Nhà thơ Giáng Vân: Không muốn mình là một kẻ amateur trong hội họa

Codet Hanoi

Xưởng họa của nhà thơ Giáng Vân và người bạn tâm giao Nguyễn Minh Hà chính là ngôi nhà gỗ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh nằm yên tĩnh trong làng Tứ Liên. Khi thành phố hết lệnh giãn cách, phong tỏa, hai người đàn bà lại tranh thủ thời gian, tới xưởng để vẽ những bức họa, để làm những điều mình thích. Vẽ, không chỉ là niềm vui, sở thích, mà như một biểu hiện tồn tại của bản thân cả hai người đàn bà trong không gian khá xưa cũ này.

TƠ DUYÊN HỘI HỌA

“Vân – 2021” – cái tên của cuộc triển lãm này cũng đơn giản như chính chị,nhưng tôi nghĩ không hẳn vậy. Chị nghĩ sao?

Thực sự thì khi đặt tên cho một triển lãm mới cũng thật khó. Cũng khó như khi đặt tên cho một tập thơ mới vậy. Nó phải chứa đựng một thông điệp mới. Ít nhất là mới với chính bản thân mình. “Vân – 2021” là một lựa chọn về sự đơn giản đúng như bạn nói. Đến một lúc nào đó thì chúng ta mới hiểu được rằng những gì quan trọng bao giờ cũng tìm một cách nói giản dị. Một thông điệp bằng cách nói giản dị luôn có khả năng đi thẳng, trực tiếp đến người tiếp nhận nó. Tôi cũng muốn thông qua cái tựa đề đơn giản này để nói rằng hội họa này là Giáng Vân của năm 2021, là kết quả của cái hành trình Giáng Vân đã đi tới đó. Vậy thôi.

Là một người khá quen thuộc trong làng thơ, vì sao chị “chuyến phắt cái” sang hội họa? Hay đây là cả một quá trình ngấm dần từ xưa?

“Chuyển phắt sang hội họa” ư? Đâu có chuyện đó. Dường như tôi có mối tơ duyên với hội họa đã từ lâu lắm. Ngày đi học tôi thường là người được cử trình bày báo tường cho lớp này, chơi thân với rất nhiều bạn là dân mỹ thuật này, triển lãm nào đáng chú ý đều đi xem này. Viết bài về các triển lãm và các họa sĩ này. Dây dưa sâu hơn là việc tôi dám làm hẳn một phòng tranh và tổ chức triển lãm cho các họa sĩ từ năm 2005. Nhưng sự vụ này chỉ kéo dài sáu tháng với ba cuộc triển lãm khá đình đám. Tôi dừng lại vì hiểu ra rằng đây là một công việc quá sức mình và không hề đơn giản. Dừng lại với một ý nghĩ rằng ta sẽ không bao giờ nghĩ tới nó nữa. Rồi không ngờ khi chuẩn bị nghỉ hưu công việc làm báo, lại có lời đề nghị vào vị trí điều hành một Trung tâm Nghệ thuật đương đại. Người giới thiệu tôi là nghệ sĩ Trần Trọng Vũ. Dù rằng tôi đã cố gắng hết sức mình để đưa trung tâm có được một vị trí được đánh giá rất cao lúc đó, nhưng tôi cũng lại nhận ra việc đó cũng không thích hợp với mình. Rất nhanh chóng tôi lại xin rút lui.

Còn câu chuyện để trở thành được gọi là họa sĩ là hết sức tình cờ. Một người bạn thân gợi ý, hay chúng mình rủ một nhóm mời thầy về dạy vẽ. Tôi nhất trí ngay. Nhà tôi đang ở trở thành lớp học. Mỗi tuần một buổi. Buổi học đầu tiên vào ngày 26/2/2017. Điều thú vị nhất là tôi phát hiện ra mình có khả năng vẽ. Tất cả các bài tập của tôi đều trở thành các bức tranh. Chủ yếu là tĩnh vật, phong cảnh và chân dung. Triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi gồm 30 bức bày ngay tại nhà riêng lúc đó là “Giáng Vân Art Space”. Đến cuộc này là triển lãm cá nhân thứ ba không tính một số lần tham gia chung. Hiện giờ thì hội họa đang là mối quan tâm chính của tôi. Tôi có một xưởng vẽ (chung với chị Minh Hà bạn tôi) và tôi đến đó thường xuyên để làm việc.

Trong triển lãm Vân – 2021 tới, chị sẽ trưng bày bao nhiêu tác phẩm, và chúng đã có ý nghĩa thế nào trong thời gian sáng tác vừa qua của chị?

Trong “Vân – 2021”, tôi bày khoảng 45 bức. Một nửa vẽ trên toan bằng acrylic và sơn dầu. Một nửa là mực tàu và acrylic trên giấy dó.

Triển lãm này để trình ra một cái tôi của thời điểm này. Là cái tôi đã đi qua rất nhiều thứ để đến đây như vậy. Cụ thể hơn cũng có thể hiểu rằng, đây là dấu mốc mà tôi không muốn coi mình là một kẻ amateur trong hội họa nữa.

Vẽ, với chị, có là “khó” không? Khi vẽ, chị có gặp nhiều “áp lực”, ngại ngần không?

Bắt đầu vẽ cũng như viết, bao giờ cũng khó. Ngồi trước trang giấy hay ngồi trước tấm toan bắt đầu cho một tác phẩm mới tôi thấy, đều khó như nhau. Cái sự bắt đầu là khó nhất. Nhưng vượt qua được nó thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Khi đó dường như mình bị dẫn dắt đi. Có những người vẽ khác tôi thấy họ làm chủ hoàn toàn cuộc chơi từ đầu đến cuối. Tôi thì chịu. Tôi cũng định thế này thế nọ. Nhưng kết cục nó lại khác hoàn toàn so với dự định. Màu sắc và nhịp điệu chi phối và dẫn dắt tôi. Ngay cả thơ cũng vậy thôi. Tôi viết theo sự dẫn dắt vô hình của ngôn từ, âm thanh và nhịp điệu. Còn áp lực và ngại ngần? Không, tôi không có áp lực hay ngại ngần nào. Tôi vẽ vì hứng thú tự nhiên. Tôi không phải cạnh tranh với ai. Có thể tôi có lợi thế là đã bắt đầu như một cuộc dạo chơi, khi ở cái tuổi đã có quyền được nghỉ ngơi. So với công việc viết lách cực nhọc thì vẽ với tôi hoàn toàn là một vui thú.

Tông màu hoặc gam nào chị thường thích sử dụng trong các bức tranh của mình?

Gam màu tôi thường sử dụng phụ thuộc vào các trạng thái cảm xúc. Bạn sẽ thấy điều này trong tranh của tôi. Nhưng nhìn chung, tôi thích màu trầm và ấm. Và một sự xao động trong màu sắc. Tôi tự cảm thấy mình có một cảm giác về màu khá tốt. Một linh giác về màu.

Điểm khác biệt, hoặc sự thích thú khi chị vẽ trên giấy dó, khác với sơn dầu như thế nào?

Giấy dó là một chất liệu tôi vừa mới làm quen nhưng cực kỳ thú vị. Vẽ trên giấy dó có hai yêu cầu rất khắt khe: Một là phải vẽ rất dứt khoát. Đã hạ bút là không sửa được. Hai là làm chủ được độ loang của mực và màu. Cũng do đó mà nó khác hẳn với sơn dầu và acrylic trên toan là những chất liệu cho phép mình vẽ nhiều lớp, có thể sửa chữa, có thể hoàn thiện dần. Độ loang của mực trên giấy dó tuy khó chơi nhưng lại có thể tạo ra những hiệu ứng bất ngờ, tạo ra những không gian mơ hồ nhiều ẩn ý mà tôi không làm được với sơn dầu hoặc acrylic trên toan.

Chị dường như cũng khá mạnh trong mảng vẽ chân dung?

Chân dung. Vâng các bạn họa sỹ của tôi cũng nói rằng tôi mạnh về chân dung. Trời cho chăng? Tôi biết không có nhiều họa sĩ vẽ chân dung đẹp. Mà chân dung thì quan trọng là ra được tinh thần, thần thái của người được vẽ. Mà hình họa anatomy của tôi thì rất khiêm tốn. Mà tôi lại vẽ được thì chẳng trời cho là gì?

KHÔNG MẮC BẢ HƯ DANH

Chị có nghĩ mình được gen nghệ thuật nhiều từ người cha, nhà văn quân đội Nguyễn Trọng Oánh?

Gien từ cha tôi chắc là có đấy. Cha tôi từng coi tôi là niềm hy vọng của ông. Cha tôi là một người khắc kỷ. Ông khắt khe với chính mình và với con cái. Khi ông ở chiến trường B2, tôi học phổ thông, làm thơ và một lần chép gửi vào Nam cho ông rất nhiều. Thư đi thư về rất lâu, đến cả năm sau chúng tôi mới nhận được thư ông trả lời. Ông viết cho mẹ, cho cho các con, cho ông ngoại, cho cho cậu, cho các bác. Dòng cuối cùng về thơ tôi, ông chỉ viết: “Cha có nhận được thơ của Giáng Vân”. Chấm hết.

Chỉ khi tôi vào đại học, ở cùng ông trong căn phòng ở số 4-Lý Nam Đế, vẫn viết thơ để lung tung trên bàn, dưới sàn nhà. Ông đọc và bảo: “Cha thấy thơ con được đấy. Nếu con đồng ý thì cha gửi giúp sang báo Văn Nghệ”. Đó là lần đầu tiên tôi có thơ in báo. Lại đăng cả ảnh cùng với các nhà thơ đàn chị: Ý Nhi, Vân Đài, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn… Khi đó cha tôi mới gọi tôi ngồi với ông và nói: “Khi trước con gửi thơ cho cha, cha thấy thơ con cũng có thể in báo như Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên… nhưng cha sợ con nổi tiếng rồi sẽ hư hỏng. Cha nghĩ rằng cứ để con sống hồn nhiên. Nếu con có nội lực con sẽ đi tiếp. Bây giờ con lớn hơn và biết suy nghĩ hơn rồi, nên cha không còn lo nữa”. Lúc đó tôi 17 tuổi, đã khôn gì đâu. Nhưng tôi hiểu đó là lời răn dạy của cha tôi cho cả cuộc đời tôi sau này để tôi không mắc phải cái bả hư danh trên con đường làm nghệ thuật mà không ít người mắc phải.

Tới lượt mình, chị chia sẻ, bồi đắp, vun vén cho cuộc sống con gái mình như thế nào, để có thể an tâm cô con gái bé nhỏ sống độc lập xa mình?

Con gái tôi, cháu đang trên đường trở thành một nhà thiết kế thời trang. Cháu có nỗi vất vả và lo âu của bản thân trước một thời đại biến động và đầy bất trắc. Những kinh nghiệm của tôi dường như chẳng giúp được gì lắm. Tôi chỉ mong con có một tấm lòng từ bi quảng đại. Còn về nghề nghiệp nhiều cạnh tranh mà cháu bước chân vào, thì điều cần thiết để tồn tại được là phải có một lối đi riêng, dù rất nhỏ. Vậy thôi.

Sống một mình, thế giới riêng của chị là gì?

Thế giới một mình của tôi cũng đủ các cung bậc buồn vui, lo âu, thất vọng và hy vọng. Tôi may mắn hơn nhiều người ở chỗ được sống với văn chương hội họa, với tri thức và sách vở. Tôi lại có nhiều bạn bè tử tế, nhiều sự đồng cảm với mình trong cuộc sống, nghệ thuật, văn chương, mỹ cảm… Như thế cũng gọi là hạnh phúc chứ nhỉ?

Đến bây giờ, thứ quan trọng nhất với chị là gì?

Thành thật mà nói, những gì tôi làm được chẳng đáng là bao. Chẳng có gì đáng kể lắm. Tôi đã để phí hoài rất nhiều thời gian. Phí hoài rất nhiều năng lượng. Rất nhiều thứ cần làm, tôi vẫn chưa làm được. Rất nhiều món nợ tôi chưa trả được. Đáng tiếc là mãi đến một tuổi nào đó người ta mới nhận ra được là họ đã phí hoài tuổi trẻ biết bao.

Các đàn anh, đàn chị văn chương thường giục giã và có ý trách móc tôi là có khả năng mà không chịu làm cái này cái nọ. Đành rằng vì số phần tôi vất vả, hết chăm lo cha mẹ lại đến em trai đau ốm, rồi đến vất vả nuôi con một mình, nhưng có lẽ trên hết, tôi không thấy gì quan trọng quá trong cuộc đời. Nếu tôi có sa chân vào văn chương hay gì đi nữa thì có lẽ là bàn tay của số phận chăng?

Vậy nên đừng nói gì to tát. Cứ để mọi điều diễn ra một cách tự nhiên thôi.

Xin chân thành cảm ơn chị.

243375258_403272157867256_7353813075186303404_n

Comments are closed.