói gì, ngồi lặng lẽ nhìn theo mi. Cho đến lúc mi suýt đâm vào hàng rào kẽm gai và ngoái nhìn thì không thấy cụ ấy đâu nữa, chỉ thấy một ngôi nhà hoang hai tầng, lỗ chỗ vết đạn, mi bật khóc.

Trời bắt đầu sáng, lũ chim chào mào bắt đầu ríu rít, lao chao giành nhau mấy trái dâu tây ngoài vườn, mi nằm nhớ lại giấc mơ, rồi nhớ tới bà, nhớ củ khoai lang nướng mà bà cố giấu mi để dành cho thằng Rô. Vì hồi đó, trong nhà chỉ có mình mi là cháu nên có món gì bà cũng để dành cho mi, và thường thì mi cho thằng Rô một nửa, bất kể món gì, trừ món khoai lang nướng thì mi không cho, mi ngồi ăn một mình, mặc cho thằng Rô ngồi ngó miệng. Nhiều lần bà nhắc mi hãy chia phần cho Rô nhưng mi giả như không nghe. Những lúc như thế, mi nhận ra trong ánh mắt thằng Rô có một thứ gì đó xa vời, khó nói, nhưng hình như mi cũng mặc cho cái thứ gì đó xa vời vợi ấy, mi tiếp tục ăn. Bữa đó, bà giấu củ khoai lang nướng trong hũ gạo, mi đánh mùi và lấy ra ăn, bà giận quá, quất cho mi mấy roi vì không biết thương bạn bè. “Rô nó không có cha mẹ, làm người thì phải biết thương người!”. Bà nói vậy rồi lẳng lặng đi nướng củ khác cho nó, sau đó bà lấy dầu tràm xức vào chỗ lằn roi của mi. Thằng Rô bẻ cho mi nửa củ khoai nướng. Có lẽ, mi biết quý bạn bè hơn từ bữa đó, cảm ơn thằng Rô.

(Còn tiếp)

Comments are closed.