Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 96): Lưu Uyên Khôi – Vượt biên giới

clip_image002Lưu Uyên Khôi tên trên khai sinh ban đầu là Lưu-Linh Lợi, sinh tháng 8-1958 tại Vũng Tàu, là bào huynh của Lưu-Linh Vũ (về sau cùng viết truyện lấy bút hiệu theo họ mẹ là Trần Vũ). Lưu Uyên Khôi theo học Lasan Taberd rồi Lasan Đức Minh, là sinh viên năm thứ 3 khoa Kế-Tài-Ngân khi vượt biển năm 1979. Đến Pháp, Lưu Uyên Khôi theo học Université Paris Nanterre môn Kinh Tế, bắt đầu viết văn năm 1982. Các tùy bút đầu tay đăng trên nguyệt san Thông Công, từ 1984 có truyện và thơ đăng trên Văn, Làng Văn, Văn Học rồi Hợp Lưu. Bút hiệu khác: Ngọc Khôi, Vũ Ngọc Khôi. Mất tháng 10-1994 vì bạo bệnh. Lúc sinh tiền Lưu Uyên Khôi rất được nhà văn Mai Thảo thương mến.

Vượt Biên Giới là truyện ngắn sau cùng in trong tập san Hợp Lưu số 17 tháng 6-1994, ghi lại kinh nghiệm của tác giả khi cùng gia đình vượt biên bị bắt giam ở Phan Thiết vào năm 1976.

Tác phẩm đã xuất bản: Lời Từ Hôn Trên Tháp, Nxb Xuân Thu 1994.

VƯỢT BIÊN GIỚI

Tối hôm trước, trong khi cả nhóm đang ngủ thì có tiếng chân xầm xập, rồi ba bóng đen tiến lại song cửa sắt. Dây xích cửa rít lên, khóa mở lách cách, cánh cửa bị đẩy mạnh bật ra tiếng kêu khô khan.

– Đi vào, đi vào. Kiếm chỗ mà nằm, cấm có lộn xộn nghe không!

Giọng nói cán bộ hằn học. Bóng đen sờ soạng bước vào. Hai bóng kia quàng lại dây xích, liếc sơ qua phòng giam tối rồi quay người, bước xa dần. Một giọng khác vang lên ở chỗ gần nhà cầu:

– Lại đây, lại đây. Tối nay chắc ông bạn không ngủ được rồi, tôi cũng thế. Lại đây chúng mình tán láo cho vui. Chỗ này gần cầu tiêu, nhưng chúng tôi giữ sạch lắm, không có mùi đâu. Cũng vượt biên à?

Bóng đen mò mẫm tiến đến:

– Không, bị nghi oan. Ờ, nằm đây tối dậy đi tiểu cũng tiện.

Người tù mới nói giọng Trung, rõ ra là dân địa phương và tuổi có lẽ phải hơn tứ tuần. Rải rác từ khắp phòng giam nhiều tiếng khác lao xao nổi lên:

– Sao lại nghi oan? Ông làm gì mà bị bắt?

– Biết ở bao lâu không? Bọn chúng tôi chờ hơn hai tuần rồi mà không nghe hỏi tới gì cả…

Người tù mới đặt cái bao tải lép kẹp xuống ở chỗ sẽ gối đầu, nhưng chưa nằm vội. Ông ta tréo hai chân lại với nhau theo thế ngồi thiền, giọng nói bình tĩnh:

– Mấy ông bị bắt chung hết à? Vượt biên, tàu bị lộ chứ gì? Ở đây lâu lâu có tàu bị bắt hoài. Phan Thiết này lộ rồi, không phải chỗ nên đi.

Phòng giam vẫn tối mờ, không nhìn rõ ai với ai. Bên cạnh người tù mới, giọng của người khi nãy đã mời mọc cất lên:

– Phải có thằng phản, tôi nói không sai đâu. Nó dẫn mình xuống bến rồi báo công an lại bắt. Dễ như trở bàn tay, chúng mình ngu thật.

Một tiếng khác phản đối:

– Tên ấy mà phản, khó tin lắm. Trước tôi có biết qua nó mà. Nó nhanh chân chạy thoát thế thôi. Cũng không phải một mình nó thoát, các ông thấy đấy, còn biết bao nhiêu người nữa. Mình đi đông như thế, lộ là chuyện thường…

Những người kia lại nhỏm đầu dậy, xôn xao:

– Thế sao ông đi làm gì? Không ở nhà cho yên chuyện…

– Không, ông nói đúng đó. Trung gian nói với tôi đi có trên năm chục, mà xuống tới bến đến gần trăm…

– Còn chủ tàu, chắc hắn tổ chức giả để gạt mình chứ không ai. Tôi sẽ khai hết…

Giọng của người nằm gần nhà cầu lại vang lên, hơi lớn, chừng như để kết thúc câu chuyện:

– Thôi các ông đi, phản hay không cũng vào đây cả lũ rồi. Nói chỉ để lần sau rút kinh nghiệm. Bây giờ ông nào ngủ được thì ngủ đi, sáng mai còn phải dậy sớm điểm danh. Còn ông bạn Phan Thiết, nằm xuống đi chứ, chỗ còn rộng chán. Trong này chỉ có nhóm chúng tôi thôi.

Giọng ông Phan Thiết từ chối:

– Không, tôi ngủ ít lắm, ngồi lâu như vầy cũng quen rồi. Tôi tán chuyện với ông tới sáng được mà.

Gian phòng trở lại yên lặng. Ai nấy đều đã ngả đầu xuống chỗ cũ. Ngoài vài tiếng thì thào rất nhỏ, chỉ có bóng đêm và hơi xi măng lạnh lẽo toát lên. Một lát sau đã nghe có tiếng ngáy.

*

Hôm sau, vào khoảng giờ ăn trưa, hầu hết bảy người trong phòng đều đã đến ngồi gần song cửa sắt, có ý ngóng ban lương thực đem cơm đến. Có người không cưỡng được, đến đứng nắm hai tay lên song sắt, mặt cũng áp chặt vào song, mắt đăm đăm nhìn ra ngoài. Riêng ông Phan Thiết vẫn bình chân như vại, trầm ngâm ngồi ở chỗ của mình. Phòng giam khá dài, toàn một màu xám xi măng, từ trần, vách đến sàn. Gọi là sàn nhưng thật ra là hai bục xi măng lớn xây cao lên, chạy từ đầu đến cuối phòng làm chỗ cho tù nhân nằm, chừa một lối đi ở giữa. Vài chiếc cửa sổ được trổ gần trần phòng, cũng gắn song sắt. Nhìn từ bên ngoài, phòng giam có hình dạng một khối đá chữ nhật dày cộm, nằm đâu mặt với một khối đá khác đầy nhóc tù nhân nam, không biết tội gì. Ở giữa hai khối đá là khoảng sân cát trắng, có độc một giếng nước. Xa xa, tù nhân có thể thấy được vài bóng dừa xanh vươn mình lên trong nắng.

Để quên sự chờ đợi, một ông trung niên gầy gầy, mặt khắc khổ nhưng miệng lúc nào cũng như đang cười hóm hỉnh, lên tiếng gợi chuyện:

– Nào, trước khi ăn có lẽ chúng ta nên tự giới thiệu một tí đi chứ. Vào đây cả hai tuần rồi mà chẳng ai biết rõ ai. Tôi trước là công chức quan thuế. Tôi đi với vợ con, đều bị bắt cả, đang nhốt ngoài kia ở phòng phụ nữ trẻ con.

Mọi người đều quay đầu lại nhìn. Ông quan thuế hướng về phía một cụ già có chòm râu bạc muối tiêu:

– Còn cụ, hình như cụ đi với cụ nhà, cả con, cháu và đều đang ở cả ngoài kia phải không?

Cụ già không nhìn lại, tiếp tục vấn điếu thuốc dở:

– Hừm… đúng đấy.

Cụ đã bảy mươi hai tuổi, nhưng ngoài chòm râu, da dẻ cụ hồng hào săn chắc, mặt mũi có vẻ còn yêu đời, đầy bản lĩnh. Một thanh niên hai mươi mấy tuổi, cũng phương phi khỏe mạnh như cụ, lên tiếng:

– Tôi là con trai cụ, vợ con tôi ở phòng ngoài kia. Trước tôi đi lính, nhưng có một năm và phục vụ tại Sài Gòn, chưa ra mặt trận lần nào…

Giọng nói và dáng vẻ của thanh niên có điều gì làm mọi người bỗng đều đoan chắc rằng đây là một anh lính kiểng. Cạnh thanh niên, một người khác khoảng ba mươi mấy, có khuôn mặt trắng trẻo đầy đặn giống Nhật Bản và bộ ria mép Nguyễn Cao Kỳ:

– Tôi là kỹ sư điện tử, đã từng du học ở Nhựt. Bà xã tôi cũng ở ngoài kia.

– Còn tôi là sinh viên Văn Khoa. Vẫn đi học cho đến ngày vượt biên. Mẹ, chị và em gái tôi giam ở đây.

Anh sinh viên vừa lên tiếng còn khá trẻ, khoảng mười chín tuổi, kính cận dày, người ốm yếu. Cạnh anh, một cậu nhỏ non choẹt chỉ khoảng mưới bốn, mười lăm, nói rụt rè:

– …Tôi là học sinh, cũng đang đi học… tôi cũng có mẹ, chị và em trai đang nhốt ngoài kia.

Ông quan thuế, người gợi chuyện, à lên một tiếng thỏa mãn:

– Thế là bọn mình cùng có thân nhân ở phòng con nít phụ nữ, cùng là người Sài Gòn và gia đình khá giả cả, nếu tôi không lầm. Thế còn ông, ông bạn Phan Thiết? Đêm qua tâm tình với nhau, tôi vẫn chưa biết tí gì về ông?

Ông Phan Thiết từ nãy vẫn ngồi dự khán, nghe hỏi đến lượt mình mới lên tiếng, chậm rãi:

– Hà… hèn chi đêm qua vô đây, chỉ nghe tiếng mấy ông, tôi đã thấy tiếng nào nghe cũng hay, cũng trí thức, nghe lạ lạ. Ở đây, tụi tôi ít có dịp gặp được người như mấy ông. Sáng ra, nhìn thấy ông nào cũng sáng sủa. Người Sài Gòn mà, hèn chi… Tội quá, bị bắt như vầy là mệt lắm…

Ông quan thuế ngắt ngang:

– Nhưng trước kia ông bạn làm gì? Sao lại bị bắt?

Ông Phan Thiết lại trầm ngâm khoảng một phút, mặt ông vẫn bất biến nhưng mọi người đều nhận thấy ông bị cưỡng ép:

– Hà… trước giải phóng tôi làm thôn trưởng, mấy ổng vô rồi, bà con lại tín nhiệm bầu tôi lên… Lúc nào tôi cũng muốn phục vụ chu tất cho làng xóm bà con, không bao giờ tôi phụ lòng bà con…

Ông quan thuế lại ngắt, có vẻ không chịu bỏ cuộc:

– Thế ông bạn đang làm việc cho chính quyền mới, sao lại còn bị bắt?

Gương mặt ông Phan Thiết càng bất biến hơn. Giọng ông trở nên lầm bầm, tiếng được tiếng mất, chìm trong cổ họng:

– Thì cũng đang làm… khi không mấy ổng… giải về… tôi đã nói… mấy ổng không tin, oan… bị oan…

Kẻng báo giờ ăn nổi lên một hồi ròn rã. Không hẹn nhau, mọi người đều đổ dồn về phía cửa, kể cả ông Phan Thiết. Một đoàn ba người từ phía nhà bếp nhanh nhẹn tiến đến. Đi giữa là người phục vụ trong ban lương thực, vai gánh hai nồi thức ăn, đi đầu và đi chót là hai cán bộ. Cửa nhà giam mở ra, hai chiếc nồi được đẩy vào, khói nóng bốc nghi ngút. Ngoài nồi cơm vàng đầy sạn, nồi kia là canh rau muống, nước xanh lờ, lớp rau thưa nổi lỏng bỏng phía trên. Những người tù chia nhau chén đũa, xới cơm và bắt đầu cắm cúi ăn. Phòng giam trở nên im vắng, chỉ có tiếng và cơm, tiếng múc, tiếng cạo nồi. Giờ ăn đã trở nên một giờ giấc quan trọng. Tất cả đều cảm thấy không phải là lúc tán gẫu.

Chẳng mấy chốc, hai chiếc nồi lớn đã sạch bóng, không còn một giọt canh, một hột cơm cháy sót lại. Tính ra mỗi người xới được hai lưng chén, cùng mấy cọng rau thưa.

Ai nấy tiu nghỉu nhìn nhau. Một số bỏ vào nhà cầu múc nước rửa tay, số khác trở về chỗ nằm. Riêng anh lính kiểng còn ngồi lại nhìn hai chiếc nồi trống một lúc, có vẻ ngạc nhiên không hiểu sao chúng cạn mau như vậy.

Cậu học trò rủ anh sinh viên đến ngồi ở một góc phòng. Anh sinh viên tháo kính, vừa lau lên vạt áo sơ mi vừa hỏi:

– Chắc cậu còn đói lắm phải không? Tuổi đang lớn, ăn uống như thế này không tốt.

– Ừ, cũng đói… Nhưng em không thèm mấy đâu. Cơm dở quá, nuốt không muốn trôi.

Cậu học trò nói thật. Gia đình cậu trước là thương gia, ăn sung mặc sướng đã quen. Nhưng cái đói vẫn làm cậu thấy người mình trống trống, nhẹ hẫng và kỳ cục làm sao. Anh sinh viên đeo kính lên mắt, cất tiếng an ủi:

– Ráng chịu đi, đừng nghĩ tới là nó qua. Nghe hình như cuối tháng sẽ được lãnh đồ tiếp tế, cậu đừng lo.

Hai người bỗng đưa cùng đưa mắt nhìn về phía ông Phan Thiết. Ông đã trở về tư thế ngồi thiền, gương mặt bất biến nhưng miệng lại nhai tóp tép món gì như đang ăn trầu.

Ở nhà giam đối diện, một số tù đã ra ngoài lao động. Họ lầm lũi đi qua mảnh sân cát trắng với những gánh phân, gánh đá. Số còn lại vẫn đông lúc nhúc, song cửa sắt đầy những cánh tay, những gương mặt bám chặt vào, không biết họ nhìn gì nhưng đôi mắt họ bất động, đầy kiên nhẫn. Tiếng cuốc, tiếng xẻng thỉnh thoảng lại vọng về cùng tiếng gà trưa gáy o o. Cái nắng Phan Thiết hừng hực đổ lửa xuống vạn vật.

Bên này nhà giam vượt biên rộng rãi, nền xi măng vẫn tỏa hơi mát lạnh và nhiều người đã bắt đầu thiu thiu ngủ.

*

– Các toa biết không, giống lan ấy hiếm lắm, không phải tay chơi lan nào cũng có đâu đấy nhé. Người ta ở trên núi xuống, quý moa lắm, biết moa sành lan mới đem đến biếu tận nhà. Moa đem treo ngay ở chỗ tốt nhất trong vườn, tức là chỗ cái hàng hiên xây hình cánh cung trông ra hồ cá, khách khứa vào nhà cứ xuýt xoa ầm cả lên. Mà nuôi cái giò lan ấy không phải dễ đâu, moa tốn biết bao nhiêu là công phu chăm chút, cứ như là nuôi trẻ…

Mắt cụ già ngời sáng, gương mặt xuất thần. Nói đến chuyện lan là trúng tủ của cụ. Giọng cụ khi hùng hồn lúc hạ thấp, thỉnh thoảng lại ngưng nghỉ vài giây như cố ý cho mọi người thấm nhuần hoặc phải nóng lòng chờ đợi. Hai tay cụ không quên ra điệu bộ, nhưng vừa phải, chỉ để đánh dấu những đoạn sâu sắc nhất. Lúc ấy sau giờ ăn chiều, bên ngoài màn đêm đã buông nhưng đèn nhà giam chưa đến giờ tắt. Mọi người quây quần lại để kể chuyện đời. Hơi nóng ban ngày đã lui đi, cái lạnh tê người của đêm tối cũng chưa đến, không khí trong phòng dịu hẳn lại cùng những ngọn gió mát phe phẩy. Ánh sáng lan tỏa từ ngọn đèn ống trắng trên cao hơi làm chói mắt, nhưng ai nấy đều cảm thấy trong mình đủ sảng khoái, nhẹ nhõm.

Câu chuyện lan của cụ già được tất cả chịu khó theo dõi. Lúc đầu thật ra có người chú ý, người không. Nhưng một thú chơi thanh nhã được kể trong khung cảnh nhà tù, vào một giờ rảnh rỗi mát mẻ bỗng nhiên tăng hẳn phần thi vị. Người có vẻ thích thú nhất là cậu học trò. Cậu đã lại ngồi gần sát cụ già, đầu ngước lên chăm chú nghe chuyện. Qua những lời kể rõ ra cụ là tay chơi lan sành sõi. Cậu thấy mình may mắn được gặp bậc trưởng thượng đầy thông thạo, đáng kính nể. Gia đình cậu trước kia vốn có lối sống Tây phương, chị em cậu đều theo học trường dòng, không biết nhiều về nếp sống cổ. Mãi đến sau này, những biến cố xảy đến làm đảo lộn mọi sự, cậu mới có nhiều suy nghĩ mới và mong muốn tìm hiểu thêm về những điều trước kia rất mù mờ. Trước mặt cậu, cụ già trở thành đại diện cho lớp người thuần túy, lớp người còn giữ được nhiều nền nếp, cá tính xưa. Cậu tự nhủ sau này còn phải hầu chuyện với cụ nhiều lần. Cậu lại nghĩ, nếu anh con trai của cụ trước kia có đi lính kiểng cũng chỉ là hiện tượng phổ biến trong các gia đình giàu có và thương con ở miền Nam. Điều ấy đến từ xã hội, từ chiến tranh, không thể làm lu mờ đi giá trị nơi con người cụ.

Giọng cụ già bỗng thưa dần. Cụ cúi xuống tìm bao giấy thuốc lá, vừa loay hoay vấn vừa tiếp tục nói, đôi khi nhầm lẫn lặp lại những điều đã kể. Biết cụ muốn tìm đường chấm dứt, ông kỹ sư lên tiếng, đề nghị kể chuyện du học Nhật Bản. Mặt ai nấy đều sáng lên, nhiều người xích lại gần hơn. Ai cũng muốn nghe biết những cảnh đẹp, những tối tân hiện đại của xứ Phù Tang như thế nào.

Cậu học trò cũng thích, nhưng hơi thất vọng. Chuyện lan của cụ già chấm dứt nhanh quá. Cậu vẫn chưa biết rõ về thuật chơi lan, muốn chơi phải cần những gì, quá trình nuôi lan từ đâu đến đâu. Tuy vậy cụ già đã kể rất tỉ mỉ về khu vườn của cụ, cả các vị trí bày chậu cây kiểng và hình nhân trên hòn non bộ cũng được mộ tả rõ ràng, có thể là hơi vô ích nữa.

Chuyện du học của ông kỹ sư, bù lại có vẻ trẻ trung, linh hoạt hơn. Với giọng nói miền Nam cởi mở, bộ râu đặc biệt nằm trên nụ cười tươi, ông có lối kể chuyện hơi dễ dãi nhưng lôi cuốn, khéo léo hướng dẫn người nghe đi từ thành phố này đến thành phố khác, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên nọ. Ngoài những điều mắt thấy tai nghe, ông lại thường xen vào những lời phẩm bình, nhận xét riêng rất ngộ nghĩnh khiến câu chuyện thêm phần hứng thú.

– Chắc mấy ông chưa nghe chuyện bò nuôi bia. Vậy mà thiệt, thành phố đó có trại gia súc chuyên môn nuôi bò bằng bia! Bò sanh ra từ nhỏ đến lớn họ chỉ cho uống bia, không uống thứ gì khác. Thành ra thịt thơm, mềm hơn bơ, mùi vị đặc biệt vô cùng. Mình vô nhà hàng, kêu bồi đem ra một miếng – phải nói rõ là bò nuôi bia – cắn một cái, thiệt là “tuyệt vời”…

Không cần ông kỹ sư nói thêm hai tiếng sau, chắc chắn những người có mặt đều cảm thấy thịt bò bia “tuyệt vời” đến chừng nào. Ai nấy trong lòng đều tự hứa ngày kia có dịp đến Nhật, nhất định phải ghé thành phố ấy “làm một miếng” mới thôi.

Thuật kể chuyện của ông quan thuế – đến phần ông này – chắc chắn không thể bì được với ông kỹ sư, nhưng ông lại có biệt tại làm người nghe có cảm tưởng phải chịu nhịn thèm. Những người tinh ý, sau vài phút ông kể, đều nhận ra điều này. Nếu cụ già và ông kỹ sư biết được bao nhiêu đều phô ra hết, còn cố ý đi vào từng chi tiết, nhấn mạnh từng chỗ gay cấn, khiến nghe xong ai nấy đều cảm thấy đã đời, thỏa mãn, thì cạnh đó ông quan thuế có vẻ keo kiệt khi kể chuyện. Chuyện của ông ngắn, câu dùng gọn gàng, không thừa không thiếu. Giọng ông nói đều đều, hơi lạnh lẽo, tưởng như ông không chú ý cả những gì mình đang kể, nhưng chiếc miệng lúc nào cũng cười hóm hỉnh và đôi mắt lâu lâu lại ánh lên vẻ tinh quái khiến câu chuyện trở nên nhiều ý nhị. Ông kể lại ba mẩu chuyện – chuyện nào cũng có ý nghĩa – trong cuộc đời soát thuế của ông.

– …Hắn bảo mình cầm, nhưng mình nhất định không cầm. Ai lại làm thế. Tuy mình có thể nói với các ông là ở chỗ mình ngồi, chuyện ấy dễ dàng lắm. Lúc kiểm soát xong, giấy tờ đâu vào đó mới biết thật ra không có gian lận gì cả, chỉ là một nhầm lẫn. Sau mình có gặp lại hắn, hỏi sao không gian lận mà lại đưa ra làm gì. Hắn bảo vì sợ quá, với lại thấy ai cũng hay đưa nên cũng đưa cho nó yên chuyện. Lần ấy thế là may, nếu mình cầm, có phải hại mình và hại cả hắn không. Không nói chuyện phạm luật, nhưng cái hại tinh thần, đối với lương tâm của cả hai bên…

Chuyện ông quan thuế ý nghĩa như thế mà ông không chịu kể tiếp, ông chấm dứt ở mẩu chuyện thứ ba. Các mẩu chuyện của ông giống như những trích đoạn từ pho tài liệu dày cộm nằm trong đầu ông, bao gồm nhiều điều lý thú, chuyện “hậu trường” ít khi được tiết lộ, ai cũng thích nghe, nhưng ông không buồn ban bố, chỉ thỉnh thoảng vui miệng mở ra đọc vài dòng.

Điều này làm cậu học trò tự nhiên thấy có cảm tình và thêm phục ông. Thật ra sự quý mến của cậu đối với ông quan thuế đã nảy nở từ lúc đầu, hôm ông bị trói quặt tay ra sau lưng chở về trại. Hôm đó là ngày đầu bị bắt, đoàn người vượt biên, cả đàn ông đàn bà và trẻ em, đã bị dẫn về từ sáng sớm và lùa vào căn phòng đợi rộng nằm gần cổng trại, ai nấy tuy sợ hãi, buồn bã nhưng không đến nỗi bị cùm trói gì. Trước đó nhiều người đã chạy thoát, và một số đàn ông tuy kẹt lại nhưng không ra nạp mình, còn ẩn nấp đâu đó trong các bờ bụi của khu rừng đước ven biển. Đến tối, số đàn ông này mới bị công an địa phương phát giác, trói tay bỏ lên xe cam nhông chở về trại. Ông quan thuế là người đầu tiên bị chở về. Hình ảnh ấy còn in đậm trong đầu óc mọi người. Đầu ông tuy cúi gục xuống, nhưng hai cánh tay trói quặt ra phía sau và dáng đứng chênh vênh trên chiếc cam nhông không mui có vẻ gì vừa cô độc, vừa ngạo nghễ khiến mọi người đều nhìn ông thương xót. Sau đó cũng chỉ có mình ông được bỏ vào nhốt chung trong phòng giam vượt biên đàn ông này, những người bị trói dẫn về sau ông đều mất tin tức, không biết giam ở đâu.

Câu chuyện của ông quan thuế chấm dứt, không thấy ai nhắc nhở gì đến anh lính kiểng, anh sinh viên và cậu học trò. Có lẽ mọi người đều nghĩ rằng ba người tuổi trẻ này không có chuyện gì đáng để kể. Chính ba người này cũng có vẻ chỉ muốn dự khán, sẵn sàng nghe, ham nghe, nhưng không hề có ý định lên làm diễn giả.

Ông quan thuế xoay người về hướng nhà cầu, nơi ông Phan Thiết vẫn ngồi nhai tóp tép – tuy không ai nhìn thấy bình vôi, lá trầu của ông bao giờ:

– Ông bạn này, ông có biết căn bên kia họ giam những ai không? Ông ở tỉnh này, chắc rành hơn chúng tôi. Làm sao họ đông thế, lại phải lao động đủ thứ cực nhọc trong khi chúng mình thì cứ ăn no lại nằm, chả thấy ai nhắc nhở gì, nhà giam lại rộng rãi thoáng khí mới lạ chứ?

Ông Phan Thiết ngừng nhai, đưa tay vào miệng lôi miếng gì ra, ở xa không ai nhìn rõ nhưng có vẻ như một miếng bã trầu:

– Hà, ở bên đó đủ thứ tù, ăn cắp, ăn trộm, chính trị, phản động, vượt biên… Họ ở bên đó tức là kêu án rồi, án lao động khổ sai chứ đâu. Còn căn tụi mình là phòng tạm giam, ai mới bắt cũng bỏ vô đây hết, chờ xét. Có án xong mới phân đi mấy chỗ khác, chừng đó là lao động à nghe…

– Thế tạm giam thường bao lâu, ông bạn có biết không? Chúng tôi chờ cũng dài cả người rồi đây.

– Hè, cái đó không biết chừng. Mau là hai tháng, nhiều khi lâu hơn. Mấy ông mới vô, chưa có nhằm nhò gì. Bây giờ cứ ăn với ngủ, chờ chừng nào họ kêu thì kêu.

– Thế à? Thế mà chúng tôi cứ tưởng như thế này là tù rồi, chắc sắp thả đến nơi. Chúng tôi chỉ là có ý muốn đi ngoại quốc không giấy phép, chứ không có trộm cắp, giết chóc ai…

– Ờ, nhiều khi tạm giam rồi tự dưng kêu ra thả luôn cũng có. Nhưng mà cái đó tùy người, tùy trường hợp. Có người nằm đây sáu bảy tháng rồi mới kêu lên lãnh án, thời gian tạm giam không đáng kể. Bây giờ ráng mà chờ, chớ tôi không biết.

– Chà, nghe ông bạn nói mà lạnh cả người. Chờ thế này thôi chứ còn chờ đến bao giờ? Lại chả có quần áo, đồ đạc gì mới khổ chứ.

– Mấy ông người Sài Gòn, không biết gì, họ làm dữ tịch thu hết đồ đoàn. Chớ như tôi bị kêu một cái là tôi chuẩn bị khăn mặt, xà bông, thuốc đánh răng, bởi vô đây là ngồi chờ dài dài…

Ông Phan thiết nhìn xuống phía dưới bụng, kết thúc:

– Hà, tôi phải vô nhà cầu rửa cái bộ đồ lòng một chút. Mấy ngày rồi họ không mở cửa cho ra giếng tắm, hôi thúi quá…

Ông lôi từ chiếc bao tải ra tấm khăn mặt trắng, nhảy xuống sàn đi về phía nhà cầu. Cậu học trò hơi nhăn mũi trước câu nói của ông. Cậu nghĩ mức độ “hôi thúi” của ông chưa đến nỗi ai cũng ngửi thấy, và thật ra chỉ có mình ông biết, muốn rửa thì cứ đi rửa chứ không cần khai ra như vậy.

Những người còn lại ngơ ngẩn nhìn nhau. Cụ già dừng tay vấn thuốc, lên tiếng phê bình:

– Hỏng, thế này thì hỏng. Không có gì là “fierté nationale” nữa cả. Muốn đi ngoại quốc mà cũng không cấp “autorisation”, lại vào tù vào tội. Lũ trẻ này mai sau lớn lên – cụ chỉ tay về hướng ba người trẻ – còn biết cái gì là “fierté”, là “amour-propre” nữa? Hỏng, hỏng hết!

Cậu học trò ngố mắt, ngẩn ngơ trước cách phát âm tiếng Pháp của cụ. Thật là một bậc kim cổ vẹn toàn. Những người khác không chú ý lắm, bắt đầu về chỗ nằm của mình. Cụ già rít một hơi thuốc:

– Này, có ai biết “ngâm Kiều” là như thế nào không? Chúng mình nói chuyện Kiều thú đấy. Ngâm Kiều khác với ngâm thơ, nó lạ lùng, đặc biệt lắm. Để moa phân tích cho mà nghe…

Không ai trả lời cụ, cái vòng tròn kể chuyện lúc đầu thưa dần rồi trống hẳn, người nào cũng có vẻ buồn bã trước những tiết lộ vừa rồi của ông Phan Thiết. Chỉ còn cậu học trò bên cạnh cụ, cậu hăm hở:

– Biết, cháu biết, để cháu ngâm cụ nghe có đúng không:

“Đầu lòng hai ả… tố nga

Thúy Kiều là chị… em là… Thúy Vân”

Cụ già cười tươi:

– Giỏi thế à! Bé thế này mà biết ngâm Kiều là giỏi đấy!

– Cháu có xem phim Kim Vân Kiều, không có người đóng nhưng có những bức tranh vẽ lại cốt truyện đẹp lắm. Bích Thuận ngâm thơ. Không biết cụ đã xem chưa? Cháu bắt chước ngâm cho đúng giọng, còn hai lối khác nhau thế nào thì cháu chưa biết rõ. Cụ phân tích đi cụ.

Cụ già không trả lời, thản nhiên ngồi vấn thuốc. Rõ ràng là cụ không còn thấy sự có mặt của cậu học trò. Cụ không muốn kể gì nữa vì mọi người đã lảng ra hết, cậu học trò thì không là đối tượng của cụ.

Cậu này thất vọng, ngồi đợi thêm một chút rồi trở về chỗ của mình. Cậu bỗng nghĩ tới tờ khai lý lịch, lý do, hoàn cảnh vượt biên v.v… mà cán bộ vừa phát sáng nay. Có lẽ cậu phải viết ngay cho xong. Lần này là lần thứ hai mọi người nhận được, tờ khai giống hệt tờ trước, không khác một câu hỏi, tuy tất cả đã từng long trọng “công nhận khai đúng sự thật” và ký tên bên dưới.

Cậu học trò lôi tờ giấy còn trắng ra để trước mặt, cầm cây bút một cách chán nản. Cậu không có gì để sửa chữa, cậu đã khai những gì mình biết về chuyến đi qua những lời của mẹ, mà mẹ cậu cũng chỉ qua trung gian, ngoài ra cậu còn biết gì hơn. Cậu nghĩ tới mẹ, chị và em trai ngoài kia, lòng buồn bã. Trưa nay, một số phụ nữ ở phòng giam ngoài được phép vào phòng đàn ông thăm thân nhân, vào từng người một và chỉ được phép nói chuyện qua song sắt.

Chị cậu và chị anh sinh viên đại diện gia đình vào thăm em. Cậu nhớ lúc chị cậu băng qua mảnh sân cát trắng, bộ quần áo bà ba đen mặc từ hôm vượt biên uyển chuyển theo bước đi, bọn đàn ông bên căn kia đã đổ dồn ra, tay bám song sắt, miệng huýt sáo, la ó vang lừng. Chị cậu không giấu được nụ cười nhẹ đầy hãnh diện. Chính cậu cũng ngạc nhiên nhìn chị. Trước kia chị cậu chỉ thích áo đầm, sau nữa là quần tây, bắt buộc lắm chị mới chịu đụng tới chiếc áo dài, còn áo bà ba thì không bao giờ tưởng tượng nổi. Vậy mà hôm nay cậu thấy chị đẹp mặn mà, nổi bật trong lớp áo dân quê, một vẻ đẹp rất khác lạ cậu không thể cắt nghĩa, mà những ngày đầu bị bắt vì sợ hãi, vì lo buồn, cậu đã không để ý đến.

Hai chị em cậu không nói gì nhiều với nhau, chỉ nhìn nhau cười cười. Cả hai cùng chưa nhận định nghiêm chỉnh được tình trạng ở tù này, có điều gì giống như những trò chơi tưởng tượng lúc cả hai còn con nít. Đến chị anh sinh viên, tiếng la ó đã bớt hẳn. Cô này không xấu nhưng không đẹp, lại nhỏ con, gầy ốm giống em.

Đứng bên ngoài song sắt nhìn em, vừa nói được mấy tiếng “Em có khỏe…” nước mắt cô đã đọng trên mi. Anh sinh viên nói lớn:

– Khỏe, khỏe như voi, không có gì đáng lo cả.

Cô chị cầm tay em, ngập ngừng như muốn nói điều gì nhưng nỗi xúc động làm cô nghẹn lời. Anh sinh viên rút tay ra:

– Chị về đi. Khóc lóc cái gì. Muốn lo thì ra ngoài lo cho mẹ với em gái. Phần tôi không có gì đáng nói.

Cô chị nhìn em, bờ nước trên mắt đầy hơn, miệng lắp bắp “Em… em…”. Anh sinh viên quát lên:

– Đi về! Tôi đã bảo chị đi về còn đứng đó! Khóc cái gì mà khóc, thối chưa?

Cô gái vụt quay lưng lại bước thẳng ra sân, đôi vai giật mạnh rồi tiếp tục run lên từng hồi qua suốt mảnh sân cát. Anh sinh viên quay vào ngồi thừ người ở vách tường, thật lâu anh không nói gì cả, qua cặp kính trắng đôi mắt anh vẫn bất động nhưng gương mặt có vẻ gì dữ dội mà cậu học trò chưa bao giờ nhìn thấy.

Đặt bút xuống tờ khai, cậu học trò bắt đầu hí hoáy viết lại những điều đã viết như trả một bài thuộc lòng. Bản khai quá chi tiết, quá nhiều câu hỏi, khi cậu viết xong, những tờ giấy trắng đã đầy nghẹt chi chít những chữ. Cậu bỏ bút, ngửng lên nhìn quanh. Chung quanh cậu, nhiều người cũng đang ngồi, nằm cắm cúi viết. Có người cầm bút ngồi thẩn thờ, như đang suy nghĩ cân nhắc lung lắm những dòng chữ quyết định.

Có lẽ cũng như cậu, tất cả đều lóe lên tia hy vọng mơ hồ – nhờ bản khai đang viết – sẽ được cứu xét một cách đặc biệt theo trường hợp riêng tư.

*

Tình trạng trong phòng tạm giam ngày một tệ hơn. Vấn đề trước mặt mọi người phải đối đầu là nước. Không thấy cán bộ đến mở cửa cho ra giếng tắm đồng thời xách nước đổ đầy cái lu sành đặt trong cầu tiêu như thường lệ. Từ lúc cái lu cạn, cầu tiêu bắt đầu xông mùi xú uế. Mỗi lần đi cầu, ai nấy bịt mũi nhăn mặt chỉ mong “làm phận sự” mau chóng rồi đi ra. Lúc lỗ cầu tiêu đã đầy, người đi cầu bắt buộc phải phóng uế trên rìa lỗ, trên chỗ dành để đặt chân, rồi dần dần lan rộng ra ngoài đến nỗi nhìn vào cầu tiêu chỉ thấy những núi phân lổn ngổn đặc kín khắp nơi. Đa số tù quyết định nhịn, thà táo bón hơn là phải bước vào cái nhà cầu ấy, trừ phi phải đi tiểu. Riêng cụ già không đầu hàng dễ dàng như vậy. Cụ có cái xô riêng, đặt ngay bên cạnh chỗ nằm. Cụ thản nhiên leo lên ngồi chễm chệ, phóng uế xong lấy khăn đậy lại, chờ cái xô đầy ngập mới xách đến mở cửa nhà cầu trút cái “rột” vào trong. Chỗ nằm của cụ xông mùi khó ngửi, ai nấy tránh dạt ra, nếu có người lên tiếng phê bình là cụ nạt ngay. Nghĩ cụ lớn tuổi trái chứng trở trời, không ai nói gì nữa.

Ngoài nước, vấn đề thứ hai là đói. Dường như những nhiệt lượng chứa sẵn trong mình lúc đầu đã cạn dần. Mỗi ngày qua, mọi người cảm thấy bụng đói hơn. Giờ ăn, ai nấy bắt đầu nhìn chừng nhau, sợ có người ăn lấn mất phần mình.

Tình trạng đang khó thở như vậy thì một hôm, có thêm hai chú Tàu lái buôn bị tống giam, một chú ốm, một mập. Sự có mặt của hai chú khiến phòng giam có không khí cởi mở hơn đôi chút. Hai chú hay cười, thích nói giỡn, nhất là chú Tàu mập mặt cứ tươi như hoa. Chú tuyên bố:

– Chúng tôi ở Chợ Lớn, chở hàng trên tàu buôn li ngang qua lây bị mấy ổng bắt, mấy ổng lói vượt piên, tịch thu hết hàng hóa, mà lâu có vượt piên hồi lào, lói mấy mấy ổng cũng không tin…

Chú gọi chú ốm bằng tên “Tắc”. Chú này sừng sộ, giận dỗi. Hỏi ra mới biết, chú ốm tên Thông, bây giờ bị bắt vô đây không phải “thông” mà phải gọi là “tắc”.

Cho đến một hôm, giờ ăn trưa đặc biệt có món canh bí xanh nấu với tôm khô – dù bí và tôm khô chỉ lỏng bỏng, thưa thớt – thì có biến chuyển lớn xảy ra.

Hai chiếc nồi vừa được đặt vào chỗ như thường lệ, chưa ai kịp động tĩnh, anh lính kiểng đã xông ngay lại, trên tay thủ sẵn hai chiếc lon guigoz. Anh xới vục cơm vào đầy một chiếc. Cụ già hét lớn thất thanh:

– Này, này, không có đứa nào được chạm đến phần tao đấy nhé!

Cụ quơ ngay chiếc ca nhựa, lao vào chiến trường. Anh lính kiểng câm điếc, vục chiếc lon kia vào nồi canh, chỗ có nhiều tôm nhất. Xong anh lại lấy chén mình, xới vun cơm cao lên như núi. Cụ bố anh cũng xới cơm, múc canh nhanh như cắt, vun đầy ca đầy chén, mặt hầm hầm đầy sát khí.

Hai người nữa xông vào là ông kỹ sư và ông Phan Thiết. Tay họ hoạt động lia lịa trên hai chiếc nồi. Ông quan thuế la lên:

– Làm thế không được! Các ông làm thế không được.

Không ai nghe ông. Ông ngần ngừ rồi cũng chạy lại, hốt mau thức ăn vào chén mình.

Diễn biến quá nhanh, những người còn lại chỉ biết đứng nhìn bât động. Chú Tàu mập kêu lên nho nhỏ:

– Cái gì mà giành. Chời ơi…

Cậu học trò quay đầu, nhận ra anh sinh viên và hai chú Tàu đang đứng cạnh mình. Họ nhìn nhau ngán ngẫm, không biết nói gì.

Tính ra bữa ăn hôm đó, những người không chịu “lăn vào bếp” chỉ ăn được chưa tới nửa chén cơm cùng ít nước canh thừa lại dưới đáy. Dĩ nhiên là không có con tôm, khoanh bí nào. Tan bữa ăn, các chiến sĩ có vẻ no nê, thỏa mãn, trở về chỗ của mình, mặt lạnh như tiền, không ai nhìn ai.

Cậu học trò, anh sinh viên cùng hai chú Tàu tụ nhau vào to nhỏ trong một góc phòng. Biến cố vừa qua đẩy họ lại gần nhau hơn. Ông quan thuế cũng mon men lại gần họ. Ông có vẻ ngượng, cất tiếng phân trần:

– Nào tôi có muốn tranh với họ làm gì. Nhưng mà chúng nó làm thế không được, không được!

Mặt chú Tàu mập méo xẹo:

– Mình ăn lược có pi nhiêu, pây giờ lói muốn chết.

Chú Tàu ốm lắc lắc đầu. Phòng giam hẳn nhiên đã chia làm hai phe. Một phe “tốt”, một phe “xấu”. Ông quan thuế thì lắc lư, đu dây ở giữa, chưa biết cư xử thế nào.

Đến bữa cơm chiều, phe “tốt” cũng phải nhào ngay lại hai nồi thức ăn, tuy không xới đủ khẩu phần mình trước các tay nhà nghề kia, nhưng cũng được thêm một chút.

Không biết cách nào, vụ tranh giành bị tiết lộ ra ngoài. Tối hôm đó một cán bộ có vẻ cao cấp, môi thâm, đeo kính đen, đến viếng phòng giam. Cán bộ ấy không vào, nhưng đứng ngoài song sắt quan sát mọi người, chiếc môi thâm nhếch lên cười ý nghĩa:

– Các anh Sài Gòn, kỹ sư, quan thuế, sinh viên… Toàn là trí thức! Các anh ở đây ăn uống khổ quá phải không? Hồi trước sướng quen rồi, bây giờ chắc chửi rủa chúng tôi dữ lắm phải không? Nói đi chứ. Sao không anh nào mở miệng hết vậy?

Đám tù vẫn im lặng. Cán bộ nhếch môi cười thêm lần nữa rồi bỏ đi. Nụ cười nhiều ý nghĩa ấy hình như chạm đến tự ái mọi người. Ngay sau đó, ông quan thuế triệu tập một buổi họp, đề nghị cách thức chia chác đồng đều trong giờ ăn do ông làm trọng tài. Cách thức này được bàn đi bàn lại, sửa chữa nhiều lần trước khi được tất cả phê chuẩn.

Những ngày sau đó, giờ ăn đỡ căng thẳng, nhưng cái nhìn giữa mọi người với nhau thì vẫn lạnh như nước đá.

*

Cậu học trò nhìn những chiếc bánh ngọt, viên kẹo, cục đường, đùi gà quay béo ngậy bày ra nhan nhản trước mặt mọi người mà thấy tủi thân. Tất cả đã được tiếp tế, trừ cậu. Cả gia đình cậu bị giam, ở Sài Gòn chỉ còn ít họ hàng, có lẽ họ chưa hay tin hoặc có khi không buồn tiếp tế cũng nên. Hơn lúc nào, cậu thấy đói. Cơm canh tù khó nuốt, cậu không thèm đã đành, nhưng những món ngon lành quen thuộc kia thì không cầm lòng được. Chúng đại diện cho cả một thời vàng son, no ấm mà cậu đã biết. Chúng là thế giới của cậu. Này là coca, thịt hộp, kia là bò khô, chanh muối. Cậu nghĩ tới cái vị mặn mặn, ngọt ngọt, thấm tới tận cuống họng của chanh muối mà nuốt nước bọt. Cậu cắn răng không xin xỏ ai, chỉ ngồi dựa lưng vào tường, ráng nghĩ tới chuyện khác.

Những người kia thì co vẻ tươi tỉnh hẳn. Không khí trong phòng giam vui như ngày hội. Nhiều người lại đến ngồi gần nhau kể chuyện đời. Nhiều tia hy vọng lóe lên.

– Tôi tin chúng nó thả mình ra tới nơi rồi. Giam ở đây cả tháng trời rồi chứ ít gì – ông quan thuế vừa múc thìa chè từ chiếc lọ chè đậu xanh to tướng của ông, vừa nói. Tôi tuy làm ở quan thuế cho chính quyền cũ, nhưng nghỉ đã hơn một năm rồi mới đến ngày giải phóng. Với lại mình cũng chỉ biết sổ sách, tính toán, có cầm súng giết ai bao giờ mà sợ.

– Còn tôi là kỹ sư, thành phần trí thức nhưng chắc không sao. Mình học ở Nhựt chứ có ở Mỹ đâu, tôi tin mấy ổng sắp thả tôi bây giờ.

– Còn tôi hè, họ nghi oan ức vậy thôi – Ông Phan Thiết lột chiếc bánh ú, miếng bã trầu đã biến mất từ hôm ông nhận đồ tiếp tế – Tôi cứ gì cũng ra sớm hơn mấy ông.

– Không… – Ông quan thuế phản đối – ra sớm nhất ở đây là cụ. Bảy mươi hai tuổi đầu còn giam giữ người ta. Sức nào chịu được, tôi đoán không lầm chỉ vài hôm nữa là họ kêu tên cụ ra thôi.

Cụ già gật gù, ly rượu bổ trên tay:

– Hừm… đúng đấy.

Hai chú Tàu không có ai tiếp tế nhưng vẫn tươi tỉnh. Chú mập nói:

– Chúng toi li puôn thiệt. Cho mấy ổng xét hoài không thấy gì rồi cũng thả ra. Nhốt tụi toi ở đây tốn cơm chứ làm gì.

– Nhứt là ló – chú Tàu ốm châm chích – mập như cái pao gạo nhốt ở lây là lỗ vốn!

Ông quan thuế bỗng chỉ tay về phía ba người trẻ, lắc lắc đầu:

– Còn mấy cậu, tôi không biết sao đấy nhé. Thanh thiếu niên là họ chú ý lắm. Họ đã cho đi học để đào tạo ra phục vụ, lại còn đi trốn thế là hỏng. Họ không có muốn để thất thoát những người trẻ ra ngoại quốc đâu. Các cậu có khi giam lâu lắm, không biết chừng nào mới ra…

Cậu học trò theo dõi câu chuyện, đã nguôi ngoai được, câu nói của ông quan thuế lại khiến cậu tủi thân, sợ hãi. Một bàn tay bỗng đặt lên vai cậu, anh sinh viên đã đến ngồi bên từ lúc nào:

– Cậu không có ai tiếp tế à?

Cậu học trò lắc đầu:

– Em sợ quá, bị tù luôn chắc chết. Còn anh, anh thấy sao?

– Tôi cũng không biết, không nói chắc với cậu được. Mình cứ chờ, cứ hy vọng thế thôi. Đừng sợ quá, không có ích gì.

Anh sinh viên bỗng bẻ chiếc bánh mì ngọt dồn thịt mập chắc ra làm hai, đưa cho cậu học trò:

– Ăn đi, ăn chung với tôi cho vui. Tôi ăn ít lắm.

Cậu học trò gần như dảy nãy:

– Không, em không ăn đâu. Không đói đâu.

– Cầm lấy đi, đừng ngại ngùng gì cả. Giữa tôi với cậu, ở trong này, còn phép tắc gì nữa.

Mùi thơm của thịt luộc rắc xì dầu, tương ớt xông lên tận mũi cậu học trò. Những miếng thịt dày, kẹp chung với đồ chua, dưa chuột và ớt đỏ thái mỏng hiện lên no nê trong mắt cậu. Anh sinh viên như một cứu tinh, một tấm lòng hiếm có. Cậu rưng rưng cầm lấy.

– Ừ, ăn đi. Những đồ khác của tôi mình cũng sẽ chia hai. Một mình tôi không cần nhiều như vậy đâu.

Khúc bánh mì ngon ngọt lạ thường. Cậu học trò nhai nhồm nhoàm, cảm thấy vừa học thêm một điều gì đó trong cuộc sống.

*

Lương thực tiếp tế rồi cũng cạn dần. Mọi người bắt đầu ăn nhín lại. Không khí trong phòng bớt vui hơn nhưng cửa nhà giam đã được mở ra mỗi ngày cho ra giếng tắm, và hy vọng được thả càng lúc càng lớn.

Một buổi trưa trời đẹp, nắng bên ngoài vàng ửng, gió gờn gợn thổi như thời tiết một ngày xuân, anh sinh viên bỗng hỏi cậu học trò:

– Này, cậu có biết bài hát “Anh Sẽ Về” không? Hay lắm, muốn tôi sẽ hát cho nghe.

– Ừ, anh hát đi, em chưa biết.

Anh sinh viên cất giọng, tiếng rắn rỏi như giọng nói, rõ ra một người không xa lạ với âm nhạc:

Anh sẽ về, em ơi, anh sẽ về. Về nơi ngôi nhà, vách đất với hàng hoa thơm. Nơi con đê già, nơi cây cầu tre. Nơi con đường đất, dấu chân trâu bò… Anh sẽ về, em ơi anh sẽ về. Về trên sông rộng ôm hết cánh đồng xanh lam. Hôn em, hôn mẹ, hôn bao người thân. Sẽ nói, sẽ cười, sẽ vui nhiều hơn…

Bài hát hay hơn cậu học trò tưởng. Cậu ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe. Chữ dùng và nhạc điệu quá đẹp, những hình ảnh đồng quê trong bài tuy xa lạ với cậu, nhưng lại mở cho cậu một cánh cửa mới về những điều cậu ít khi được tiếp xúc.

– Trời ơi, hay quá! Anh học bài này ở đâu vậy?

Anh sinh viên mở lớn mắt sau cặp kính cận:

– Chưa bao giờ nghe à? Bài này quen thế mà. Trước tôi hay đi sinh hoạt với các thanh niên, sinh viên, vẫn hát luôn.

– Ủa, sinh hoạt gì vậy anh?

– Đủ mọi vấn đề. Tuần nào cũng đi, có khi hội thảo về xã hội, về hiện tình đất nước, có khi chỉ đàn hát. Cậu không bao giờ sinh hoạt như thế à?

– Không… – Cậu học trò đáp, hơi ngượng.

– Cậu có muốn, tôi sẽ tập cho hát. Dễ thuộc lắm.

– Ừ, tập em hát đi.

Anh sinh viên bắt đầu lại từ câu đầu. Mỗi câu anh lặp đi lặp lại cho cậu nhỏ thuộc lòng, cả điệu, cả nhịp. Cậu học trò hát theo rất nhanh, nhưng thói quen của cậu mỗi khi hát là sửa giọng cho có vẻ như đang hát một bài nhạc trẻ ngoại quốc, loại nhạc tủ của cậu. Anh sinh viên gắt:

– Cậu cứ hát tự nhiên, sửa giọng kỳ quá. Bài này không có gì là ngoại quốc cả. Hát tự nhiên bao giờ cũng hay hơn.

Cậu học trò ngượng, hát lại bình thường. Hai anh em hăng hái tập, giọng hát vang vang một góc phòng. Hai chú Tàu tò mò nghe một lúc, rồi rủ nhau tiến lại:

– Dạy cho chúng toi với. Pài lày hay ló. Anh sẽ về! Hát ở lây thiệt là lúng.

– Ờ, dạy chúng toi li. Hát hoài không chừng lược về sớm à.

Anh sinh viên vui vẻ chịu ngay. Bài hát anh đề nghị vậy là được hưởng ứng lớn. Nhưng chú Tàu mập không có khiếu âm nhạc, hát cứ trật nhịp mãi, phải tập đi tập lại đến mấy tiếng đồng hồ. Giọng chú lại lớn nhất, lơ lớ, khiến bài hát trở thành hơi khôi hài. Cậu nhỏ đã thuộc, chỉ hát theo cho có. Cậu nhìn ra sân, thấy cuộc đời trước mắt thật đẹp. Cậu nghĩ tới căn nhà ở Sài Gòn, chỉ mong chóng được trở về sống lại những ngày rực rỡ cũ. Cậu sẽ lại đi học, đi ciné, đi nhảy đầm với bạn bè. Mai mốt có đi ngoại quốc được không, cậu không cần biết. Cuộc sống ở Sài Gòn tuy khó khăn hơn thời trước, nhưng chắc chắn không đến nỗi khổ như ở đây. Cậu chỉ mong bước chân ra khỏi nhà tù này thôi. Cậu dõi mắt ra xa. Những bóng dừa vươn cao xanh thẳm trong nắng, và màu cát trắng mịn trên sân đẹp không thua gì những bãi biển nghỉ hè của cậu.

Lưa em vào gió, khẽ chao cành hoa. Ra sau vườn nhò, tròng lại cho em cây hoàng lan, hương lậm thêm

– Hương đậm thêm. Chú hát nghe không được. Đậm thêm chứ không phải lậm thêm. Hát vậy là hỏng…

– Thì lậm thêm. Anh hát lậm thêm, toi cũng hát lậm thêm chớ gì lữa?

– Đậm thêm, lậm thêm là nghĩa khác.

– Thì lúng dzồi, anh lói lậm, toi hát lậm, anh pắt toi hát sao pây giờ?

– Thôi, thôi, được rồi. Nào hát lại…

Giọng chú Tàu mập lại ồ ồ cất lên. Những người trong phòng có vẻ thông cảm, không nói gì. Ông kỹ sư và anh lính kiểng ngồi riêng một chỗ chuyện trò tương đắc. Chỉ có cụ già gắt lên nho nhỏ:

– Vào đây còn hát với hỏng!

Anh sẽ về, em ơi, anh sẽ về. Dù đêm không cùng hay mất hết người thân yêu. Cho em không còn, cho chim về xa. Sẽ gắng quay về, chết nơi ra đời…

Buổi tập hát kết thúc tốt đẹp. Chú Tàu mập đã hát trôi như cháo, đúng từng nhịp một. Nhưng tối hôm ấy lại có chuyện xảy ra khiến sự vui vẻ giữa mọi người trong phòng bị cắt đứt.

Lúc đó, ông kỹ sư đang ngồi giở lại bao lương thực tiếp tế ra, tìm hộp ruốc thịt heo để nhấm nháp. Ông vừa mở hộp ăn miếng đầu, anh lính kiểng đã mò ngay lại:

– Này, cho tao ăn với. Đồ ăn của tao hết rồi, đói quá.

Ông kỹ sư đưa mắt nhìn, ngạc nhiên:

– Ông già mày còn đầy đồ kia kìa, sao không xin?

– Đồ của cụ, tao đâu dám đụng đến. Lại toàn là đồ bổ, sâm thang gì ấy, động đến là chết với cụ.

– Của ông già không xin mà đến xin tao. Thôi đi mày ơi!

Ông kỹ sư quay người, giấu hộp ruốc qua một bên. Anh lính kiểng nhăn nhó:

– Cho tao một miếng đi. Đói quá…

Ông kỹ sư làm như không nghe, miệng nhai ruốc, mắt nhìn đi chỗ khác. Bất thần anh lính kiểng lồng lên:

– Đụ mẹ mày! Bạn bè mà xấu như thế đấy hả?

Anh chồm về phía ông kỹ sư, một tay đè cổ ông, tay kia chộp lọ ruốc. Ông này không vừa, gồng tay đẩy anh lùi lại, thân hình cũng nhổm lên tấn công. Cả hai đứng chồm hổm, bốn cánh tay quàng chặt nhau, tựa hai võ sĩ đang đấu vật. Ông quan thuế kêu lên:

– Buông ra, buông ra ngay! Cán bộ nghe được là chết bây giờ.

Hai võ sĩ cùng khỏe mạnh, sung sức, không ai nhường ai. Ông quan thuế chạy đến chen vào giữa, những người khác cũng nhào vào giằng hai đối thủ ra.

– Đụ mẹ, bạn đấy, bạn như thế đấy…

– Đụ má mày, ai thèm bạn bè với mày…

Hai đấu thủ lầm bầm trở về chỗ cũ. Cậu học trò giương mắt nhìn, thấy bộ râu của ông kỹ sư hết duyên dáng. Ở chỗ mình, cụ già vẫn không thèm nhìn lên, cụ điềm nhiên vuốt ve lại cho thật thẳng mẩu thuốc lá vừa vấn.

*

Có những buổi trưa im vắng chỉ có tiếng gà gáy o o, cậu học trò đứng sửng dưới khung cửa sổ đục trên cao, nhìn lên ánh nắng bên ngoài rọi vào thành một vệt sáng rõ nét và kỳ ảo giữa căn nhà đá. Vệt nắng như xuyên thủng bức tường dày để đem lại ánh sáng cho khoảng trống tối tăm. Cậu mê mẩn ngắm những hạt bụi bay lượn trong vùng ánh sáng, không khỏi nghĩ đến một đấng linh thiêng nào đó. Trước đây cậu không tin nơi tôn giáo. Gia đình cậu tuy theo đạo Phật, trong nhà có bàn thờ, mỗi năm đều cúng kiếng, giỗ tết đầy đủ, nhưng ở trường cậu lại bị các sư huynh bắt đi lễ, đọc kinh. Ngày giỗ ở nhà cậu, cậu thắp hương khấn vái, đến trường cậu học giáo lý, đọc kinh lạy cha. Tự đáy lòng, cậu vẫn trơ trơ như gỗ đá. Cậu đứng giữa, chẳng tin ai, chỉ tin ở mình và sự chắc chắn của khoa học.

Nhưng bây giờ đứng trong ngục đá này, cậu bỗng thấy mình yếu đuối. Rõ ràng là cậu đã cùng đường. Mẹ, chị, em trai cậu đều bị bắt, gia đình chẳng còn ai, không còn luật pháp nào để bảo vệ, đưa thoát cậu ra khỏi chốn này nữa. Nếu không tin ở Chúa, cuộc đời cậu coi như chấm dứt. Chắc chắn phải có một Thượng Đế ở trên cao, đang theo dõi nỗi sầu khổ của cậu, cứu giúp cậu nếu được kêu cầu. Gục đầu vào tường đá, cậu tha thiết khấn nguyện: “Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, con sợ lắm, con đau khổ lắm. Xin Mẹ cứu giúp con. Xin Mẹ cho họ thả con ra sớm. Con không biết phải kêu cứu ai bây giờ. Con chỉ còn có Mẹ, có Chúa, Mẹ ơi. Mẹ cứu con lần này, con nguyện sẽ vào đạo Công giáo. Con sẽ đến tìm cha học giáo lý, xin rửa tội. Con sẽ đi lễ mỗi tuần, không sót tuần nào. Con sẽ ăn hiền ở lành, làm toàn việc thiện, không dám phạm tội nữa đâu. Mẹ ơi, xin Mẹ cứu con đi Mẹ…”

Cầu nguyện xong cậu bắt đầu đọc kinh Kính Mừng. Mỗi ngày cậu tự hứa đọc đủ mười lần, và niềm hy vọng được thả trong cậu mỗi ngày một lớn.

Thái độ kỳ lạ của cậu học trò chắc chắn không qua khỏi mắt mọi người, nhưng cũng chả ai buồn hỏi. Từ ngày bị bắt đến nay, những chuyện kỳ cục, chướng tai gai mắt đã quá nhiều, không có ai ngạc nhiên nữa. Người nào cũng có chứng tật của mình, bị giam càng lâu mới càng lộ ra. Như ông quan thuế có vẻ người hiểu biết thế mà cũng không khỏi tật tham ăn. Sau vụ đấu vật tranh ruốc giữa ông kỹ sư với anh lính kiểng, ông không dám đem lọ chè to tướng ra ăn giữa thanh thiên bạch nhật nữa. Ông đợi tối lửa tắt đèn, rón rén cầm lọ chè với cái thìa nhỏ đi vào cầu tiêu, thưởng thức hương vị thơm ngon của món khoái khẩu ấy một lúc mới trở ra. Những người chưa ngủ, hé mắt theo dõi hành động của ông đều rõ.

Riêng anh sinh viên vừa nghĩ ra một sáng kiến để giữ gìn thể lực. Sáng kiến này thật ra chẳng có gì mới nhưng từ trước đến này chưa ai nghĩ đến: Anh rủ cậu học trò cùng tập thể dục, mỗi ngày nửa tiếng, mới đầu làm các động tác, sau chuyển qua phần chạy bộ. Phần này cũng là phần chính, hai chiếc bục xi măng khác dài chạy từ đầu đến cuối phòng dư sức cho anh bay nhảy. Cậu học trò vừa lười vừa đang buồn, chỉ thỉnh thoảng tập theo cho có. Nên mỗi ngày chỉ có anh sinh viên hì hục chạy qua chạy lại, miệng thở “phù phù”.

Nếu anh có vẻ có khả năng âm nhạc bao nhiêu thì điều ấy dường như bị trừ mất vào cái vốn hiểu biết về thể lực của anh. Chính cậu học trò cũng phải nhận là anh tập thể dục trông hơi kỳ. Tay chân anh quơ quào, nhiều động tác sai hoặc làm chưa tới. Khi anh chạy, anh không hô hấp sâu vào tới buồng phổi mà hình như chỉ hít không khí tới cuống họng rồi thở ra, miệng anh vì vậy phồng lên và phát ra những tiếng “phù phù” vang dội khắp phòng.

Sợ mất lòng, cậu học trò không nói gì. Nhưng cụ già thì không chịu được. Một hôm, trong khi anh sinh viên đang hì hục chạy bộ trên bục xi măng như vậy, thì cụ cũng đi qua đi lại trên cái lối đi hẹp phía dưới. Thỉnh thoảng cụ ngước nhìn anh, miệng nở nụ cười châm biếm. Được một lúc cụ nói gióng vào khoảng không:

– Không biết tập thì bảo người ta dạy cho mà tập. Cứ làm điệu làm bộ tưởng là hay lắm đấy. Thở “phù phù” thế kia là sai bét cả, lại còn chói tai người khác. Ngốc mà vẫn không biết là mình ngốc!

Anh sinh viên dừng phắt lại. Mặt anh đỏ lên:

– Cụ bảo gì? Tôi tập thì mặc kệ tôi. Cụ không tập thì thôi sao cụ lại mắng tôi? Tập thế này thôi chứ còn tập thế nào?

Cụ già vẫn đi qua đi lại bên dưới:

– Thể dục với thể thao thì hỏi moa đây này. Đừng tưởng moa già moa không biết thể dục đâu. Có bao nhiêu cách tập, tập như thế nào là ở trong đầu moa cả. Có muốn moa sẽ bảo cho mà nghe. “Biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Toa ngốc thế thì toa cứ câm mồm lại, đừng có cãi với moa bằng cái giọng ấy.

Mặt anh sinh viên đỏ hơn, giọng nói sẳng:

– Có thể tôi tập sai, nhưng cụ bảo tôi thì bảo đàng hoàng. Cụ đừng nói tôi ngốc này ngốc nọ như mắng chó! Cụ tưởng cụ hay lắm đấy à? Dạo trước ăn ỉa thối inh cả phòng người ta chưa nói, đến giờ ăn thì tham lam cướp giật, cư xử với người cùng phòng thì độc tài, ngược ngạo. Lúc mới vào, trông cụ lớn tuổi, râu trên râu dưới người ta còn kính nể, ở càng lâu mới càng biết bộ mặt thật thối tha.

Cụ già đã dừng lại trước mặt anh sinh viên từ lúc nào. Anh đứng trên cao, cụ phía dưới. Hai đối thủ già trẻ nhìn nhau trừng trừng. Tất cả những người khác đều im bặt. Cụ già gồng bắp tay lên, những bắp thịt hãy còn chắc nịch cuồn cuộn, bàn tay cụ chập lại thành một nấm đấm vạm vỡ:

– Oắt con, trông tay ông đây này! Nói năng phải giữ mồm, khéo ông đấm cho vỡ mặt.

Giọng anh sinh viên bỗng trở nên lầm bầm, không biết anh quá sợ hãi – vì ai cũng thấy trước là anh không địch nổi cụ già – hay vì anh quá giận. Nhưng giọng nói anh chìm xuống, cậu học trò thấy lại vẽ mặt dữ dội hôm nào khi anh chia tay với người chị:

– Tôi không ngờ cụ cũng chỉ là dân chân tay dao búa. Napoléon có nói câu gì như “Nấm đấm dù mạnh đến đâu cũng không địch nổi một ngòi viết…”

Cụ già cười “hặc” lên một tiếng. Thốt nhiên, cơn giận của cụ như tiêu tan hẳn. Mặt cụ lộ vẻ ngạc nhiên, thích thú rõ rệt:

– Napoléon! Ha, Napoléon! Ngốc mà hay nói chữ. Hiểu không hết câu nói của người ta đã làm bộ trích với dẫn. Có muốn citer Napoléon thì hỏi ông đây này, toa muốn ông citer câu nào ông citer cả cho nghe.

Anh sinh viên vẫn nói bằng một giọng chìm:

– Cụ mà đánh tôi còn có luật pháp. Cụ đừng tưởng cụ mạnh hơn tôi rồi muốn đánh ai thì đánh đâu.

Ánh mắt cụ già vui hơn:

– A! luật với pháp? Toa nói chuyện nghe tức cười quá đi. Trông nấm đấm của moa đây này. Moa dộng cho một cái là bay ngay từ đầu đến cuối phòng, chứ không có ngòi viết ngòi láo gì cả!

– Cụ giỏi đấm tôi đi, xem ai thắng cho biết. Cụ tưởng tôi không biết tự vệ đấy à? Ỷ lớn tuổi lại vạm vỡ to con rồi hiếp đáp người khác. Cụ người lớn, cụ ăn ở sao cho con cháu nó không khinh. Đấm đi, nào giỏi đấm đi!

Cụ già thét lên một tiếng. Như một chiếc bóng cụ bay vụt lên bục xi măng nhanh không thể tưởng tượng.

– Đứa nào khinh ông? Đứa nào? Này, chết ngay!

Nấm đấm vô địch của cụ ngừng ngay trước mặt anh sinh viên khoảng vài phân. Ông quan thuế nghiến răng ghì cánh tay cụ, anh lính kiểng và ông kỹ sư nhào tới bám chặt thân hình và hai chân, cụ vùng vẫy dữ dội. Anh sinh viên vẫn bất động như một tượng đá.

– Thôi cụ, về chỗ đi. Nó con nít chấp làm gì, ồn lên chỉ có hại cho cả phòng thôi.

– Bố, bố, bớt giận đi bố. Họ gần thả bố ra, bố đừng gây chuyện nữa…

Cụ già thở hổn hển, trở về chỗ nằm theo cánh tay dìu của mọi người. Cậu học trò cũng kéo anh sinh viên vào ngồi ở góc phòng. Cậu hiểu anh nhiều và cảm thấy sờ sợ. Thật là một phép lạ nếu cậu vẫn chưa bị dính vào một vụ tranh cãi nào. Không biết bao giờ thì tới phiên cậu. Và người nào sẽ lãnh phần “đấm vỡ mặt” cậu đây?

Phòng giam có cái gì tan hoang lắm rồi so với ngày nhập trại. Sự tan hoang không phải đến từ cái đói, cái khát hay dơ bẩn thiếu vệ sinh, nhưng là một sụp đổ tan tành trong đáy lòng của cậu.

*

– May thay, chỉ mấy ngày sau đó, tôi, anh sinh viên và hai chú Tàu được thả. Anh cũng biết, sự vui mừng của chúng tôi lớn đến bực nào. Ra khỏi tù mà người cứ nhẹ lâng lâng, tưởng như đang bay lơ lửng trên mây vậy. Bốn đứa chúng tôi mừng mừng tủi tủi, trao đổi địa chỉ cho nhau, hẹn sẽ gặp lại, sẽ kết bạn thân thiết ở Sài Gòn. Tính ra tôi với anh sinh viên bị tạm giam hết hai tháng rưỡi, còn những người khác thì lâu hơn.

Cậu học trò dứt chuyện, nghiêng người đưa điếu thuốc ra nhận mồi lửa từ người bạn ngồi trước mặt. Cậu đã trở thành một thanh niên gần ba mươi tuổi, nhân dáng thay đổi khá nhiều và cũng không còn đi học, nhưng chúng ta hãy tạm gọi cậu là “cậu học trò” như vẫn quen gọi từ đầu câu chuyện.

Hai người bạn ngồi trong một căn phòng rộng rãi, tiện nghi trên một xứ sở tự do. Chụp đèn vàng gắn khéo trên tường tỏa ánh sáng mờ ảo. Trước mặt họ, bức tường kính nhìn xuống những cao ốc hiện đại lấp lánh xanh đỏ, và những đại lộ xa tít phía dưới cũng cuồn cuộn giòng luân chuyển muôn màu.

– Câu chuyện này xảy ra vào thời gian nào hả anh? Nếu tôi không lầm thì ngay sau những ngày mất nước?

– Anh đoán đúng, câu chuyện xảy ra vào những tháng cuối năm 1975, cách nay mười hai năm rồi. Chúng tôi là một trong những tàu vượt biên sớm nhất. Những người trên tàu thuộc lớp người lẽ ra đã đi từ tháng tư, nhưng không may kẹt lại, nên phải tìm đủ cách ra đi bằng mọi giá.

– Sau đó, về Sài Gòn rồi, anh có dịp gặp lại hai chú Tàu và anh sinh viên không? Đời sống anh ở Sài Gòn như thế nào?

Cậu học trò thở khói:

– Có, hai chú Tàu tìm tôi ngay sau đó. Nhưng mà không có gì còn như trước nữa anh ạ. Chúng tôi cũng hàn huyên, tâm sự, nhưng không khí nhạt nhẽo thế nào. Có lẽ chúng tôi không cùng môi trường xã hội, tuổi tác lại cách biệt nên không thể thành bạn được. Hai chú đến thăm tôi lần duy nhất ấy, rồi không bao giờ gặp lại.

– Có khi nào anh nghĩ hai chú ấy thật ra chỉ đi buôn giả để tìm cách vượt biên không?

– Tôi cũng nghĩ thế. Họ ở Chợ Lớn, chưa bao giờ buôn đường biển, tự nhiên sau 75 lại mua tàu, chở hàng ra tới Phan Thiết. Tỉnh này lúc đó có nhiều người vượt biên. Hơn nữa, họ có vẻ là những người rất thông minh, chắc chắn không tin tưởng gì ở sự tự do buôn bán trong chế độ mới.

– Còn anh sinh viên? Anh ấy bây giờ ra sao rồi?

– Anh sinh viên thì khác. Anh không trở lại với tôi một lần, mà là nhiều lần. Chúng tôi trở thành bạn thân. Cũng dễ hiểu anh à, chị em tôi với anh sinh viên sàng sàng tuổi nhau, cùng đang còn đi học… Thường mỗi khi lại nhà tôi, anh dẫn theo một người bạn đàn giỏi lắm, chúng tôi họp lại đàn hát, đùa nghịch. Tôi có cảm tưởng tìm lại được chút không khí Sài Gòn thuở trước. Rất tiếc, tình bạn ấy không kéo dài được lâu.

– Chuyện gì xảy ra? Các anh, chị lại mất lòng nhau à?

– Không… Hoàn toàn không. Anh sinh viên là người bạn tốt, đến bây giờ tôi còn tiếc. Một người bạn như thế không phải lúc nào ta cũng gặp được trong đời. Trong những ngày lui tới, anh có đề nghị với mẹ tôi làm một chuyến vượt biên khác. Lần này do chính anh và người bạn đàn giỏi kia tổ chức. Anh nói bây giờ không thể tin ai, phải tự mình quyết định, tự mình nắm lấy sinh mạng mình. Nhưng anh biết gia đình tôi mất hết tiền, vàng ở Phan Thiết. Về Sài Gòn, mẹ tôi xoay ra bán bánh mì, bán phở trên hè phố nuôi chị em tôi, thì còn tiền đâu để vượt biên lần nữa. Anh sinh viên có nói đừng ngại, ít nhất anh cho gởi được một, hai người trên tàu, ra tới ngoại quốc có tiền trả sau cũng được. Nhưng mẹ tôi lúc ấy đang sợ, chuyến tù tội trước kia còn chưa tan trong tâm trí bà, nên chúng tôi quyết định ở lại Sài Gòn. Một đêm tối trời, anh sinh viên xuất hiện đột ngột ở nhà tôi, dáng điệu gấp gáp. Anh nói sẽ khởi hành ngay đêm đó, con tàu rất nhỏ nhưng anh đầy hy vọng thành công. Anh hỏi lần cuối chúng tôi có quyết định gởi người nào đi không? Chúng tôi lắc đầu. Anh từ giã gia đình tôi, hứa sẽ điện tín ngay khi đặt chân đến bến tự do. Nhưng từ đó anh biệt tích.

– Anh có biết điều gì đã xảy ra? Người bạn hỏi, hơi nhíu mày.

– Không có gì rõ ràng cả, cậu học trò lắc đầu. Mấy tháng sau đó, chị em tôi đạp xe chở nhau đến nhà anh thăm tin. Gia đình anh giấu, nói anh đi tỉnh chưa về. Nhưng gương mặt cô chị anh thì u ám ghê lắm.

Hai người không nói gì với nhau nữa. Dòng xe cộ dưới xa thỉnh thoảng vọng qua lớp kính những âm động rất nhỏ. Cậu học trò châm thêm điếu thuốc, những vòng khói lung linh bay tan ra làm mù mù không gian.

– Còn những người khác thì sao?

– Bốn năm sau, tôi gặp lại ông quan thuế ở tù mới ra. Ông nói tất cả những người còn lại đều bị kêu án. Nhẹ như ông cũng bốn, năm năm tù. Nghe đâu nặng nhất là cụ già. Cán bộ nói cụ đã già đầu, kinh nghiệm, hiểu biết đầy mình còn muốn vượt biên, thì không cách gì cải tạo nổi. Đôi khi tôi nghĩ mà sợ. Anh thấy, mấy tháng tạm giam – mới ít lâu sau năm 75 – ấy chưa có gì là khổ, ai cũng tự tin sẽ được thả sớm, và tuy ăn đói nhưng còn có cơm gạo, chưa đến nỗi phải ăn độn, vậy mà họ đã đổ tệ ra như vậy, thì trong mấy năm tù thật sự sau, không biết những chứng tật của họ bộc phát tới mức nào?

Cậu ngưng lại một chút, như để người bạn chuẩn bị nhận lấy những lời cậu sắp nói.

– Anh có biết câu chuyện xảy ra vào lúc tôi còn rất trẻ và đã nằm lại trong tâm trí tôi một cách dai dẳng. Phòng tạm giam ấy giống như một ngôi trường, nó dạy cho tôi quá nhiều điều, lật cho tôi thấy những mặt trái của đủ mọi lớp người trong cái xã hội tôi từng sống và yêu mến.

Người bạn thốt ngửng lên, nhìn chăm chăm cậu học trò, chờ đợi.

– Tôi thấy rằng, biên giới giữa cái Thiện và Ác mong manh lắm. Chỉ cần một bước nhỏ, người ta có thể vượt qua. Ngày theo mẹ lên đường vượt biên, trong rõ rệt chỉ có một kẻ thù. Đó là những người đã chiếm miền Nam mà chúng tôi sợ hãi, chạy trốn. Họ hẳn nhiên là ác, còn chúng tôi, những người đi trốn, là thiện. Tôi nghĩ tất cả những người trên tàu phải có đồng chí hướng, cùng một kẻ thù. Tôi xem họ tất cả là bạn bè, anh em, không nghi ngại gì nhau. Tôi tưởng không may bị bắt như vậy, ai nấy lẽ ra phải tương trợ, yêu mến nhau. Dù không giúp được gì nhau, thì cũng không được coi nhau như thù. Nhưng anh thấy đó, từ một kẻ thù duy nhất, dần dần chúng tôi sản sinh thêm bao nhiêu kẻ thù khác. Kẻ thù ghê gớm nhất, theo tôi, hắn nằm trong mỗi chúng ta. Người nào trong chúng mình mà không tự coi là thiện? Trong điều kiện đầy đủ, sung sướng, chúng ta dễ thiện lắm. Phải đến khi nào quyền lợi bị đụng chạm, những ham muốn bị cấm đoán, thiệt thòi, cái ích kỷ ghê gớm trong mỗi người mới hiện lên, ràng ràng như một con lợn, một đống rác. Chúng ta phải cẩn thận. Nếu không, từ thiên thần chúng ta biến ngay ra quỷ dữ, mà vẫn không hay biết. Đó là cái biên giới siêu hình, đầy cám dỗ giữa Thiện và Ác. Gần hết những người có mặt trong trại giam năm ấy đều đã vượt biên giới đó.

Cậu học trò thở thêm nhiều vòng khói. Không gian quanh cậu càng trở nên mù mờ. Người bạn nghiêng mình tới trước, mắt vẫn nhìn cậu không rời:

– Vậy theo anh, xã hội thời cũ của chúng ta hình như cũng không tốt đẹp gì hơn phía bên kia cả? Nếu tôi hiểu anh, thì anh đã thất vọng ghê gớm lắm. Anh đã đặt lại tất cả vấn đề. Anh tự hỏi xã hội miền Nam mà anh đã sống, thật ra, có đáng cho anh yêu mến không? Dĩ nhiên, anh cũng biết rằng trong một xã hội người tốt người xấu đều có đủ, nhưng tại sao số người bất hảo lại cao quá? Trại tạm giam Phan Thiết đối với anh có lẽ là một bằng chứng. Những thành phần trong tù năm ấy, dù không đại diện hết cho mọi tầng lớp miền Nam, nhưng kể ra cũng khá tiêu biểu cho lớp người ưu tú. Kể cả lớp người tiền phong, mà điển hình là cụ già…

– Anh đoán đúng lắm. Tại sao, tại sao những người thiện trong nhà tù năm ấy lại chỉ là những người rất trẻ, còn đang đi học. Hơn chút nữa là hai chú ngoại quốc không liên quan gì đến dân tộc mình? Vậy những gì chúng ta học trong nhà trường, bắt buộc một ngày kia phải méo mó để thay vào đó những khả năng lọc lừa, phản trắc với cuộc đời? Cuộc đời chúng ta xấu xí đến thế sao?

Cậu bỗng chồm người về phía bạn:

– Ngay cả chính tôi! Chính tôi có tốt đẹp gì không? Nhiều lần tôi đã tự đặt câu hỏi này. Ngày ấy tôi còn quá nhỏ, chưa biết giá trị của vật chất, đồng tiền, cũng chưa rõ thật sự thế nào là hiểm nguy tù tội. Tôi vào tù, ra tù như đi chơi. Nên tôi thánh thiện cũng phải. Cả anh sinh viên cũng vậy. Nếu lúc đó chúng tôi đã trưởng thành, có vợ con, từng đổ mồ hôi tranh đấu cho miếng ăn manh áo của mình, liệu có giữ lòng bình thản trong nhà tạm giam ấy khi thấy quyền lợi mình bị xâm phạm?

Người bạn đưa tay ngăn lại:

– Anh nói cũng có lý lắm. Nhưng câu chuyện của anh đúng ra chưa dứt ở đó. Sau này anh còn về Sài Gòn sống, hình như cũng chật vật lắm. Rồi qua bên này, cuộc sống lưu vong đâu có sung sướng gì. Có khi nào anh thấy vượt biên giới từ thiện qua ác chưa? Và anh tự coi mình như thiện hay ác?

– Ác thì không ác, nhưng cũng chẳng mấy thiện gì – Gương mặt cậu học trò bỗng trở nên trầm ngâm. Anh có biết tôi đã bỏ lời hứa vào đạo Công giáo? Lời cầu nguyện năm ấy thật nông nổi, cũng như nhiều lời cầu nguyện sau này. Cứ gặp khó khăn, nan giải là tôi tìm đến Thượng Đế, hứa này hứa nọ, sóng gió qua rồi lại quên khuấy, thấy tôn giáo quá mê tín dị đoan. Còn cái biên giới thiện-ác, thú thật nhiều lần tôi đã vượt qua. Nhưng vượt qua chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt thôi, sau lại trở về chiến tuyến cũ. Tôi tự đặt cho mình những hàng rào bên kia biên giới, vượt thì vượt nhưng bất cứ giá nào cũng không thể vượt qua hàng rào đó. Nên tôi thấy mình cứ thiện thiện ác ác thế nào.

– Những điều anh nói cũng bình thường thôi. Chúng ta ai cũng có những giây phút yếu đuối. Bản chất con người là muôn mặt, không thể đòi hỏi một mẫu người tuyệt đối nào. Nhưng tôi nghĩ, vấn đề làm anh khổ tâm nó sâu lắm. Có phải anh đã đặt lại cả giá trị nòi giống, xã hội, chính nghĩa của mình? Chủ nghĩa cộng sản hẳn nhiên anh không chấp nhận. Nhưng đôi khi anh đã bàng hoàng nhận thấy – một cách khổ sở – rằng những gì bên kia nói cũng có phần có lý. Xã hội miền Nam là một xã hội sống trên lợi nhuận, chia thành phần giàu-nghèo: những phần tử sống trong ấy rốt cuộc chỉ là những người chạy đuổi theo vật chất – nhất là giới người thành công hoặc được ưu đãi, có thể nói đa số là ích kỷ, cầu an. Căn phòng tạm giam năm ấy như một mẫu thí nghiệm nhỏ được trích ra từ xã hội. Trong mẫu ấy, anh chỉ thấy toàn những thành phần xấu, không đáng theo gương…

– Lý luận ức đoán của anh tài lắm. Thật vậy, kỷ niệm đen tối ấy đã đeo tôi suốt bao nhiêu năm. Nhất là những phút chán nản, thất vọng, tôi thấy mình và đất nước không có nghĩa lý gì tốt đẹp cả. Những người chủ trương cưỡng chiếm miền Nam hẳn không tốt đẹp, nhưng những người lãnh đạo cũ của chúng ta có hơn gì không? Cuộc tháo chạy của họ tháng 4-75 cùng gia đình và của cải có phải là tấm gương cho chúng ta noi không? Trại tạm giam năm ấy, nơi tôi sa vào, đã cho thấy thêm bộ mặt trái của nhiều lớp người khác, có thể gọi là ưu tú của xã hội chúng ta: cụ già, ông quan thuế, ông thôn trưởng Phan Thiết, ông kỹ sư… Qua bên này, tôi muốn lánh xa cộng đồng Việt, thêm với những tai tiếng, xích mích giữa cộng đồng, nói thật với anh tôi đã mất hẳn niềm tin.

Người bạn nhổm lên có vẻ muốn phản đối. Cậu học trò giơ tay ngăn, mỉm cười. Cậu dụi tắt điếu thuốc, đứng lên, tiến về phía tường kính, nhìn ra bên ngoài. Từ cuối chân trời, vầng thái dương đang từ từ lên, nhuộm hồng tất cả các cao ốc và đại lộ bằng ánh sáng ban mai mới mẻ. Người bạn vẫn ngồi chỗ cũ, yên lặng nhìn bóng cậu sẫm dần trên nền trời hồng.

– Tôi biết – cậu học trò cất tiếng, nụ cười chưa tắt – anh đang nhìn tôi bằng đôi mắt thương hại, anh lo sợ, anh tự thấy có bổn phận phải cứu vớt một linh hồn lạc hướng? Anh cũng không lầm mấy đâu! Những câu hỏi, xoay trở ấy dằn vặt trong tôi rất lâu, cho đến cách đây mấy năm tôi còn thường tự đặt lên mình, loay hoay tìm cách lý giải. Trại tạm giam Phan Thiết giống như cơn ác mộng kinh khiếp lỡ gặp một lần rồi không bao giờ quên được. Nó nằm lại trong tôi, làm lu mờ tất cả mộng đẹp khác đến với tôi sau này. Nhưng thời gian, như chúng ta thường nói, đúng là một liều thuốc hữu hiệu. Từ từ, tôi bớt cay đắng và cảm thấy mình vô lý. Có gì bảo đảm cái mẫu tù trích ra từ xã hội ấy là mẫu trích khách quan? Có cơ quan thống kê, xác suất nào đứng ra thăm dò, cử người đi tìm đại diện của mỗi từng lớp xã hội để bỏ vào cái mẫu thử ấy? Trái ngược lại là khác. Nếu cái mẫu ấy không ác một cách ngẫu nhiên thì phải ác một cách vô ý. Này nhé, nếu chủ tàu – những người này lại lôi kéo, rủ rê bạn bè họ – đều là những phần tử có liên quan xa gần. Chúng ta có thể giải thích bằng phản ứng dây chuyền này. Hãy chỉ cho tôi người bạn anh, tôi sẽ nói anh là người như thế nào. Ngoài ra, còn điều này nữa, tôi đã kể ngay từ đầu là chuyến vượt biên đông lắm. Nhưng tổng cộng phòng giam đàn ông chỉ có sáu người bị bắt, cùng với một số ít bị coi là nguy hiểm, đặc biệt giam riêng. Vậy những người chạy thoát là ai, có thể đa số họ là những phần tử thiện chăng? Nếu chúng ta đi xa hơn, vào lĩnh vực siêu hình, thì tôi và anh sinh viên năm ấy chỉ là hai phần tử thiện bị bàn tay siêu hình rút lầm, do đó chỉ ít lâu sau thì được thả. Anh thấy có hợp lý không? Có thể anh cho là hơi lố bịch. Bởi chúng ta dư biết có những người thiện vẫn chịu oan ức, khổ nạn, dù là những người tin nơi tôn giáo? Nhưng tôi có thể bẻ lại anh rằng, Đấng Siêu Hình có toàn quyền làm theo ý người. Những oan ức, khổ nạn ấy có thể là những thử thách, những dịp rèn luyện niềm tin. Dù có phải chết mất chăng nữa thì có thể là lúc Thượng Đế muốn cất người ấy lên, hay nói theo nhà Phật là trả một món nợ tiền kiếp. Vậy Thượng Đế có thể đoán phạt công bình hay không do nhiều lẽ sâu xa, và chuyến vượt biên năm ấy của tôi là một dịp cho đoán phạt công bình… Nhưng thôi, chúng ta đừng đi quá xa, vì đây là những lĩnh vực mơ hồ chưa ai chắc chắn được.

Người bạn vẫn ngồi yên, nhưng nét mặt anh có những biến đổi rất mạnh. Cậu học trò không quay người, tiếp tục nhìn ra sắc trời hồng ửng bên ngoài.

– Như anh nói, cuộc đời tôi không chấm dứt ở đó. Mấy năm lăn lóc ở Sài Gòn, chuyến vượt biên thứ hai đầy gian nan, cuộc sống lưu vong cô đơn và đầy cám dỗ bên này… Trong những năm ấy, tôi đã có dịp gặp gỡ bao nhiêu phần tử khác, ở mọi lứa tuổi, giai tầng, họ cùng chung hoàn cảnh như tôi, nhưng đã đến với tôi, giúp đỡ hoặc cho tôi nhiều lời khuyên rất chân tình. Họ đến, không vì lợi lộc, nhưng thuần túy bằng tình cảm. Hành động, cách sống của họ làm tôi lạ lùng. Họ như một loài cây tốt mọc lên từ nền đất, gặp giông tố bão táp vẫn trơ mình, nhẫn nhục mà đứng, dù cách gì cũng không chịu ngã rạp hay biến dị cong oằn. Họ là những tấm gương soi cho tôi thấy thêm một khía cạnh của cuộc đời, nhưng tôi lại thường vô tình – hay cố ý muốn quên đi, chỉ thích nuôi nấng mãi nơi mình một kỷ niệm cay đắng riêng tư… Anh hãy nhìn lịch sử thế giới, nhiều khi chỉ có thiểu số xấu xa, nhưng việc làm của thiểu số ấy có ảnh hưởng lớn, gây kinh động mọi người. Chúng ta không thể vì vậy kết luận rằng bản chất bẩm sinh của con người là xấu. Chúng ta không thể nhìn phiến diện. Chính số đông còn lại, thường khi rất kín đáo, trầm lặng hay chịu thiệt thòi mới là những người đáng kể. Giang sơn gấm vóc của chúng ta từ đâu mà có, những cuộc xâm lăng của nước lân bang khổng lồ nhờ đâu bị đẩy lui, có phải nhờ số đông trầm lặng dưới hướng dẫn của một người sáng suốt? Vốn kiến thức, đạo đức tốt đẹp mà chúng thừa hưởng từ tổ tiên, cha mẹ, được dạy từ nhà trường, có phải là phản ảnh tinh thần của số đông ấy? Và, họ hy vọng chúng ta sẽ tiếp nối, đứng vững. Biến đổi, méo mó hay không tùy ở mỗi phần tử chúng ta. Cái số đông thầm lặng là một cái nền, những gì mọc bên trên có thể hoa hòe hoa sói hay gai góc, đầy chất độc, nhưng chúng cứ tàn lụi đi và cái nền vẫn còn đó, mãi mãi. Chúng ta sinh ra vào một thời buổi mà đất mọc toàn xương rồng, độc chất nhưng chúng ta không thể vì vậy mà quên mất cái nền, cái số đông bất biến. Tôi đã nhận ra điều đó, anh à. Bây giờ thì trong trí nhớ tôi, số đông ấy đã lại đến, soi thêm một lần nữa vào cái bộ óc khúc mắc thích lý luận, tìm tòi nhưng lại rất hạn hẹp của tôi. Họ làm cho tôi thấy cuộc đời còn rất đẹp. Và cái biên giới thiện ác, thật ra còn rất nhiều, rất nhiều người không bao giờ chịu vượt qua.

Từ lúc nào, người bạn đã đến bên cậu học trò. Những điếu thuốc dụi tắt từ lâu, khói mờ trong phòng tan loãng hết. Hai người bạn thân ái khoát vai nhau. Bên ngoài bây giờ, vầng thái dương trên cao đã vàng ửng, chói lọi và rực rỡ.

Trần Vũ đánh máy lại tháng 11-2018, từ bản in trên Hợp Lưu số 17, trang 118 đến 141 và gửi Văn Việt.

Comments are closed.