Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 152) – Lưu Thuỷ Hương – Đêm nô lệ

Bây giờ tôi sợ luôn chuyện đi ngủ. Bởi, cứ vừa chợp mắt là bị mụ phù thuỷ da đen lôi tuột đi. Buổi sáng tỉnh dậy, thân mình đau đớn rệu rã. Chân bước không nổi. Tay nhấc không lên. Tôi nằm bẹp trên giường, mắt mở thao láo, nguyền rủa kiếp nô lệ vừa trải qua trong đêm. Thật là kinh khủng. Một đêm bị đánh tan da nát thịt. Một đêm bị đóng cọc phơi nắng. Một đêm bị trấn nước trong hố xả phân bò. Xưa nay tôi vẫn chê bai giống dân da đen, họ chỉ biết cúi đầu chịu nhục mà chẳng có một cuộc nổi dậy nào suốt chiều dài lịch sử. Dân da vàng mình thì đừng hòng, hễ bị đàn áp là kháng chiến, khởi nghĩa, tiến công nổi dậy. Bây giờ mọi chuyện đảo ngược lên hết. Tôi là một thằng nô lệ hằng đêm cúi đầu cho người ta đánh đập hành hạ. Ngay bữa tối tân hôn, tụi tay sai của thằng Dijero còn xông vô tận góc lều, bắt luôn vợ mới cưới của tôi. Trong mơ tụi tôi lấy nhau, nhưng tôi chưa làm kịp làm gì ngoài chuyện len lén vỗ mông Santa khi vác maniok ngoài bãi.

Giấc mơ khủng khiếp đó lấn sang tới ban ngày, phá hoại cuộc sống yên bình của một con người yêu tự do. Tiếng động thoáng qua ngoài cửa cũng làm tôi giật mình, tim đập thình thịch. Gió thoảng qua hiên cũng mang theo hơi ẩm đồng ruộng, mùi phân bò, tiếng chó săn hung tợn. Sau giờ đóng cửa quán tôi đi lang thang, chẳng dám về nhà. Nhiều bữa mệt quá, nằm đại lên băng ghế đá bên đường, nhưng cứ vừa thiếp đi là con mẹ phù thuỷ có cặp mắt to như cái chén tống nước lại mò tới. Tôi có trốn chỗ nào nó cũng tìm ra. Cứ tưởng như nó biết hết những xó xỉnh trong thành phố này.

Tôi sống ở Berlin. Tôi biết rõ, chẳng có nơi nào trong thành phố chứa đầy nguy hiểm như khu Kotti, điểm hẹn của đủ loại tội phạm người ngoại quốc. Ngày cũng như đêm, mỗi con đường, mỗi góc công viên đều là điểm nóng của đĩ điếm, ma cô, thuốc phiện, cướp giật, đâm chém, lừa đảo. Cây cầu sắt khai rình nước tiểu bắt ngang dòng sông nối từ đại lộ Các Mác qua miền tây thành phố. Đứng trên cầu nhìn xuống, thấy nước sông đen thui thủi. Nước chảy qua khu vực này bỗng đổi màu ghê rợn mà chẳng phải do rác rưởi hay cống rãnh. Đó là màu của tội ác từ thời thành phố còn bị chia cắt, cho tới lúc sự thống nhất biến nơi này thành bãi rác tệ nạn của cả hai bên. Tội ác không trôi đi mà đọng thành lớp bùn dày đặc dưới đáy sông.

Vậy mà tôi mò tới đây với hy vọng, ở cái chỗ kinh khủng nhất của thành phố thì giấc mơ quái đản kia không tìm tới. Mà đúng như rằng. Suốt ba đêm liền tôi ngủ yên trong công viên Görli, chẳng mơ mộng gì. Buổi sáng tỉnh dậy tươi tắn, khoẻ khoắn tôi đi về nhà tắm rửa, ăn uống chuẩn bị giấc trưa đi làm. Hy vọng tụi buôn nô lệ quên tôi luôn, tới mùa đông tôi đã có thể về nhà ngủ lại. Cẩn thận hơn nữa, tôi lấy lọ nghẹ trong bếp quẹt lem nhem mặt mũi chân tay, giấu luôn giấy tờ tuỳ thân trong cốp xe.

Đêm thứ tư, tôi vừa chợp mắt thì giật mình tỉnh giấc. Ánh đèn công viên soi lên hai cái bóng đen to lớn đen thui. Một thằng cầm dao. Một thằng cầm dây thòng lọng.

“Đích thị là CÁ.” Tên cầm thòng lọng nói. “Nó nằm đây ba đêm nay, chỉ giả vờ ngủ. Cho nó một dao xong chuyện.”

Con dao vung lên lấp lánh ánh đèn. Nó nhắm ngay ngực tôi đâm xuống. Trong cơn hãi hùng, tôi chỉ còn kịp la lên:

“Không có gì quý hơn độc lập tự do.”

Mũi dao nhọn hoắt đụng vô ngực. Hơi lạnh kim loại xuyên qua lỗ lủng trên áo, chạy thẳng vô tim. Tôi nằm ngay đơ, đinh ninh mình đã chết rồi. Thằng kia bỗng quăng dao đi, xốc tôi đứng dậy. Cử động đột ngột làm mấy vết thương trên lưng tôi toét ra, đau đớn kinh khủng. Tôi muốn la lên nhưng cổ họng khô đắng.

“Giời ơi. Hoá ra là đồng chí nhân dân mình.” Thằng cầm thòng lọng mừng rỡ nắm chặt tay tôi.

Lúc đó tôi mới nhận ra mấy thằng mít còi. Tụi này đứng bán thuốc lá lậu ở cổng ga xe lửa, chỉ do đèn đường soi ngược mà hoá ra to lớn hãi hùng. Thằng cầm dao nói giọng miền Trung nặng như đá:

“Răng mà khổ. Chẳng giấy tờ tiền bạc gì trong người. Bác vừa trốn trại ra à?”

Chẳng hiểu nó hỏi trại nào. Trại tị nạn hay trại nô lệ? Tôi thọt tay vô túi quần jean kiểm tra lại. Bàn tay tôi tuột qua lớp vải thô của cái quần đùi dơ dáy. Không ngờ bộ đồ trên người tôi bị ăn trộm cởi đi hồi nào. Sương đêm rớt xuống bả vai bị đánh hồi chiều làm vết thương nở ra lạnh rát. Từ ba ngày nay, tụi nó trói tôi trong chuồng ngựa, đánh đập dã man. Tôi đói lả người chỉ biết liếm nước chảy ra từ máng ngựa để cầm hơi. Chuyện này hình như có liên quan gì đó tới vụ Santa bị bắt.

“Bác cầm tạm chỗ tiền này rồi biến khỏi đây cho bọn em nhờ.” Thằng cầm thòng lọng cởi cái áo khoác đưa cho tôi. “Đêm nay bọn em quyết chiến với quân thù, khu vực này chẳng phải chỗ cho bác ngủ.”

Tôi biết đám mafia thuốc lá này rất dữ dằn, nhưng nghe đâu họ cũng có chút nghĩa tình. Tên trùm đánh thuốc qua Đông Âu từng là thiếu tá công an, con trai của dũng sĩ diệt Mỹ đất Quảng Bình. Nếu tụi nó chịu giúp đỡ, chắc tôi sẽ được giải phóng khỏi kiếp nô lệ. Tôi xoay người cho hai đứa coi những vết thương khủng khiếp trên lưng, đau đớn tâm sự:

“Tôi có một giấc mơ…”

Hai đứa lắc đầu xua tay lia lịa, nói tôi phải đi ngay ra khỏi công viên. Trong bóng đêm, mấy lùm cây tử đinh hương đen đúa hiện ra đầy đe doạ. Thằng cầm dao lại lục lọi trong túi, móc ra một cái bật lửa, nhét vô tay tôi. Hình như tụi nó cũng chẳng có nhiều tiền bạc gì. Cái bật lửa nằm gọn trong tay còn ấm hơi người. Tôi lận nó vô lưng quần đùi, nghẹn ngào cố nói thêm:

“Vợ tôi bị bắt từ mùa xuân…”

Tụi nó đưa luôn con dao cho tôi, an ủi:

“Xuân này hơn hẳn những xuân qua…”

Thoang thoảng trong đêm tháng tư mùi hoa tử đinh hương. Tôi cầm dao theo con đường trải đá tảng dẫn ra bờ sông. Đoạn dọc theo chân cầu, hàng quán nhấp nháy ánh đèn. Tôi không lạ gì khu vực này, bên trong đó là hang ổ đĩ điếm, ma tuý. Mấy thằng ma cô đứng trước cửa để lộ bắp tay lực lưỡng xâm chằng chịt, cặp mắt lườm lườm như ác thú. Tôi quyết định đi bộ ra đại lộ Các Mác uống ly bia chờ trời sáng rồi lái xe về nhà. Đằng nào cũng đã mất giấc ngủ đêm nay. Vậy mà hay.

Quán bia ở cuối đường bờ sông, ngay khúc quẹo qua ga xe lửa. Ngọn đèn bão tù mù treo trên khung cửa gỗ phủ đầy dây leo khô héo. Một quán bia nhỏ tồi tàn, bốc mùi khăm khẳm lẽ ra chẳng gây được sự chú ý nào. Riêng có tấm biển nguệch ngoạc hàng chữ bằng phấn đỏ “Santa Catarina” làm tôi nghẹn thở. Vợ tôi sanh ra ở Santa Catarina, bị bán sang đồn điền Dijero năm lên mười tuổi, từ đó cô thất lạc cả cha lẫn mẹ, chỉ còn giữ được cái tên. Tôi đẩy cửa bước vô. Cánh cửa gỗ nặng chịch như bị kẹt giữa đám dây khô lùng bùng. Bên trong tối mịt, nóng ẩm và ồn ào khủng khiếp. Xuyên qua ánh sáng yếu ớt hắt ra từ ô cửa sổ duy nhất, tôi chậm chạp nhận ra những cái bóng đen lố nhố. Mùi mỡ cháy, mùi đậu đen hầm, mùi súp maniok… đặc quánh trong không khí. Tôi rùng mình đẩy cửa lùi lại. Mùi của bếp ăn người nô lệ. Cánh cửa bây giờ không mở ra được nữa, nó kẹt cứng vô cái khung xiêu vẹo. Phía bên trong lại không có tay cầm, cứ như nó chỉ được mở ra từ bên ngoài. Tôi nổi nóng co chân đá thiệt mạnh lên tấm gỗ nứt nẻ. Những tiếng động trong quán dường như im bặt. Đám thực khách ngừng ăn giương mắt nhìn về phía tôi. Bây giờ tôi đã quen với bóng tối. Chung quanh tôi hiện ra những cặp môi dày đói khát, những hàm răng to khỏe.

“Một ly Caipirowska pha đá lạnh.” Tôi giấu con dao dưới vạt áo khoác, lấy giọng tự nhiên nói. “Ở đây thiệt là nóng bức và… tối tăm nữa.”

Những cái đầu tóc xoăn lại cúi xuống bàn hì hục ăn. Tôi lần mò tìm được một góc bàn trống khuất sau cột nhà, bên cạnh cửa sổ. Ánh sáng từ bờ sông hắt vô vừa đủ cho người ta cảm nhận những vật cản xung quanh. Bên trên cửa sổ có treo một cái khung tròn trịa, dường như là bánh xe bò. Cơn buồn ngủ lúc này lại kéo tới, tôi nhắm mắt chực thiếp đi cho tới lúc ly cocktail rớt bộp ngay trước trán. Tôi ngước lên nhìn, suýt nữa thì la làng. Trong bóng tối tù mù, bộ mặt phù thuỷ hiện ra với hai con mắt to bằng cái chén tống nước. Dĩ nhiên vẫn là con mẹ hằng đêm lôi cổ tôi đi. Bây giờ nó đứng trước mặt tôi, tuy trẻ trung xinh đẹp trong vai gái bán bar, nhưng tôi vẫn kinh khiếp nhận ra cặp mắt to đùng trắng dã của nó. Tôi vùng đứng dậy, đầu đập vô cái bánh xe bò làm cả chái nhà rung lên.

Mụ phù thuỷ cười hing híc. Cái kiểu cười mồi chài lẳng lơ làm một người đàn ông đứng đắn phải khó chịu. Tôi nghiêm mặt ngồi xuống, nhấp một ngụm nước cho đỡ căng thẳng. Mụ cũng ưỡn ẹo ngồi lên cái ghế trống trước mặt. Cặp chân duỗi ra chạm vô đùi tôi. Làn da mềm mại mỡ màng. Ánh sáng yếu ớt dồn hết vô chỗ áo xẻ sâu phơi ra nửa phần vú đầy ắp, phập phồng. Chẳng biết đồ thiệt hay đồ giả. Mỗi đêm một hình dạng, mỗi giấc mơ một khuôn mặt. Nhưng bao giờ cũng mập mạp no đủ và rửng mỡ.

“Tôi có một giấc mơ.” Mụ phù thuỷ bắt đầu nói.

“Hả? Tôi cũng có một giấc mơ.”

“Tôi mơ thấy mình bị con chó có cặp mắt to bằng chén tống nước bắt đi và anh đã hôn tôi.” Mụ phù thuỷ mơ màng chớp đôi mắt to đùng, chìa cặp môi dày tô đỏ về phía trước. Tôi lặng người nghe hơi thở nóng ướt của mụ thổi ào ạt lên má.

“Láo toét. Đó là truyện cổ tích Cái Bật Lửa. Truyện này hồi nhỏ tôi có đọc qua, cùng với truyện Hoàng Đế Cởi Truồng. ” Tôi nghiêm túc nói thêm cho rõ. “Chính tôi mới là người bị mụ phù thuỷ có cặp mắt to bằng chén tống nước bắt đi. Bây giờ đề nghị mụ hãy chấm dứt câu truyện và trả lại tự do cho tôi.”

“Nếu anh đưa trả cho tôi chiếc bật lửa.”

Tôi buột miệng hỏi:

“Nhưng mụ lấy cái bật lửa làm gì?”

Mụ đáp:

“Này anh lính. Không việc gì đến anh. Lấy được tiền rồi thì trả ta cái bật lửa đây.”

Tôi cương quyết:

“Không! Nói ngay cho ta biết mụ định lấy chiếc bật lửa làm gì, không thì ta rút dao chém cổ mụ bây giờ.”

Mụ phù thuỷ vẫn khăng khăng:

“Không được!”

Tôi rút con dao ra định chặt phăng cái đầu tóc loăn xoăn. Con dao giơ lên cao mấy lần rồi lại ngập ngừng buông xuống. Tôi hoang mang hỏi:

“Nhưng mụ có phải là mụ phù thuỷ không?”

“Dĩ nhiên là không. Và anh cũng chẳng phải là anh lính dũng cảm.” Mụ đàn bà dài giọng ra mỉa mai.

Bây giờ thì mọi chuyện rối nùi lên.

“Vậy tôi là ai?”

“Vậy Santa là ai?”

“Cô ấy là một người nô lệ.”

“Cô ta là một đứa cứng đầu không chịu yên thân làm nô lệ.”

“Trời đất có chuyện bịa đặt đó nữa sao? Nô lệ da đen hiền như cục đất mà.” Tôi oán hận nhớ tới khoảng thời gian khủng khiếp mà mình phải chịu đựng từ khi Santa bị bắt. Chụp mũ kiểu này thiệt là giết người không gươm đao.

“Cô ta bị bắt vì tội khủng bố chống chính quyền nhân dân, theo điều lệ 84 BLHS.”

Bây giờ tôi đâm ra hoang mang, có dẫn chứng luật lệ rành rành là có khả năng phạm tội. Chắc Santa dính líu vô một tổ chức phản động nào đó. Trăm sự cũng vì con mụ phù thuỷ này. Trong lúc tôi chỉ muốn yên thân làm người bán quán sushi, thì nó cứ kéo tôi vô những chuyện phiền phức.

“Mụ lôi ta vô câu chuyện kinh khủng này, phá hoại cuộc sống yên bình của ta, chỉ vì một cái bật lửa khốn khiếp.”

“Anh trả cái bật lửa cho ta.”

Thiệt không chịu nổi. Tôi có hút thuốc bao giờ đâu mà có bật lửa. Tôi uống một hơi hết ly caipi pha wodka. Bây giờ thì mặc kệ luôn chuyện tôi là ai và con mụ này là ai. Đã biết rõ mặt nhau rồi thì nó đừng hòng tới bắt sống tôi làm nô lệ. Tôi cầm con dao hoa lên mấy vòng đe doạ rồi kêu thêm hai ly cocktail nữa. Mùi đồ ăn nô lệ nghèo nàn vẫn đặc quánh trong căn phòng. Bao tử tôi nhộn nhạo chỉ muốn nôn hết chỗ sushi ăn hồi chiều ra. Tôi mệt mỏi lả đi trong đêm không ánh lửa. Những bãi lầy xa bất tận không phương hướng. Tôi dẫm bàn chân lở loét lên vạt ruộng khô nẻ, cố lết đi. Tiếng chó săn sủa lên từng hồi hung tợn phía sau lưng, nhưng tôi đã cạn hết sức lực. Giấc mơ nô lệ không hề chấm dứt.

Tôi tỉnh dậy trong căn phòng yên tĩnh nhìn ra công viên đầy hoa tím. Cả thân mình tôi đau đớn vì trận đòn trừng phạt tối hôm qua. Chỗ khớp cổ bị dây thòng lọng kéo đi không để lại dấu vết gì, nhưng tưởng như vẫn còn sưng tấy. Tôi khó khăn nuốt nước miếng lần mò lết vô nhà tắm, cởi bộ đồ jean ra. Buổi tối hôm qua không tới nỗi vô ích, dù gì tôi cũng biết được chỗ con mụ phù thuỷ lui tới. Chỉ cần chứng minh được nó dính líu vô đường dây buôn người là có thể báo cho cảnh sát. Viễn cảnh sáng sủa đó làm tôi thấy đỡ đau.

Trên đường đi làm, tôi lái xe ngang qua đại lộ Các Mác, tìm lại cái quán của người da đen tối hôm qua. Thiệt lạ lùng. Tôi lái xe qua đoạn đường bờ sông ba lần vẫn không tìm ra cái quán xập xệ đó. Nhan nhãn dọc bên con phố nhà cao tầng khang trang là hàng quán của người Thổ và Ả Rập, tuyệt nhiên không có quán bia nào mang tên Santa Catarina. Tôi dừng xe lại, hỏi những người đi đường. Không ai biết tên quán. Có người lại chỉ tận đâu về Prenzlauer Berg, nơi có nhiều sinh viên người Nam Mỹ cư ngụ. Bây giờ tôi lại tin vô một giấc mơ khác, một người nô lệ da đen nằm mơ thấy mình làm anh bán sushi.

Nhưng còn cái bật lửa? Cảm giác ớn lạnh xộc tới làm tôi hoảng quá đạp lên thắng xe. Tiếng nhấn còi phía sau vang lên đầy giận dữ. Tôi tấp xe lên lề, ngồi như kẻ mất hồn. Trong đám bòng bòng rối nùi đó bỗng ló ra một đầu mối. Sự thật là tôi có giữ trong tay cái bật lửa của hai tên Quảng Bình. Cảm giác ấm áp khi cầm nó trong tay không thể lầm lẫn được. Không biết bây giờ nó biến đi đằng nào? Dĩ nhiên tụi bán thuốc lá phải có bật lửa, nhưng sao mụ phù thuỷ cứ lải nhải nói về cái bật lửa nào đó.

Tôi vội vàng lái xe ra quán, vừa mở cửa đã phóng tới bật laptop. Tôi tìm trên mạng câu chuyện cổ tích mà tôi chỉ nhớ láp nháp.

Chiếc bật lửa

Càng đọc truyện càng thấy rối loạn. Rốt cuộc, tôi là ai? con mụ phù thuỷ là ai? Dijero là ai? trong câu chuyện cổ tích của Andersen.

Ngày làm việc hôm nay dài như cả thế kỷ. Hai lần tôi lẫn lộn nagiri với maki. Khách hàng cười xuề xoà bỏ qua, chỉ hỏi mượn bật lửa để hút thuốc. Tôi đâm hoảng:

“Tiệm này cấm hút thuốc.”

Mấy người khách trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên.

“Làm gì có chuyện đó.”

Thế giới đảo điên hay đám khách này hoá điên. Lệnh cấm hút thuốc trong quán ăn trên toàn liên bang đã có từ năm 2008, tại sao bây giờ lại có người hỏi mượn bật lửa. Mà đây là đâu chứ? Năm này là năm nào? Trời hỡi, mọi chuyện rối nùi từ cái bật lửa.

Tôi quyết định trở lại công viên Görli ban đêm tìm hai cha nội bán thuốc để hỏi cho ra ngô khoai. Nắng chiều tắt chậm rãi trên vùng công viên rộng mười bốn hecta. Tôi nằm đúng lên cái ghế đêm hôm trước. Quá mệt mỏi sau một ngày mất ngủ, tôi thiếp liền sau đó. Giữa bóng đêm mịt mùng, mọi chuyện lại diễn ra y hệt như lần trước. Cũng hai thằng cầm dao và cầm thòng lọng, nghe đúng mật khẩu “không có gì quý hơn độc lập tự do” thì nghẹn ngào nhận ra đồng chí nhân dân mình. Hai đứa dúi tiền vô tay tôi, hối thúc:

“Bác cầm tiền rồi biến khỏi đây cho bọn em nhờ.”

Thằng cầm dao lại lục lọi trong túi, cẩn thận móc ra một cái bật lửa, nhét vô tay tôi. Chỉ chờ tới lúc đó, tôi hỏi liền:

“Cái bật lửa này ở đâu ra?”

Cả hai cùng đồng thanh:

“Đêm nay bác không ngủ…”

Tôi nổi quạu muốn dộng cho mỗi thằng một đấm. Đã kịp ngủ nghê gì đâu. Vừa chợp mắt đã bị tụi nó lôi dậy đẩy vô câu chuyện lằng nhằng. Tôi không nhét bật lửa vô lưng quần nữa mà cầm chắc nó trong tay. Hai thằng kia lại dúi dao cho tôi, nhưng tôi kiên quyết từ chối. Lần theo con đường bờ sông tôi tìm tới quán bia Santa. Mụ phù thuỷ chờ đó từ bao giờ nóng nảy hỏi:

“Anh đã cầm chiếc bật lửa chưa?”

Tôi thuộc lòng câu trả lời:

“Ồ chết chửa, tôi quên khuấy đi mất! Nhưng mụ lấy cái bật lửa làm gì?”

Mụ hung hăng đáp:

“Tên nô lệ khốn khiếp. Lấy được tiền rồi thì trả ta cái bật lửa đây.”

Cái kiểu gọi sỗ sàng không theo đúng cốt truyện làm tôi nóng mặt. Con mụ này chơi không đúng luật. Tôi kiên quyết nói đúng từng chữ trong truyện:

“Không! Nói ngay cho ta biết mụ định lấy chiếc bật lửa làm gì, không thì ta rút dao chém cổ mụ bây giờ.”

Mụ phù thuỷ vẫn khăng khăng:

“Không được!”

Tôi rút con dao ra định chặt phăng cái đầu tóc loăn xoăn. Con dao giơ lên cao mấy lần rồi lại ngập ngừng buông xuống. Tôi hoang mang hỏi:

“Nhưng mụ có phải là mụ phù thuỷ không?”

“Dĩ nhiên là không. Và anh cũng chẳng phải là người lính dũng cảm, anh chỉ là một tên nô lệ khốn khiếp.” Mụ ta dài giọng khinh miệt.

“Tôi không bao giờ giết phụ nữ.”

“Không đúng. Trong bộ phim The World Is Not Enough anh đã giết chết tôi.”

“Trời đất, lại còn lôi cả James Bond vô câu chuyện rối nùi này nữa. Dĩ nhiên tôi không là 007.” Tôi la lên. Mấy cặp mắt trắng dã trong bóng đêm đổ xô về hướng tôi. Phía sau lưng mụ là một đám tay sai lăm lăm dao rựa và thòng lọng. Tôi liền dịu giọng. “Mà tôi có phải là James Bond không, tôi cũng không biết nữa.”

“Không việc gì. Lấy được tiền rồi thì trả ta cái bật lửa đây.”

“Không! Nói ngay cho ta biết mụ định lấy chiếc bật lửa làm gì, không thì ta rút dao chém cổ mụ bây giờ.” Tôi chợt tỉnh ngộ trong mớ bòng bòng, đổi giọng nguyền rủa. “Con mụ điêu ngoa này, thực chất mụ là ai? Sao cứ dẫn dắt câu chuyện đi lòng vòng quanh cái bật lửa?”

Đám đông đen đúa phía sau gầm lên.

Tôi bật đứng dậy, đạp ngang khung cửa sổ, phóng ra ngoài. Đống rơm bên dưới ướt bầy hầy, sặc mùi nước đái bò. Tôi té lộn mấy vòng, lăn xuống bờ ruộng. Cánh đồng maniok vừa thu hoạch xong còn lổm nhổm thân rễ. Tôi phóng mình lao đi trong đêm tối. Phía sau, tiếng hò hét của mụ phù thuỷ lẫn vô tiếng chó săn hung tợn. Tụi Dijero đã phát hiện ra mớ dây trói tôi để lại trên thành cửa sổ. Tôi giữ chặt cái bật lửa trong tay, chạy cật lực băng qua đồng trống. Chưa bao giờ tôi có thể chạy nhanh được như vậy. Gió thổi ào ào bên tai. Gió tốc hơi lạnh vô mũi. Cái bật lửa nóng rực trong lòng bàn tay. Tiếng vó ngựa vẫn đuổi theo dồn dập phía sau lưng. Viên đạn trượt qua đầu tôi nổ toang phía trước. Cuộc đua dai dẳng chỉ làm thằng Dijero tăng thêm hưng phấn. Hắn thường dồn con mồi tới mép bờ sông và thả chó ra. Mấy con chó săn hung tợn đã tới sát đằng sau. Tôi nghe tiếng thở hồng hộc nhớt nhát nước dãi của chúng. Ngón tay tôi đánh lên cái bật lửa. Con chó có đôi mắt to như chén tống nước hiện ra chớp nhoáng trên đường. Nó chưa kịp lên tiếng, tôi đã gào lên:

“Hãy bảo vệ ta.”

Con chó nhảy chồm ra phía sau lưng tôi. Những tiếng kêu rú vang lên kinh hoàng, chẳng rõ là tiếng chó hay người.

Tôi bò về được tới nhà khi trời hửng sáng. Cả thân hình tôi bê bết máu và bùn sình. Sợi dây trói vẫn còn vắt ngang cổ tay. Tôi nằm vật ra sàn, ngay khi vừa khép cửa. Cái bật lửa còn nguyên hình hài trong tay. Tôi mân mê khối vuông bằng đá xanh có những nét chạm trổ kỳ lạ. Giấc mơ đêm qua cũng kỳ lạ. Chưa bao giờ tôi thoát khỏi bàn tay của Dijero và trở về nhà mang theo bùn sình của bãi sông. Có một cái gì đó đã xảy ra quá đột ngột, ngăn cản không cho giấc mơ tách ra khỏi hiện thực. Chúng nối liền vô nhau đưa đêm về nối tiếp ban ngày.

Cái bật lửa là một khối đá bóng láng, gồm có hai phần. Tôi bật phần nhỏ phía trên lên, khi nó bổ xuống những tia lửa phát ra từ viên đá lớn. Cửa phòng bỗng mở, con chó có đôi mắt to như đôi chén tống uống nước bước vô, thong thả hỏi:

“Ông muốn sai bảo gì tôi?

Tôi chẳng hề ngạc nhiên. Truyện này diễn ra theo nguyên bản.

“Đi lấy tiền về cho ta.”

Con chó phóng đi trong nháy mắt, khi trở lại mõm nó ngậm một cái túi to tướng chứa đầy tiền giấy. Tôi bần thần đổ đống tiền lên tấm nệm ố vàng mồ hôi, chăm chăm nhìn vô đồng hồ. Một phút, hai phút, nửa giờ đồng hồ. Giấc mơ không hề biến đi. Tôi cầm tiền xuống đường mua bánh mì. Chị bán hàng thối lại tờ mười euro và một đống tiền lẻ.

Tôi không ăn bánh mì, dù đói lả từ đêm hôm qua. Chẳng còn bụng dạ nào mà ăn với uống. Tôi bấm điện thoại di động cho thằng bạn, sang quán sushi giá rẻ cho nó. Tôi lại bấm điện thoại cho văn phòng môi giới nhà cửa, đặt mua một căn hộ sang trọng ở Postdamer Platz. Đêm đó, tôi ôm bọc tiền ngủ lại trong phòng, mặc cho giấc mơ kéo đi xuống địa ngục.

Tôi trở thành hàng xóm của Brat Pitt trong khu nhà cao tầng nhìn ra Sony Center. Cuộc sống xa hoa bắt đầu từ đây. Tiền bạc con chó tha về không ngớt, chẳng biết lấy từ ngân hàng nào ra. Ban ngày tôi có một đống nhân tình, toàn những em môi đầy, ngực khủng. Không cần mơ cũng thấy mình đích thị là James Bond, một tay chậm rãi nâng ly rượu vang lên ngang tầm miệng, một tay choàng qua eo người đẹp. Chỉ có cuộc sống ban đêm là không sao thay đổi được, dù có bao nhiêu tiền bạc đi nữa. Trong bóng tối tôi trở về lại kiếp nô lệ bị đánh đập, cầm tù trong chuồng bò. Tôi đành chấp nhận cuộc chơi, phần hồn là nô lệ, bù lại phần xác được hưởng thụ thú vui vô tận của đồng tiền.

Một ngày, tôi bỗng chán. Đoạn cuối câu chuyện cổ tích hiện ra lởn vởn trong đầu. Tôi muốn có nàng công chúa trinh trắng đức hạnh thay cho đám nhân tình sặc mùi tiền bạc. Tôi kêu con chó tới. Nó nhướng đôi mắt to bằng cái chén tống nước nhìn tôi, mệt mỏi hỏi:

“Ông cần gì nữa?”

Tôi chợt nhận ra cái vẻ già nua, miễn cưỡng tận tuỵ của nó.

“Tiền bạc ta gửi khắp mấy ngân hàng, cũng chẳng biết xài vô chuyện gì. Ta chỉ còn mơ ước được gặp nàng công chúa. Như vậy là mãn nguyện.”

Con chó nhảy nhổm lên như vừa bị ai đánh vô đầu. Tôi nhắc lại:

“Ta muốn gặp nàng công chúa.”

Nó cụp đuôi xuống, lủi thủi đi ra khỏi phòng. Tôi chờ hoài không thấy con chó trở lại, khi ngoài cửa sổ màu trời đã sẫm dần. Cọc gỗ bào trơn tẩm dầu đậu phọng đã dựng lên giữa sân từ chiều hôm trước. Thằng Dijero muốn trừng trị tôi thật thảm khốc để làm gương cho đám nô lệ đang len lút ươm mầm phản kháng. Ở đồn điền Dijero nổi tiếng hà khắc này chưa bao giờ có chuyện nô lệ bỏ trốn. Roi vọt, đói khát, chó săn đã không khuất phục được tôi. Tám lần đào thoát trong hai tháng, cả tám lần đều vượt qua khỏi ranh giới của đồn điền, tiến sát tới bờ sông. Giờ đây, tụi nó phải dùng tới hình phạt thảm khốc nhất từ thời Hammurabi là xỏ cọc qua lỗ hậu môn.

Bên ngoài đã tối hẳn, mắt tôi cứ díu lại không cưỡng được. Tôi nốc từng ngụm cà phê lớn, cố kéo dài một đêm để sống. Khi tôi mệt mỏi gục xuống bàn, con chó cà nhắc đi vô cửa. Trên lưng nó là nàng công chúa. Tôi mở choàng mắt ra háo hức lao về phía nàng.

Không tưởng tượng nổi. Thiệt không tưởng tượng nổi. Nói kiểu khác là, quá sức tưởng tượng. Công chúa con của hoàng đế là một mụ đàn bà sồn sồn, mập ú. Bộ mặt bự phấn có cái cằm ba ngấn mỡ. Mụ vừa vô nhà đã cất giọng hách dịch:

“Tên nô lệ khốn khiếp, trả cái bật lửa đây.”

Tôi cương quyết nói theo đúng bài bản:

“Không! Nói ngay cho ta biết mụ định lấy chiếc bật lửa làm gì, không thì ta rút dao chém cổ mụ bây giờ.” Tôi vừa nói vừa vơ lấy con dao cắt sushi trên bàn, chém xuống một nhát. Trái táo trong dĩa đứt đôi. “Ở đây chỉ có ta và mụ, lần này mụ đừng mong thoát chết.”

Mụ phù thuỷ ra chiều sợ hãi, đổi giọng lẳng lơ:

“Chàng Việt Kiều hào phóng! Xin chàng trả cái bật lửa lại cho nhân dân.”

Tôi nghe tới đó thì nổi điên. Một tên nô lệ khốn khiếp trong phút chốc bỗng biến thành chàng Việt Kiều hào phóng. Không, tôi chỉ là người bán sushi. Tôi vung dao cắt sushi lên, chém xuống một phát ngang cái cổ nọng mỡ. Không ngờ mụ phù thuỷ có thân hình ô dề lại phản ứng cực nhanh. Mụ né người ra phía sau, để con dao quá đà chém ngang qua đầu con chó. Thật khủng khiếp, một bên tai của con chó bị cắt văng đi. Con vật tội nghiệp nhảy lồng lên hoảng hốt. Hai con mắt oán hận mở to như cối xay. Tôi còn chưa kịp phân bua, nó đã ngoạm cái bật lửa trong tay tôi, phóng như bay ra cửa. Mụ phù thuỷ bị hất văng xuống thảm, vướng trong đám áo ruy băng luộm thuộm, không sao bò dậy được. Tôi lăm lăm con dao trong tay chực chém thêm một nhát nữa. Mụ nằm trên sàn nhà, tênh hênh thị hến, cất giọng đĩ thoã:

“Hoàng tử của lòng em. Chàng Việt Kiều giàu có. Người chiến sĩ nhân dân dũng cảm. Chàng là niềm tin tất thắng, là lý tưởng thành đồng cách mạng, là ngọn cờ giải phóng dân tộc, là biểu tượng tự do. Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của các dân tộc. Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Mục đích của việc dành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân thoát khỏi chế độ nô lệ là đem lại hạnh phúc, tự do cho mỗi cá nhân…”

Bây giờ tôi mới hiểu, tại vì sao hai thằng Quảng Bình kia muốn tống khứ cái bật lửa này đi. Tôi tức giận quát lên:

“Câm miệng lại. Ta trốn trại chẳng phải vì mấy cái thứ đó.”

“Ủa. Vậy vì cái gì?”

Câu chuyện Andersen hiện ra trong đầu. Đúng là hắn. Đích thị là hắn rồi.

“Ta trốn trại vì không chịu nổi mùi súp maniok của cha cô. Đó thực chất chỉ là món – cháo – khoai – mì.”

Giấc mơ tối sầm rồi biến mất cùng mụ phù thuỷ. Từ đó về sau, tôi không bao giờ trở lại đồn điền trồng khoai mì của bọn cởi truồng nữa.

Berlin, 07.2014

https://vandoanviet.blogspot.com/2016/08/em-no-le.html#more

Comments are closed.