Kerstin Holm
Phạm Kỳ Đăng dịch
Nữ văn sĩ ngưỡng mộ nghị lực của người Ukraine và sự thông thái của bà Angela Merkel, nhưng bà cũng phấn chấn vì người Bạch Nga không bị lũ đầu sỏ chính trị cướp bóc một cách trắng trợn. Một cuộc trò chuyện với nữ nhà văn mang giải thưởng Nobel Svetlana Alexievich (1).
Svetlana Alexievich sống trong một căn hộ chật hẹp tầng tám của một tòa nhà khổng lồ nằm tại trung tâm của thủ đô Bạch Nga. Từ cửa số nhìn ra người ta có một cảnh quan rất đẹp hướng tới hồ của dòng sông Swilslatsch đã tan băng. Trời mưa tuyết. Nữ tác gia mặc một chiếc áo len đan màu nâu sẫm và choàng ra ngoài một chiếc áo gi-lê dạ cứng cáp đan mẫu hình xanh lục. Bà nói bà bị cảm lạnh, đưa giày đi trong nhà cho người đến thăm và tiếp khách bằng bánh và cà phê trong bếp.
Là người nhận giải Nobel văn chương, người ta sống ra sao, thưa bà Svetlana Alexandrovna?
– Bây giờ ở nước Nga tôi có tác động như đạo quân thứ năm. Tờ báo văn học Literaturnaja gaseta gọi tôi là „đồ đệ của Bandera“(2), bởi vì tôi ủng hộ đường lối cải cách của Ukraine. Tổng thống Aliaksandr Lukašenka đã chúc mừng tôi, tuy nhiên trước kỳ bầu cử tổng thống. Sau khi ông được tái cử, ông tuyên bố rằng tôi đã ném thứ nhơ bẩn vào đất nước. Từ Nga chỉ có một thư chúc mừng của Sergej Naryschkin, chủ tịch nghị viện Duma. Không có gì từ Putin. Nước Nga có một quan hệ không lành mạnh đối với giải thưởng Nobel, đã luôn là thế với Ivan Bunin (3) và cũng như vậy với Joseph Brodsky (4).
Nhưng nữ ký giả Nga Julia Latynina, một người phê phán Putin gay gắt, cũng cho rằng, quyết định của hội đồng Nobel tặng giải cho bà cũng phát xuất từ một khẩu vị đặc „châu Âu“. Và nghĩa là bởi trong những cuốn sách của bà những nghiệm trải chiến tranh và tai họa kỹ thuật thường xuyên được trình bày từ giác độ của con người hoàn toàn bé nhỏ. Chưa bao giờ lo-gic và hệ lụy của những sự kiện trọng đại lọt vào tầm nhìn cả. Latynina quả quyết, hiểu cái lo-gic này hoặc là đơn giản chất vấn về nó, hầu như là vô đạo đức đối với người Âu châu hôm nay.
– Văn chương Nga luôn cấp tiếng nói cho những người thấp cổ bé họng. Chúng tôi đều đi ra từ „Chiếc áo bành tô“ của Gogol (5). Đơn giản nước Nga quá lớn, vì thế thường xuyên đưa ra những tư tưởng siêu việt trong việc biến con người thành đối tượng, nô dịch nó và nướng các cá thể thành một thể chất tập thể. Tôi phanh phui cái thể chất tập thể này ra và nghiên cứu những bộ phận đơn lẻ của nó.
Khi tôi đi dạo trong trung tâm thành phố Minsk, tôi vào cuộc trò chuyện với hai người phụ nữ. Họ cho rằng, sách của bà „bôi đen“. Văn chương trước hết đưa ánh sáng vào cuộc đời mới phải.
(Cười)- Nhiều người nghĩ rằng, văn chương cần trang điểm. Nếu như văn chương chỉ ra các vết thương, thì cũng ở đó có lời hiệu triệu hành động để thay đổi đi chút gì đó. Cái này thì khó chịu đây. Tôi đã nói với một tờ báo rằng, chúng ta cần những sự cải cách. Thế mà Lukašenka lại nói với một tờ báo khác, những cải cách là hoàn toàn thừa.
Cả hai nữ công dân làm nghề y, tức là không phải hoàn toàn vô học, tỏ ra hết sức trung thành với thể chế và tự hào rằng là phụ nữ, tại Minsk vào ban đêm, người ta có thể một mình tung tăng đi lại.
– Quả tình ở đây – cũng như ở Nga – dân chủ không có được số đông. Người ta phải thừa nhận rằng ít nhiều Lukašenka đã tuân thủ hợp đồng với nhân dân. Ông ta đã trợ giúp các tổ hợp nông nghiệp, những nhà máy nông phẩm của nhà nước, mặc dù việc này đối với ông không dễ. Ở đất nước chúng tôi có tham nhũng và kinh tế thân hữu chia lợi. Tuy nhiên tại Bạch Nga, nhân dân không bị cướp bóc trắng trợn như tại nước Nga, mà cũng tương tự thế ở Ukraine, nơi đồng ruộng bỏ hoang và nền nông nghiệp nằm chết gí dưới đất.
Tại nước Nga xúc xích, sản phẩm sữa, các loại bia từ Belarus rất được trọng vọng!
-Thực thế đó, khác với hàng Nga chứa nhiều chất phụ gia và kích thích khoái khẩu, thực phẩm của chúng tôi tuyệt hảo và nguyên vẻ tự nhiên, do được nhà nước kiểm soát. Tổng thống cùng cậu con trai ông có quan hệ gắn bó đã ra mắt giúp gặt hái „Bulba“, là khoai tây trong tiếng Bạch Nga.
Thỉnh thoảng người Nga gọi Bạch Nga một cách vui nhộn đáng yêu là „Bulbonien“ (lũ khoai tây).
– Người Bạch Nga là một tộc người nông dân, không bao giờ họ đánh mất mối liên hệ với chu kỳ của tự nhiên. Họ không hung dữ như người Matxcơva. Trong đám đông nếu có một người giận dữ, người khác xúm vào dỗ dành anh ta. Thay vào đó, khác với người Ukraine yêu tự do, họ cũng có vẻ thiếu sáng kiến hơn. Tôi tin vào người Ukraine, họ cương nghị, không dễ bề áp bức. Ở đó tôi đã trông thấy con mắt rực cháy của những người trẻ tuổi. Ở đất nước tôi người ta nói một cách đặc thù: hãy ráng chịu lấy tổng thống của chúng ta là hơn, ông ấy không còn trẻ nửa, cái chính là chúng ta không có cảnh Maidan!
Nhưng mà hôm nay người ta có thể mua được sách của bà tại Bạch Nga mà?
– Vâng, có một ấn bản 5 cuốn sách đẹp được nhà xuất bản Matxcơva Wremja phát hành. Đáng tiếc chỉ có bản dịch ra tiếng Bạch Nga trong dạng Samizdat. Hơn nữa sách của tôi sẽ tiếp tục không được bàn tới ở nhà trường như trước thời ông Lukašenka.
Bà có gốc gác Ukraine và Bạch Nga, nhưng mà lại viết bằng tiếng Nga.
– Tôi có ba ngôi nhà sinh thành: thành phố Đông Ukraine Ivanovo-Frankovsk, nơi mẹ tôi có nguồn cội và tôi sinh ra; ngôi làng Bạch Nga, nơi tôi lớn lên; và nền văn hóa Nga nuôi dưỡng tôi và tôi trở thành một phần của nó. Cha tôi, một người cộng sản đến Ivanovo-Frankovsk với tư cách là kẻ chiếm đóng phục vụ nhà nước Xô Viết bị căm ghét tại đây. Trong những năm 40, ở đó về nguyên tắc người ta không bán thứ gì cho người Nga. Chính vì thế khi còn là cô bé nhỏ tôi suýt bị chết đói. Vì thế cha tôi đi tới một tu viện và nói với bà tu viện trưởng. „Tôi là kẻ thù của nhà bà“, ông nói, “nhưng mà tôi có một cháu bé nhỏ chết vì đói khát“. Bà tu viện trưởng trả lời:“ Mi biến ngay đi, đừng để ta phải nhìn thấy mi nữa, nhưng để vợ mi đến đây!“ Mỗi ngày các bà sơ cho mẹ tôi sữa dê. Thứ đó đã cứu sống tôi.
Hôm nay nhiều khách qua đường đi vào nhà thờ Chính thống giáo nằm cạnh tòa nhà bà ở, để cầu nguyện hoặc thắp nến.
– Vâng, người ta đi vào nhà thờ, nhưng mà nhà thờ cũng hoàn toàn không có vẻ hung dữ và cuồng khích của Matxcơva. Ở đất nước chúng tôi cũng không có chủ nghĩa bài Mỹ của người Nga, tương tự như vậy là sự thù địch của người Nga đối với Liên minh châu Âu. Lukašenka cũng đã không ban bố những đạo luật khủng khiếp chống người đồng tính luyến ái như Putin…
Trong khi rất nhiều người đồng tính luyến ái ngồi trong nghị viện Duma và trong chính phủ…
…và cả trong Tòa thượng phụ Matxcơva! Tôi không có thể nói rằng phần đông người Bạch Nga hào hứng về những thú nhận đồng tính luyến ái công khai, nhưng mà họ coi đó là một câu chuyện riêng tư.
Hôm nay người ta có thể hàm ý rằng, nhà thờ Chính thống giáo Nga đã chiếm lĩnh được khẩu ngữ của lãnh tụ cách mạng Lê nin: “Càng tệ, càng hay“.
Trong thực tiễn, vị Trưởng lão Wsevolod Tschaplin chuyên trách về quan hệ công chúng tại Tòa thượng phụ Matxcơva có vẻ như mãn nguyện về tình trạng thê thảm của nền kinh tế Nga. Hay sao, rằng những năm tháng béo bở đã qua rồi, ông nói, điều này tốt cho người Nga. Đối với những người như Tschaplin, khổ đau là nhiệm vụ chính của con người, là công việc thực thụ của họ. Nhưng mà cả Alexander Solschenizyn(6) tin rằng, khổ đau sẽ được đền bù và dẫn tới tự do. Điều này làm tôi khác ông ấy.
Cuộc hôn nhân giữa Nga và Bạch Nga đi sâu vào khủng hoảng ra sao?
– Bạch Nga phụ thuộc vào Nga, vào những khoản cho vay đáng tiếc sẽ không theo kiểu đầu tư mà theo chu trình bị ăn cho kỳ hết. Từ khi Nga xâm lược Đông Ukraine và bán đảo Crimea thấy trước hết ở những người trẻ thuộc sắc tộc thiểu số, thì người Bạch Nga và cả tiếng Bạch Nga và phục trang dân tộc Bạch Nga ngày càng trở thành mốt. Gần đây người ta cũng cảm thấy mình bị đe dọa bởi đất nước hàng xóm và họ giữ khoảng cách với nó.
Bên cạnh tòa nhà bà ở có một salon xe limousine sang trọng hiệu Bentley. Đó có phải là điểm đối cực của khủng hoảng?
– Hiển nhiên thế, salon tồn tại mới từ một năm nay, nó được khai trương khi kinh tế suy sụp. Ngày hôm nay nhiều chủ kinh doanh ngồi trong nhà tù Bạch Nga, hãng của họ đánh thức sự thèm khát của ban lãnh đạo nhà nước. Một trường hợp nổi tiếng là xí nghiệp sản xuất sô-cô-la „Kommunarka“, Lukašenka giật về tay, viện cớ xí nghiệp có nguy cơ rơi vào tay người nước ngoài.
Ngày hôm nay bà cũng nhìn thấy ở Ukraine một nước Nga tốt hơn chăng, bởi vì là nước Nga không đế quốc?
– Vâng, người Nga nhận được tự do và muốn quay trở lại chế độ nô lệ. Họ yêu Putin, bởi vì đất nước của họ bây giờ cứ cho là được kính nể và sợ hãi. Đáng tiếc rằng khác với giới tinh hoa Ba Lan, giới tinh hoa Nga đã không có một kế hoạch gì cho một sự khởi đầu sau chế độ cộng sản. Tự do của Nga thuần túy chỉ là điều tán dóc, giới tinh hoa Nga chỉ có thể ăn cắp.
Có thể những chính trị gia và cố vấn phương Tây cũng đã không đóng một vai trò lúc nào cũng rất chi là vinh hạnh?
– Phương Tây đã muốn dàn xếp những vấn đề an ninh của mình. Nước Nga không phát triển được văn hóa chính trị. Thay vì hiệp ước và đạo luật tiếp tục vẫn cứ là những Ponjatia (những khái niệm về danh dự của giang hồ) vô thể thức, những thỏa thuận cá nhân giữa những kẻ mạnh tiếp tục có hiệu lực. Lấy ví dụ điều hứa đã được phương Tây trao cho: NATO sẽ không bành trướng sang phía Đông. Những người có quyền ra quyết định phát biểu, uống nhậu cùng với nhau, và Gorbatchev ngụ ý rằng, vấn đề là ở chỗ đó. Về chuyện này ở phương Tây không có thứ gì có hiệu lực khi không có một hiệp ước đúng thể thức.
Châu Âu ngày hôm nay tìm cách tự vệ trước những tín đồ Hồi giáo cực đoan bắt cóc con tin và sẵn sàng cho nổ tung thân xác. Bà đã từng gặp phải những người này trong những năm 70 rồi.
– Vâng, tại Afghanistan, nơi tôi tìm tư liệu cho cuốn sách „Những cậu bé chì“ của tôi. Dạo đó gây ấn tượng cho tôi là một cậu bé Afghanistan giải thích cho tôi rằng chết không là điều tồi tệ, rằng ngay sau đó cậu ta lên thiên đàng. Cậu ấy coi việc giết chết những tù binh của cậu cũng tương tự như thế, nếu như giả sử họ hàng của những người này không mang một bao tải bột tới nhằm chuộc lại tự do cho họ. Trung Đông là một chút gì rất riêng biệt.
Trung Đông ngày hôm nay cũng ở châu Âu.
– Tôi nhận ra điều đó trong những năm 2000, khi tôi sống ba năm tại Paris. Hay hơn thế, người ta tránh xa nhiều khu phố Ả Rập, khác với những khu người Trung Quốc và khu người Việt Nam tôi hay lui tới và là nơi tôi có được đồ ăn ngon.
Bà cảm nhận vụ đánh bom khủng bố Paris như thế nào?
– Những kẻ khủng bố mang súng AK đã có thể lọt vào nhà hát Bataclan cho thấy, lực lượng an ninh không nêu cao cảnh giác. Bọn khủng bố muốn biến chúng ta thành một phần của màn kịch được dàn dựng. Trên các video hành quyết, đồ tể luôn vóc cao lớn vận đồ đen, nạn nhân mặc đồ mầu đỏ và nhỏ bé hơn nhiều. Nhưng mà khi sau này những vị trưởng giáo đạo Hồi hát bài Marseillaise trước nhà hát Bataclan, cái đó cũng là một động thái đóng kịch rõ rệt.
Hôm nay bà nữ thủ tướng Merkel bị phê phán, bởi vì bà ấy muốn đón nhận người tỵ nạn không hạn chế.
– Tôi đánh giá bà Angela Merkel là một người đàn bà thông thái, vĩ đại, một nhân vật thực thụ của thời đại. Bây giờ nhiều người Nga la ó, rằng châu Âu sẽ sụp đổ bởi người di cư. Nhiều người trong số họ bản thân vốn là người nhập cư sống tại nước Đức. Nhưng mà thuộc về nước Đức cũng gồm cả những khu phố người Thổ Nhỹ Kỳ và rất nhiều cặp đôi pha trộn. Tôi thấy, người Đức bình thản nhìn nhận điều đó. Tôi tin tưởng rằng, nước Đức sẽ khắc phục khủng hoảng và „tiêu hóa“ được những dòng người tỵ nạn này.
30.11.2015.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguồn: Frankfurter Allgemeine Zeitung
Về nữ tác giả bài viết:
Kerstin Holm, sinh năm 1958, học Nghiên cứu âm nhạc, Ngữ văn Roman, Slav, và Đức tại Hamburg, Muynich và Vienna. Bà là biên tập viên chuyên mục feuilleton của tờ FAZ.
(1) Svetlana Alexandrovna Alexievich (sinh năm 1948): Nhà văn Bạch Nga viết bằng tiếng Nga, nhận giải Nobel văn chương năm 2015.
(2) Stepan Andrijovitsch Bandera (1909-1959): Chính khách dân tộc chủ nghĩa người Ukraine. Ngày hôm nay ở vùng phía Đông Ukraine, nhưng cả ở Ba Lan, Nga, Israel, Bandera được xem như kẻ đầu hàng và tay chân phát xít, và tội phạm chiến tranh. Ở vùng phía Tây Ukraine Bandera được xem như anh hùng dân tộc.
(3) Ivan Alexejevitsch Bunin (1870-1953): Nhà văn, nhà thơ và dịch giả Nga, nhận giải Nobel văn chương năm 1933.
(4) Joseph Brodsky (1940-1996): Nhà thơ Nga, như Iwan Bunin nhận giải Nobel văn chương năm 1987 trong lưu vong.
(5) Nikolai Wassiljevitsch Gogol (1809-1852): văn hào Nga gốc Ukraine, tác phẩm được nói tới là Chiếc áo khoác.
(6) Alexander Issajevitsch Solschenizyn (1918-2008): Nhà văn, nhà viết kịch người Nga, tác giả của Quần đảo ngục tù. Nhận giải Nobel văn chương năm 1970.