Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 175): Phạm Hải Anh – Huyết đằng

Sinh năm 1970 tại Hà Nội. Tiến sĩ Ngữ văn chuyên ngành Văn học Trung Quốc. Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội 1991 – 1998. Hiện sống tại Hà Lan.

Đã xuất bản: Huyết đằng (Truyện ngắn NXB Văn Mới, Hoa Kỳ 2001), Đi hết đường mưa (truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn 2002), Tìm trăng đáy nước (truyện ngắn, NXB Văn mới 2003), Sâm cầm (truyện ngắn cùng Lê Minh Hà, NXB Hội Nhà văn 2004), Kiến lửa (phim ngắn, Giải nhì Liên hoan phim ngắn Việt Nam 2005)

clip_image002

Miếng đất ấy được rao bán đã lâu nhưng chẳng ai dám mua. Người đàn bà sống ở đấy hồi trước còn trẻ lắm, không biết vì sao lại thắt cổ chết. Ông chồng không đưa vợ ra nghĩa địa mà lại chôn ngay ở vườn nhà. Được ít lâu ông ta cũng bỏ đi biệt tích. Ngôi nhà vắng chủ dột nát, tiêu điều, chỉ có hàng rào duối bao quanh nhà và đám rau lang ăn lan trên mộ người đàn bà chết trẻ là cứ tốt om lên, xanh rợn cả con mắt. Dân làng bảo vào những đêm trăng vẫn thấy bóng người đàn bà xõa tóc thấp thoáng sau bụi duối, có khi nghe cả tiếng khóc nỉ non. Người ta tránh đi qua khu đất ấy, còn ai dám tính đến chuyện về ở. Bỗng dưng, có người đàn ông từ đâu đến, nghe xong câu chuyện cứ nhất định đòi mua cái nhà đó. Ông ta tên là Thản. Đến ủy ban xin giấy phép cư trú, ông ta nhận mình gốc người vùng này, phiêu bạt mãi nay muốn về ở hẳn tại quê nhà. Đường làng ngõ xóm ông biết vanh vách, nhưng hỏi kỹ lại chẳng có họ hàng với ai trong làng cả.

Ông Thản phá bỏ cái nhà cũ, dựng một căn nhà gỗ kiểu cổ ở miếng đất mua được. Ông giữ nguyên hàng rào duối quanh nhà giờ đã cao quá mang tai. Thành thử ông Thản làm gì trong nhà, người qua lại không thấy được. Mấy người hàng xóm kháo nhau rằng ông đã cuốc hết các dây khoai lang trong vườn, hí húi gieo trồng rau cỏ gì đấy. Ông Thản ở với cô con gái tên là Mận, cỡ mười tám, mười chín tuổi. Cô ta ít nói, suốt ngày quanh quẩn trong nhà. Ông Thản về ở ít lâu thì có những người lạ mặt từ tận đâu đến hỏi thăm bốc thuốc. Té ra ông là ông lang mà hẳn cũng có tiếng tăm nên thiên hạ còn biết. Người làng bắt đầu gọi ông là ông lang Thản, trong cách gọi cũng có đôi phần kính nể. Người ta qua lại trước ngõ nhà ông tự nhiên, ai ốm đau gì lại đến xin thuốc. Uy tín của ông bố làm cô con gái cũng được mọi người để ý hơn. Nhưng cô Mận có vẻ làm bọn con trai làng cứ ngãng ra. Về đây đã hơn một năm song cô vẫn chẳng đánh bạn với ai. Đi đâu cũng sùm sụp cái nón che già nửa mặt. Cô ăn vận theo lối tỉnh thành nhưng không diện, mà theo bọn trong xóm bình luận thì cũng chẳng đẹp. Có dạo thằng Hùng đen, nổi tiếng táo tợn, lăm le tìm hiểu cô Mận. Hùng đến nhà ông Thản, lấy cớ xin thuốc giải cảm. Cô Mận lãng ra vườn không tiếp, Hùng cũng trơ, theo ra tận nơi. Vườn nhà ông Thản trồng toàn cây thuốc. Đêm hạ tuần tháng bảy, ánh trăng mỏng xuyên qua lá cây chỗ sáng chỗ tối. Cô Mận đứng dưới một khóm cây dây leo, tóc xõa dài đến tận khoeo chân Hùng sấn đến, chộp lấy tay cô Mận kéo sát vào mình. Cái trò này, nó làm mấy lần với bọn con gái ở bãi chiếu bóng làng, thạo lắm, mà lần nào cũng thành công. Nhưng cô Mận vùng ra, bíu vào dàn dây leo. Hùng đâm ra lúng túng. Xưa nay nó thường tán gái bằng tay, bằng hích, véo, chộp… Chứ tán miệng thì quả là chưa quen. Cô Mận vẫn nín thinh. Hùng hỏi khỏa lấp: Mận níu vào dây leo gì lạ thế? Cô Mận vụt quay đầu lại, nhìn thẳng vào gã con trai, nói gọn lỏn: Dây máu người! ánh trăng chảy tràn trên mặt cô trăng trắng. rong một thoáng, Hùng cảm thấy mắt cô Mận lóe lên một ánh kỳ dị. Nó chợt lạnh toát người. Gương mặt cô Mận hình như nó nhìn thấy ở đâu đó, phải rồi, chính là người đàn bà trẻ đã thắt cổ chết ở đây, tóc tai xõa xượi. Chỗ khóm dây leo này, ông chồng đã chôn xác chị ta. Hùng cắm cổ bỏ chạy thục mạng. Từ ngày ấy, bọn con trai làng không đứa nào dám bén mảng đến gần cô Mận nữa.

Người ta đồn ông Thản có một thứ thuốc gia truyền quý lắm. Con bệnh thập tử nhất sinh được ông nhận lời chữa là kể như cầm được mạng sống. Sân nhà ông Thản căng thêm mái che cho người ngồi đợi mỗi ngày một đông. Quần vải đen gấu xoăn tít kề bên váy, quần âu. Những bàn tay xám đen nứt nẻ bên những đôi tay được chăm chút sạch sẽ, móng tay cắt hoặc sơn màu. Bụng lép kẹp, bụng phệ, bụng thắt eo… Đủ loại. Chỉ có bệnh tật là bình đẳng đến khắc nghiệt. Dường như có một làn sóng âm u từ địa ngục vờn qua tất cả bộ mặt sang hèn, nhấn chìm chúng trong nỗi lo âu khắc khoải không phân biệt. Ngày của cô Mận trôi giữa những bộ mặt u sầu ấy, bận rộn cuốn quýt. Ông Thản không có thời gian trò chuyện với con gái, nếu có cũng chỉ toàn về thuốc và bệnh.

Trong đám khách nhà ông Thản hôm ấy có một gương mặt là lạ. Cô Mận liếc nhìn đôi lông mày kẻ hai vạch đen đậm trên vầng trán sáng sủa của người khách, tự hỏi sao anh ta phải tới đây. Người khách bắt gặp cái nhìn của Mận, mỉm cười. Nụ cười của anh ta thật lạc lõng ở chỗ này. Ở nhà ông Thản, người ta thương xót hỏi han nhau, có khi mừng rỡ hy vọng, nhưng không ai cười cởi mở và nhẹ tênh như thế. Cô Mận cắm cúi đi vào nhà. Ông Thản tiếp khách rất nhanh. Anh ta đi ra tay không, chẳng mang theo thuốc thang gì… Tối hôm ấy, cô Mận ra đóng cổng, giật nẩy mình thấy một bóng đen đứng im lìm cạnh hàng rào duối. Người khách ban sáng! Anh ta nhận ra Mận, lại mỉm cười. Trong bóng tối, cô Mận chỉ nhìn thấy hàm răng anh ta sáng bóng, đôi mắt lấp lánh hướng về mình.

– Anh đứng đây làm gì?

– Tôi chưa lấy được thuốc.

– Sao…?

– Ông lang từ chối không chữa.

– Cho anh à?

– Vâng, cho tôi.

Mận nhớ lại gương mặt người khách lúc sáng. Xanh xao nhưng đầy vẻ tự tin. Chẳng lẽ lại thế? Ông Thản rất ít khi từ chối bệnh nhân, trừ khi có lý do đặc biệt. “Anh chờ một chút nhé!”. Cô Mận dặn người khách rồi vội vã quay vào. Lâu lắm mới thấy cô quay lại, tay cầm một gói thuốc:

– Anh sắc lên uống. Bốn bát nước cạn lấy hai. Ngày uống hai lần.

– Tôi uống hết chỗ này rồi sao?

Cô Mận ngập ngừng một lát, bảo:

– Nếu cần nữa, anh lại đến đây. Nhưng đừng vào. Cho người nhắn, em sẽ đem thuốc ra.

Người khách im lặng, chỉ có đôi mắt lấp lánh dõi vào Mận. Cô gái bối rối cúi đầu.

Đã thành lệ, cứ tuần hai lần, cô Mận đem thuốc ra bờ sông cho người khách. Những buổi gặp mỗi lần lại dài hơn. Anh ta hay chờ Mận ở chỗ con sông uốn lẹm vào bờ một vạt cong cong. Hai người ngồi xuống bãi cõ mềm mại. Mận dứt dứt những bông chua me nở tím, đưa lên mũi ngửi dù biết nó chẳng có hương vị gì. Anh ta kể cho Mận nghe về thành phố thơm mùi hoa sữa đầu đông, về biển xanh lộng lẫy ngập nắng, về những triền núi bát ngát hoa đào… Gói thuốc để giữa hai người. Cặp lông mày của anh ta ngày càng sẫm đậm hơn trên vần trán xanh xao nhưng những câu chuyện anh kể mỗi lúc một kỳ lạ và quyến rũ hơn. Đêm, Mận thường mơ thấy anh ta. Họ dìu nhau bơi ngược dòng nước xiết. Vạt đất lở bến sông xa tít. Mờ mờ bé như mảnh lưỡi liềm. Cặp lông mày anh ta rướn lên, rướn lên, bứt khỏi vầng trán xanh xao, biến thành đôi cánh chim đen bay vút đi Mận choàng tỉnh, ngộp thở như bị sặc nước… Một buổi chiều ông Thản đi vắng, Mận dẫn người con trai vào thăm vườn. Đang tháng ba, cây cam thảo đơm hoa nặng trĩu đầu cành. Những cánh hoa hình cánh bướm nhỏ xíu, quần tụ xúm xít với nhau, hồng tươi. Xuyên bối mẫu cũng đang nở hoa. Từ kẽ lá, những bông hoa chuông vàng lục nhạt lung liêng đùa với gió. Chiều sẫm dần lại lúc nào không biết. Nắng rớt trên khóm ngải phù dung lá trắng ánh lên như tráng bạc. Mận quen tay dứt mấy cái lá hoắc hương vò vò. Không gian thoảng mùi hương dễ chịu, hơi hăng hắc của hoa và lá thuốc. Mận trỏ cho người con trai khóm dây leo:

– Cây này bố em quý nhất. Em vẫn hái nó làm thuốc cho anh. Mỗi lần cắt dây để làm thuốc, từ vết cắt nhựa nó ứa ra đỏ như máu nên gọi là “dây máu người”, tên chữ là huyết đằng.

Khóm huyết đằng đã bị đốn vợi đi nhiều lắm, chỉ còn ba bốn dây. Một chùm hoa huyết đằng màu vàng rụt rè buông xuống chạm vào mái tóc cô Mận. Người con trai thở dài:

– Thôi, em đừng chặt dây làm thuốc nữa. Anh uống thế đủ rồi, có lẽ tuần sau, anh không tới nữa đâu.

Mận nín thinh. Khóm huyết đằng ông Thản khó khăn lắm mới gây được. Nghe bảo chỉ có máu người mới làm cho nó trở nên tươi tốt, linh thiêng. Vì thế mà ông Thản đã cầy cục mua bằng được mảnh đất này, cốt để trồng huyết đằng đúng trên mộ người đàn bà xấu số Chắc chắn ông sẽ không cho Mận chặt hết cả khóm huyết đằng đi để cứu người mà ông đã từ chối không chữa bệnh. Ngay buổi đầu tiên, ông Thản đã bảo con gái: Bệnh anh ta nặng lắm. Cố cứu cũng vô ích thôi. Nhưng Mận không tin. Càng ngày cô càng lao theo một mong mỏi mãnh liệt là đem lại cuộc sống cho người con trai ấy. Cô thắp hương ở gốc huyết đằng, cầu xin người đàn bà dưới đất kia ban phép mầu nhiệm vào dây thuốc, truyền cho anh ta sự sống mà chị ta đã từ bỏ. Cô giấu cha, đêm dùng dao chặt từng dây huyết đằng, nước mắt hòa vào dòng nhựa cây ròng ròng máu đỏ. Cô sợ anh sẽ ra đi, mang theo thành phố của cô, biển xanh của cô, rừng đào của cô…, mang theo vĩnh viễn cái thế giới lung linh màu sắc và tình yêu mà anh vừa hé mở cho cô thấy. Không có anh, cô sẽ ra sao ở đây, sau hàng rào duối, giữa những bộ mặt lo âu khắc khoải vì bệnh tật, bên bụi huyết đằng hàng năm trổ hoa trên xác người đàn bà trẻ?

Mấy tuần sau, một buổi sớm ông Thản ra vườn, thấy trống quang một góc. Khóm huyết đằng đã bị chặt sát tận gốc. Nhựa cây thẫm lại quanh vết chặt, tím đỏ, đặc quánh. Cô Mận bỏ nhà đi từ hồi đêm, đem theo toàn bộ thân huyết đằng, để lại mảnh giấy tạ tội với bố.

… Người con trai nắm lấy tay Mận, nhìn bọc thuốc cô đem theo vào bệnh viện, mỉm cười. Nụ cười độ lượng làm Mận đau nhói, chợt hiểu rằng thế là hết. Cô gái quay gương mặt đẫm nước mắt về phía khác, không dám nhìn anh ta. Ngoài cửa sổ bệnh viện, một nhành xanh non nhô lên, xanh đến trớ trêu ở chốn này, lá vẫy vẫy như đùa. Trò chơi số mệnh! Sao có thể đặt cược bao nhiêu hi vọng vào một dây leo mỏng manh đến thế? Huyết đằng – thuốc bổ máu. Còn anh ta bị ung thư phổi. Cô đã biết thế ngay từ đầu. Và vẫn dùng dây huyết đằng ràng buộc anh phải đến với cô. Sao không thể cứng rắn từ chối anh từ đầu như cha cô? Sao biết là vô vọng mà vẫn chặt trụi khóm huyết đằng để tặng anh cùng với những gì quý giá nhất mà mình có?

Người con trai yên lặng nghe những lời thú nhận lộn xộn của Mận. Bọc huyết đằng xổ tung, vung vãi trên giường. Đã có lúc anh ta tin mạng sống mình nằm ở đấy. Anh ta đã dầm chân đợi Mận hàng tiếng, dồn tất cả niềm khát sống lên mỗi ánh mắt nụ cười, đoạt cho được tình yêu của con gái và cùng với nó là thuốc cải tử hoàn sinh. Bây giờ trước mắt anh ta chỉ là những xác cây đứt đoạn, xám xịt. Hình như trước đây, anh ta đã xem nó là toàn bộ mục đích của mình. Những mẩu huyết đằng khô héo thầm thì với anh ta rằng không phải thế. Người con trai nhắm mắt lại. Hiện lên trong anh ta khu vườn nhỏ đầy hoa thuốc, đôi môi người thiếu nữ khát khao dâng hiến, bóng chiều sẫm lại và những cây huyết đằng lá xanh thẫm rủ xuống quanh hai người… Lạ lùng là anh ta chưa từng có những giây phút như thế với người yêu mình. Cô ấy đẹp hơn Mận rất nhiều, hợp với anh ta hơn về mọi mặt. Vậy mà trong lúc tìm mọi cách để lấy thuốc, anh ta lại cảm nhận từ Mận một niềm rung động mãnh liệt. Chưa bao giờ cuộc sống hiện lên dưới ánh mắt anh ta đầy quyến rũ và khao khát như vào những buổi chiều ngồi kể chuyện Mận nghe. Lúc đó, cả hai không dám tin rằng huyết đằng đối với họ thực ra chẳng quan trọng gì. Lúc đó, chính anh ta không biết rằng mình đang gửi gắm ở Mận cái phần đẹp đẽ nhất để cô gái mang theo, đi tiếp trong cuộc đời này… Lặng lẽ, gần như thanh thản, anh ta tìm bàn tay Mận, đặt lên bọc thuốc:

– Em mang huyết đằng về đi. Đừng khóc nữa. Nó không phải là vô ích đâu…

… Mùa đông năm ấy buốt giá chưa từng có. Người ta thấy cô Mận giúp bố đốt nhiều rơm, lấy tro ủ quanh các gốc cây thuốc. Dáng cô nặng nề, chắc sắp đến ngày ở cữ. Mấy bà trong xóm chép miệng bảo ông Thản dại, nhà làm thuốc mà không biết phá cái thai hoang đó đi để giữ tiếng cho con gái. Có người bênh ông, cãi rằng thế mới là có đức, mạng sống quý lắm, ai nỡ vứt bỏ đi được. Ông Thản và cô Mận hình như chẳng bận tâm đến những lời bàn tán. Việc nhà vốn đã bận, lại còn phải mua sắm đủ thứ chờ đứa trẻ ra đời. Tháng Một, đầu giờ tí, cô Mận sinh con trai. Tiếng khóc chào đời oe oe vang cả căn nhà xưa nay vốn yên tĩnh. Ông Thản đốt đèn ra vườn chôn cuống nhau cho thằng bé. Chợt giật mình thấy gốc huyết đằng tưởng chết đã từ lâu lắm bật nhú lên một cái mầm xanh non…

Nguồn: https://www.dutule.com/a4233/pham-hai-anh-huyet-dang

Comments are closed.