Chùm truyện ngắn của Nguyễn Văn Thiện

NGUYENVANTHIENNguyễn Văn Thiện sinh năm 1975, tốt nghiệp Sư phạm Đại học Vinh, đang dạy học ở Đak Lak.

Đã xuất bản: Nắng trước cửa thiên đường (tập truyện, 2011).

 

 

 

 

 

Ba người bay theo bướm

 

Tây Nguyên chớm vào mùa mưa, chớm mùa mưa cũng là bắt đầu mùa bướm. Bướm nhiều vô kể, mà tôi thì rảnh vô cùng. Buổi sáng, không biết làm gì, tôi đi xem bướm, buổi chiều, không biết làm gì, tôi đuổi theo bướm, buổi tối cũng không biết làm gì… Đời chỉ là một cuộc rong chơi.

Nhưng tôi vốn nhát, khi lên núi không dám đi một mình, tôi rủ cả tuổi thơ và tuổi già của tôi cùng đi luôn thể. Trong tôi có ba đứa: Tôi hiện tại tráng niên và tôi ngày xưa tuổi nhỏ và tôi ngày sau tuổi già. Ba đứa chơi với nhau hòa thuận, đùm bọc, yêu thương như ba cha con, ba anh em hoặc ba ông cháu. Tôi tuổi thơ reo vui: Ồ, đẹp quá đi, lũ chúng nó đều có màu vàng và màu trắng! Tôi tráng niên nhếch mép nhìn theo những cánh hoa màu ngọc, trong khi tuổi già trầm ngâm nhìn cái gì xa xôi trên đỉnh núi. Tuổi thơ vừa đi vừa nhảy vừa huýt sáo, tráng niên bước chậm rãi, tuổi già lọ mọ dò đường. Ba đứa chúng tôi rủ nhau lên núi Chư Mang…

Lên đến nửa dốc, tuổi già ngồi nghỉ lại, vừa đấm vào gối vừa lầm bầm than thở hoặc chửi rủa. Tuổi thơ tung tăng rẽ dọc rẽ ngang rồi mất hút. Chỉ còn lại tráng niên điềm tĩnh bước. Trên núi Chư Mang có một khe nước mát lạnh, nước chảy bốn mùa, dầm dề phồn thực. Tôi ngửa mũi khịt khịt đánh hơi tìm hướng để đi.

Trên ấy tha hồ bướm. Những cánh bướm sặc sỡ lười biếng suốt ngày uống nước và múa hát. Đời vui biết mấy. Đầu giục chân bước nhanh. Càng lên cao càng lạnh đến sởn da gà. Khi đi có ba người, bây giờ, nơi lưng chừng dốc, chỉ còn lại một tôi. Cô đơn quá, tôi gọi: Tuổi thơ ơi, mày lạc đâu rồi! Tuổi già ơi, nhanh lên tôi đợi! Chỉ có tiếng núi hú hét đáp trả, chỉ có tiếng lá rì rào đáp trả. Có tiếng gì từ trên đỉnh cao xanh vọng xuống, như một tiếng cười mời mọc hoặc thách đố.

Xế chiều, nắng vàng ruộm trên vạt bằng lăng trổ bông. Tuổi thơ ngước mắt lên nhìn. Nó thấy một bầy thằn lằn núi đang chuyền cành. Con nọ cắn vào đuôi con kia thành một hàng dài. Tuổi thơ thích quá đứng hẳn lại xem và cổ vũ. Nó quên rằng, đoạn đường phía trước còn rất dài, khe nước ở tít mãi trên đỉnh núi cơ, xa lắm! Với lại, bướm, đối với tuổi thơ, chỉ là một trò chơi xa lạ, nó thích trò cắn đuôi của bọn thằn lằn núi. Bọn thằn lằn mời tuổi thơ chơi, nó nhiệt tình tham gia ngay.

Nó cắn miệng vào đuôi một con phía trước, tay đưa ra sau nắm đầu một con khác, rồi chuyền cành. Trong khi đó, tuổi già mỏi mệt dò đường, sắp đến rồi, sắp đến rồi, ông ta vừa bước vừa tự động viên…

Tôi bước đến gần khe nước lạnh vào cuối chiều. Chỉ một chút nữa thôi là bóng đêm sẽ đổ xuống. Ngồi bên tảng đá, vục nước rửa mặt. Không có bướm. Có lẽ, những bạn bướm xinh đẹp sau một ngày múa hát mệt mỏi đã tìm về ngủ sau vòm lá. Tôi vớt được từ dưới suối rất nhiều đôi cánh, đưa lên mũi ngửi, rất thơm. Hương thơm của cỏ cây, của nước, hay của gió, của đất trời, của núi Chư Mang? Tôi tỉ mẩn xếp những đôi cánh lại trên tảng đá, làm chiếu, làm chăn, và ngả lưng nằm ngủ.

Bạn đã bao giờ ngủ như thế này chưa? Tuyệt lắm. Giấc ngủ bình yên, không hề chiêm bao, không hề mộng mị, không nghiến răng, kéo gỗ hay chép miệng. Và sáng ra, trở dậy khi nắng bừng trước mặt, tôi bước xuống khỏi tảng đá bên suối, thấy mình nhẹ bẫng.

Tôi chỉ còn lại một-phần-ba!

Không còn đầu, không còn ngực, không còn bụng, chỉ còn đôi chân dính vào khớp háng, như một xác người bị hổ vồ, nuốt dở, còn sót lại phần dưới. Tôi bước đi nhẹ bẫng như bay. Và khi đó, các bạn bướm bắt đầu xuất hiện. Chúng tôi nhảy múa và hát tưng bừng. Cuối cùng, sống cũng chỉ để chơi thôi, các bạn bướm thơm lừng ghé vào tôi nói nhỏ.

Khi tôi ngủ trong vô vàn cánh bướm thì tuổi già chui vào một hốc cây.

Ông ta ngồi thu lu trong đó đợi đêm tàn. Tuổi già thật khó ngủ, ông ta than thở như vậy và thò tay nhặt những con kiến vàng béo ngậy bỏ vào miệng cho đỡ đói. Ông nguyền rủa đứa nào rủ rê ông đi chơi xa rồi bỏ ông lại một mình. Suốt đêm như thế, tuổi già ăn hết nguyên một tổ kiến vàng, như một con kỳ đà ăn tổ mối…

Những chú kiến vàng láu lỉnh không kém, chúng giả vờ chết để trôi tuột vào miệng tuổi già, rồi làm tổ trong đó. Rồi chúng hè nhau gặm ngược trở ra. Cho đến sáng, tuổi già đã bị kiến gặm gần hết, chỉ còn lại cái đầu hoa râm.

Tuổi già cũng chỉ còn lại một-phần-ba!

Lũ thằn lằn núi chơi không biết mệt, chúng chuyền cành trong đêm khuya, cười đùa trong đêm khuya. Tuổi trẻ chơi không biết chán. Nó nằm dài trên cành cây, bọn thằn lằn bu quanh, cắn tay cắn chân cắn đầu cắn đít nó lôi đi, vừa cắn vừa cười nắc nẻ. Đến khi trời sáng rõ, lũ thằn lằn núi bỏ đi. Tuổi trẻ đã bị cắn đứt đầu và đứt hai chân.

Tuổi trẻ, thật trùng hợp, bây giờ cũng chỉ còn lại một-phần-ba!

Trên đỉnh núi cao, khi trời đổ mưa, lạnh không kể xiết. Nhất là khi chúng tôi không còn nguyên vẹn nữa. Vì vậy, chúng tôi gọi tìm nhau giữa muôn trùng hoang vắng. Tuổi trẻ ơi, mày đi lạc phương nào? Tráng niên ơi, mày chơi ở đâu? Tuổi già ơi, nhanh lên tôi đợi? Tiếng chúng tôi vang vọng, như tiếng bướm hát ca, như tiếng núi khóc than. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm thấy nhau, phờ phạc, rách nát, mệt nhoài, dang dở.

Tuổi già lên tiếng trách móc:

“Mả mẹ mày, giờ tao chỉ còn lại chừng này!”.

Tuổi trẻ hoang mang:

“Mả mẹ nó, chúng cắn đứt hết, chỉ còn lại chừng này!”.

Tuổi tráng niên bâng khuâng:

“Mả mẹ chúng mình, đời còn lại một phần ba”.

Ba lần một phần ba sẽ là một nguyên, tôi khẳng định. Thế rồi, chúng tôi thống nhất ráp lại với nhau. Phần thân mình tuổi trẻ gắn với cái đầu tuổi già và đôi chân tôi hiện tại, cọc cạch lắm, vênh lắm, kệch cỡm lắm, khó coi lắm, nhưng biết làm sao được! Miễn là, tôi vẫn vẹn nguyên, tiếp tục lên đường.

Buổi sáng, không biết làm gì, tôi đi xem bướm, buổi chiều, không biết làm gì, tôi đuổi theo bướm, buổi tối cũng không biết làm gì…

Chẳng qua là một cuộc rong chơi…

 

Lửa xanh

                                     

Đám cháy hình vầng trăng đã lan qua đám rẫy bên cạnh. Chúng tôi giả vờ dập lửa và reo hò không ngớt. Vì sao lại reo hò khi có lửa cháy ư? Không biết. Chỉ biết lâu rồi, từ lâu lắm, chúng tôi chơi với lửa. Lửa sưởi ấm bạn, lửa soi sáng cho bạn và bây giờ, lửa đốt cháy bạn, có gì lạ đâu? Tại sao lại không được reo hò. Và như một tất yếu, chúng tôi cháy lên cùng với cỏ dại với cây rừng với muông thú. Những hình hài trần trụi, đen như số phận của dân tộc bên kia quả đất.

Sau vụ cháy, chỉ còn lại tàn tro. Và những trái tim lăn lóc. Chúng tôi đó, những trái tim chúng tôi đó, vật còn lại sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng đó, bạn thấy không, bốc khói ngùn ngụt và bầm đen máu ướt. Giờ đây, khi đã không còn tồn tại như một con người, tôi mới chính thức được tự do, được nhìn sâu vào trong trái tim mình bằng cặp mắt của một kẻ đứng ngoài lề.

Những hình ảnh vô cùng quái dị chưa từng thấy bao giờ.

Đầu tiên là gương mặt của một cụ già với những nếp nhăn xô nhau chạy vào mắt. Đó là một gương mặt hình hộp, vuông vức như một gói quà sinh nhật khi bạn mười lăm tuổi. Trong hộp vuông, đôi mắt sẽ như thế nào? Dĩ nhiên, nó hình vuông. Trong đôi mắt hình vuông là những giọt nước mắt hình vuông. Những giọt long lanh như hồng ngọc, vuông vức xếp cạnh nhau, chẳng biết vì lí do gì tồn tại. Cụ già ấy đã từng khóc ư? Có thể lắm, ai trong đời không khóc ít nhất một vài lần. Nhưng khóc ra máu thì hiếm. Tôi không biết hình ảnh này đã được tim mình lưu giữ từ lúc nào ở đâu. Nó choán hết một góc không nhỏ của tim, vì thế, vào những ngày nắng oi, tim rất mệt, hơi nhức, giờ tôi mới hiểu…

Tôi nhìn vào trái tim mình, như trẻ thơ mân mê đồ chơi, như người lớn mân mê đồ chơi. Nếu lấy con dao sắc, cắt vạt một nhát lẹm từ cuống xuống, rồi đặt lộn ngược, quả tim trông tương tự một vết sẹo để đời, nham nhở. Từ vết sẹo định mệnh ấy, hình ảnh em hiện về, như gió, như sương. Em và tôi đã từng đi chung một đoạn đường, đúng không? Rồi em tan vào sương, vào khói, vào bất cứ chỗ nào có thể tan được, đúng không? Sao bây giờ trong tro tàn lửa cạn, lại thấy một vết thương méo mó như những mặt người trong quá khứ? Tại sao?

Chính tôi đã đốt lửa lên trên vạt rẫy của mình, rồi cũng chính tôi ôm lấy trái tim khi nó không còn đập nữa, trên tay. Đừng vội kết tội chúng tôi nổi loạn. Sự thực khác hơn nhiều. Đây là một cuộc chơi, chúng tôi đốt mình lên để chơi, lấy xương máu tim gan của mình bày ra để chơi. Vì thế, điều mọi người thấy không có nghĩa là tôi phải thấy, điều mọi người tin là tôi phải tin, điều mọi người yêu là tôi phải yêu.

Khi những giọt mưa trái mùa tình cờ đi qua đám cháy, lửa than xèo xèo và khói bụi bốc lên. Tôi thấy trong tim có một tấm khăn choàng màu đỏ. Tấm khăn mở ra như bàn tay mẹ vẫy vẫy bên cạnh ruộng lúa ngày tôi hai mươi tuổi lên đường ra thành phố nhập học. Hết mưa, mà mưa nhanh hết lắm, bàn tay ấy chuyển sang màu tím bầm. Rồi nó từ từ dài ngoẵng ra, xoắn lại, không khác gì một chiếc dây thừng…

Thuở nhỏ, đi chăn trâu, có những khi rảnh quá, chúng tôi chơi trò tự vẫn. Chiếc dây thừng buộc lên cành cây, thắt thòng lọng buông xuống. Tôi đứng trên lưng trâu, giả vờ kêu khóc, vừa thò cổ vào thòng lọng vừa vẫy tay thằng bạn ngồi dưới gốc như người ta từ biệt nhau trước khi bị hành hình. Thằng bạn cười hấc hấc rồi lượm cục đất ném vào dái trâu. Trâu ta đau quá lồng lên, tôi suýt thành một tử thi giữa đồng hoang nếu như dây thòng lọng không đứt kịp. Tôi rơi huỵch giữa bãi phân trâu còn nóng, tối về bị một trận no đòn. Ngày mai gặp lại nhau chỗ cũ, thằng bạn bảo, mày chơi ngu quá, tự dưng tự tử chi. Tôi nói, mày cũng ngu. Nó dễ dãi, ừ, chúng mình ngu bằng nhau.

Chiếc dây thừng oan khiên ấy, qua bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn giờ có màu tím bầm như máu, lại phất phới bay như tấm khăn choàng của mẹ. Chuyện chăn trâu nghịch dại ấy đã xa lắm rồi, vậy mà giờ đây, khi nâng niu trái tim mình trong tay, bỗng lại hiện về, như một lời cảnh báo vu vơ. Và khi tôi đang băn khoăn về màu sắc của tấm khăn choàng, của sợi dây thừng thì trời bắt đầu nổi gió. Trái tim co mình lại, rúm ró, nhăn nheo như một vết thương già, qua hẳn thời oanh liệt.

Từ trong thẳm sâu cốt nhục, hình như có một cánh hoa hình lưỡi liềm. Hoa hình lưỡi liềm là hoa gì, tôi làm sao biết được. Từ lâu tôi đã quên, không biết gọi tên sự vật theo cách thông thường. Nhưng nếu gọi theo cách thông thường, tôi có còn phải là tôi không? Không biết đích xác, nhưng cánh hoa lưỡi liềm ấy rất sắc. Khi nằm dọc, nó gặt lúa, khi nằm ngang, nó cắt cổ, khi dán lên một bức tranh, nó thành một biểu tượng huy hoàng của mùa hè có nắng và ve. Mà sân trường ấy, hoa ấy, ve ấy, cũng đã xa lắm rồi, như một hoài niệm buồn không bao giờ nhắc nhớ. Có điều, bây giờ, nó lại ở đây, trong vết thương già này.

Bây giờ, tôi mới bắt đầu chơi. Tôi lấy cánh hoa hình lưỡi liềm cắt cái đầu hình hộp có đôi mắt hình hộp và giọt nước mắt hình hộp ra làm hai phần bằng nhau. Một phần, buộc vào sợi dây thừng và treo lên. Tôi sẽ diễn lại cái trò treo cổ ngày xưa ngay tại đây, trên đám cháy này. Nửa còn lại, buộc vào tấm khăn màu đỏ của mẹ, tấm khăn sẽ làm dù, chúng sẽ bay đi, rất đẹp, đến một nơi nào đó tùy thích. Và khi nửa đầu đang rên xiết dưới sợi dây thừng thì nửa kia đã bắt đầu bay lên cao, cao mãi. Tôi mỏi mắt nhìn theo cho đến khi chúng nhỏ bằng một cánh chim rồi mất hút trong bầu trời thăm thẳm.

Ngoảnh nhìn bên cạnh, nửa đầu còn lại cùng với chiếc dây thừng, tất cả đã biến thành nước.

Nước xanh như là nước mắt, trôi xuôi…

 

Đã đăng ở Một thế giới.

Comments are closed.