Hương lá xông – Truyện ngắn Bùi Thanh Hiếu

Truyện ngắn của Bùi Thanh Hiếu

Tác giả gửi Văn Việt

unnamed

Bùi Thanh Hiếu- Người Buôn Gió

Văn Việt: Bùi Thanh Hiếu được biết đến như một blogger với tên Người buôn gió, tác giả tiểu thuyết dã sử Đại vệ chí dị. Anh đang ở thành phố Weimar của Đức trong chương trình học bổng do thị trưởng thành phố này cấp cho những văn nghệ sĩ từ các nước được mời đến tham quan và lấy cảm hứng sáng tác. Anh đang hoàn thành tiểu thuyết thứ hai: Từ Phất Lộc đến Weimar trong thời gian theo học một khoá báo chí.

 Lời tác giảTôi đã từng nói nhiều lần, viết nhiều lần: tôi là một gã lưu manh, vô học và cơ hội, đầy thủ đoạn. Tôi có tiền án, tiền sự và đã bị bắt tù nhiều lần.

Trong quá khứ cách đây hàng chục năm, tôi đã từng làm nhiều điều mà những kẻ lưu manh vẫn làm như buôn lậu ma túy, trấn lột, cố ý gây thương tích, tàng trữ vũ khí…

Tôi chưa bao giờ nhận mình là nhà đấu tranh dân chủ, đấu tranh cho công bằng xã hội hay những điều to lớn. Tôi chỉ là một người ham viết và viết theo ý mình. Cơ quan an ninh điều tra đã từng miệt thị nói với tôi, nguyên văn:

-Ông chỉ là kẻ đâm bị thóc, chọc bị gạo, nhận mấy đồng lẻ của bọn bên ngoài. Viết linh tinh chọc ngoáy rồi có ngày đi quá nữa là xong đấy.

Có lẽ tôi phải công nhận lời nói này là gần chính xác. Có điều tôi cần đính chính là tôi tự do viết bài theo ý mình, không theo ý ai khác.

Còn người ta gửi cho tôi tiền là sau khi họ đọc những gì tôi viết, chứ không phải tôi nhận tiền để viết cho họ. Nhưng cũng không sao, vì đời tôi đã làm những việc như buôn bán ma túy, trấn lột, đòi nợ thuê, chém người thuê, cờ bạc, cho vay lãi…, thì dẫu có bị quy kết viết bài lấy tiền cũng chẳng có gì phải ngại cả.

Xin gửi đến các bạn một truyện về nhà tù Việt Nam, nơi tôi đã từng ở đó. Truyện tôi viết đã rất lâu và từng đăng trên blog cũ đã bị ngừng hoạt động. Cũng là nhân dịp đầu năm các bạn dư luận viên đang gắng sức tung ra những bài viết về thân phận lưu manh của tôi. Một câu chuyện tù lúc này cũng là hợp cảnh.

Phần 1

Tên đội trưởng toán tù đứng trên sườn núi gào to cho tốp tù đang cấy thửa ruộng dưới chân núi nghe. Toán tù đứng thẳng người dậy thở phào, ưỡn cái lưng mỏi vì khom khom cấy. Tiếng vặn xương răng rắc. Chúng bì bõm nhấc chân nặng nề trên mặt ruộng tìm lối lên bờ. Dưới cái lán dựng tạm bợ, thân bằng cây giang nhỏ, mái là những cành cây vừa được thằng nấu cơm chặt. Vết chặt còn rỏ nhựa mà nắng gắt khiến lá cây héo rũ.

Bọn tù chen chúc dưới bóng râm ít ỏi tránh nắng ăn cơm với rau bắp cải kho muối.

Tù nấu bếp bưng cái khay cơm và rau cho đội trưởng. Hai thằng ngồi ăn riêng, tên bếp lôi ra một gói giấy báo:

-Hôm qua thằng Dũng Toét nhận lạc đà (đồ tiếp tế của gia đình) em chặt tí mều (thịt) để anh em mình lấy sức cải tạo.

Tù nấu bếp hào hứng mở gói giấy báo, bên trong là muối vừng trộn lẫn thịt ba chỉ rang cháy cạnh. Tù nấu bếp chọn thịt gắp cho đội trưởng, còn muối vừng gói lại định để lần sau ăn. Đội trưởng nhìn mảnh báo thấy mấy dòng chữ, hắn bỏ đũa vớ lấy:

-Mày lấy cái khác gói muối vừng, để tao mảnh báo. Mày lấy báo đâu ra thế?

-Báo bọc đồ của nhà Dũng Toét. Anh quấn sâu kèn à, em còn báo chữ đen, chữ mầu quấn hút khét bỏ mẹ.

-Tí nữa mày soát đồ của nó, còn mảnh báo nào lấy cho tao. Tao hay xem linh tinh.

Đội tù xếp hàng vào buồng giam, quản giáo khóa cửa, nói với đội trưởng đội tù:

– Cho chúng nó ngủ, mai dậy sớm cấy cho xong.

Quản giáo vừa đi, trong góc phòng có tiếng đấm đá huỳnh huỵch. Tiếng chửi thề.

-Đm con chó này văn vở à?

Đội trưởng lại gần, thấy Dũng Toét nằm co quắp hứng chịu những cú dận gót chân của trực buồng. Hắn quát.

– Sao đó?

Trực buồng:

– Đm thằng này nó định không chấp hành anh ạ.

Đội trưởng lừ mắt nhìn Dũng Toét:

– Mày định xuống bệnh xá để mai trốn lao động à ?

Dũng Toét ngồi dậy ngay, ôm mạng sườn nhăn nhó:

-Dạ , em có làm gì đâu. Anh ý lấy hết đồ nhà em tắc, bảo em giấu ở ngoài ruộng, em thề là không giấu tí nào, có bao nhiêu em mang ra hết. Anh ý không tin cứ đánh em.

Đội trưởng nhìn đống đồ vương vãi trước mặt. Bánh mỳ khô, bánh quy, mấy gói bột canh. Hắn hỏi trực buồng.

-Còn thiếu cái gì?

Trực buồng:

-Thằng này cứ phải giã anh ạ, thiếu gì nó phải tự biết. Anh cứ để em.

Trực buồng thúc đầu gối vào ngực Dũng Toét hỏi:

– Đm, mày biết còn gì nữa không?

Dũng toét bỏ tay ôm sườn ôm ngực mếu máo.

-Em thề với anh là nhà em gửi gì em bày ra đây hết rồi ạ.

-Này thì hết này, đm bố cho mày tự giác mà mày không biết điều, thích chết thì cho mày chết luôn.

Trực buồng vừa chửi vừa đạp tới tấp vào sườn Dũng Toét. Ôm chỗ nọ lại bị đánh vào chỗ kia, Dũng Toét quằn quại chịu đòn, nó cố nhớ xem đồ nhà nó gửi còn thiếu cái gì. Nó mếu máo khóc:

-Mẹ ơi, nửa năm mẹ mới gửi quà cho con. Con nhận quà mẹ chưa ăn miếng nào mà khổ thế này mẹ ơi.

Trực buồng nghiến răng chửi, đánh càng mạnh.

-À, đm mày định be (kêu to) cho quản giáo nghe thấy à. Mẹ mày giết mày chứ đ… phải tao. Ai bảo gửi cho mày mà không gửi cho tao.

Mỗi từ “mẹ’’ mà hai thằng kia nói ra, làm đội trưởng nhăn mặt. Hắn thở dài bảo trực buồng:

-Thôi tha nó hôm nay, mai nó còn phải đi cấy. Tối mai xử tiếp.

Trực buồng ngừng đánh, thở hổn hển:

-Nó chưa bỏ mảnh báo ra anh ạ.

Đội trưởng ớ người. Giờ hắn mới nhớ ra, hắn cứ nghĩ thằng Dũng Toét giấu dao cạo râu hay tiền nhà nó gửi nên trực buồng mới đánh vậy. Còn Dũng Toét lại phều phào:

-Dạ, báo nào em có biết đâu.

Trực buồng:

-Báo cái mả mẹ mày, báo bọc đồ ấy. Thằng Tính bếp lúc nãy nó xé của mày một mảnh san muối vừng nhớ chưa? Giấu đâu rồi? Mày có thuốc lào hay sao mà giấu báo. Định vi phạm nội quy trong buồng à?

Dũng Toét mặt méo xệch, gượng dậy rên rỉ:

-Thế mà anh không nói để em biết, em có để ý đâu. Tưởng thằng nào dích (chỉ điểm) oan em giấu cái gì.

Trực buồng:

-Nhớ là việc của mày nghe chưa, đánh cho lần sau mày nhớ không sót cái gì. Bố mày hỏi là… lại phải nhắc mày mới nhớ à? Báo đâu?

Tùng Ngọc nằm cạnh chỗ Dũng Toét bật dậy như điện giật, nó vội giở hòm đồ của nó lấy mảnh báo lót đáy hai tay đưa trực buồng:

-Dạ đây, em xin nó để lót, thùng của em bị rỉ hết rồi ạ.

Trực buồng đưa mảnh báo cho đội trưởng:

-Đây anh ạ, anh mới về không biết. Bọn này cứ phải đánh, không đánh nó lấn ngay.

Đội trưởng cầm mảnh báo, ghép với mảnh báo bọc muối vừng buổi trưa mà hắn giữ trong túi. Hắn vuốt thật phẳng, vẻ hồi hộp hắn nâng nhẹ hai mảnh báo lên hứng ánh sáng của ngọn đèn trong phòng giam.

Có tiếng rên của Dũng Toét. Đội trưởng quay lại nhìn, thấy Dũng Toét vừa lau máu miệng vùa ôm ngực. Thương hại, đội trưởng bảo trực buồng:

-Bồi dưỡng cho nó ít khói giảm đau.

Tuy đau, nhưng Dũng Toét mắt sáng ngời nhận điếu thuốc lào vê trong giấy báo. Hắn thận trọng rít từng hơi. Hai mắt đờ đẫn vì sung sướng, cảm giác đau tan biến khi khói thuốc thấm dần, lan tỏa trong buồng phổi, chạy khắp tứ chi rần rật.

Bỗng thằng Tùng Ngọc huých nhẹ, thì thào:

-Cho tao xin tóp nhé.

Dũng Toét chửi khẽ:

– Đm mày, tao nát người mới được hơi khói đấy.

Tùng Ngọc lào phào:

-Tao cũng mong bị đánh như mày để có khói. Bốn tháng nay tao chưa được hơi nào.

Dũng Toét trao mẩu tóp cho Tùng Ngọc, còn cố rít hơi dài khiến Tùng Ngọc buốt ruột thèm thuồng.

Tên bếp nhìn đội trưởng hạ hai mảnh báo xuống trước mặt, ngồi khoanh tròn, nghiêng vai, cúi đầu tư lự. Tay phải tên đội trưởng chống cùi chỏ trên đùi, bàn tay phải ôm lấy trán trùm lên cả con mắt phải. Đội trưởng đọc báo bằng mắt trái.

Tên bếp lấy vải đun bơ nước, hắn biết đội trưởng sắp muốn uống trà mạn.

Phần 2

Đội tù ăn cơm , tắm rửa xong. Đã có đứa nằm ngáy, có thằng còn đang khâu cái áo, thằng đang bôi thuốc ghẻ. Đội trưởng nhìn phòng giam một lượt rồi lại ngó tờ báo.

Dè dặt đọc từng chữ trên tờ báo, đội trưởng toán tù xem rất kỹ mảnh báo. Hắn xem mặt bên kia trước. Bài báo bên mặt khiến hắn chú ý thì hắn để dành. Bọn tù hay để dành dè sẻn như vậy từ điếu thuốc, cọng chè đến hạt muối vừng. Những cái gì ngon tù để dành cho một ngày vui nào đó như buổi liên hoan tên nào mãn hạn, hay là ngày Tết.

Đội trưởng đọc mon men, hắn để dành đến lúc không gian tĩnh lặng đọc cái phần mà hắn đang cố kìm cơn hối thúc trong lòng muốn xem.

Nước đã sôi nhờ đun bằng những thanh nhiên liệu hỗn hợp từ nilon và vải áo, sôi sùng sục trong ống bơ sữa bò han gỉ. Tên bếp pha trà, ủ trong cái bọc bằng chăn giữ nhiệt. Đợi trà ngấm hắn rót vào cái chén sành sứt quai đưa đội trưởng.

Tên bếp nói nhỏ:

-Em thấy thằng Tuấn hôm nay nhận thư vợ, nó khóc. Chắc nhà nó có chuyện gì. Mai anh phải để ý, không nó mất tư tưởng cải tạo lại bùng (trốn trại). Mai đừng cho nó ra đồng anh ạ.

Đội trưởng nhíu mày chửi:

-Đm, mày gọi nó lên đây.

Tuấn kều đang nằm im thin thít bị dựng dậy, mắt đỏ hoe. Tuấn Kều hơn đội trưởng gần hai chục tuổi. Đến chỗ đội trưởng, Tuấn Kều khúm núm hỏi:

-Cậu gọi anh à?

Đội trưởng:

-Thư vợ nói gì?

Tuấn Kều:

-Nó bảo dạo này nó bận, không đi lên với anh. Để Tết này nó lên một thể. Có thế thôi em ạ. Mấy tháng nay anh chưa có gì với em, em để cho anh khất đến Tết. Nhà anh lên anh không quên ơn em.

Đội Trưởng gằn giọng:

-Ông mang cái thư đấy ra đây cho tôi xem.

Tuấn Kều lúng túng, hắn nhìn thấy ánh mắt thúc giục, hăm dọa của tên bếp đành mò về chỗ, lấy trong gối ra cái thư đưa cho đội trưởng. Xem thư xong đội trưởng nói:

-Vợ anh nó bỏ anh thế này anh làm sao mà yên tâm cải tạo. Mai anh ở nhà đợi chuyển đội khác. Ra đồng không ai trông được anh. Đang mùa cấy người thiếu, hơi đéo đâu còn để ý anh nữa.

Nghe thấy vậy, Tuấn Kều mặt xám ngoét. Ở đội lao động bên ngoài còn tạt té kiếm cọng rau, con cua, con ốc cải thiện lấy sức sống. Sang đội khác nằm im trong trại, cải tạo đúng tiêu chuẩn của trại thì chỉ còn da bọc xương. Mà trong tù thiếu ăn dẫn đến lắm bệnh, bệnh lại thiếu thuốc điều trị dẫn tới lên đồi A1 (nơi chôn tù chết).

Cái đội tù trong trại được gọi là đội lá vàng rơi. Tức là tù của đội ấy gầy gò, ốm yếu sắp chết giống như chiếc lá vàng.

Tuấn Kều mặt dài ngoẵng van xin:

-Anh xin cậu, án tám năm giờ anh còn hơn năm thôi. Cậu giúp anh cho anh còn ngày về nuôi các cháu. Anh không biết nói gì với cậu. Trời ơi, tại vì con đàn bà khốn nạn này mà anh đi tù, giờ nó định giết anh nữa. Anh xin cậu, cậu nghĩ đến các cháu nhà anh. Cậu giúp anh cả đời anh không quên ơn cậu.

Đội trưởng nói mặt lạnh tanh:

-Anh sang đội kia, chết sao được. Khối thằng sống đến ngày về. Em thương anh thì ai thương em. Giờ tất cả biết chuyện anh. Em để anh đi ra ngoài làm, bọn nó dích lên ban giáo dục trại là em ăn gì của anh nên không có biện pháp phòng ngừa anh lúc tư tưởng anh đang dao động.

Đứa nào nó chứng minh rằng anh yên tâm cải tạo khi vợ anh nó bỏ anh đi lấy thằng khác. Hai đứa con nó vất lăn lóc cho bà nội gần tám mươi bán bánh mỳ nuôi. Anh mà trốn thì em là thằng đầu tiên phải đi cùm. Mà cùm xong thì coi như chỗ đứng làm lại từ đầu. Em tử tế nói cho anh biết trước để chuẩn bị nội vụ, còn không mai em cứ thế đề đạt thầy (quản giáo) cho anh đi.

Thôi về chỗ sắp xếp hay binh tình (xin xỏ, đổi chác) xem có gì cần dùng mang sang bên ấy. Đừng nói ơn huệ, tù mưa ngày nào mát mặt ngày ấy. Biết có sống đến ngày về đâu, mai kia có thằng nào nó bổ trộm nhát cuốc vào đầu thì đợi mà lấy ơn. Còn về xã hội mênh mông, thân mình còn chả lo được nói gì chuyện đi trả ơn ai. Lại còn tái tù nữa chứ. Từ trước đến giờ em đối xử với anh cũng đã là tốt hơn người rồi, anh đừng đòi hỏi quá đáng, em cáu đấy.

Tuấn Kều ôm đầu buồn thảm, hắn nấc những tiếng nghẹn vừa uất ức vừa đau xót. Lát sau hắn nói:

-Em ơi, em giúp anh đã nhiều anh biết, giờ em cố giúp anh lần nữa. Anh còn bà chị gái, anh sẽ viết thư cho bà ấy thăm anh. Chỉ mươi ngày là bà chị anh lên trại thăm, anh sẽ biết điều với em.

Tuấn Kều kể lể là chị hắn thương hắn lắm, cũng tại vì ghét vợ hắn mà chị không thèm thăm nom hắn. Giờ biết hắn bị vợ bỏ, thế nào cũng thăm đâu ra đấy. Đội trưởng nghe Tuấn Kều kể lể miên man về quan hệ gia đình một cách kiên nhẫn, xong đột ngột hỏi Tuấn Kều:

– Chị làm gì ?

Tuấn Kều mắt le lói hy vọng có thể bám được, hắn trả lời lắp bắp:

-Bà ấy ba… bán… bán vật liệu xây dựng, khá lắm. Nhà có cả xe tải chở hàng cơ mà.

Đội trưởng ưu tư giây lát như đắn đo rồi nói:

-Thôi muộn rồi, ngủ đi. Mai sẽ tính. Còn cái thư này để đây tôi cất.

Tuấn Kều thấy nhẹ đi chút mối lo, hắn không dám nài nỉ gì thêm. Lúc về chỗ hắn cứ len lét nhìn thằng đội trưởng, rất mong muốn biết trong cái vẻ đăm chiêu kia thằng đội trưởng nghĩ gì, có cho hắn ở lại đội hay không.

Có hay không? Tuấn Kều cố phân tích nét mặt đội trưởng đang thiên về hướng nào.

Đội trưởng thì không nghĩ về Tuấn Kều, hắn đang nghĩ về chị hắn.

Phần 3

Hắn cũng không biết sao hắn được chỉ định làm đội trưởng khi đội trưởng cũ là Nghị Cả Bã hết hạn, về. Trong đội còn hai phạm nhân mà ngoài đời lẫn trong tù đều khét cả. Cả tuổi đời và tuổi tù và khả năng tiếp đạn của gia đình đều mạnh hơn hắn. Cả hai đều là đội phó, còn hắn chỉ là chân lẻ (tự giác làm việc, không thuộc quản lý của đội trưởng).

Ở trong tù mỗi một chức vụ đều quy bằng tiền. Đến trong nhóm lao động nào cũng phải mất tiền. Nhà hắn chỉ tiếp tế cho hắn đủ ăn, lấy đâu mà chồng tiền cho hắn kiếm chân gì. Người khác làm chân lẻ mất mấy trăm nghìn một tháng, mà trước khi làm phải đóng một cục hai triệu sau đó hàng tháng đóng mấy trăm cho quản giáo. Tổ trưởng các tổ, trực buồng, bếp… đều là tiền hết. Chỉ có bọn cắm đầu lao động quần quật là không mất tiền. Bọn lao động phải gánh cả mức lao động của bọn kia. Đội rau còn đỡ, chứ đội gạch mỗi đầu người một ngày một, hai nghìn viên, hay bọn vác đá tính khối. Vác đủ mức của mình đã chết, huống chi còn cáng cho bọn anh chị đầu gấu, bọn chân này, chân kia.

Trước hắn ở đội gạch, đội mà ông quản giáo bây giờ cũng quản ở đó. Gạch phải làm lúc mùa nắng, để phơi gạch mộc trước khi vào lò. Hằng ngày mình trần vác gạch dưới cái nắng gay gắt 37-38 độ. Đôi vai tê nhức, các khớp chân cũng nhức nhối. Tù vác theo bản năng như cái máy không biết nghĩ gì ngoài một bóng râm và hụm nước. Ăn thì lúc nào cũng đói.

Các trách nhiệm và choang (người công an gác dưới quyền quản giáo) lăm lăm gậy để quất những tên tù nào chậm bước. Tên nào không làm đủ mức khoán sẽ bị quản giáo trói cánh khuỷu treo ngược lên xà nhà sau khi ăn trận đòn của trách nhiệm (tù có quyền) của choang và của quản giáo. Hầu như tên tù nào cũng ngất xỉu trên giá treo ấy.

Hắn cố hết sức để kịp mức lao động. Hắn sợ bị treo, bị đòn. Không phải hắn sợ đau, sợ bị tra tấn mà hắn nghĩ bị như thế là bị người ta xúc phạm.

Trong tù, nhân phẩm con người không bằng miếng thịt đầu lợn bằng đốt tay út. Kẻ mạnh hành hạ kẻ yếu hơn vì bất cứ lý do gì, dù chỉ là một cái nhìn, một tiếng động do sơ ý làm rơi cái bát nhựa…

Gạch ra lò, số gạch tốt đạt nhiều. Quản giáo phấn khởi cho cả đội ăn thịt lợn. Mỗi đứa được miếng bằng nửa bàn tay. Ăn xong lại có nước chè và thuốc lào. Quản giáo lại cho tù nghỉ để viết thư về nhà cho gia đình. Một ngày vui cho toán tù, nhất là bọn nhân dân (thành phần bét nhất).

Hắn sững người vì cây bút cầm trên tay và trang giấy trước mặt. Không như các bạn tù viết thư xin gia đình này nọ hay thăm hỏi ai đó, thư của hắn là một bài thơ.

Tám tháng rồi sao mẹ vẫn chưa quen

Vắng thằng Tư, mẹ thẫn thờ ngơ ngác

Bao đêm dài, cửa khép chẳng cài then

Con không về, đêm dài hơn thế kỷ

Thằng bé nhà bên đặt trùng tên.

Mẹ nó gọi.

Mẹ con giật mình thảng thốt

…Con à chốn đó sống sao con?

Buổi kinh mẹ tụng dài thêm nữa

Tiếng Di Đà như lay động cả rèm thưa

Tuần nhang hết, tuần nhang sau tiếp nối

Hương khói nhạt nhòa, dáng Phật vẫn trầm tư.

Mẹ thương con , xin dừng câu kệ.

Trời định rồi, tượng Phật dẫu nghìn tay.

Rồi thời gian sẽ đi như giấc mơ.

Cho thơ con viết phải đượm buồn nỗi nhớ.

Và hôm nao hạn đời con qua hết

Ơ mẹ kìa, khi tượng Phật sáng hào quang.

Quản giáo cho mỗi đứa một phong bì, thư phải để quản xem. Quản đọc lướt một lượt, đến thư của hắn quản nhìn chữ, kêu:

-Ôi, thằng này chữ đẹp nhỉ?

Quản xem thư kỹ hơn thư của tù khác hơn rồi chửi:

-Mẹ thằng hâm, không bảo nhà gửi cho gì ăn, lại làm thơ.

Đến chiều, quản gọi hắn lên phòng, hỏi han gia đình, nhà cửa rồi lại chửi:

-Đm mày, tao mà là tòa, tao xử mày nặng hơn. Chúng nó nghiệp ngập, cờ bạc, lười nhác mới phạm tội. Mày có cái gì mà mày cũng phạm tội. Ở đây với tao là phải ngoan nghe chưa?

Hắn vâng dạ lí nhí.

Một tuần sau, cả đội đang xếp hàng vào lán, quản chỉ hắn nói:

-Mai thằng này không phải đi làm gạch, cuốc cái đất sau lán để trồng rau. Từ giờ cho mày đi trồng rau cho đội cải thiện.

Vào trong lán, hắn vừa về chỗ, đội trưởng gọi mang nội vụ lên quẫy (nhóm) trên.

-Giờ mày là tự giác, cho mày sinh hoạt cùng. Nằm luôn ở đây.

Hắn không biết vì sao thay đổi đột ngột như vậy. Nhưng tù thì cứ phải chấp hành. Tối hôm quẫy trên ngồi uống trà, thằng trực lán xăm đầy người hỏi hắn.

-Nhà mày đã lên đâu, sao mà thầy đã nhìn nhận nhỉ?

Hắn định trả lời là không rõ, nhưng ở tù thì làm gì có chuyện được ưu ái mà không mất tiền. Hắn phân vân chưa biết trả lời sao thì đội trưởng bảo:

-Thấy nói là thằng này là có họ với đằng vợ thầy, hôm nọ nhà nó đến xin vợ thầy giúp đỡ.

Hắn thấy đội trưởng giải thích cũng gật đầu. Vợ thầy quê ở Hà Nam, họ nhà hắn bới rách gia phả mấy đằng cũng chả ai ở đấy. Sau chị hắn lên thăm, biết thêm là nhà hắn cũng chả ai gặp vợ thầy nhờ giúp đỡ, và cũng chả có tiền biếu thầy. Chị hắn nhìn thấy da hắn sạm đi, nói.

-Em mà ốm, tìm quanh đây lá bưởi, lá tre, hay lá gì cũng được hái tất. Đun lên mà xông. Cố giữ sức. Nhà mình giờ khó khăn, ở đây đường sá xa xôi. Em cố gắng là chính. Nhà thương em lắm, nhưng điều kiện có hạn. Chả tiếc em gì đâu, em cũng biết đấy.

Chị nói xong ôm đôi vai gầy của hắn khóc và than:

-Trời ơi thương lấy em con, con lạy trời lạy Phật phù hộ độ trì cho em con mạnh khỏe, chóng về…

Hắn ôm vai chị, bờ vai chỉ thấy xương với da. Hắn hỏi về mẹ, chị quệt nước mắt nói:

-Em đừng gửi thơ như vừa rồi, mẹ ngày nào tụng kinh cầu cho em xong mẹ lại giở thơ em ra xem, rồi mẹ lại khóc.

Hắn quay đi thấy choang đang nhìn, hắn mỉm cười.

Nếu không có choang, hắn sẽ khóc, may sao hắn kìm được. Tù mà khóc có nghĩa là có vấn đề, không yên tâm cải tạo, tư tưởng dao động, dễ bỏ trốn.

Chị về, hắn cầm bao thuốc lá trong túi quà chị mang đưa biếu choang nói:

-Bà chị thấy em mạnh khỏe, mừng quá khóc.

Choang cầm bao thuốc nói:

-Chị mày thương mày nhỉ. Bé choắt thế mà lặn lội đi thăm nom.

Đấy là lần cuối cùng trong quãng thời gian trong tù chị hắn thăm hắn. Một thời gian sau mãi không thấy gia đình đến thăm. Một ngày nắng rất đẹp, hôm đó là giữa thu. Hắn nghe tin có gia đình đến thăm, mừng rỡ tột cùng, tim đập thình thịch. Hắn thấp thỏm hỏi nhà mình ai đến đấy nhỉ.? Hắn mong gặp chị, gặp anh để biết tin gia đình.

Đến nơi thì ra thằng bạn học từ nhỏ và người yêu nó. Thằng bạn ở trong một gia đình nền nếp, tri thức và cô người yêu nó (là vợ nó sau này) ngơ ngác nhìn hắn trong bộ áo tù màu xám, đen đúa, khắc khổ. Cái thằng bạn hiền lành, ngại va chạm mà dám mò đi thăm hắn kể cũng thật dũng cảm, nhất là dẫn cả cô người yêu đang là sinh viên đi cùng.

Hai đứa mở gói quà có gà rán, nem rán, thịt ngỗng quay, thuốc lá Camel và dúi cho hắn ít tiền. Hắn hơi tiêng tiếc vì cái vốn hiểu biết của thằng bạn về cuộc sống của tù. Những món ăn ngon thế này làm sao mà để dành lâu được, ăn một bữa bóng nhẫy miệng rồi sau đó lại triền miên với vài cọng rau, ít muối tinh sao bằng một bọc cá khô, loại cá để bao lâu cũng được. Ngày nào cũng có vài con ăn còn hơn, hoặc một túi lạc để lúc nào ăn rang mỗi bữa một ít. Hai nữa những món quá cao sang, xa xỉ với đời sống trong tù, khiến đồng bọn và cán bộ nghĩ nhà hắn giàu có. Nếu thế càng nguy bởi hắn sẽ bị săm soi, xét nét hay bị vào vòng quay, tầm ngắm của các bên.

Thằng bạn lại lấy ra cái chai nhựa rất đẹp. Thấy hắn ngắm nghía hỏi chai gì, thằng bạn và cô người yêu phì cười cho hắn biết đấy là dầu gội đầu, thứ nước dùng để gội đầu thay xà phòng. Ô, ngày trước người ta chỉ dùng xà phòng để gội đầu, ai chơi sang thì dùng Camay, Lux, Fa, Zest… Giờ ngoài kia xã hội chắc đã đổi thay rất nhiều. Hắn hình dung mà không thể ra được cuộc sống xã hội lúc đó.

Còn nhiều thay đổi mà bạn hắn cho biết.

Thằng bạn đưa thư của người yêu hắn. Cô nói cô không thể đợi được hắn, mong hắn thông cảm cho cô và gắng giữ gìn sức khỏe đến ngày về. Hắn đốt luôn cái thư khiến hai bạn hắn tưởng hắn cáu giận. Hắn phải nói:

-Ở trong tù chỉ giữ thư báo tin tốt, vì tin xấu là sóng sánh (tin tức lan truyền) làm ảnh hưởng đến mình.

Hắn hỏi về gia đình hắn, thằng bạn lảng đi. Nó hút hết điếu thuốc mới nói:

-Chị mày vỡ nợ, cả hai vợ chồng tự tử, may người ta phát hiện cứu được. Giờ hai ông bà mỗi người một nơi. Chồng bà ấy lên Lạng Sơn nhờ bạn bè tìm cửa làm ăn. Còn chị mày hình như đi Nam Định gì gì đó làm số (số đề) thuê cho người ta. Nhà bán rồi, bà ấy thuê nhà ở ngoại ô cho hai đứa con ở. Cứ đi đi về về. Tao qua thấy mẹ mày nói vậy. Bà già mày dặn tao nói thế nào cho mày đừng buồn, để mày không phải suy nghĩ. Bà cứ nói tù đã khổ mà còn nghĩ nữa sợ mang bệnh. Bà già bảo mày cố gắng, con người có giai đoạn, bảo mày gắng đợi bà đang rao cho thuê cái phần ngoài nhà, lấy tiền đi thăm mày…

Hắn không nhớ hắn đã sống qua những ngày đó thế nào, hắn không muốn nhớ. Nhưng đêm nay Tuấn Kều nhờ dòng hồi ức của đội trưởng đưa về bà chị.

Không bị chuyển sang đội “lá vàng rơi”.

Đội trưởng dụi mắt, đêm trong tù yên tĩnh. Hắn nhìn ra ngoài cửa sắt thấy bầu trời đầy sao. Suốt hàng nghìn đêm trong tù, bao nhiêu lần hắn mơ ước một điều, có một buổi tối hay đêm.

Hắn ngẩng đầu lên là thấy một bầu trời đêm có sao, trăng. Có gió thổi lồng lộng chứ không phải trần bê tông xám xịt và ngọn đèn đỏ soi mói hành động của mình. Cả ngày nhìn và sống trong cảnh tù, ban đêm sẽ là những giây phút quý giá để những kẻ giàu tưởng tượng được thả hồn mình theo cảm xúc. Nhưng trần nhà và ngọn đèn luôn nhắc nhở thân phận hiện tại khiến hắn bực bội. Đội trưởng đợi lòng mình tĩnh lại, hắn cầm mảnh báo lên nghĩ. Nếu không có đèn, chắc gì đã đọc được mảnh báo này.

Báo Văn nghệ, dù chỉ một mảnh nhưng hắn vẫn biết vì có hồi hắn là độc giả thường xuyên. Trên mảnh báo là một câu chuyện ngắn dang dở. Gọi là dang dở bởi vì mảnh báo không chứa hết truyện. Phần còn lại ở trang khác. Nhưng ở đây hắn chỉ có một mảnh. Càng tốt, như thế hắn sẽ tự nghĩ phần kết của câu chuyện.

Câu chuyện về một nữ sinh văn khoa và một chàng nhà báo khá thành đạt. Một lần cô đến nhà anh để học hỏi kinh nghiệm. Thấy anh bị ốm, cô liền đi mua lá xông về đun cho anh. Anh nhà báo xông xong mồ hồi toát ra, nhẹ hẳn người. Anh khỏi ốm và từ đó anh mới để ý đến cô trong bao nhiêu cô gái đang thực tập ở các trường văn, báo chí vây quanh anh…

Tên đội trưởng vẩn vơ nghĩ về cái kết có hậu cho cặp tình nhân. Hắn nghĩ họ sẽ thành đôi vợ chồng hạnh phúc, xứng đôi vừa lứa, một cuộc sống đầy đủ, một sự nghiệp thẳng băng. Hắn tin rằng phần kết của câu truyện là vậy.

Phần 4

Hắn nhớ lần đầu tiên bị cảm, hắn còn rất bé, chừng năm tuổi gì đó. Chị hắn đun một nồi lá xông to rồi lấy cái chăn bảo hắn chui vào. Hắn sợ quá, la hét rồi chạy trốn. Chị đuổi, tóm được, dỗ dành các kiểu, rồi bố thấy lại mắng. Chị giữ chặt hắn rồi trùm chăn, mở nồi lá xông. Hơi nóng làm hắn khóc, giãy giụa. Chị ghì chặt lại, thì thầm kể chuyện cổ tích cho hắn nghe.

Những lần sau hắn tự xông lấy, chị hắn chỉ ngồi canh. Sợ hắn ăn gian mở chăn ra, chị cầm cái đũa cả ngồi cạnh, hắn lén mở ra là bị quật vào tay. Ở trong chăn nghi ngút hơi nước và mùi lá xông, hắn kêu ngạt thở, kêu mùi lá kinh quá không chịu được, hắn mặc cả với chị đếm đến 100 hay đến 50. Hắn la toáng lên là chị ăn gian đếm chậm.

Thế rồi chả mấy đến lúc hắn ốm tự trùm chăn xông. Ngồi bên cạnh không phải là chị gái hắn, mà là cô người yêu dịu dàng đang học văn khoa. Khi mới yêu, nàng thấy kỳ lạ bởi cách chữa bệnh cổ truyền của nhà hắn.

Rồi dần nàng cũng quen, nàng đi mua lá về cho hắn xông. Mỗi lần hắn xông xong, nàng lau mồ hôi cho hắn, hít hà da thịt hắn và nói:

-Anh biết không, buồn cười lắm. Em rất thích ngửi mùi người anh khi anh xông lá xong. Chả lẽ em mong anh ốm mãi để em được ngửi mùi anh sau khi xông.

Hắn hỏi mùi ấy thế nào. Nàng nói:

-Nó thơm hăng hắc, em chả biết… nhưng thích lắm. Nó ở trên người anh đến mấy hôm ý.

Hắn đùa bảo:

-Thế cứ hết mùi đó trên người, không ốm thì anh cũng xông. Cho em nghiện mùi ấy, không bao giờ bỏ anh được.

Nàng ứ hừ.

-Bỏ cái gì mà bỏ, anh chỉ nói gở. Anh biết không, em đang nghĩ em sẽ viết câu chuyện về tình yêu chúng mình. Em sẽ đặt tên là Hương Lá Xông. Bao giờ chúng mình lấy nhau, em sẽ viết lại chuyện chúng mình. Bọn mình sẽ để cùng với tập ảnh cưới anh nhỉ?

Hắn rất thực tế:

-Giờ em mới học ba tháng năm thứ nhất, lúc em học xong chúng mình mới lấy nhau. Anh phải đợi bao năm nữa mới đọc được truyện đó. Hay em viết ngay đi.

Nàng lắc đầu:

-Không, phải lấy nhau rồi cơ. Mà thôi chả nói nữa, em phải ngửi mùi anh đây kẻo bay hết.

Nàng áp mặt vào bộ ngực rộng của hắn, một lát sau đã ngủ say.

Tiếng kẻng trại giam đánh thức tù nhân, đội trưởng vươn vai hô:

– Dậy chuẩn bị đi làm nào.

Đám tù lục đục nhổm dậy, gấp chăn. Có thằng nghêu ngao:

-Một ngày đi lê thê

Em ơi! anh sắp sửa về

Chúng mình chơi trò con dê

Cùng nhau sung sướng đê mê.

Tiếng cười rộn lên sau câu hát ngộ nghĩnh, có thằng chửi:

– Đm đêm qua chắc mơ thấy vợ, xem quần đùi mày có ướt không nào?

Mấy thằng xúm vào vật thằng đang hát để xem quần đùi. Đội trưởng lại nhắc:

-Thôi giữ sức, hôm nay lao động nhiều đấy.

Rảo chân trên cánh đồng vừa gặt xong vụ mùa chỉ còn trơ gốc rạ, ruộng tháng 10 nước rút, nền đất se khô, có chỗ đã co nứt. Đội trưởng đang cắm cọc để chia ruộng cho mỗi tù nhân trong đội trồng rau màu.

Một nửa trồng cải bắp, một nửa trồng su hào. Nhìn cánh đồng rộng bao la, đội trưởng hình dung một mùa rau mới. Trên cánh đồng này vài tháng nữa sẽ có những luống bắp cải, su hào đều tăm tắp. Bắp cải to bằng đầu người, su hào to bằng bát ăn cơm. Lúc thu hoạch, từng gánh rau kẽo kẹt được mang về trại cho tù nhân. Trong mỗi bữa ăn của phạm nhân sẽ có những lá rau nõn nà từ cánh đồng này. Đội trưởng mỉm cười.

Nhiều khi đội trưởng quên mất mình là tù, hắn vui sướng mải mê với đất, với rau, với thời tiết như một nông dân thực thụ. Cánh đồng rộng bao la này, biến thành những ruộng lúa trĩu hạt hay những vạt rau mênh mông là cả niềm đam mê của hắn. Nhìn những cây rau giống lớn lên từng ngày chờ đến lúc thu hoạch, tâm trí của hắn dồn hết vào đó.

Trâu sẽ cày đổ ải, sau đó phạm nhân dùng cuốc và vồ đập cho tơi xốp, lót phân xanh rồi nhận cây giống. Mỗi thằng một khoảnh tự chăm, nhìn vào ruộng rau sẽ thấy sự tiến bộ trong cải tạo từng thằng. Phạm nhân nào có tiền thì cứ việc bỏ ra mua rau giống, phân đạm, dụng cụ lao động cho phạm nhân không có tiền chăm ruộng thay. Bù lại phạm nhân có tiền chỉ việc rong chơi, làm việc nhẹ như cắt cỏ cho cá, chăn vịt, nuôi vài con lợn, con gà. Ít ra thế cũng là công bằng.

Ngày trước quản giáo giao cho đội trưởng khác, duy trì đội bằng bạo lực để quay quắt tiền cho quản. Đồng ruộng gần như bỏ hoang, chỉ vài mẫu lúa trồng lấy lệ cho đúng tính chất đội rau, một sào không có nổi 1,2 tạ lúa. Giờ hắn cũng quay tiền, nhưng tiền không nộp cho quản giáo mà dùng mua công cụ, mua con giống, cây giống, thức ăn gia súc, phân bón, thuốc sâu… Phạm nhân bỏ ít tiền hơn, lao động nhiều hơn. Nhưng họ vui vẻ và chăm chỉ, mê mải với con gà, con cá, lợn hay luống rau của họ.

Rau, cá, gia súc, trứng… bán ngoài chợ đem về nguồn thu xấp xỉ mức thu ngày trước của quản. Lượng rau nhập về trại đủ cho trại dùng không phải đi mua bên ngoài. Đội luôn được khen trước toàn trại, thanh tra về trại là được dẫn ra tham quan. Quản giáo cười hớn hở vỗ vai hắn khen khi hắp nộp tiền bán các thứ.

-Tao nhìn đội thế này cũng sướng. Đỡ áy náy, mày tưởng tao cứ cầm tiền của nhà chúng nó mãi mà không ngại à. Chúng nó rủa thầm mình đéo nghe thấy thôi. Cầm tiền kiểu này mới thích cầm.

Hắn sắp mãn hạn tù, quản giáo đề xuất giảm cho hắn mức án nhiều nhất mà ông có thể. Hắn sẽ về khi rau giống bắt đầu ươm xuống. Hắn sẽ không chứng kiến một mùa thu hoạch. Bỗng dưng hắn nhận ra mình yêu mảnh đất này, thấy tiêng tiếc khi không chứng kiến những mầm cây lớn lên từng ngày nữa.

Hắn đến ngồi bên rẻo đất nhỏ sát bờ rào và hàng tre, nơi hắn trồng sả, tía tô, ngải cứu… những thứ lá dùng trong nồi lá xông. Chỉ thiếu một hai thứ như lá bưởi có thể vào nhà dân xin. Quản giáo và bạn tù vẫn trêu hắn là mày có thịt chó hay thịt gà hay sao mà trồng những thứ linh tinh thế. Hắn chỉ cười nói trồng cho đỡ buồn.

Mà đúng hắn đỡ buồn thật khi trồng, khi nhìn những thứ lá dùng trong bó lá xông. Hắn lại thấy sự an ủi, thấy được tình cảm của người thân, thấy tuổi ấu thơ, thấy mái nhà của mình… Những tình cảm đó khiên hắn không bị sa ngã, bị cuốn theo lối sống bi quan như nhiều phạm nhân khác. Chúng là bạn của hắn trong những năm tháng đọa đày.

Mỗi khi rảnh rỗi chăm sóc chúng, hắn thường nói chuyện thầm thì với từng khóm cây. Hắn yêu nhất cây tía tô lá hình răng cưa mặt màu tím, mặt màu xanh. Vì hồi ở nhà, khi nào mẹ hắn ốm, mẹ sẽ bảo hắn nấu cháo trứng gà với nhiều lá tiá tô. Lá tía tô hắn trồng dày và mượt mà, giá như gửi về cho mẹ được một ít nhỉ. Hắn tự hỏi từng ấy năm hắn đi tù, ở nhà mẹ ốm ai nấu cho mẹ cháo trứng gà với lá tía tô…

Nghĩ đến đó hắn ôm đầu, bờ vai rung bần bật. Đêm đó, dưới ánh đèn vàng soi mói của nhà tù, hắn viết bài thơ thứ hai gửi về cho mẹ và chị:

Con sẽ về thôi mẹ thương ơi!

Gian nan mới thấu hiểu lòng Người

Ở đây song sắt, rào gai thép

Thắt lòng nhớ thuở mẹ ầu ơ

Con sẽ về thôi mẹ thương ơi

Dù cho cách trở một phương trời

Sa cơ lỡ bước đời luân lạc

Trăm đắng phận con, vạn xót lòng Người

Con sẽ về thôi mẹ thương ơi

Để bữa chiều nay rộn tiếng cười

Mẹ nấu canh gì cho con nhé

Dền, ngót hay là mướp, mồng tơi.

Em sẽ về thôi chị thương ơi

Năm tháng qua đi hạn của trời

Chốn xa xót chị đời bão nổi

Truân chuyên gần hết nửa kiếp người.

Đêm cuối cùng trong tù đã đến. Đội trưởng và những bạn tù thân thức bên ấm trà chia tay. Hắn phân phát đồ của mình cho các bạn, tù gọi là di chúc.

Khi trong hòm tôn trống rỗng, hắn cho một đống lá xông vào hòm, đống lá mà hắn trồng, phải mưu kế lắm mới mang được vào buồng cùng với đống nhiên liệu gồm hỗn hợp vải rách, gỗ, nhựa. Hắn đổ nước vào thùng đun lá xông. Lát sau hắn đã có một nồi lá xông. Trùm chăn, hắn xông.

Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hắn được một bữa xông thỏa thích trong nhà tù. Một trận xông mà hắn khao khát bao năm. Tung chăn ra, nhìn mồ hôi toát ầm ầm, hắn đưa mũi hít hà thân thể mình. Bạn tù đùa:

-Chắc ông điên rồi. Hay xông cho hết mùi tù?

Hắn gật đầu:

-Có những hoàn cảnh phải điên thì mới sống qua nổi, như tù chẳng hạn.

Một sáng mùa thu, nắng chan hòa, gió mơn mởn trên làn da. Hắn trình giấy ra trại, bước qua cổng nhà tù. Hắn quạy vòng qua lưng trại đến đội rau, chào quản giáo. Ông nói:

-Mày ở với tao từng ấy năm, tao chưa biết mặt gia đình mày, chưa cầm đồng nào của mày, vì tao coi mày như anh em. Thôi về tránh mọi thứ, đừng để vào đây lại. Mày không phải là người như bọn nó ở đây. Tao biết mày.

Hắn cúi đầu chào ông. Ba tháng sau giáp Tết, hắn quay lại gặp ông với một chai rượu, một cây thuốc. Hắn biếu ông và nói:

-Em biếu thầy. Đây là tiền em mua bằng tháng lương đầu tiên đi làm.

Bảy năm sau, hắn đến biếu ông một khoản tiền, tương đương với giá trị thời điểm mà hắn ở trong tù, số tiền phải chi để thầy (quản giáo) ưu đãi.

Lúc này hắn đã tự dựng cho mình một công ty làm nội thất nhỏ với mười lăm nhân công.

Phần 5

Hắn xin được số điện và được nàng hẹn đến nhà chơi. Trong lúc nàng pha nước, hắn bồi hồi nghĩ về trận ”đập buồng” năm nào trong trại giam.

Nhìn thấy trong buồng chăn màn, quần áo vung vãi bừa bãi khắp nơi, toán tù vừa đi làm đồng về hốt hoảng kêu lên:

-Đập buồng rồi.

Tù nhân hớt hải, vội vã lao về chỗ của mình bới tìm xem có mất mát gì không. Đập buồng là cán bộ trong trại tổ chức kiểm tra nội vụ cá nhân. Mỗi lần đập buồng là một lần đại họa với tù nhân. Vì bao nhiêu món đồ quý giá, cần thiết cho cuộc sống đều bị lấy đi mất.

Nhiên liệu để đốt, nồi niêu, thìa nhôm, dao thái tự chế, bộ bài… đều nằm trong diện bị tịch thu. Trực buồng thấy đội trưởng nhìn đống đồ liền nói:

-Em tẩu hết, không mất gì anh ạ.

Lần mần lật các thứ, đội trưởng loay hoay mãi mà vẫn chưa tìm được cái hắn muốn. Đó là mảnh báo Văn Nghệ. Hắn hỏi trực buồng:

-Có mảnh báo tao để dưới đống quần áo, mày thấy đâu không?

Trực buồng nghĩ ngợi, rồi nhớ ra:

-A, lúc khám buồng, thấy mấy cái ống tiêm của bọn nó, choang sợ, lấy mảnh báo để lót tay, cầm luôn đi với cả ống tiêm rồi.

Hắn tiếc là không giữ được mảnh báo để đưa cho nàng xem. Hắn muốn nói hắn đã gìn giữ câu chuyện mà nàng viết và hằng đêm hắn đọc để suy tư nhiều cái kết khác nhau. Nhưng trận đập buồng ở trại tù năm ấy đã lấy đi của hắn mảnh báo mà hắn từng nâng niu. Mà khi đã nói chuyện, hỏi han nhau một hồi, hắn lại thấy nếu kể cho nàng nghe về chuyện mảnh báo sẽ khiến nàng nghĩ hắn ngớ ngẩn. Hắn hỏi nàng có lưu tờ báo không, cho hắn mượn. Nàng bảo:

-Anh vẫn nghĩ đến chuyện chúng mình sao. Đừng thế anh ạ. Dù sao tất cả cũng qua rồi. Anh sẽ có cho mình cô gái khác. Đâu phải chỉ mình em.

Hắn lắc đầu, ngăn nàng lại:

-Em hiểu sai ý anh rồi. Anh về đã lâu giờ mới tìm em. Không phải vì chuyện quan hệ giữa chúng mình nữa. Anh chỉ muốn mượn tờ báo đó, anh muốn viết truyện. Anh không muốn có sự trùng lặp giữa truyện anh viết và truyện em viết.

Nàng nhổm người dậy, ngạc nhiên:

-Anh định viết truyện ư? Anh định viết đăng báo à, anh viết cái gì? Mà viết truyện để được in khó lắm, anh đừng nghĩ tới làm gì. Anh cứ làm cái nghề anh đang làm là tốt rồi. Em giờ có viết gì đâu, chuyển sang làm báo chỗ chồng em rồi.

Hắn cười cho nàng yên tâm:

-Không, anh không viết để đưa đi in, vì chắc anh không đủ sức. Với lại người ta sẽ không in truyện của anh vì nó có những thứ người ta không muốn in. Anh chỉ viết để đấy cho anh thôi.

Hắn nhận tờ báo nàng cho mượn, xem một lượt rồi trả lại cho nàng, vẻ hài lòng hiện trên mặt. Hắn nói:

-Không có gì trùng với ý của anh.

Hắn nhìn quanh nhà nàng một lượt, thấy những giấy khen, những giải thưởng báo chí của chồng nàng và một vài giải thưởng truyện ngắn của nàng treo trên tường. Hắn bỏ bao thuốc, bật lửa vào túi, có vẻ chuẩn bị về.

Nàng nhìn hắn ái ngại, không như vẻ xã giao ban đầu của hai kẻ bàn công chuyện:

-Anh có bao giờ trách em không?

Hắn cười, nói như trêu nàng:

-Em chả bao giờ hiểu anh cả, chán em thật đấy.

Nàng ngậm ngùi cúi đầu:

-Em cứ áy náy vì chả đi thăm anh được lần nào, nên em hỏi thế. Nhưng em biết là anh hiểu…

Comments are closed.