Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 57): Miêng

MiêngMiêng là người cầm bút từ trước năm 1975, đã đoạt giải nhất truyện ngắn do tuần báo “Hoa tình thương” tổ chức năm 1972, và tập truyện ngắn đầu tiên “Đôi mắt” được xuất bản ở Sài Gòn năm 1973. Năm 1999, ở Pháp, Miêng cho ra mắt một Tuyển tập truyện ngắn.

Ngoài việc sáng tác, Miêng còn có một sở thích khác: dịch thuật, và đã có một Tuyển tập truyện dịch xuất bản năm 2001, gồm những tác giả nổi tiếng thuộc Á Châu: Hwang Sun-Won, Shiga Naoya; Phi châu: Naoum Nabil; Mỹ châu: O’ Henry, Fernando Ainsa; Âu châu: Tchekhov, Alberto Moravia, Milan Kundera, Jim Phelan.

(theo https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/2016/)

Mấy đoạn tự bạch & dư luận về tác phẩm

Hỏi:  Tại sao chị chọn viết văn thay vì làm thơ? Sự thành công đã mang lại gì cho bản thân chị?

Trả lời:  Về quan hệ văn-thơ, chúng tôi có người bạn đã lập thuyết rằng người ta viết văn vì không làm thơ được. Không biết điều đó có đúng cho mọi người không, và đúng tới mức nào. Riêng tôi thì có thử làm thơ nhưng không hài lòng, rồi bỏ luôn, và không tha thiết trau dồi thể loại này. Có lẽ vì tôi vẫn bị lôi cuốn bởi nghệ thuật kể chuyện hơn là dũa mài ngôn ngữ. Còn sự thành công? Nếu có, nó đã mở đường dẫn đến cho tôi những người bạn mới. Tôi rất trân trọng điều này bởi vì hình như sống nơi xứ người, tình bạn có hệ số gấp đôi. Và cùng lúc, nó cũng mở cửa tâm hồn bạn bè qua những câu hỏi họ đặt ra từ những truyện tôi viết, giúp chúng tôi hiểu nhau và gần gũi nhau hơn. Về những sáng tác của mình, nói hãnh diện thì hơi quá, nhưng tôi có hài lòng. Khi viết, trước hết là viết cho mình, không bao giờ tôi đặt câu hỏi viết làm gì, viết cho ai. Viết ra, có người đọc, có người chia sẻ, “mua vui cũng được một vài trống canh” là thấy mình cũng đã mang lại chút đỉnh gì cho đời sống hàng ngày rồi. Ở đây, nếu thích phóng đại thì có thể nói rằng mỗi một ngón đàn, cây cọ, cây bút… đều như một bông hoa hương sắc khác nhau, tất cả tạo nên vườn hoa cho mọi người thưởng ngoạn trong phút giây nhàn hạ. Mà vườn hoa có phong phú thì mới mong tìm ra vài loại kỳ hoa dị thảo. Tôi rất mong mỏi điều này cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại, không chỉ thu hẹp trong lãnh vực văn chương nghệ thuật, mà nói chung trong mọi lãnh vực.

Hỏi: Truyện ngắn “Ai Thương” đã lột trần tình yêu với một giọng văn đau đớn nhưng trong trầm tĩnh. Chị nghĩ thế nào về tình yêu? Về sự phản bội trong tình yêu? Về sự thất vọng trong tình yêu mà nhân vật chính phải chuyển hướng tình cảm qua người đồng phái tính?

Trả lời: Tôi không có khuynh hướng lập thuyết và rất sợ lập thuyết, bởi vì tất cả các lý thuyết đều có giới hạn, đều đơn giản hoá cuộc đời nhiều lắm. Không ai chối cãi là tình yêu, nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, đều rất quan trọng; đối với một số người, tình yêu nghĩa hẹp lại còn quan trọng tới nỗi nó chi phối, đưa đẩy và quyết định hết thảy mọi điều. Dầu vậy không phải hoàn cảnh nào cũng giống hoàn cảnh nào, và mỗi người có cách ứng xử khác nhau. Ví dụ khi thất tình, người có thể đi tu, người có thể tự tử, người có thể hận đời đến nỗi trả thù lên bất kỳ một người nào khác. Ngược lại, cũng có người bản lĩnh hơn,… “điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười”. Truyện ngắn Ai Thương, tôi chỉ muốn diễn tả một cô gái không quyết đoán, cứ để cuộc đời đẩy đưa bằng những bước tình cờ. Cô “theo” người đàn ông thứ nhất vượt biên, cô “gặp” người đàn ông thứ nhì bảnh trai, mắt ướt môi mọng, cô “bẽn lẽn” với người đàn bà và làm theo lời ngoại dặn: “Ai nói thương thì theo nó đi, đừng hòng ai mang trầu rượu…”. Tôi không hề tỏ ý rằng vì bị bỏ rơi mà cô phải chuyển hướng tình cảm qua người đồng phái tính, cũng không cản đường nếu lúc đó cô gặp và yêu một người đàn ông khác. Tôi nghĩ là không có quy luật, mà chỉ có những trường hợp cá biệt thôi.

* * *

Tôi chưa bao giờ tự cảm thấy mình là một “nhà văn”, mà chỉ là một người “kể chuyện” thôi. Cho nên nhà văn thiệt thì không biết họ viết thế nào, về phần tôi thì muốn viết cứ ngồi vào máy, không suy tính phải “cẩn thận, chừng mực” gì cả. Nếu tôi được tiếng ‘cẩn thận chừng mực’thì chắc tại tôi không quen viết dông dài.

Mỗi lần ngồi xuống để viết – và nhất là viết ra được cái gì – là một thú vị vô biên! Nhà tôi là độc giả đầu tiên. Mỗi lần viết xong, tôi nhờ nhà tôi in ra đọc và phê bình. Có khi viết xong mà không biết đặt tên gì, lại nhờ nhà tôi đặt giùm, và khi nghe phán “truyện được” thì tôi thấy yên tâm, vì “nhân vật” này thuộc loại “khó chịu”, nếu phán ‘được’ thì mừng như ngày xưa nhận “imprimatur”! Và ít nhất trong số độc giả chê cũng sẽ bớt đi một mạng !

…Tôi vẫn thường nói văn tôi già và nhà quê, nên ai cũng thấy “bánh quả bàng”chớ không phải bánh sâm banh. Xin cảm ơn qúy anh đã khen tôi “tài tình”. Còn về “bí quyết” thì tôi “không làm văn”, tôi cứ viết giản dị, nghĩ sao viết vậy, như nói, mà dĩ nhiên không cà lăm cà lặp. Tôi không cố ý trau chuốt. Tôi nghĩ truyện ngắn thì phải có vẻ như thật, phải rõ ràng và ngắn gọn.

“Nhà văn có thể vừa là bà tiên mà cũng vừa là phù thủy được không? bởi vì mới ở dòng đầu họ viết thật ngọt ngào, thật gắn bó yêu thương, nhưng ngay những dòng kế đó thì họ lại viết thật phũ phàng cay đăng ?” (Triều Hoa Đại)

Nếu đúng là “nhà văn” thì tôi nghĩ chắc được. Một diễn viên giỏi là người thủ được nhiều vai, và vai nào cũng xuất sắc. Nhưng “nhà văn” kiểu đó thì là nhà-văn-nhà-nghề rồi. Trong khi chỉ là “người viết” hay “nhà văn nghiệp dư”, để tình cảm dẫn dắt thì tôi vẫn tin “văn là người”, ít nhiều gì nó cũng phản ánh tâm hồn mình trong cách viết.

Ngày nay chẳng thiếu gì tác giả vẫn cho rằng tiểu thuyết chính nó là một quái vật trong văn chương nếu người ta không rút tiả được cái gì cho cuộc sống…, kiểu ‘văn dĩ tải đạo’ bên mình thuở xưa. Trong Cái Giếng tôi muốn nói một sự thực là nhiều người ngay cứ thường bị rủi ro bất hạnh, không hẳn cứ ở hiền là gặp lành. Nếu Cái Giếng làm độc giả thấy được điều đó thì tôi cho là mình thành công rồi !

TRIỀU HOA ĐẠI  thực hiện

***

TRÁI TIM CỦA MIÊNG

VÀ NỖI BẤT HẠNH

CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Ðến với Miêng, người đọc bắt gặp ngay cái tâm bão của bà: dựng lại những bất hạnh của người phụ nữ trươc dông cuồng của thời cuộc, trước sóng gió của lòng người. Tại sao không là hạnh phúc, mà lại là những nỗi bất hạnh, những bi kịch lớn? Bước vào từng truyện ngắn, người đọc sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình.

Ðã có nhiều chục ngàn trang sách để viết về phái nam trong thời chiến, sau cuộc chiến, và trên xứ người. Số trang sách dành cho những người phụ nữ cùng thời, quả có hiếm, nếu không muốn nói là quá ít ỏi. Thiếu bình đẳng chăng? Thật ra không phải thế. Có lẽ những gì mà người đàn ông trải qua, thường dễ nhận biết. Còn ở người phụ nữ, nỗi đau dai dẳng không kém nhưng âm thầm hơn. Vết thương của họ cũng sưng tấy lên với đổi dời của thời cuộc, với bi đát của quê hương. Bản tính của người phụ nữ là chịu đựng, nên cái đau của họ ít lộ ra bên ngoài. Nhưng cũng có lẽ, đi sâu vào tâm lý người phụ nữ, chạm với niềm thống khổ tận cùng của họ, đòi hỏi một sự kiên nhẫn và một cảm thông lớn, rất lớn. Vì vậy không có nhiều tác phẩm viết về cái “đau” của họ. Chưa bao giờ có một tập hợp nhiều mảnh đời khác nhau, mà mỗi mảnh đời là một bi kịch, một bất hạnh lớn, như ở Miêng. Bà không những chỉ chụp lại những bức tranh thời thế, mà bà đã thổi vào đó những hơi thở ấm của cuộc đời, trái tim bà cùng đập những nhịp chậm, nhanh ở những giây phút bình thường hay căng thẳng cùng nhân vật, vì thế đã tạo nên những truyện ngắn đầy sức sống. Qua những truyện ngắn của bà, ngoài một tấm lòng, người đọc còn thấy ánh lên những nét tài hoa. Chân dung của những bà cụ, những người mẹ già, hiện đều và rất rõ nét trong truyện của Miêng. Mà tại sao lại phải kể chuyện về các cụ? Tôi nghĩ, đó cũng chính là câu hỏi đã chất vấn và thôi thúc Miêng trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Có thể đã lặp đi, lặp lại nhiều lần. Theo vòng quay của một đời người: sinh-lão-bệnh-tử, thì các cụ đã bước vào giai đoạn: lão, bệnh. Và dĩ nhiên, chuyện gần đất xa trời chỉ là chuyện phải đến, và có thể đến bất cứ lúc nào. Hình ảnh hôm nay của các cụ cũng là hình ảnh của chúng ta trong những năm dài sắp đến. Ðó chính là những tấm gương, sống thực nhất, rõ ràng nhất của cuộc đời. Mà cuộc đời vốn đa dạng, nên hình ảnh các cụ đã được Miêng vẽ lại dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Mỗi bức chân dung chứa đựng những ưu tư, những dằn vặt, những ám ảnh, những dồn nén, những cô đơn, những dông tố, v.v., và tất cả những điều vừa nói, đã gom lại làm thành những cơn sóng dữ, phủ lên cuộc đời của họ. Rồi các cụ, lan rộng sang những người phụ nữ trẻ, từ trong nước, ra đến từng ngóc ngách bên ngoài hình cong chữ S. Ở bất cứ một nơi nào, người đọc cũng bắt gặp những nỗi bất hạnh nghiệt ngã của họ.

Người phụ nữ không chỉ đối diện với những con sóng bạc đầu của lịch sử, mà họ còn phải chịu đựng những nghịch cảnh bắt nguồn từ những tập quán lâu đời của xã hội. Rõ ràng nhất và sống động nhất là hình ảnh của chị Thảo trong truyện ngắn Hiếu Thảo. Ở đây, khi bậc cha mẹ quyết định hết mọi thứ cho con cái, điều vẫn thấy trong gia đình người Á đông, dù rằng con cái đã trưởng thành, đã tạo ra những bi kịch lớn cho con mình. Khi con cái không thể quyết định theo ý mình, kết quả là họ chỉ như một chiếc bóng đeo đuổi bên cạnh thế hệ trước. Ðời họ tiếp nối từ sự lỡ làng này đến những mất mát nọ. Như chị Thảo trong truyện, khi ở tuổi yêu đương thì cha mẹ từ chối lời cầu hôn của người yêu vì không môn đăng hộ đối. Khi bước vào lớp tuổi “lỡ cỡ”, cha mẹ lại một lần nữa tự quyết định lấy cho chị “Mày muốn thì cứ đi, chứ sống nhờ vào rể là tao không đi”. Khi đến đường cùng thì “Bây giờ nếu có thằng nào muốn dẫn con Thảo đi ngoại quốc, tao cũng cho đi. Người Miên cũng được” (trang 104). Cuộc đời đâu phải ai cũng ngồi đó mà chờ đợi chị Thảo. Vì thế, chị với mẹ mình như hình với bóng. Khi bà cụ mất đi, đời chị không còn gì nữa, con người hoá điên rồ. “Chị Thảo chà xát phiến đá trên mộ mẹ với tất cả sức lực của chị. Chị chà với vẻ khẩn trương, miệng lẩm bẩm người ta bảo chà khô mới bóng, người ta bảo chà khô mới bóng. Chị có hình ảnh của người đang lên đồng. Mặt võ vàng, buồn rười rượi, mắt ráo hoảnh khô cứng trước cái nhìn lúc nào cũng ngơ ngác vô định, nhưng miệng luôn luôn mấp máy nói chuyện với ai. Trông chị như miếng giẻ khô nhúng nước” (trang 101).

Ðây là một bi kịch lớn của người Á đông, và nhất là người Việt Nam.

Nhìn qua lăng kính cuộc đời, trước hết, Miêng sống và thở với nhân vật của bà trong những giai đoạn khắc nghiệt của đất nước. Giữa những gọng kìm lịch sử, họ là những người kém may mắn để phải đối đầu với bão dông. Bão dông không chỉ ở thời cuộc, mà còn nằm trong lòng người. Khi bão dông gây ra bởi những người cùng một màu da, thì sức kinh phá của nó khó mà tưởng tượng nổi. Hậu quả của nó là những vết sẹo ngàn đời trong tâm khảm của những người phụ nữ Việt Nam.

Thứ đến, Miêng không chỉ dựng nên bi kịch, bà còn đưa ra một thách đố lớn: làm sao giải quyết được những tồn đọng ngàn năm, những lớp rễ xơ cứng đã dính chặt vào ý nghĩ của người Việt chúng ta. Dù rằng bà không viết ra từng lời, từng chữ rạch ròi như vậy, nhưng người đọc vẫn thấy được điều này nằm giữa những dòng chữ của bà. Dĩ nhiên, mỗi người có một cách đối diện và giải quyết khác nhau, còn nhà văn, mục đích duy nhất của họ là gợi lại, mở ra những thách đố này cho cuộc đời, cho mỗi người đọc. Thách đố này không phải chỉ cho một thế hệ, mà cho nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Nhìn qua lăng kính nghệ thuật, Miêng là một tác phẩm đẹp, rất đẹp.

Ở những truyện thật ngắn, Miêng dựng nên những cốt truyện đơn giản nhưng kết thúc bất ngờ. Nỗi bất ngờ kéo người đọc trở về với thực tại. Sống với thực tại, chứ không ngủ mê trong tiểu thuyết. Bởi cuộc đời luôn là một chuỗi thay đổi bất ngờ. Chính vì thế, không dễ dàng đoán được suy nghĩ, tâm trạng, hay hành động của người chung quanh, có khi là người thân quen của mình. Ở kết cục bất ngờ, truyện ngắn như đẩy một cánh cửa, mở ra một chiều hướng khác, tạo nên những bầu không khí mới, khắc một dấu ấn đáng nhớ trong lòng độc giả.

Ở truyện ngắn Ai Thương, dấu chấm hết hạ xuống đã kéo theo sự ngạc nhiên mang không khí vui vui, thì ngược lại ở truyện Biển, kết cuộc đầy cảm động. Ðiều bất ngờ là người đàn ông trút hơi thở trong tay một người đàn bà xa lạ, mà trong cơn đồng thiếp ông cứ tưởng là vợ mình. Ở truyện Trăng Trối, cái so le của cuộc đời, tạo nên sự trộn lẫn vừa cay đắng bờ môi, vừa cười ra nước mắt.

Miêng sắp xếp bất ngờ trong một hoàn cảnh không thể ngờ được một cách hoàn hảo. Ôi, cay đắng của cuộc đời.

Một truyện thật ngắn, chứa hết những tấm lòng, mang đủ những ước mơ, sống lại những hạnh phúc. Nhiều ý tưởng được cài đặt khéo léo. Nếu không là một dày dạn từng trải, một tinh tế và cảm thông, một góp nhặt và đãi lọc, chắc chắn không bao giờ dựng được.

Dù là bi kịch nhỏ trong đơn vị gia đình hay bi kịch lớn bên ngoài xã hội, Miêng đều đi đến gần như tận cùng những đổ vỡ, đau thương. Ðằng sau những bi kịch đớn đau, cuối đường những bất hạnh nghiệt ngã, bà muốn gõ cánh cửa bình an và mở ra những niềm hạnh phúc. Bởi bất hạnh càng lớn, niềm hạnh phúc mới được nhận chân càng rõ. Khổ đau có trùng trùng, niềm an lạc mới thực sự được nghiệm ra trong đời sống thường nhật. Và những người đang tận hưởng những an lạc, những hạnh phúc này, chính là chúng ta: những độc giả của bà.

ÐOÀN NHÃ VĂN

12/1999.

Ý KIẾN VỀ MIÊNG

Cuốn truyện khá hay. Tac giả khá lão luyện trong kỹ thuật dựng truyện, sắp xếp tình tiết, xây dựng nhân vật, và vẽ ra một bối cảnh rộng lớn của kiếp nhân sinh. Hai mươi một truyện ngắn trong tuyển tập này như một bản hùng ca vừa bi tráng vừa ai oán, vừa thiết tha, mà khi gấp cuốn sách lại, âm hưởng của nó vẫn vang vọng trong lòng người đọc.

Miêng viết cẩn thận. Mỗi câu chuyện đều được bắt đầu và kết thúc trong chừng mực, vừa đủ. Tác giả không giải thích lê thê cũng như không bí hiểm trong cách dùng chữ đặt câu. Và điểm mà tôi thích nhất trong toàn bộ tuyển tập của Miêng là cái nhìn vừa trang trọng và vừa giễu cợt của tác giả trước một vấn đề, một sự kiện, hoặc bất cứ một nhân vật nào. Và hình như tác giả cũng không ngần ngại khi đưa ra những chủ đề có tính taboo dàối với người Việt chúng ta như đồng tình luyến ái và loạn luân. Mà thật ra, đấy là những vấn đề đã tồn tại và sẽ còn tồn tại mãi trong kiếp con người.

Ngoại trừ một số ít truyện có chút vui nhộn, hầu hết không khí trong tuyển tập này bao trùm một màu đen tang tóc, buồn thảm. Cái chết và nỗi điên loạn như luôn luôn ám ảnh những nhân vật của Miêng. Và cho dù nhân vật đã chết, số phận vẫn chưa buông tha những người còn sống sót. Bà mẹ trong “Hy Sinh”, nhân vật chính trong “Lạc”, và chị Thảo trong “Hiếu Thảo” là ba nhân vật phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp của những nhân vật đã chết. Mỗi người một vẻ. Nhưng rút cuộc, chính cái chết này mới bắt đầu nói lên ý nghĩa (hoặc vô nghĩa) của cuộc sống những người còn lại.

Ðọc Miêng, tôi còn có cảm tưởng tác giả như muốn chứng minh một điều gì không thể chứng minh được. Người con trai trong “Hiếu Thảo” muốn giêt Mẹ để chứng minh rằng chị Thảo sẽ bớt khổ hơn nếu Mẹ chết. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược. Mẹ chết đã để lại trong chị Thảo một nỗi trống vắng thênh thang. Và cũng vì mất Mẹ, chị Thảo không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống nữa. Cuộc đời của chị xưa nay gắn bó với Mẹ. Chị với Mẹ tuy hai mà một. Số phận người này níu kéo số phận người kia. Trong “Hiếu Thảo”, hình ảnh hai ông bà cụ và một cô gái già có nét gì đó vừa cô đơn vừa sầu thảm. Có lẽ cuộc đời của chị Thảo sẽ khác hơn, có ý nghĩa hơn nếu hai cụ không đòi hỏi ở chị nhiều quá. Bi kịch của chị Thảo, của O Hậu, của cặp tình nhân có lẽ rất phổ biến trong các gia đình Việt Nam.

Nói chung, cái độc đáo của Miêng là sự tinh tế, thông minh, và sâu sắc khi viết về mọi vấn đề trong thời đại của chúng ta.

HOÀNG ÐỖ

Spokane, Washington,

10-1999

Cái đặc sắc đầu tiên của Miêng là những truyện thật ngắn. Như Biển chẳng hạn, không đầy ba trang, mà nhốt cả cái mênh mông dữ dằn của biển cả, cái thảm cảnh vô bờ của một chiếc ghe vượt biên bị chìm, cái ám ảnh cho đến phút lìa đời của người còn sống sót… Đọc xong thấy như một ngọn roi vừa vút qua tâm hồn.

Nhưng Miêng cũng gồm những chuyện bình thường, tác giả bộc lộ một cái duyên khác, dí dỏm, nghịch ngầm, trong ý tưởng, trong ngôn từ. Chính ngôn từ tạo nên sắc thái rất riêng biệt của Miêng, như chất chua quyến rũ trong một thứ trái cây ngọt.

Người ta còn nhận thấy qua nhiều truyện, tác giả có tham vọng đi thám hiểm vào cái vùng bí hiểm là tâm lý, là đời sống nội tâm, từ những phản ứng cụ thể của con người xã hội đến những nhân vật sống với ảo giác của riêng mình. Tác giả rình mò, chộp bắt được những mảnh sự thật lâu lâu mới trồi lên từ đáy vô thức  hiện trên màn ảnh của ý thức. Và bối cảnh chung cho hầu như tất cả mọi truyện, dù là xảy ra ở Việt Nam hay ở nước ngoài: sự đau khổ của Việt Nam. Người ta có thể nhìn thấy dấu ấn ấy trên khắp tác phẩm của Miêng, như một cái bóng đi theo tác giả hoài hoài, dù cho khung cảnh câu chuyện được dựng ở bất cứ phương trời nào.

PHẠM XUÂN ĐÀI

1999

VỀ LỐI VIẾT CỦA MIÊNG

Giống như những người viết cùng thế hệ mình, Miêng có lối viết chừng mực, trầm tĩnh, đơn giản.  Chị không vặn vẹo chữ nghĩa bắt chúng làm trò phù thủy. Chị cũng không trấn áp bạn đọc bằng những thủ pháp gây sững sờ. Chị viết truyện như một đạo diễn tài năng và tự tin, nắm vững bí quyết của nghề đến nỗi truyện cứ diễn tiến trôi chảy tự nhiên, cho đến một lúc bất ngờ nhất, từ trong tự nhiên, bi kịch xuất đầu lộ diện, và đời sống tưởng là bình thường mới trở lại chân tướng uyên nguyên đầy bất thường của nó.

Trong những truyện ngắn dài, Miêng có tài sắp xếp các chi tiết để câu chuyện có được hai ưu điểm rất ít người viết văn đạt được cùng lúc: sự lôi cuốn hấp dẫn nhờ tình tiết và sự tinh tế trong tâm lý và tư tưởng.

Thử đọc một truyện tiêu biểu thuộc loại này: truyện Nhân chứng.

Tình tiết câu chuyện vô cùng rắc rối, phức tạp. Một phụ nữ thuộc tầng lớp trí thức ở Pháp ngoại tình với chồng người bạn thân của mình. Người đàn ông ngoại tình kia lại lăng nhăng với một phụ nữ trẻ hơn, tệ hơn nữa, lập mưu giết vợ để thong dong chung sống với người phụ nữ trẻ đó. Vụ án mạng chắc chắn đã làm rúng động dư luận, nhất là khi người đàn bà ngoại tình ra trước toà thú nhận mình ngoại tình để cho hung thủ được trắng án, dù biết trước thú nhận như thế chồng con sẽ  xa lánh. Gia đình tan nát, nhân vật chính tìm gặp tình nhân, bắt gặp anh ta đang ân ái với người khác. Tuyệt vọng, nhân vật chính tự trầm ở sông Seine.

Cái kết của truyện cũng giống như cái kết bi thảm trong tiểu thuyết Anna Karénine của Léon Tolstoï…. Trong mỗi chi tiết, mỗi câu, đều hàm chứa một bi kịch lớn; nhưng điều đó không hề khiến cho truyện nặng nề. Không khí truyện của Miêng rất gần với không khí truyện dài của Faulkner, và truyện ngắn của Tennessee Williams (ít người biết tới truyện ngắn của kịch tác gia này, chỉ biết những vỡ kịch của ông). Nhưng hình thức truyện ngắn của Miêng lại giản dị và nhiều chất thơ, giống như những huyền truyện của nhà văn Ý Dino Buzzati.

Nhưng theo tôi, tài năng của Miêng thể hiện rõ nhất ở những truyện thật ngắn. Tác giả có biệt tài nén những ngọn sóng ngầm, những điên loạn bi đát vào trong  một lớp vỏ “tưởng như êm ả bình thường”. Trong những truyện này, chất bi đát được gói kín khéo léo, để chờ đến vài câu chót, khói thuốc nổ ấy bùng lên trước mắt độc giả. Ðọc những truyện thật ngắn này của Miêng, tôi có cảm tưởng đang nghe một điệu nhạc blue của một nhạc công da đen: anh thổi saxophone diễn tả nỗi cơ cực của những người nô lệ cùng màu da với anh, và đến chỗ thống thiết nhất, anh lấy tay bịt miệng kèn lại. Âm thanh uất nghẹn càng khiến bi kịch nô lệ thống thiết hơn. Truyện thật ngắn Biển là thành công trọn vẹn của Miêng trong thể loại này.

Nguyễn Nam Trân đã rất tinh nhạy khi nhận ra được không khí đầy “âm thanh và cuồng nộ” trong văn của Miêng. Nguyễn Nam Trân viết: “Yêu, ghét, đam mê, phản bội, thoái hoá, biến chất… hay lẩn trốn vào trong cơn điên dại như lẩn trốn vào cõi tĩnh lặng của con mắt một trận bão. Ðiên dại, hôn mê, khắc khoải là bầu không khí bao trùm lên một nỗi đau thời thế”.

Không khí ấy thật hiếm hoi trong văn nghiệp các nhà văn nữ Việt Nam xưa nay.

NGUYỄN  MỘNG GIÁC

1999

Nguồn: http://amvc.free.fr/Damvc/Mieng/AiThuong/TuBach.htm

Comments are closed.