Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 291): Bờ dâu – Nam Dao (10)

Ra khỏi thị xã, Núi Ðối lừng lững trước mặt. Huyền cố nhớ lại lối về Thủy Hưng. Trước kia, vòng bờ đê lên và đổ một cái dốc nhỏ đến con đường đất. Ði khoảng một cây số, rẽ trái là vào làng. Nhưng nay, không còn bờ đê xưa. Hợp Tác nông nghiệp có lẽ đã xóa những ranh giới tư hữu, đê thành đất ruộng canh tác và con dốc trở thành một trụ pháo phòng không thời chiến tranh. Cái còn, là trẻ trăn trâu. Chúng vắt vẻo trên lưng trâu, vẫn nón mê, chân đất. Huyền hỏi lối, cuối cùng đến một trụ canh, cửa gắn cái bảng kẻ chữ đỏ ‘‘Trình giấy tờ’’. Anh ‘‘bảo vệ’’ ngủ gà ngủ gật, bật dậy khi Huyền đằng hắng. Anh xem chứng minh nhân dân, ghi tên rồi bảo ‘‘Lên trụ sở’’. ‘‘Trụ sở nào?’’, Huyền hỏi. Anh sẵng giọng, chỉ tay ‘‘Chỉ có một trụ sở, ở quãng giữa làng. Ði đi!’’.

Huyền nén giận trước cách đối xử cửa quyền, lẳng lặng xách tay nải rảo bước. Hôm kia, Khiêm đã cho Huyền mượn cái tay nải bằng vải thô, dặn ‘‘Ðừng dùng vali, nó khác người ta!’’. Rón rén gõ cửa, và khi nghe một tiếng cộc lốc ‘‘Vào’’, Huyền lách người đến trước một cái bàn. Trên bàn, một khay nước và cái điếu cày để cạnh một cái đèn hoa kỳ. ‘‘Hỏi ai?’’, anh thường trực còn rất trẻ không ngước lên, giọng đỏng đảnh. Huyền xin gặp người trách nhiệm Ủy Ban hành chính xã. Anh ta gọn lỏn ‘‘Chờ đấy!’’ rồi biến ra sau. Phải đến gần một giờ đồng hồ sau, anh quay lại với một người trạc ngoài ba mươi tuổi, áo kaki vàng, đầu đội mũ, vai gắn cầu đỏ. Người này liếc nhìn Huyền, hỏi chứng minh nhân dân và giấy giới thiệu của cơ quan. Huyền đưa giấy, miệng nói ‘‘Tôi về thắp hương cho mẹ tôi, và tìm con tôi là thương binh Phan Thượng Dân. Vì là việc riêng, tôi không xin giấy giới thiệu của cơ quan’’. Người này à lên một tiếng, tự giới thiệu mình là Thường Vụ của Ủy Ban hành chính xã. Sau đó, Huyền phải trả lời hàng loạt những câu hỏi, như chị công tác ở cơ quan nào, vào Nam làm gì, ra đây định ở bảo lâu… Cuối cùng, khi biết Huyền cũng từng công tác trong ngành công an, anh Thường Vụ xởi lởi gọi Huyền bằng đồng chí, và lệnh cho ‘‘đồng chí’’ thường trực dẫn Huyền về nhà. Anh nghiêm trang:

– Từ ngày đồng chí Dân được lên đi học đại học ở Hà Nội, chúng tôi giữ nhà, khóa trái cửa, của đâu còn đó, nguyên vẹn cả!

Huyền vội vã:

– Có bao giờ cháu về không, thưa đồng chí?

– Không! Thấm thoát thế mà hơn ba năm rồi! Chắc là anh ấy phải phấn đấu lắm. Làng mình, tốt nghiệp đại học đếm chưa quá số ngón một bàn tay đấy! Thế là được ‘‘ưu tiên’’ lắm. Thương binh hạng ba mà!

Anh thường trực mở cửa cho Huyền. Anh chưa đi ngay, hỏi Huyền có cần giúp đỡ gì nữa không. Huyền nhẹ nhàng:

– Mộ mẹ tôi chỗ nào, anh có biết không?

Anh ta lắc đầu, hứa sẽ tìm ra cho Huyền.

Huyền vào nhà. Cả một thời thơ thiếu nhỏ ùa vào theo như giải nắng vàng bước qua thềm cửa. Huyền bỗng cảm thấy mình bé lại. Từ lúc lẫm chẫm học đi cho đến khi năm sáu tuổi, đây là nơi nàng tung tăng theo bạn đi rình những con kiến cam, bắt những con bướm trắng. Huyền úp mặt vào cây cột chính giữa nhà. Gỗ lâu ngày lên nước bóng loáng như thoa mỡ. Thuở tấm bé, nàng đã ngã, đầu đập vào cột toé máu, thất thanh gọi mẹ. Bao nhiêu năm đã trôi qua? Bao nhiêu cuộc đổi dời? Ðể hôm nay, nàng về đây, như một người lạ giữa gian nhà thờ thơ ấu. Mẹ, mẹ ơi! Huyền lại gọi, lần này không là tiếng thất thanh, nhưng nghẹn ngào trôi xuống cổ họng như một bát thuốc đắng.

Không biết bao lâu sau, Huyền nghe có tiếng chân, vội đưa tay lên lau nước mắt. Một người đàn bà cất tiếng, giọng chua chua:

– Em chào chị. Chị là chị Huyền ạ?

Huyền gật.

– Ấy, em được báo nên vội chạy đến ngay. Nhà em là Chủ tịch Ủy Ban ở đây, dặn em nhắn là mai mời chị lên trụ sở. Hôm nay, em là người đưa chị đi viếng mộ bà. Tay đưa lên, người đàn bà tiếp – đây em đã sắm sửa hương, đèn rồi…

Huyền cám ơn. Người đàn bà cười hềnh hệch:

– Em là Quyên, hiện phụ trách Phụ nữ trong xã nhà. Suỵt soạt, Quyên hạ giọng – Khi bà đi, cả làng xúm vào mai táng, nghĩa tử là nghĩa tận mà chị!

Hai người đi về cuối làng. Nắng nhạt dần trên đầu mái rạ như tóc đang ngả màu. Bãi tha ma đìu hiu trong những vạt gió chiều thoáng đến thoáng đi. Quyên lên tiếng:

– Cơ khổ, bà cao tuổi, lại chỉ một mình từ khi anh Dân đi chiến trường, thỉnh thoảng chỉ có bà Nhiều làng bên đến thăm. Tự dưng, có một ông từ Hưng Nguyên, xưng là bác của anh Dân đến rồi lăn quay ra ốm. Thế là bà phải chăm sóc cho ông ta. Hai tuần sau thì ông ta chết. Bà lại lo chôn cất. Có lẽ vì thế mà bà yếu hẳn đi… Ba tháng sau cái chết của ông bác, bà cũng về với ông bà ông vải!

Huyền chột dạ. Ông bác từ Hưng Nguyên? Hay là Nguyễn Trường Văn, em của Chính? Huyền ngập ngừng:

– Ông bác tên gì hả chị?

– Lâu em cũng quên mất. Nhưng trên Ủy Ban thì lưu hồ sơ cả.

– Chắc mộ ông ấy cũng ở đây?

– Vâng. Nhưng chôn ở rìa làng chứ không gần chỗ bà là người làng ta.

Ðến một khúc vòng, Quyên tiến lên trước, vạch cỏ bước vào. Huyền hồi hộp đi theo. Quyên trỏ:

– Mộ bà đây, chị ạ!

Đó là một gò đất cỏ dại mọc lấn ra hai bên, nếu không biết thì chịu không thể đoán ra là mộ phần. Huyền ngẩn ngơ, rồi ngồi thụp xuống. Dưới ba tấc đất này là xương cốt mẹ ư? Ðầu Huyền trống tênh. Mọi cảm giác như tê liệt. Huyền đưa tay sờ vào đất, vào cỏ, và thấy mình là một người xa lạ. Huyền ơi! Thầm gọi mình, Huyền ứa nước mắt, những giọt nước mắt thương thân của một kẻ lạc loài ngồi trước mộ phần người mang nặng đẻ đau ra mình. Quay về phía Quyên, Huyền nhỏ nhẹ nhưng cương quyết:

– Chị về trước, cho em một mình ở đây với mẹ em.

Khi Quyên khuất bóng, Huyền ngồi nhổ cỏ và vun đất lại cho ngôi mộ ngay ngắn. Lúc ấy, nàng mới òa lên khóc thành tiếng. Đánh diêm châm bó nhang, vẩy cho tắt lửa, nàng cắm vào chân mộ. Chắp tay, nàng khấn thầm, mẹ linh thiêng, xin mẹ về chứng giám đứa con bất hiếu đã bỏ mẹ đi xa, để rồi sống một cuộc đời lỡ dở. Giờ đây, chỉ còn hai cháu, một lại tù tội. Xin mẹ phù hộ cho chúng nó. Một vài năm nữa con sẽ về xây lại mộ mẹ cho đàng hoàng, mang hai cháu về cho chúng nó lạy bà… Trong im vắng, Huyền nghe đâu đây một tiếng thở dài. Ðầu nàng doãi ra như một sợi thung nhão. Văng vẳng, ai đó nói, ‘‘Xây mồ xây ở trên, dưới ba tấc đất vẫn thế, lạnh lắm…’’.

Huyền rùng mình. Ðầu bó nhang bỗng bốc lửa cháy phừng phực. Gió thốc lên cuốn tròn khiến Huyền có cảm tưởng đang bay lên, bay lên. Nàng nhắm mắt lại. Lát sau, tiếng chân sau lưng khiến Huyền quay lại. Một cậu con trai cụt một tay bước đến gần, miệng nhỏ nhẹ:

– Cháu chào cô. Cháu là Thành, bạn của Dân.

Huyền ngỡ ngàng không nhớ được Thành là con nhà ai. Kêu mệt, Huyền đứng dậy quay về nhà. Thành đi bên kể về Dân cho Huyền nghe, đến cửa thì chào rồi quay đi. Vào nhà, Huyền thấy trên chiếc bàn một ấm nước chè, một khúc sắn luộc và chiếc đèn dầu. Ðóng cửa lại, Huyền thầm nhủ, chắc là Thành mang lại. Kiệt sức, Huyền lết chân về phía chiếc chõng tre để trong một góc.

*

Người đàn ông xiêu vẹo, cánh tay trái rũ xuống, đứng nhìn Huyền chòng chọc. Ơ hay, ông là ai? Tiếng chó sủa ma tru lên. Ðêm đen như mực tầu. Gió lùa trên mái nhịp cho tiếng côn trùng văng vẳng lúc bổng lúc trầm. Người đàn ông giơ tay phải lên, ngón tay trỏ ra ngoài. Ðêm hôm, đi đâu? Huyền hỏi, ngực tức, cổ họng tắc lại khò khè. Mặt khuất trong bóng tối, người đàn ông vẫn đứng, ngón tay trỏ sáng lên. Ra ngoài ư, nhưng để làm gì lúc tối trời? Người đàn ông đến cạnh chiếc chõng tre, tay phải kéo áo Huyền. Nàng chồm dậy. Nửa tỉnh nửa mê, Huyền căng tròn mắt. Không, không có ai! Nàng nhìn đồng hồ tay. Ðã gần bốn giờ sáng. Huyền vuốt mặt, với chiếc ấm nước rót vào một cái bát. Ngụm nước chè đã lạnh trôi qua cổ. Huyền cồn cào trong bụng, cầm khúc sắn nguội lên ăn. Một lát sau, gà gáy sáng, hết con này đến con kia, tiếng ran lên vang vang khắp nơi. Huyền châm đèn rồi dựa lưng vào vách, nhớ lại giấc mơ và ngón tay trỏ người đàn ông chỉ ra cửa.

Sáng rõ, Huyền lên trụ sở Ủy Ban xã trình diện. Tiếp Huyền, có Bí Thư và Chủ Tịch ủy ban nhân dân xã. Ðồng chí Thường vụ, người phục trách công an, cũng có mặt. Lại một bài, có lẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Xã còn nghèo, nhưng thu hoạch của Hợp Tác xã từ ngày giải phóng đã vượt chỉ tiêu, ăn độn là vì phải chi viện cho những nơi sản xuất còn yếu. Rồi xã ‘‘ta’’ cần máy bơm, cần hạt giống. Sau là các loại quĩ. Quĩ để xây trường học, quĩ để ‘‘cải thiện’’ cho các cụ phụ lão, quĩ yểm trợ thương phế binh, quĩ cho gia đình liệt sĩ… Đồng chí Chủ tịch ngọt ngào:

– Ấy người xã ta từ miền Nam về thăm cũng đóng góp, tình nghĩa lắm. Chẳng hạn như cụ X, ông Y… Họ đều đi ‘‘Nam tiến’’ từ thời kháng chiến chống Pháp, về làng mang tặng…

Huyền nghe, ruột như mớ bòng bong, cố mỉm cười. Ðến lúc đồng chí Bí Thư thăm dò Huyền có ‘‘nguyện vọng’’ gì thì Huyền hỏi về ông bác Dân về làng rồi chết, xã ‘‘ta’’ lưu hồ sơ, xin cho biết là ai. Ðồng chí Bí Thư nhìn Thường Vụ. Ðồng chí Thưòng Vụ hẹn Huyền đến trưa quay lại.

Huyền ra khỏi trụ sở Ủy Ban, thấy Thành lởn vởn, xung quanh một đám thương binh. Họ hàng chục mạng trẻ măng, người què một chân thì chống nạng, người còn hai chân thì ngồi xổm. Có kẻ mất cả hai tay, áo bộ đội bạc thếch xắn lên, vắt vẻo đung đưa mỗi lần cử động. Họ nhìn Huyền, trố mắt nhưng cười thân thiện. Thành nói to:

– Chúng cháu chào cô. Tay chỉ đám thương binh, Thành tiếp – đây là đám cùng cảnh với anh Dân cả đấy cô ạ!

Huyền xót ruột, gật đầu chào. Huyền hỏi có ai cùng đơn vị với Dân không, nhưng mọi người lắc đầu. Một anh, vẻ lém miệng, thốt:

– Bên Nghi Dương có Chính Ủy tiểu đoàn là Cự, hình như cùng đơn vị với anh Dân nhà mình trong trận Quảng Trị. Nhưng nay anh Cự ở Phúc Xá trên Hà Nội, cô ạ!

Ðến cạnh Huyền, anh ta nhìn trước nhìn sau rồi thì thào:

– Có ai bảo cô đóng góp cho quĩ yểm trợ thương binh thì cô chớ. ‘‘Chúng nó’’ tém hết, bọn cháu được phát tám đồng một tháng, đói vẫn cứ đói. Cô cho gì chúng cháu, cứ cho thẳng, đừng cống hiến gì cho cái quĩ của chúng nó!

Nói xong, anh ta chống nạng đi. Ðám thương binh bước theo, ngoái cổ đồng thanh chào. Thành đứng lại. Huyền nhớ đến khúc sắn, ấm nước chè và ngọn đèn dầu, cám ơn. Hỏi về Dân, Thành kể là Dân đến cuối năm 73 thì về, cụt một chân. Ban đầu, Ủy Ban để cho Dân phụ trách sổ sách công điểm của Hợp Tác xã. Sau khi không ăn ý với Ủy Ban về chuyện chấm công, Dân bị đẩy ra, xin đi học. Là thương binh, lại Ðảng viên, Dân hưởng chế độ ưu tiên và lên Hà Nội học khoa Văn trường Tổng Hợp niên khóa đầu 75. Thành xuýt xoa:

– Anh ấy giỏi, lại phấn đấu tốt chứ cứ như cháu thì đầu đặc cán mai, chẳng học hành gì được. Năm sau, chúng cháu dưới này nghe là anh ấy lấy vợ người Yên Phong ở Ý Yên. Nhà trai, trừ cháu ra, chẳng có ai nên phải mời anh Cự đứng ra… Từ đó, không thấy Dân về làng!

Huyền mừng rỡ, vỗi vã cắt lời Thành:

– Thế vợ Dân tên là gì?

– Là Thắm, xưa cũng ở chiến trường Quảng Trị!

Lặng người đi, Huyền giấu cảm xúc, mím môi quay mặt. Thế là Dân đã lập gia đình. Và biết đâu, Huyền thầm nhủ, mình đã chẳng là bà ngoại. Niềm vui đầu tiên ập đến thật bất ngờ, như kẻ đi đường bỗng nhặt được một cái gì quí vô giá. Bỗng dưng, nàng quên hết. Nỗi ưu phiền từ ngày đặt chân về quê cha đất tổ tự nhiên biến đi, hệt như cái bong bóng xà phòng gió thổi bay lên rồi vỡ ra không tăm tích.

*

Bà chủ tịch Ủy Ban tên Quyên ở đâu le te chạy lại, ríu rít:

– Chị Huyền, em tìm chị mãi…

Nghe câu đãi bôi đó, Huyền cũng chẳng thấy khó chịu. Nàng chỉ cười. Thành chào Huyền, quay bước khi thấy Quyên. Ðợi cho Thành đi, Quyên mời:

– Chị vào nhà em uống chén nước!

Không đợi Huyền đáp, Quyên kéo đi, miệng lại léo nhéo:

– Ðừng cười chúng em nghèo nhé! Cán bộ chúng em trung với Ðảng, hiếu với Dân, cần kiệm liêm chính mà lị! So với miền Nam, đúng là rớt mồng tơi, nhưng được cái lòng thảnh thơi, chị ạ!

Câu chuyện của Quyên lải nhải xoay quanh sự thiếu thốn ‘‘có tính giai đoạn’’ ở miền Bắc. Thấy Huyền không mặn mà, Quyên hỏi thẳng:

– Em định xin chị đóng góp ít nhiều cho quĩ Phụ nữ chúng em. Không ngượng ngùng, Quyên đặt giá – cụ X… năm ngoái cho một trăm, còn ông Y, tám chục… Tiền tình tiền nghĩa đấy!

Huyền đỏ mặt. Tình nghĩa nay tính thành tiền? Ở Hà Nội, nàng ăn một bát phở ‘‘ không người lái ’’ có năm hào. Quyên đon đả:

– Tối nay mời chị sang ăn một bữa rau dưa với gia đình em!

Huyền lảng, cám ơn rồi bảo đã định sang làng bên thăm bà Nhiều.

Cắp nón, Huyền chào rồi ra khỏi nhà Quyên. Nắng lên đến đỉnh ngọn tre, nóng hầm hập. Bước vào trụ sở Ủy Ban, Huyền hỏi thường trực. Một lát sau, đồng chí Thường Vụ ra, tay ôm một chồng giấy. Ðồng chí sột soạt giở trước mặt Huyền, nửa tiếng sau thì reo lên, miệng kêu ‘‘Ðây rồi’’. Ðó là giấy khai tử. Huyền đọc, người cứng lại, tên viết rõ ràng là Phan Thượng Chính. Hít vào một hơi dài, Huyền hỏi:

– Ủy Ban ‘‘ta’’ có lưu giấy tờ không?

Ðồng chí Thường Vụ đáp:

– Có chứ! Chứng minh nhân dân của người chết đây.

Huyền cầm lấy, nhìn tấm ảnh nhỏ xíu dán ở một góc. Thôi, đúng rồi. Ảnh là ảnh Chính. Ðồng chí Thường Vụ hỏi:

– Chị nhận ra người thân chưa?

Bản năng tự vệ khiến Huyền mím môi, lắc đầu:

– Ông bác này tôi chỉ nghe nói đến, nhưng chưa gặp bao giờ!

Liếc mắt nhìn tờ giấy khai tử, Huyền đọc, … chết ngày 3 tháng 1 năm 1973. Cố giữ vẻ tự nhiên, Huyền nói:

– Bác họ xa ấy mà. Nhưng về đến đây thì cũng phải thắp cho ông ấy nén hương. Nghĩa tử là nghĩa tận!

Ra khỏi Ủy Ban, Huyền đi như chạy về nhà. Ðừng, Huyền ơi! Không được khóc. Anh ấy thế là đi mất rồi. Thảo nào chẳng tin tức gì từ ngày giải phóng. Thế mà, thế mà… đã có lúc em nghĩ oan cho anh. Là anh đã con này vợ nọ, bỏ mẹ con em. Huyền vừa đi vừa lẩm nhẩm cho đến khi nàng đẩy cửa vào nhà thì nước mắt tuôn thành một dòng lũ xoáy đến vỡ bờ, xói đến mòn đất. Cứ thế, thời gian nhập nhòa. Trời đất nhập nhòa. Cái con người Huyền tự nguyện hiến cả đời mình không còn trên thế gian này nữa rồi. Huyền bỗng thấy quãng đường trước mặt dài hun hút, đen thăm thẳm và trống vắng mông mênh.

Sửa sang nhang đèn, Huyền đi thẳng ra bãi tha ma. Mộ Chính ở tít tắp rìa làng, như Thành đã dặn dò. Nàng bới cây bới cỏ, một lúc thì thấy một gò đất nhô lên. Nỗi đau đớn khiến Huyền mụ người đi. Như cái máy, nàng nhổ cỏ, vun đất, nét mặt như bị hớp hồn. Khi cắm những cây nhang dưới chân mộ Chính, nàng cảm thấy hai mươi mấy năm chờ đợi chợt như làn khói mỏng từ chấm đỏ đầu những cây nhang bay lên. Khói loãng ra, biến đi như chưa bao giờ hiện hữu. Tất cả, hệt một cơn mơ. Lúc thức giấc, nó vẫn chập chờn đó đây, không đầu không đuôi, nhưng hầu như không còn một chút trói buộc nào vào cuộc đời. Nàng buồn bã nghĩ, thật ra, có phải hôm nay mình mới góa bụa đâu. Cái kiếp gái góa, nàng đã chọn từ đầu những năm 60 để giữ cơn mơ một ngày đoàn viên không tưởng. Và hôm nay, Huyền cắn môi đến bật máu, biết nàng vừa kết thúc cơn mơ đó bằng dăm nén nhang cắm vào vào suốt một thời tưởng như có thật.

*

Loáng thoáng nghe tiếng chân người ngoài thềm, Huyền nhìn ra, thấy Thành và một bà già. Tự mình sang làng bên báo tin Huyền về cho bà Nhiều, Thành về nhưng bà đòi theo. Bà chống gậy đi, cuối trưa mới đến. Là một người cô, họ hàng xa, thuở xưa bà hay đi lại với mẹ nên Huyền còn nhớ. Mừng mừng tủi tủi, hai cô cháu nắm tay nhau. Bà Nhiều thì thào:

– Cô gần mẹ con cho đến phút cuối. Mẹ con trối thế này, dặn cô nói lại…

Huyền nắm chặt tay bà, lắc như giục. Bà Nhiều chậm rãi:

– …rằng nếu ơn trên cho cô gặp con gặp cháu tôi, cô nói lại là cứ lên Hưng Nguyên hỏi ông Tín, sẽ biết mọi chuyện!

Huyền nhớ thuở sinh tiền, Chính kể có người em tên Văn được thụ phong linh mục, nhưng phục vụ ở giáo phận nào thì nàng không biết. Ông Tín là ai đây? Nhớ đến Chính, nàng lại xót xa, bật khóc. Bà Nhiều lẩm bẩm:

– Ðến là khổ… Cô tắm rửa cho mẹ con, khi khâm liệm không có đến một mảnh vải trắng để đắp mặt. Cháu Dân thì ở chiến trường, muốn báo cũng không biết chỗ nào mà báo. Mấy tháng sau, nó về, cụt một chân nhưng may còn sống. Cô cũng nói lại cho nó lời trối của mẹ con. Hình như nó có đi Hưng Nguyên, nhưng không nói gì với cô cả!

Bà Nhiều về, Huyền tiễn ra đến cuối làng mới chia tay. Bước một mình trên con đê gập ghềnh, Huyền ngẫm nghĩ, tự hỏi Chính xưa đã là cán bộ cao cấp, làm sao khi chết lại chôn ở một bãi tha ma như một kẻ vô thừa nhận thế này? Có điều gì khó hiểu vượt khỏi tầm suy luận. Nàng tự nhủ, bằng giá nào thì nàng cũng phải đi Hưng Nguyên. Lời mẹ trối trăn lạ lùng: tìm ông Tín thì sẽ biết hết mọi chuyện! Nhưng chuyện gì mà bí mật đến thế? Huyền xoay ngang lật dọc đủ cách, cái màn u u minh minh vẫn cứ chập chờn như thách thức trêu chọc.

Comments are closed.