Thơ Vladimír Holan

Diễm Châu dịch

Holan 1Vladimír Holan (16//9/1905-31/3/1980) là nhà thơ Tiệp Khắc nổi tiếng, cùng thời với Vitezslav Nezval, Jaroslav Seifert, Konstantin Biebl, Frantisek Halas và Karel Taige.

Trong  bài viết Một bài học lịch sử nho nhỏ của mình, Milan Kundera đã gọi họ là “những thi sĩ của thế hệ sinh cùng với thế kỷ, chòm sao lớn nhất của toàn bộ lịch sử thi ca Tiệp.”

Có thể nói cuộc đời và thi ca của Vladimír Holan gắn chặt với những biến động xã hội, những thăng trầm, những đổi thay dữ dội của đất nước ông trong gần trọn một thế kỷ. Nhưng, bất luận trong hoàn cảnh nào, với ông, mục đích sống của nhà thơ thật minh bạch, thật kiên định: “Làm sao người thi sĩ (ở bên trong hay bên ngoài) lại có thể không mong ngóng biến đổi khuôn mặt của cái thế giới ích kỷ, thú vật, thảm khốc này, biến đổi nó với mục đích cuối cùng riêng biệt: đạt tới người. Là vì hàng triệu người trong chúng ta vẫn chưa trở thành người, và tôi vẫn còn có thể thấy quá rõ những đôi môi đau đớn ấy, những đường hằn khủng khiếp ấy của đói khát, nghèo đói và nhục nhã tàn tệ”.

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thơ rút ra từ các tập thơ Cho người (1947), Không đề (1963), Lên đường (1964), Trialogui (1964), Đau đớn (1965), Cho đến hơi thở cuối cùng (1967), Một con gà trống cho Esculape (1970), Áp chót (1982)… của ông in trong Thơ Vladimír Holan, NXB Trình Bầy 1992, bản dịch Diễm Châu.

Xin lưu ý, vì một thời gian dài V. Holan không được xuất bản nên thời gian sáng tác và thời gian sách in ra nhiều khi cách xa nhau nhiều năm.

Ý Nhi

 

SÔNG VLTAVA NĂM 1946

 

Đứa trẻ đứng trên bờ

với một cái túi nặng trĩu chứa đầy những trái mơ đã lượm

và nức nở, rên rỉ vì không có tiền qua sông

nó bị suy nhược tàn tệ, thiếu ăn tới mức độ

không còn những móng tay và cái cổ khẳng khiu

dường như đã lâu ngày bị siết lại bằng sợi dây thừng của

hồi chuông báo tử

 

Khi mi cho nó lên phà nó im lặng, nghi ngại khiến nó không

nhúc nhích

và chỉ mãi đến khi vô tình thò bàn tay nhỏ bé xuống dòng nước

nó mới ao ước chuyến đi không kết thúc quá mau

lâu lâu nó ngoái nhìn mi với đôi mắt của một con chó bị đánh

nó cảm thấy mình thuộc thành phần nhân viên trên phà, nó

hạnh phúc

và hạnh phúc khiến nó phải kêu lên:

“cháu, cháu cũng đã ở trong trại tập trung”

thôi nào, đừng nói láo nữa, người ta bắt bẻ

‘cháu xin thề!

đừng bày chuyện…”Cháu xin thề! Cháu xin thề!”

đứa nhỏ khốn khổ đáng thương vẫn giữ vững nhưng không

một ai tin nó

 

Và mi đã giúp nó qua nhiều lần từ bờ này sang bờ kia

rồi mi từ biệt nó…Nhưng đứa trẻ ngại ngần một lúc

rồi như muốn, để tỏ lòng biết ơn

tâm sự với mi một bí ẩn đã giữ kỹ, điều bí ẩn quý giá nhất

của nó

nó nói với mi:” Thưa ông, ở nhà, chúng cháu cũng nuôi thỏ!”.

 

TRÊN VỈA HÈ

 

Đó là một bà bán báo đã già

ngày nào cũng khập khễnh lê chân đến tận đây

khi, rốt cuộc không còn mang nổi nữa

bà buông rơi gói báo “số đặc biệt”

ngồi lên trên và thiếp đi…

những kẻ qua lại

đã quá quen thuộc, khiến không còn nhìn thấy bà

và bà, bí ẩn, câm nín như một người nữ vu*

che khuất những gì phải phô ra

 

Trời bắt đầu mưa

 

*Nữ vu: người có thể nhìn thấu tương lai và truyền lời sấm ở thời xưa.

 

 

ĐỨA TRẺ

 

Có một đứa trẻ, tai dán vào đường rầy

lắng nghe xe lửa tới…

chìm đắm trong âm nhạc hiện diện khắp noi

nó chẳng thấy gì quan trọng

chuyện tàu tới hay đi…

nhưng mi, mi luôn luôn chờ đợi một ai đó

mi luôn luôn từ biệt một ai đó

cho đến khi mi tìm thấy chính bản thân mi

và mi không còn ở bất cứ nơi đâu…

 

 

LINH CẢM

 

Một buổi chiều tháng chạp, mi rót đầy chén rượu

và đi kiếm một cuốn sách ở buồng bên

khi mi trở lại, chén rượu chỉ còn một nửa

mi nuốt sợ và cất giọng khàn khàn

ai đã có thể uống chén rượu ấy, mi chỉ sống có một mình

chung đụng với mi chỉ có mấy cái vách đá và gai

xa khuất hẳn giống người

vì đã từ lâu mi xua đuổi khỏi đây

mọi thứ hình tượng, huyễn ảnh hay bóng ma

 

 

HẠNH PHÚC

 

Ôi tôi muốn đến thăm cái quán trọ nhỏ bé ấy biết bao

cái quán trọ, nơi tất cả đều giản đơn, nơi mình có thể gặp

cả đến người làm bếp

nơi mọi thứ đã rửa rồi lại được súc thêm một lần nữa

nơi có một cái lò sưởi bằng sắt với một cái ống thật dài

trong cái ống ta nghe gầm thét…nếu như tôi bước vào

có lẽ tôi sẽ gọi rượu nho thường, một thứ rượu nho ở nhà quê

hơi hung hung

và có lẽ tôi sẽ chờ một người bạn, tôi sẽ vui với cái vui khi

bạn tới

và anh ta sẽ tới, phải, anh ta sẽ tới

trước khi tôi nhìn xuống đáy chai rượu

chúng tôi sẽ trò chuyện, chúng tôi sẽ trao đổi, chúng

tôi sẽ uống

chúng tôi sẽ tâm sự cùng nhau những chuyện làm chúng tôi

buồn, điều đó sẽ sưởi ấm lòng chúng tôi

dẫu chỉ bằng một trông đợi trần thế

Và tôi, tôi sẽ quên đi rằng hồn những người quá cố

thật sự vĩ đại hơn là khi còn sống

phải, là bởi khi thấy họ, ta không sao cầm được nước mắt…

 

 

MILASCIO*

 

Đêm nay tôi đọc thấy trong một cuốn sách nhỏ về thiên văn

rằng có những vì sao đã rất già

và gần tắt…Biết được tin ấy

tôi liền mở cửa sổ và tìm kiếm vì sao trẻ nhất…nhưng tôi đã chỉ

tìm thấy những đám mây, trong lúc một tiếng cười đê tiện

(tựa gió hú trong ống khói của một lò hỏa táng)

khiến tôi nhận ra

một vì sao trong khoảng không giữa các vì sao, và vừa đúng

lúc hừng đông bắt đầu ló dạng

 

Hỡi người tôi yêu, làm thế nào để yêu mà không phải

tuyệt vọng

làm thế nào để tuyệt vọng mà không trở thành điên

 

*Tựa đề bằng tiếng Ý: Tôi để cho mình.

 

 

GẶP GỠ TRONG THANG MÁY

 

Chỉ có hai chúng tôi bước vào thang máy

chúng tôi nhìn nhau và chẳng nghĩ tới gì khác

hai cuộc đời, một khoảnh khắc, viên mãn, toàn phúc

nàng bước ra ở lầu năm và tôi, còn đi nữa

tôi biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nàng

rằng cuộc gặp gỡ này chỉ có một lần trong đời và chẳng bao giờ còn lại nữa

rằng ngay như tôi có bước theo nàng, thời cũng thể một

người đã chết

và ngay như nàng có trở lại với tôi

thời nàng cũng sẽ tới từ thế giới bên kia.

 

 

HỒI NIỆM 2

                               Tặng Frantisek Tichy

 

Sau nhiều giờ đi dọc ngang trong rừng

hoài công tìm kiếm cây phiền lộ*, chúng tôi bước ra

vào lúc giữa trưa và dừng lại nơi khoảng đất hoang

không khí là một tấm kim khí nóng bỏng. Chúng tôi

ngước nhìn

qua sườn đồi đối diện với những lùm cây bờ bụi

bao trùm rậm rạp. Chúng cũng im phắc như

chúng tôi lúc ấy

tôi mới toan cất tiếng hỏi một điều gì đó

thì giữa đám cây lặng tờ bất động

ảo huyền đến nhói xương, chỉ riêng có một cây,

ở độc một nơi

đột nhiên bắt đầu rùng mình

như một nốt nhạc, nhưng không có âm thanh

có thể nói, ấy là một niềm vui nhẹ nhàng thơ thới

cái tinh chất của phiêu lưu

nhưng rồi cái cây bắt đầu rì rào

như bạc sì sèo khi trở thành đen

rồi nó bắt đầu rung lên

như chiếc váy của một người đàn bà chạm phải

quần áo đàn ông khi ngồi đọc sách ở một trại điên

thế rồi cái cây bắt đầu run run và lay động

như thể bị ai đó lắc lay

giữa khi chăm chú nhìn vào vùng sâu thẳm mắt đen của tình yêu

và tôi cảm thấy như trời muốn mình phải chết đúng lúc ấy…

 

“Đừng lo”, cha tôi bảo”ấy là một cây liễu rung lá vàng”**

nhưng tôi còn nhớ tới ngày nay nét mặt tái đi của người

khi chúng tôi trở lại đó và thấy một cái ghế bỏ không dưới gốc cây.

 

* một thứ cây lá cỏ ngày xưa dùng để tháo mồ hôi và lợi tiểu

** Cây hoàng diệp liễu

 

 

MỘT BUỔI SÁNG

 

Một buổi sáng, khi mở cửa

mi thấy một đôi giày khiêu vũ trên ngưỡng cửa

mi thèm được ôm hôn chúng và ấy là điều mi làm tức khắc

và đột nhiên, sau bao năm, mi cảm thấy niềm vui

những giọt nước mắt đã từ bao lâu nay mi dồn nén

bỗng rưng rưng trong một nụ cười

và mi cười vang và hát với tất cả tâm hồn

trong một phút im lặng thật trẻ trung…

và mi đã không hỏi ai là người đẹp ấy

kẻ đã đặt đôi giày trên ngưỡng cửa

và mi sẽ chẳng bao giờ biết được điều đó

dẫu cho cái khoảnh khắc hạnh phúc này

vẫn còn giúp mi sông rất nhiều khi…

 

 

THỨC GIẤC

 

Một tiếng đập nhè nhẹ ô cửa sổ đánh thức tôi

tôi dậy coi ai đó

nhưng chỉ có đêm tối, một cây liễu và một cái giếng cạn

và trong tay một cái đáy ly

hiện ra trong im lặng

 

Nhưng khi tôi đi nằm lại

tôi đã thấy trong lớp chăn mền lật bật

kẻ nằm ngủ: Ấy là chứng điên rồ của tôi.

 

 

SAU LỄ THÁNH MARTIN

 

Sau lễ thánh Martin ít lâu

tôi đang bước qua cánh đồng

Gahatagat… cảm thấy thật lạ thường

đến không còn biết hôm ấy là thứ mấy

nhưng tuyết rơi cũng đã khá lâu

có những đợt tuyết lớn

và gió thổi rất mạnh

khiến tôi phải cúi mặt

và đột nhiên nhìn thấy với trái tim co rúm

ở mỗi bước trước mặt

đều có một vết chân còn mới

 

Chung quanh không có lấy một bóng người

vậy thì ai đang bước trước tôi

ấy là tôi đang bước trước chính mình.

 

Comments are closed.