Tập kích nhà băng: Quan điểm của nhà thơ – Truyện Trần Tiễn Cao Đăng

Văn Việt: “Chán ngán chính mình và không có khả năng xóa bỏ chính mình”, hay đây là sự nổi loạn tuyệt vọng của những người “hư hỏng và vô phương cứu chữa”. Chắc hẳn tác giả sẽ được đồng cảm khi người đọc tiếp nhận những thông điệp ở bề rộng trong thiên truyện này. Có thể xem đây là truyện vừa (hay truyện dài) viết theo lối định đề, hơi khó đọc nhưng rất đáng trân trọng ở tinh thần tìm tòi, không thỏa hiệp.    

“Nếu tôi tiến hành cướp một trong những
nhà băng hàng đầu nước Mỹ, tôi sẽ chiêu mộ
một đội gồm toàn nhà thơ. Vụ đó chắc chắn
sẽ thất bại, nhưng mà nó sẽ đẹp.”

Roberto Bolaño

 

TTCDBăng cướp nhà băng chúng tôi gồm có sáu người. Chúng tôi là nhà thơ. Sáu nhà thơ. Sáu kẻ tự coi mình là nhà thơ. Chúng tôi quyết định cướp nhà băng. Chúng tôi biết mình đang làm chuyện rồ dại. Chuyện thiên hạ coi là rồ dại. Chúng tôi biết mình cầm chắc sẽ thất bại hoặc gần như thế. Chúng tôi biết và vẫn làm. Như thể chúng tôi còn biết đấy là định mệnh của mình dù không ai nói ra. Chúng tôi không nói ra điều gì như thế hoặc hao hao như thế bởi vì hầu hết thời gian chúng tôi còn bận cười, bỡn cợt, pha trò, hát, ngâm thơ hoặc là – càng về sau càng thế – bận hét. Dĩ nhiên không phải thằng nào trong chúng tôi cũng hét. Pedro Salinas là một thằng không lúc nào hét hoặc gần như thế. Shin là hai. Thứ ba là Reza. Ba thằng còn lại có hét, nhiều hoặc ít. Và không phải khi nào cũng hét vì tức giận hoặc vì sợ hoặc vì hứng chí dù phần lớn là thế. Có lúc một thằng trong chúng tôi hét chỉ để nghe âm thanh cộng hưởng của tiếng hét được tạo ra từ trần cao có dạng vòm và các bức tường uốn cong của sảnh chính nhà băng. Chúng tôi không hẹn trước sẽ làm thế, nhưng khi thằng ấy làm vậy thì tất cả các thằng khác đều lập tức hoặc gần như lập tức hiểu ý hắn. Chúng tôi thường không hiểu sai ý nhau những lúc như vậy. Antonín Neruda lắng nghe cho đến khi âm thanh được khuếch đại lớn và kéo dài kia đã dứt hoặc có vẻ đã dứt hẳn trong không khí nhưng đã chan hòa hoàn toàn vào hơi thở hắn và hơi thở chúng tôi, rồi mới từ tốn nhắc tới khả năng cộng hưởng âm của thính phòng Albert Hall, Luân Đôn. Hắn nói cứ như hắn đã ở đó hàng trăm lần mặc dù tôi biết chắc hắn chưa ở đó lần nào. Hắn là thằng cao nhất trong chúng tôi. Đó là điều chắc chắn nhất chúng tôi biết về hắn. Ngoài chuyện tôi biết chắc hắn chưa bao giờ đến Albert Hall, chưa bao giờ tới Luân Đôn. Và ngoài chuyện tôi biết gần như chắc chắn thật ra hắn không phải người Tiệp, một nửa cũng không. Cùng lắm thì một trong bốn người – ông bà nội ngoại hắn – có mang dòng máu Tiệp. Hay có thể Slovakia. Có người từng nói riêng với tôi là hắn nói một thứ tiếng Tiệp giống như của một người Hung lấy vợ người Tiệp nhưng chưa bao giờ tới Tiệp. Một thứ tiếng Tiệp què hay tiếng Tiệp lùn, người đó nói. Dù sao thì chuyện đó chúng tôi làm sao biết chắc được, mà cũng không quan tâm. Chả ai trong chúng tôi biết tiếng Tiệp, tức là hắn chả bao giờ nói tiếng Tiệp với chúng tôi. Hắn nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Ý, tất cả đều dở tệ, đến mức Hugo hay Shakespeare hay Goethe hay Dante nếu nghe thấy được thì chắc sẽ lấy búa đập đầu hắn cho hắn im nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn cứ hiểu, tạm gọi là hiểu hay dù chỉ hiểu chừng non nửa thì rồi mọi chuyện vẫn cứ êm. Thay vào đó hắn hát, bằng cả bốn thứ tiếng, hát hay một cách khốn nạn, đến mức vô lối, buộc tim chúng tôi lặng đi và người chúng tôi đờ ra bất cứ hoặc gần như bất cứ lúc nào hắn muốn. Hắn không khi nào nói là hắn thích hoặc mê hoặc tôn sùng Dvorák (tôn sùng chắc hẳn là cái từ chúng tôi cần) tuy nhiên tôi đồ rằng đó chính là lý do hắn chọn tên Antonín. Còn Neruda là để tỏ tình đoàn kết với Chilê, một tình đoàn kết muộn tới mười thế hệ với Chilê thời Allende mặc dù tôi thành thực nghĩ rằng riêng với ông già Pablo thì không muộn. Sự thực là, mặc cho ông bạn Roberto thân mến của chúng tôi nghĩ sao thì nghĩ, tôi thì thấy Antonín có nhiều lý do chính đáng để tự cho mình cái họ Neruda. Hắn rất sợ gián và chuột (nghĩ mà xem, một tên cao kều dềnh dàng như hắn) và rất khoái ngủ với Pedro Salinas.

Pedro Salinas không thích ngủ với Antonín Neruda dù có hay không có quần áo. Hắn chỉ thích ngủ với Takanobori Shin. Shin là chàng hoàng tử của chúng tôi, nàng công chúa kiều mị của chúng tôi. Cả lũ chúng tôi đều muốn ngủ với Shin hay ít nhất lúc đầu thì vậy. Tôi cũng từng muốn nằm chung giường với Shin mặc dù tự tôi không rõ liệu tôi sẽ làm gì với Shin giữa hai phần của giấc ngủ, trong bóng tối. Chỉ những thằng đàn ông nào mà hệ thần kinh đã hỏng vô phương cứu chữa thì mới không bị thôi miên trước khuôn mặt trắng như sữa đúc và cặp môi hồng ngời lên như ngọc của Shin, cái mùi tinh khiết ở Shin giống như nước cất và cũng phảng phất (dưới đáy sâu) chút mùi sữa như là sữa của một người mẹ. Shin cùng với Pedro Salinas là hai người lãnh nhiệm vụ trấn áp và kiểm soát các nhân viên nhà băng ở tiền sảnh. Shin cứ khăng khăng đòi chỉ dùng dao – nhiều dao, mỗi con một loại khác nhau – và ngay cả khi đã nhượng bộ chúng tôi mà ôm khẩu Magnus 84 báng gập, Shin vẫn lận dao trong người, theo tôi biết thì ba con, cũng có thể bốn con, Shin có thể giấu dao ở những vị trí trên cơ thể mà không ai khác có thể ngờ tới. Lần đầu tiên thấy Shin thực sự dùng dao, chúng tôi hay ít nhất là tôi như thể nhìn thấy một ánh chớp, một phiên bản thu nhỏ của tia chớp ở ngay trước mắt, một động thái đột ngột và chói lòa đến từ một thế giới khác, ảnh chiếu tức thời từ một vũ trụ khác nơi sự sống là tia chớp giáng vào sự chết. Lúc ấy Shin không giết chết thằng say rượu đó, chỉ làm y chảy máu, bằng một thứ tuyệt kỹ dường như chỉ tồn tại trong các thứ truyền thuyết và chuyện bịa, đủ khiến chúng tôi sững sờ nhận ra rằng bấy lâu nay mình đã có ý niệm sai lạc đến thế nào về chiều sâu thực của bóng tối bên trong Shin.

Reza luôn mồm nhắc chúng tôi không dùng súng, không dùng dao, không dùng thứ vũ khí nào, không dùng bất cứ vật nào kể cả thân thể mình làm vũ khí, kể cả khi tính mạng bị đe dọa. Thường thì chúng tôi cười nhạo gã. Nhưng chúng tôi cũng thường xuyên cười nhạo quá nhiều kẻ và quá nhiều thứ khác (những kẻ và những thứ không đáng cho chúng tôi cười nhạo cũng có song ít hơn nhiều), thành thử cũng khó biết Reza hiểu thế nào cái cười nhạo của chúng tôi. Reza nhiều lúc hiểu chúng tôi hơn chúng tôi tự hiểu mình và nhiều lúc hiểu chúng tôi ngang với cây cột đèn hiểu chúng tôi. Gã tự nhận phần lái xe và chúng tôi cũng biết khó mà tin cậy giao phó cho gã việc gì khác. Gã không muốn tận mắt thấy những người bị chúng tôi làm cho sợ, thậm chí chỉ là làm cho sợ thôi. Reza, kẻ có thể không hé răng ba bốn ngày liền sau khi chứng kiến một con chó hoang bị đám thanh niên lêu lổng đánh chết cho vui. Dĩ nhiên cướp nhà băng không giống như đánh chết chó cho vui, tuy nhiên từng có lúc tôi cho rằng hay cảm thấy rằng Reza tham gia cùng chúng tôi như một cách để bù lại cho con chó bị đánh chết ấy. Reza cao thứ nhì trong bọn tôi, chỉ sau Antonín non nửa đầu, tuy nhiên mỗi khi gã đội cái mũ chỏm Kavkaz hay Ottoman hay Ba Tư của gã lên đầu thì gã có vẻ như đang bồng bềnh trên không, hai chân cách đất hai ba chục phân gì đó mà nhìn xuống cả lũ bọn tôi. Dĩ nhiên còn lâu mới có chuyện có nhiều gã Hồi giáo gây cho ta ấn tượng tương tự nhờ cái mũ chỏm. Chính xác hơn, tôi ngờ là không một người Hồi giáo nào có thể như thế trừ Reza, mặc dù đấy là xét qua số ít người Hồi giáo tôi đã gặp trong cái cuộc đời cho đến giờ chả lấy gì làm dài của tôi cho nên rất có thể tôi lầm. Và tôi biết mình sẽ không bao giờ nói được có phải chỉ một người Hồi giáo như gã mới có thể là người bạn và người đồng hành như thế của chúng tôi hay chăng. Thậm chí có khi tôi còn có cảm tưởng gã là tín đồ độc nhất của một chi phái Hồi giáo độc nhất vô nhị trên thế giới, tương tự sufi nhưng không phải sufi, hắn mà mất đi là chi phái này tuyệt tự. Khác với Antonín Neruda chỉ là polyglot giả cầy, Reza là polyglot thứ thiệt, với thứ năng lực ngôn ngữ chỉ có thể một là của thần thánh hai là của quỷ. Gã rành rẽ tiếng Ả rập (tiếng Ả rập “chuẩn” và tiếng Ả rập Ai Cập, Ả rập Tuynizi, Ả rập Marốc, Ả rập Libăng), tiếng Farsi, Thổ, Hindi, Bengali, Nhật (kể cả phương ngữ Osaka), Hàn, Trung (Bắc Kinh), Trung (Quảng Đông), Thái, Việt, Afrikaan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Latinh, đọc tốt đâu như ngần ấy thứ tiếng khác nữa, mặc dù theo tôi biết hoặc nếu tôi không lầm thì phần lớn các xứ nói những tiếng ấy gã chưa tới bao giờ, và mặc dù bằng cách nào đó gã dạy cho chúng tôi hoặc nhắc chúng tôi rằng thứ ngôn ngữ khó học nhất và khó sử dụng nhất là sự im lặng.

Pedro Salinas là người duy nhất trong chúng tôi không ưa hoặc công khai tỏ ra không ưa Reza. Hắn lấy làm thích chí một cách độc địa hay ít nhất là như một đứa con nít độc địa mỗi khi hắn làm bẽ mặt hoặc cho là mình làm bẽ mặt được Reza. Trái ngược với Reza, Pedro gần như chỉ có trần xì mỗi tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha của hắn nếu không kể dăm câu tiếng Anh vừa đủ để chửi hoặc biết là mình bị chửi. Cũng có thể hắn khá tiếng Anh hơn thế song điều này không ai có thể chắc được bởi hắn lúc thì tỏ ra mình biết nhiều hơn trên thực tế còn lúc khác thì làm bộ kém hơn so với thực tế. Pedro là lực sĩ của chúng tôi. Hắn có thân hình của kẻ sinh ra để làm đô vật chuyên nghiệp. Xương sườn không ít ả hay gã điếm đã bị gãy vì hắn, không phải vì hắn có xu hướng bạo dâm mà vì hắn quá cuồng nhiệt. Thơ của hắn là thứ thơ được quai bằng búa, đẽo bằng đục và bổ bằng chày vồ. Trái với nhiều người có thể nghĩ, hắn không bao giờ dùng bất kỳ thứ ma túy nào, vì lý do duy nhất là cái thứ đó làm hắn yếu đi. Tôi thích nói chuyện với hắn, nghe thứ tiếng Tây Ban Nha của hắn nện vào mình như những cú đấm dù không phải khi nào cũng vậy. Một vết sẹo sâu, dài, đỏ lựng, nhăn rúm nhăn ríu vắt chéo một bên vai hắn. Hắn thích hoa huệ trắng và si như điếu đổ bạn gái (cũ) của tôi mà hắn chưa gặp. Hắn nhìn thấy ảnh cô trong bóp tôi và lâu lâu lại cố moi từ tôi vài chi tiết vụn về cô để từ đó xây dần nên hình ảnh của riêng hắn về cô, phiên bản của riêng hắn về thế giới có cô. Khi chúng tôi lần đầu tiên bàn đến chuyện phân công từng người trong vụ cướp nhà băng, nhiệm vụ cầm súng uy hiếp nhân viên quầy trước gần như đương nhiên thuộc về Pedro, không cần nói, không bàn cãi. Chất giọng trầm, to “như còi xe cứu hỏa và vang như sấm” của hắn đủ sức làm tê liệt một người bình thường trước khi có họng súng chĩa vào ngực chị ta hay anh ta. Có lẽ đó là một lý do để hắn không hét ầm lên như vài đứa khác trong chúng tôi khi đang ở trong đại sảnh nhà băng: tiếng vang của giọng hắn trong đầu hắn chắc là đã đủ cho hắn.

Huỳnh Lê là thằng thân thiết nhất với Pedro Salinas. Y là thằng lắm lời nhất trong chúng tôi, không bao giờ giận bất kỳ ai, chỉ giương mắt nhìn với vẻ ngỡ ngàng vui vẻ, ngừng một chút rồi cười hề hề và tiếp tục nói cho dù y biết là người đối thoại vừa nói kháy y, có thể với dụng ý hay hàm ý rành rành là xúc phạm y. Không gì thú vị, gây cảm hứng và gây cười hơn là nhìn Huỳnh Lê và Pedro Salinas tán chuyện hay đấu láo với nhau. Huỳnh Lê nói thứ tiếng Anh có thể khiến một người mặt ít dày hơn y phải đỏ lựng lên, mù tiếng Tây Ban Nha và mọi thứ tiếng khác trừ tiếng Việt. Pedro chỉ thạo độc tiếng Tây Ban Nha, lòa tiếng Anh và đương nhiên mù tiếng Việt. Nhưng hai thằng có thể ngồi hay nằm nói với nhau từ chập tối đến gần sáng không hiểu là còn thiếu về thứ chủ đề nào. Đầu tóc muôn đời tổ quạ của Huỳnh Lê là một trong nhiều nguồn cảm hứng của chúng tôi. Những câu hát Huỳnh Lê gân cổ rống lên những khi chúng tôi la cà khắp phố như một lũ côn đồ hạng bét hoặc giả cầy là một trong nhiều nguồn cảm hứng của chúng tôi. Y là thằng có khả năng cười ha ha mỗi khi có bất kỳ ai chê thơ y dở. Y làm thơ bằng tiếng Anh (ngoài tiếng Việt ra), và khoảng cách giữa tiếng Anh mà y viết với tiếng Anh mà y nói là một trong những bí ẩn lớn nhất thế gian ít nhất là với tôi. Shin là người duy nhất (ít nhất là duy nhất trong chúng tôi) trước sau như một toàn tâm ngưỡng mộ Huỳnh Lê, và y cũng là thằng duy nhất trong chúng tôi (nếu tôi không lầm) thật ra là không muốn ngủ với Shin tuy ngoài miệng thì nói là thèm ngủ với Shin “muốn chết” và nói thế một cách sống sượng nhất. Nếu về chuyện giao nhiệm vụ cầm súng chủ chốt cho Pedro chúng tôi hoàn toàn không cần phải bàn cãi thì về chuyện ai là người cầm súng yểm trợ cho Pedro – Tay Súng Thứ Hai như chúng tôi gọi – chúng tôi đã phải tranh luận ít lâu để chọn giữa một đằng là Shin một đằng là Huỳnh Lê. Và chúng tôi đã đúng khi chọn Shin, vì, khác với Huỳnh Lê, sẽ không có khả năng Shin đứng đần ra nhìn cô nhân viên nào đó ở nhà băng thay vì chĩa súng vào cô ta và ra lệnh cho cô ta.

Ngay từ đầu chúng tôi đã quyết là trong vụ này sẽ không có ai trong chúng tôi làm thủ lĩnh. Không ai là thủ lĩnh và mỗi chúng tôi là một phần của thủ lĩnh. Làm thế nào cho vị thủ lĩnh gồm sáu phần riêng rẽ và khác nhau này hiện diện một cách thực sự và hoạt động một cách tối ưu trong khả năng có thể, đó là một trong vô số ẩn chưa biết của bài toán thực tại mà chúng tôi cần phải khám phá. Chúng tôi nhất trí rằng, trong khi hành động, mọi quyết định sẽ được đưa ra tức thời trên cơ sở sự nhất trí của những ai có mặt tại cùng một địa điểm ở từng thời điểm. Sự hài hòa với nhau từ trong sâu thẳm tất cả chúng tôi và sự xả kỷ đích thực ở mỗi chúng tôi là thử thách lớn nhất và đáng cho chúng tôi đạt tới nhất, chúng tôi tin chắc như vậy. Dĩ nhiên ngôn ngữ là một vấn đề, có thể nhỏ. Chúng tôi thống nhất với nhau về một số mật khẩu sẽ dùng, bằng tiếng Anh, thứ tiếng mà tất cả chúng tôi, dù ít hay nhiều, có biết. Phần còn lại, chúng tôi tin vào chuyện có những lúc và những vấn đề chỉ cần nhìn mắt nhau là hiểu ý nhau, cũng như có những lúc và những vấn đề mà sẽ không ai hiểu nhau dù đã nói với nhau hàng trăm năm. Chúng tôi cũng tin vào chuyện có những lúc một lời hay một từ tuyệt đối bất ngờ, hoàn toàn ngẫu phát sẽ làm xoay chuyển hoàn toàn tình thế hay chiều hướng phát triển của sự kiện, dù tốt hay xấu. Bóng tối hay có thể là sự nhá nhem sáng tối của những gì chúng tôi đang dấn vào làm cơ thể và linh hồn chúng tôi bớt đi phần lớn trọng lượng. Chúng tôi vét sạch hoặc gần sạch những đồng bạc cuối cùng hiện có của mình để mua súng và đạn trên thị trường chợ đen. Dao, dây dù, dây thừng, thuốc mê, găng tay, bao tải, đèn pin, và một số thứ khác, chúng tôi mua rải rác ở nhiều siêu thị và cửa hàng lớn nhỏ. Vì những khoản mua này chúng tôi nhịn ăn hoặc gần như nhịn ăn mấy ngày liền và nhịn thuốc, nhịn rượu, nhịn đàn bà, nhịn sách, nhịn phim mấy tuần liền hoặc gần như thế. Cũng nhờ đã mất nhiều trọng lượng và lại được sự hấp dẫn của tương lai chưa biết và không thể đoán nâng lên nên chúng tôi vượt qua được mấy ngày và mấy tuần đó như đứa trẻ vượt qua được mấy giờ bị phạt cấm cố và nhịn đói. Khổ sở một tí, thì có, nhưng là gì so với vũ trụ?

Khoảng một tuần trước khi hành động là quãng thời gian hạnh phúc nhất của chúng tôi. Chúng tôi không nói với nhau một lời về việc chúng tôi sắp làm cùng nhau, như thể nó không tồn tại. Song dĩ nhiên không thể nói là nó không tồn tại, cũng như không nói về cái chết không có nghĩa là không có cái chết. Lúc này chúng tôi đã lại có tương đối đủ tiền để tới những nơi mình thích. Một đêm ở những nơi đó có thể dài như thiên thu đối với chúng tôi, bởi vì mỗi phút của nó đều đầy ắp những gì ở trong chúng tôi. Hay sự rỗng không đến độ hoặc gần đến độ của chúng tôi. Pedro lại xuất hiện cùng các cô nàng của hắn. Huỳnh Lê với cô nàng bất di bất dịch chói lòa như nắng của y. Shin, với hàng lũ nam giới vây quanh cứ như từ khai thiên lập địa đã vậy rồi. Reza, lặng im, cô độc, bí hiểm, đáng ngại, cuốn hút, như một ngọn núi mỗi ngày đứng ở một chỗ khác. Antonín, với giọng hát muôn thuở, tuyệt đẹp, đáng sợ, có khả năng cướp linh hồn con người bất cứ lúc nào, khiến người ta gặp gỡ và thấy thân thiết với hư vô. Cách hữu hiệu nhất để bảo đảm cho Antonín đừng hát là lôi kéo hắn chơi bài. Song giải pháp này không ổn nếu chúng tôi đang nhẹ túi. Cho nên tuần đó chúng tôi để cho hắn mặc sức hát. Antonín hát thì lẽ tự nhiên là Pedro hát, rồi Huỳnh Lê hát rồi Shin hát và cuối cùng là tất cả chúng tôi. Tất cả, nếu có thể coi cái giọng ông ổng chói ráy như còi xe chữa cháy của Huỳnh Lê cũng là một thứ có khả năng làm một việc giông giống như hát. Không phải ai cũng sẵn lòng chịu đựng chúng tôi. Nơi hát ưa thích của chúng tôi không phải là quán này tiệm nọ mà là quảng trường, công viên, bến sông, bãi rác, nghĩa trang. Antonín, người thường hay rủng rỉnh nhất hoặc có vẻ như vậy trong chúng tôi (dù đôi lúc không phải vậy) lái xe chở cả lũ chúng tôi những khi hắn còn có xe hoặc kiếm đâu ra được chiếc xe. Xe không chứa hết chúng tôi thì hai ba thằng trong chúng tôi đi tàu điện ngầm, bắt xe buýt, tắc xi, cưỡi mô tô nếu có mô tô, xin quá giang, cuốc bộ. Ở một trong những lần đi như vậy, ba thằng trong chúng tôi vào bệnh viện. Không phải Pedro: chính hắn làm kẻ khác vào bệnh viện. Một kẻ khác nữa vào bệnh viện – sau nhiều kẻ tương tự trước đó – vì một đường dao của Shin. Chất thép trong lưỡi dao của Shin cũng như trong nắm đấm của Pedro là một số trong những thứ đánh dấu ranh giới khả năng tồn tại của chúng tôi. Reza là người duy nhất trong chúng tôi không bao giờ đánh lại ai ngay cả khi máu từ màng tang gã chảy xuống bén vào khóe miệng gã do một cái chai đập vào đầu gã (chúng tôi biết là ngay cả lúc đó Reza vẫn còn tỉnh táo đủ để đánh trả nếu gã muốn, chỉ cần gã muốn). Pedro là người duy nhất trong chúng tôi chế giễu Reza về chuyện đó. Chúng tôi thì không. Chúng tôi tôn trọng Reza, chỉ có điều không phải tất cả chúng tôi đều là Reza. Gã luôn luôn là người đầu tiên tình nguyện đi bộ (khi tình thế bắt buộc vài thằng trong chúng tôi đi bộ). Gã không bao giờ uống rượu và làm một thứ thơ kỳ lạ, lúc thì đập vào chúng tôi như một túi khí trên ô tô bung ra không đúng lúc làm chúng tôi tối tăm mặt mũi và ngộp thở, lúc thì đâm thẳng vào tim hay gan ruột chúng tôi như dao găm. Có nhiều lý do để sợ Reza. Mặc dù gã không bao giờ dùng bạo lực với ai. Mặc dù chẳng phải là không có lúc nào chuyện đó đến trong óc gã, như tôi đã thấy một lần trong mắt gã khi ai đó trong chúng tôi, tôi không nhớ rõ là ai, Pedro hoặc Huỳnh Lê, cũng có thể Shin hoặc tôi, nói gì đó về fitra hay là niềm kiên tín quái quỷ gì đó của gã.

Pedro kiếm tiền bằng quả đấm của hắn theo nghĩa đen. Hắn đấm bốc ở mấy câu lạc bộ hạng ba, đấu vật ở các sới vật chui, và có dạo làm bảo vệ – bouncer – ở một quán bar do hai chị em người Bolivia làm chủ. Hắn cặp bồ với cả hai chị em, cùng lúc, công khai, và cuối cùng bị đuổi mặc dù bị đuổi (to be fired) không nhất thiết đồng nghĩa với bị đá đít (to be dumped). Thơ là một thứ khó mà hình dung là ở trong hắn và song hành cùng hắn, cũng như thuyết tương đối và con đười ươi hay Tractatus Philosophicus và cái dùi đục. Tuy nhiên sự phức tạp, sự phong phú và những khả năng biến dị khôn lường của thế giới cũng luôn luôn vượt ngoài trí năng con người, bằng chứng hiển nhiên cho điều đó là quả thực có một thứ thơ ở Pedro, của Pedro, từ Pedro, cho dẫu đó chỉ là thơ đối với Pedro (và tôi không đến nỗi không tin đó là thơ không chỉ với Pedro). Khi chúng tôi hành sự, ít nhất ba lần Pedro gí nòng súng vào sát ngực hay sát thái dương một nhân viên nhà băng và kề ngón trỏ lên cò súng, khẽ bóp vào chừng một hai ly, một hai ly thôi, nhưng rõ ràng hắn thực sự có ý định bắn hay ít nhất có hình dung trong đầu cảnh tượng diễn ra một khoảnh khắc sau khi hắn bắn. Ngoài cái đó ra hắn không đụng đến họ. Shin có phóng một con dao cắm vừa gọn vào mép tay áo cài măng sét của một nhân viên và ghim chặt nó (cùng với cổ tay anh ta lồng trong tay áo) xuống mặt quầy – tôi có thể hình dung lưỡi dao chỉ cách thịt anh ta chừng hai, ba, bốn milimét, khiến anh ta nghe rõ khí lạnh của thép, khí lạnh của sự chết và khiến mồ hôi (lạnh không kém) túa ra đầm đìa trên trán anh ta. Antonín và Huỳnh Lê là những ngườimỉm cười với các nhân viên nhà băng bị chúng tôi uy hiếp. Shin cũng có, song nụ cười của Shin có lẽ quá nhẹ và quá bí hiểm nên người ta khó nhìn ra hoặc khó chấp nhận là nụ cười, tuy dĩ nhiên nếu quan sát kỹ thì sẽ nhận thấy nụ cười này của Shin là hướng ra bên ngoài, về phía kẻ khác, chứ không phải vào bên trong Shin. Huỳnh Lê cười cái nụ cười vui vẻ hứng chí, nom giống như y mới làm vài ly cồn loại mạnh mặc dù chắc chắn là hai tư giờ trước khi hành động không ai trong chúng tôi đưa vào mình một giọt cồn nào. Antonín cười dịu dàng như thể hắn muốn ngầm hỏi những người đang bị chúng tôi uy hiếp, Nè, tui làm cái việc/cái trò này cũng được chớ phải không, nom tui không đến nỗi tức cười, không ngố quá phải không. Hắn cũng cười cái nụ cười dịu dàng, gần như là ngượng nghịu ấy đồng thời hơi nghiêng nghiêng cái đầu mỗi khi hát xong, tuồng như thấy có lỗi khi mình có giọng hát đầy ma lực đến như vậy. Cùng với tôi, hắn giữ nhiệm vụ gom tiền cho vào bao. Chính xác hơn là tôi cầm súng cảnh giới cho hắn còn hắn chuyên trách làm việc đó. Đó là công việc vừa vặn phù hợp với hắn. Một phần là bởi chúng tôi tính rằng với đôi tay dài ngoẵng như tay vượn hay như hai con trăn kia thì hắn có thể vơ tiền ở cự ly xa hơn, một vòng quét hay một lượt ôm của hắn lớn hơn. Huỳnh Lê thì đóng vai trò như một libero hay trung vệ tự do, y sẽ phối hợp và yểm trợ cho hoặc nhóm uy hiếp hoặc nhóm gom tiền tùy tình huống, tùy đòi hỏi của mỗi thời khắc. Việc này chúng tôi cũng cho là hợp với y. Để làm một tay uy hiếp thuần túy hay một tay thu tiền thuần túy thì y vừa có thừa một cái gì lại vừa thiếu một cái gì. Để làm tròn cái vai đặc biệt này Huỳnh Lê có vũ trang nhẹ, mặc dù đúng ra tất cả chúng tôi, kể cả Reza, đều có vũ trang, nặng hoặc nhẹ, ít nhất là một khẩu súng ngắn. Tất cả súng của chúng tôi đều không có đạn. Hay đúng hơn là có thể có và có thể không có đạn: trước khi lên đường, chúng tôi đổi súng cho nhau. Tức là không ai trong chúng tôi cầm một khẩu súng mà chính mình đã chuẩn bị từ trước và do vậy biết chắc về nó. Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau rằng mỗi chúng tôi, vào đêm ngay trước hôm hành động, bằng cách riêng của mình – và bí mật, chỉ mình mình biết mình mình hay – quyết xem có nạp đạn vào khẩu súng mình đang giữ hay không. Tôi không biết những người khác có hoàn toàn giống tôi ở chỗ này không, tôi đồ rằng ít nhiều là có: một nỗi phấn khích đặc biệt, làm cho đầu ngón tay ngón chân tôi nhiều lúc tê lên và nhiều lúc rủn đi bởi cái nhận thức rằng có thể mình đang mang cái chết mà cũng có thể không. Bằng cách này chúng tôi sẽ không đâm ra hứng thú và quen với cảm giác mang cái chết theo mình đồng thời cũng không hoàn toàn xa lạ với nó, vẫn cảm thấy sự hiện diện của nó như một khả thể có thể trùng chập vào chúng tôi mà cũng có thể không. Có một phân số nào đó, co giãn khôn lường, trong việc chúng tôi đang đi và hành động cùng với khả năng của sự chết. Như trên đã nói, Reza là người duy nhất nói ra lời về việc chúng tôi đừng nổ súng vì bất cứ lý do gì. Tôi hiểu vì sao Pedro căm tức gã vì chuyện đó. Bằng một câu ấy, Reza đã tước mất khỏi vụ này gần như hầu hết cái nhịp đập phừng phừng của sự bất xác, sự vô định, của vô số những khả năng không thể biết và không thể đoán. Mà cũng có thể – cái này thì tôi chỉ có khả năng phỏng đoán – rằng tất cả chúng tôi, không trừ ai, đều đã chẳng nạp một viên đạn nào vào khẩu súng mình cầm đêm hôm trước và đồng thời tin hoặc chờ đợi hoặc hy vọng rằng trong những thằng còn lại có ít nhất một thằng không làm như mình. Cũng có khả năng tất cả súng đều có đạn: thằng nào trong chúng tôi, khi nạp đạn vào khẩu súng mình cầm đêm trước, cũng đều tin mình là thằng duy nhất nạp đạn, thằng duy nhất chịu trách nhiệm về cái chết thật mà chúng tôi mang.

Đêm trước hôm hành động, Pedro, Antonín và tôi xem (hay xem lại) “Nostalghia” của Tarkovski. Shin, tôi không chắc Shin làm gì, có thể là Shin ngồi thiền. Tôi nghe tiếng hát cải lương rồi sau đó là quan họ sau đó là hát sắc bùa hay hát bả trạo gì đó vẳng xuống từ phòng của Huỳnh Lê. Reza không có mặt, song tôi gần như không có nhu cầu bận tâm tìm hiểu xem gã làm gì: niềm tin cậy mà hắn gây nên được ở tôi là một thứ vừa vô hình vừa rộng khắp và vô điều kiện giống như một thứ không khí. Thứ không khí này đôi khi cũng khiến mình ngạt thở. Khi xem “Nostalghia” đến đoạn Domenico diễn thuyết trên quảng trường ở Roma hay đâu đấy rồi sau đó tự thiêu trên nền nhạc “Tụng ca niềm vui” của Beethoven, mặt Pedro đanh lại tuồng như chất liệu tạo thành nó đột ngột chuyển thành sắt hoặc ít nhất là hỗn hợp giữa thịt và sắt. Nhìn hắn lúc đó cứ như hắn đang sẵn sàng đấm một kẻ nào đó cho gãy răng và hộc máu mồm. Đó chỉ là cảm giác, tôi biết, và cảm giác có thể hoàn toàn sai cũng như hoàn toàn có thể chuẩn xác, thông tuệ. Chúng tôi ngồi xem phim, chốc chốc lại uống nước ngọt. Antonín thì ngoài Coke còn uống nước cam do hắn tự ép lấy. Chúng tôi không uống bia. Rượu, không. Đêm trước đó thì có. Nhiều. Chúng tôi uống một chầu túy lúy. Có thể gọi là bét nhè. Cả thế giới cùng say với chúng tôi. Ít nhất là cái phần (hết sức nhỏ nhoi) của thế giới không quay theo cái guồng máy khổng lồ đang chuyển vần cả nhân loại (“Những đồng tiền đang làm chuyển vần thế giới,” thiên hạ nói vậy). Sự cưỡng kháng của chúng tôi: bức tường sừng sững kêu xèo xèo bằng tăm rượu, vui hơn hớn như con chó gặp được chủ sau hơn chục năm chờ đợi và thảm như con mèo con bị vứt dưới mương, run cầm cập, chưa mở mắt nên có mắt cũng như không, khản giọng gọi một bà mẹ và một sự bình an mãi mãi không bao giờ tới.

Một trong các nhân viên nhà băng là tai họa của Huỳnh Lê. Theo nghĩa nào đó cô ta làm y phê, như một thứ thuốc. Một rủi ro đã được lường trước, tuy rằng cũng có lúc chúng tôi nhìn nó như một ân sủng, một thứ vầng trăng đẹp mà chúng tôi không thực tình chờ đợi thấy xuất hiện trong đêm đen của chúng tôi. Sự choáng ngợp, sự chuyển hóa mà nó gây nên ở Huỳnh Lê thật toàn triệt, toàn bích. Quan sát y những lúc như thế là một nỗi sướng khoái, một catharsis và một cái đau. Tình yêu tột đỉnh, thèm khát tột đỉnh, tuyệt vọng tột đỉnh, u hoài tột đỉnh. Y là tấm gương tối hậu, tuyệt đối chính xác và không thương xót, để chúng tôi soi đặng thấy không phải hình vẻ bên ngoài của chúng tôi mà là máu của chúng tôi, hạt nhân của linh hồn chúng tôi. Điều tự nhiên và không thể khác được là chính Shin chứ không ai khác là người đầu tiên cắt đứt cái thời khắc ngoài–thế–giới này của Huỳnh Lê và ở mức độ nào đó của tất cả chúng tôi. Shin đưa cho cô ta một cái mặt nạ, một trong những cái chúng tôi có chuẩn bị để mang nhưng không mang, bảo cô ta mang vào, bịt kín mặt chỉ chừa hai con mắt: trong khoảnh khắc cô ta trông còn giống chúng tôi hơn cả chúng tôi, một đồng lõa hay đồng minh hay đồng bọn của chúng tôi, được chúng tôi cài vào nhà băng này làm nội gián hoặc là đột nhiên nhận thấy mình đang ở đó mà không hiểu làm thế nào lại như vậy được và vẫn chưa hoàn toàn nhận ra rằng kỳ thực ngay từ đầu cô đã thuộc về phía chúng tôi hoặc cô vẫn chưa thể quen với nhận thức này, việc đó đối với cô quá khó. Phản ứng đầu tiên của Huỳnh Lê trước hành động này của Shin thật dữ dội. Làm cái gì vậy? y gầm lên bằng tiếng Việt nhưng dù nó thốt ra bằng tiếng nào đi nữa thì bất cứ ai cũng có thể hiểu rõ một điều: kẻ nào gầm như thế có thể mổ bụng một kẻ khác được, ít nhất là ngay trong khoảnh khắc ấy. Cố nhiên Huỳnh Lê sẽ không mổ bụng Shin. Thay vì vậy vẻ mặt y cho thấy nếu không mổ bụng ai thì y mổ bụng mình bởi vì trước sau gì một hành động như thế phải được làm. Hàm y đanh lại chừng như đủ để có thể xé toạc da y và cứa đứt mô cơ y. Mắt y lập tức đỏ sọng lên như tụ máu và nước mắt chừng như sắp bật ra khỏi đó.

Shin cười khi thấy Huỳnh Lê trong trạng thái này. Lần này không phải chúng tôi mà là tất cả các nhân viên nhà băng đang sợ tái xanh tái xám kia bị thôi miên bởi nụ cười của Shin, bị thôi miên ở mức độ mà tôi thấy hình như mạnh mẽ hơn so với bất cứ lúc nào chúng tôi bị thôi miên bởi nụ cười của Shin, tuồng như những người này, họ có khả năng trực nhận được ở nụ cười của Shin và ở Shin một cái gì đó mà chúng tôi không có khả năng trực nhận. Ngay lúc ấy tôi nhận ra thêm một lần nữa, như nhiều lần khác, rằng mối dây duy nhất nối liền Shin với thực tại là một bí ẩn mà chắc tôi không bao giờ có thể biết được. Duy một điều tôi biết: chắc chắn đó là một cái gì hiểm nghèo và yểu mệnh hơn nhiều so với trường hợp của tôi hay Antonín hay Reza. Rồi thì trong một sự chuyển biến cực nhanh điển hình cho Huỳnh Lê, cơn cuồng nộ hay phẫn uất của y vụt trở thành một thứ khác hẳn. Cơn cuồng nộ hay phẫn uất của y, dường như tự nhận thức được tình thế không lối thoát và do đó lố bịch của mình, liền – một cách đột ngột, gần như không có cái gì như là đoạn trung gian chuyển tiếp – tự biến hóa thành cái cười. Nụ cười nở toét trên miệng và lan ra toàn bộ mặt y, bừng lên trong mắt y, và sắc đỏ lựng của da mặt y, dư ảnh của cơn cuồng nộ hay phẫn uất trước đó một hai giây và hãy còn chưa đủ thì giờ để phai đi, khiến cho nụ cười này của y chừng như mang một sức nóng và một vẻ máu thịt đặc biệt. Sao lại vùi mặt trời đi vậy chớ, lấy gì để thăng hoa bây ơi, y nói, không nhằm cụ thể vào ai, nhưng với âm lượng lớn như thể nói với toàn thế giới. Y nói bằng tiếng Việt và tôi mất chừng hai giây để quyết định dịch ra tiếng Anh (một cách tốt nhất trong sức tôi) cho tất cả những người có mặt. Cô gái (vừa vội vàng lột cái mặt nạ vừa mới chớm đeo vào) trố mắt nhìn tôi, đoạn nhìn qua Huỳnh Lê. Nụ cười y rũ hẳn xuống khi mắt y gặp mắt cô và rõ ràng (ít nhất là rõ ràng với tôi vì tôi đang đứng gần y nhất) là môi y run lên. Một nam nhân viên nhà băng (đang chắp hai tay sau đầu theo lệnh chúng tôi) cười khùng khục trong cổ họng không kìm nổi, toàn thân giựt giựt như con rối mà chủ nhân điều khiển nó đang lên cơn giựt kinh phong, mồ hôi lấp lánh ở đường chân tóc và hai bên thái dương. Trong thoáng chốc không ai còn để ý đến Shin. Shin ném phập một con dao xuống mặt bàn ngay trước mặt anh ta. Đấy là con dao thứ hai Shin dùng từ đầu tới giờ, tôi không thể biết Shin còn bao nhiêu con trong người. Cú giật nảy mình chung của nhiều người cùng một lúc thật khác với của riêng một người, một cú nảy mạnh của bầu không khí và một cú xóc mạnh của tim. Trong vài giây sau đó âm thanh rõ rệt duy nhất là tiếng thở hổn hển hay tiếng tim đập thình thình của gã trai. Pedro liền buột miệng chửi thề, một tiếng chửi thề rất nhanh bằng tiếng Tây Ban Nha (tôi không nghe kịp để nhận ra liệu có phải là một chữ tôi biết không) rồi xông tới, vung nắm tay về phía Shin. Shin tỉnh bơ nhìn hắn. Bàn tay hắn ngưng lại trong không trung như trong một pô ảnh chụp nhanh. Ở một góc pô ảnh này Antonín nhìn tất cả với vẻ mơ màng (như hơi ngái ngủ) và dịu dàng. Hai cánh tay hắn dài ngoằng gây ấn tượng rằng kể cả loại súng bự nhất khủng nhất, loại súng mà Sylvest Stallone ôm trong The Expendables cũng được làm ra là để cho hắn. Tuy nhiên, Pedro từng nhại cái động tác chưa từng diễn ra thật này của Antonín, cái điệu hắn vừa ôm khẩu súng đại khủng đại hầm hố ấy vừa nhìn xuống nó với nụ cười ngây ngô nhất thế gian, khiến cả lũ chúng tôi cười lăn cười bò kể cả Antonín. Pedro và Shin đứng chằm chằm nhìn nhau giữa trung tâm pô ảnh như giữa chùm sáng duy nhất trên sân khấu, Pedro với nắm đấm bị đóng băng nửa chừng, Shin với nụ cười giống như mặt trời chính ngọ trong đáy giếng. Shin cao hơn Pedro gần nửa cái đầu (Shin cao thứ ba trong chúng tôi) và óc tôi bất giác vạch một đường thẳng vắt chéo nối từ mắt Pedro tới mắt Shin. Pedro đầy cơ bắp, Shin với những đường nét cong thanh tú. Pedro với hơi thở nặng trịch của hắn, Shin với hơi thở gần như không thở. Đột ngột cô gái kêu to, “Đủ rồi, thôi đi”. Cô kêu bằng tiếng Pháp, điều hơi lạ bởi theo tư duy thông thường thì ở nơi này người ta không thường xuyên nói tiếng Pháp song tôi không cảm thấy lạ và hình như không ai thấy lạ dù có một cặp mắt rời khỏi cặp Pedro–Shin mà quay sang cô.

Chậm rãi Shin đặt súng xuống quầy, dùng cả hai tay cầm lấy bàn tay Pedro đang nắm chặt giơ lên, nhẹ nhàng vuốt ve như để làm cho nó mềm đi, đoạn mở các ngón tay Pedro ra, lần lượt từng ngón một, những ngón bè bè chắc chắn là vốn đang nắm vào nhau rắn như đá song dưới hai bàn tay Shin thì đang lần lượt trở nên nhu thuận, duỗi ra mềm mại như năm cánh của một thứ hoa hơi bị dày và thô song vẫn là hoa. Tất cả hay ít nhất là gần như tất cả nhân viên nhà băng bị hút vào điều đang xảy ra giống như chúng tôi. Tôi thì chú ý đến Pedro–Shin và đồng thời để mắt tới một trong các nhân viên nhà băng, người cao tuổi nhất, da mồi, tóc bạch kim, là do khóe mắt tôi bắt được một chuyển động nào đó mơ hồ ở phía ông ta “giống như một cái đập cánh của con bướm mà ta thấy bằng khóe mắt”. Lập tức tôi chĩa súng vào ông ta (bình thường tôi không nhanh như thế song rõ là tôi có thể nhanh như thế khi cần thiết). Ông ta nẩy người ra sau như thể nhìn thấy một vực sâu không đáy vừa bất thần há ra ngay trước mặt mình và lật đật thu bàn tay phải (chỉ vừa mới dịch ra khỏi đằng sau gáy chừng mươi phân gì đó) về lại chỗ cũ, đằng sau gáy. Tôi biết gần như chắc chắn là hoặc trên bàn trước mặt ông ta hay có thể trong túi áo ông ta có nút báo động (khả năng này cao hơn) hoặc trong hộc bàn hay ở túi trong áo vét của ông ta có súng (khả năng tương đối thấp hơn). Tôi thoáng nghĩ đến chuyện tiến lại gần ông ta đặng làm gì đó (cái gì đó cần thiết) song tôi lại nhìn sang cặp Pedro–Shin, nghe ran ran trong ngực bởi ý nghĩ mình vừa mới bỏ sót một khoảnh khắc không được phép bỏ sót nào đó trong tiết đoạn này trong cuộc đời chúng tôi, vốn có tầm hệ trọng gần như ngang với màn Sáng thế. Shin đang kéo bàn tay lúc này đã xòe rộng ra của Pedro lại gần môi mình, kề sát môi, hôn. Tôi nghe được một tiếng thở ra nhẹ, nhẹ nhưng không thể không nghe thấy, thoát ra từ ngực vài người đang chứng kiến, bởi trong động tác này của Shin, trong cung cách của Shin có cái gì đó khiến Shin không chỉ giống hoặc có khi không hề giống một gã gay đang bày tỏ tình yêu với một gã đàn ông: người ta – hay ít nhất là một số người – ắt phải nhận thấy rằng nụ hôn như thế này Shin cũng có thể dành cho cái mõm ươn ướt của một con thú vừa bị đánh chết, một bông hoa (chưa thực sự chết) trên một cái cây vừa bị trốc gốc tức là bị giết chết, hay một trong hai mông đít phì nhiêu của một mẹ nái sề từng là mỹ nhân sắc nước hương trời mà, theo như Shin nhận ra, đến giờ vẫn cứ nghĩ và cảm về bản thân mình như là một mỹ nhân sắc nước hương trời. Cô gái “của Huỳnh Lê” đặt một tay lên ngực. Huỳnh Lê nhìn cặp Pedro–Shin với cặp mắt không đỏ lên nhưng giống như là đang sắp sửa đỏ lên. (Y là một tên đa cảm). Một nhân viên nhà băng (để ria mép, nước hoa sực nức) trề môi. Tôi liếc lại ông già thì cũng vừa lúc ông già đưa mắt nhìn tôi. Gặp mắt tôi, ông ta nở nụ cười méo xệch và làm một động tác mơ hồ bằng một nửa cằm về hướng cặp Pedro–Shin. Sau chừng vài giây (mà đối với tâm trí là lâu hơn nhiều) Shin từ từ ngả đầu ra sau, từ từ đẩy bàn tay Pedro về lại gần người hắn, như trả một bông hoa về lại cành cây vốn là chỗ tự nhiên của nó. Trong khi làm vậy mắt Shin nhìn đăm đăm vào mắt Pedro và môi Shin mở thành một nụ cười nhẹ đến nỗi chừng như một cơn gió không mạnh lắm thổi qua cũng có thể làm biến đi mất. Đoạn, không quay đầu lại, Shin đưa tay lấy khẩu súng ban nãy đặt lên quầy, khẩu súng mà cứ như nhờ một phép mầu mà cho đến lúc này vẫn ở đấy, không bị lấy đi bởi một bàn tay không phải của chúng tôi. Có thể đây chỉ là tôi tưởng tượng ra hoặc phần lớn là thế, nhưng tôi thấy tất cả những người xung quanh – các nhân viên nhà băng, nói rõ là vậy – đều khẽ ngả người ra sau trong khi Shin với tay tìm và lấy khẩu súng: vô hình trung họ không hẹn mà cùng nhau mở rộng thêm không gian dành cho Shin và khẩu súng của Shin, không phải với sự hoảng sợ mà do cái gì đó gần như là kính cẩn. Không có gì yêu thương ở đó, nhưng mà kính cẩn. Súng trong tay, Shin nâng nó lên chĩa về phía các nhân viên nhà băng, không nhằm cụ thể vào ai, và một lần nữa như có một cái bóng lướt qua mặt tất cả những người đó khiến họ nảy người ra sau lần nữa, đó là lúc họ thấy vẻ lạnh như tiền trở lại quá nhanh trên mặt Shin.

Pedro và Huỳnh Lê mất nhiều thời gian hơn Shin để nhớ lại về khẩu súng của mình, về cánh tay đáng ra là cầm súng của mình hoặc về những vật mà đáng lẽ tay mình lúc này phải đang chạm tới. Về phần Antonín, hắn bị tác động bởi kết cấu âm học và khả năng om tiếng của tiền sảnh nhà băng cũng một cách mạnh mẽ không kém Huỳnh Lê bị tác động bởi người đàn bà. Sau nhiều cố gắng nhắc nhở hắn, khuyên can hắn và kìm giữ hắn, rốt cuộc tôi cũng bắt được hắn thôi không hét nữa, nhận ra rằng mình đã hét quá nhiều, tuy nhiên kể từ khi ngừng hét trở đi hắn chìm vào một cơn u uất giống như một thứ bóng tối nó đã định sẵn từ trước là sẽ chỉ trùm lên và che khuất một mình hắn thôi. Bóng tối này trên mặt hắn chỉ phai đi một chút và trong thoáng chốc khi hắn nhìn thấy nụ hôn của Shin dành cho Pedro: nó quá lớn, nỗi nhớ nhung của hắn về vùng âm thanh nào đó không thuộc về cái thế giới này. Từ khi thôi hét, hắn im: gần như thể chúng tôi đang hành sự mà trong nhóm có một gã bẩm sinh câm điếc. Hắn vẫn mỉm cười, nhất là với các nhân viên nhà băng mỗi khi hắn lại gần họ để hốt những đống tiền họ bày đầy ra quầy trước mặt. Nhưng đó là nụ cười của một người vĩnh viển mất quê hương và không thuộc số những người thấy tình trạng không quê hương này của mình chính là quê hương: nụ cười của kẻ không vui không buồn bởi hoài niệm về niềm vui cũng như về nỗi buồn là một gánh nặng quá lớn đối với hắn. Một trong các cô nhân viên nhà băng không thôi nhìn hắn, luôn có vẻ như muốn nói với hắn điều gì đó không liên quan đến bất cứ cái gì đang diễn ra lúc này ở đây. Một cử động nhỏ trên mặt cô phản ảnh một chuyển dịch nào đó ở bên trong cô. Tay đứng gần cô nhất nhìn Antonín với vẻ khinh khi. Nụ cười hay cái nhếch mép (ám chỉ đến một nụ cười) của anh ta như muốn nói, Nếu tớ đây ở vào địa vị chú mày, tớ đây sẽ không làm như mèo mửa như chú mày. Thấy vậy tôi chỉ muốn gí ngay họng súng vào giữa ngực hay màng tang hay vào mồm anh ta nhưng một nỗi chán chường khủng khiếp đột ngột tràn lên khiến tay tôi cứ như toàn bằng bột nhão và tôi cảm thấy tuy khẩu súng vẫn còn đó trên tay tôi song đấy hoàn toàn chỉ là nhờ sức mạnh của ý chí tôi, một thứ lực vận hành hoàn toàn tương tự như lực nam châm. Dù thế nào thì việc chính của tôi là cùng với Antonín nhanh chóng gom tiền. Huỳnh Lê là “libero”, trợ giúp chúng tôi hoặc yểm trợ cho Pedro và Shin tùy tình huống. Y còn phải thường xuyên để mắt ra bên ngoài, cảnh giới, báo động cho chúng tôi ngay nếu có dấu hiệu bất ổn. Reza cũng vậy. Chúng tôi ai cũng trang bị máy di động, nạp đủ tiền, sạc đủ pin. Chúng tôi có biết rằng mình có nguy cơ bị người ta truy ra được tung tích qua tổng đài điện thoại. Song chúng tôi không có cách khác, hay đúng hơn là chúng tôi không bận tâm đến chuyện tìm cách khác. Theo nghĩa hoặc theo cách nào đấy chúng tôi biết chắc mình sẽ không thoát, không thoát được cái lưới của luật pháp hay của cái thế giới mà chúng tôi không muốn bị chìm vào, cũng tương tự như không thoát khỏi cái chết hay khỏi sự trỗi dậy của hỗn loạn và bất định giữa lòng trật tự và xác định. Pedro là người cười to nhất trong chúng tôi sau khi chính hắn đưa ra ý tưởng rằng nếu không có đường nào thoát khỏi tay cảnh sát thì mỗi chúng tôi thò họng súng vào họng mình bóp cò. Không chắc là chết, Reza nói. Trệch đi vài phân, đạn không xuyên thủng mạch máu chủ thì có thể không chết. Thì vào thái dương, Pedro nói. Vào tim hay hơn, Huỳnh Lê nói. Vào tim thì đầu mình mặt mình vẫn còn nguyên (đấy là diễn cho trọn ý của y muốn nói, chứ thật ra nguyên văn lời y bằng tiếng Anh là “… then nothing to this” kèm theo động tác chỉ chỉ tay vào chỗ nào đó giữa gò má và thái dương y). Y luôn luôn mang một ý thức hầu như sâu thẳm về sự hiện diện của thân thể. Y là người giàu có nhất trong chúng tôi về mặt những cảm xúc thân xác, hơn cả Pedro hay có lẽ hơn Shin.Y run lên khi người bị y chĩa súng vào giữa ngực run lên: tôi hình dung thấy y ôm ngực nếu như một trong những người đó bị trúng thương vào giữa ngực dù bởi chúng tôi hay bởi ai, trong tình huống nào, vì lý do gì hoặc không vì lý do gì. Y là một trong những nỗi lo lớn của chúng tôi, ít nhất là của riêng tôi. Có thể đây chỉ là tưởng tượng vu vơ, một chứng ám ảnh vô cơn vô cớ và có phần bệnh hoạn, song có những lúc nhìn Huỳnh Lê tôi tưởng như thấy có cái gì đó xé toang người y và ruột gan phèo phổi y đổ ụp xuống đất, tất cả cùng một lúc ngay trước mắt tôi. Một mẩu gan hay khúc ruột của y có thể rớt ra khỏi người y dù không có lỗ mở nào kể cả khi súng của bất kỳ ai trong chúng tôi nở và dù nổ vào ai. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn đưa súng cho y – chính tôi đưa súng cho y. Có lẽ chính vì vậy mà tôi đưa súng cho y. Tôi biết súng có đạn hay không, ngoài ra không ai biết. Dĩ nhiên y không biết. Khi y nhận súng từ tay tôi, tôi nhìn vào mắt y – chúng tôi nhìn mắt nhau – và tôi cảm thấy, cứ như đấy là lần đầu tiên hoặc cứ như chưa bao giờ cảm thấy sâu sắc như vậy, sự mong manh và chiều sâu thực của mỗi một khoảnh khắc sống, cùng sức hút nguy hiểm của chiều sâu này.

Reza nhận súng từ tay Shin với cái vẻ giống như đang nhận một quả táo. Tức là gã nhận súng, cầm trong tay, lật qua lật lại, nhìn, ngắm, bình thản, mơ màng, dịu dàng, rồi chậm rãi đút vào túi quần, như thể nó, khẩu súng, có khả năng mang lại sự sống bên cạnh mang lại cái chết, cũng như quả táo có khả năng mang lại cái chết bên cạnh mang lại một chút (một tí ti) sự sống. Hoặc giả có thể nói (đây là tôi đang cố để hiểu Reza) rằng gã nhìn thấy trong khẩu súng có Thượng đế cũng như trong quả táo có Thượng đế. Súng có đạn không, chỉ Shin biết. Tôi cảm thấy tiếc rằng Reza không có mặt bên trong nhà băng để có thể cảm nghiệm được phẩm chất về âm học của nó giống như chúng tôi, khả năng của nó trong việc khiến chúng tôi hốt nhiên nhận ra rằng những tiếng kêu và hét của chúng tôi cũng hoàn toàn có thể thật ra là từ cõi nào khác tới.

Pedro là người duy nhất trong chúng tôi bình phẩm một cách hăm hở và vô tư – thực sự là hăm hở và vô tư – về khẩu súng hắn vừa nhận và đang nằm trong tay hắn. Huỳnh Lê cũng bình phẩm theo cách giống như thế, tuy nhiên tiếng cười ha ha của y (về lý thuyết là hăm hở và vô tư) có cái gì đó mong manh, kiểu như là sự mong manh hay đúng hơn là ổn định và mong manh như một cái bong bóng xà phòng có kích cỡ bằng một quả khí cầu, loại khí cầu mang được con người. Nếu ở Pedro đó cũng là một cái bong bóng giống như thế thì nó là bong bóng làm bằng thứ chất liệu tuy vô hình và mỏng song dai và chắc bởi được tôi bằng “nắng và đá lửa”. Có một sự hanh hao, nói đúng hơn là sự khô nẻ và mùi khen khét tỏa ra từ những tiếng cười rổn rảng này của Pedro khi hắn vung vẩy khẩu súng tự động (có đạn hay không không rõ) của hắn, làm bộ gí súng vào màng tang Shin, chĩa về phía ngực tôi, lùa họng súng vào bụng Antonín, kê mũi súng vào gáy chính hắn, một nghi lễ vui nhộn tếu táo, và một trò đùa buồn thảm bên lề cái ranh giới vô hình chông chênh chóng mặt giữa làm với không làm.

Có những quãng lặng bất ngờ giữa lúc chúng tôi đang hành sự. Cũng như là những quãng lặng bất ngờ giữa chừng bất cứ lúc nào khác giữa chúng tôi. Chẳng hạn, Antonín có thể đang hát thì ngừng bặt nửa chừng và im lặng từ đó cho đến hết ngày hay hết đêm, một im lặng thuộc loại khiến chúng tôi hay ít nhất là tôi có cảm tưởng rồi hắn sẽ im lặng đến chết (cái im lặng mà tôi không bao giờ chắc được nó kéo dài lâu hơn dư âm bài hát bị ngắt ngang của hắn hay không). Reza đang đọc thơ cho chúng tôi nghe thì đột ngột nín thinh như bỗng nhớ ra là gã còn có nghĩa vụ vuốt ve con chó con bị ai đánh gãy hai chân sau mà gã lượm ở bãi rác về, gã cho nó uống sữa (phần sữa của gã), ngồi xổm vuốt ve nó cho đến khi nó ngủ ngon lành, cuộn tròn trong cái hộp giày có lót nỉ đặt ở đầu đệm ngủ của gã, chừng đó thì chính gã cũng nằm xuống ngủ, để nguyên quần áo, và nhìn toàn bộ dáng điệu của gã thì thấy rõ gã đang ở một chiều nào khác nơi mà chúng tôi không có mặt. Có khi chúng tôi phá vỡ những im lặng này, buông mình theo một thứ xung năng phá phách mà chúng tôi có khuynh hướng cho là do ma quỷ xui khiến. Có khi chúng tôi để cho nó yên và theo nghĩa nào đó để cho chính chúng tôi yên. Đôi lần chúng tôi suýt đánh nhau về chuyện im lặng hay không im lặng. Khoảnh khắc kia giữa Shin và Pedro chỉ là cùng một tiết đoạn ấy tự nó lặp lại, hồi quy, mặc dù lần nào thì với chúng tôi cũng như lần đầu, làm tim chúng tôi đập thình thình và khiến chúng tôi khó thở. Một quãng lặng tương tự diễn ra trong khi Antonín đang gom tiền. Hắn nhìn đăm đăm cô gái đang chất từng đống tiền từ trong tủ ra đặt lên quầy trước mặt hắn, và, mỗi khi chất xong một đống mới, trước khi quay lại với cái tủ, cô nhìn hắn đăm đăm trong khoảng một giây, hai giây, những khoảnh nhỏ mà cô tự cho phép mình ngắt ra khỏi dòng thời gian, khỏi chuỗi sự kiện dù là sự kiện gì, dành những khoảnh ấy cho cái việc có vẻ là quan trọng hơn và đáng để tốn thời gian hơn đối với cô. Một cô gái – đúng hơn là một phụ nữ trẻ – cao, gầy, tóc đen dài, khuôn mặt lẽ ra có thể gọi là đẹp nếu không xanh xao như thế, xanh xao đến gần như trong suốt, khuôn mặt của người thỉnh thoảng soi gương mà tự nhủ thật ra mình đâu có hơn hay khác gì nhiều so với một bóng ma, một bóng ma lì lợm khăng khăng bám lấy cõi đời trước khi chết chứ không phải sau khi chết. Antonín nhìn cô và có thể thấy rõ là tiếng hát của hắn đang trào lên trong họng hắn, trào lên song tuy vậy vẫn không hẳn là trồi hẳn lên trên trong ý thức hắn, tuyệt vọng vì không thể bật ra và không bao giờ có thể bật ra, nó, như một thứ pha lê hay một chất có thuộc tính của pha lê, làm cho mặt hắn vừa ngời chói vừa đanh lại, một sự đanh lại vì khổ sở có nguy cơ làm rách da mặt hắn. Riêng tôi dường như bất cứ giây nào cũng đang sẵn sàng để nghe thấy “Bocca profumata / chioma di velluto / Tu non m’ami più” bật ra từ hắn dù tôi biết chuyện đó sẽ không xảy ra. Chuyện như vậy chắc sẽ không xảy ra nhưng một chuyện khác thì xảy ra, đang xảy ra, là chuyện hai cái nhìn khóa chặt nhau này, những cái nhìn bị khóa chặt, những lời nói bị khóa chặt, những khả năng bị khóa chặt, những câu chuyện kết thúc từ trước khi chúng được bắt đầu, những ước mơ phí hoài, những nỗi dịu dàng luôn sẵn để trao đi nhưng rốt cuộc là không cần thiết cho ai. Có ít nhất một lần mấy đầu ngón tay của cô và của Antonín suýt nữa chạm nhau, có thể thấy một thứ động năng ngầm đáng lẽ đã có thể đẩy chúng tiến tới thêm tí nữa song rõ là chúng sợ, tuồng như sợ rằng chúng, một bên vật chất còn một bên phản vật chất, một khi đã chạm nhau thì cú nổ sẽ hủy diệt cả hai và tất cả. Những động tác của hai người – lấy tiền trong tủ ra chất lên quầy, lùa tiền vào cái bao tải há mõm chờ sẵn bên dưới – vẫn nhanh, đều nhịp, thành thạo, chuẩn xác, riêng phần hắn thì không hẳn thành thạo song nhất định là nhanh, đều nhịp và chuẩn xác. Tôi biết là để làm được như vậy hắn phải nỗ lực rất lớn. Dường như với hắn đó là một hình thức sám hối, một cách để chuộc lỗi, mặc dù sám hối với ai, chuộc lỗi với ai thì khó biết, dù chắc chắn là không phải chúng tôi. Cũng có thể (tuy không chắc) là sám hối trước chính hắn và chuộc lỗi với chính hắn, kẻ đã phát thệ nhất tâm dấn theo đường xuống địa ngục. Đến một lúc, lỡ tay hay run ray, cô gái đánh rơi đống tiền đang khệ nệ ôm trong lòng, tiền rơi tung tóe xuống sàn. Theo phản xạ cô đã toan quỳ xuống lượm tiền, nhưng gần như ngay tức khắc cô đờ ra tại chỗ, hai tay đông cứng lại như thể đột nhiên đâm ra thừa, bỗng dưng bị liệt, và cô quay đầu lại, há hốc miệng nhìn Antonín như chờ hắn cho một viên đạn vào họng cô và bằng cách đó bảo cho cô biết phải làm gì. Hắn nhìn cô trong khoảng một giây (trong thời gian đó mọi thứ xung quanh như đứng cả lại, “như khoảnh khắc đầu tiên sau một tiếng bom nổ”, giữa trời lặng), thế rồi hắn mở miệng nói. “Thôi,” hắn nói, và có thể cảm thấy “toàn bộ tâm hồn hắn dồn vào một chữ đó” như một nhà văn đã viết. Từ chỗ đứng của hắn (và của tôi vì tôi đang đứng gần hắn, cả hai chúng tôi đều ở phía bên trong quầy) có thể thấy tương đối rõ qua cửa tủ mở rằng trong tủ còn tiền. Nghe đoạn, mặt cô nghệt ra, miệng há to hơn hoặc không hẳn to hơn song cứng đờ lại khiến cho việc cử động đối với nó càng trở nên bất khả, và mắt cô trở nên có cái vẻ đờ đờ dại dại như của kẻ mộng du, tuồng như cô vừa nghe hắn hoặc ai đó nói “Chết đi!” và ý nghĩa của chữ đó cô không hiểu song cái trọng lượng của nó và điện tích mà nó mang thì cô cảm nhận được có thể nói là gần như trọn vẹn. Thế rồi hai bàn tay cô và vùng cơ quanh môi dưới cô run lên. Thấy vậy Antonín liền nhắc lại “Thôi” bằng giọng nhẹ hơn, dịu hơn, với một vẻ nhẫn nại lớn hơn, dường như nhẫn nại đến vô tận. Nhiều con mắt hướng vào hắn, nhiều cánh tay dừng lại. Tôi nâng súng lên chĩa về phía những người tôi thấy cần phải chĩa. Tiếp đi, tôi nói, và liền sau đó khẽ lắc đầu với cô gái kia khi cô hướng cái nhìn sang tôi, với vẻ đờ đẫn giống như mắt người đàn bà hướng từ gã này sang gã khác trong số những gã đàn ông vừa hiếp cô ta. Huỳnh Lê mỉm cười về phía Antonín mặc dù hắn không nhìn y. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ngay lúc này Huỳnh Lê bước tới hôn hắn, và nếu Antonín không chịu khom xuống để y có thể hôn má hoặc môi hắn hoặc mũi hắn thì y sẽ hôn ngực hắn. Anh chàng để ria kiểu cọ nước hoa sực nức đầu tóc bóng nhẫy bờ–ri–ăng–tin, bóng đến nỗi chừng như thực sự là “con ruồi đậu vào cũng đến trượt chân rơi tuột xuống như người ta chơi trò bobsleigh”, anh chàng mà tôi thầm đặt tên là Nhẫy, anh ta nhìn Antonín, nhìn cái điệu của Antonín, nghe những gì Antonín nói và quan sát những gì Antonín làm hoặc không làm, và rồi anh ta nhổ xuống sàn một bãi nước miếng. Trong nháy mắt tôi thấy ở trong đầu hình ảnh tôi gí họng súng vào màng tang Nhẫy. Tôi cảm thấy cái xung năng muốn bóp cò tràn lên đầu các ngón tay tôi trong cái hình ảnh tâm trí này. Và cùng lúc tôi nhận ra là, ít nhất trong vòng một phần năm hay một phần mười giây, tôi thành thật mong rằng súng của tôi thực sự có đạn. Tôi biết cảm tưởng này không chỉ có ở một mình tôi, và không phải chỉ có trong một thời khắc duy nhất. Có một lúc Pedro đổi thế cầm súng, chuyển sang nắm ở đầu nòng, vung súng lên làm động tác như sắp sửa đập báng súng vào màng tang Nhẫy – lại Nhẫy – khi tay này mấp máy môi như đang lầm bà lầm bầm gì đó, có thể không phải chửi chúng tôi song hẳn không phải hoàn toàn không có cơ sở nếu chúng tôi hiểu ra hoặc một mực cho là anh ta đang chửi chúng tôi. Dĩ nhiên là cũng có khả năng Pedro sẽ làm vậy thật và trong trường hợp đó tôi không thể hình dung được chắc chắn thái độ hay phản ứng của tôi hay chúng tôi sẽ ra sao, liệu nó sẽ gây ảnh hưởng hay có tác động thế nào đến tiến trình của chuỗi sự kiện, hay liệu nó gây bất kỳ ảnh hưởng hay tác động nào chăng. Dù thế nào thì, trong khoảnh khắc Pedro vung báng súng lên, một vực thẳm không đáy vô hình mở ra dưới chân chúng tôi, chúng tôi hay ít nhất là tôi cảm thấy từ trong ruột mình sức hút của rất nhiều những khả năng – khả năng này đen tối hơn khả năng kia – ẩn dưới cái miệng vực đó, vô số những đường hầm dẫn đến đâu không thể biết mà cái miệng vực này là nơi hội tụ bằng sức hút và lực quy tâm của một lỗ đen. Vì lý do khó hiểu nào đó, chúng tôi hoặc ít nhất riêng tôi không cảm thấy điều tương tự hoặc cảm thấy ở mức độ ít hơn nhiều, hoặc không sâu bằng, hoặc không đau bằng khi thấy Shin làm điều tương tự, vung dao lên, hay thậm chí phóng dao ghim chặt ống tay áo của tay nhân viên nọ xuống quầy.

Tôi không thể không chốc chốc lại hình dung thấy Reza đang ở ngoài kia, ngồi trong xe, một mình, đợi chúng tôi. Thoạt đầu tôi thấy tiếc cho gã không có mặt ở đây cùng chúng tôi, để trải qua và dự vào tất cả những chuyện này cùng chúng tôi, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng cảm nghĩ này có thể là ngớ ngẩn. Rồi có lúc tôi hình dung, như trong một đoạn phim, những gì có thể diễn ra ngoài kia. Nếu, trong khi Reza ngồi đó trong xe, có hai ba tên côn đồ tiến tới và, thậm chí không cần trưng vũ khí ra, yêu cầu gã giao xe, gã sẽ ra khỏi xe, trao chìa khóa cho chúng, bình thản, không nghĩ ngợi, không nói năng, với một thứ gần như là nụ cười dịu dàng hay ít nhất là một vẻ mặt dịu dàng không thể không thấy, không thể nhầm lẫn ở trong mắt, mềm và ấm như lụa, như thân thể con mèo béo ngủ trên lò sưởi một ngày đông giá. Nếu, trong khi Reza ngồi đó sau vô lăng, đợi chúng tôi, có hai ba tên côn đồ to khỏe hoặc hai ba tên choai choai sạch sẽ và bảnh chọe hoặc hai ba thằng oắt con bặm trợn vừa khởi sự đánh một đứa bé, một phụ nữ, một người già, một con chó hay con mèo phía bên kia đường, gã sẽ ra ngay khỏi xe, tiến về phía đó, và cho dù trước khi ra khỏi xe chắc chắn gã sẽ nhớ khóa xe và cầm di động theo – tôi biết như thế – song thế cũng chẳng khác gì lắm so với nếu gã không nhớ. Tôi biết gã sẽ nhớ không mang súng. Gã có súng. Hay có thể nói thế này: Có súng ở cạnh gã. Tôi biết – có thể nói là biết chắc – rằng gã sẽ tiến về phía mấy thằng kia với bộ mặt như mặt một đứa bé. Nét biểu hiện cụ thể trên mặt gã sẽ là gì thì tôi không thể hình dung một cách ít nhiều chắc chắn, song đó có là nét gì đi nữa – phẫn uất, hay đau buồn, mơ màng, điềm nhiên, quyết liệt, sưng sỉa, hay gì đi nữa – thì cũng là của mặt một đứa bé. Gã có thể sẽ giống một đứa bé sẵn sàng đánh nhau với tên đàn ông lực lưỡng để bảo vệ mẹ nó hay người thiếu phụ xinh đẹp mà nó ngưỡng mộ, một lòng ngưỡng mộ gần với tình yêu. Và có thể hình dung, kẻ nào sẵn sàng tấn công Reza thì cũng sẵn sàng tấn công một đứa bé, do yêu cầu của tình huống, hoặc chẳng do gì, hoặc để cho vui, do hứng lên: những kẻ như thế không phải số ít. Đó là một trong những nguy cơ khi giao nhiệm vụ lái xe cho Reza – tức là để gã một mình ngoài phố trong một lúc có thể lâu hoặc không lâu và đồng thời nắm một phần lớn cơ may sống còn của chúng tôi –, tuy nhiên vì lý do nào đấy mà không ai trong chúng tôi nói tới chuyện đó dù nghĩ thì có nghĩ, tôi tin là có nghĩ, nếu không phải tất cả đều có nghĩ thì ít nhất là một hai người khác và tôi hay ít nhất là tôi. Có lẽ bởi vì gã mà làm tốt bất kỳ nhiệm vụ nào khác là chuyện khó hình dung hơn thế nhiều. Gã làm tốt một nhiệm vụ như bất kỳ ai khác trong bọn chúng tôi làm, đó là chuyện khó hình dung hơn so với hình dung gã nằm úp mặt xuống vỉa hè, đầu trên vũng máu, năm cho tới mười giây sau khi gã toan làm gì đó để cứu một con chó, gã, kẻ xứng đáng nhất hoặc duy nhất xứng đáng để làm bạn với Hachiko, xứng đáng với tình yêu và sự thủy chung của Hachiko.

U mẹ, tụi mình mà bị cảnh sát nó vây khổn giống như trong phim Mỹ thì dzui lắm à nhe, Huỳnh Lê nói với tôi rồi thì chớp mắt lia lịa: ấy là cái tật hay cái kiểu của y. Và y có cách phát âm riêng của mình: u mẹ thay vì đụ mẹ, và y luôn luôn dồn vào cái âm u này một lượng khí lực lớn, có lẽ gần như lượng khí lực cần để dồn vào một quả đấm, tuy rằng, xét từ góc độ khác, nó cũng có phần gần với tiếng “hự” của kẻ vừa lãnh trọn một cú đấm mạnh (không nhất thiết là bất ngờ) vào vùng bụng hay cơ hoành. Nó là cả hai đối với y: nỗi bàng hoàng trước cái điều hay sự kiện khiến y không thể không bật ra “u mẹ”, và cơn bàng hoàng mà y muốn nện vào người khác, như một cách để cho cơn bàng hoàng mà bản thân y vừa cảm nghiệm ấy được lan truyền, được chia sẻ, được nhân lên và do đó hoàn toàn thoát khỏi sự im lặng và lãng quên. Kiểu chớp mắt lia lịa của y khiến ta liên tưởng tới một người già hoặc không hẳn già có cặp mắt kèm nhèm không mang kính: chúng tôi thì biết mắt y không kèm nhèm. Có thể hiểu rằng đó là một cách khác để bộc lộ nỗi kinh ngạc của y trước thế giới. Y có thể kinh ngạc và thực sự kinh ngạc về mọi thứ, bất cứ thứ gì, trừ Shin. Nhìn Shin và nói chuyện với Shin, y không chớp mắt: với y, Shin như là một bí mật hay một vực sâu thân thuộc với y đến mức y thôi không còn thấy kinh ngạc nữa. Không lạ rằng Shin luôn luôn đặc biệt dịu dàng với y. Trước viễn cảnh chúng tôi có thể bị cảnh sát bao vây và tệ hơn thế, Shin lặng lẽ cười: hai bàn tay Shin, nhỏ, trắng, mềm (nhìn bằng mắt là biết mềm), như tay một cô gái trẻ, trẻ và kiều diễm. Huỳnh Lê nhìn hai bàn tay đó và mắt y mềm ra, dịu đi: y nhìn vẻ dịu dàng của hai bàn tay kia với vẻ dịu dàng. Hê, dzui quá bây, y hét to ngay khi những cánh tay của đám nhân viên vừa giơ hết lên trước mũi súng của chúng tôi, và lúc đó, hơn lúc nào hết, tôi thấy tiếc cho y đã không thể nói câu đó bằng tiếng Anh. Tuy nhiên vị tất đã cần như thế: những ai trong bọn tôi không biết tiếng Việt – Pedro, Shin, Antonín – đều hiểu y. Như thể là lần đầu tiên – mặc dù dĩ nhiên đây không phải lần đầu tiên – tôi cảm nhận rõ từ sâu trong mình rằng bản thân cường độ, âm sắc và chiều sâu của giọng nói, trong một số trường hợp, là thứ truyền đạt trọn vẹn, hữu hiệu và chân xác nhất sự thực về một con người, hơn bất cứ ngôn từ nào mà giọng ấy được cho là truyền tải. Dù thế nào thì, cái vẻ hoàn toàn trẻ con trong giọng kêu của Huỳnh Lê như truyền cho chúng tôi một tia lửa đặc biệt, khiến tất cả chúng tôi chuyển sang một số khác, có thể nói vậy. Đó là bước sang số mạnh, nửa được chờ đợi nửa không, tối hậu, từ cõi của người lớn sang cõi của con nít, một cõi con nít giống như mọi cõi con nít chỉ có điều không có ảo tưởng và không hy vọng.

Hiển nhiên không phải tất cả chúng tôi đều sang số cùng một nhịp và cùng biên độ như nhau. Có thằng sang nhanh hơn, có thằng sang chậm hơn. Có thằng “một phát là sang tới bến”, và có thằng sang hơi non, hơi thiếu dứt khoát và hơi thừa lưỡng lự, có thể nói là một cách cầm chừng, một cách lừng khừng. Dù thế nào thì tôi tin hoặc nghĩ rằng hoặc cảm thấy rằng nếu không phải tất cả thì ít nhất cũng một vài trong số những người kia cảm ứng được loạt pháo bông hoặc pháo đùng vô hình vô thanh mà tiếng kêu này của Huỳnh Lê khai hỏa, bầu không khí hội hè – vừa rộn rịp vừa tối, sâu, đen – lập tức ập đến cùng với nó như có phép thần, và, khi đến lượt mình Huỳnh Lê giương súng của y lên (một việc không cần thiết, vì bất cứ đôi tay nào cần giơ lên trong thế đầu hàng thì đều đã giơ lên trước mũi súng của tôi và Shin từ trước đó rồi) thì, chắc hẳn trong những người kia có ít nhất một người nhận ra, y làm vậy là có ý chờ họ đáp ứng lại theo cách mà một trò chơi đòi hỏi. Và ít nhất có một người nhận ra như thế, theo sở nguyện của y. Một chú nhân viên nhà băng, trẻ măng, đến độ thoạt tiên thật khó hình dung lại có người cho phép chú ta ngồi ở vị trí đó, lập tức nhìn sang Huỳnh Lê ngay khi y hét lên cái câu bất hủ của y, và không thôi dán mắt vào y khi y nở cái nụ cười phớn phở toe toét nhất của mình, mặt đỏ, môi dưới lại như mấp máy, như kẻ vừa sợ vừa không dám tin vào hạnh phúc của mình, kẻ thấy ngỡ ngàng trước cái niềm vui thuần khiết nhất mà tự hắn tạo ra cho hắn. Hai môi của chú nhân viên cũng liền cử động, mở ra theo một cấu hình giông giống như nụ cười, khiến người quan sát bị cám dỗ muốn gọi là nụ cười. Một nụ cười bị bóp chết ngay cả trước khi nó kịp đặng hình hài bởi kẻ cưu mang nó chợt nhớ ra kịp lúc rằng vị trí của chú ta trên cõi nhân gian đòi hỏi chú ta không cười trong khoảnh khắc này. Miệng tiếp tục cười toe toét, y nháy mắt với chú, một cách sao cho chú không thể hiểu lầm rằng cái nháy mắt không phải dành cho chính chú. Không may (hoặc có thể may) cho chú rằng lúc ấy chú chưa thể nhìn thấy cái nụ cười nửa miệng hay nụ cười ám gợi hay cái bóng của nụ cười trên môi trên mặt một số người trong các đồng nghiệp lớn tuổi hơn (và già đời hơn) của chú, cho nên chú vẫn còn có niềm tin rằng nụ cười ở đây–lúc này không phải là một thứ bất khả, hoặc hãy còn chưa có sự hoang mang không biết liệu có phải một nụ cười ở đây–lúc này là một thứ bất khả. Khả năng sau có vẻ nhiều hơn, bởi vì gần như ngay tức khắc cái mầm mống này của nụ cười ở chú duờng như bị một bàn tay từ bên trong chú bóp chết, ánh sáng của nó tắt ngấm hầu như cùng một lúc với khi nó lóe lên, đến nỗi người ta ắt hẳn không thể không nghĩ tới sự minh triết xưa như trái đất về chuyện sáng và tối, cũng như hàng lô các cặp đối lập tương tự, là hai mặt của cùng một thể. Từ khoảnh khắc đó trở đi chú không nhìn, quyết tâm không nhìn hoặc không có khả năng nhìn Huỳnh Lê thêm một lần nào nữa, ít nhất là trong chừng mực tôi có thể quan sát thấy và có thể nói được. Chú ta có thể đi xa đến cỡ đó. Mặc dù, bất cứ lúc nào nhìn sang chú ta từ sau đấy trở đi, tôi luôn luôn cảm thấy, hoặc tôi biết rằng chú ta đang phải chiến đấu với chính mình một cách ương bướng và quả cảm như thế nào để tiếp tục không nhìn Huỳnh Lê và không để sinh ra trên mặt mình cái mà chú biết sẽ lớn lên thành mỉm cười, nụ cười mà nét tươi rói của Huỳnh Lê giống như là nắng và nước mát tưới cho để nó chóng nảy nở trọn vẹn.

Huỳnh Lê không phải không biết chuyện đó. Shin cũng biết. Mặc dù Shin có vẻ như không một lần nào nhìn về phía chú nhóc, hay nói chính xác hơn là nhìn chú ta như nhìn một cá nhân. Nhìn chú ta như nhìn một khuôn mặt phi cá thể trong một nhóm những kẻ khác thì dĩ nhiên Shin có nhìn. Ít nhất thì đó là theo chỗ tôi quan sát được, tôi luôn luôn biết mình có khả năng lầm. Tuy nhiên có ít nhất một khoảnh khắc mà tôi biết chắc mình không lầm, bởi chính mắt tôi thấy (dù tôi dám nói là không ai khác thấy ngoài tôi). Có một khoảnh khắc Shin nhìn thẳng vào chú ta khi hai cặp mắt tuồng như tình cờ gặp nhau và Shin nháy mắt với chú ta. Tôi nhìn thấy rất rõ. Liền sau đó Shin nhìn sang chỗ khác và nét lạnh như đá lập tức trở lại trên khuôn mặt trắng phau của Shin. Và cũng như mọi khi, tốc độ, cùng với độ dứt khoát, sự trọn vẹn, có thể nói là cái toàn bích của sự chuyển hóa – ở đây là từ ấm sang lạnh, từ mềm sang cứng – của Shin khiến cho đối thể – ở đây là chú nhóc măng sữa – hoàn toàn bất lực, bị chiếm lĩnh trọn vẹn trong một cơn ngỡ ngàng không lối thoát. Tuy rằng ở đâu đó trong sâu thẳm, và có lẽ sau đó, chú nhóc hẳn sẽ nhận ra một cái gì chung hoặc giống nhau giữa nụ cười của Huỳnh Lê và cái nháy mắt này của Shin.

Trở ngại lớn nhất cho chúng tôi: nhân viên an ninh có súng. Trước khi hành sự chúng tôi đã điều nghiên cái nhà băng này kỹ vô cùng tận, đã nắm được chắc mười mươi rằng, đúng vào ngày chúng tôi đã chọn, nhân viên an ninh sẽ là thằng cha có bản mặt đần nhất trong bất cứ thằng cha an ninh hay cảnh sát nào chúng tôi từng gặp từng biết, cái bản mặt đần thối “giống như chó rặn hột mận” (khiến chúng tôi ít nhiều yên tâm vì cho rằng loại cảnh sát hay an ninh như thế này chỉ có đóng chung với chú lùn Charlot là hợp), song dù vậy chúng tôi vẫn không bao giờ cho rằng vô hiệu hóa y là nhiệm vụ dễ dàng. Giải pháp của chúng tôi: nhanh, bất ngờ, dứt khoát, và thuốc mê. Ngay sau khi Pedro và tôi chĩa súng vào y, đủ nhanh và bất ngờ để y không kịp rút súng y ra, Shin cắm mũi kim vào ven y, nhanh chẳng kém gì xỉa một mũi dao, tiêm cho y liều thuốc mê đủ mạnh. Khi y đã sụm xuống thành đống thịt bất động thở đều rồi, Pedro và tôi trói gô y lại sau khi đút súng của y vào túi mình. Súng này chúng tôi sẽ không đụng tới, chúng tôi thỏa thuận từ trước như thế. Thật sự là tôi không thể ngờ, không thể hình dung không thể tin rằng riêng công đoạn này trong kế hoạch của chúng tôi lại có thể thực hiện và hoàn thành suôn sẻ chóng vánh mỹ mãn đến vậy: cứ như là trong một phim găng tơ Hôliút hạng ba hay hạng bét hay phim xã hội đen Hồng Kông tầm phơ về một vụ cướp nhà băng mẫu mực, tôi biết bất cứ ai cũng có thể nói thế. Cứ như là một đoạn phim hoạt hình xạo hết chỗ nói, Tom và Jerry chẳng hạn, bỗng dưng trở thành chuyện thật ngoài đời, và có một khoảnh khắc tôi thực sự lấy làm lạ tại sao Pedro không ôm bụng cười sặc sụa theo đúng bản tính hắn, ít nhất là trong chừng mực tôi tin mình biết hắn. Tuy nhiên cũng có thể hắn đã đủ sức tự kìm mình đừng cười, lại một nét khác mà tôi chưa đủ sức ngờ ở hắn. Và quả thật chuyện này có thể xảy ra chỉ do chúng tôi có Shin và Pedro, do Shin là Shin và Pedro là Pedro và càng như vậy hơn bao giờ hết trong những giây phút này, khi thứ chúng tôi tôi cần hơn hết là hành động hoàn hảo hoặc gần như hoàn hảo, một năng lực hiện thực hóa ý tưởng rất gần với sự toàn bích, một năng lực hiện diện tại đây–lúc này gần như toàn bích. Nếu là Huỳnh Lê, y sẽ vừa làm vừa ngạc nhiên khoái chí trước từng cử động của mình, mất bao nhiêu thì giờ vào đó mà không bận tâm, do vậy đây không phải là công việc cho y. Song thậm chí dù Shin và Pedro, tự thân họ góp bao nhiêu phần đi chăng nữa, tôi vẫn thấy trong sự hoàn thành mỹ mãn việc này có cái gì đó không thật. Trong quan điểm của tôi, phàm cái gì gần như một phép mầu đều đáng ngờ. Cố nhiên điều này tôi không nói ra. Không phải điềm gở nào cũng được nói ra và nên nói ra. Một phần lý do là bởi người đầu tiên (và, trong hầu hết trường hợp, người duy nhất) biết nó hãy còn bận tranh cãi với chính mình liệu đó có thật là điềm gở không. Chẳng hạn như tôi. Tôi không chắc ai thắng ai thua trong cuộc tranh cãi ấy ở tôi. Cho nên tôi không thể nói nhiều về chuyện đó. Ngay cả nghĩ về nó tôi cũng không cho phép mình nghĩ lâu. Thay vào đó tôi kiểm tra dây trói xem Pedro và tôi đã trói chặt chưa. Kiến thức từ thời hướng đạo sinh của tôi té ra là đắc dụng trong tình huống này, hay, nói cách khác, té ra là trong đời tôi rồi cũng có một tình huống tận dụng kiến thức đó giống như thế này. Cố nhiên việc này có thể là thừa, có vẻ thừa vì nhân viên an ninh ngủ rất say, tuy nhiên hẳn là chúng tôi có quyền giả định như hoặc làm bộ như hắn đang tỉnh táo, chỉ vờ ngủ và có thể phản công lại chúng tôi bất cứ lúc nào. Chúng tôi cần nó, cái cảm giác hồi hộp căng thẳng thậm chí hơi lo lo này cũng như cần một thứ nỗi buồn hay nỗi đau. Mặc dù chúng tôi đôi lúc cười nhạo thơ của mình ngay cả khi thơ ấy viết bằng máu mình như Nicanor Parra đã viết. Chúng tôi tìm cái khiến cho nỗi đau lớn nhất của chúng tôi đôi khi cũng đâm ra có vẻ tức cười. Pedro: trong vài giây đầu tiên sau khi hắn cùng Shin và tôi hoàn thành một cách viên mãn cái công đoạn then chốt, cái nhiệm vụ hầu như không tưởng đó, hắn cười toét miệng, thực sự là cười, điều đó không thể nghi ngờ, song đồng thời mặt hắn trắng như tờ giấy, giống như thể hắn vừa trong nháy mắt bị mất một nửa máu trong người, gần như choáng, gần như run rẩy (có một dòng run rẩy chạy ngầm ở dưới da hắn, sâu trong thịt, có thể trong mạch máu, có lẽ gần như cái rần rần nhè nhẹ của máy cạo râu chạy điện), mắt hắn vừa sáng ngời lại vừa lạc đi: hắn như thằng đầu gấu ở trường trung học vẫn thường to mồm nói chuyện giết này giết nọ nay bỗng nhiên thấy mình vừa thực sự giết người. Tôi nhìn hắn và chợt có một ý gì đó đại loại như, Nếu có thứ niềm vui làm cho người ta đau đến cỡ ấy song vẫn có thể gọi là niềm vui thì Pedro đang đắm trong niềm vui, một trong các thứ niềm vui, tuy nhiên nếu đúng vậy thì phải chăng là, thật ra thì thành công, ít nhất là thành công trong riêng phần việc này, không phải là cái mà Pedro hay nói chính xác hơn hoặc rốt ráo hơn là tất cả chúng tôi theo đuổi? Dường như theo nghĩa nào đó điều làm chúng tôi đau hơn là khi mọi chuyện diễn ra đúng theo sơ đồ của chúng tôi, cái sơ đồ mà trong thâm tâm chúng tôi coi rẻ, khinh miệt. Shin, dù lúc này đang chĩa súng về phía đám nhân viên nhà băng, ngoái lại nhìn Pedro trong tình trạng đó, nhìn mà cười nửa miệng bằng đôi môi mọng hồng như môi thiếu nữ của Shin, và đột nhiên, lần đầu tiên, cứ như lần đầu tiên trong nhiều chục năm ròng, lần đầu tiên trong một cuộc đời dài hơn cuộc đời tôi đã sống cho đến giờ, tôi cảm thấy ghét Shin, một cảm giác ghét dữ dội, không thể hiểu khác, trọn vẹn. Không có nhiều người từng khơi nên nỗi căm ghét như thế ở tôi, hay ít nhất là tôi cảm thấy như vậy. Lần đầu tiên kể từ phút đầu cho tới lúc đó, và có lẽ là lần duy nhất trong suốt khoảng thời gian chuyện này diễn ra, cảm giác căm ghét này – mà tôi nhanh chóng nhận ra rằng kỳ thực không phải nhắm vào bản thân Shin mà nhắm vào cái gì đó tôi không rõ lắm hoặc không có sẵn từ để gọi, trong khi Shin chẳng qua là vật thế vì cho nó trong khoảnh khắc cụ thể này –, nó nhanh chóng lớn dần lên và chuyển hóa thành cái gì đó giống như chán ghét trong tôi, một nỗi chán ghét đột ngột, ngạt thở, độc địa đối với tất tật mọi thứ, đến độ tôi hầu như sẵn sàng ngay lúc đó vứt bỏ tất cả mà đi thẳng ra ngoài đường mặc cho chuyện gì đến thì cứ đến với tôi hoặc sẵn sàng tự cho một phát súng vào đầu bởi đằng nào mà chả thế dù dĩ nhiên cả hai việc này tôi đã không làm. Một lần nữa, ít nhất là ngay tại thời điểm đó tôi cảm thấy mình không hiểu Shin, không hiểu bản thân mình, không hiểu nổi những gì đang diễn ra ở ngoài tôi và ở trong tôi, không hiểu bất cứ dòng chảy ngầm hay tiến trình ẩn mật nào đang âm thầm đưa đẩy, dẫn dắt, chi phối, quyết định mọi thứ. Tôi đá vào thân hình bồ tượng của tay nhân viên an ninh đang nằm thiêm thiếp giấc nồng, đá vào chỗ hõm giữa cổ và bả vai, nói rõ là vậy, không quá mạnh cũng không phải nhẹ, chân đá, miệng nói, Không đến nỗi tệ các con ạ, bằng tiếng Tây Ban Nha bởi vì một câu như thế Shin cũng hiểu được, hiểu được cả chuyện tôi cố tình nói hijito tức con bé bỏng thay vì hijo tức chỉ con không thôi, lựa chọn này là nhắm đến những chỗ mềm hơn trong tính cách hay tâm khảm Pedro còn của Shin thì tôi không chắc lắm. Và, nghĩ cho kỹ, tôi nhận ra là cái chữ hijito này chắc hẳn cũng dành cho bản thân tôi. Một chút đa cảm kiểu con nít, dĩ nhiên, tuy nhiên chúng tôi có cao hơn cái mức ấy không, có nhất thiết là phải vượt lên khỏi cái mức ấy không? Kẻ nào sẵn sàng hủy diệt một đứa trẻ lớn, cái đứa trẻ lớn trong chúng tôi? Pedro ngước lên nhìn tôi bằng ánh nhìn khiến trong nháy mắt tôi nghe mình đứng tim, như thể tôi vừa gọi tên cha hắn mà chửi thề. Cảm giác này, như tôi vừa nói, thoáng qua trong nháy mắt, song dư ba hay dư chấn hay dư gì đó của nó thì không ngắn ngủn như thế. Từ tư thế ngồi xổm hắn đứng dậy, với vẻ mệt mỏi vô tận. Không hiểu do vô tình hay thế nào mà giữa lúc hắn đang đứng dậy thì bàn tay trái hắn (bàn tay không cầm súng) vung lên, kiểu như để làm động tác quệt mồ hôi trán, và lưng bàn tay đó đập trúng vào má phải tôi quãng gần tai. Bàn tay hắn đủ to và rắn và nặng để một sự va chạm có vẻ như nhẹ, có vẻ như vô tình này gây tác động vào tôi gần tương đương với một quả đấm. Khi đã đứng hẳn lên rồi, hắn nhìn tôi với ánh nhìn mà tôi có thể luận ra rằng: Hắn biết hắn đã làm tôi đau ra sao, dù vô tình hay không, và hắn đang không phải lúc bận tâm đến chuyện xin lỗi tôi hay làm gì đó để tỏ ý xin lỗi. Tôi không đau vì điều ấy – riêng điều ấy thì không làm tôi đau; riêng ở tình huống này, ít nhất là thế, tôi cho rằng mình thấu hiểu hắn. Sau đó hắn lập tức chuyển sang nhìn Shin lúc bấy giờ vẫn đang chĩa súng vào các nhân viên nhà băng đồng thời vẫn để một mắt nhìn chúng tôi. Không có một mảy may căng thẳng nào tỏ lộ ở Shin: đầu hơi nghiêng, mắt nheo, miệng cười, Shin giống như đang ôm một bó hoa trong lễ cưới của bạn mình, một món quà sắp trao tặng bạn nhân lễ sinh nhật. Và một lần nữa tim tôi vừa dịu đi vừa hơi nhói lên khi mắt tôi thu vào trọn vẹn sự trắng ngần và mềm mại của Shin: không chỉ một người trong chúng tôi từng yêu và được yêu bởi ít nhất một cô gái cũng sở hữu sự trắng ngần mềm mại như thế, song, ở Shin, nó mang chứa một cái gì đó đặc biệt hơn, đáng ngờ hơn, đáng sợ hơn, và, theo nghĩa nào đó hoặc trong chừng mực nào đó, bi thương hơn. Tôi không chắc lắm tại sao không một người nữ nào trong các người nữ có mặt tại đó và lúc đó có vẻ chú tâm đến Shin nhiều hơn đến ai khác trong chúng tôi. Dĩ nhiên là không tính trường hợp tôi đã quan sát lầm. Bởi tôi tin mình không lầm. Cái nhìn của họ có hướng vào Shin chứ chả phải không, dĩ nhiên. Nhưng hễ hướng vào là liền lập tức trượt đi hướng khác, sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới: cứ như Shin là một thiên thể lớn có thể bẻ cong mọi tia sáng đi về phía nó vậy. Có thể rằng đã có chúng tôi rồi mà lại còn thêm Shin nữa, thế là quá nhiều đối với họ. Cũng có thể một trong số họ chỉ muốn phá lên cười khi thấy có một kẻ như Shin giữa chúng tôi, bất giác hình dung cảnh chúng tôi cãi nhau và xém đánh nhau về chuyện thằng nào ngủ với Shin vào ngày nào trong tuần. Hoặc cũng có thể – tuy khả năng này ít hơn nhiều –, một trong số họ, bằng trực giác của phụ nữ, của bộ phận nhân loại thường xuyên làm nạn nhân hơn và do đó nhạy cảm hơn với những gì có thể khiến họ thành nạn nhân, đã sớm nhận ra hoặc nhận ra ngay rằng, trong tất cả chúng tôi, tâm bóng tối đích thực là Shin, kẻ ngời ngời nhất cái ánh sáng nhìn thấy được, kẻ mà, rất có thể, như một nhà văn đã viết, “[vào thời thơ ấu], để thỏa mãn lòng ham muốn những trò ngông, [hắn] đái lên một con bướm và ị lên đầu một con rắn”. Hoặc người đó nhìn ra được ở Shin cái mà có thể chính chúng tôi không nhìn ra, nỗi buồn vô tận khôn khuây trước thực tế rằng thời thơ ấu đó sẽ không bao giờ trở lại, trước những tiềm năng vĩnh viễn thui chột và phí hoài của cái lòng ham muốn những trò ngông đó. Và cũng có thể người này không dám nhìn Shin là bởi ở nơi sâu nhất của mình cô ta lập tức nhận ra rằng, trong tất cả chúng tôi, Shin là người đầu tiên hoặc duy nhất có thể lúc nào đó sẽ nhảy lên đứng trên quầy vạch quần bắt cặc đái và đái với cái vẻ nghiêm trang u hoài ấy trên gương mặt trắng ngần và sáng một cách mà không lời lẽ không tài khéo và không dụng cụ nào có thể tái tạo được ấy. Hoặc có thể người này có khả năng nhìn thấy bóng tối, bóng tối đích thực nằm giữa cái ánh sáng đó, thực hơn cả ánh sáng đó dù ánh sáng đó cũng đã thực rồi, và đó là thứ bóng tối có khả năng gợi liên tưởng tới một sự tuyệt vọng và nỗi đau và có thể cả nỗi sợ mà bình thường ra mắt người không chịu nổi. Tôi tin hoặc linh cảm rằng có một người như thế trong số những người nữ có mặt ở đó lúc ấy, mặc dù xét cho cùng có hay không thì cũng như nhau tức là cùng không có ý nghĩa gì. Shin là bóng tối của chúng tôi, bóng tối mà chúng tôi sợ song vẫn dấn vào và không muốn thoát, không thể thoát.

Có tiền rồi thì làm chi bây ơi, Huỳnh Lê đã hỏi tất cả chúng tôi bằng giọng oang oang dị ứng với mọi sự giảm volume của y, bằng tiếng Việt và dĩ nhiên sau đó tôi phải dịch ra tiếng Anh, cố tìm từ tạm gọi là đạt nhất để chuyển được cái thần thái sâu nhất của hai chữ “bây ơi” của y. Liền sau đó tất cả chúng tôi nín lặng, tuồng như do một thứ phù phép quái gở nào đó mà cơ quan phát âm của chúng tôi đùng một cái đồng loạt biến mất. Có những thứ mà ai trong chúng ta cũng có, biết rằng mình có và biết rằng người khác đều có, biết rằng nó là thứ trọng yếu đối với sự sống còn của ta, nó chính là ta, tuy nhiên ta không bao giờ muốn nhìn thấy nó. Nhìn thấy một tí ti còn được, nhiều thì không. Toàn bộ nó, càng không. Nhìn gián tiếp, qua trung gian thứ gì đó, còn tùy, nhưng tạm gọi là được. Nhìn trực tiếp, không. Máu, chẳng hạn. Hay nội tạng. Hay một thứ vô hình. Một bí mật tối hậu. Một sự thực khủng khiếp, như người ta nói. Câu của Huỳnh Lê như làm phơi lộ ra trước chúng tôi, trần trụi, hầu như gây choáng và tê liệt, một thứ như thế. Và đúng như chúng tôi hay ít nhất là tôi có thể chờ đợi, Pedro là người đầu tiên cảm thấy không thể chịu đựng lâu hơn điều này. Tao sẽ du lịch khắp thế giới trong ba năm liền, ở toàn resort năm sao cùng với toàn các em bốc lửa nhất thế giới cho nó đã mẹ cái đời, còn phải hỏi, hắn nói, to, hăm hở, có lẽ hơi quá to và hăm hở so với mức cần thiết, tuy rằng thực ra thế nào là mức cần thiết?, mức cần thiết với tôi đâu nhất thiết là mức cần thiết với Pedro hay với ai. Tuy nhiên điều này thì tôi tin là không phải do tôi tưởng tượng ra: hắn phải nói to và hăm hở thế là để át đi một im lặng to hơn ở trong hắn, sự im lặng trước một câu hỏi lớn hơn nhiều mà hắn không dám và không đủ sức trả lời. Thật ra câu trả lời đến chậm hơn đối với Antonín, Shin và Huỳnh Lê: bộ ba này phải đợi Reza dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh thành thử tụi nó chắc hẳn là hiểu hoặc cảm nhận được chậm hơn tôi và Reza rằng câu trả lời của Pedro chỉ càng nống rộng ra thêm cái khoảng rỗng mà câu hỏi của Huỳnh Lê đã mở ra giữa chúng tôi. Tuy nhiên cũng có thể Antonín hoặc Shin hoặc Huỳnh Lê hoặc hai trong ba hoặc cả ba đã cảm được điều đó lập tức, cùng lúc với Reza và tôi, bởi ý tưởng mà Pedro muốn truyền đạt là đủ mạnh và đủ độ rắn để xuyên qua mọi lớp vỏ ngôn ngữ. Bản thân Pedro cũng cảm nhận rõ điều đó, cả hắn cũng thế. Điều này tôi tin chắc. Tuy nhiên, trung thành với bản tính của mình, hắn không thể không dấn tới thêm, nống rộng hơn nữa cái khoảng rỗng này bằng chính một hành động có vẻ nhằm khỏa lấp nó được chừng nào hay chừng nấy. Hắn nói tiếp, không dừng, dù chắc chắn hắn biết là có cách khác hay hơn. Và thế là chúng tôi nghe, không rõ lần thứ mấy, về ước mơ đau đáu của hắn là mở một lầu xanh dành riêng cho các nhà thơ, không phải bất cứ nhà thơ nào mà chỉ các nhà thơ như chúng tôi, vừa sang cả vừa bần cùng, vừa bi thảm vừa chết cười, vừa hăng hái vừa chán ngán, “tử tế, cô đơn, mệt mỏi và nhạy cảm”, như chúng tôi hay ít nhất là như chúng tôi nghĩ hoặc cảm về bản thân. Một lầu xanh nơi chúng tôi chỉ phải trả tiền cho bận đầu tiên còn từ sau đó trở đi cho đến hết đêm chúng tôi có được bận thứ hai và những bận kế tiếp nữa hay không là tùy thuộc vào thơ của chúng tôi, vào mức độ vô vọng và vô sở cầu mà chúng tôi bộc lộ ra bằng cách nào đó, mức độ hào sảng và khôn cưỡng của tiếng cười mà chúng tôi ném vào mặt nhau vào mặt bản thân mình và vào bản mặt vô hình tướng của hư vô, mức độ nén chặt của sức nổ tiềm tàng mà người ta chỉ có thể thoáng thấy hoặc mường tượng ra qua những lời và cử chỉ nhẹ nhàng nhất hay của sự dịu dàng và tình yêu lớn tiềm tàng mà chỉ thứ trực giác nguyên sơ nhất mới lĩnh hội được trong những hành vi hung bạo nhất. Thỉnh thoảng ục nhau giành gái. Và sau đó, tay bó bột, đầu quấn băng, mắt bầm đen, ngồi bàn với nhau chọn những bài nào vào hợp tuyển, cãi nhau như mổ bò về chuyện đâu là cái nhan đề búa bổ nhất cho hợp tuyển. Và thỉnh thoảng ục nhau chả phải để giành ai hay cái gì mà để tự giải phóng mình kiểu như Fight Club của anh cu Brad Pitt. Pedro kể tất tật cái chuyện đó và cả nhiều chuyện khác rất nhanh, không ngừng, không quan tâm liệu Reza hay tôi có theo kịp để dịch không. Tuy nhiên chạy theo cho kịp để dịch hắn, xét cho cùng, chả cần thiết. Bởi vì chỉ sau một lát mỗi chúng tôi không nhiều thì ít hẳn đều nhận ra rằng những lời này của Pedro có gì đó rất giống những tiết điệu bùng nhùng phần phật đều đều của một cái mái vải bạt to giật đùng đùng trong cơn gió giật: thứ cơ bản tạo nên chúng là những vùng rỗng, những hõm rỗng. Hoặc, theo lối hình dung của người Việt, như những tiếng vang được om lại bên trong một cái thùng rỗng khi ta nện một vật nặng và tù vào vách thùng. Phần sâu hơn của hắn thì câm lặng như một tầng đất cứng. Dù chúng tôi biết rằng cũng có chuyển động ở đó. Thậm chí là chuyển động duy nhất thực sự có ý nghĩa đối với hắn. Có lẽ thậm chí không phải với chúng tôi. Theo nghĩa nào đó chúng tôi luôn luôn biết rằng chỉ cần một thay đổi cực nhỏ trong hoàn cảnh chung của chúng tôi và hoàn cảnh riêng của Pedro, một biến cố cỏn con trong chuỗi ngày hay chuỗi giờ sắp tới của hắn và của chúng tôi là rồi chúng tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn thấy lại hắn, tuy nhiên chẳng lẽ không phải với bất kỳ ai khác trong chúng tôi và bất cứ ai trên đời cũng y hệt như thế? Tôi có thể hình dung hắn trở thành thợ học nghề trong một hiệu xăm mình ở Honolulu hay Barcelona hay Los Angeles hay Kyoto rồi sau đó trở thành nghệ nhân xăm mình chuyên nghiệp hành nghề ở nơi nào đó trên thế giới cho đến một ngày kia bị đâm chết bởi một kẻ không hài lòng với thứ hắn đã xăm vào thịt y. Tôi hình dung được cảnh hắn, đạo diễn phim porno, ngồi khóc cô nữ diễn viên quan trọng nhất của hắn vừa chết, chết trước khi hắn kịp làm gì đó cho cô, làm gì thì hắn không biết. Tôi có thể mường tượng được cái khoảnh khắc khi hắn, sau cú nhảy từ tầng mười một khách sạn xuống hồ bơi bên dưới trong cơn xỉn quắc cần câu, nhận ra và đồng thời không làm sao tin được rằng mình đã chết. Tôi có thể thấy trong đầu cảnh tượng hắn, mồ hôi như tắm, ngồi nơi băng sau taxi, vùi mặt vào sau tờ báo mở rộng giả bộ đọc, trốn sự truy sát của một băng mafia Đông Âu chuyên bắt cóc và buôn gái sau khi hắn đã hở ra đôi điều với cảnh sát, việc mà hắn không bao giờ hiểu nổi rằng mình đã thực sự làm, tại sao làm, giống như đứa con nít không bao giờ hiểu nổi tại sao mình đã thực sự pha thuốc chuột vào sữa cho mẹ nó uống. Có những lúc hắn sẽ khóc thút thít vì thế, không phải vì sợ mà vì hắn không biết. Cũng có thể hắn khóc là vì hoặc còn bởi vì hắn biết chắc hoặc gần như chắc rằng mũi hắn sẽ hết thở và tim hắn sẽ hết đập trước khi hắn kịp nhìn thấy lại Hania yêu dấu của hắn. Những người khác cũng nhìn thấy được không nhiều thì ít những cảnh tượng này trong sự cộng hưởng hay tương tác với tôi hay ít nhất là thông qua tôi. Những hình ảnh không ngừng nối theo nhau tự dựng nên rồi tự rụn đi trong khi hắn tiếp tục nói, bóng ma của những thực tại khả dĩ mà các lời này của hắn, như một thứ niệm chú bất ngờ và chết cười, đang liên tục gọi ra. Hắn đang nói đến chuyện làm một bộ phim về những cơn ác mộng của chúng tôi và chúng tôi, về tiềm thức của chúng tôi và chúng tôi, ít nhất là theo chỗ tôi nhớ hoặc hiểu được thì thế, thì Shin cắt ngang hắn. Shin nói câu gì đó tôi không kịp hiểu hay không kịp nghe hay không kịp nhận ra, thực sự là vậy, nhưng nó khiến cho toàn bộ khuôn mặt Pedro lập tức đỏ ké như tôm luộc, tuồng như toàn bộ máu bên trong hắn loáng cái biến thành một thứ chất nổ. Và, khỏi phải nhắc, những gì hắn đang nói, dù là gì đi nữa, bị ngắt phăng nửa chừng như diều đang no gió bị cắt dây. Cái im lặng theo sau vừa là một khoảng rỗng khổng lồ chừng như nuốt chửng chúng tôi vừa như một khối chì bằng cách nào đó được rót vào trong ngực chúng tôi. Ngay khi đó tôi cảm thấy, sâu trong tủy sống mình như ai đó nói, rằng không một ai, không một cái gì, không một cách nào, không phép mầu nào cứu được chúng tôi, trong trường hợp chúng tôi có chờ đợi một ai hay cái gì hay cách gì hay phép mầu nào đến cứu chúng tôi. Và rồi giọng Huỳnh Lê cất lên. Đù mẹ mười triệu hai chục triệu hay năm chục triệu đô là cái cứt gì hả bây. Tao thì tao đem cho từ thiện hết, dĩ nhiên là giấu không cho biết của ai, cho biết làm cái chó gì, còn tao thì lại về lượm rác kiếm cơm. Thằng nào không coi tiền như cục đất thằng đó thật ra chết mẹ từ đời nào chớ đâu có sống. Lần này tôi chưa kịp dịch thì Reza đã dịch trước tôi, và lần này tôi thực sự thấy biết ơn gã, dù tôi vẫn thấy da đầu ngưa ngứa khó chịu khi gã dịch lời của Huỳnh Lê, nhất là hay nói đúng hơn là riêng câu cuối thành cái gì đó giống như thơ, na ná như một câu của Whitman, với nụ cười sầu muộn méo mó, sinh ra một lần rồi chết. Một lần nữa chúng tôi không hẹn mà cùng im lặng, như thể cùng một lúc, trong cùng một khoảnh khắc, nhận ra bí mật sâu nhất ẩn trong bản thân mình, bí mật mà trước nó sự im lặng tuyệt đối, sững sờ và im lặng tuyệt đối, là phản ứng khả dĩ duy nhất. Tất cả những gì chúng tôi làm cho đến bây giờ đều là để cưỡng lại, hòng xua đi những bóng ma của cái bí mật đó. Một số trong chúng tôi – nếu không tất cả, chắc hẳn không phải tất cả chúng tôi – dường như cảm thấy xấu hổ nếu như không đủ sức để không nói về chuyện đó mà chỉ làm những gì cần làm hoặc cho là cần làm. Shin lại nói gì đó và tất cả chúng tôi ngay sau đó cùng cười rộ, kể cả Pedro cho dù tất cả những phần nào lộ ra ngoài của thân thể y từ thắt lưng trở lên lúc này đã đỏ lừ như tôm luộc, thậm chí ở một số chỗ, trên cổ hắn, hai bên hàm hắn da còn nổi mẩn, sần lên đúng hệt như khi ta nổi da gà theo cách nói của người Việt. Tràng cười này là sự bùng nổ tất yếu, không thể khác, nhất thiết phải xảy ra của cái khối lượng tới hạn vô hình, đen ngòm, căng cực độ, nặng vô hạn đã tích tụ từ nãy tới giờ giữa chúng tôi và trong chúng tôi, chúng tôi cười như thể trong thâm tâm đều biết không có sự cười này chúng tôi chết.

Tiếng cười của chúng tôi gần hơn với sự sống, chính xác hơn là đầy ắp sự sống, chính xác hơn nữa thì nó là bản thân sự sống trong dạng thức viên mãn, thuần khiết, khinh khoái nhất của nó, nếu có thể nói vậy, mỗi khi chúng tôi nói – và cười – về khả năng chúng tôi bị người ta bắt, bị người ta bắn chết, hoặc, như tôi đã nhắc một lần, khả năng chúng tôi tự bắn mình, cách giải thoát và xả bỏ cuối cùng, tối hậu của chúng tôi. Chúng tôi thấy mình sống hơn hết khi chúng tôi nói về cái chết của mình. Nói thế không có nghĩa là chúng tôi coi việc chúng tôi làm như một biện pháp để tự sát hoặc tương đương với tự sát. Chúng tôi kiêu hãnh (hoặc kiêu căng) hơn thế nhiều. Nói đúng ra là: Càng gần sát cái chết, chúng tôi càng cảm thấy mình sống. Gần sát cái chết, chứ không phải ngay tâm cái chết. Trong khi thực thi phi vụ của mình chúng tôi cảm thấy một ánh sáng phi phàm và một bóng tối phi phàm cùng một lúc, giống như khi chúng tôi làm thơ, những bài thơ mà khi viết xong chúng tôi cảm thấy như mình vừa chết và vừa sống lại trong một cái xác khác đỡ xấu hơn, đỡ cũ hơn, đỡ hôi hơn dù bên trong vẫn lại đầy cứt. Tôi không biết đó là lớp nào ở trong chúng tôi; tôi không chắc liệu đó có phải lớp sâu nhất, dưới cùng của chúng tôi không. Tôi không biết; nghĩ đến đó thì tôi ngộ ra rằng hay buộc phải nhận rằng mình không biết gì hết.

Đến một lúc, khi phi vụ của chúng tôi có vẻ như sắp đi đến hồi kết, khi dường như toàn bộ số tiền có trong nhà băng tại thời điểm đó đã nằm cả trong mấy cái bao tải giờ đã căng phồng chặt cứng của chúng tôi, cảm giác lo âu trong tôi dâng đến cực điểm: không, mọi chuyện không thể nào diễn tiến một cách êm xuôi trơn tru như thế này được, chắc chắn có gì đó không ổn, hoàn toàn không ổn đang âm thầm triển khai, đang tới gần chờ sẵn chúng tôi. tôi nghĩ đến Reza ở ngoài kia. Tại sao không nghe thấy gì từ gã? Sao mãi mà gã không báo động? Tôi chợt nghĩ ra rằng có lẽ chúng tôi đã sai lầm khi không giao hẹn rằng Reza cứ mười phút một lần chẳng hạn bấm máy gọi một trong chúng tôi, dùng đoạn nhạc chuông chả giống ai nào đó để chúng tôi biết là hắn chứ không ai khác, chúng tôi không cần trả lời, chỉ cần nghe vậy là đủ, để biết rằng chúng tôi hay ít nhất là Reza, chính xác hơn là riêng Reza vẫn đang an toàn, vẫn còn có thì giờ cho mình, vẫn chưa chết. Tôi cồn cào muốn gọi cho Reza và lẽ ra đã có thể làm song tôi không làm. Bằng cách không gọi cho Reza, tôi tự khẳng định với mình rằng mọi sự đều ổn, không có gì xảy ra với Reza. Vì một lý do ất ơ và bí hiểm nào đó mà tôi cảm thấy có thể níu khá chắc vào niềm tin nơi hiệu lực của cái phép mầu này của tôi. Không gọi Reza: Reza sống. Gọi Reza: Reza chết… Bằng cách đó, duy chỉ bằng cách đó, ít nhất là tôi cảm thấy như vậy, Reza mới thực sự ở bên chúng tôi vào những phút đó, mọi khoảng cách trong không gian ngăn giữa chúng tôi, dù vài chục mét hay vài triệu năm ánh sáng, cảnh giới mà duy chỉ một số nhà huyền học Đông phương biết và đạt tới nếu ta có thể tin lời họ nói hoặc người ta nói. Thế nhưng càng về cuối hiệu lực của cái phép mầu của tôi càng bị nghiền nát bởi hiệu lực hắc ám, có thể phải nói là ma quỷ của cái phép mầu, không, cái tà thuật gì đó mạnh hơn gấp trăm lần nó đang khiến cho mọi chuyện dường như đều êm chảy cho chúng tôi, tuồng như mọi vận động của vũ trụ đều thuận theo chúng tôi như con chó ngoan theo chủ nó. Và rồi sau đó một ý nghĩ vụt tới, độc địa, giống như có một hòn sỏi cứng sắc cạnh vừa từ đâu rơi tọt vào trong tim hay trong phổi hay trong bao tử tôi: rằng chính vì phép mầu của tôi, chính vì sức mạnh của lòng mong muốn và quyết tâm tôi dồn vào việc hiện thực hóa phép mầu đó, mà cái điều tôi không mong muốn nhất, chúng tôi không mong muốn nhất, nó đang tới. Điều gì? Chỉ còn, có lẽ chỉ còn một phút nữa là đến lúc tôi bấm số vào di động của Reza, cho đổ chuông một lần, đúng một lần, là tín hiệu để gã đánh xe tới ngay trước cổng nhà băng đón chúng tôi ra, nhưng dường như tôi sẽ không chịu đựng nổi cho tới lúc đó. Và ngay khi ấy, giữa lúc cao trào hành động, giữa sự căng lên đến đau đớn của mọi sự vào khoảnh khắc ngay trước thời điểm tàn cuộc, trong tôi chợt nảy ra một ý muốn, một ao ước, một mong mỏi phi lý là cầu sao cho cái một phút đó, một phút hoặc gần gần như thế, ngăn giữa thời điểm này với thời điểm tôi thực sự bấm máy gọi Reza, nó hãy kéo dài ra thành một giờ, một ngày, một tháng, một năm, mười năm, hai mươi năm, thành bất cứ bao nhiêu thời gian miễn là lâu hơn một phút, chỉ với chúng tôi chứ không với bất cứ ai khác trên thế giới này, hay nói đúng hơn là với chúng tôi trong một thế giới khác chứ không phải thế giới này, một thế giới song song hay gì đó gọi sao cũng được, giống như phép mầu mà Thượng đế của già Borges đã ban cho một tay người Tiệp ngay trước khoảnh khắc đạn của đội hành quyết chạm đến thịt y. Được vậy thì hay biết mấy! Chúng tôi sẽ có thể làm được bao nhiêu là việc! Sẽ có thêm nhiều khoảnh khắc để chúng tôi làm đầy theo cách của mình, thêm vài ba hay một hai dự định hay ý đồ của chúng tôi được hoàn thành cho dù hoàn thành một cách trọn vẹn, tuyệt đối một dự định hay ý đồ, bất kỳ dự định hay ý đồ nào, là một ảo tưởng. Hay là sẽ có thêm nhiều cuộc đời, một số cuộc đời nảy ra, bắt nguồn, tẽ nhánh từ cuộc đời của chúng tôi, một hai người trong chúng tôi, những con người hay những sinh vật hễ đã bước vào và đã trụ lại và sống được ở thế giới này là sẽ sống lâu, sống dai hơn chúng tôi, sống bằng nhiều phương thức và nhiều dạng hơn gấp bội lần chúng tôi. Những con người những sinh vật mà các vách của linh hồn họ âm vang to hơn nhiều so với chúng tôi. Chẳng hạn, chúng tôi là một nhóm múa mà cảm hứng và tinh thần sâu thẳm là châu Phi, một Salia ni Seydou, có thể là xem còn sướng còn phê hơn cả Salia ni Seydou mặc dù không ai trong chúng tôi là dân châu Phi hay chính vì không ai trong chúng tôi là dân châu Phi. Hay là Antonín với tôi, hai thằng tôi sẽ làm cái chuyện từng nói tới đã lâu: mở một hiệu sách không giống bất cứ hiệu sách nào từng có trên thế giới, hiệu sách mà cảnh quan của nó là hoài niệm da diết và hài hước về những giấc mơ bị ngắt đứt nửa chừng và không bao giờ bị hoàn toàn lãng quên của chúng tôi cũng như những giấc mơ hãy còn chưa đến và luôn luôn được chờ đợi hoặc không hề được chờ đợi của chúng tôi, còn nội dung của nó hay khả năng sinh lời của nó thì, chậc, thế nào mà chả được ít nhất là với tôi. Bởi vì với tôi, ít ra là với tôi, hiệu sách của tôi, cái ổ đẹp đẽ nhất mà tôi từng có ở đời, hoàn toàn có thể cũng là nơi chôn tôi. Hoặc, Shin, Reza và tôi, ba chúng tôi tự vùi mình trong tuyết Alaska, tuyết Siberia, căng tai, căng toàn bộ tâm trí, chờ nghe tiếng nứt đầu tiên của băng trên một cái hồ, cái âm thanh nó sẽ khua động chúng tôi theo cách có lẽ giống như sóng âm khi hai vật bằng thủy tinh chạm nhau và đập vào một cái mạng nhện, lắng nghe cái mạng nhện thần kinh của chúng tôi và linh hồn chúng tôi và gì đó nữa của chúng tôi rung lên trước sóng âm này. Và tại sao không phải là tôi, ngồi trên căn gác ọp ẹp hay trong phòng trọ rẻ tiền nào đó hay quán cà phê nhếch nhác nào đó ở Paris, Granada, Chiengmai, Istanbul, Kyoto, Kinshasa, Buenos Aires, Isfahan, Essaouira, một nơi nào đó trên thế giới, viết cho xong cuốn tiểu thuyết của mình, cuốn tiểu thuyết mà qua đó người ta có thể nghe và cảm được tiếng máu tôi chảy? Và tại sao không phải là Huỳnh Lê nằm úp bụng trên manh chiếu cũ hôi rình, nhọc nhằn dịch “Leyla và Majnun” từ tiếng Ba Tư và Ả Rập sang tiếng Việt với sự giúp đỡ tận tình của Reza (tận tình, là bởi bản tính của Reza như thế, luôn luôn làm mọi việc một cách hết lòng dù gã thích hay không, chứ thật ra việc mà Reza thích hơn nhiều, thật sự thích là việc khác, việc gì thì gã không bao giờ thực sự nói rõ hay nhắc tới, mặc dù chẳng phải không có lúc tôi – ít nhất là tôi – ngờ rằng kỳ thực người như gã thì không thích một cái gì, gã quá tự tại nên khó mà còn cần phải thích một cái gì, và điều đó có đáng mong muốn với tôi hay không thì là chuyện khác không cần nói ở đây)? Và tại sao không phải Huỳnh Lê, một trong những tác giả truyện tranh mới nổi lừng tiếng nhất trên thế giới, tung ra loạt tác phẩm mới nhất không ai ngờ tới nổi về sức mạnh lây nhiễm đáng sợ và tiềm năng tạo sinh của những giấc mơ, những truyện tranh vừa tức cười vừa đau đớn vừa thô bạo vừa nên thơ vừa bi thảm vừa trơ trẽn vừa máu lại vừa hoa, một bộ shunga (xuân họa) động chứ không tĩnh từ tay một họa sĩ vốn đồng thời là một ca sĩ hard–rock một võ sư mix martial arts hay võ thuật hỗn hợp và đồng thời là một guru Ấn Độ? Và tại sao không phải là Shin, Huỳnh Lê và tôi cùng làm một bộ phim nhại tài liệu (mockumentary) về chuyện Reza, Pedro và Antonín thực hiện một cuộc thiền hành, tam bộ nhất bái, “vì hòa bình” từ Kyoto đến Luang Prabang qua năm nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, với tâm điểm là 1) Pedro và cuộc vật lộn kịch liệt của hắn với bản thân hắn trong quá trình cái sự vụ này, 2) một sự cố bi thương và trào lộng xảy ra khi đoàn qua địa phận Việt Nam làm cho một trong bộ ba này suýt nữa mất mạng thằng thứ hai phát điên còn thằng thứ ba suýt nữa cụt giò? Và tại sao không phải là Pedro chạy đôn chạy đáo, thực hiện những nỗ lực gần như không tin nổi và viện đến những biện pháp hay mưu chước không tin nổi hòng kiếm đủ vốn và huy động đủ ê kíp ra trò cho bộ phim mà hắn viết kịch bản và đạo diễn và thủ vai chính và viết ca khúc chính và hát ca khúc chính, bộ phim “của đời hắn”, về một người ngoài hành tinh hóa thân thành tay trợ thủ vị thành niên của một gã làm thuê cho một tập đoàn ma túy Mexico, chuyên trị thanh lý và thủ tiêu xác người bằng cách dìm xác vào thùng đựng axít (người ta bảo đấy là hắn đang nấu món pozole)? Và tại sao không phải là Shin, trên ngọn núi nào đó (mù sương hoặc không mù sương mấy) hay giữa cánh rừng nào đó (vắng lặng hoặc không vắng lặng mấy) khổ luyện cho trót độc chiêu chém đứt đôi quả táo hay quả xoài đang rụng và sau đó là chém đứt đôi viên đạn đang bay và, do có thể chém đứt đôi viên đạn đang bay, Shin thừa sức chém đứt đôi con ruồi đang bay mặc dù trong những lúc bình tâm nhất hoặc những lúc thăng hoa nhất thì Shin sẽ không thích chém đứt đôi con ruồi đang bay hay nói chung là bất kỳ sinh vật nào chuyển động hay đứng yên (ấy là xét theo chỗ tôi hiểu hay nghĩ về Shin còn thực tế ra sao thì tôi không chắc lắm, có thể sau khi Shin viết xong cuốn “Ngũ luân thư” của riêng mình thì Shin sẽ hơi khác bây giờ chăng)? Và tại sao không phải là Huỳnh Lê và Antonín và tôi, chúng tôi thành lập một nhóm quan họ chưa từng có trên đời và thông qua chúng tôi chất ngọc tinh tuyền của quan họ cũng như chất men mới chưng cất theo lối không ai có thể ngờ tới của nó sẽ khiến cho nhiều người ở khắp nơi trên trái đất không thể quên và do đó sẽ hạnh phúc hơn một chút cho đến khi chết? Và tại sao không phải là Huỳnh Lê, máu đầy mặt, bị đánh vì chụp một bức ảnh? Và tại sao không phải Pedro hay Shin hay Huỳnh Lê hay Antonín, sau một thời gian tham gia lực lượng đặc nhiệm quốc tế chống săn trộm tê giác và buôn lậu sừng tê giác, bị bắt cóc, đánh đập rồi phanh xác ra nhiều mảnh vứt nơi một bãi rác ở Johannesburg hay Sài Gòn? Và tại sao không phải Reza là người chết sau cùng trong một cuộc tuyệt thực tập thể vốn là tiếng thét phản đối tối hậu và tràng cười giễu tối hậu trước sự bất lực tuyệt đối của những kẻ lãnh đạo các quốc gia trên thế giới trong việc đồng tâm nhất trí và cùng nhau hành động một cách có thực chất, trong tinh thần xả kỷ, tận gốc, hầu hóa giải được chừng nào hay chừng nấy những hiểm họa đang lù lù trước mặt thế giới? Và tại sao không phải là Pedro, bị đời vùi dập tơi bời, cụt một tay, một con mắt lòa vì từng có lúc lòi ra, lui về ở ẩn trong căn nhà xập xệ mái tôn cùng với ba con chó, những sinh vật duy nhất còn lại thực sự yêu hắn, những sinh vật mà với chúng hắn là hiện thân cho toàn bộ năng lực yêu còn sót lại của nhân loại? Và tại sao không phải Antonín, bôn ba khắp trái đất, đến những nơi nào có nhiều người vừa suýt chết hay sắp chết, các trại tị nạn, các trại tù binh, để hát cho họ nghe, cho những ai còn muốn nghe và còn có thể nghe, chừng nào trong số đó còn có những kẻ muốn nghe và có khả năng nghe, cách tốt nhất – dù thảm hại đến mấy – của riêng hắn để gọi là góp phần cứu nhân loại? Biết bao nhiêu là việc chúng tôi có thể làm! Giá mà phép phân thân là có thật dù chỉ riêng cho chúng tôi! Nhưng phút này giây này tôi ở đây chờ nghe cú gọi của Reza – cú gọi nếu như có sự chẳng lành theo thỏa thuận từ trước giữa chúng tôi, tôi chờ nó vì nó từ Reza đến – và có một khoảnh khắc tôi có cái cảm giác thẳm sâu dường như trong từng giọt máu tôi rằng tất cả chúng tôi kỳ thực đã chết trước khi điều đó xảy tới.

Thế rồi ngay khi ấy, ngay trong khoảnh khắc ngộ ra cái thực tại tối hậu rằng thật ra tất cả chúng tôi đã chết (mặc dù nếu vậy thì không ai hoặc rất ít ai trong những kẻ khác quanh chúng tôi là không đã chết, chết trước khi thật sự chết), hoặc trong khoảnh khắc ngay sau khoảnh khắc đó (mặc dù sự khác biệt này về trật tự thời gian là quá nhỏ nhoi do bản thân hai khoảnh khắc này là quá nhỏ nhoi đến nỗi ở cấp độ ngôn ngữ thông thường thì hoàn toàn có thể nói hai thời điểm này là một) tôi nhớ lại cái lúc chúng tôi cười nôn ruột, cười như những thằng khùng khi nói đến chuyện thiên hạ sẽ cười ra sao khi nói về chúng tôi sau khi chuyện này đã qua. Chúng tôi cười nhân thế, cái khối khổng lồ nặng bằng cả ngàn trái đất vốn không có khả năng nói điều gì hay ho hơn là bảo chúng tôi Đừng làm! Không được làm! cũng như nó đã không ngừng lải nhải vào tai chúng tôi bằng nhiều cách khác nhau về sự vô nghĩa tuyệt đối mà nó bảo là hạt nhân sâu kín nhất trong những khắc khoải những nỗi đau những u hoài và những tìm kiếm của chúng tôi. (Reza là người cười nhẹ nhất trong chúng tôi vào lúc đó, hầu như không thành tiếng, ít nhất là tôi có cảm giác vậy, chỉ là một cái cười lớn hơn cười mỉm một chút, vừa vặn lộ răng, đó có lẽ là lý do tôi nghe đau hơn hết mỗi khi hình ảnh Reza chứ không phải hình ảnh thằng nào khác lướt qua tâm trí tôi.) Và chúng tôi cười Roberto, cười tất cả những kẻ nói mà không làm, nói gì cũng hay nhưng ngàn năm sau vẫn không làm. Và chúng tôi cười những người đàn bà của chúng tôi, các em yêu của chúng tôi, các giấc–mơ–khi–đang–thức của chúng tôi, tội lỗi của chúng tôi, tâm hồn của chúng tôi, các mèo con bồ câu mái ngựa cái sư tử cái của chúng tôi, các nàng tiên và nàng quỷ của chúng tôi. Chúng tôi cười sự bình an mà các nường cho hoặc về lý thuyết là có thể cho chúng tôi, cười cái vực xoáy mà các nường lôi chúng tôi vào, những giấc mơ đẹp hoặc có thể cho là đẹp mà các nường khiến chúng tôi mơ, sự ngây thơ và nỗi u hoài đã khiến một thằng trong chúng tôi thốt lên rằng phải chi có các nường hay ít nhất một trong các nường bên cạnh chúng tôi lúc này khi chúng tôi hành động. Chẳng phải là không có nường nào trong số các nường có khả năng hay tiềm năng làm bạn đồng hành cự phách hay ít nhất là tạm chấp nhận được của chúng tôi trong cái vụ này, song chúng tôi đã quyết khá sớm, nếu không nói gần như ngay lập tức, rằng trong vụ này chúng tôi sẽ là một boyband. Không phải chúng tôi loại trừ khả năng có một bóng hồng giữa chúng tôi lúc nước sôi lửa bỏng; hoàn toàn không. Chỉ là chúng tôi muốn để dành khả năng đó cho một lúc khác, lần sau, nếu có lần sau, trong một cuộc đời khác nếu còn có một cuộc đời khác sau đây hoặc một cuộc đời song song ở dòng thời gian song song nào đó như mấy thằng cha hay con mụ scifi thường tưởng tượng. Chỉ có điều Reza (một lần nữa lại Reza), riêng gã, tôi chưa bao giờ thấy gã bên cạnh một đàn bà hay nghe gã nhắc tới một đàn bà. Tôi nghĩ đến điều đó như trong một ánh chớp đục, nặng, vô sắc, đúng lúc Pedro nhìn tôi với vẻ sốt ruột, không thể hiểu vì cớ gì tôi vẫn chưa bấm máy gọi Reza. Miệng hắn hé ra rồi thoáng sau lại ngậm. Tự dưng tôi chỉ muốn phá ra cười. Cảm giác muốn cười mạnh tới nỗi tôi chỉ e hắn nhận ra rằng hàm và cổ tôi hay thậm chí cả người tôi đang rung lên. Tôi biết hắn có thể nổ bùng lên thế nào nếu hắn nhận ra hay nghĩ rằng tôi đang cười, đúng vào lúc này. Tôi kịp kìm lại. Đó là một thế mạnh của tôi, Một trong số ít thế mạnh của tôi. Tôi luôn luôn hoặc gần như luôn luôn kìm lại được một giây trước khi bùng nổ thành tiếng cười, tiếng khóc, tiếng thét. Không như Pedro. Nhưng chính vì vậy mà tôi biết mình cần phải làm ngay cái gì đó nếu không Pedro cũng sẽ nổ bùng vì tôi không làm gì mà chỉ đứng đó nhìn hắn, lúc này thì hắn đã mất khả năng đọc được cái nhìn của tôi. Tôi phải làm gì hay nói gì đó, lập tức, trước khi hắn hét “Thằng đớp cặc kia mày còn chờ cái gì?” hay gì đó tương tự. Có một khoảnh khắc, qua sức nóng của mắt hắn xoáy vào da tôi, tôi có cảm tưởng hắn sắp sửa nhảy vào bợp tai tôi – với tôi thì hắn sẽ bợp tai chứ không đấm – và chừng như cảm thấy trước được những tia sáng bắn tóe từ trong hai mắt tôi. Ấy thế mà cơn tức cười vẫn cứ hành tôi, đe dọa bất cứ lúc nào cũng có thể khiến cho toàn thân tôi rung lên như bị chạm điện. Và tôi cũng nhận thấy rằng, sự tức cười đến phát điên đang tranh quyền thống lĩnh tôi kia, tôi đang quan sát, theo dõi nó bằng một thứ lý tính phê phán lạnh và sắc như dao cạo vừa xuất xưởng, cứ như cái thằng tôi đang tức cười đang chật vật ghìm cơn tức cười và cái thằng tôi đang quan sát cái thằng này là hai người khác biệt chả có mấy liên thông với nhau. Huỳnh Lê đến đúng lúc để cứu tôi. Ủa, sao còn chưa gọi, y nói, bằng tiếng Việt, với cái giọng oang oang được chỉnh chết ở độc một mức vô luym cao nhất hoặc gần như cao nhất của y. Trong giọng y hay có lẽ trong toàn bộ dáng vẻ hay thần thái y có cái gì đó khiến cho cô gái gầy guộc xanh xao – cô nàng “của Antonín” – gần như phải giật mình, nhìn. Tôi cũng có thể nói là bị giật mình bởi câu này hay đúng hơn là giọng này của Huỳnh Lê, ít nhất là cái cơn tức cười như của thằng rồ kia, giống như một cái áo có nguy cơ dính chặt vào thịt mà tôi hoàn toàn không muốn mặc, lập tức liền rũ tuột khỏi tôi. Lần đầu tiên trong mấy phút vừa qua – có thể thật ra là ít hơn thế song đối với tôi là lâu hơn thế nhiều – tôi nhìn xuống túi quần mình nơi để cái điện thoại.

Nó nằm đó đợi tôi, lùm lùm song ẩn kín, như bóng ma của số phận chúng tôi. Và như trong một bộ phim rùng rợn hoặc có pha vài xen rùng rợn kiểu như là tra thêm tí muối, tôi chừng như thấy cái cục lùm lùm đó bắt đầu khẽ đập phập phồng như quả tim người. Lập tức nghẹt thở, tôi vội vàng rứt mắt khỏi nó, nhìn nhanh lên trước mặt. Và tuy không nhìn cụ thể một ai song tôi lập tức nhận ra rằng trong số các nhân viên nhà băng đang tái nhợt và bất động kia có ít nhất vài người đã cảm thấy được có một chuyện gì đó đang diễn ra nơi chúng tôi. Một sự thay đổi, để cho tất cả, họ cũng như chúng tôi, thoát ra khỏi tình thế này, khoảnh khắc ngưng sững chờ đợi này, nó đang phụ thuộc vào tôi. Và từng giây trôi qua, từng phần nhỏ của giây trôi qua, tôi càng lúc càng cảm thấy sự bất khả thi của việc mình phải làm, việc mà người ta đang đợi tôi làm. Như thể nếu bây giờ tôi bấm máy gọi Reza thì nó sẽ đánh dấu một cách vĩnh viễn sự kết thúc vô phương đảo ngược của chúng tôi. Sự đời không thể phi lý đến mức chúng tôi sẽ an toàn vô sự ôm tiền thoát khỏi đây được. Tôi ra sức tập trung tinh thần vào chỉ một ý nghĩ, “toàn tâm nhất niệm”, rằng tay tôi hãy đút vào túi quần, cầm điện thoại rút ra, đến mức thiếu điều nhìn thấy trước mắt cảnh tay tôi đang thực sự làm vậy. Tuy nhiên thực tế là tay tôi vẫn trơ ra đó, như một vật vô tri mà tôi đang cố dùng ý chí thuần túy để dịch chuyển, bắt chước một cách vô ích và thảm hại những người gọi là có khả năng viễn khiển, việc mà giờ đây tôi nhận ra rằng có hàng chục năm nữa tôi cũng chả làm được.

Thế rồi rốt cuộc tay tôi cũng bắt đầu chuyển động, như thể tự nó quyết định việc này chứ không phải tôi. Và cùng với chuyển động đi xuống của tay tôi, một phần nào đó ở trong tôi trôi tuồn tuột xuống một đường hầm gần dựng đứng hun hút không đáy, đến độ có một khoảnh khắc tôi có cảm giác mình sắp sửa ngã chúi đầu xuống sàn. Tôi không biết có ai trong chúng tôi cảm nhận được – trực nhận tức thời – cái khoảnh khắc này của tôi chăng. Có lẽ là Shin, mặc dù tôi biết chắc lúc đó Shin không nhìn tôi. Và Reza, dĩ nhiên, nếu Reza không có mặt ở đây. Và trong khoảnh khắc – một khoảnh khắc khác – tôi cảm thấy thèm khát vô tận là chính mình cũng đừng có mặt ở đây như Reza. Sẽ dễ chịu biết mấy nếu ngay bây giờ tôi thôi không còn tồn tại. Đó là một cái gì đáng sợ và đồng thời cuốn hút hơn cái chết. Dường như nếu bây giờ tôi bấm máy gọi Reza, khởi đầu cho sự kết thúc êm xuôi và do vậy sự hoàn thành mỹ mãn cuộc tập kích nhà băng này của chúng tôi thì bằng cách ấy chúng tôi đang phản bội chính chúng tôi, đang làm tiêu vong chính chúng tôi hay đúng hơn không phải bản thân chúng tôi mà là một cái gì đáng tồn tại hơn tất cả mọi thứ song chưa bao giờ thực sự tồn tại. Hoàn toàn giống như thể tôi chẳng mong gì hơn có một biến cố bất ngờ nào đó xảy ra trước khi tôi kịp làm việc này, kịp làm bất cứ cái gì, có thể dưới dạng tiếng còi chói tai của xe cảnh sát hay bất cứ dạng nào tương tự vậy. Tôi đợi hoặc muốn đợi. Tôi không được cho thì giờ để đợi. Pedro sấn tới trước mặt tôi. Tim tôi như rơi tọt xuống giữa hai chân. Tôi không biết hắn sẽ làm gì tôi. Tôi không biết hắn sẽ làm gì trong khi một tay hắn vẫn đang ôm súng, mắt hắn không nhìn những người mà đáng ra hắn phải không bao giờ thôi nhìn mặc dù tôi không thể chắc liệu tâm trí hắn có đã hoàn toàn rời khỏi họ hay không. Song Huỳnh Lê đã nhanh hơn hắn. Phải, chuyện này đôi khi xảy ra: vào thời điểm bất ngờ nhất, Huỳnh Lê đột nhiên hành động nhanh hơn bất cứ ai trong chúng tôi nếu không kể Shin, chắc chắn Shin vẫn sẽ nhanh hơn y nếu đúng lúc đó Shin cũng hành động, tuy nhiên lúc này Shin không hành động: Huỳnh Lê đang ở gần tôi hơn Pedro gần tôi tại thời điểm ngay trước khi Pedro bắt đầu sấn tới tôi, tuy nhiên điều đó chỉ tạo cho y một lợi thế không đáng kể vì khoảng cách giữa ba chúng tôi về thực chất không lớn – rốt cuộc thì cái quyết định vẫn là tốc độ hoàn toàn bất thường của Huỳnh Lê. Dù có thế nào, cảm giác của tôi và có lẽ của cả nhiều người khác có mặt là cái điện thoại từ trong tay tôi nhoáng cái đã nằm trong tay Huỳnh Lê, chẳng biết bằng cách nào, như trong một màn diễn ảo thuật. Và mặt y tức thì bừng sáng bởi tia chớp nhận thức về cái kỳ tích mà chắc chắn bản thân y không thể tin chính mình vừa mới làm xong. Và ánh bừng sáng này lập tức lại lóe lên lần nữa còn mạnh hơn bởi một ý thiên tài – thiên tài theo kiểu của riêng y – vừa nảy ra trong cái đầu bù xù tổ quạ của y. Và như một tia điện xẹt phóng ra từ đó Huỳnh Lê tung cái điện thoại của tôi lên không bằng một động tác giông giống như người ta tung quả cầu vào giữa vòng trong một cuộc đá cầu. Trong nháy mắt tôi hầu như chờ đợi một trong những người có mặt, một thằng trong bọn chúng tôi hay thậm chí một trong các nhân viên nhà băng (mặc dù chỉ cần nghĩ đến chuyện trong số những người châu Âu này tình cờ lại có một người biết đá cầu kiểu Đông Nam Á là cũng đủ tức cười) sẽ tung chân đá nối quả cầu, ý tôi là cái điện thoại, không thì dùng vai, đầu (trán, đỉnh đầu, sau đầu), ngực, lưng, đầu gối, cùi chỏ, bụng, để nhẹ nhàng đón nó, hãm chậm chuyển động của nó lại trước khi quyết định sẽ làm gì tiếp theo, như bất cứ tay đá cầu sành sỏi nào thường làm. Và trong khi quả cầu, ý tôi là cái điện thoại của tôi vạch một vòng cung tuyệt đẹp trên không, mắt tôi bị hút theo nó, toàn bộ tôi bị hút theo nó, tôi không còn ý thức về mình, không ý thức về thân thể về ý chí về tâm trạng về nỗi lo về ước muốn của mình, không gì cả: tôi như thể không là gì khác hơn ngoài một phần của bầu không khí đang tự động dạt ra mở đường cho quả cầu rồi lập tức dồn theo sau nó mà thế chỗ ngay sau khi nó đã bay qua.

Và trong một khoảnh khắc hay vài khoảnh khắc, quả cầu (ý tôi là cái điện thoại của tôi) sẽ rơi xuống nơi đâu và được nơi đó tiếp nhận ra sao, đấy dường như là chuyện quan trọng nhất trên đời, chuyện duy nhất quan trọng đối với tôi và hẳn không chỉ với tôi. Tuồng như một loạt những chuyện hệ trọng, cái này là nguyên nhân và hệ quả của cái kia, sẽ được quyết định bởi chuyện ấy. Và trong ngần ấy người có mặt thì Shin là người được đấng tối cao nào đó chọn hoặc là trong nháy mắt đã tự chọn mình là người nhận lãnh trọng trách định đoạt phần tiếp theo của vận mệnh quả cầu. Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ nghiêm trang khác thường của Shin trong khoảnh khắc đó, mặc dù chẳng phải chúng tôi xa lạ gì cái cảnh Shin trở nên nghiêm trang khác thường bất cứ khi nào Shin vừa nghĩ ra và sắp thực hiện một trong những trò quỷ quyệt của Shin. Dường như mọi thứ chất liệu làm nên Shin đều bừng sáng lên một cách huy hoàng nhất và do đó bi tráng nhất đồng thời đáng ngại nhất trong khoảnh khắc đó.

Shin tiến tới, quả quyết, êm ru, mềm mại, nhanh như chớp – một ánh chớp gây cảm giác mềm như tơ như lụa (Antonín, vốn hơi đứng chắn đường Shin, liền lập tức né để nhường cũng nhanh không kém) – và rồi, bằng một chuỗi động tác liên hoàn phức tạp song liền mạch trơn tru của một thân hình mềm dẻo uyển chuyển như thiếu nữ xuân thì, Shin chuyển sang thế trụ trên bốn chi (tựa như tư thế của một nường đang chuẩn bị cùng đối tác làm tình theo kiểu chó), và, khi quả cầu rơi xuống đúng tầm đúng chỗ, liền hẩy mông lên một cái không quá chậm chẳng quá nhanh; lực của cú hẩy, kết hợp với độ mềm và đàn hồi của thịt nơi cái mông tròn, được tính toán cực chuẩn xác sao cho quả cầu, ý tôi là cái điện thoại, liền tưng lên theo đường thẳng, đến một vị trí không quá thấp không quá cao trong không khí thì dừng lại, tuồng như hơi ngần ngừ, như tiếc rẻ một cái gì và lại xăm xăm rơi xuống. Shin lại hẩy mông – lần này lật mình sang một chút, ồ một chút thôi, để dùng mông bên kia – lần nữa. Quả cầu, ý tôi là cái điện thoại, lại tưng lên đến một cao độ cũng y hệt như lần trước thì dừng, tiếc rẻ hoặc ngần ngừ chừng một phần giây, rơi xuống. Y chang như nhà độc tài với quả địa cầu trong bộ phim của Charlie Chaplin, tôi chợt nghĩ ra, và lập tức lại nghe một cơn cười rậm rựt chực từ dưới đáy ruột mình muốn bật ra ngoài. (Mặc dù, ngay giữa lúc có vẻ không làm sao ngăn được cười hơn cả, tôi vẫn không thể không cảm nhận sâu sắc ở nơi khả năng phi phàm của cặp mông Shin – khả năng buộc cái điện thoại chuyển hóa thành quả cầu thực thụ với độ nẩy độ tưng đặc trưng của một quả cầu – một phần sự tuyệt khéo và sự tinh vi khôn lường của vũ trụ, một thứ có thể gọi là đẹp.) Tôi không phải là người duy nhất muốn cười. Tôi cảm thấy hơn là thực sự nghe thấy tiếng cười rinh rích mà phần cuối bị níu chặt lại trong họng như con chuột bị kẹp đuôi trong bẫy còn phần đầu bị dằn xuống nên đâm ra nghèn nghẹt song dẫu vậy vẫn cứ thoát được ra khỏi miệng và mũi cô nàng “của Antonín”. Tôi thấy được bằng khóe mắt rằng phần thân trên của Nhẫy đang trước mặt tôi rung bần bật liên hồi trong nỗ lực nén cười. (Tóc Bạch Kim cũng cười, bằng mắt nhiều hơn bằng mồm, đồng thời một cách bản năng lại dợm thò tay vào dưới bàn để bấm nút báo động hoặc lấy súng hoặc cả hai nhưng liền giật nảy người lập tức rụt tay về khi bắt gặp mắt tôi như thể cái nhìn của tôi là một luồng điện, liền mỉm cười méo xệch và liếc mắt ra hiệu về phía Shin một cách cực ngây ngô cứ như Shin là phát hiện của lão ta chứ không phải của tôi). Trùm lên tất cả là tiếng cười của Huỳnh Lê, cười như thể đã nhiều ngày nay y chỉ chờ mỗi một cơ hội đúng như thế này để thực sự cười. Antonín một cách bất giác hơi ngửa người ra sau nhưng đồng thời đầu lại rướn về phía trước khiến cho nhìn chung cơ thể hắn rơi vào một trạng thái vặn lệch và tự mâu thuẫn cực kỳ khôi, miệng cười phô hết răng và cả hai lông mày nhướng tớn lên trông vừa nhăn nhở vừa đầy kinh ngạc (kiểu một đứa con nít) vừa hiền lành, hiền lành và dịu dàng. Pedro, một bên mép nhệch lên trông giống một nét cau có dù cũng giông giống cười gằn, có những lúc hắn hơi chậm hơn chúng tôi hoặc hơi xa chúng tôi. Hắn là thằng duy nhất khăng khăng đòi hành động, cảm thấy mình trống huếch vì không hành động, lúc này. Giữa khi quả cầu (ý tôi là cái điện thoại) đang trên đường rơi trở lại xuống mông Shin, đột ngột Pedro lao tới. Lập tức tôi nghe tim thót lại trong ngực. Trong nháy mắt tôi tưởng như đang thấy Pedro co chân vận hết sức bình sinh đạp xuống người Shin. Và liền sau đó tôi nghe một tiếng thét váng óc, tiếng thét ở cao độ tột đỉnh mà một giọng nữ kim có thể lên thấu hay thậm chí còn vượt qua, song ngay ở khoảnh khắc ấy tôi cảm thấy như đó là tiếng thét của xương thịt Shin. Phải mất chừng một hai giây tôi mới nhận ra rằng thực sự tai tôi đã nghe thấy tiếng thét. Và đó không phải do Pedro vừa đạp lên Shin. Sự việc thì không thật song âm thanh thì thật, thật đến nỗi dường như mọi cọng tóc và sợi lông trên cơ thể tôi đều dựng cả lên: đó như là tiếng thét khiếp đảm rụng rời của máu khi nhận ra số phận không thể thoát của mình là cứng lại thành đá. Tôi ngẩng đầu lên, hướng mắt về phía cửa chính của nhà băng – không hiểu có gì xui khiến mà cơ thể tôi lập tức có cái phản ứng đó – và ngay tức thì tôi cảm thấy chính cái điều đó: như thể toàn bộ máu bên trong tôi cứng lại thành đá đúng trong nháy mắt ấy.

Reza đang đứng giữa khung cửa. Nói chính xác hơn thì phải mất vài giây hoặc lâu hơn để tôi nối kết cái hình ảnh đang thấy trước mặt với cái tên Reza và khái niệm quen thuộc về Reza vốn có trong đầu tôi.

Đó là một khoảnh khắc, một hình ảnh, cảm giác, tâm trạng mà chắc chắn suốt đời tôi không quên. Nó không phải một thứ thuộc về thế giới này, mà chỉ có thể là một phần của một cơn ác mộng khủng khiếp vốn cũng không thuộc thế giới này. Reza đứng đó, tức là cơ thể Reza đứng đó, đúng là Reza từ hai bàn chân lên đến ngực, còn từ cổ lên đầu thì không. Chẳng phải đầu và cổ gã không còn đó nữa. Nó vẫn có đó, mặc dù theo nghĩa nào đó thì không. Có một chuyện gì đó kinh khủng đã xảy ra với đầu và cổ Reza, chuyện gì đó mà trong khoảnh khắc tôi có cảm giác là hoàn toàn không thuộc về thế giới này và do vậy hoàn toàn ngoài sức hiểu của tôi, dù tôi có sống lại kiếp này thêm nhiều lần nữa thì nó vẫn cứ ngoài sức hiểu của tôi. Và hơn nữa nó không thể nào xảy ra theo những quy luật thuộc về thế giới này được, bằng không thì hóa ra nó lại có thể có liên quan nào đó đến chuyện tôi bấm hay không bấm máy gọi Reza và nếu đúng vậy thì tôi sẽ không thể chịu nổi, nó sẽ là một sự thật mà khoảnh khắc anh biết được cũng là khoảnh khắc anh chết. Và quả thật dù tôi có biết về bản chất của chuyện đã xảy ra với Reza hay không thì trong mấy giây đầu nhìn thấy cảnh đó tôi vẫn cứ chẳng khác người đã chết. Người sống là kẻ có sự tự thức về bản thể mình; trong mấy giây đó tôi hoàn toàn không còn ý thức gì về bản thể mình. Tự thức của tôi không hiện hữu, chỉ có cái tôi đang thấy là hiện hữu.

Đầu gã không còn ở vị trí bình thường mà lủng lẳng nơi hõm vai, gần như không còn nối với cổ: rất khó hình dung rằng đầu hắn vẫn còn gắn với thân. Một sinh vật với một cái đầu như thế thì không thể là một sinh vật sống được và nếu sinh vật đó có tỏ ra chút dấu hiệu của sự sống thì đó là một thứ sự sống trỗi dậy từ dưới mồ. Tôi như đột nhiên thấy sờ sờ trước mắt mình cái đầu ngoẹo sang bên một cách quái đản của Zôia, cô du kích Nga (có cái họ vừa dài ngoằng vừa khó phát âm tôi không tài nào nhớ nổi) bị phát xít Đức treo cổ hồi Thế chiến Thứ hai, như thể chính Zôia đang đứng kia trong hình dáng của Reza hay ít nhất là trong cái thân thể (trừ cổ và đầu) kia của Reza có một phần nào đó của Zôia, lẫn trong máu gã hay trong linh hồn gã nếu như trong cái xác ấy vẫn đang còn linh hồn gã chứ không phải một linh hồn khác. Đầu lủng lẳng hay gần như lủng lẳng như vậy là do cổ đã bị đứt gần hết: chính cái khoảng hở mở ra giữa cổ, càng há to một cách gây lộn mửa hơn và vô phương cứu chữa hơn do sức nặng của cái đầu (đầu Reza vốn rất to) kéo trĩu xuống dưới tác động của sức hút trái đất, là cái đã bồi thêm cú cuối cùng làm tê liệt hoàn toàn các giác quan tôi và thần trí tôi. (Giá như nó không hoác rộng đến như thế thì có khi tôi đã có thể tự thuyết phục mình hay tự huyễn mình dù trong khoảnh khắc rằng ấy chỉ là Reza đang bày trò giễu chúng tôi.) Hẳn không cần nói về máu, mặc dù đó là thứ không thể thiếu khi mà cái cổ nằm trong tình trạng như thế. Và nơi cái đầu vốn đã gần như không còn liên hệ gì với cái mình ấy có một số thứ vẫn đang chuyển động, vẫn đang phát ra những thứ gì đó hay ít nhất là cố gắng làm thế, cố gắng vô vọng để làm thế. Cặp mắt mở nhìn chúng tôi, mặc dù từ một góc xiên đến như vậy của đầu gã thì việc duy trì sự nối liền bằng mắt với chúng tôi lại càng khó cho gã. Và mắt gã, mở to, trong veo, sáng, “như sương đọng trên lá”, không mờ đục một tí nào, nói với chúng tôi. Miệng gã mấp máy, cũng cố nói, nhưng không còn khí quản hay thanh quản nào nối với nó để nó có thể nói, mà cũng không cần thiết: một ngàn cuộc đời nữa cũng không đủ cho chúng tôi bình đến kỳ cùng những gì mắt gã nói, nếu chúng tôi được cho ngàn cuộc đời ấy.

Đột nhiên tôi nghe được những tiếng thét. Và liền sau đó tôi nhận ra rằng những tiếng thét này đã hiện hữu từ lâu song nãy giờ (bao lâu?) tôi không có giác quan để nhận biết và lĩnh hội nó. Nhiều tiếng thét của nhiều người, cùng lúc, một thứ hỗn hống kinh rợn, song, bằng cách nào đó, như thể là, cùng với sự đột ngột xuất hiện trở lại của thính giác tôi, bản thân tôi cũng đột ngột trở lại hiện hữu sau một thời gian vắng bặt dài, sau một quãng mù, sau một chặng chết và cùng với sự tái sinh của bản thân tôi thì cũng tái sinh khả năng tâm trí của tôi, vẫn nhạy bén như trước kia, còn nhạy bén hơn: trong mớ hỗn độn tiếng thét như hàng trăm tấn đá hộc đang trút liên hồi kỳ trận xuống một đường hầm hẹp bốn vách bằng kim loại mà tôi đang bị nhốt bên trong, tôi vẫn cứ phân biệt được, tách bạch được tiếng thét hay âm thanh của từng người một, không nhầm lẫn. Có tiếng thét ở âm vực cao, chói ráy, của những người đàn bà. Tiếng thét, không, tiếng kêu ồ ồ của Huỳnh Lê (dù đã quen với y và giọng y tới đâu, tôi vẫn không bao giờ có thể ngờ rằng từ bên trong y lại có thể bật ra thứ âm thanh rỗng, trầm giống tiếng bò đến như vậy). Tiếng rít (rít, không phải thét) của Shin, đầy phẫn nộ chứ không đầy khiếp đảm. Tiếng gầm (gầm, không phải thét) của Pedro, đầy phẫn nộ và đầy khiếp đảm. Antonín không thét, cái mồm há rộng của hắn và những động tác giật cục đột ngột kỳ quặc của đầu, vai và hai tay hắn, như thể sự xuất hiện của Reza trong cái hình dáng kia có tác dụng tức thì khiến Antonín biến thành một con rối khổng lồ được thiết kế để chuyên chọc cười: tất cả các cái đó tương đương với tiếng thét câm lặng nhức óc nhất. Tiếng thét của tôi, dù bản thân tôi có thét hay không tôi không chắc. Sau một lát, không biết bao lâu, như thể đã quyết định xong sau rất nhiều do dự chần chừ (có lẽ vì thiếu niềm tin), Reza – dĩ nhiên là gã – chầm chậm, vẫn chưa đủ dứt khoát, hơi lóng ngóng, như chỉ muốn thử coi sao, bắt đầu giơ hai tay lên, một tay ôm thái dương phía bên này, một tay đỡ cằm phía bên kia, rất cẩn thận, “nâng như nâng trứng”, cố gắng dịch cái đầu mình về vị trí càng gần với như cũ càng tốt, ít nhất thì cũng sao cho nó đừng quá lệch quá xiên, thu hẹp được chút nào hay chút nấy cái khoảng mở không mong muốn nơi cổ. Trong những khoảnh khắc ấy, những khoảnh khắc gã cố tự chỉnh đốn tư thế cái đầu mình, gã là kẻ cô đơn nhất, nơi miền chồng lấn giữa sống và chết, cô đơn hơn bất cứ ai trong chúng tôi. Tôi muốn tiến lại gần gã, ít nhất là trong đầu tôi thoáng hiện hình ảnh tôi tiến lại gần gã nhưng sự thực là tôi không nhích tới dù chỉ một xăng ti mét, hai đầu gối tôi hay cả hai chân tôi như đã biến thành một thứ bùn nhão và thứ bùn này không thuộc về tôi. Tôi há mồm muốn gọi gã, nhưng ngay khi tưởng chừng cái tên gã đã bật ra từ sâu bên trong tôi, tôi nhận ra rằng phía dưới miệng tôi là một khoảng trống hoác không có một cái gì, như thể cả tôi nữa cũng giống như gã, không còn một cuống họng nào một dây thanh nào một khí quản nào nối với đầu tôi với tâm hồn tôi và từ nay khả năng phát ra một tiếng kêu là vĩnh viễn ngoài tầm với của tôi. Không chỉ như vậy: kéo tiếp cái cuộc hiện tồn này, từ thời điểm này trở đi, là việc quá sức tôi: sự chấm dứt của Reza cũng là chấm dứt của chúng tôi và sau đó không có gì để nói: như thể là, với sự kiện này mới xảy ra với chúng tôi, thời gian đã đứng lại với chúng tôi, không phải đứng lại để từ đó nảy sinh những dòng thời gian khác dài ngắn còn tùy nhưng thảy đều ít nhiều có một độ dài và một sự vận động: ở đây thời gian ngừng hẳn lại, từ đây thời gian là vĩnh viễn chết cứng đối với chúng tôi, là một điểm không tiến, không lùi, đứng sững đời đời đối với chúng tôi.

 

***

 

Đến đây thì, xét theo nhiều vẻ, câu chuyện hình như đang đi đến hồi kết và tôi về mặt nào đó hay trong chừng mực nào đó cũng đang sẵn sàng đưa nó vào hồi kết và một phần của tôi thật tình muốn thế song phần khác của tôi thì không. Và tôi xin nói ngay để cho quý vị đừng lầm: đây không phải là cái trò metaliterature xưa như trái đất, nhà văn–tác giả cố tình chường mặt ra trước người đọc, nói thẳng với người đọc, không giấu giếm gì về tính chất giả của câu chuyện mình kể, tự ý thức và phân tích và tư duy về những gì diễn ra bên trong mình trong quá trình viết, tất cả những trò màu mè dở hơi rẻ tiền đó: ở đây hoàn toàn không. Đơn giản là tôi không có hứng thú tiếp tục. Chỉ có vậy. Tôi không hứng thú với bất cứ cách kết thúc khả dĩ nào của nó, từ cách bất ngờ nhất cho tới cách giản dị nhất, không hứng thú với chuyện để mặc nó lửng lơ không kết thúc, không hứng thú với chuyện bày ra cho quý vị năm ba cái kết khác nhau tùy quý vị chọn, không hứng thú với việc cho quý vị vài ba gợi ý để quý vị tự do kết thúc câu chuyện tùy ý thích và tùy tư chất của mình, mặc dù, điều này chắc chắn quý vị thấy rõ và không thể không đồng ý, tôi thừa sức làm tất cả những chuyện đó. Tôi không hứng thú với việc tiếp tục tự ràng buộc mình với cái gọi là bổn phận của người kể chuyện, ở chỗ cần phải trao cho người đọc nếu không phải một câu chuyện trọn vẹn thì ít nhất là một khoái cảm thẩm mỹ trọn vẹn, một sự thỏa mãn trọn vẹn về cảm xúc, về trí tuệ hay gì đấy. Tôi không hứng thú với ngay cả chuyện đó. Thậm chí, dù nói thế này có thể quý vị sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm, tôi không hứng thú gì với chuyện chọn một đề tài khác có thể là nhẹ nhàng hơn hấp dẫn hơn để kể với quý vị. Tôi kể ngay câu chuyện đầu tiên đến trong đầu tôi, bất kể nó là chuyện gì, từ đâu tới, nó mang theo cái gì ở bên trong nó. Không phải tôi thiếu khả năng làm tròn một cách hoàn hảo vai người kể chuyện, mà là tôi không còn thấy việc đó đáng làm nữa, có thể nói đơn giản vậy. Mặc dù vậy, cái đang còn dở dang thì vẫn là một cái đã có đó rồi, đang hiện hữu, chứ không phải là một cái chưa hiện hữu. Cái câu chuyện tôi đang kể nửa chừng thì ngưng kia, câu chuyện dở dang kia, nó là một câu chuyện đã có đó rồi, đang hiện hữu, đòi đoạn kết, một sinh thể bị khuyết thiếu đòi sự hoàn kết: ta hãy cứ cho là nó có một hồi kết mở đi, mặc cho cái thuật ngữ này có vẻ gượng ép, chông chênh, xộc xệch và tạm bợ đến đâu. Và dĩ nhiên phàm đã là kết mở thì ai trong quý vị cũng có thể tự viết nốt theo ý mình nếu muốn, chuyện này tôi vừa mới nói mà nhỉ, mặc dù, như tôi đã nói, cá nhân tôi chẳng còn thấy chuyện đó có chút ý vị gì cả. Xét cho cùng, dùng trí tưởng tượng để viết nốt đoạn kết mở của một câu chuyện có lẽ là việc không khó khăn gì và khá nhàm đối với quý vị hay ít nhất phần lớn quý vị, là tôi đồ như thế, song chúng ta đâu có nhiều việc gì khác để làm trong những ngày chờ đợi đằng đẵng này, bị bó rọ trong cái lồng khổng lồ không gì xuyên thủng được này, không còn đâu để đến, không còn đâu để trở về, phải không? Chúng ta đâu có gì nhiều để làm, đáng để làm, cho dẫu nhiều người trong chúng ta khăng khăng muốn nghĩ là có. Sự chán chường hằn vết lên sắc diện quý vị giống như một thứ tuổi già, hủy được hoặc che giấu hoàn toàn được nó là một ảo tưởng. Tôi biết điều này bởi nó chạy trong máu tôi. Tôi là một trong quý vị, tôi là quý vị, dù mọi điều nơi tôi dường như đều nói với quý vị rằng không phải như thế.

Vả chăng, còn có gì đáng làm một khi chúng ta đã biết mình là những kẻ có tội và dù chúng ta có nghĩ về điều đó bao nhiêu, có ân hận bao nhiêu thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Và tôi không nói điều này với những ai trong quý vị mà đến lúc này vẫn cứ nói và cứ nghĩ rằng ‘Tôi không có gì phải ân hận trong đời cả’. Tôi và những người đó chắc chắn muôn đời không hiểu nhau. Và tôi cũng không nói với những ai trong quý vị ngồi đây mà không khóc, dù chỉ bên trong hay cả bên trong lẫn bên ngoài, khi nghĩ về Trái đất, bà mẹ già tội nghiệp của chúng ta mà chúng ta đã rời bỏ, tuy chúng ta chưa thực sự rời bỏ bà mà vẫn đang ngồi trên lòng bà nhưng sự thực là chúng ta đã rời bỏ bà từ lâu rồi. Tôi cũng đã từ lâu rời bỏ bà, không khác quý vị. Mặc dù trong thâm tâm tôi không muốn như thế. Mặc dù tôi luôn luôn nghĩ rằng tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ lòng tôn trọng và tình yêu sâu nặng đối với bà mẹ già của tôi. Tôi thành thực nghĩ vậy, cũng như quý vị. Tôi sống cuộc đời một công dân bình thường với lương tâm trong sạch, không làm gì phạm pháp, không làm gì xâm hại đến tự do và phúc lợi của người khác, chăm chỉ làm việc, cần mẫn vun đắp cho cái tổ ấm riêng của mình và nghĩ về tương lai. Cho tới cái khi mọi thứ quanh tôi khiến tôi không thể còn nghi ngờ chút gì ở cái sự thật rằng sẽ không còn một tương lai nào cho tôi hay bất cứ con người nào hay bất cứ giống loài nào (có chăng chỉ trừ gián và kiến và vài ba loài tương tự) trên trái đất này (chuyện đó tôi sẽ không nói nhiều, ai trong chúng ta lại chưa từng trải qua cái tâm thế tương tự trong mấy năm gần đây cho dù chúng ta luôn luôn ở sau một lớp kính dày bom nổ không thủng đi chăng nữa). Cũng chẳng cần phải kể làm gì những mất mát đau thương mà bản thân tôi và gia đình tôi đã phải chịu trong cơn Đại họa này, thậm chí dù tôi đã mất gần như tất cả người thân: vợ tôi, các con tôi, cha mẹ tôi: có bao nhiêu người trên trái đất này là không như vậy cơ chứ? Và chẳng cần nói làm gì về nỗi đau của tôi: nỗi đau có thể nói thành lời là nỗi đau có hạn. Có lẽ tôi chỉ cần nói rằng đã có nhiều lúc tôi nghĩ tốt hơn hết là chết. Nếu như Trái đất, bà mẹ già tội nghiệp của chúng ta đã chết vì chúng ta, những đứa con nguy hiểm và hư hỏng vô phương cứu chữa của bà thì còn nói tới làm gì chuyện sống hay chết của một cá nhân tôi. Tôi nghĩ vậy đó. Và không ít người nghĩ giống tôi, như quý vị đều biết. Tôi chân thành ngưỡng mộ họ. Chết cùng Trái đất, xét cho cùng, không phải là một kết cục không đáng cho ta chọn. Thế nhưng mà rốt cuộc tôi vẫn không tự sát cũng chẳng quyết ở lại Trái đất mà lại đang ngồi đây đợi tàu con thoi cùng với quý vị, hóa ra là tôi vẫn có thể kém cỏi đến thế. Và khi tôi nói vậy xin quý vị đừng nghĩ tôi đang có ý bảo quý vị là kém cỏi. Tôi chỉ đang nói rằng tôi kém cỏi, kém cỏi so với lựa chọn của tâm hồn tôi.

Cho nên nếu như lúc nào đó quý vị có cảm giác rằng tôi đang nói năng như một kẻ không còn thiết tha gì đến bản thân mình hay thậm chí không còn thiết tha bất cứ cái gì thì cảm giác của quý vị đúng đấy. Tôi chán ngán chính mình vì không có khả năng xóa bỏ chính mình, quý vị có thể nói vậy. Và quý vị cũng có thể từ đó đặt câu hỏi, có phải tôi cũng chán ngán loài người bởi loài người không có khả năng xóa bỏ chính mình. Tôi không nói vậy, đặt câu hỏi ấy là việc của quý vị. Có chăng là tôi nói thế này. Tôi cho rằng thật xấu xí thay một giống loài luôn luôn có thừa những phương tiện hủy diệt và sự sẵn sàng hủy diệt còn phương tiện cứu giúp thì ít hơn nhiều và sự sẵn sàng cứu giúp lại còn ít hơn nữa. Và thậm chí ngay cả việc nói cái câu vừa rồi tôi cũng chẳng còn chút nhiệt hứng, chẳng còn tí hào hứng nào để nói… hẳn quý vị cũng đã có thể nhận ra, như tôi vừa nhận ra, rằng tôi nói câu ấy một cách uể oải chán chường vô sinh khí đến thế nào và lại càng như thế khi tôi nhận ra với một nỗi mệt mỏi vô tận rằng rốt cuộc một lần nữa tôi lại cảm thấy cần phải nói ra câu ấy, một câu mà tôi biết chắc không ai muốn nghe và bản thân tôi không muốn nghe nhất là khi nó một lần nữa lại tuôn ra từ miệng tôi. Và tôi biết tôi cần phải xin lỗi quý vị vì đã buộc quý vị phải nghe tất cả những lời này, sự thực là tôi không còn hoàn toàn kiểm soát được lời của tôi nữa và chuyện đó cũng không còn làm tôi bận tâm, trong khi thời gian nói dành cho tôi vẫn còn theo luật chơi của chúng ta, luật chơi của quý vị. Cuộc chơi này của chúng ta thật đáng nguyền rủa tuy cũng đáng ngưỡng mộ, nó buộc tôi phải nói dù tôi muốn nói hay không. Tôi muốn nói hay không không quan trọng, tôi vẫn nói: tôi vẫn cứ làm cho dù việc tôi làm trái với ý muốn của tôi, tức là tôi hành động ngoài ý chí tự do của tôi, vậy thì tôi là một thứ chả ra gì, nhưng điều đó chả quan trọng, không còn quan trọng nữa kể từ khi tôi không chết hoặc không quyết chết mà lại ở đây cùng quý vị, làm tất cả những gì có thể để mình tiếp tục sống trong khi Trái đất Mẹ chết.

Mà sao chúng ta lại phải chờ lâu đến thế hở quý vị? Đáng lẽ chúng ta phải bay khỏi đây từ lâu lắm rồi mới phải chớ. Chúng ta đâu phải là cái loại hạ lưu hay ít nhất là kém may mắn để luôn luôn phải đứng sau, luôn luôn phải chờ đến phút cuối cùng mới có thể biết chắc về số phận mình. Ít nhất đó là một điều mà chúng ta có chung, tôi không lầm về điều đó phải không. Có gì không ổn chăng? Có gì đó khuất tất ám muội đang diễn ra trong bóng tối hay không nhất thiết trong bóng tối song ngoài tầm mắt chúng ta chăng? Liệu có thể nào các trạm vũ trụ lẽ ra phải tiếp nhận chúng ta thật ra là hiện không còn khả năng tiếp nhận chúng ta đơn giản vì chúng đã quá tải, sức chứa của chúng dù gì thì cũng có hạn, điều đó ai cũng biết, trong khi ai mà biết được đã có bao nhiêu người tới đó trước chúng ta rồi, những kẻ còn thượng lưu hơn hay may mắn hơn hay tài khéo hơn hay quỷ quyệt hơn chúng ta, và hiện giờ sự thực là người ta đang lâm vào thế kẹt, hoàn toàn nan giải, không biết làm gì với chúng ta? Có khi nào đầu các vị nảy ra ý nghĩ đó không? Làm sao tin những gì họ nói với chúng ta, họ nói là để cho ta bớt lo lắng bớt sốt ruột bởi vì ta không quá lo lắng quá sốt ruột thì có lợi cho họ hơn là cho chúng ta. Và quý vị hẳn cũng biết họ thừa khả năng không cho chúng ta tự mình biết những gì chúng ta muốn biết, ai còn lạ gì họ, hệ thống là nằm trong tay họ mà. Đương nhiên tôi không có bằng chứng cho điều nghi hoặc của tôi, song trực giác tôi nói rằng tôi không lầm. Mặc dù tôi rất muốn mình lầm. Tôi cũng muốn nhanh nhanh thoát khỏi nơi này, thoát khỏi cái tình cảnh chờ đợi đến phát điên được này, thoát khỏi và vẫn sống, tôi cũng muốn thế chẳng khác quý vị. Mặc dù nói thật tôi không còn thấy mình có lý do gì để tiếp tục sống nữa, đến cái độ mà, quý vị thấy rồi đó, thậm chí tôi cũng chẳng buồn bận tâm đến chuyện liệu tôi có bị ràng buộc bởi một thứ nghĩa vụ như là nghĩa vụ của người kể chuyện nữa hay không. Nghĩa vụ làm một con người tôi chưa làm cho tròn nổi thì còn nói đến cái nghĩa vụ người kể chuyện nọ kia làm gì nữa cơ chứ. Vâng vâng, tôi biết, lẽ ra tôi đã phải ngậm miệng rồi, ngậm miệng đi là tốt nhất, nhưng mặt khác tôi biết tôi vẫn còn thời gian, giờ phút mà từ đó trở đi tôi không còn có quyền nói, nó vẫn chưa điểm. Tôi biết rằng lúc này nhiều người trong quý vị đang nghĩ về tôi như một thứ chả ra gì, song vậy cũng đâu có sao một khi tôi đã nghĩ về chính tôi như về một thứ chả ra gì. Dù thế nào đi nữa tôi cũng xin và cầu cho quý vị hãy nhanh chóng quên đi tất cả những gì tôi đã nói mà quý vị muốn quên, không muốn nghe, hãy đừng để những lời này của tôi đầu độc quý vị như một thứ nọc hiểm, được vậy thì tốt cho quý vị và tôi thì xét cho cùng cũng không mong gì khác ngoài điều tốt cho quý vị dù thật ra trong thâm tâm tôi thích thế hay không. Và dù thế nào tôi vẫn chân thành hy vọng rằng với một số người trong quý vị, dù chỉ là số cực ít, những gì tôi kể nãy giờ ít nhất cũng phần nào làm được cái việc “mua vui cũng được một vài trống canh” như một nhà thơ của nước tôi đã viết mặc dù một vài trống canh hay một vài giờ có thể là quá ngắn hoặc quá dài tùy tâm trạng của con người.

Giờ thì xin hãy để tôi làm nốt việc cuối cùng mà tôi có quyền làm mà cũng không thể không làm trong khi thời gian dành cho tôi vẫn còn. Tôi hãy còn chưa chỉ định người sẽ nói sau tôi mà. (Quý vị thấy, tôi khá là hiểu luật chơi của chúng ta đó chớ). Ai sẽ nói sau tôi? Giờ nếu tôi nói rằng tôi chưa ngầm chọn sẵn người sẽ nói sau tôi thì đấy là tôi nói dối. Tôi đã chọn người đó xong từ khá sớm, dù có thể không phải ngay từ những phút đầu tiên. Vâng, tôi sẽ nói ngay. Người ngồi ở hàng thứ bảy bên tay trái tôi, trong góc, mặc áo len đan màu hồng phù sa. Phải, là chị đó. Tôi đã để ý đến chị từ lâu, không phải chỉ từ đầu buổi ngày hôm nay. Vì sao tôi để ý đến chị? Chị không đẹp (xin lỗi nếu có ai trong quý vị cho rằng đó là một điều không nên nói ra), song nhìn mắt chị tôi biết ở bên trong chị là một tấm lòng vàng. Người như chị, khác với tôi, có lý do chính đáng để sống sau khi Mẹ của chúng ta đã chết. Mặc dù nỗi đau riêng của chị lớn hơn của tôi, những người như chúng ta có thể nhận ra điều đó ở nhau mà không cần đến lời. Cuộc đời dẫu đã cho chị vào máy giã máy nhồi máy vắt hàng bao nhiêu lần, vẫn không thể khiến chị hoàn toàn dập nát nhàu nhĩ queo quắt cho được. Nỗi đau cho cả thế giới, cho giống người, nó đè lên chị song mặt chị vẫn còn nét dịu dàng kia, nó thầm lặng cho thấy cái gì là thực sự lớn nhất. Tôi chân thành ngưỡng mộ chị. Chị sẽ nói gì với chúng tôi? Mặc dù chưa hề nghe chị nói, nhưng tôi đã có thể cảm thấy trước rằng ngay trong phút đầu tiên chị nói lông trên hai cánh tay tôi sẽ dựng lên, tuy rằng rất có thể tôi lầm. Chị sẽ nói về gì với chúng tôi? Về Trái đất, bà mẹ già đang chết của chúng ta, hay về chúng ta, loài người chúng ta? Chị có sẽ nói về một loài người mà chị vừa căm giận vừa yêu thương không? Chị có thấy mệt mỏi nếu lại phải nói về con người không? Tôi nhớ có một bài hát cổ của một dân tộc Trung Á trong đó có một câu mà tôi không thể quên: “Làm sao thế giới này lại có thể chứa nhiều kẻ tội lỗi đến như vậy?”. Bản thân tôi chắc chắn sẽ vô cùng mệt mỏi, mệt mỏi tận trong máu nếu một lần nữa lại phải nghe đến từ tội lỗi (người ta nhắc đến từ đó và cả tôi nhắc đến từ đó hàng triệu lần rồi, thôi xin đủ), nghe kể về tội lỗi, về tội lỗi cho dù của chung chúng ta hay không phải của chung chúng ta. Dù chỉ một lần này thôi, tôi muốn nghe từ chị, một người như chị, một câu chuyện không phải về những con người tội lỗi mà về những con người, về con người.

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.