Vài kỷ niệm với anh Phạm Toàn

Nguyễn Hải Hoành

Kiểu người như anh rất hiếm: Vừa là nhà giáo lại vừa là nhà văn, anh nhìn đời với con mắt tinh tường, đầu óc phê phán, phản biện.


Nhà giáo Phạm Toàn (bìa phải), tác giả Nguyễn Hải Hoành (thứ hai từ trái sang) và bè bạn tại Trung tâm Văn minh Pháp 24 Tràng Tiền trong Tọa đàm về Đông Kinh Nghĩa Thục và sự nghiệp giáo dục VN. Ảnh: Nguyễn Chí Công.

   
Đầu xuân năm 2003. Chuyến xe đưa mấy anh chị em chúng tôi về Bắc Ninh thăm quê mẹ giữa đường dừng lại đón một người đàn ông có nụ cười hiền lành. Chị tôi giới thiệu, đây là nhà văn Phạm Toàn bạn học hồi xưa của chị. Từ lâu tôi đã mê tín giới nhà văn, luôn nghĩ rằng họ mới thực sự là tầng lớp tinh hoa của dân tộc. Lẽ tự nhiên tôi có cảm tình ngay với vị khách này. Mới quen nhau nhưng anh rất xởi lởi, nói chuyện có duyên và biết lắm chuyện. Suốt dọc đường mọi người trên xe hào hứng nghe anh nói.
Và thế là chúng tôi mới biết, thì ra anh có họ xa với chúng tôi. Bà ngoại anh ngày xưa gọi là bà Huyện Cúc, nổi tiếng xinh đẹp xứ Kinh Bắc. Ông ngoại chúng tôi và bà ấy là anh em cùng cha khác mẹ, con cụ Phó bảng Dương Danh Lập, cuối thế kỷ XIX từng làm Án sát tỉnh Hà Tĩnh, Tuần phủ tỉnh Thái Nguyên rồi Đốc học Hà Nội. Cụ Lập về hưu mở trường dạy chữ Hán tại Hà Thành, sĩ tử đông lắm; trong đó có ông nội tôi. Nhờ học thầy giỏi, ông tôi thi đỗ. Hai chục năm sau, ông sang tận thôn Tiền, làng Ném (Khắc Niệm) xứ Kinh Bắc xin cưới cô cháu nội út của thầy giáo đã quá cố cho con trai cả của mình, tức cha tôi… Những chuyện ấy anh chị tôi đều không biết, thế mà Phạm Toàn biết! Nhà văn có khác, chuyện gì cũng tìm hiểu, ghi nhớ làm nguồn tư liệu để họ viết ra những bộ tiểu thuyết dày cộp! Anh kể tiếp: về sau khi học Sư phạm Trung cấp, anh lại là học trò cưng của Hiệu trưởng trường này, tức cha tôi. Những lần gặp nhau, ông hay dằn giọng gọi đùa: “Phạm…Toàn…Anh…là…con…mọt…sách…!” – anh lấy giọng khàn khàn nhắc lại. Đúng là quả đất tròn. Nhờ thế bây giờ tôi may mắn được gặp anh.
Sau đấy ít lâu, một hôm anh gọi điện thoại hẹn tôi đến ngõ Hồng Phúc phố Hàng Đậu. Đến đây còn có anh Nguyễn Bản, một nhà văn từ thời Nhân văn giai phẩm. Phạm Toàn tặng cuốn “Người sông Mê” vừa in xong, và đãi một bữa bún cá ngon tuyệt. Giới nhà văn đối nhân xử thế thú vị thế đấy. Hôm đi dự giỗ đầu Bùi Ngọc Tấn anh cũng mang về cho “Thời biến đổi gien”, tác phẩm cuối cùng của cố nhà văn xứ Cảng… Hồi anh ở chung cư Ciputra, anh em tôi có đến thăm, bà xã anh pha trà mời khách như mọi nữ chủ nhà xứ ta, anh đãi món vịt cỏ.
Quen Phạm Toàn càng lâu tôi càng thấy ở anh một con người tài đức vẹn toàn và có sức cuốn hút mọi người, thực sự là bậc đàn anh của mình. Kiểu người như anh rất hiếm: vừa là nhà giáo lại vừa là nhà văn, anh nhìn đời với con mắt tinh tường, đầu óc phê phán, phản biện. Sau khi tham gia viết bài cho sách giáo khoa của Nhóm Cánh Buồm, do được làm việc với anh một số ngày nên tôi càng hiểu anh hơn. Phạm Toàn là người giàu ý chí, nghị lực, dám nghĩ dám làm, hết lòng phấn đấu vì lý tưởng xây dựng một nền giáo dục tiên tiến cho đất nước, không màng bất cứ danh lợi nào. Anh coi công việc như một thú vui, chỉ sợ mình không kịp hoàn thành. Năm anh 85 tuổi, tôi viết bài trên trang mạng của Cánh Buồm đề nghị vị thuyền trưởng nhóm này dần dần giao công việc cho lớp trẻ đảm nhiệm. Nhưng hình như anh lo nếu rút hẳn thì công việc sẽ chậm lại, vì thế cử mải mê làm việc, sức khỏe bị hao mòn, khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn.
Anh có trí nhớ kỳ lạ, bộ óc chứa đầy kiến thức Đông Tây, tinh thông mấy ngoại ngữ. Anh đặc biệt có tài nói rành rọt đâu ra đấy, đầy sức thuyết phục. Chẳng ai nỡ từ chối các yêu cầu của ông già ấy. Tâm hồn Phạm Toàn trong sáng, hồn nhiên, trẻ trung, khiến bất cứ ai gần anh cũng cảm thấy con người này thực sự đáng nể trọng.

Nhiều người phàn nàn tại sao cho đến hết đời, Phạm Toàn vẫn chưa có một học hàm học vị nào để tương xứng với các vị khách khác khi được giới thiệu trong các buổi họp. Nhưng một người thông tuệ như anh thì cần gì phải mang những thứ danh hiệu ngày nay có thể mua được?

Tuy tài đức trội hơn hẳn nhưng anh luôn khiêm tốn chan hòa với mọi người. Một lần anh đề nghị tôi bình luận bài Lâm chung Di chiếu của vua Lý Nhân Tông. Tôi viết xong gửi cho Cánh Buồm. Chị Minh Hà, một biên tập viên nổi tiếng nghiêm túc sau khi phát hiện Di chiếu này có nguồn gốc chưa rõ ràng đã không đưa vào sách. Minh Hà làm thế là đúng. “Thuyền trưởng” cũng không tự ái phàn nàn gì. 
Đáng nể nhất là kiểu tư duy giàu tính logic của anh, mọi vấn đề anh đều có thể phân tích gãy gọn và tìm ra điều cốt lõi. Đọc những phần anh viết thêm vào phần người khác đã viết trong sách giáo khoa Cánh Buồm, tôi thầm cảm phục anh thật có tài phát hiện và giải quyết vấn đề. Với tư duy đó, anh không ngại bất cứ đối tượng tranh luận nào. Cách lập luận của anh sắc bén, dễ được người nghe tiếp thu. Nhờ thế anh thu hút được nhiều Mạnh Thường Quân. Nếu không thì từ chỗ chẳng có một đồng kinh phí, Nhóm Cánh Buồm sao có thể biên soạn và in ra được hơn trăm nghìn bản sách giáo khoa và được một số trường áp dụng thử rất hoan nghênh. Nhiều phụ huynh mang sách Cánh Buồm về dạy con.
Phạm Toàn đưa ra một triết lý giáo dục đúng đắn và dễ hiểu, khó ai có thể bác bỏ. Anh nhấn mạnh thứ cần dạy nhất là phương pháp học, và cho rằng tự học là phương pháp học quan trọng nhất: Thầy cô là những người mang món quà duy nhất ấy – tự học – tặng cho học sinh để các em mang theo hành trang đó đi suốt đời mình. Quả thật hầu hết những người giỏi là nhờ tự học, họ đâu có học vì thi cử, học để kiếm bằng cấp. Chính anh là một tấm gương tự học. Nhiều người phàn nàn tại sao cho đến hết đời, Phạm Toàn vẫn chưa có một học hàm học vị nào để tương xứng với các vị khách khác khi được giới thiệu trong các buổi họp. Nhưng một người thông tuệ như anh thì cần gì phải mang những thứ danh hiệu ngày nay có thể mua được?
Anh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ và khuyên các phụ huynh hãy cho trẻ học giỏi tiếng mẹ đẻ đã rồi hãy học ngoại ngữ. Lập luận này thật đúng, vì ngôn ngữ là công cụ tư duy. Giỏi tiếng Việt rồi thì mới học và dùng ngoại ngữ giỏi. Anh là một ví dụ.
Ngót chục năm qua, hình ảnh vị thuyền trưởng phong sương giương cánh buồm đưa con thuyền giáo dục Việt Nam đạp sóng gió thẳng tiến ra khơi đã trở nên quen thuộc với cộng đồng xã hội. Công lao to lớn và nhân cách cao quý của Phạm Toàn được đông đảo mọi người ghi nhận. Anh sống trong tình thương yêu của họ, nhất là của các học sinh nhỏ.  
Sáng ngày 25, chúng tôi còn nghe anh lẩm bẩm liên tục trong mê sảng. Lạ thay, toàn nói về công việc! Đầu óc anh làm việc ngay cả khi chân tay gần như chỉ còn da bọc xương!
Sớm hôm sau, vị sĩ phu Bắc Hà thời hiện đại ấy đã mãi mãi ra đi trong niềm thương tiếc vô hạn của mọi người. Vĩnh biệt nhé, người anh kính yêu của tôi! Cầu chúc anh được thảnh thơi nơi chín suối trong niềm tin sự nghiệp xây đắp nền giáo dục anh bỏ dở sẽ được lớp đàn em đàn cháu thực hiện bằng được□

Nguồn: http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Vai-ky-niem-voi-anh-Pham-Toan-18459?fbclid=IwAR03nB3_TCp3DTEdNJIOUyJWZlRtWlkW5wCuZe8lbtCWyDxO8V9Qy5y0xFA

Comments are closed.