Đông Ngàn Đỗ Đức
CẢM NHẬN KHI XEM MỘT PHÒNG TRANH ĐƯƠNG ĐẠI
Hôm qua, 15/3/2023 tôi vào xem một studio trưng bày tác phẩm của một tác giả sinh năm 1978. Có một số họa sĩ viết giới thiệu cho tác giả. Tựu trung khen là tác giả đã sắp xếp thế giới theo cách riêng của mình, có cái nhìn độc lập của riêng mình và nhiều khen ngợi đề cập đến những bức tranh trong phòng. Tôi đọc nhưng cũng chưa thấy xác tín từ nhưng lời bình nhiều chữ nghia khéo léo đó mà chỉ cảm nhận là bước vào một thế giới xa lạ. Vẫn là con người, đồ vật, súng ống xe cộ quen thuộc, đàn bà thì gầy thon có, béo chảy mỡ có, méo mó xô lệch có. Tất cả đầm trong sắc đỏ rần, choán hầu như khắp các tranh, ngổn ngang như một bãi rác có trật tự, vì quá nhiều thứ sắt thép đinh ốc và thanh kim loại cùng xe cộ dây rợ. Phần lớn tranh vẽ người trần trụi, một số bị cắt bỏ một phần cơ thể, không đầu, hoặc đầu chỉ là khối lớn của một con mắt. Một thế giới hội họa xa lạ đâu đó ở Âu châu xa xôi nhưng đẫm máu me giàu có chất đe dọa khủng bố tràn về đây.
Tôi nói với bạn cùng đi: Khác thế hệ, thật khó chia sẻ. Thế hệ mình đi trước, vẽ khác, nghĩ khác. Nghệ thuật là tiếng nói của thế hệ với thời đại của nó. Khi mình xem mãi các triển lãm có kiểm duyệt trong nội thành hiền lành đến mức quen thuộc và nhàm chán, thì đến triển lãm này mình bị sốc bởi qua xem tranh thấy người vẽ như đến từ một thiên hà khác, đầy huyền bí, rắc rối trong lạnh lùng và khắc nghiệt. Tranh đầy chi tiết mà hoang vắng chứa chấp nhiều bạo lực.
Ở đây thấy sự tự do tuyệt đối của tác giả. Họa sĩ hoàn toàn vẽ theo cách nghĩ của mình và bày tỏ nhưng triết luận của mình. Đúng là không gian sáng tạo của riêng anh ấy. Thắng thua anh ấy chịu, không cần bận tâm đến người xem nghĩ sao! Người bạn cùng tôi ngồi cùng salon im lặng hồi lâu. Tôi hỏi anh ấy: Cậu thấy sao. Anh trầm ngâm hồi lâu không nói. Tôi nghĩ đây là đương đại, họa sĩ trình bày suy tưởng của mình về một thế giới mà anh ấy nhận thức thấy trên tinh thần chủ quan tuyệt đối. Có cái hay riêng. Nhưng tác giả hướng về phương Tây từ vẽ đến tổ chức tạo hình. Một thế giới nội tâm giằng xé đến nát vụn cũng cuồng loạn chất Tây phương.
Họa sĩ có tay nghề rất vững, vẽ rất tự tin và kĩ lưỡng từng chi tiết đến nhưng bệt màu nhỏ nhất, Đồ nghề cũng dị mọ. Có kính lúp và kính mắt để phóng to chi tiết khi vẽ cho chuẩn xác. Nghề kĩ đến như thế thật sự đáng nể trọng.
Xem xong phòng tranh rất mệt. Căng thẳng, sốc về màu và tạo hình, Rút ra mấy kết luận sau: rằng đây là bước đầu tìm của họa sĩ, hàng còn thô và tự nhiên. Họa sĩ áp đặt toàn bộ khi sáng tác. Màu áp đặt theo lý trí, bắt mắt nhưng vì thế mà va đập rất mạnh lên vỏ não, làm cho người xem thấy tranh khô khẳng lạnh lùng. Hình thì rối rít nên khi xem tranh như ngồi cạnh người đàn bà lắm lời, nói huyên thuyên mà không rõ bà ta nói gì, ù cả tai, căng cả não, thưởng thức một thứ quá tải. Mình nói với bạn khi thấy mấy tranh được người mua chấm, rằng người mua chắc tuổi trẻ dưới 60 thậm chí dưới 50 mới chịu được áp lực ồn ào chát chúa như sàn nhảy giữa hộp đêm. Kinh hoàng luôn.
Tôi nghĩ đây là chặng đường đầu tìm kiếm, Bao giờ tác giả đơn giản được chi tiết thì tranh chắc sẽ hay hơn. Nhưng sự bền bỉ là một thử thách. Cần có bản lĩnh và trí tuệ tốt thì mới có thể.
May mà phòng trưng bày có cái video Art của Pat Cam làm dịu đi giữa nghĩa địa sắc đó và một lối diễn hình từ đầu đến cuối. Video Art kéo lại cho phòng tranh cái nhịp sống của con người giữa dòng đời nhân ái yêu thương.
Rất khâm phục tác giả nhưng không chia sẻ được với dòng tranh này, như cây không gốc, cảm xúc của nó không tới được mình, nó xa lạ đến tàn nhẫn, chỉ góp phần là hoang vắng tâm hồn và không thấy tình yêu từ con người. Cuộc sống đấy mà như xứ sở trí tuệ nhân tạo, lạnh lùng vô cảm. Một lần xem và một cảm tưởng chốc lát – nó là của tôi, không phải của ai khác và càng không phải của tác giả. Đã xem phải nói rõ cảm xúc của mình.
Bước ra khỏi phòng tranh cảm thấy căng đầu, tăng huyết áp!
16/3/2023