Sài Gòn & triển lãm hội họa

Trịnh Cung

Chỉ trong hai tuần lễ của tháng 7-2022, tôi được xem ba cuộc triển lãm hội họa lớn nhỏ khác nhau, đẳng cấp khác nhau, nhưng có chung một cảm xúc thú vị mà lâu lắm tôi mới có lại. Đó là tôi đã không đến được ít nhất là ba cuộc triển lãm khác cũng rất qui mô.

Lẽ dĩ nhiên, trong ba cuộc triển lãm mà tôi có đưa hình ảnh ở đây, tranh của bốn vị họa sĩ tiền bối thời Mỹ thuật Việt Nam mới được khai sinh gồm Lê Phổ, Mai Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm được nhà đấu giá tác phẩm nghệ thuật khổng lồ Sotheby’s tổ chức là giá trị và qui mô chuyên nghiệp nhất và cũng hiếm khi xảy ra ở Việt Nam.

 

1.

Hồn xưa bến lạ

Cá nhân tôi không xa lạ gì tranh của bốn vị danh họa này vì ngoài việc học hỏi ở tài năng và nhân cách lớn của các Thầy, trừ bà Lê Thị Lựu tôi chưa được gặp, còn ba vị danh họa trên tôi đều được thăm viếng tận xưởng vẽ riêng mỗi người tại Paris và miền trung nam nước Pháp vào dịp thăm nước Pháp năm 1994. Riêng họa sĩ Mai Thứ, tôi và các bạn cùng khóa Cao đẳng Mỹ thuật Huế khóa 2, cùng được thầy Mai Thứ dạy về cách vẽ tranh lụa khô mà ông đã sáng tạo ra, khi ông trên đường từ Paris về Việt Nam, ghé thăm Huế.

Cái đặc sắc của tranh bộ tứ này không phải ở chất lượng hội họa bậc thầy, xin miễn bàn, mà theo tôi là phong cách riêng nhưng lại rất đặc thù Việt Nam. Dù sống nhiều năm trên đất Pháp, do thầy Pháp dạy và thậm chí còn lấy vợ đầm, bà Lê Phổ nguyên là nữ phóng viên Mỹ làm việc cho tạp chí Life, bà Vũ Cao Đàm là một phụ nữ Pháp. Dù vẽ tranh lụa hay sơn dầu, dù truyền thống hay hiện đại, dù thị trường có thương mại hóa, cái di sản văn hóa Việt vẫn luôn bàng bạc trong tranh không những chỉ có ở Lê Phổ, Mai Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm mà cái linh hồn Việt Nam kỳ diệu ấy không một họa sĩ Việt Nam đích thực nào không mang vào tranh mình.

Việc làm này cho thành phố HCM, cho dù Sotheby’s trong kế hoạch thương mại lớn của mình cho tương lai tại Viêt Nam có đi chăng nữa, những ai đã may mắn được đến Park Hyatt Hotel trong những ngày qua đều cảm thấy rất hạnh phúc và được nhiều cảm hứng làm việc cho ngày mai. Chân thành cảm ơn Ace Lê và ê kíp thay mặt cho Sotheby’s và các nhà sưu tập Việt Nam đã làm nên cuộc triển lãm quí hiếm này.

2.

Tranh Biểu hiện của Út Hoa

Đó là những bức vẽ trên giấy có dậm thêm màu nước, kích thước cỡ 40cm hoặc nhỏ hơn. Chúng được bày trên vách của một quán cà phê nằm heo hút trên tầng 2 một chung cư cũ trên đường Đồng Khởi có từ thời Sài Gòn được người Pháp qui hoạch từ hơn trăm năm trước.

Cái không khí từ tăm tối của cái hẻm dẫn lên quán cà phê RedDoor, nơi nữ họa sĩ Út Hoa bày tranh bằng những bậc cấp xi măng già cỗi, chênh vênh sáng tối khiến làm người tìm đến phòng tranh một cảm giác đi khám phá điều gì đó sẽ không bình thường.

Đúng vậy, một không gian êm đềm và riêng tư ở đây làm tôi liên tưởng đến những quán nhỏ ở Paris thời của những Picasso, Utrillo,… đã ngồi và trả tiền cho một cốc rượu bằng một ký họa.

Và tôi đã gặp Út Hoa cùng những bức vẽ. Cả người lẫn tranh giống hệt nhau. Một dáng vẻ khiêm tốn nhưng nội tại đều không che giấu những âu lo đến sợ hãi, những dằn vặt đến giày xéo. Tranh thì nhỏ nhưng nội hàm thì dữ dội, hình thức thì khiêm tốn nhưng lại vang ra tiếng khóc nức đầy uẩn ức.

Với sự sở hữu một kỹ năng hội họa vững chắc và sinh động, Út Hoa dễ dàng thành công với loại tranh thị trường, xinh đẹp pha chút lãng mạn nhưng người nữ họa sì trẻ này lại chọn cho mình con đường hội họa biểu hiện vừa không mang lại sự thăng hoa cho thị giác lại còn gây ra cho người xem những làn sóng đầy ám ảnh?

Nhưng đó là một Út Hoa của một ngôi sao hội họa Việt Nam nếu biến những nỗi bất hạnh, những nỗi đau trời cho để mở rộng tầm cỡ tác phẩm của mình cả hai chiều sâu và rộng về sáng tạo.

3.

Trừu tượng của Bùi Chát

Tôi phải đi tìm xem tranh của Bùi Chát, một nhà thơ theo trường phái Hậu Hiện Đại của Sài Gòn những năm 2004.

Nơi triển lãm nằm trong một con hẻm đường Nguyễn Trọng Tuyển. Và một không gian bày tranh hiện ra khá là gallery với nhiều tranh trừu tượng khổ lớn, trưng bày từ tầng trệt đến tầng lầu. Tôi nghe Nguyễn Viện nói Bùi Chát đã vẽ hơn 200 bức, một con số phi thường khiến tôi càng muốn đến tận mắt xem sự phi thường này.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đến đây là rất vui vì Bùi Chát được giới văn nghệ ngoài luồng đến ủng hộ khá đông. Trò chuyện văn chương rôm rả. Tôi đi vào giữa phòng tranh, màu sắc và kích cỡ các bức tranh áp đảo thị giác tôi. Nhiều tảng màu được nhà thơ ném tự do lên khung vải mạnh đến độ mà tôi có cảm giác nó bay ra khỏi tranh và khiến tôi phải thận trọng trước cơn bão hội họa Bùi Chát.

Cuối cùng tôi cũng tìm thấy trong hỗn mang màu và nhát chém của cọ vẽ Bùi Chát những bức trừu tượng đáng yêu nhất của Bùi Chát và tôi đã có trao đổi với Bùi Chát một số ý về chuyên môn để tùy nghi tham khảo. Trong đó, tôi đề nghị Bùi Chát cần giảm số lượng để tập trung chất lượng cho những tác phẩm có vóc dáng nghệ thuật đích thật.

Nền tảng của nghệ thuật là thi ca, Bùi Chát không nên để bị thứ hội-họa-trừu-tượng-hành-động này khuynh loát vì cái trend này đã lỗi thời.

Sài Gòn, 16-7-2022

TC

image

Tranh Út Hoa

image

Triển lãm tranh Bùi Chát

image

Tranh Bùi Chát

image

Triển lãm Mỹ thuật Đông Dương

Comments are closed.