Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 280): Bể dâu – Nam Dao (17)

MÙA RỪNG ĐỘNG (17)

*

Trước viễn ảnh hòa bình, Lực Lượng thứ Ba sửa soạn con bài chính trị. Mỹ đi, người Pháp rón rén trở lại, đánh thử lá bài mang tên Miền Nam Trung Lập. Một số dân biểu, nghị sĩ Việt Nam Cộng Hòa víu lấy cụm từ hòa hợp hòa giải dân tộc hy vọng tạo được thế cờ chuyển tiếp trước khi có một cuộc trưng cầu dân ý như trong văn bản ký kết. Dĩ nhiên, chính quyền Thiệu-Hương chống lại, chụp lên Lực Lượng Thứ Ba cái mũ Cộng Sản trá hình. Chính quyền miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tiếp tục hô hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng giữ một khoảng cách với mọi lực lượng ‘’ngoài guồng’’, không phản đối, cũng không ủng hộ. Bài ba lá, có lật chỉ lật một con nhằm đoạt chính danh, con thứ hai nằm sấp để giữ quyền uy lơ lửng, và con thứ ba, khi lật ra là đoạt chiến thắng.

Chiến thắng chỉ có thể định đoạt trên chiến trường. Lực lượng quân sự hai bên ở thế da beo ghìm nhau trong cuộc hưu chiến, nhưng thế bất lợi là thế Việt Nam Cộng Hòa đã mất anh đồng minh Mỹ khổng lồ giơ bàn chân đất sét cho thế giới chiêm ngưỡng ở Paris. Mặc dù đã đổ khí giới ào ạt cho Việt Nam Cộng Hòa trước khi ký Hiệp Ðịnh, Nixon không phải muốn làm gì cũng được dưới áp lực chống chiến tranh bên Mỹ. Quốc Hội Mỹ bắt đầu bàn khả năng cắt giảm viện trợ. Tổng thống Thiệu la làng kiểu Chí Phèo, nhưng biết có cào mặt ăn vạ cũng chẳng ăn thua gì với một Bá Kiến đang bước trên con đường “hòa bình trong danh dự”. Sài Gòn hoảng hốt đợi một cơn động kinh ẩn dưới những khuôn mặt cố giữ vẻ bình thường. Trịnh Công Sơn hát:

‘‘Hôm nay hòa bình, sao mắt mẹ chưa vui

Mẹ hãy ra xem thành phố ngập người

Hôm nay hòa bình, mắt mẹ buồn như kinh…’’

Thần chiến tranh vẫn quơ tay khoa lưỡi sét, trợn mắt đứng chực dưới mái chuông giáo đường, bên cạnh một đoàn M-113 ngọ nguậy trườn đi như một con sâu róm. Chính quyến Thiệu cho phép thanh thiếu niên tự do xuất ngoại du học. Ðồng thời, người ta xì xào, sẽ tổng động viên bắt lính. Con nhà khá giả ào ạt ra nước ngoài. Cái chết trong chiến tranh thường dành độc quyền cho những người nghèo, làm sao khác đi được.

Nhân ở quân trại của binh chủng Nhẩy Dù gần khám Chí Hòa, có dịp thỉnh thoảng về nhà. Vào một bữa cơm chiều, Huyền nghiêm trang:

– Anh Nhân cho mợ nói chuyện…

Nhân ngạc nhiên. Xưa nay, mẹ không bao giờ gọi Nhân là anh.

– Mợ định cho Lương sang Pháp. Tháng 9 này đi, Lương sẽ thi nốt Tú Tài 2, rồi năm sau vào Ðại Học. Tình hình này, sẽ lại chiến tranh. Nhưng sau đó, là hòa bình thực sự. Và lúc đó, cần những bàn tay và khối óc để xây dựng lại đất nước này. Anh nghĩ thế nào?

Còn nghĩ thế nào nữa, Nhân thầm nhủ. Mỗi lần mẹ quyết định điều gì, Nhân biết là khó lòng lay chuyển được. Lương thông minh, học trước tuổi, kỳ thi Tú Tài 1 vừa qua đỗ ưu, và chắc có thể tiến xa nếu có cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Ðể đũa xuống, Nhân nhìn mẹ:

– Mợ tính thế cũng hay. Nhưng phải nói qua xem ý chú Hoàng.

Biết mẹ không nhìn mặt chú Hoàng cả chục năm nay, Nhân tiếp:

– Việc này mợ để con lo!

Huyền gật đầu. Nhìn thẳng vào mắt Nhân, Huyền chậm rãi:

– Mợ còn một chuyện nữa. Mợ suy nghĩ kỹ rồi mới nói với anh, và xin anh một điều. Theo chỗ mợ biết, sau nhiệm kỳ tổng thống của Nixon, chắc chắn chiến cuộc sẽ bùng nổ ở mức độ quyết liệt. Ðời mợ, mợ đã mất mát nhiều rồi. Lương sang Pháp, mợ yên đi được một bề. Nhưng còn anh. Anh ở trong một binh chủng phải dấn thân vào nơi nguy hiểm, tính mạng treo trên sợi tóc, mệnh hệ nào thì chắc mợ… không sống được. Vì vậy, mợ đã bàn với Bà tướng Có. Ông ấy nay là Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp, có thể giúp để thuyên chuyển anh về Bệnh Viện Cộng Hòa, có thế mợ mới an tâm. Ðây là điều mợ xin anh. Ðiều đầu tiên, từ trước đến nay!

Chưa bao giờ Nhân thấy mẹ hạ mình xin ai một điều gì. Hiểu sự hệ trọng của câu trả lời, Nhân ngần ngại rồi hoãn binh.

– Dạ… Mợ để con nghĩ xem sao!

– Còn cần nghĩ gì cơ chứ!

Nhân đứng dậy, không muốn mẹ đẩy mình vào cái thế lùi không được. Nhìn lên, Huyền mím môi nói nhanh:

– Mợ nói thêm với anh điều này. Cha đẻ anh không biệt tích như chú Hoàng đã nói để rồi mẹ thuận lòng lấy chú ấy. Từ ngày mợ biết cha anh còn, mợ đã sống một mình, như anh biết. Sớm muộn, cha anh cũng sẽ vào đây. Chẳng nhẽ anh lại tiếp tục ở cái binh chủng sẽ bắn vào cha anh? Hãy nghe mợ!

Sững người ra, Nhân tưởng mình mơ, giụi mắt. Cha mình còn sống? Người cha Nhân chỉ còn giữ một hình ảnh lờ mờ nửa hư nửa thực? Nhân bàng hoàng. Cha dẫu có thật, nhưng xa xăm làm sao. Trong khi đồng đội của chàng là những người gần gũi, cũng thật, và khi bom đạn, họ đổ máu và họ cần đến đến chàng băng bó, chăm nom. Nhân không muốn thành một kẻ vong đào trước đồng đội. Nhưng nói gì đây với một người mẹ lo lắng cho sinh mạng mình? Nhân ấp úng:

– Mợ để con nghĩ xem sao, chẳng có gì phải vội…

Nói xong, Nhân vội vã đi như đi trốn.

*

Nhân nhìn đồng hồ. Chuyến máy bay từ Huế vào thế là chậm. Thời tiết xấu, trời Sài Gòn u ám, thỉnh thoảng mưa ập xuống, bong bóng nổi đầy đường. Ðộ khoảng một giờ đồng hồ sau, tiếng thông báo của nhân viên phi trường cất lên. Nhân nghển cổ, nhìn về phía cửa ra. Từ xa, Dao Ánh như bay trên vạt áo dài màu mỡ gà cuốn che lấy thân. Nàng đưa tay vẫy. Nhân hít vào, kìm xúc động. Tuần trước, Ánh báo sẽ vào Sài Gòn. Qua điện thoại, giọng nàng run run ướt át ‘‘Huế không còn là chỗ sống được nữa! Ai cũng tìm cách bỏ đi!’’. Ðến cạnh Nhân, Dao Ánh cười:

– Chừ có ché Huế cho anh đó!

Nhân cúi xuống xách vali cho Ánh. Ngửng lên, chàng bắt gặp cặp mắt Ánh như một vòm trời mở rộng. Nỗi ấm áp trong lòng chợt chiếm ngự. Nhân hỏi cho có:

– Ché Ánh mua ở quán Âm Phủ?

– Không! Mấy bữa ni bận, Ánh mua ở chợ Ðông Ba cho tiện, anh à…

Nhân nhìn Ánh, giọng cảm động:

– Ánh gầy đi một chút! Mạ và bé Quỳnh bình thường chứ?

Ánh gật đầu, nhếch môi cười cám ơn. Hai người vẫy taxi. Mưa tầm tã trên đường về. Xế Ðại Học Vạn Hạnh, lại Bùi Giáng đứng chỉ đường, râu tóc ướt nhẹp, xe hắt nước tung tóe. Bùi Giáng thét ‘‘Trời hành cho bay biết, đừng đâm vô nhau nữa!’’, rồi huýt còi từng chập.

Nhân đẩy cửa, lách người để Ánh vào trước. Huyền đã ở đấy chờ. Bữa cơm dọn ra, chỉ chờ Lương về. Sau Tết, Lương sẽ lên đường qua Paris. Ở đó, Lương học tiếng Pháp, đợi tháng 9 tựu trường sẽ vào lớp Terminal, năm cuối cùng của Tú Tài toàn phần. Huyền hỏi, Ánh buồn buồn:

– Thưa dì, mạ con giục vô tìm nhà cửa. Huế ai cũng chạy, thấp thỏm, hoang mang…

– Ánh có tin Thuyết không?

– Thưa dì, không! Mấy anh ‘‘nhảy núi’’ theo bên kia có người về, nhưng không một ai gặp anh Thuyết!

Huyền kìm một tiếng thở dài. Hình ảnh bộ ba Thuyết – Ánh – Nhân ngày mới vào đại học một thoáng hiện ra rồi vụt xa không dấu vết. Huyền tìm một câu an ủi, nhưng nghẹn lời, không thốt lên được.

Trưa hôm đó, Ánh nhờ Nhân đi tìm Sơn. Mẹ Sơn, hàng xóm nhà Ánh, nhờ Ánh nhắn là mạ Sơn gọi về dịp giỗ cha sắp tới. Sơn thấy Ánh, reo lên. Anh chàng nhạc sĩ phản chiến chẳng khác khi xưa, Nhân thầm nhủ. Vẫn cặp kính cận viền nhựa nâu sẫm che gần nửa khuôn mặt gầy. Vẫn vầng trán cao ngất. Vẫn một nụ cười và cái răng khểnh cùng giọng Huế lai đủ ba miền. Sơn hỏi tin nhà xong, quay sang Nhân:

– Moa nghe toa bị bắt, mới được thả sau Hiệp Ðịnh Paris hỉ?

Nhân gật. Móc bao thuốc Basto xanh, Sơn mời Nhân, bật hộp quẹt Zippo. Tiếng lách cách kim loại của chiếc bật lửa khiến Nhân nhớ đến âm thanh súng đang lên đạn. Sơn hỏi, giọng bùi ngùi:

– Toa có kỷ niệm nào đáng nhớ khi bị tù không? Kể cho moa nghe với!

Nhân nhắm mắt. Rồi Nhân kể chuyện con ‘‘Nhỏ không’’ và cái chết của cha nó, thằng ‘‘Ác ôn’’ tan xác trên bãi mìn ngày trao trả tù binh. Ánh ứa nước mắt. Còn Sơn, anh với cây đàn ghi-ta treo trên vách, mặt dại đi vì buồn. So dây, Sơn gẩy vài nốt dạo. Như không có một ai ở bên, Sơn hát, hát một mình:

‘‘Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi…’’

Tiếng động nào? Nhân nhắm mắt, nghe ra tiếng súng. Tiếng bom. Tiếng pháo tầm xa. Tiếng trực thăng phành phạch. Tiếng B-52 ầm ì trên không. Và lời nguyền rủa của những thương binh dưới lưỡi dao phẫu thuật vội vã trong tiếng rít cay độc của những tràng đạn vấy cát trên đầu những ngọn đồi trắng xóa vùng Quảng Trị.

Ðêm hôm đó, tiếng hát của Sơn ám ảnh. ‘‘Bao nhiêu năm làm kiếp con người… rồi một chiều tóc trắng như vôi’’. Nhìn Ánh, Nhân không biết mình mơ hay tỉnh. Trên sân thượng, đằng sau là mái chuông nhà thờ Huyện Sĩ trắng mờ ảo, tóc Ánh bỗng bạc đi ánh lên sắc bạch kim. Nhân đưa hai tay lên bịt mắt, tránh không muốn thấy thời gian truy đuổi cắm đầu chạy về phía trước. Ánh ngạc nhiên:

– Sao vậy anh?

– Không, không có gì – Nhân thầm thì – không có gì cả!

Hai người im lặng. Tiếng còi con tầu lìa ga xe lửa cất lên. Có thể có những biệt ly, từ hôm nay cho đến mãi mãi. Chợt Ánh cất tiếng nghẹn ngào:

– Thuyết ‘‘nhảy núi’’ có lẽ vì Thuyết biết Ánh không yêu anh ấy. Ngay cả khi đã có bé Quỳnh… Trước ngày đi, Thuyết bảo, Thuyết đi tìm một tình yêu, để lại đằng sau những lỡ làng! Khi Ánh hỏi lỡ làng nào thì Thuyết im lặng, rồi không hiểu tại sao Thuyết xin lỗi Ánh…

– Lỗi gì? Nhân trầm giọng.

– Ánh cũng hỏi như anh vừa hỏi. Nhưng Thuyết lại im lặng. Nửa đêm, Thuyết lặng lẽ lên đường, không ai biết. Sáng ra, Ánh thấy một mảnh giấy để trên bàn, vỏn vẹn chỉ ba chữ: anh phải đi.

Thình lình, Ánh ôm lấy Nhân. Nàng thổn thức, toàn thân run lên như một con chim non đập đôi cánh yếu ớt, chực rụng xuống tựa một chiếc lá lìa cành trở về cội nguồn cát bụi.

‘‘Ôi, cát bụi mệt nhoài…’’

*

Hiện tượng cánh bướm: những cú điện thoại của đám lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Washington bị đặt máy nghe mang tác động gây bão trên một miền Nam Việt Nam đang còn hoang mang sau Hiệp Ðịnh Paris. Vụ xì-căng-đan Watergate bó tay Nixon, tổng thống Mỹ, người của đảng Cộng Hòa. Hứa với Thiệu một tỷ rưỡi đôla viện trợ, Nixon cắt xuống một tỷ. Quốc Hội Hoa Kỳ không chấp nhận. Cáo buộc Việt Cộng vi phạm Hiệp Ðịnh, Nixon tiếp tục bom Campuchia với mục đích giải tỏa áp lực mặt trận Tây Nam. Ðược hai tháng, Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ thông qua một đạo luật cấm can thiệp quân sự ở Ðông Dương. Mất hết uy tín, Nixon đành cắn răng. Viện trợ tuột xuống mức chưa được tám trăm triệu đôla, trong đó phải chi phí cho gần mười nghìn lính Mỹ nay thay quân phục, khoác quần áo dân sự, trở thành những chuyên viên cố vấn. Giá đôla và vàng tăng đến chóng mặt. Cuộc chạy loạn bắt đầu: dân miền Trung và Lục Tỉnh đổ về Sài Gòn. Vật giá leo thang vòn vọt. Tận dụng những khó khăn trong đời sống, một mặt trận chính trị thành hình. Sinh viên học sinh, trí thức thành phần ‘’thứ ba’’, rồi linh mục, thượng tọa… đều là những tác nhân. Thế là có ngày ‘’Ký giả đi ăn mày’’, có Ủy Ban Cứu Ðói, có Ủy Ban Phụ Nữ giành quyền sống. Big Minh cùng đám nghị sĩ như Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Ngô Bá Thành… lên tiếng chống đối. Thiệu phản ứng, ban đầu lúng túng, sau thô bạo như một con thú cùng đường.

Tết năm Dần trong miền Nam, cọp không nhe răng múa vuốt, duỗi nằm theo tư thế một con mèo ốm. Một mặt,Việt Cộng từ vùng phi quân sự đánh xuống, mặt khác đổ quân lên Tây Nguyên đe dọa cắt miền Trung, dồn Việt Nam Cộng Hòa vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên Campuchia, quân Khờ-me đỏ đẩy lính Lon Nol khỏi biên giới Việt – Miên. Dẫu thuận lợi, lực lượng Việt Cộng chỉ hoạt động ở mức khuấy phá chứ chưa định hình một chiến dịch qui mô nào. Phía Việt Nam Cộng Hòa, lính đã bắt đầu đào ngũ. Và những kẻ giàu có lên đường bôn tẩu.

Trưa hôm trước ngày Lương sang Pháp, Nhân về nhà. Nhìn hai chiếc vali để trên sàn đá hoa, Nhân bỗng ngậm ngùi vô hạn. Mẹ bề ngoài vẫn vui cười thản nhiên, nhưng Nhân biết, có những lúc mẹ mình chợt hững đi đến mụ mẫm. Chưa bao giờ như lúc này, Nhân thương mẹ, lòng mang mang niềm ân hận đã cương quyết ở lại binh chủng Nhẩy Dù chứ không làm theo ý mẹ. Mặc dầu mẹ cũng nhờ cả đến Dao Ánh để thuyết phục Nhân, nhưng Nhân chỉ lắc đầu, trả lời ‘‘Là đàn ông không thể thế được!’’, tai văng vẳng nghe câu mẹ thét lên ngày nào với chú Hoàng.

Nhân rủ Lương qua nhà chú Hoàng. Hình như chú đợi, quần áo chỉnh tề khác thường lệ. Chú mở cửa, tay giắt tay Lương, vui vẻ:

– Có cả Nhân nữa à!

Chú Hoàng chỉ tay lên bức vách. Nay bác Vũ Hoàng Chương đã viết, kiểu thư pháp, những nét chữ bay lên lượn lại, rồi chúi xuống.

Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Biển vô tận xá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

Lương đọc, nét mặt dúm dó, môi mím lại. Chú Hoàng ôm vai Lương, thủ thỉ:

– Lũ chúng ta, là bác Chương, là cậu chứ không phải con đâu. Con đi máy bay – chú cố khôi hài – chứ có đi thuyền đâu!

Chừng như thấy câu khôi hài chẳng tác động gì, chú đánh trống lảng:

– Có sẵn một chai Martel, uống mừng ngày vui lên đường với nhau một chén!

Tay run run, chú rót rượu ra ly, không dám nhìn vào mắt Lương long lanh chực khóc. Thế rồi chú uống. Ực một cái, hết một ly. Chú rót tiếp và nói. Chú nói về thời giành chính quyền từ phát xít Nhật năm 45, về chuyện bảo vệ thủ đô khi thực dân Pháp trở mặt. Chú miên man, nhắc tấm lòng “vạn người như một” của dân cụ Hồ, say sưa gợi lại lòng yêu nước của mọi lớp người lao vào công cuộc Kháng Chiến toàn quốc cuối năm 46. Chú thẫn thờ nói về một người con gái bỏ nhà thoát ly theo Cách Mạng. Và buổi chiều trên đê sông Hồng, may mà chú và người con gái đó thoát được trận tập kích vào ngôi chùa Hòe Nhai gần Bến Nứa. Chú trầm ngâm, nhìn Nhân, rành mạnh:

– Xưa chú làm việc dưới sự chỉ đạo của cha cháu…

Và cứ thế, chú tiếp tục kể về một con người mang tên Phan Thượng Chính, sau chú chỉ gặp lại đúng một lần trên Việt Bắc. Cho tới khi thoát khỏi tay đội Cải Cách Ruộng Ðất ở Nghi Dương, trốn về Hải Phòng, chú mới biết Chính và Huyền đã có hai mặt con với nhau.

– Mẹ cháu bế cháu từ Kiến Thụy lên chữa bệnh. Chú thì ôm trong lòng mối hận cha vừa chết, và thân mình cũng mới thoát hiểm… Chú oán tất cả. Chú thù mọi người. Chú căm cái Ðảng của chú. Mặc dầu gia đình chú cống hiến bao nhiêu tài sản, và chú dấn thân đến độ suýt hy sinh cả mạng sống, được huân chương kháng chiến hạng 2, thế mà cái Ðảng ấy nhân danh giai cấp mang chà đạp đến độ cha chú uất mà chết, còn chú thì chúng nó đánh cho thân tàn ma dại!

Hoàng ngừng lại kìm xúc động, nước mắt ràn rụa trên má. Lát sau, Hoàng tiếp, giọng đã lấy lại ít nhiều bình tĩnh:

– Chỉ mẹ cháu là người chú có muốn cũng không thể ghét bỏ được. Ðấy, cái nghiệp của chú nó vậy. Bà cô chú, là cô Thái, giục chú di cư. Chú giả chần chừ, lấy cớ còn mẹ cháu và cháu ở đấy, bỏ đi sao được. Thế là cô Thái tìm cách ép buộc mẹ cháu đem cháu đi Nam, biết chú sẽ đi theo. Còn chú, thâm tâm có thể là chú mượn tay bà cô làm cái việc cướp đoạt người mình yêu, bất chấp là mẹ cháu buộc phải chia ly với những người thân ở lại!

Chú Hoàng lại rót rượu cho mình. Tay đặt lên vai Lương, chú nhìn vào mắt con, nghẹn giọng:

– Mãi ba, bốn năm sau, mẹ con cũng chưa chịu về với cậu. Thế là cậu rắp tâm sắp đặt để báo tin cha của anh Nhân biệt tích! Lúc đó, mợ con mới bằng lòng đi bước nữa. Nhưng từ khi mợ về với cậu, cậu mới thấy lương tâm cắn rứt. Chẳng nhẽ cậu cứ sống với mợ trong dối trá hay sao? Ngày qua ngày, sự trừng phạt xói mòn hạnh phúc cậu tưởng có được. Khi con ra đời, cậu đặt tên con là Lương, sự tử tế cậu đánh mất, và cậu nghĩ, nay có con thì cậu có thể nói thật với mợ. Trong khi cậu còn đắn đo, có người tìm đến đưa cho mợ bức thư của cha anh Nhân. Thế là mợ biết hết, dưới mắt mợ, cha là một thằng hèn.

Chú Hoàng ôm ghì lấy Lương, nhắc đi nhắc lại, cha là một thằng hèn, một thằng hèn. Lương ôm cha, cố ghìm tiếng khóc, nuốt nước bọt ừng ực. Chiều xuống rất nhanh, cánh cửa sổ khép hờ nhòa dần trong ánh sáng hiu hắt một ngày nhiều mây. Xe lửa lại chạy ngang, còi hú lên, bánh nghiến trèo trẹo trên đường rày đệm vào tiếng máy xình xịch. Chú Hoàng đưa cho Lương một phong bì:

– Trong này là gia phả dòng họ nhà ta, con giữ lấy cho cậu. Có một lá thư cậu gửi cho mợ con, con đưa giúp cho cậu một khi cậu lìa cái cõi này. Ngày mai con đi bình yên, cậu không ra Tân Sơn Nhất với con đâu. Con đi, có mợ, có anh Nhân tiễn con là đủ. Ði, thì nhớ học, và cố mà làm người. Ở xứ mình, điều đó khó lắm. Vài năm nữa thành tài, con hãy về. Dẫu sao, đây cũng là đất nước của mình. Và trong bất cứ trường hợp nào, đừng biến ra một kẻ như cậu!

Tay chỉ lên vách, Hoàng đọc se sẽ …bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh...

Lương ôm và hôn người đẻ ra mình. Oà khóc, Lương vội đưa tay bịt lấy miệng. Hoàng không nói năng gì trong bóng tối chập choạng, nghe Lương nghẹn ngào tiếng còn tiếng mất:

– Con lúc nào cũng là con của cậu… Ðợi con… con sẽ về! Nhất định vậy!

Comments are closed.