Kể chuyện lưu trú của ông Tây dân tộc Kinh

Trần Hữu Khánh

Sau thành công của buổi chiếu phim Hoàng Sa – nỗi đau mất mát ở IDECAP tối 05/ 8/ 2014, một lá thư mạng của tôi gửi anh Cao Lập đã được đạo diễn phim André Menras Hồ Cương Quyết đưa lên facebook và được nhà văn Hoàng Hưng trích dẫn vào bài viết của mình. Nhiều thân hữu khi đọc thông tin ấy đã đề nghị tôi kể chi tiết hơn về một sự việc liên quan xảy ra gần ba năm trước. Đó cũng là ý của Hồ Cương Quyết, nhân vật chính trong câu chuyện này.

 

****

     

Buổi tối cuối tháng 11 năm 2011 ấy, sau khi buổi chiếu phim Hoàng Sa – nỗi đau mất mát ở hội quán Ami (khu du lịch Văn Thánh) bị hủy bỏ, mấy anh em kéo nhau về một quán ăn miền Trung trên đường Điện Biên Phủ. Hôm ấy, ngoài André Menras còn có các anh Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên, các anh ở Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cùng một số anh chị khác, tất cả khoảng hai mươi người. Không khí khá căng thẳng khi ở bên ngoài lảng vảng những bóng người mặc thường phục, thỉnh thoảng lại ghé mắt nhìn vào phòng chúng tôi qua cửa kính.

Quá 21 giờ, André bảo anh phải về để chuyển khách sạn ngay trong đêm nay, vì ở đó anh được “chăm sóc” quá kỹ, đi đâu cũng có “vệ sĩ” kè kè một bên, mạng trong phòng thì bị cắt khiến anh không làm việc được. Tôi hỏi anh định đi đâu, có nơi nào khác an toàn hơn không. Anh nhún vai lắc đầu.

…Đối với đại gia đình chúng tôi, André gần như là người nhà, kể từ khi anh quay lại Việt Nam năm 2002 và khởi đầu những hoạt động hữu nghị của Hiệp hội Trao đổi Sư phạm Pháp – Việt ADEP mà anh là người sáng lập. Không thể để mặc anh một mình lang thang tìm chỗ trọ giữa đêm hôm khuya khoắt trong tình hình này… Ngẫm nghĩ một lúc, tôi bèn ra góc phòng gọi điện hội ý với nhà tôi. Rồi vợ chồng tôi nhất trí đưa anh về căn hộ mới ở quận Phú Nhuận mà chúng tôi đã trang bị đầy đủ nội thất nhưng chưa dọn vào ở.

Trong lúc André quay lại khách sạn lấy hành lý, tôi chạy vội về cao ốc, vừa kịp phủi bụi qua loa căn hộ thì xe hơi của nữ phóng viên mà André đi nhờ cũng đã đến nơi. Sắp xếp xong mọi việc kể cả báo bảo vệ cao ốc, tôi ra về thì đã khuya.

Sáng sớm hôm sau, tôi còn đang ngái ngủ thì máy di động reo inh ỏi. Một giọng nói tự xưng công an khu vực phụ trách cao ốc mời tôi lên trụ sở công an Phường về việc cho người nước ngoài ở trong nhà. (Thật ra ngay đêm hôm trước, khi tôi đang trên đường từ cao ốc về nhà thì đã nghe tin báo nhân viên an ninh đến làm việc với bảo vệ cao ốc rồi! Tôi chuẩn bị tinh thần sẵn sàng!).

Tôi ghé cơ quan xin phép đến trễ rồi qua căn hộ mượn hộ chiếu của André đi photo, kịp đến đồn công an vào đầu giờ sáng. Tiếp tôi là một người mang quân hàm cấp tá, không rõ là đồn trưởng hay đồn phó. Sau màn khai báo sơ khởi của tôi, viên sĩ quan kia bảo tôi trình giấy phép kinh doanh cho người nước ngoài thuê nhà; nếu chưa có thì phải đến Chi cục Thuế làm ngay thủ tục. Tôi trả lời mình không kinh doanh; đây là người bạn của gia đình tôi sang Việt Nam để làm phim theo lời mời của Bộ Văn hóa; ông chỉ ở tạm vài tuần trong thời gian ghé TP HCM. Viên sĩ quan ngắt lời tôi, việc quản lý người nước ngoài ở địa bàn dân cư có những quy định riêng phải tuân thủ, không đơn giản như với người Việt đâu! Đoạn anh ta bảo tôi sáng mai đưa “đối tượng” đến trình diện.

Sáng hôm sau, André và tôi có mặt ở đồn Công an. Cũng viên sĩ quan ấy tiếp chúng tôi. Cầm trong tay bản photo hộ chiếu tôi đã nộp hôm qua, anh ta săm soi một lúc, rồi không hỏi han người trong giấy mà quay sang tôi. Vẫn những câu hỏi cũ. Bất ngờ anh ta lên giọng: “Bây giờ chị nói rõ cho tôi biết, người này quan hệ như thế nào với chị, là chồng chị, đúng không?”. Tôi ngớ người. Hôm qua mình đã khai rõ ràng, mới đây vừa lặp lại, anh ta quên rồi sao?! Tôi đáp: “Không phải, là bạn.” Anh ta đập bàn một cái rồi cao vót giọng: “Bạn là bạn như thế nào mới được?! Người nước ngoài mà là bạn à!”.

Tôi nhìn viên công an. Giọng nói và cung cách ứng xử cho thấy người này đến từ một tỉnh phía Bắc, và trẻ hơn tôi vài tuổi, nghĩa là trước 1975 anh ta vẫn còn là thiếu niên.

Vì sao tôi phải dông dài chuyện này?

Ở miền Bắc thời chiến tranh, việc giao thiệp với người nước ngoài rất hạn chế, mãi đến đầu thập niên 1980 quy định này vẫn còn hiệu lực. Tôi nhớ lại hồi ấy ra Hà Nội trọ học, một hôm đi trên đường tôi tình cờ gặp Jean-Pierre  Debris chở vợ phóng xe đạp cái vèo qua mặt mình. Cũng như André, Jean-Pierre  có mối quen biết với cha tôi từ hồi hai người còn ở nhà tù Chí Hòa; anh là người cùng André phất cờ Mặt trận Giải phóng trên tượng đài Thủy quân Lục chiến trước trụ sở Quốc hội chính quyền Sài Gòn năm 1970; sau ngày giải phóng anh cưới vợ người Việt và sinh sống ở Hà Nội. Tôi vội vàng gọi to: “Debris, Debris!”, vừa thúc ông anh họ nhấn bàn đạp tăng tốc để đuổi kịp xe đi trước (thời ấy ở miền Bắc 99% dân chúng dùng xe đạp làm phương tiện lưu thông cá nhân). Thế nhưng ông anh tôi vẫn tà tà đạp xe, vừa quay lại suỵt khẽ: “Ở đây không phải như trong Nam đâu, muốn tiếp xúc người nước ngoài thì phải xin phép trước, còn gặp ngoài đường mà chào hỏi là coi chừng bị công an mời đấy.”

…Nhớ lại chuyện năm xưa, tôi hiểu phần nào phản ứng của ông sĩ quan này: “Người nước ngoài mà là bạn à?!”. Tuy nhiên, tôi cũng muốn tranh luận với anh ta, rằng trong hai cuộc kháng chiến vừa qua đã có biết bao nhiêu công dân Pháp, Mỹ… tham gia phong trào phản chiến ngay trên đất nước họ để ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Trong hòa bình cũng không thiếu những người bạn nước ngoài giàu tình nghĩa, yêu Việt Nam nồng nàn, trong số đó có các thành viên hiệp hội ADEP ở thành phố Béziers miền Nam nước Pháp. Là Robert Renau, là Jean-Paul Ehly và Ginette, là Claudine Lebouler và Marc Alberti, là Hélène và Gérard Ratiney… Những con người đáng mến ấy đã chắt chiu đồng lương khiêm tốn hoặc trợ cấp hưu trí của mình, đã không quản khó khăn lặn lội từ thành phố này sang thị xã khác bán hàng lưu niệm Việt Nam do chúng tôi bên này đóng thùng gửi qua, từ tấm khăn lụa, con búp bê cho đến cái móc khóa…, nhặt nhạnh từng đồng euro lập nên quỹ học bổng giúp học sinh nghèo. Chương trình học bổng ADEP được triển khai ở 8 tỉnh thành Việt Nam đã sắp bước vào năm thứ mười… Đó là chưa kể khoản trợ cấp cho mẹ góa con côi ở Lý Sơn, Bình Châu…, những gia đình có người thân bỏ mình trong những chuyến ra khơi đánh bắt quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do bị tàu Trung Quốc tấn công và giết hại, cùng nhiều hoạt động thiết thực khác hỗ trợ ngư dân Việt mà tôi không thể kể hết trong phạm vi bài viết này để tránh lạc đề.

Kể cũng lạ, dân tộc ta vốn có truyền thống trọng nghĩa khinh tài, thế mà bước vào thời kinh tế thị trường, cái đức tính quý báu ấy dường như đã biến thái, khiến mọi giá trị xã hội thường được quy đổi méo mó thành hiệu quả kinh tế… Năm 2010, có một gia đình người bạn Pháp vì yêu Việt Nam mà xin con nuôi người Việt; anh chị quyết định chuyển sang sống ở thành phố Hồ Chí Minh để con trai được lớn lên ngay trên đất nước của mình. Trong lúc đi tìm nhà giúp họ, mấy chị bạn tà ru và tôi được giới thiệu với gia đình một liệt sĩ mà tên ông được đặt cho một ngôi trường tiểu học lớn ở quận 3 TP HCM. Bà Ph. vợ ông có ngôi biệt thự cho thuê ở quận 2. Tưởng gặp người tử tế, chúng tôi chọn ngay địa chỉ ấy. Nào ngờ khi gia đình anh bạn tôi dọn vào ở thì mẹ con nhà kia trở mặt, tìm mọi cách bắt chẹt, bòn rút, lợi dụng… rồi tăng giá thuê nhà, khiến cho họ bực bội thất vọng đến mức phải dọn đi. Quá xấu hổ vì thói tham lam ấy, chúng tôi lên tiếng thì mẹ con bà Ph. hùng hổ, mình là người Việt với nhau, mấy người phải bênh tụi tôi chứ sao lại bênh bọn Tây kia! Xem ra tinh thần “căm thù ngoại bang” của gia đình này vẫn còn quá sâu sắc và mãnh liệt dù chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm!

Về phần mình, tôi may mắn có phu quân ủng hộ công việc thiện nguyện mà mình theo đuổi bấy lâu. Năm 2013 khi Phó Chủ tịch ADEP Claudine Lebouler cùng chồng sang Việt Nam thì chúng tôi đã dọn về căn hộ; tuy vậy vì lo ngại họ mang theo khoản tiền học bổng khá lớn mà ở khách sạn dễ bị mất cắp, nên tôi vẫn mời hai vợ chồng về chia sẻ chỗ ở. Sinh hoạt gia đình tôi bị xáo trộn trong mấy tuần lễ, vì nếu tôi không tháp tùng anh chị đi các tỉnh thì căn hộ của tôi lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ vào người ra. Nhà tôi mỗi tối cơm nước xong phải hy sinh thói quen nằm dài trên sofa xem tivi mà rút vào phòng trong, để dành phòng khách cho bạn bè của vợ tụ tập. Ấy vậy mà anh vẫn vui vẻ, không một lời phàn nàn. (Tất nhiên khi khách tạm biệt về nước thì cha con anh vui như hội!). Tuy chúng tôi thuộc loại “uyên ương khắc khẩu”, nhưng trong thâm tâm tôi luôn cám ơn anh đã đồng hành cùng chí hướng của vợ.

Thế nhưng việc làm của tôi, không phải ai cũng hiểu đúng. Có người thấy tôi lăng xăng việc này việc nọ cho ADEP, họ chúc mừng tôi “trúng dự án lớn”! Có người còn hỏi, Hiệp hội trả lương tôi bao nhiêu một tháng?! Làm sao nói cho họ hiểu, vì trân trọng tấm lòng của những người bạn ấy mà tôi đã tự nguyện đóng góp công sức và thời gian của mình để phục vụ ADEP nhiều đến mức có thể?! Thậm chí đôi khi sự việc đẩy đưa tôi đến chỗ bị thiệt hại về tài chánh, tôi cũng tự an ủi để khỏi nghĩ ngợi sân si, rằng bạn bè bên ấy cũng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như mình mà thôi! Làm sao nói cho họ hiểu, nếu ADEP là tổ chức của tỉ phú đại gia thì chắc không đến phần tôi kiêm nhiệm nhiều việc (sẽ có biết bao “chân dài” sẵn sàng ứng tuyển vào vị trí này!)?! Và nếu họ sang Việt Nam mượn hoạt động hữu nghị để rửa tiền thì có lẽ tôi và nhiều anh chị khác cũng sẽ chẳng mất thì giờ với cái hiệp hội này làm chi!

…Giờ thì giải thích sao với ông chỉ huy đang lom lom chờ xem phản ứng của tôi đây nhỉ?! Có lẽ trong tư duy đã được lập trình của anh ta, không có chỗ dành cho từ “hữu nghị”. Hình ảnh người ngoại quốc trong ký ức tuổi thơ của anh ta chỉ có thể là “thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu” trước “o du kích nhỏ giương cao súng”! Đến thời kỳ đất nước mở cửa, quan hệ với người nước ngoài tuy đã “thoáng” hơn trước nhiều, nhưng chung quy cũng chỉ gói gọn trong hai phạm trù: hợp tác kinh doanh hoặc tìm kiếm hôn nhân. Như vậy, hoặc là tôi đang cố che giấu việc cho ngoại quốc thuê nhà hòng trốn thuế (đã có một blogger đi tù vì bị quy tội danh này!) hoặc, nếu ông công an kia tin rằng trong vụ việc này không có yếu tố tiền thì nhất định phải là… tình! A, có lẽ dưới mắt anh ta lúc này tôi trông giống một nữ sĩ quan binh chủng phòng không, bao mùa chinh chiến đã qua mà chưa tóm được tên giặc lái nào, giờ mừng rỡ vớ được Tây già hòng lấp đầy khoảng không cô quạnh, nên mới miễn phí cho ông ta chỗ ăn ở đây chắc?! Kiểu này thì tự ái dồn cục! Chị em hành nghề gội đầu mát xa khối người còn “câu” được ngoại kiều và rủng rẻng đô la bỏ túi, mình đâu đến nỗi… người yêu Chí Phèo mà phải “cho không biếu không” thế nhỉ! “Qua sông thì phải lụy đò”, từ hôm qua đến giờ tôi luôn tự nhắc mình hết sức nhẫn nhịn cho được việc, nhưng lúc này bỗng dưng có vật gì đó dâng lên chẹn ngang cổ làm tôi muốn ngạt thở. Tính tôi vẫn thế, mỗi khi xúc động là tay chân run rẩy, mồm mấp máy không thành lời. Giờ mà tôi khai tiếp cái tổ chức “hữu nghị” kia thì chắc gì anh ta tin, có khi mối nghi ngờ lại càng tăng thêm theo số lượng người nước ngoài tôi quen biết ấy! Còn nếu khai ra cái “gia đình nuôi” của André thì không khéo cả các anh chị em tôi cũng bị triệu tập nốt! Trong khoảnh khắc “đứng hình” dường như kéo dài vô tận ấy, có lẽ bộ dạng tôi trông ngố lắm, nghệt lắm, khiến ông công an ra chiều đắc ý, dường như ông đã “bắt quả tang” được tôi. “Nhưng mà… nhưng mà”, tôi định bụng nói, nhưng tại sao người nước ngoài với mình lại không thể là bạn được chứ, mà không hiểu sao tôi cứ cà lăm, mồm lắp ba lắp bắp… André cho đến lúc đó vẫn im lặng cắm cúi ghi chép cuộc đối thoại vào giấy, bỗng xen vào ngắt lời tôi không cần giữ phép lịch sự: “Nhưng mà tôi là người Việt!”.

Quả bóng đang căng phồng cực độ liền xì một phát xẹp lép. Lần này không phải là kẻ bị thẩm vấn “đứng hình” mà đến lượt điều tra viên “mất sóng”!

…Về chuyện André nói tiếng Việt, thì sau gần mười năm trở lại Việt Nam, vốn từ vựng của anh đã phong phú hơn nhiều; anh có khả năng diễn đạt nhiều ý tứ sâu sắc và phức tạp, tuy nhiên anh vẫn không cải thiện được cách nói lơ lớ. Thế mà hôm nay anh lại phát âm khá chuẩn. Một khoảnh khắc im lặng. “Cái gì?!”. Đáp lại câu hỏi xẵng của viên công an đang trố mắt nhìn mình, André bình thản chìa tấm thẻ chứng minh nhân dân ra: “Tôi là người Việt. Tên tôi là Hồ Cương Quyết.”, anh chú ý lên xuống giọng. Viên sĩ quan nhanh chóng trở lại phong cách chuyên nghiệp, anh ta cầm tấm thẻ săm soi hết mặt trước đến mặt sau, rồi lại nhìn André. “Hộ khẩu đâu?”, anh ta hỏi trổng. André rút bản photo hộ khẩu đã được công chứng đặt lên bàn. Lại một tích tắc im lặng trôi qua.

Ừ, mà sao tôi lại có thể dễ dàng rơi vào tình trạng mất kiểm soát chỉ sau một cái đập bàn tại cửa quan thế nhỉ! Tờ sao y hộ khẩu và chứng minh nhân dân này là do chính tay tôi mang tới đưa cho André chỉ mấy phút trước khi cả hai bước vào trụ sở công an Phường, cớ sao tôi lại quên khuấy đi mất?!

Đến đây tôi lại phải rẽ ngang lần nữa để nói về hai bảo bối “cứu tinh” này.

Chuyện André Menras được người bạn tù Nguyễn Văn Quới đặt tên là Hồ Cương Quyết, đã có nhiều bài viết đề cập. Mộ anh Quới nằm cạnh mộ anh trai tôi ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM; lần nào sang Việt Nam André cũng không quên đến viếng bạn, nhiều năm anh còn cùng chị em tôi theo xe của ủy ban Phường đi thăm mộ vào dịp lễ Thương binh Liệt sĩ hoặc Tết Nguyên đán. Chuyện anh được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đặc cách trao quốc tịch Việt Nam cũng được nhiều người nhắc đến. Nhưng chuyện anh làm thẻ chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, là sự kiện đáng được ghi nhận vào Guiness lịch sử quản lý hành chánh nước nhà thì chắc chẳng mấy ai được biết!

Buổi lễ trao quốc tịch năm 2009 được tổ chức vào ngày 1 tháng 12. Trở thành công dân Việt Nam thì sẽ có hộ tịch và chứng minh nhân dân. Lúc ấy nảy sinh một vấn đề: André không có nhà ở Việt Nam, vậy anh sẽ nhập hộ khẩu vào đâu? May sao anh C., một người bạn chí cốt của André ở nhà tù Chí Hòa thời trai trẻ, đã lập tức nhận anh vào hộ khẩu nhà mình ở quận 5. Lại một trở ngại khác: hôm sau đã là ngày Hồ Cương Quyết rời Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bèn đích thân chỉ thị các cấp bằng mọi giá phải làm cho xong các thủ tục. Thế là 24 tiếng đồng hồ sau đó, Hồ Cương Quyết lên máy bay về Pháp, trong tay đã có thẻ chứng minh nhân dân cùng sổ hộ khẩu gia đình lập ngày 02/12/ 2009.

…Ngày hôm trước khi đến đồn Công an lần đầu, tôi đã nộp bản photo hộ chiếu của André rồi. Nhưng vẫn chưa yên tâm, sáng sớm hôm đó tôi gọi điện cho anh C. nhờ anh công chứng luôn sổ hộ khẩu gia đình. Anh sốt sắng ra phường làm ngay để tôi kịp từ quận 5 phóng xe về Phú Nhuận đúng giờ hẹn với công an. Ấy thế mà có một giây phút tôi lại thần hồn nát thần tính nên quên hết cả.          

Lại nói về việc nhập quốc tịch Việt Nam của Hồ Cương Quyết. Không phải ai cũng tán thành quyết định ấy của anh. Nhà văn Đ.H., một đồng nghiệp cũ của tôi, là một trong những người phản biện mạnh mẽ về sự chọn lựa này: “Anh nhờ em nhắn với André là từ trước tới giờ anh rất phục [anh Đ.H. sàn sàn tuổi với André nên xưng hô như vậy], thậm chí anh còn xem nó là anh hùng; nhưng bây giờ nó vào quốc tịch là để nịnh chính quyền này hay sao, anh thất vọng quá, không ngờ nó ‘dỏm’ vậy!”. Bản thân tôi lúc đó cũng không ủng hộ quyết định nhập quốc tịch của André, nhưng lý do của tôi khác anh Đ.H. Khi được hỏi ý kiến, tôi nói, em chỉ sợ khi trở thành công dân Việt Nam, anh sẽ vướng vào tấm lưới lùng nhùng của luật lệ sở tại và sẽ không được hưởng những quy chế dành riêng cho người ngoại quốc. Thực sự ở thời điểm 2009 tôi không nghĩ cái quốc tịch thứ hai sẽ giúp ích gì cho André. Cho đến giây phút này!

…Dường như sau khi ông ngoại kiều Pháp chớp mắt hô biến thành công dân Việt Nam thì tình thế cũng xoay chuyển. Giờ thì chuyện bô lão bảy mươi tuổi này có phải chồng tôi hay không đã chẳng còn là nghi vấn. Viên chỉ huy công an lạnh lùng gom hết giấy tờ cho vào bìa hồ sơ và nói gọn lỏn: “Để xem xét. Chiều quay lại.”. Tôi hỏi: “Ông Quyết có cần đến nữa không?”. “Không cần.”

Tôi hí hửng ra về. Vậy là sắp thành công rồi. Đầu xuôi thì đuôi sẽ lọt. Xin cám ơn Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và thẻ chứng minh nhân dân đã cứu tôi một bàn thua trông thấy.

Buổi chiều, tôi lại đội nắng từ quận 10 chạy xe sang Phú Nhuận. Chờ một lúc thì ông công an kia xuất hiện. Khác với ban sáng, anh ta tỏ ra thân thiện thấy rõ: “Thế này nhé, em [tôi giật mình đánh thót vì cách xưng hô này!] sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chị đăng ký tạm trú cho anh Quyết. Bây giờ chị nghe em hướng dẫn nhé, chị về quận 5 cắt hộ khẩu gốc của anh ấy mang sang đây, em sẽ cho nhập luôn bên này; lần sau anh ấy sang Việt Nam chị khỏi phải mất công đăng ký tạm trú nữa.” Tôi lại từ trên trời cao rơi cái phịch xuống đất. Giờ thì anh ta không tiếp tục truy gạn chuyện kinh doanh hay quan hệ vợ chồng nữa mà rẽ sang hướng nào đây?! Ông chỉ huy đồn này khi nhận lệnh “cấp trên” có lẽ chưa kịp xem kỹ hồ sơ quản lý địa bàn, chứ nếu đã xem thì anh ta thừa biết vợ chồng tôi không có hộ khẩu ở phường này vì chưa dọn về sinh sống, căn hộ lại chưa được cấp sổ hồng, đã có chủ quyền đâu mà làm sổ hộ khẩu chính thức và đủ tư cách bảo lãnh người khác?! Anh ta thực sự không nắm thông tin hay đang bày trò “xui trẻ ăn cứt gà” đây nhỉ?! Giờ mà tôi sớn sác chạy sang quận 5 cắt hộ khẩu thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp đâu nhé.

Tôi cố nài nỉ: “Anh thấy đó, tôi là công chức, giờ giấc chặt chẽ, mà bữa giờ đi tới đi lui lo thủ tục này tôi phải bỏ công ăn việc làm và bị cơ quan phê bình. Với lại tôi đâu có ý định cho ông bạn này ở lâu dài, chỉ là tạm thời một hai tuần thôi. Anh thông cảm giải quyết giùm, tôi cám ơn anh.” Anh ta đổi giọng: “Chỉ còn cách đó, chị không đồng ý thì tôi cũng chả biết làm thế nào!”. Tôi vẫn nhỏ nhẹ: “Nhưng theo tôi biết, công dân Việt Nam có hộ khẩu thành phố khi từ quận này sang lưu trú ngắn hạn ở quận khác thì chỉ cần báo với tổ dân phố, nếu ở trên 30 ngày mới đăng ký vào sổ quản lý ở Phường mà.” Anh ta trố mắt nạt: “Cái gì? Quy định ở đâu ra?!”… “Kìa! Nó ở kia kìa!”, tôi không quay người lại mà bẻ ngoặt ngón tay cái chỉ ngược về phía sau lưng mình, tức bức tường đối diện với chỗ ngồi của anh ta.

Thực sự nếu chiều nay ông sĩ quan tiếp tôi đúng giờ hẹn thì mọi sự sẽ khác. Tôi sẽ không có thời gian ngồi đồng ở trụ sở, sẽ không nhìn quanh nhìn quất, sẽ không có một khoảnh khắc lơ đãng chạm mắt vào những dòng chữ kẻ sơn đỏ chiếm toàn bộ một bên vách tường của trụ sở, và cũng sẽ không nhận ra cái điều khoản kia được ghi rõ rành rành trên tường. Ôi, vô cùng cám ơn nạn trễ giờ, lúc này chính nhờ nó mà tôi đã được giải cứu trước bàn thua thứ hai. Quả là Tái ông mất ngựa, trong cái rủi luôn có cái may! Bởi nếu được tiếp đúng hẹn thì hôm nay khi bước vào phòng tôi sẽ đi thẳng đến bàn làm việc của viên chỉ huy đồn, và sẽ không chú ý đến những gì ghi trên bức tường đằng sau lưng mình!!!

Một lần nữa, ông công an lại lặng lẽ xếp hồ sơ đẩy sang một bên. Rồi nói khẽ: “Để tôi xin ý kiến cấp trên. Sáng mai quay lại.”

Sáng hôm sau, tôi vừa bước vào đồn thì đã nhận được câu trả lời: “Anh ấy vừa được gọi lên quận họp đột xuất. Hẹn chị buổi chiều.” Bao nhiêu nhẫn nhịn dồn nén từ mấy hôm nay chực bùng nổ. Đúng là họ cố tình hành tôi lên bờ xuống ruộng để tôi nản lòng và mời André ra khỏi nhà. Lúc ấy tôi chỉ muốn hét lên một tiếng thật to cho hả tức! Nhưng rồi tôi lại cố nuốt giận ra về.

Chiều, tôi lại đến. Một người mang sắc phục cho biết, ông sĩ quan kia lại đi họp rồi. Lần này thì tôi quyết ngồi lì. Tôi bảo, anh gọi điện cho ông ta về giải quyết đi, không thì giao người khác giải quyết, chứ chuyện đơn giản như vầy mà bắt tôi đi lại nhiều lần là sao! Người kia bỏ ra ngoài gọi điện rồi quay vào trả lời, chị chờ một chút anh ấy về. Nói xong anh ta cũng bỏ đi mất.

30 phút trôi qua. Rồi một tiếng. Đã gần hết giờ làm việc. Căn phòng vắng tanh chỉ còn trơ trọi mình tôi. Tôi nhấp nhổm nhìn quanh, vừa định đánh liều bước vào nhà trong thì bỗng xuất hiện một thanh niên mặc áo may-ô trắng có tay, đầu tóc ướt mem như mới từ phòng tắm bước ra. Anh ta hỏi, chị cần gì. Tôi lặp lại những điều đã trình bày mấy hôm nay… Nghe xong anh bước ngay đến bàn làm việc kéo hộc bàn lấy hồ sơ của tôi xem qua rồi nói: “Chuyện này dễ mà, để em giải quyết cho chị liền.” Đoạn anh ta lôi ra cuốn sổ cái to bằng nửa cái bàn và hí hoáy ghi chép. “Xong! Em ghi cho ảnh lưu trú một tháng luôn đó chị!”. Anh ta lại toét miệng cười: “Có vậy mà nãy giờ chị không nói để em làm nhanh,chị chờ chi cho cực!”. Tôi há hốc mồm nhìn anh chàng gốc gác miền Tây ấy, không tin vào lỗ tai của mình. Vì anh không mặc sắc phục nên tôi không biết cấp bậc, nhưng có lẽ anh không phải là cấp chỉ huy. Tôi vừa mừng rỡ vừa chột dạ, anh công an này liệu có đủ thẩm quyền xử lý trường hợp của mình không, anh ta có biết diễn tiến mấy ngày nay không mà ghi vào sổ cái rẹt vậy à? Hay cấp trên của anh khiển anh làm việc này? Không, nhìn vẻ mặt chân chất và lối ăn nói xởi lởi của anh chàng trẻ tuổi kia, tôi tin anh không hề diễn kịch. Nhưng để chắc ăn hơn, tôi hỏi, vậy anh không cho tôi giấy biên nhận sao? Anh thanh niên cười xòa, chị đừng lo, em ghi vô sổ cái rồi nè, thủ tục như vầy thôi, đâu có ai xóa được! Tôi mừng rỡ cám ơn anh ta mà chân chực phóng ra khỏi trụ sở; lúc ấy tôi chỉ sợ cái ông kẹ đã nhát ma tôi suốt mấy hôm nay lại quay về thì rách việc!

Trước khi đưa trả lại tôi bản sao y chứng minh nhân dân, anh công an trẻ còn ngắm nghía lần cuối tờ giấy. Bỗng dưng anh hỏi: “Mà chị ơi, ảnh dân tộc Kinh mà sao giống Tây quá vậy? Ảnh có lai không chị?”. Ôi trời, tôi lại sắp bị “đứng hình” nữa rồi! Phút ấy không biết ma xui quỷ khiến gì mà tôi buột miệng: “Tại bà cố nội ổng là người Tây!”. Anh công an à một tiếng hiểu biết, thấy chưa, em nói có sai đâu, nhìn hình là thấy ảnh giống in hệt Tây mà.

Con cúi lạy hương hồn papa Paul, người có hiển linh xin đừng bắt tội con bất kính. Thề rằng con không hề có ý đem tổ tiên nhà Menras ra đùa cợt. Tuy lúng túng nhưng con cũng đã nói đúng sự thật, thế mà anh công an lại hiểu theo ý khác . Thật ra nếu tinh ý đọc kỹ tấm thẻ chứng minh nhân dân, anh ta sẽ phát hiện ngay một điều ngộ nghĩnh chưa từng thấy: nguyên quán “Pháp” mà dân tộc “Kinh”, nước Việt này có lẽ chỉ một người mang lý lịch kiểu ấy! Anh ta mà “truy” con vụ đó là con “tắt đài” luôn!

Như trút được hòn đá tảng nặng trĩu trên lưng, tối hôm ấy tôi tự thưởng mình bằng cách đi nghỉ sớm hơn thường lệ. Nhưng khi tôi vừa mới chìm vào giấc ngủ sâu thì máy di động lại reo ầm ĩ. Mắt nhắm mắt mở, tôi cáu kỉnh bật dậy a lô như quát vào điện thoại. Đầu bên kia có tiếng André: “Xin lỗi đã làm phiền em, nhưng nhà bị cúp điện nước rồi…”… Lại rắc rối nữa! Tôi bật đèn xem đồng hồ, đã gần 11 giờ đêm, tôi không thể một mình chạy qua căn hộ, cũng không dám đánh thức nhà tôi. Tôi bèn gọi điện thoại cho ông bạn tà ru ở cùng lô (người mà tôi đã gửi gắm André) nhờ anh can thiệp để nhân viên bảo vệ mở điện nước, tự nhủ có lẽ họ tưởng tôi bỏ nhà trống lâu ngày nên mới ngắt cầu dao để tránh gây chập điện đó thôi.

Nhưng chỉ được một hôm. Căn hộ lại bị tiếp tục cúp điện nước. Tôi phải trực tiếp sang cao ốc để hỏi sự tình. Đoàn Khánh, trưởng ban quản lý vận hành cao ốc tiếp tôi với vẻ mặt khinh khỉnh: “Tại chị không đóng phí quản lý mà cho người nước ngoài thuê nhà lấy tiền nên chúng tôi buộc phải cúp cầu dao”. Tôi thấy không cần phải kể rõ đầu đuôi với tên này, chỉ hỏi vì sao không gọi điện thoại cho tôi trước; cách hành xử ấy của ban quản lý thật không đáng mặt là đại diện của một chủ đầu tư lớn; tôi xấu hổ giùm các người trước ông bạn của tôi, có biết không? Hắn ta không trả lời, chỉ lẳng lặng thò tay gom mười mấy triệu tôi mang đến nộp đút vào hộc bàn, kết thúc cuộc đối thoại. Hình như đối với một người như hắn, cụm từ “ứng xử văn hóa” quá đỗi trừu tượng và xa vời!

Cho đến nay, tôi vẫn không hiểu tên trưởng ban này vì nhận chỉ thị của ai đó mà xử sự thô bỉ để khiến André phải bực mình rời khỏi cao ốc, hay bởi hắn đánh hơi việc mấy hôm nay tôi rơi vào cảnh “đèn cù” ở trụ sở công an nên mới hùa theo ép tôi. Bởi từ khi nhận nhà đến thời điểm ấy đã gần hai năm rưỡi, tôi phải thường xuyên đóng quản lý phí và cả phí bảo hiểm cháy nổ dù chưa ở ngày nào. Trong biên bản bàn giao nhà thì không có điều khoản buộc cư dân phải đóng phí cho căn hộ bỏ trống. Thời gian đầu tôi đều đặn đóng tiền, nhưng sau thấy vô lý, tôi tạm ngưng và đề nghị ban quản lý cao ốc giảm phí vì tôi không hề sử dụng bất cứ dịch vụ nào liên quan. Chưa ngã ngũ thì xảy ra chuyện này. Trong hội nghị nhà chung cư hàng năm tổ chức trước đó vài tháng (mà tôi có tham dự), chính tên trưởng ban này khi đọc bản báo cáo thu chi, đã ghi nhận có một vài căn hộ chưa có người ở và chưa đóng đủ quản lý phí, nhưng ban quản lý sẽ không “hồi tố”. Thế mà lúc này đây hắn ta lật lọng. Tôi buộc phải trả đủ tiền cho xong chuyện, bởi nếu không biết đâu kẻ tiểu nhân ấy lại báo cơ quan chức năng tiếp tục gây phiền nhiễu cho chúng tôi! Nửa năm sau, trong hội nghị thường niên năm 2012, hắn ta bị cư dân ở cao ốc đồng loạt bày tỏ thái độ bất tín nhiệm vì thói hách dịch lại kém năng lực, và sau khi gia đình tôi dọn về ở một thời gian ngắn thì hắn biến mất khỏi cao ốc theo kiểu vớt vát thể diện: “đơn xin thôi việc được chấp thuận”, trước khi lên đường còn kịp lừa của tôi thêm một món tiền nhỏ. Chuyện thật như đùa!

…Như thế, André đã “cắt băng khánh thành” căn hộ của gia đình tôi và sống ở đó gần một tháng, từ cuối tháng 11 cho đến khi trở về Pháp đầu tháng Giêng năm 2012 (trừ lúc ra Hà Nội). Trong thời gian này, đạo diễn Đào Thanh Tùng thuộc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã quay một số phân cảnh ở TP HCM cho bộ phim André Menras – một người Việt. Đây cũng là thời gian André đọc lời bình cho bộ phim, một công việc xem ra khó khăn với một người Pháp nói tiếng Việt lười bỏ dấu như anh. Hôm trước khi đến thu âm ở Đài Truyền hình TP HCM (qua ủy thác của Hãng phim Tài liệu), anh nhắn tôi qua hướng dẫn phần “tập đọc”, từ việc phát âm, ngắt câu cho đến cách diễn cảm. André vã mồ hôi hơn tiếng đồng hồ đánh vật với “bài tập” mà vẫn chưa đạt kết quả mong muốn, nhưng tôi đành xuê xoa kết thúc buổi “tập huấn” vì còn phải về nhà lo bữa cơm chiều.

…Câu chuyện nói trên, chỉ đại gia đình Trần Hữu chúng tôi biết. Gần đây khi trích đoạn thư của tôi được đưa lên mạng, bạn bè mới hỏi, hồi ấy cho André tá túc, tôi có sợ không? Sao lại không chứ?! Gan tôi bé lắm. Là gan con muỗi! Nhưng trong tình thế ấy, tôi không thể nào làm khác hơn. Nếu chúng tôi làm ngơ bỏ mặc André thì chẳng biết chuyện gì sẽ đợi anh trong cái đêm xách valy lang thang tìm chỗ trọ năm ấy. Một vụ cướp của hay một tai nạn xe cộ trên đường vắng! Một vụ bố ráp “phá ổ mại dâm” ở khách sạn mà André vừa đặt chân vào… Có thể lắm chứ! Lúc ấy tính mạng anh, hay chí ít, thanh danh của anh biết đâu chẳng bị ảnh hưởng?! (Vụ án “ hai bao cao su” của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một kinh nghiệm cần ghi nhớ!). Nếu chẳng may có điều bất trắc như thế xảy ra thì đại gia đình chúng tôi sẽ cảm thấy có lỗi biết chừng nào với maman Paulette, với Annie, Sylvain và bạn bè ADEP, dù có thể sẽ chẳng ai trách cứ chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ vô cùng hổ thẹn vì tự thấy mình không xứng đáng với anh linh của cha tôi, nhà giáo Trần Hữu Khuê, người tù năm xưa từng mạo hiểm tiếp cận André khi anh và Jean- Pierre tiến hành tuyệt thực trong tình trạng bị tra tấn dã man và bị biệt giam trong cát sô ở nhà lao Chí Hòa tháng 4/ 1971, người đã thức trắng đêm chờ đợi một phút bọn cai ngục ngủ quên mà lẻn sang tiếp tế những thứ tối cần thiết, nhằm giúp hai anh duy trì sự sống trong cuộc đấu tranh không cân sức với kẻ thù. André hiểu điều ấy. Trong một lá thư gửi từ Béziers, anh viết: “Anh phải nói lời cám ơn em ngay cả khi em không muốn thế, bởi vì vợ chồng em đã mở rộng cửa đón anh vào lúc anh đang có phần tuyệt vọng và tinh thần thì sa sút. Nhờ em mà anh đã hồi phục sức lực và niềm tin, còn em thì phải đánh liều mạo hiểm khi đón tiếp anh. Ngoài việc làm em lo lắng, anh còn để mặc em phải lau dọn và sắp xếp lại nhà cửa…” (Je dois te dire un grand merci, même si tu n’aimes pas ça, car vous m’avez ouvert votre porte à un moment où j’étais un peu perdu et où mon moral n’était pas si bon… Grâce à toi, j’ai repris des forces, de la confiance et toi, tu as pris des risques en m’accueillant…Je t’ai donné, en plus des soucis, du travail et je t’ai laissé du rangement et du nettoyage… – trích email ngày 16/1/2012). Sau khi về Pháp, André ngỏ ý muốn đưa câu chuyện này lên mạng, nhưng tôi cản ngay: “Tui lạy ông đó, một sự nhịn là chín sự lành. Người ta đã để yên cho mình rồi thì mình còn xới lên làm gì!”.

…Năm nay, 2014, André lại “về” Việt Nam. Bộ phim Hoàng Sa – nỗi đau mất mát đã vượt qua số phận long đong để chính thức đến với khán giả cả nước (mà nói như đạo diễn phim trong buổi giao lưu với khán giả ở IDECAP, là do “công” của cái giàn khoan HD 981!). Trong lịch hoạt động dày ken kín của mình, anh vẫn dành thời gian đi thăm mộ cha mẹ tôi và mộ anh Quới cũng như đến căn hộ của chúng tôi, lần này là theo đề nghị của kênh truyền hình Công an Nhân dân (ANTV), nhằm quay những phân cảnh cho một phóng sự tài liệu thuộc chuyên mục “Chuyện đời chuyện nghề” mà anh được mời làm nhân vật chính. Thượng tá Tạ Quốc Việt Phó Đại diện ANTV phía Nam, đã gợi ý cho đạo diễn Lê Duy Nghĩa thực hiện bộ phim trên. Ban đầu, khi biết Việt tiến hành công việc này hoàn toàn là do cảm phục tấm lòng của “chú Quyết” đối với Việt Nam cũng như hiểu được tình thâm của “chú” với người ông quá cố của mình chứ chưa thông qua ý kiến cấp trên, tôi hơi lo ngại. Tôi cảnh báo Việt điều đó, sợ rằng cháu mình sẽ gặp rắc rối khi dính líu tới “công dân Việt Nam đặc biệt” này. Nhưng rồi các hoạt động của Hồ Cương Quyết tại TP HCM như phát học bổng ADEP cho học sinh nghèo, chiếu phim Hoàng Sa – nỗi đau mất mát tại IDECAP… đã được đài ANTV đưa tin trót lọt trên sóng truyền hình, chứng tỏ nhận định của tôi đã hoàn toàn sai. Quả là sau cơn mưa trời lại sáng! Giờ đây nếu ông Tây dân tộc Kinh lại có ý định lưu trú trong nhà tôi thì chắc chắn tôi sẽ không còn phải lâm vào cảnh “đến hẹn lại lên” ở trụ sở công an phường như ba năm về trước nữa. Vì thế nên tôi mới đánh bạo kể lại câu chuyện này./.

Comments are closed.