“Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của nhà phê bình Lê Xuân Đức? – Kỳ 3: Không có chữ dạy người biết chữ

Hoàng Tuấn Công

Le Xuan DucỞ phần I và phần II bài viết, bạn đọc đã được biết đến chuyên gia số 1 về thơ Bác, Lê Xuân Đức chữ tác đánh chữ tộ, không chỉ phá hỏng nguyên tác Nhật ký trong tù, lại còn “vào” Nhà xuất bản chính trị quốc gia để “đạo” nội dung cuốn sách Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp của GS Hoàng Tranh (Trung Quốc). Chuyện động trời tới mức, chúng tôi tưởng đó là trò đùa. Nhưng hôm nay, khi đặt bút viết đến phần “không biết chữ dạy người biết chữ” chúng tôi thấy Lê Xuân Đức không hề đùa tí nào. Hay nói đúng hơn, Lê Xuân Đức đã ”Lộng giả thành chân, lên tiếng dạy bảo người khác để nghiễm nhiên trở thành bậc thầy thiên hạ.

Vậy Lê Xuân Đức dạy ai?

1. Bài Cấm hút thuốc. Hai câu:

 Yên cấm thử gian hẩn lệ hại,

Nhĩ yên kiểu nhập tha yên bao;

Nam Trân dịch nghĩa:

Ở đây lệnh cấm hút thuốc lá rất gắt gao,

Thuốc của anh phải nộp vào túi thuốc của nó

Và dịch thơ:

Hút thuốc nơi này cấm gắt gao,

Thuốc anh nó tịch bỏ vào bao.

Tưởng chẳng có gì đúng và hợp lý hơn nữa. Thế nhưng Lê Xuân Đức lại bức xúc: “Trước đây, câu đầu bài thơ được dịch là Hút thuốc nơi này cấm gắt gao, xin được lưu ý nguyên bản câu thơ này là Yên cấm thử gian hẩn lệ hại; lệ hại có nghĩa là lợi hại, hẩn lệ hại là rất lợi hại. Như vậy, nghĩa và ý câu thơ khác hoàn toàn với gắt gao. Rất lợi hại ngầm ý châm biếm cái lệnh cấm vô lý ấy.

Nhưng Lê Xuân Đức biết một mà không biết hai. “Lệ hại” 厲害 trong nguyên tác Ngục trung nhật ký dùng với nghĩa là ”ghê gớm, khủng khiếp” chứ không phải là lợi hại theo cái nghĩa ông phỏng đoán.

– Hán Việt tự điển (Thiều Chửu) giải nghĩa: ”LệMạnh dữNhư tái tiếp tái lệlại đánh lại càng hăng dữ; Ác, bạo ngược”.

– Từ điển Hán Việt (Đào Duy Anh): ”Lệ: Mài, Dữ tợn, Nghiêm khắc, ác.

– Từ điển Hán Việt (Phan Văn Các chủ biên):

Lệ: nghiêm ngặt; lệ hành thi hành nghiêm ngặt. 2, Nghiêm túc, nghiêm khắc, nghiêm nghị.

Lệ hại: ghê gớm/lợi hại/kịch liệt/hung dữ.

Lưu ý, chữ ”lợi hại” mà từ điển của Phan Văn Các dùng để miêu tả từ “lệ hại”cũng được hiểu với nghĩa là ghê gớm, đáng sợ. Ví dụ: vũ khí lợi hại (chứ không phải lợi hại là mối quan hệ so sánh giữa cái lợi và cái hại như Lê Xuân Đức nghĩ). Vậy Nam Trân dịch: Yên cấm thử gian hẩn lệ hại là “Hút thuốc nơi này cấm gắt gao” có gì là ”khác hoàn toàn” với nguyên tác như Lê Xuân Đức phản đối?

2. Bài Đường đời hiểm trở

Câu:Cao sơn ngộ hổ chung vô dạng”, Nam Trân dịch: ”Núi cao gặp hổ mà vô sự” vừa hay vừa bám sát nguyên tác. Thế nhưng Lê Xuân Đức lại không vừa ý: “Nếu dịch vô dạng là vô sự thì chưa chính xác. Trước tai họa gặp hổ mà nói là vô sựgặp nguy hiểm rồi đấy chứ. Có nhà nghiên cứu cho biết vô dạng là lời người xưa hỏi thăm người gặp nguy hiểm nhưng được yên lành, không có chuyện gì xảy ra, nên vô dạng có nghĩa là bình yên, yên ổn và đề nghị dịch là: Non cao gặp hổ mà yên ổn.

Chẳng có ”nhà nghiên cứu” nào đâu. Lê Xuân Đức hãy giở Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Trần Văn Chánh ra mà xem nghĩa của chữ dạng: Bệnh xoàngViệc gì như hỏi thăm ai thì nói vô dạng không việc gì chứ? 3. An nhiên vô dạng: Bình yên không có việc gì.

Lê Xuân Đức lại giở thêm Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh: “Vô dạngKhông có tật bệnh,lo lắng gì-không có hề gì, không nguy hiểm gì.

Vô sự tức không có chuyện gì xảy. Mà không có chuyện gì xảy ra nghĩa là yên ổn, bình an chứ còn gì nữa?

Riêng chuyện Lê Xuân Đức thắc mắc: “Trước tai họa gặp hổ mà nói là vô sự, gặp nguy hiểm rồi đấy chứXin giải thích thế này: Bác Hồ viết “Núi cao gặp hổ mà vô sự, Đường phẳng gặp người bị tống lao” là muốn tạo ra hiệu quả so sánh, đối lập giữa hổ và người (cụ thể là chính quyền bắt giam Bác) để nói “chính sự hà khắc còn đáng sợ hơn hổ dữ” đó.

Vì không hiểu ý tứ sâu xa trong câu thơ của Bác nên Lê Xuân Đức mới sửa lời thơ dịch của Nam Trân: “Núi cao gặp hổ mà vô sự” thành: “Non cao gặp hổ mà yên ổn” (!) Đọc lên thấy tênh hênh như vậy đó.

Nói thêm: Chuyện Hà chính mãnh ư hổ và câu nói của Khổng tử với học trò khi đi qua núi Thái Sơn nhiều bạn đọc đã biết. Nhưng xin ghi lại để nếu tình cờ đọc được Lê Xuân Đức khỏi thắc mắc, chê bai Nam Trân: Khổng Tử đi ngang qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà đang khóc lóc ở mộ rất bi thương. Phu tử tựa đòn ngang xe, cúi xuống nghe thấy, sai Tử Lộ hỏi bà rằng: “Tiếng khóc của bà dường như đang có nỗi đau buồn chất chứa?Người đàn bà mới trả lời:”Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì hổ, sau đó chồng tôi chết vì hổ, bây giờ con trai tôi cũng chết vì hổ. Phu tử mới hỏi: ”Tại sao bà lại không bỏ đi nơi khác?” Người đàn bà đáp lại: ”Vì ở đây chính sự không hà khắc. Phu tử mới quay lại nói: ”Các trò hãy ghi nhớ điều đó. Chính sự hà khắc còn tàn bạo hơn hổ vậy. (theo sách Lễ Ký -HTC dịch lại trên cơ sở bản dịch của Trần Văn Chánh)

3. Bài ”Viết thay báo cáo cho bạn tù”:

Đồng chu cộng tế nghĩa nan từ,

Thế hữu biên tu báo cáo thư.

Phụng thử đẳng nhân kim thủy học,

Đa đa bác đắc cảm ân từ.

Nam Trân dịch nghĩa:

Cùng hội cùng thuyền việc nghĩa khó từ chối,

Viết hộ báo cáo giúp bạn;

Phụng thử đẳng nhân nay mới học,

Thế mà đã nhận được bao lời cảm ơn.

Và dịch thơ:

Cùng hội cùng thuyền nên phải giúp,

Viết thay báo cáo dám từ nan;

Chiểu theo thừa lệnh nay vừa học,

Đã được bao lời bạn cảm ơn.

Với bản dịch này của Nam Trân, Lê Xuân Đức lên giọng kẻ cả: “Bản của Nam Trân thanh thoát, giản dị như nguyên tác. Tuy nhiên, cần chuyển ngữ một số từ sao cho sát nghĩa, đúng nghĩa. Ví như nan từ có nghĩa là khó từ chối, nếu chuyển nan từ thành từ nan thì vẫn chưa rõ nghĩa, thậm chí còn có thể gây hiểu lầm từ chối một việc khó khăn, từ nan như bản dịch.

 Ở đây, Lê Xuân Đức không hiểu, hoặc hiểu lầm là do trình độ hạn chế của mình, phải đâu tại cụ Nam Trân dịch thơ? Được biết Lê Xuân Đức rất am tường lịch sử và văn học Việt Nam, vậy xin ông bớt cao ngạo một chút để đọc lại hai câu thơ đánh giặc Đèo Cát Hãn của Lê Lợi trên bia cổ Hào Tráng, khắc trên vách đá sông Đà, (nay đã được đem về Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hòa Bình):

– Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,

 Lão ngã do tồn thiết thạch can.

Nghĩa là:

Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn,

Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá.

Đọc lại rồi, chắc Lê Xuân Đức hiểu tại sao Lê Lợi cũng dùng hai chữ “từ nan (giống như cụ Nam Trân) mà mọi người vẫn không hiểu lầm là Lê Lợi đã “từ chối một việc khó khăn? Bởi trước hai chữ “từ nan” có chữ ”bất. “Bất từ nan” là không ngại khó khăn. Với Nam Trân, đã có chữ “dám” đứng trước hai chữ “từ nan”, thành: “dám từ nan, là không dám từ chối khó khăn: Viết thay báo cáo dám từ nan” (Chữ “dám” ở đây nghĩa là đâu dám, không dámViệt Nam tự điển: Dám: bạo, không sợ. Dẫu mòn bia đá dám sai tấc vàng (Kiều).

Vậy, Hồ Chí Minh dùng “nan từ” là khó có thể từ chối, Nam Trân dịch là “dám từ nan” nghĩa là không dám từ chối, thì có đâu là nghịch nghĩa, có gì mà hiểu lầm? 

Như thế, cái “vốn Hán học phong phú, lại am hiểu lịch sử và văn học Việt Nam, lịch sử văn học Trung Hoa đến độ sâu sắc (chữ của Nhà thơ Hữu Thỉnh khen tặng LXĐ) cộng bốn mươi năm nghiên cứu thơ Bác của Lê Xuân Đức đang phô bày một cách rất chân thực qua từng câu, từng chữ trong sách Nhật ký trong tù và lời bình.

Cũng trong bài Viết hộ báo cáo cho người bạn tù, câu “Phụng thử, đẳng nhân kim thủy học, Nam Trân dịch: Chiểu theo, thừa lệnh nay vừa học. Lê Xuân Đức lại không bằng lòng và tiếp tục “truy” Nam Trân: ‘Cũng như những từ phụng thử, đẳng nhân là các từ thường dùng trong các bản tấu biểu xưa của Trung Quốc, nay các công văn giấy tờ của chính quyền Trung Hoa dân quốc cũng có dùng (Lưu ý bạn đọc, đoạn này Lê Xuân Đức “chôm” của GS Hoàng Tranh. Nguyên văn: “Phụng thử, đẳng nhân là các từ ngữ thường dùng trong các bản tấu biểu xưa của Trung Quốc” – Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp tr.191- LXĐ chỉ bỏ đi một chữ “ngữ” trong “từ ngữ” mà thôi – HTC chú thích). Khi Bác viết hộ đơn từ cho những tù nhân, Bác đã sử dụng các từ ấy mà Bác cho là nay mới học được, kim thủy họcTrong văn bản dịch thơ những từphụng thử đẳng nhân” được dịch là chiểu theo, thừa lệnh thì chưa sát nghĩa. Song nếu bản dịch để nguyên không chuyển nghĩa thì sẽ có bạn đọc không hiểu nghĩa câu thơ.

 Như thế, Lê Xuân Đức chê cho có chê. Mà chê lại không đúng tí nào:

 – Ba từ “kim thủy học” nghĩa là nay mới (bắt đầu) học (kim = nay; thủy = bắt đầu). Ý Bác nói những từ ấy vốn xa lạ với Bác, Bác không dùng đến (vì khi còn tự do, có dùng làm gì đâu?). Nay vì cảnh ngộ, bất đắc dĩ mới phải học cách dùng. Thế nhưng “kim thủy học” (nay mới học) Lê Xuân Đức lại dịch là “nay mới học được. Thưa ông, “nay mới học” và “nay mới học được” ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bởi “nay mới học được của Lê Xuân Đức có nghĩa: điều cần thiết ấy đáng ra phải biết, phải học được từ lâu rồi mà lại chẳng học trước đi, hoặc chẳng ai dạy cho mà học (!).

 – Lê Xuân Đức chê Nam Trân dịch: “chiểu theo, thừa lệnh thì chưa sát nghĩa”, nhưng ngay sau đó lại thừa nhận: “Song nếu bản dịch để nguyên không chuyển nghĩa thì sẽ có bạn đọc không hiểu nghĩa câu thơ. Thế là Lê Xuân Đức cũng chẳng biết làm thế nào hơn. Ở đây, Lê Xuân Đức còn thể hiện một điều ấu trĩ, máy móc nữa: các từ “phụng thử, đẳng nhân” Hồ Chí Minh đưa ra chỉ có ý muốn nói đây là những từ cổ, bản thân chưa từng dùng trong các văn bản giấy tờ, nhưng vì cảnh ngộ bị bắt giam, lại gặp bạn tù không biết chữ, không viết được báo cáo, mình là người có chữ chẳng lẽ lại chối từ. Bác đã làm một việc lần đầu tiên làm, thế nhưng: “Đa đa bác đắc cảm ân từ” (Đã được bao lời bạn cảm ơn – Nam Trân dịch). Cho nên “phụng thử, đẳng nhân” đâu có quan trọng đến mức khi dịch thơ phải thật “sát nghĩa” như yêu cầu của Lê Xuân Đức? Mà Nam Trân dịch như vậy Lê Xuân Đức còn đòi “sát” thế nào nữa đây?

4. Bài Quán trọ

Chiếu lệ sơ lai chư nạn hữu,

Tất tu thụy tại xí khanh biên;

Giá như nhĩ tưởng hảo hảo thụy,

Nhĩ yếu đa hoa kỷ khối tiền

Nam Trân dịch nghĩa:

Theo lệ các bạn tù mới đến,

Ắt phải ngủ cạnh hố xí;

Nếu anh muốn ngủ ngon giấc,

Anh phải tốn thêm mấy đồng bạc.

Và dịch thơ:

Lệ thường tù mới đến,

Phải ngồi cạnh cầu tiêu;

Muốn ngủ cho ngon giấc,

Anh phải trả tiền nhiều.

Lê Xuân Đức tiếp tục đem trình độ “Trung văn” lớp đồng ấu ra dạy Nam Trân tiên sinh: Ở câu thơ thứ ba cần lưu ý đến hai từ hảo hảo. Tiếng Trung Quốc nói hảo có nghĩa là tốt, hảo hảo là tốt tốt, tương đối tốt, kha khá một chút, nếu dịch hảo hảo thụy là ngủ ngon giấc thì chưa sát nghĩa lắm, trong văn cảnh Giả như nhĩ tưởng hảo hảo thụyhảo hảo thụy có nghĩa là ngủ yên một chút, hoặc ngủ kha khá một chút mà thôi.

Mời Lê Xuân Đức xem “Hán điển tuyển tự thích nghĩa của Trung Quốc: (Hảo hảo: hình dung hẩn hảo, hoàn hảo. Nghĩa là: Hảo hảo: hình dung việc gì rất tốt, hoàn hảo).

Như thế, câu “Giá như nhĩ tưởng hảo hảo thụy”, cụ Nam Trân dịch nghĩa: Nếu anh muốn ngủ ngon giấc, dịch thơ: Muốn ngủ cho ngon giấc, có gì là ”không sát nghĩa lắm”? Mà dẫu có “chưa sát nghĩa lắm”, cũng đâu có “tày đình” như tội phá hỏng nguyên tác thơ Hồ Chí Minh, lại đạo văn để bình văn như Lê Xuân Đức? Đây là dịch thơ kia mà? Cụ Nam Trân đâu có dịch sai, hoặc dịch làm mất đi ý nghĩa quan trọng của nguyên tác? Vả lại cái ý tưởng “hảo hảo thụy có nghĩa là ngủ yên một chút, hoặc ngủ kha khá một chút Lê Xuân Đức đưa ra để chê Nam Trân (giả sử có đúng và hay) cũng đâu phải là phát hiện của ông? Các vị Nam Sơn, Nguyễn Thế Nữu đã từng dịch (trích lần lượt): Ví anh ngủ yên đôi chút và: “Giá như anh muốn ngủ khá chút ít” hãy còn rành rành trong Nhật ký trong tù và lời bình do chính Lê Xuân Đức chép lại đấy thôi. Sao lại có kiểu lập lờ đánh lận con đen như vậy?

 5. Bài ”Mới đến nhà lao Thiên Bao”

Lê Xuân Đức “chấm điểm” cho mọi người, và tiếp tục “phê” Nam Trân: “Bài thơ Sơ đáo Thiên Bảo ngục là một trong những bài thơ có nhiều bản dịch, bản dịch nào cũng khá trôi chảy, giàu chất thơ. Tuy nhiên, có bản dịch còn những hạt sạntuy giữ được âm điệu thơ nhưng lại không diễn dịch được đúng cái thần của nguyên tác. Ví như hai câu:

Triệt hạ hựu vô an thụy xứ,

(đúng ra là triệt dạ, LXĐ phiên thành triệt hạ – HTC)

Xí khanh thượng tọa đãi triêu lai.

Mà dịch là:

Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ,

Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.

Thì quả là không ổn chút nào, bởi nghĩa trong nguyên tác là:

Suốt đêm lại không có chỗ ngủ yên,

Ngồi trên hố xí đợi trời sáng.

Hiểu hai chữ lại khổ mang ý nghĩa ca thán thì càng không chính xác. Như ta biết, dù bị hành hạ, dù khổ cực đến mấy, có bao giờ Bác than thở đâu.

Đoạn này, Lê Xuân Đức nên đọc lại hai câu đầu của bài thơ:

Nhật hành ngũ thập tam công lý,

Thấp tận y quan, phá tận hài;

(Cả ngày đi bộ năm mươi ba cây số,

Ướt hết áo mũ, rách cả dép)

 Như thế, ý thơ rất rõ: Ban ngày đã khổ sở, vất vả mệt nhọc, những tưởng đêm về được nghỉ ngơi, nhưng “Suốt đêm lại không có chỗ ngủ, Phải ngồi trên hố xí đợi trời sángChính Lê Xuân Đức đã dẫn: “Trần Dân Tiên kể: Ban đêm, cụ Hồ phải ngồi trên cầu xí ngay ở trong phòng giam. Nhưng cụ vẫn không được yên ổn. Lâu lâu lại phải đứng dậy nhường chỗ cho một người đi ỉa đêm. Như thế, ngày đã khổ, đêm lại càng khổ! Hai chữ “lại khổ” Nam Trân dịch có phải là “than thở” hay không? Và “than thở” với ý lên án chế độ ngục tù, hay than thân trách phận phụ thuộc vào trình độ cảm nhận của Lê Xuân Đức. Không nên đổ lỗi cho câu thơ Nam Trân dịch. Bởi “Thịt da ai cũng là người. Tình cảnh cùng cực chất chồng của Bác như thế, Nam Trân dịch là “Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ, Ngồi trên hố xí đợi ngày mai” mà còn chê là “hạt sạn” thì Lê Xuân Đức còn “muốn gì” ở đây nữa cho không có “sạn”?

Có lẽ phải phong cho Lê Xuân Đức là “Thánh chê” mới phải?!

6. Bài Tức cảnh

 Hai câu:

Tổ quốc chung niên vô tín tức,

Cố hương mỗi nhật vọng hồi âm.

Nam Trân dịch thơ:

Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng,

Tin tức bên nhà bữa bữa trông.

Lê Xuân Đức tiếp tục cao giọng: “rất đáng tiếc từ Tổ quốc được chuyển ngữ là cố quốc. Tuy cố quốc cũng là nói Tổ quốc, nhưng hai chữ Tổ quốc trong bài thơ có một ý nghĩa đặc biệt. Trong tập Ngục trung nhật ký, khi nói về Tổ quốc, Bác đã dùng: Việt địa (đất Việt), Nam thiên (trời Nam), cố hương, non sông…chỉ duy nhất một lần trong bài thơ Tức cảnh này, Bác mới dùng hai chữ Tổ quốc. Đây chính là nhãn tự của bài thơ, thần thái của bài thơ. Rất mong có bản dịch giữ nguyên được hai chữ Tổ quốc.

Cái kiểu “thẩm bình” đếm đếm, xem xem mấy lần Bác dùng từ Việt địa, Nam thiên, Tổ quốc; cố hương, non sông (mà Ngục trung nhật ký là thơ chữ Hán, Bác dùng từ “non sông” bao giờ vậy thưa ông Lê Xuân Đức?) là kiểu dụng công của học trò. Đâu phải phát hiện gì đáng kể? Hơn nữa Lê Xuân Đức tiếc hai từ “Tổ quốc và coi đây là “nhãn tự” của bài thơ chỉ với lý do là nó xuất hiện một lần duy nhất trong ”Nhật ký trong tù” là sáo. Vậy, bây giờ bình đến bài “Bệnh trọng” ông lại nói, từ “Việt địa” cũng xuất hiện một lần duy nhất rồi tán tụng chữ đó là “nhãn tự” hay sao? Lê Xuân Đức hãy cùng chúng tôi đọc lại thêm lần nữa:

Tổ quốc chung niên vô tín tức,

Cố hương mỗi nhật vọng hồi âm.

Nguyên tác: “Tổ quốc” (câu trên) đối với “cố hương (câu dưới). Từ “cố hương ở đây gợi nỗi nhớ nhung, xa cách vời vợi của Bác – một người tha hương, lại đang lâm cảnh ngộ lao tù chưa biết khi nào được ra. Khi dịch thơ, Nam Trân đã giữ lại chữ “cố” của tác giả Ngục trung nhật ký bằng cách chuyển “cố hương” thành “cố quốc”: “Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng, Tin tức bên nhà bữa bữa trông” là rất thơ, rất đúng, sao Lê Xuân Đức còn phải phàn nàn, chê bai?

7. Bài Bạn tù họ Mạc

Hai câu:

“Xa đại pháo” tài chân vĩ đại,

Tại tù nhưng tưởng ngật nhân sâm.

Lê Xuân Đức dạy: “Ở đây cần lưu ý đến chữ tài. Trước đây có mấy bản dịch thơ đã dịch với nghĩa là tài giỏi. Từ Hán, tài trong văn cảnh này có nghĩa là mới, một tật xấu: một tấc đến trời, thì không thể cho là tài giỏi được.

Chẳng có ai dốt tới mức, dịch chữ “tài” là mới thành tài giỏi như Lê Xuân Đức nghĩ. Mà ai dịch như vậy, sao ông không trích dẫn? (Ngoài chê Nam Trân những điều không đáng chê, Lê Xuân Đức còn tạo ra những cái sai giả tưởng, để chính ông quay lại giảng giải, phê phán, phân tích, đính chính vẻ rất uyên thâm. Với cách này Lê Xuân Đức đã lừa được bao người). Lê Xuân Đức nên nhớ, Nhật ký trong tù không viết bằng văn ngôn (cổ văn) mà là văn bạch thoại. Chữ nghĩa của Hồ Chí Minh lại trong sáng, giản dị nên dẫu có “ý tại ngôn ngoại” thường vẫn rất dễ hiểu. Ví như câu: “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan” trong bài Đi đường, cụ Nam Trân đã dịch: Đi đường mới biết gian lao từ giữa thế kỷ trước rồi. Lại nữa, Lê Xuân Đức cho rằng “một tật xấu: một tấc đến trời, thì không thể cho là tài giỏi được. Nhưng Lê Xuân Đức hãy yên tâm. Bốc phét, khoe khoang khoác lác vẫn được người ta gọi là “tài” là “giỏi” như thường. Chẳng hạn, người ta thường vẫn nói: “Ông (lão, thằng) ấy chỉ có tài (giỏi) bốc phét thôi”. Thế nên, Lê Xuân Đức đừng ngạc nhiên khi có người khác dịch hoặc nói đến chuyện “tài giỏi” trong câu “Xa đại pháo tài chân vĩ đại”. (Thực ra câu “Xa đại pháo tài chân vĩ đại” Khương Hữu Dụng đã dịch: Ba hoa khoác lác thật là tài, và đã được chính LXĐ in vào sách của ông). Cũng như cái tài “xa đại pháo, tài nổ như pháo ở đây đã được tác giả Nhật ký trong tù mỉa mai là “chân vĩ đại” đó thôi! Thậm chí trong lịch sử văn học có nhân vật vừa phét, vừa láo, dám ngang nhiên “đá bèo” giữa ban ngày còn được tôn là “trạng” nữa kia mà!

 8. Bài Đường đời khó khăn

 Câu: “Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân” (Định đến Trung Hoa để gặp người quan trọng) Lê Xuân Đức lại chê: “Nam Trân dịch thơ: Tìm đến Trung Hoa để hội đàm thì xa ý. Sau này Trần Đắc Thọ dịch là: Định gặp yếu nhân của đất Hoa tuy sát ý hơn nhưng lại yếu chất thơDịch thơ là như vậy đó. Được cái nọ lại mất cái kia là chuyện thường. Phần Lê Xuân Đức, ông có cách dịch để được cả hai sao không công bố? Nếu dịch dở, dịch sai, độc giả có quyền chê. Nhưng chê theo cách dạy bảo “dễ ợt” của Lê Xuân Đức mới thật trớ trêu!

Lê Xuân Đức không hiểu thế nào là thơ và dịch thơ thì phải thế nào nên loạn bàn lung tung cả. Thế nhưng, tại sao Lê Xuân Đức lại cứ nhắm vào Nam Trân và Viện văn học mà “xô”, mà “dìm” nhỉ? Nam Trân tiên sinh (1907-1967) là bậc túc nho, người chủ trì dịch và có nhiều bản dịch thơ Nhật ký trong tù hay nhất, đạt nhất cơ mà? Có lẽ Lê Xuân Đức đã từng và vẫn muốn dựa bóng, thậm chí dẫm đạp lên lưng những người khổng lồ để được cao lớn hơn một cách mau chóng, bất chấp tất cả!

Theo chúng tôi, để hiểu được thơ Bác và “trao đổi” được với cụ Nam Trân, Lê Xuân Đức ít nhất cũng cần có thêm 40 năm nữa để trau dồi Hán học và viết lại cái tên Đức cho đúng nghĩa. Lúc đó, nếu Dịch giả – Nhà thơ Nam Trân rộng lòng cho phép, Lê Xuân Đức có thể trực tiếp gặp Nam Trân tiên sinh ở “bển” mà “phê” mà “thẩm” mà “bình” cũng chưa muộn! Sao phải vội vàng, cẩu thả, cho ra đời cuốn sách đầy rẫy những sai sót như “Nhật ký trong tù và lời bình?

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.