Hoàng Tuấn Công
○ “vạn thuỷ thiên sơn (Nghĩa đen: Vạn nước nghìn núi) Nói đến sự gian truân trong lúc phải đi xa, qua nhiều sông núi”.
Đúng ra, nghĩa đen “Vạn thuỷ thiên sơn” 萬水千山 phải là: Vạn sông, nghìn núi. Vì chữ thuỷ 水 ở đây có nghĩa là sông, chứ không phải “nước”. Thiều Chửu giảng nghĩa thứ hai của thuỷ 水: “② Sông, ngòi, khe, suối, phàm cái gì bởi nước mà thành ra đều gọi là thuỷ”. Trần Văn Chánh: “② Sông, hồ, biển: 漢水 – Hán thuỷ – Sông Hán Thuỷ; 湘水 – Tương thuỷ – Sông Tương”. Trong “Ngục trung nhật ký” (Hồ Chí Minh) có bài “Đáo Quế Lâm”, hai câu đầu: “桂林無桂亦無林, 只見山高與水深 – Quế Lâm vô quế diệc vô lâm, Chỉ kiến sơn cao dữ thuỷ thâm”, thì “thuỷ thâm” ở đây cũng được hiểu là “sông sâu”, chứ không phải “nước sâu”: “Chỉ thấy núi cao và sông sâu”.
○ “vận đỏ trồng lau hoá mía (Thực ra lau không thể thành mía được) ý nói: Khi có vận đỏ thì gặp may”.
“Thực ra lau không thể thành mía được”, ai mà chẳng biết vậy. Nhưng tại sao dân gian lại nói “trồng lau hoá mía” mà không nói trồng cỏ, hay trồng một cây nào khác, “hoá mía”? Đây là một trong số ít tục ngữ GS Nguyễn Lân lưu ý đến nghĩa đen, nhưng lại nửa vời, giải thích mà như không giải thích. Lau hơi giống cây mía, mọc khoẻ, bạt ngàn như rừng, trong khi mía khó trồng, số lượng ít. Thế nên, trồng lau nên mía thì còn gì thuận lợi cho bằng!
○ “vị thành niên Chỉ những thanh niên chưa đến tuổi trưởng thành”.
Đây không phải thành ngữ, cũng không phải tục ngữ, mà chỉ làm một cụm từ.
○ “vỏ quýt dày có móng tay nhọn Ý nói: Hai bên đều ghê gớm như nhau, không dễ mà lừa được nhau, hoặc làm hại nhau”.
Không đúng. Nói thế hoá ra “vỏ quýt dày” không làm gì được cái móng tay nhọn, mà “móng tay nhọn” cũng chẳng làm gì được vỏ quýt dày? Nghĩa đen: Quả quýt vỏ dày tưởng chừng không ai bóc nổi, nhưng không, vẫn có cái khác trị được nó, đó là móng tay sắc nhọn. Như vậy, cái “móng tay nhọn” nó “ghê gớm” hơn “vỏ quýt dày”, sao lại nói “ghê gớm như nhau, không dễ lừa được nhau”? Nghĩa bóng: Dù có ghê gớm đến mấy cũng sẽ có kẻ cao tay hơn trị lại. Đó là sự khắc chế lẫn nhau trong quy luật của tự nhiên.
Tục ngữ Việt đồng nghĩa: “Bệnh quỷ đã có thuốc tiên”; “Quả xanh đã có nanh sắc”. Tục ngữ Hán: “一物降一物 – Nhất vật hàng nhất vật – Sự vật này bị sự vật khác chế ngự; 彎樹子, 直墨繩 – Loan thụ tử, trực mặc thằng – Cây gỗ cong đã có dây mực thẳng; “銅盤撞了, 鐵掃磨; 惡人有惡人治 – Đồng bàn chàng liễu, thiết tảo ma; ác nhân tự hữu ác nhân trị – Mâm đồng đã có chổi sắt cọ rửa, kẻ ác đã có người ác trừng trị”.
○ “vườn rộng rào thưa Ý nói: Nhà thanh bạch, không thể nuôi gà vịt để thết khách”.
Thực ra, đây chỉ là một ý trong bài thơ trào lộng của Nguyễn Khuyến, nói về cảnh nhà nghèo tiếp bạn: “Ao sâu nước cả khôn chài lưới, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà, Bác đến chơi nhà, ta với ta”, chưa đủ trở thành một thành ngữ. Nếu cứ thu thập tuỳ hứng kiểu này thì từ điển nào chứa cho hết “thành ngữ, tục ngữ”?
○ “xếp bằng tròn Nói cách ngồi hai chân xếp chéo vào nhau, đùi và mông sát xuống chiếu, đầu gối xoè ra hai bên”.
○ “xin âm dương Nói kẻ mê tín gieo hai đồng tiền trên đĩa để xem ý của thánh thần: Nếu một đồng ngửa, một đồng sấp là thần thánh ưng cho”.
○ “xoáy trôn ốc Có nghĩa: theo một đường cong xoay vòng rộng đến vòng hẹp nhất”.
Hàng loạt cụm từ vần X trên đây không phải thành ngữ, tục ngữ mà chỉ là quán ngữ, danh ngữ.
○ “yêu nhau rào dậu cho kín Ý nói: Khi yêu nhau thì người ta dễ che đậy những cái sai sót của nhau”.
Không đúng. Ý dân gian: để quan hệ tình cảm được bền chặt, lâu dài, cần giữ những nguyên tắc sống, lối ứng xử kín kẽ; vật chất, tiền bạc phải rõ ràng; Không nên xuề xoà, lâu dần sẽ nảy sinh tâm lý thắc mắc, hơn thua khiến người ta dễ mất lòng nhau. Thế nên Tục ngữ Hán cũng có câu: “Hảo huynh đệ cao đả tường – 好兄弟高打墻 – Anh em ruột thịt ngăn tường vách cho cao”.
Nhiều từ, ngữ, thuật ngữ không thể gọi là thành ngữ tục ngữ, nhưng vẫn được GS Nguyễn Lân tuyển vào. Đáng trách hơn, chúng còn bị soạn giả giải thích “tréo ngoe”, rất khó chấp nhận:
○ “bồng bồng bế bế Chê người nhiều con, vất vả vì con”.
Không đúng. Đây nói về sự vất vả của người có con nhỏ và không có ý nào chê cả. Đây cũng là điệp từ chứ chưa phải “thành ngữ”. Có thể ví dụ rất nhiều: Đi đi đứng đứng, Ăn ăn nói nói, Cười cười nói nói, Anh anh em em, Ra ra vào vào, Đi đi lại lại v.v…
○ “chạy đua vũ trang Nói các nước đế quốc đua nhau tăng cường vũ bị”.
Nói thế hoá ra các nước đế quốc chạy đua vũ trang là để đánh lẫn nhau? Đúng ra là: các cường quốc, phe phái chạy đua, tăng cường mua sắm, chế tạo vũ khí, khí tài để củng cố sức mạnh quốc phòng và đối phó, răn đe đối phương (Có thể lấy ví dụ cuộc chạy đua vũ trang giữa hai phe phái, điển hình là Liên xô và Mỹ trước đây).
○ “chạy ngược chạy xuôi Ý nói: đi lại tíu tít để lo một việc gì”.
Người ta đang nói “chạy” thì GS lại giải thích là “đi”; nói tình trạng “chạy ngược, chạy xuôi” rất khổ sở thì GS lại liên tưởng việc “đi lại tíu tít”. “Đi lại tíu tít” khiến người ta liên tưởng đến việc làm gì đó bận bịu, khẩn trương nhưng vui, có nhiều người cùng tham gia, vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Trong khi “Chạy ngược, chạy xuôi” lại chỉ hành động của một người đang phải căng sức ra chạy vạy, lo toan rất vất vả, khổ sở. Đây chỉ là cách nói với ý nhấn mạnh, ví dụ: Đi ra đi vào, Nói đi nói lại, Đón đầu đón đuôi…chứ không phải thành ngữ, càng không phải tục ngữ. Nhưng muốn gọi là gì, thì cụm từ “chạy ngược chạy xuôi” này cũng phải được hiểu: Chạy vạy khắp mọi nơi rất vất vả để lo toan công việc, chứ không phải “đi lại tíu tít để lo một việc gì”.
○ “chiến tranh lạnh Nói cuộc tấn công bằng các mánh khoé chính trị, kinh tế do đế quốc tổ chức”.
Cách giải nghĩa lơ mơ, không ăn nhập gì với thuật ngữ. Hoạt động quan trọng nhất của “chiến tranh lạnh” là chạy đua vũ trang trong tình trạng căng thẳng, thù địch giữa các phe phái thì lại không được nhắc đến. Theo Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, “chiến tranh lạnh” là “Thuật ngữ do Barút, tác giả kế hoạch nguyên tử lực của Mỹ ở Liên Hợp Quốc đặt ra, xuất hiện lần đầu trên báo chí Mỹ ngày 26-7-1947. Đó là “chiến tranh không nổ súng” nhưng luôn gây ra tình trạng căng thẳng trên thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (….). Các nước đế quốc đã thi hành hàng loạt biện pháp, như chạy đua vũ trang, tăng cường ngân sách quốc phòng, lập các liên minh quân sự, bao vây để ngăn chặn rồi tiêu diệt các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng cách mạng thế giới…”.
○ “chí cha chí chát Nói tiếng giày giép đi lại nhộn nhịp”.
“Chí cha, chí chát” không thể là âm thanh của giày dép, càng không thể diễn tả cảnh “đi lại nhộn nhịp”. Đây là âm thanh của những vật cứng va đập vào nhau, ví như tiếng chặt, tiếng băm vang vọng từ xa tới, nghe lúc xa lúc gần. Từ điển Vietlex: “chí cha chí chát t. như chí chát [nhưng ý liên tiếp và mức độ nhiều hơn]; chí chát t. từ mô phỏng tiếng vật rắn nện nhiều lần vào một vật khác, nghe đanh và chói tai: tiếng búa nện chí chát.”
Nếu “Chí cha chí chát” được xem là “thành ngữ” thì: sột sà, sột soạt; lanh ca, lanh canh; rục rà, rục rịch, v.v. cũng được xem là thành ngữ ư? Nhìn chung, những điệp ngữ, từ láy được GS Nguyễn Lân “đôn” lên làm thành ngữ, tục ngữ rất nhiều. Thế nên, sách dày 600-700 trang, nhưng những câu không phải là thành ngữ, tục ngữ chiếm một tỉ lệ khá lớn.
Phần liên hệ câu đồng nghĩa, gần nghĩa cũng rất nhiều sai lầm. Ví dụ:
○ “mặt sứa, gan lim Như câu: Mặt rắn như sành”.
Hai thành ngữ trên có thể được xếp vào trái nghĩa, lại được GS coi là đồng nghĩa. Thành ngữ “Mặt rắn như sành” nhận xét khuôn mặt lộ rõ bản chất của con người rắn mày, rắn mặt, ương bướng. Còn “Mặt sứa, gan lim” lại nói mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung.”Mặt sứa” (bề ngoài) thì tỏ vẻ hiền lành, trắng bợt, mềm nhũn như con sứa (một loài động vật không xương sống ở biển, thân rất mềm, trắng), nhưng bên trong (gan) lại đen và cứng rắn như gỗ lim. Câu này thường hay dùng để nhận xét về những người bề ngoài có vẻ hiền lành nhút nhát, nhưng lại dám làm những chuyện tày đình. Trái với “Mặt sứa gan lim” là”Miệng hùm, gan sứa”.
○ “tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư (Nghĩa đen: Trong ba người cùng đi, chắc có người là thầy ta) Như nghĩa câu trên”.
Câu trên của GS Nguyễn Lân là “Tam ngu thành hiền, ba người ngu họp lại thành một người giỏi) Nói lên tầm quan trọng của tập thể”.
Không đúng. Câu “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” vốn trong sách Luận Ngữ, nguyên văn như sau: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” – 三人行必有我師焉, 其善者而從之 – Trong ba người cùng đi, nhất định có một người là thầy ta. Ta chọn lấy mặt tốt của người đó để học tập, xét khuyết điểm của người đó để sửa lỗi của mình”. Hai câu không thể mang nghĩa giống nhau. Bởi câu thứ nhất đề cao sự học hỏi; câu thứ hai đề cao sức mạnh trí tuệ của tập thể.
○ “Quân tử ứ hự đã đau, tiểu nhân dùi đục đập đầu như không Như nghĩa câu Công chúa đứt tay, bằng ăn mày sổ ruột”.
Thực ra, câu đầu nghĩa là: Với người giàu lòng tự trọng, thoáng qua đã hiểu, nên chỉ cần bị ai đó “ứ, hự” mấy tiếng đã cảm thấy tự ái mà “đau”; còn tiểu nhân dẫu có lấy dùi đục mà bổ vào đầu thì cũng như không. Trong khi câu thứ hai lại có nghĩa: Con nhà quyền quý không có sức chịu đựng, nên vết thương nhẹ ở tay với họ cũng nặng như kẻ ăn mày sổ (lòi) ruột.
Tham khảo: Giai thoại Nguyễn Công Trứ thời hàn vi, vì mê cô đào nổi tiếng tài sắc trong vùng, nên xin đi làm kép hát cho cô này. Sau ông làm quan to, vẫn giữ sở thích đàn hát, tình cờ mời đúng cô đào ngày xưa đến hát, nhưng không nhận ra. Cô đào chợt hát câu “mưỡu”: “Giang sơn một gánh giữa đồng, thuyền quyên ứ hự anh hùng biết chăng?”. Ông giật mình tay buông trống chầu, vì nhớ đến chuyện xưa có buổi ghẹo nguyệt, trêu hoa giữa quãng đường đồng mênh mông vắng vẻ, cô đào chỉ ““ứ hự”, chứ không cự tuyệt hay mắng nhiếc gì.
GS Nguyễn Lân là tác giả của hơn 10 cuốn sách Từ điển, được đánh giá là “Nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng Việt Nam”. Thế nhưng trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, phương pháp chỉ dẫn, sắp xếp các câu thành ngữ, tục ngữ của GS cũng không khoa học, lắm khi thành chuyện “dở khóc, dở cười”. Ví dụ câu: “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” được GS chỉ dẫn là “Xem câu trên”, nhưng câu trên lại là câu “Ba chân bốn cẳng” chẳng liên quan gì đến nội dung cần tìm. Hoặc câu: “Cười người chẳng ngắm đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần” được GS chỉ dẫn “Như câu trên”. Nhưng khổ nỗi, câu trên lại là câu “Cười ngặt cười nghẽo” (!)…
Cũng liên quan đến chuyện trình bày, sắp xếp. Đối với những câu giống nhau về nội dung, chỉ khác một vài từ do đảo vị trí, đáng lẽ chỉ nên giải thích một lần, nếu gặp câu sau nên hướng dẫn bạn đọc tham khảo câu trước. Nhưng GS Nguyễn Lân thường làm chuyện không cần thiết là giải thích lại một lần nữa. Ví dụ các câu: Ăn bậy, nói càn khác gì “Ăn càn, nói bậy”? “Ăn cạnh nằm kề” khác gì “Ăn cận ngồi kề”?
Trở lên là những sai sót chúng tôi “nhặt thêm” trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân. Muốn nhặt hết, đãi hết hạt sạn, hạt sỏi trong từ điển của GS Nguyễn Lân có lẽ cũng phải viết số trang chữ bằng chính cuốn từ điển của GS vậy. Để kết thúc phần phê bình và khảo cứu về Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân, chúng tôi xin lược trích nhận xét của Huệ Thiên: “... cứ cái đà này thì những chỗ sơ sót trong từ điển của Nguyễn Lân sẽ được “nhân bản” lên càng ngày càng nhiều lần hơn. Nếu những chỗ sơ sót đó thực sự trở thành những tín điều được phổ biến sâu rộng thì các thế hệ mai sau sẽ hiểu tiếng Việt như thế nào? […] một số hậu duệ của chúng ta sẽ không chịu nghe theo những chỗ sai trong từ điển của Nguyễn Lân. […] Tóm lại chúng không chấp nhận những chỗ mà quyển từ điển đã giảng sai. Nhưng đấy không phải là việc đáng lo vì đó là điều đáng mừng. Đáng lo là chúng trách các bậc tiền bối đã để lại cho chúng, và bạn bè sinh viên người nước ngoài của chúng, một quyển từ điển lẽ ra phải là khuôn vàng thước ngọc thì lại có nhiều điều sai sót làm cho người đọc không thể hài lòng.” (“Những sai sót đáng ngờ trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân” – Huệ Thiên).
Hết phần phê bình và khảo cứu “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”