Tết ta ở trời Tây

Như Quỳnh de Prell

Đầu tiên, xin kể chuyện đi chợ Tết. Chợ Tết Tây bắt đầu từ cuối tháng 11, rục rịch với chợ Noel ở trung tâm các thành phố. Chợ Noel kéo dài cho đến  tầm 5.1 của năm mới. Chợ Noel đa phần là đồ trang trí truyền thống dành cho Noel, đồ ăn và các đồ chơi trẻ em, thông Noel… Chợ Noel như chợ Tết ở nhà ta, không thiếu một thứ gì, luôn có đặc sản, các đồ ăn mà chỉ có Tết mới có. Bố mẹ chồng tôi luôn chuẩn bị một cây thông to, cao khoảng 4m từ trước Noel tầm 10 ngày, sau đó sẽ giữ cho đến tầm giữa hoặc cuối tháng 1.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Các mặt hàng Tết ở chợ và siêu thị ở Bruxelles.

Ngày trang trí thông luôn là một ngày vui của gia đình. Từ lúc con trai tôi 2 tuổi, chúng tôi luôn mua một cây thông tầm 2m vừa xinh với căn hộ nhỏ, bọn trẻ vô cùng háo hức việc trang trí và mong chờ Noel đến gần. 2 năm nay, không mua thông ở các hội chợ mà chúng tôi đến tận một trang trại có địa chỉ tin cậy ở thủ đô để tìm thông cho vừa ý. Thì ra cũng có vài loại khác nhau như thông Nordmann khá cứng cáp giá tầm 50 euro/cây trở lên, thông Epicés truyền thống, mùi thơm tự nhiên thì giá rẻ hơn mà cũng đẹp, nhà tôi chọn loại này. Hoa trạng nguyên màu đỏ trong những chậu nhỏ được gọi là hoa hồng của giáng sinh và các hoa màu trắng như hoa bông, hoa loa kèn, hoa baby…  được bày bán khá nhiều để mọi người mua về để bên cửa sổ.

Nếu bạn lần đầu đi chợ mua thông và trang trí giáng sinh thì chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp trước mùi thơm của thông tự nhiên, sắc màu đỏ rực, trắng và xanh xen lẫn của các đồ trang trí cho thông và nhà cửa… Bruxells năm nào, còn có cả trượt băng nghệ thuật trước nhà hát hoàng gia dành cho đông đảo các bạn trẻ và mọi người tham gia dù tuyết chưa rơi nhiều như mọi năm.

Thời điểm này, các siêu thị cũng bắt đầu chiến dịch khuyến mãi, mua hai tặng một, hoặc giảm giá các mặt hàng. Quà Noel, quà Tết năm mới đầy đủ như ở Việt Nam. Các giỏ quà bao gồm rượu, bia hoặc bánh kẹo, đồ ăn, đồ nấu nướng dành cho các bà, các mẹ, và các quà tặng. Các tờ rơi quảng cáo và cả những thực đơn chi tiết cho các bà nội trợ vào các ngày cuối năm thường đông đủ mọi người trong gia đình. Ở các siêu thị của Bỉ, thời gian này họ có hẳn một gian hàng trái cây nhiệt đới, nào vải, bưởi, khế, đu đủ, quất… và các món đặc sản như miến, nem, các kiểu nồi nấu lẩu, xào nấu theo kiểu Á châu phục vụ cho mọi đối tượng.

clip_image008

clip_image010clip_image012

Hoa mận Bruxelles gợi nhớ hoa đào ở Hà Nội…  

Đi chợ Tết Tây vô cùng tốn kém. Các món đặc sản như cá hồi tươi, tôm hùm, cua gạch, pate ngỗng, món đặc sản không thể thiếu vào mùa lễ lạt thường được tung ra thời gian này, phục vụ các buổi tiệc gia đình, tụ họp bạn bè cuối năm. Đi chợ Tết cũng tay xách nách mang, nhiều thứ lắm, vì thế chi tiêu cũng tăng nhiều hơn bình thường.

Ăn Tết ở Tây cũng trang trọng vô cùng với các món ngon vật lạ chỉ có trong ngày Tết, vì thế việc đi chợ cũng được chuẩn bị kỹ càng lắm. Ví dụ như tối 24 Noel, ăn tối đặc biệt hơn mọi ngày hay ngày 25 đầy đủ mọi người trong gia đình sẽ ăn những thứ ngon nhất như cá hồi hay tôm hùm, dùng bộ bát đĩa truyền thống đẹp nhất và quý giá như bộ thìa nĩa bằng bạc…

Mẹ chồng tôi chuẩn bị các món ăn cho ngày này có khi phải từ hai, ba ngày trước cho kịp. Vào ngày đón năm mới, buổi tối cuối cùng cả nhà ăn tối trang trọng và sau đó bố mẹ nhảy vài điệu nhạc cổ điển. Có gia đình thì ra ngoài xem pháo hoa… Gia đình các bên phân chia ngày phù hợp để gặp gỡ nhau đầy đủ. Ví dụ như bên nhà bà ngoại gia đình chồng tôi ở đây, họ luôn chuẩn bị ngày gặp nhau trước 24.12 để các ngày chính thức mọi người ở nhà riêng tổ chức cùng gia đình. Bà ngoại của chúng tôi bên này thường gửi tiền như mừng tuổi cho tất cả các cháu trong gia đình, nhà tôi có 2 đứa trẻ nên bà gửi mừng tuổi thêm cho cả 2 chắt. Không khí vô cùng thân mật và ấm áp. 

clip_image014

Với sự hội nhập và toàn cầu hoá, các thực phẩm từ châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Nhật Bản, Hàn Quốc… rất phổ biến. Các siêu thị ở Bỉ đều có góc riêng dành cho thực phẩm châu Á, không thiếu gì từ chai nước mắm đến các loại rau thơm như húng, mùi, hay khoai lang và gừng thì có quanh năm, chanh xanh không bao giờ thiếu…

Năm nay, tôi mới phát hiện ra, ngay tại quầy đồ nguội ở siêu thị gần nhà tôi hay đi, có giò lụa, thịt đông, chân giò nấu đông. Thế là Tết năm nay vào dịp tháng 1, tôi chỉ lo việc đặt bánh chưng thôi. Năm ngoái tôi đặt giò của một người bạn Việt Nam.

Ở ngay Brussels có một chợ cổ hình thành từ thế kỷ 19 có tên Abartoi, bán đầy đủ các rau củ, trái cây từ khắp nơi trên thế giới. Cá chép, cua rạm, cá vược, rô, diếc… đầy khắp ở chợ. Khi đến đây, bạn không thiếu một thứ gì, thậm chí bạn mua các rau thơm như húng, mùi ngò gai, tía tô; lá chuối để gói bánh, lá dong… các loại tươi ngon nhất từ những người làm vườn chuyên nghiệp của Bỉ. Chợ họp cả ngoài trời và trong nhà vào các thứ 6, 7 và Chủ nhật hàng tuần. Vậy nên quanh năm chúng tôi ăn đồ ăn Việt Nam như ở quê nhà. Ở nơi tôi sống, vào dịp Tết ta – hay còn gọi là Tết châu Á, ở siêu thị châu Á  cũng bày bán các đặc sản từ trái cây đến các đồ ăn truyền thống như nem, các loại bún, phở đóng gói hay lá chuối, lá dong để làm bánh. Năm nào, dịp Tết ta, Tổng hội người Việt tại Bỉ cũng tổ chức gặp gỡ rất đông vui, bao gồm hội chợ nhỏ bán các đồ ăn Việt Nam và biểu diễn nghệ thuật có các nghệ sĩ từ Việt Nam sang, múa lân. Chồng và con trai tôi rất thích các tiết mục này. Năm nay, chúng tôi đã có kế hoạch mời bố mẹ chồng đi ăn Tết Việt cùng gia đình nhỏ. Tết Việt ở đại sứ quán, rồi hội sinh viên người Việt và các nhóm khác nhau tổ chức rất rầm rộ.

Tết Việt ở đây đầy màu sắc và lặng lẽ theo những thói quen riêng của mỗi gia đình, như chúng tôi đón Tết một cách giản dị mà không thiếu không khí Tết. Có facebook, internet nên mọi hoạt động trực tuyến những ngày này luôn ở mức độ cao nhất của những chia sẻ và cập nhật. Bởi thế, dù không ở quê nhà đón Tết cùng bố mẹ và gia đình thì chúng tôi cũng không thở dài, không ngóng vọng, buồn bã. Sự dịch chuyển không gian không thay đổi hay đánh mất đi những gíá trị đã tồn tại, nó được chia sẻ và lan toả theo những cách tiếp cận khác nhau và tràn đầy cảm hứng. 

Comments are closed.